Minh Hạnh
Việt Dzũng không còn nữa
Việt Dzũng, ca sĩ, nhạc sĩ, người dẫn chương trình (MC) của trung tâm Asia… vừa đột ngột qua đời (20/12/2013) vì bệnh tim tại California.
Việt Dzũng (sinh năm 1958) có tên thật là Nguyễn Ngọc Hùng Dũng. Ngay từ thời học sinh trung học ông đã chứng tỏ có năng khiếu về âm nhạc, từng thắng giải “Tiếng hát Nam có nhiều triển vọng”. Năm 1971 ông theo nhóm nhạc trẻ của Trường Kỳ, Tùng Giang, Nam Lộc, đã đi biểu diễn nhiều nơi. Năm 1975 ông vượt biển, và định cư ở tiểu bang Nebraska, Hoa Kỳ. Trong những năm đầu, Việt Dzũng đã cùng người bạn Mỹ Vernon Larsen thành lập ban nhạc Firebirds, trình diễn nhạc country trong những quán rượu ở đây. Ông có những sáng tác theo thể nhạc country và năm 1978 đã đoạt giải nhất “Tác giả bài hát hay nhất” của Grande Ole Opry tại Iowa (Grande Ole Opry là chương trình nhạc country mỗi tuần trên radio và TV lâu đời nhất tại Hoa Kỳ, kể từ 1925). Trong thời gian này, Việt Dzũng bắt đầu sáng tác những bản nhạc viết cho người tị nạn Việt Nam. “Một Chút Quà Cho Quê Hương” được sáng tác trong thời gian này, đã ngay tức khắc trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất viết cho người tị nạn, sánh cùng những bài như “Ðêm Chôn Dầu Vượt Biển” (Châu Ðình An), “Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt” (Nam Lộc)...
Từ thành công đó, Việt Dzũng đã dọn về California nơi ông biết sẽ là mảnh đất tốt cho tài năng âm nhạc của ông được phát triển và những sáng tác của ông có nhiều cơ hội tiếp cận trực tiếp với đồng hương. Ông bắt đầu đi trình diễn thường xuyên khắp nơi, giới thiệu những sáng tác mới của mình. Năm 1978, trong Ðại Hội Thanh Niên Cách Mạng Việt ở Washington DC, Việt Dzũng gặp được ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh và đã kết nghĩa chị em với cô. Từ đây cặp Việt Dzũng - Nguyệt Ánh đã trở thành cặp bài trùng không thể thiếu trong những buổi sinh hoạt mang chủ đề người Việt tị nạn. Việt Dzũng – Nguyệt Ánh bắt đầu chuyến lưu diễn dài ngày ra khỏi nước Mỹ, sang cả những nước Á châu. Tuyển tập ca khúc/album Kinh Tỵ Nạn ra đời trong thời gian này (do Trung tâm Nhã Nhạc Houston thực hiện) và đã đạt con số bán kỷ lục là hơn 100.000 bản, theo như ông cho biết. Sau đó là cuốn băng nhạc thứ nhì, “Lưu Vong Khúc”. Chính phủ Việt Nam đã ra thông báo cấm phổ biến tất cả những sáng tác của họ trong nước, lập phiên tòa xử tử hình khiếm diện hai nghệ sĩ này.
Cũng trong thời gian này, ông đã cùng một số nhạc sĩ người Việt và Hoa ra cuốn băng Children of the Ocean (1985). Ngày 01/04/1985, phong trào Hưng Ca Việt Nam đã được Việt Dzũng - Nguyệt Ánh cùng một số bạn hữu thành lập, với những tên tuổi như Huỳnh Lương Thiện (hiện làm trưởng nhóm), Trương Sĩ Lương, Xuân Nghĩa, Tuấn Minh, Tuyết Mai, Lưu Xuân Bảo v.v... Phong trào Hưng Ca đã góp một phần không nhỏ trong những buổi văn nghệ gây quỹ giúp người vượt biển, đòi tự do nhân quyền cho Việt Nam hay giúp cho những công trình phục vụ người tị nạn. Năm 1990, Việt Dzũng thành lập riêng cho mình Trung Tâm Việt Productions, chuyên sản xuất các CD nhạc với tiếng hát của anh và bằng hữu như các CD: Ru Em Sông Núi Đợi Chờ, Thánh Ca Vào Đời, Hùng Ca Quật Khởi, Quê Hương Và Em, Mình Ơi Đưa Em Về Quê Hương, Thắp Lửa Yêu Thương, Lên Đường, Bên Em Đang Có Ta, Tuổi Trẻ Về Nguồn, Hát Cho Tự Do, Thắp Lửa Tự Do, Trái Tim Ở Lại, Anh Vẫn Còn Thương, Vuốt Mặt, Bên Bờ Đại Dương…
“Hôm nay, chúng ta mất ca nhạc sĩ Việt Dzũng, một người đóng góp trong hơn 30 năm cho cộng đồng Việt Nam ở Orange County cũng như tại hải ngoại. Ông được biết là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà tổ chức, nhà thiện nguyện, nhà báo, MC và xướng ngôn viên Radio Bolsa.” Nữ dân biểu Loretta Sanchez (California) |
---|
Trong khung cảnh chuyển đổi của vùng quận Cam với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt, mang đến những sinh hoạt truyền thông đại chúng mới, đài phát thanh Little Saigon đã được thành lập và Việt Dzũng trở thành xướng ngôn viên đầu tiên cho đài. Việt Dzũng đã cách mạng hóa kỹ thuật xướng ngôn trên radio theo như phong cách Mỹ ông đã được tiếp thu khi sinh hoạt trong các show của họ, là bỏ phong cách trang trọng, mang vào những sự vui nhộn cởi mở khi trình bày tin tức sinh hoạt, mang tiếng cười, lời pha trò trong khi dẫn tin. Việt Dzũng và cô xướng ngôn cộng sự Minh Phượng đã thay đổi hẳn sinh hoạt truyền thanh của người Việt, radio trở nên một người bạn thân quen hơn là một người loan tin cứng nhắc trong khuôn khổ đã được chỉ đạo đến từng chi tiết. Ngày nay, cách phát thanh này đã trở thành phổ thông, nhưng vào thời điểm cuối thập niên ’80, ở Quận Cam, Nam Cali, đó là một cuộc cách mạng trong ngành truyền thông, nó đã một phần giúp đài Little Saigon tiến lên bước phát thanh hàng ngày. Trong chương trình “Tâm tình với nghệ sĩ”, Việt Dzũng đã phỏng vấn hơn 350 người trong giới nghệ sĩ. Việt Dzũng từ đây đã chuyển hướng sinh hoạt sang ngành truyền thông.
Sau 4 năm cộng tác với Little Saigon, Việt Dzũng đã tách riêng, lập Radio Bolsa năm 1996. Cũng trong năm này, ông trở thành MC chính trong những chương trình đại nhạc hội của trung tâm Asia. Trong số này đặc biệt có video “Hành Trình Tìm Tự Do” (2005), Việt Dzũng đã quay trở về những trại tị nạn Ðông Nam Á để làm phóng sự. Nói về nhân cách của Việt Dzũng, Trúc Hồ, Giám đốc Ðiều hành Trung tâm Asia và đài truyền hình SBTN đã phát biểu: “Ðiều mà tôi nhớ nhất là Việt Dzũng rất thương 'đàn em' như ca sĩ và xướng ngôn viên, những người được anh đào tạo khi mới vào nghề.” Ông cho biết thêm: “Anh làm cho người khác nhiều và sống vì người khác nhiều lắm. Tôi nhớ anh nhất là những lần sang trại tị nạn quay phim, dù chân anh bị tật, đi lại khó khăn, nhưng anh vẫn cứ lướt tới, không bao giờ chùn bước.”
Việt Dzũng cũng có nhiều đóng góp cho sinh hoạt báo chí. Năm 1982 ông là Tổng Thư Ký của nguyệt san Nhân Chứng ở California, và năm 1983 là Tổng Thư Ký cho tờ Tay Phải (do Du Tử Lê chủ trương). Sau đó là Tổng Thư ký cho tờ Việt Nam Thương Mại (Houston, 1988). Một thời ông cộng tác với tờ Sài Gòn Nhỏ và sau đó với tuần báo Diễm từ năm 1990. Năm 1992 ông trở thành Thơ ký tòa soạn cho nguyệt san Hồn Việt cho đến ngày cuối cùng. Việt Dzũng cũng là cộng tác viên của nhiều cơ quan truyền thông khắp nước Mỹ như đài truyền hình SBTN (California), các tờ báo Phố Nhỏ (Washington DC), Thế Giới Mới (Dallas), Phương Đông (Seattle), Mõ Magazine (San Jose, Sacramento, San Francisco & Oakland), Làng Văn (Canada), Nhân Quyền (Úc), Tin Điển (Đức) v.v…
Vào ngày 30/12/2013 Việt Dzũng đã được bạn bè đưa tiễn đến nơi an nghỉ tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành, Huntington Beach, Callifornia. Ông xứng đáng được tôn vinh là người nghệ sĩ đấu tranh số một của người Việt hải ngoại.
Việt Dzũng đã để lại cho chúng ta hơn 450 bài hát, đại đa số là những bài gói ghém tình quê hương và những bài nhạc đấu tranh đã gắn liền tên tuổi ông và Nguyệt Ánh với những chương trình hát nhạc cộng đồng đấu tranh cho Việt Nam. Bên cạnh đó, ông có sáng tác một số tình ca, những bài nổi tiếng của ông có thể kể ra là: Bài Tango Cuối Cùng, Thung Lũng Chim Bay, Khóc Ru Đời Trinh Nữ, Bên Đời Hiu Quạnh, Có Những Cuộc Tình Không Là Trăm Năm, Và Em Hãy Nói Yêu Anh, Tình Như Cây Cà-Rem… Tuy nhiên, hai sáng tác tiêu biểu trong sự nghiệp viết nhạc của ông vẫn là “Một Chút Quà Cho Quê Hương” và “Lời Kinh Ðêm” (lấy ý thơ Mãn Thuận).
Bấm vào đây để nghe “Một Chút Quà Cho Quê Hương”, do chính tác giả trình bày trong những ngày xa xưa ấy.
Minh Hạnh
Ảnh: Dân Huỳnh