Quỳnh Anh
Vương Ca (Koningslied)
Ngày 30 tháng 4 đối với nhiều người Việt Nam là ngày đánh dấu chiến tranh chấm dứt, nhưng đất nước Việt Nam lại bị rơi vào tay chế độ độc tài với tất cả những thảm cảnh và hậu quả chưa từng có trong lịch sử. Nhưng ngày 30 tháng 4 hàng năm lại là một ngày vui cho nhân dân Hà Lan: đó là Ngày Nữ Hoàng, một ngày lễ quốc khánh được tổ chức hàng năm.
Vào năm 1884 thành phần dân chúng Hà Lan có tư tưởng tự do, phóng khoáng đã muốn chọn ngày giỗ thứ 300 của vua Willem van Oranje, vị tổ phụ của hoàng gia Hòa Lan hiện nay, làm ngày quốc khánh. Nhưng ý định đó gặp nhiều sự chống đối của thành phần nhân dân Thiên Chúa Giáo bởi vì họ không muốn mừng ngày lễ của một người đã chống lại tôn giáo của họ. Vào năm 1889 một ngày lễ lớn được tổ chức cho toàn quốc thành công: Ngày Công Chúa. Đối tượng của ngày lễ này là công chúa Wilhelmina của dòng họ Van Oranje, đánh dấu một cái nhìn hướng về tương lai thay vì nhìn ngược lại quá khứ với thời kỳ xung đột giữa Thiên Chúa Giáo và Tin Lành. Vào năm 1890 công chúa Wilhelmina lên ngôi và trở thành nữ hoàng, Ngày Công Chúa cũng trở thành Ngày Nữ Hoàng. Tuy nhiên Ngày Nữ Hoàng cũng chưa có được tầm vóc lớn như hiện nay bởi vì nữ hoàng Wilhelmina chỉ được thành phần dân Tin Lành hâm mộ. Trong Thế chiến thứ II khi Hà Lan bị Đức xâm lăng, nữ hoàng Wilhelmina mới trở thành biểu tượng liên kết toàn thể nhân dân Hà Lan. Nhưng phải đợi đến sau thời kỳ của nữ hoàng Wilhelmina và Juliana, Ngày Nữ Hoàng trong suốt thời kỳ của nữ hoàng Beatrix kể từ khi nối ngôi (1980) mới thật sự là ngày quốc khánh của toàn dân Hà Lan.
Ngày 30 tháng 4 năm 2013 năm nay đánh dấu một biến cố lịch sử quan trọng: ngày nữ hoàng Beatrix chánh thức thoái vị và cũng là ngày thái tử Willem- Alexander van Oranje-Nassau đăng quang để trở thành vua Hà Lan. Để đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng đó Ủy Ban Quốc Gia Tổ Chức Lễ Ðăng Quang đã mời và kêu gọi sự đóng góp của giới nghệ sĩ cùng dân chúng để hình thành một bài hát – bài Koningslied (Vương ca) – cho vị tân vương Hà Lan. Bài hát dự định sẽ được hát vào ngày 30 tháng 4 trong chương trình hòa nhạc Samen vơor Oranjes ở đại sảnh đường Ahoy, Rotterdam và sẽ được toàn quốc hát theo. Ngoài hình thức chào mừng lễ tấn phong, bài hát phải có tác dụng vào tinh thần liên đới của mọi thành phần dân chúng Hà Lan, từ trí thức cho đến bình dân. Nhưng đây mới chính là sự nhiêu khê của việc hình thành bài hát này trong thời đại của Facebook và Twitter.
Phần âm nhạc của bài hát được soạn bởi nhà soạn nhạc John Ewbank và phần soạn lời đã được Daphne Deckers cùng các nghệ sĩ Guus Meeuwis, Alain Clark và Jack Poels đảm trách. Bài hát được trình làng vào ngày thứ sáu 19-04-2013 với sự đóng góp của các nghệ sĩ hàng đầu của Hà Lan như Marco Borsato, Paul de Leeuw, Ali B, Gers Pardoel, Trijntje Oosterhuis... với phần nhạc đệm của dàn nhạc Metropole Orkest. Nếu theo dõi phần trình diễn bài hát qua phim trên Youtube, chắc chắn giới ưa chuộng âm nhạc sẽ liên tưởng ngay đến phong thái của các nghệ sĩ của Band Aid khi trình diễn bài Do They Know It's Christmas, bài hát được soạn bởi Bob Geldof và Midge Ure để cứu trợ nạn đói ở Phi Châu. Các nghệ sĩ hàng đầu trên thế giới với headphone trên đầu, tay cầm mảnh giấy có lời nhạc đã cùng hợp ca trong phòng thu âm. Cũng cùng phong thái đó với các nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới như Bruce Springsteen, Ray Charles, Tina Turner, Bob Dylan, ..., với bài ca We Are The World. Bài này được thực hiện một năm sau ở Hoa Kỳ cũng nhằm mục đích trợ giúp Phi Châu với phần soạn nhạc và lời do hai tay cự phách lúc bấy giờ trong thế giới nhạc pop đảm trách: Lionel Richie và Michael Jackson.
Ngay sau khi bài hát được trình làng, một cơn sóng thần phê phán chỉ trích bài hát đã đổ ập đến qua các phuơng tiện truyền thông xã hội hiện đại. Trên trang mạng của Facebook "Sorry voor het Koningslied" (Xin lỗi về bài Vương Ca) đã có 100.000 phản hồi trong một thời ngắn. Trong kiến nghị trên mạng "Nee tegen het Koningslied" của nhà bỉnh bút nữ Sylvia Witteman đã có 40.000 người ký tên. Hầu hết các phản đối đều nhắm vào lời nhạc với nhiều lỗi lầm về từ ngữ và văn phạm, thí dụ như câu "De dag die je wist dat zou komen is eindelijk hier" (Ngày-mà-bạn-đã-biết-rằng-nó-sẽ-đến cuối cùng là đây). Hoặc một câu hát trong phần rap như: De W van wakker, stamppot eten (chữ W của thức dậy – wakker –, hãy ăn stamppot – món ăn đặc thù của Hà Lan vào mùa đông gồm khoai tây và rau cùng thịt bò tán nhuyễn ăn với sốt mayonaise). Câu hát này đã bị đem ra làm trò cười và bị thành phần chống đối xem có thể làm mất thể diện Hà Lan nếu bài hát được dịch ra các ngôn ngữ quốc tế khác mặc dù nó nói lên một nét văn hóa đặc thù Hà Lan, kế bên những đề tài đặc thù khác như đê điều, thủy lợi v.v... Nhà ngôn ngữ học Wim Daniёls đã phê lời nhạc: "Với lời nhạc như thế này thì chúng ta nên bải bỏ các cuộc thi Hòa Ngữ nhập tịch Hà Lan dành cho ngoại kiều". Bài hát cũng được xem là rất khó để cùng nhau hợp ca.
Trước làn sóng phản đối quá mạnh, nhà soạn nhạc John Ewbank đã tuyên bố rút lui, bài hát đã bị ban tổ chức hủy bỏ. Tuy nhiên, vào ngày 22 tháng 4, sau những buổi họp của Uỷ Ban Quốc Gia Tổ Chức Lễ Ðăng Quang cùng đài truyền hình Hà Lan và nhà soạn nhạc Ewbank, bài hát đã được tiếp tục đưa vào chương trình lễ đăng quang vào ngày 30 tháng 4. Lý do đưa ra: 40% dân chúng Hà Lan phản đối bài hát, nhưng đến 60% ủng hộ bài này. Hơn nữa các nghệ sĩ đóng góp trong bài hát (51 người ngoài các nhà soạn nhạc và lời) đều mong muốn bài hát được tiếp tục sử dụng.
Những chuyện bên lề quanh bài Koningslied cho thấy một khoảng cách quá lớn giữa giới trí thức và những người bình dân Hà Lan. Với những lời ca được lấy từ những đóng góp của quần chúng không chuyên nghiệp, bài Koningslied được thực hiện nhằm thắt chặt hơn tình liên đới, đoàn kết giữa các thành phân nhân dân Hà Lan đã gây ra phản ứng ngược. Tuy nhiên trên vương quốc tự do dân chủ này, mọi người đều có quyền phát biểu những ý tưởng của mình. Trước 49% dân phản đối lúc ban đầu, bài hát đã bị hủy bỏ. Nhưng bài hát lại hồi sinh trước 60% dân ủng hộ. Không ai bắt buộc mình phải hát bài này trong ngày lễ đăng quang (ban đồng ca của tỉnh Zeeland đã quyết định không hát bài này). Cũng không ai dùng quyền lực bắt buộc mình phải ca ngợi hay tôn vinh vị tân vương hay những người lãnh đạo. Những hình ảnh trong phim của bài hát chỉ là hình ảnh sinh hoạt bình thường của người dân Hà Lan bình thường ở mọi lứa tuổi.
Còn nhân vật chính trong ngày lễ đăng quang: nữ hoàng Beatrix, tân vương Willem-Alexander và hoàng hậu Maximá trong tương lai? Những nhân vật đứng đầu hoàng gia Hà Lan đều giữ im lặng trước những diễn biến quanh bài hát và đều hy vọng một màn hợp ca bài Koningslied được đẹp đẽ và hài hòa trong ngày lễ đăng quang.
Quỳnh Anh
Koningslied Daar sta je dan Daar sta je dan Door de regen en de wind Een strijd, twee levens En hoe klein we ook zijn Laat me weten wat je droomt Ik zal strijden als een leeuw De W van Willem De W van welkom in ons midden Door de regen en de wind Laat me weten wat je droomt Ik zal strijden als een leeuw |
Vương Ca Này bạn đang đứng đó Kìa bạn đang đứng đó Vượt qua mưa và gió Một cuộc chiến, hai sinh mệnh Và dù chúng ta có nhỏ bé như thế nào Hãy cho tôi biết bạn mơ điều gì Tôi sẽ chiến đấu như sư tử Chữ W của Willem Chữ W của chào mừng (Welkom) giữa chúng ta Vượt qua mưa và gió Hãy cho tôi biết bạn mơ điều gì Tôi sẽ chiến đấu như sư tử (Quỳnh Anh lược dịch)
|