Cơ sở Việt Tộc Paris


A- Cách đọc sách để tìm hiểu sự thật.
B- Triệu Đà là Việt hay Tàu?

Góp ý cùng bạn đọc
Cơ sở Việt Tộc Paris
Cơ sở Việt Tộc Paris xin đóng góp ý kiến sau đây của riêng chúng tôi để làm sáng tỏ hai vấn đề:

*

Mục đích của chúng ta đọc tài liệu lịch sử là để rút tỉa kinh nghiệm người xưa, có cùng một tâm tư và khả năng như chúng ta, rồi cộng với kinh nghiệm ngày nay của chính mình để giải quyết vấn nạn đương thời sao cho hữu hiệu. Ta muốn cái gì, nay ta có khả năng gì và phương tiện ra sao thì phải biết cho rõ; lúc đó mới có thể hoạch định chương trình hành động được.

Lịch sử không phải là tiểu thuyết đầy hư cấu và tưởng tượng với mục đích là đọc cho vui. Vậy thì khi đọc những tài liệu nghiên cứu về lịch sử nước Việt, chúng ta có cái nhìn và suy luận như thế nào cho đúng? Có nhìn đúng thì mới lên chương trình hành động hữu hiệu được. Còn nhìn sai tất sẽ sai ngay từ kế hoạch sai đi và thất bại là chắc chắn.

Sự kiện xảy ra trong quá khứ chỉ có một thôi, danh nhân cũng chỉ có một căn cước thôi. Vì thế nên hai điểm ở trên cần phải được đóng góp ý kiến để làm sáng tỏ vấn đề. Sau đây là ý kiến của anh em trong cơ sở Việt Tộc Paris, hầu hết là người thuộc thành phần khoa học và kỹ thuật, suy ra từ những tài liệu mà chúng tôi có trong tay cùng với sự hiểu biết giới hạn của mình dưới cái nhìn méo mó nghề nghiệp của người có đầu óc khoa học.

 

A.- Cách đọc sách để biết sự thật

Câu "nói có sách, mách có chứng" chỉ là sự đòi hỏi những tài liệu tham khảo (bibliographie), chứ không hẳn đương nhiên là sự thật. Điều kiện này các khoa học gia hay dùng để coi xem luận án là do đương sự làm hay đi thuổng của người, để xem phần nào là những khám phá của người đi trước, phần nào là do thí sinh tìm thấy. Sau đó mới luận về giá trị của luận án đúng hay sai mà phê chuẩn đỗ cao hay thấp.

Đằng này chúng ta đọc sách lịch sử là để rút kinh nghiệm người xưa mà áp dụng cho ngày hôm nay. Vậy thì giá trị là ở chỗ thành công hay thất bại sau khi hành động. Đừng làm một đằng mà kết quả đi một nẻo, có ngoài dự tính hay không. Kết quả thực nghiệm cho biết là đúng hay sai, chứ không phải sự phê phán đúng hay sai trên lý thuyết xuông.

Vì vậy khi đọc sách để rút kinh nghiệm thì đừng quá tin nhiều vào sách. Cần phải biết:

1- Sách ra trong bối cảnh xã hội nào, có bị ảnh hưởng chánh trị hay không?

2- Tác giả thuộc loại nào, sự hiểu biết thuộc về địa hạt nào, tư tưởng có méo mó hay không, viết với mục đích gì, tài liệu dẫn chứng lấy từ đâu và suy luận có chặt chẽ hay không?

Sách viết sai hay thiếu. Chừng có một chiều thì làm sao tin được? Tỷ dụ Chủ Thuyết Cộng Sản bắt nguồn từ Vệ Ửng, được Tần Thủy Hoàng đem ra áp dụng. Sau được Lénine biến chế; nghe thì hay lắm, lý thuyết hấp dẫn. Chẳng thế mà cả một nửa thế giới mắc mưu, nhưng thành quả ra sao thì chúng ta đã biết. Chế độ này có sức mạnh vô song, nhưng lại chết yểu; và cách chết giống nhau là chết từ trong chết ra chứ không phải từ ngoài chết vào như chủ nghĩa chủng tộc ưu việt của Hitler.

Xin dẫn một vài chứng cớ cụ thể:

– Trái đất tròn hay méo?

Điểm này đã được tất cả các nhà  bác học Âu Mỹ tranh luận cả hàng thế kỷ và sau cùng họ hoàn toàn đồng thuận là "Trái đất không thể tròn như trái bóng đá được". Ai nói ngược lại là phản khoa học, cả vú lấp miệng em.

Trái đất bắt buộc phải méo, nhưng mỗi phe méo theo kiểu của mình. Phe thì bảo nó phình hai đầu như quả banh rugby vì hấp lực trái đất ở gần cực lớn hơn ở xích đạo. Phe thì bảo nó dẹp hai đầu mà phình ở xích đạo như quả bưởi vì do sức ly tâm gây ra. Y hệt như đứa trẻ hỏi Khổng Tử (vì ông này tự cho là uyên bác, tinh thông mọi vật) là: "Mặt trời lúc ban mai xa ta hơn là mặt trời lúc giữa trưa hay ngược lại?" Khổng Tử tịt vì bị đứa bé hỏi vặn là tại sao lúc giữa trưa nóng hơn lúc ban mai, vậy thì mặt trời lúc giữa trưa gần ta hơn. Nhưng tại sao mặt trời lúc ban mai lại to hơn giữa trưa, như vậy là mặt trời lúc ban mai gần ta hơn.

Tất cả các sách giáo khoa ấn hành trước Giáng Sinh 1968, từ tiểu học cho đến đại học đều khẳng định là trái đất méo, và coi đó như một định luật thiên nhiên bất biến. Nhưng sau Giáng Sinh 1968, loài người lên quỹ đạo cung trăng, chụp hình gửi về thì trái đất tròn xoe như trái banh. Từ đó không ai dám nói là méo nữa. Ít nhất các nhà bác học cũng có tinh thần phục thiện. Nhưng từ đó đến nay không thấy vị nào giải thích là tại sao nó quay nhanh xung quanh trục mà sức ly tâm không làm nó phình ra, và tại sao nó tròn mà sức hút mỗi nơi một khác?

Cái đó cho chúng ta suy ra rằng: Các công thức và định luật vật lý hiện chúng ta đang học thì chỉ có giá trị tương đối mà thôi, và chỉ đúng trong một môi trường nào đó thôi.

– Sử Việt do học giả Việt viết đúng hay sai?

Lấy một sử gia có giá trị là cụ Trần Trọng Kim, không ai chối bỏ sự hiểu biết uyên thâm của cụ. Nhưng cũng có lúc cụ viết theo định kiến nên không nhìn thấy sự thật.

Bằng chứng:

Trong lời tựa, cụ có nói rõ là lấy tài liệu của Bắc Kinh, tuy không hoàn toàn chính xác nhưng ít ra cũng cho thanh thiếu niên biết sơ lược về lịch sử nước nhà và hy vọng người sau sẽ viết lại cho đúng hơn.

Nên nhớ lúc đó sống dưới thời nô lệ Pháp, người Việt không được học tiếng Việt, không được học sử Việt. Chữ Quốc-Ngữ là loại chữ phụ chỉ dạy cho các em dưới 9 tuổi và cho như vậy là thông thạo rồi. Ai hỏi thì trả lời tỉnh bơ là tiếng Việt có gì để học đâu; tiếng Pháp uyên thâm nên phải học cho kỹ vì câu văn có Suijet, Verbe và Complément hẳn hoi. Viết phải có accord với nhau cho rõ ý (tiếng Việt gọi là điệp ngữ và rất kỵ việc viết đi viết lại chữ đã viết). Nói phải chia verbe theo các thì (temps) cho chuẩn. Tiếng Việt không có cách hành văn này nên bị chê là nói không mạch lạc, tiếng nói nghèo nàn.

Vì không đọc lời tựa nên chúng ta nghĩ rằng đó là tài liệu của nhà Nho học uyên bác, và tin đặc. Cái nhầm căn bản là ở chỗ này đây.

Cụ không phải là khoa học gia nên không có cái lý luận của nền khoa học Tây Phương. Vì thế nên cụ đã viết để ta thấy rằng lịch sử nước Việt bắt đầu từ nhà Đinh (Đinh Tiên Hoàng Đế). Cụ chỉ đặt vấn đề về 18 đời Hùng Vương là 18 ông vua thì không ổn, cần phải xét lại. Cụ đâu có bảo người xưa nói sai, cụ chỉ nói là nghe chưa ổn. Thế mà hậu sinh vin vào đó để đả kích người xưa là khoác lác mà quên rằng chữ đời là một triều đại với một dòng họ. Trong khi đó chúng ta vẫn nói đời nhà Trần, đời nhà Lý... Mỗi đời đâu có phải chỉ có một ông vua? Đời thứ nhất mang dòng họ Hồng Bàng, đời thứ 18 mang dòng họ Trưng, sử ghi rành rành mà ta không chịu hiểu.

Cụ có tinh thần yếm thế nên có cái nhìn bi quan. Có hợp nhãn quan của các Quan Thuộc Địa thì sách của cụ mới được phát hành. Còn sử của cụ Phan Bội Châu như cuốn Việt Nam Vong Quốc Sử thì chúng ta đâu được quyền đọc. Sử do trường Đông Kinh Nghĩa Thục và các nhà ái quốc khác cũng bị cấm luôn.

Vì không có tài liệu tham khảo thêm nên chúng ta nghĩ rằng sử nước ta nghèo nàn, tổ tiên ta có tinh thần nô lệ; không có đầu óc sáng tạo, tiếng nói nghèo nàn chứng tỏ đầu óc rỗng tuếch. Nhà Tây Sơn thì bị nhà Nguyễn Gia Long vu khống là một loại giặc cỏ, anh em giết hại nhau. Nhà Mạc là ươn hèn tự trói mình đem nộp cho Tàu để bảo vệ sự tự chủ cho dân tộc, mặc dù biên cương nước ta dưới thời nhà Mạc không bị Tàu hay Tây xâm chiếm, cắt xén như thời Việt Cộng hay Gia Long. Trong khi dưới thời nhà Nguyễn Gia Long và Việt Cộng ngày hôm nay thì các quan thái thú Gia Long và con cháu Hồ Chí Minh đem dâng đất và biển cho ngoại bang thì tự ca tụng công đức lừa bịp của mình. Sự tàn lụi của dân tộc đã chứng minh điều này: đây là hai triều đại mang nhục đến cho dân tộc, rước voi vể dày mồ vì danh và lợi cá nhân của mình.

Dẫn chứng những cái nhầm

Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu lên hai cái nhầm cố ý ở cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần tiên sinh trong bài Bình Ngô Đại Cáo có in bản phiên âm (viết ký hiệu tiếng Hán nhưng đọc theo âm Việt) chữ Hán nguyên gốc trong sách nên dễ nhận ra:

Bản chính viết:

Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các Đế nhất phương.

- Tức là triều đình nhà Triệu (Triệu Đà) cùng thời với Hán Cao Tổ (Lưu Bang).
- Nhà Đinh ngang với nhà Đường.
- Nhà Lý ngang với nhà Tống.
- Nhà Trần ngang với nhà Nguyên (Mông Cổ).

Bốn triều đại Việt Nam này đã thành công trong việc đánh đuồi ngoại xâm phương Bắc. Đúng hay sai là một chuyện, nhưng khi chuyển ngữ (chuyển từ chữ Hán sang chữ Việt, tức phiên dịch) thì người dịch có bổn phận làm như cái máy, không được thêm bớt để cố tình làm sai ý tác giả, đưa ý kiến của mình vô.

Bài dịch là:

Từ Đinh Lê Lý Trần gây nền độc lập,
Cùng Hán Đường Tống Nguyên hùng cứ một phương.

- Như vậy là cụ bảo: Lịch sử nước Việt bắt đầu từ thời nhà Đinh. Nguy hiểm ở chỗ là mọi người cứ tin đặc như thế. Nhà Nho học uyên thâm họ Trần nhầm sao được? Ai cãi lại đều bị chụp mũ là tự ái dân tộc mù quáng, chối bỏ sự thật.

Phiền một nỗi là dịch giả (dù cho là cụ Bùi Kỷ, nhưng in trong sách Trần tiên sinh là cụ Trần Trọng Kim đã đồng ý như vậy) lại cho Triệu Đà là người Tàu. Trong khi đó thì Đức Thánh Trần và Quốc Sư Nguyễn Trãi lại cho Triệu Đà là người Việt. Vì thế nên dịch giả tự ý vứt Triệu  Đà đi và thay vào bằng Lê Đại Hành nên câu văn không tương xứng với thời gian và biến Quốc Sư Nguyễn Trãi thành kẻ... nói láo, không thuộc lịch sử. Vậy mà trong cuốn sử đã thấy mâu thuẫn rồi. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Nếu Triệu Đà là Tàu thì dân Việt nô lệ Tàu từ năm 207 trước Tây Lịch (từ đời nhà Triệu) chứ đâu phải nô lệ từ đời Tây Hán, 111 trước Tây Lịch như sử của cụ chép.

Lạ thay là, sử cụ chép: Năm 111 trước Tây Lịch nhà Tây Hán sang đánh chiếm nước ta thì bị Vương Mãng cướp quyền nên phải kéo quân về khôi phục lại nhà Hán, cho mãi tới đời vua Quang Vũ thứ 5 nhà Đông Hán mới khôi phục được sự nghiệp và dời đô sang phía đông nên gọi là Đông Hán. Cụ than phiền là trong suốt thời gian đó (140 năm, bảy thế hệ), hậu Hán Thư không nói gì về việc nước Giao Châu. Cụ quên rằng như vậy là nước ta độc lập nên Công Báo triều đình nhà Hán không ghi chép, họ chỉ ghép những công việc xảy ra trong lãnh thổ nhà Hán mà thôi.

Sau đó cụ nói rõ rằng: Bọn Đặng Nhượng giữ vững bờ cõi, không hàng phục Mãng Vương. Đợi đến Quang Vũ thứ 5 (đã ổn định nội bộ trong 5 năm và tính đường xâm lăng) mới mang cống phẩm sang biếu (chữ cống có nghĩa là cadeau, biếu xén chứ không phải là thần phục). Mấy năm sau Quang Vũ mới sai Tô Định sang nhậm chức và bị bà Trưng đánh đuổi phải chui vào ống đồng trốn về Tàu.

– Như vậy thì nên hiểu rằng sau khi ổn định nội bộ (5 năm) thì bàn kế hoạch xâm lăng, nên bên ta mang đồ biếu sang điều đình để cầu hòa. Điều đình không được thì sửa soạn đánh, do đó hai bà mới tuyển binh hàng vạn như không.

– Còn nô lệ thì làm sao mà tuyển binh cùng sản xuất vũ khí nhanh như vậy? Trong lúc lâm trận thì Quân Vương Thi Sách bị tử thương nên hai bà lên thế trong lúc nước biến là chuyện bình thường. Quân Vương là danh xưng của vị cầm đầu một đạo binh, Lãnh Vương là vị cầm đầu một vùng lãnh thổ. Đó là những danh từ thời đó.

Vậy thì Bắc thuộc lần thứ nhất là không đúng (tức ta không nô lệ nhà Tây Hán).

Mở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo viết:

Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang.

Đây là phát súng lệnh oai hùng thì mới tương xứng với hùng khí toàn bài. Và kết bằng câu: Được như vậy là nhờ ơn đức tổ tông phù trợ. Cho ta liên tưởng đến Phù Đổng Thiên Vương, Lê Lợi với Hoàn Kiếm (hồ Gươm) và bố Lạc Long.

Theo nghĩa từng chữ một thì:

- Duy là chỉ có
- Ngã là ta
- Quốc là nước
- Thực là thực sự
- Vi là nhỏ, đi vào từng chi tiết một.
- Văn là đẹp đẽ.
- Hiến là khung sườn để thành lập thể chế quản trị đất nước.

Văn Hiến là văn kiện thành lập quốc gia theo thể chế rõ rệt.
Hiến Pháp là luật lệ rõ ràng và chặt chẽ của bản Văn Hiến.

Phát súng lệnh ở trên phải dịch như sau:

Chỉ có nước Đại Việt của Ta mới thực sự là nước có nền Văn Hiến (nhân bản của loài người)

Đây là Văn Hiến của nền Văn Hóa Nông Nghiệp. Còn nước mi là nước có Văn Hiến của loài thú, luật rừng mạnh được yếu thua, luật biển cá lớn nuốt cá bé. Đằng này người dịch với tinh thần yếm thế và tự ti nên câu văn yếu xìu, mất hết nhuệ khí, không phù hợp với giọng hùng tráng của toàn bài; trên thì khúm núm, dưới thì oai hùng (rơm).

Người dịch viết: Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Đây là câu ca thán minh oan, đòi chủ quyền, chứ không phải là câu minh xác chủ quyền của dân tộc mình đã có từ lâu trên mãnh đất này. Sai ở chỗ người ta xưng Vương, xưng Đế, xưng Bá... chứ không ai xưng Văn Hiến hay Văn Hóa cả nên câu văn trở nên vô nghĩa.

 

B.- Triệu Đà là người Việt hay Tàu?

Vào năm 2000 chánh phủ Bắc Kinh có trưng bày hai xác bọc thạch-y (áo bằng đá) cùng đồ chôn theo của Hán Đế (họ không nói rõ là vị nào) và của Triệu Muội Đế (cháu Triệu Đà). Như vậy là ở thời đó lục địa Trung Hoa có hai siêu cường Hán và Việt do hai vị hoàng đế quản trị, kẻ Nam người Bắc.

Thạch y làm bằng những lát đá quí (cẩm thạch) mỏng hình chữ nhật vào khoảng 1,5 x 3 cm. Bốn góc có lỗ nhỏ để thuôn dây móc với nhau. Thạch-y của Hán Đế thì nối với nhau bằng dây kim loại vàng ròng (nguyên chất); còn thạch-y của Triệu Muội Đế thì nối với nhau bằng tơ tầm (chắc là trùng tu, chứ nguyên thủy thì mục rồi). Nhìn đồ dùng và người, ngựa chôn sống theo Đế Vương thì đó là chứng tích nhà Triệu sống theo văn hóa Việt, nhưng chết theo phong tục Ngô. Do đó chúng ta có thể kết luận mà ít sợ nhầm là: Triệu Đà là người Việt gốc Ngô.

Thuyết Triệu Đà là tướng của Tần Thủy Hoàng về hàng phục Hán Đế không vững vì chính Nhâm Ngao và Triệu Đà đã giết tướng Đồ Thư của Tần Thủy Hoàng trong trận ác chiến ở Hồ Nam. Đó là khơi mào cho sự tàn lụi của nhà Tần.

Nếu quả thực Triệu Đà là tướng nhà Tần thì nhà Hán là kẻ thù của ông. Hơn nữa ông lại đánh bại quân của Lã Hậu (vợ Hán Cao Tổ) ở Hồ Nam vào năm 182 trước Tây Lịch để sau đó Lã Hậu bị truất phế, triều thần tôn Thái Tử (con của Lã Hậu) lên cho chính danh, ổn định nội chính để đương đầu với Triệu Đà vì sau trận chiến thắng oanh liệt này ông ta xưng là Triệu Vũ Đế thay cho danh xưng Triệu Việt Vương. Như vậy thì không lý do gì để ông ta phải "vẫy đuôi" quy phục con của Lưu Bang như Hậu Hán Thư chép. Sử Tàu chép là vẫy đuôi quy phục.

Ngay sau khi diệt Thục An Dương Vương, thống lãnh nước Văn Lang vào năm 207 trước Tây Lịch thì ông ta đã đặt tên nước là Nam Việt với ý nghĩa: Phía Nam sông Dương Tử là của người Việt để nói rằng Ngô Việt là một. Kẻ thù của chúng ta là dân phía Bắc sông Dương Tử.

Lúc này là Hán Sở tranh hùng giữa Hạng Võ và Lưu Bang nên chưa có nước Hán. Lưu Bang được Hạng Võ phong cho chức Hán Trung Sơn (Thiểm Tây ngày hôm nay), nên khi thành công ông ta tự xưng là Hán Cao Tổ (chứ không phải Lưu Cao Tổ). Trong thực tế không có nước Hán và cũng chẳng có dân Hán, chẳng có văn minh hay văn hóa Hán Tộc (về vấn đề này độc giả có thể bấm vào đây để đọc thêm bài tham luận Tổng Quan Vể Vai Trò Của Nền Văn Hóa Việt (phần I và II) của Thường Nhược Thủy). Hán Vương là tên chức tước mà Hạng Võ phong cho Lưu Bang.

Lùi lại lịch sử nước Văn Lang

Nước Văn Lang được thành lập bởi 15 sắc tộc Việt sống từ phía Nam sông Tây Giang (chảy ra Hương Cảng, Hong Kong) đến đèo Hải Vân ngày hôm nay. Phía Tây đến tận sông Cửu Long. Tất cả các sắc dân sống từ phía Nam sông Dương Tử đến đèo Hải Vân, phía Tây đến sông Cửu Long đều sống bằng nghề nông, theo Văn Hóa Nông Nghiệp nên gọi là Bách Việt. Nước Ngô và Sở cũng thuộc Bách Việt.

- Riêng Ngô với Việt (Văn Lang) vì sống ven biển nên giỏi thủy chiến và di chuyển bằng thuyền rất tài.

- Dân Sở vì sống trong đất liền nên giỏi về cận chiến, dao găm giắt sau lưng, áo ngắn, quần chẽn và leo núi nhanh như hươu.

- Còn phía Bắc sông Dương Tử sau này bị chiếm bởi dân Du Mục nên giỏi về đi ngựa và xe.

Cương vực nước Ngô từ phía Nam sông Dương Tử tới phía Bắc sông Tây Giang, phía Tây đến Hồ Động Đình và dãy núi Hoài. Bên kia dãy núi Hoài là nước Sở. Phiên Ngung và Cối Kê ở hữu ngạn sông Tây Giang (có lúc gọi là Đại Giang) ở gần Hương Cảng. Vùng Quảng Đông lúc đó là đất của sắc dân Lạc Việt (một trong 15 sắc dân hợp thành nước Văn Lang).

Câu Tiễn (Việt Vương Câu Tiễn, vua nước Việt tên là Câu Tiễn) đánh chiếm nước Ngô của Phù Sai và sát nhập nước này vào nước Việt (Văn Lang). Vì chánh sách hòa nhập, xóa bỏ hận thù để mưu cầu hạnh phúc cho dân đôi bên nên ông ta trả đất cho nước Sở và nước Tề mà khi trước vua Ngô Hạp Lư đã dùng bạo lực cưỡng chiếm. Hạp Lư là ông nội của Phù Sai.

Vào khoảng 280 năm trước Tây Lịch thì Quân Vương (thủ lãnh kháng chiến) Nhâm Ngao và Triệu Đà (người Việt gốc Ngô) giành được độc lập, chiếm hết nước Ngô và vùng Lạc Việt (Quảng Đông ngày nay). Vì tư thế chánh trị lúc đó không cho phép họ thành lập lại nước Ngô. Lý do: Bên kia Bắc là thời Thất Quốc tranh hùng. Phía Tây là nước Sở hùng mạnh, phía Nam là Văn Lang của vua Hùng.

Nếu tứ bề thụ địch thì sẽ bị tiêu vong nên họ tự nhận là dân Văn Lang. Bằng cớ là khi Nhâm Ngao chết thì Triệu Đà lên thay chứ không phải con của Nhâm Ngao. Mộng nhắm lãnh đạo Văn Lang thay vua Hùng gặp khó khăn vì gốc Ngô, cho nên Nhâm Ngao xúi dục và tiếp tay Thục Phán (Lãnh Vương vùng Ấu Việt, tức Quảng Tây ngày hôm nay) hạ bệ Hùng Vương, thay chế độ Dân Chủ Phân Quyền sang chế độ Quân Chủ Chuyên Chế.

Sau khi thành công (157 BC), Thục Phán đổi quốc hiệu là Âu Lạc và theo chế độ tập trung Quân Chủ Chuyên Chế, tức là 15 sắc dân Việt (nay còn 14 vì mất Lạc Việt vùng Quảng Đông, lúc đó vào tay Quân Vương Nhâm Ngao, phụ tá bởi Triệu Đà) từ nay dưới sự chỉ đạo của  dân Âu Việt với sự giúp sức của dân Lạc Việt. Các sắc tộc khác là dân bị trị. Lúc này thì nhà Tần đang lên nên Nhâm Ngao chưa dám ra tay, đành phải liên minh với Thục Phán để đợi thời. Khi Tần Thủy Hoàng chánh thức cầm quyền (242 BC) thì áp dụng ngay chánh sách của Vệ Ửng (Cộng Sản) nên có nhu cậu gây chiến để tồn tại:

1.- Trước hết là thâu tóm các liệt quốc đang tranh hùng. Sau đó sai Chương Đàm thâu tóm nốt nước Sở. Chiếm cứ xong thì phải đem chiến tranh về phương Nam với Thục Phán và Nhâm Ngao.
2.- Vì không đủ sức đánh hai mặt trận cùng một lúc nên vua Tần ký hiệp ước bất tương xâm với Thục Phán. Thục An Dương Vương cũng lo là sau khi diệt Nhâm Ngao thì sẽ đến lượt mình nên cố phòng thủ bằng cách xây pháo đài chiến đấu ở biên giới phương Bắc. Phóng tuyến chính là phía Bắc Quảng Tây. Còn phòng tuyến phía Đông với Quảng Đông thì lơ là nên khi bị Triệu Đà tấn công thì trở tay không kịp.

Kế hoạch của Tần Thủy Hoàng

Ngay sau khi ký kết thì Tần Thủy Hoàng phái binh đến đánh Quảng Đông để ngăn cách sự liên kết giữa Thục Phán và Nhâm Ngao. Đồng thời phái Đồ Thư mang quân đánh chiếm Hồ Nam. sau đó ba mặt đánh gọng kìm để dứt điểm Nhâm Ngao và Triệu Đà.

Kế hoạch của Nhâm Ngao (lúc này còn sống)

Kế hoạch của Nhâm Ngao là bỏ ngỏ vùng Lạc Việt (quân Việt, tướng Ngô), dốc toàn lực tự vệ Hồ Nam, chiến đấu bởi quân Ngô, tướng Ngô ngay trên cương vực của mình.

Đồ Thư bị giết tại trận, binh đoàn rút lui. Lúc này quân của Tần Thủy Hoàng ở Quảng Đông bị rơi vào thế kẹt. Nếu Thục Phán liên kết với Triệu Đà thì binh đoàn này không có tiếp vận. Trong thời gian đánh ở Hồ Nam thì Nhâm Ngao chết, Triệu Đà lên thay. Vì thế nên Tần Thủy Hoàng Đế phải cất công từ Hàm Dương xuống tận Quảng Đông để thị sát vùng mới chiếm, hoạch định chương trình tái bành trướng, mà sách viết là đi kinh lý. Thị sát mặt trận khác với kinh lý để gần dân. Nhưng trên đường về thì qua đời, có thể bị ám sát bởi kháng chiến Việt hay Sở. Lúc Tần Đế ở Cối Kê thì suýt bị Hạng Võ hạ thủ nếu không có Hạng Lương ngăn lại.

Sau cái chết này thì nước Tần rối loạn. Ở Hàm Dương thì biến loạn, phế trưởng lập thứ, giả mạo di chúc... Ở Quảng Đông thì Hạng Võ hạ thủ Quan Thái Thú, giải phóng Lạc Việt và nước Sở. Thừa thắng xông lên Hạng Võ hiệp cùng Lưu Bang dứt điểm nhà Tần.

Lợi dụng tình thế này, Triệu Đà dứt Thục Phán xưng là Triệu Việt Vương, đổi quốc hiệu thành Nam Việt. Sau này biến thành thành ngữ Bắc Hán, Nam Việt... lấy sông Dương Tử làm giới tuyến.

 

Cơ sở Việt Tộc Paris

 


Cái Đình - 2010