Hoàng Giang


Bắt người chiến thắng phải bỏ huân chương?

Vào những ngày cuối tháng tư này, Việt Nam đang tràn ngập cờ xí mừng ‘Đại Thắng Mùa Xuân’, ‘Giải phóng đất nước’. Tròn ba mươi năm đã qua rồi, kể từ 30/04/1975.

Ít hôm nữa, vào ngày 05/05, Hòa Lan cũng cờ quạt lễ hội mừng 60 năm hoàn toàn giải phóng khỏi ách chiếm đóng của Phát xít Đức. Tuy nhiên, vì luật treo cờ, ở Hòa Lan cờ xí chỉ tung bay từ sáng đến chiều, khác với Việt Nam, biểu ngữ và cờ là hai vật trang điểm đường phố không thể thiếu.

Hai đất nước, hai khung cảnh, nhưng có một ngày lễ lớn vào gần cùng một thời điểm. Sự kiện này cho ta có cơ hội so sánh. Tuy nhiều người có thể cho là một sự so sánh khập khiễng, nhưng ở một mức nào đó, ta có thể quan sát dân tình Hòa Lan trong ngày lễ mừng giải phóng để phóng sự suy diễn về một tương lai ba mươi năm nữa khi muốn biết ở Việt Nam, người dân Việt sẽ nghĩ gì về ngày lễ lớn 30/04. Do đó thật là thú vị khi mình có thể hỏi chuyện người dân Hòa Lan 100% và những người Hòa Lan gốc Đức trong ngày lễ Giải phóng của Hòa Lan 05/05.

Hòa Lan và Đức, ngoài quan hệ láng giềng còn có những liên hệ huyết thống hoàng tộc. Nhiều người Đức đã định cư lập nghiệp ở Hòa Lan, còn tiếng Hòa Lan thuộc hệ ngôn ngữ Ấn Đức, cấu trúc từ ngữ và văn phạm của hai ngôn ngữ gần giống nhau.

Cùng vì lẽ đó trong ngày 05/05 tôi thường dành nhiều giờ để xem ngắm sinh hoạt và hỏi chuyện người dân Hòa Lan, vì cũng chính trong những dịp này người dân dễ cởi mở tâm tình với khách.

Cũng rất thú vị khi ta có thể đi trước Việt Nam ba mươi năm để tưởng tượng ra những khác biệt trong nhận thức của những thế hệ khác nhau. Từ thế hệ trực tiếp bị lôi cuốn và chi phối bởi chiến tranh, cho đến thế hệ hiện nay mới lớn lên trong khung cảnh toàn cầu hóa, ranh giới bạn thù đã mờ nét chia, ngay cả cha mẹ của họ cũng chưa từng biết một ngày súng đạn.

Nhưng cũng phải nói là tôi không khỏi ưu tư khi thấy, sáu mươi năm sau khi chiến tranh ở Hòa Lan chấm dứt, vẫn còn những người say mê ngắm nhìn và kể lại câu chuyện về mấy tấm huy chương cha anh chú bác còn để lại. Những cụ ông còn sống vẫn còn hãnh diện đeo huân chương vàng chóe đi diễn hành trên con đường đã diễn ra trận thảm sát nơi ‘cây cầu xa quá’ (een brug te ver). Đối lại là những gia đình người Đức, trông họ thật tủi thân trong tuần lễ đầu tiên của tháng năm. Mỗi lần nhìn họ, tôi lại nghĩ đến những người ở miền Nam Việt Nam, nơi tôi sinh ra và lớn lên cùng với chiến tranh và rời bỏ khi chiến tranh chấm dứt.

Với người dân bình thường miền Nam (trừ những người trước ở trong bưng và những người từ miền Bắc mới vào Nam lập nghiệp sau chiến tranh), ngày ba mươi tháng tư là cột mốc chấm dứt chiến tranh, chấm dứt nỗi sợ bom đạn, pháo kích bừa bãi. Bọm đạn này bất kể từ phía nào, khác với miền Bắc, chỉ biết có bom Mỹ. Với người miền Nam, ngày Đại Thắng Mùa Xuân không có, vì họ chẳng thắng ai cả. Nếu trong gia đình khi trước có người đi lính, làm công chức trong chế độ cũ, thì họ lại bị xếp vào thành phần Ngụy ‘bị nhào’ sau khi ‘Mỹ cút’, để tiếp tục bị nhào nặn nhiều năm dài. Với họ, cũng không có ‘giải phóng’, vì họ biết cuộc chiến Việt Nam khi đó chỉ là một nước đi quân trên bàn cờ thế giới.

Vào ngày 05/05, khi đi vào những khu dân cư, nghe, nhìn người dân Hòa Lan nói chuyện với nhau và nói chuyện với họ, tôi lại tự hỏi mình sẽ làm gì, sẽ nghĩ gì nếu mình ở Việt Nam và thuộc phe thắng trận. Mười phần chắc chín tôi sẽ hăng hái, sôi nổi kể cho mọi người nghe quá khứ lẫy lừng chiến công của mình, như một vài lần tôi được người Hòa Lan mời vào nhà uống bia, uống cà phê, chỉ để ngồi nghe họ nói. Nhưng càng nghe tôi càng hiểu ra rằng muốn tuyệt đại đa số người dân Việt Nam công nhận ngày 30/04 là ngày Giải phóng miền Nam, kết quả của chiến dịch Đại Thắng Mùa Xuân, có lẽ cần nhiều công sức hơn ba chục năm kháng chiến để có được đại thắng.

Năm mươi năm sau khi đất nước được giải phóng, vào năm 1995 người dân Hòa Lan mới dám nêu ra đề tài thảo luận về vấn đề có nên tìm một tên khác để thay cho Ngày Giải Phóng 05/05 hay không, mặc dù người Hòa Lan được tiếng là dân tộc cấp tiến trong suy nghĩ.

Ba mươi năm sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, tôi cũng nghe vài vị cao cấp trong guồng máy lãnh đạo kêu gọi khép lại quá khứ. Đây phải nói là một hành động bày tỏ thiện chí xây dựng, đi trước thời đại.

Nhưng như thế có nghĩa là phải chối bỏ những chiến tích mà những người cựu chiến binh hăng say kể lại mỗi năm? Bắt người thắng trận gỡ bỏ huân chương là một điều nghịch lý, chưa kể hành động này phản bội lại tình đồng đội, và không có tình người.

Tức là đành phải chấp nhận vết thương quá khứ chỉ có thể tự lành với phương thuốc thời gian?

Tôi không biết! Nhưng nhìn vào nước Hòa Lan, tôi muốn nói lên một điều rất rành mạch và cụ thể là may ra hai mươi năm nữa người Việt mới có thể tạm khép lại quá khứ. Hiện nay, vết thương tinh thần vì những mất mát do cuộc chiến mỗi khi vừa mới chớm lành, thì ngày 30/04 lại trở về, khía toạc những vết sẹo của cả hai bên, để rồi lại rơi vào cuộc tranh cãi thắng – thua, một bên hớn hở, một bên tủi phận.

Tôi biết trong tương lai sẽ đến một lúc ngày ba mươi tháng tư với những bài báo, chương trình truyền hình, những màn trình diễn với mục đích khoe chiến công của chiến dịch Đại Thắng Mùa Xuân chỉ còn được tổ chức rầm rộ mỗi kỳ ngũ niên hay thập niên, khi mà những đứa trẻ trên thế giới không còn chơi games bắn giết Việt Cộng nữa. Khi đó ta mới có thể hy vọng nói chuyện khép lại quá khứ, trả nó vĩnh viễn cho những nhà nghiên cứu lịch sử.

Và tôi hy vọng một ngày nào đó không xa, tôi sẽ có thể nói với những người bà con bạn bè tôi ở Việt Nam rằng ngày đó sẽ tới trong vòng… ba mươi năm nữa.

Nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện này tôi lại thấy uất nghẹn. Tôi chỉ biết dùng những dòng chữ này để nói cho những vị khi trước đã tham dự cuộc chiến Việt Nam và giờ này đang nâng niu mấy tấm huân chương rằng chẳng có vinh dự gì, vì để có những tấm huân chương, huy chương hay bằng tưởng lục, giấy khen đã giết được bao nhiêu tên Ngụy, bao nhiêu giặc Cộng đó, máu anh em đã phải đổ ra.

Dĩ nhiên nếu mọi người cùng đồng ý cất đi những vinh dự không đáng hãnh diện này thì cuộc diện đất nước sẽ mang ngay một bộ mặt mới.


Hoàng Giang
(Tháng 04/2005)


Cái Đình - 2005