Minh Hạnh
Nhạc sĩ Trần Trịnh đã ra đi
Nhạc sĩ Trần Trịnh mà tên tuổi đã được gắn liền với bản nhạc "Lệ Đá" đã qua đời vào ngày 10/10/2012 tại California, hưởng thọ 76 tuổi.
Nhạc sĩ Trần Trịnh tên thật là Trần Văn Lượng sinh năm 1937 tại Thái Lan nhưng lớn lên ở Hà Nội. Ông học nhạc với thầy Rémi Trịnh Văn Phước nên đã ghép họ của mình với họ của thày để thành Trần Trịnh.
Sáng tác đầu tiên của ông hoàn thành năm ông 17 tuổi (1954) là bản “Cung đàn muôn điệu” được nhiều ca sĩ hát, và được sử dụng làm nhạc chuyển mục trong một chương trình tân nhạc.
Một bản nhạc của ông trong thời đó được nhiều người biết là bản “Hai sắc hoa ti gôn”, phổ từ bài thơ nổi tiếng của TTKh, với tiết nhạc buồn, chậm rãi:
“Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn.
Nhặt cánh hoa rơi chẳng biết buồn.”
Rất tiếc, bản nhạc này về sau “đụng” với bài hát cùng tên, phổ cùng một bài thơ, của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, thuộc loại nhạc thời trang.
“Một mùa Thu trước khi nắng chiều nhuộm vàng tóc ai ?
Khi hoàng hôn tới đôi người chung lối lúc hoa nở trên bước đi.
Vuốt tóc người yêu anh nhìn đường xa hoang vắng
Nhật cánh ti-gôn anh bảo rằng như tim vỡ.
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi !”
nhất là khi bản này lại được soạn giả cổ nhạc tài danh Viễn Châu soạn thêm lời vọng cổ, và được cặp Hùng Cường - Bạch Tuyết song ca:
“Nhưng lá úa vườn Thanh đã phơi bày rơi rụng….
Mà kẻ cô đơn vẫn tưởng mơ hoài vọng cánh chim…trời !”
***
Sau khi giải ngũ năm 1958, nhạc sĩ Trần Trịnh trở lại với nhạc và với thầy Rémi. Buổi tối, ông đi biểu diễn piano tại các phòng trà và vũ trường. Ông cũng tình nguyện tham gia ban Văn Nghệ của Trung tâm Huấn Luyện Quang Trung để có dịp ủy lạo binh sĩ.
Năm 1968, Trần Trịnh gặp nhà thơ Hà Huyền Chi. Hà Huyền Chi đã nhận viết lời cho một nhạc phẩm của Trần Trịnh: “Lệ đá”. Bài hát tức khắc được mọi người yêu thích, và có số bản nhạc in phá kỷ lục. Đến năm 1971, đạo diễn Võ Doãn Châu lấy tên “Lệ đá” đặt cho cuốn phim ông thực hiện, trong đó nhạc nền là bài “Lệ đá” do Khánh Ly hát.
Trong một bài phỏng vấn, Hà Huyền Chi đã kể lại về sự ra đời của “Lệ Ðá” như sau:
“Chúng tôi kéo nhau lên đài phát thanh Quân Đội. Trần Trịnh ngồi vào Piano. Và điều ngạc nhiên là tôi ưa ngay cái âm hưởng buồn ngất ngây dịu nhẹ, rất Pianissimo ấỵ Melody thật tha thiết, ngọt ngào, bắt nhĩ. Khi ấy Đông đã kéo Dzương Ngọc Hoán qua và Hoán khen bản nhạc này không tiếc lời, khiến tôi có ngay quyết định giúp Trần Trịnh. Sau phần thảo luận, chúng tôi tự chế ra một quy ước riêng. Trần Trịnh ghi dưới các nốt nhạc chữ "o" cho những từ không dấu (bình thanh) / Dấu huyền cho các từ mang dấu huyền, hỏi Nặng/ Sắc cho các từ mang dấu sắc, ngã.
Tiếc là khi ấy loại máy cassette còn chưa được phổ biến. Tôi nghe Trịnh đàn thêm vài lần nữa và cố gắng nhập tâm cái âm hưởng của bản nhạc. Và tôi bắt đầu chơi ô chữ.
Hôm sau, tôi đem đến Trần Trịnh lời ca thứ nhất của Lệ Đá. Kết quả ngoài sức tượng tượng, là không biết bằng cảm hứng nào đó, tôi đã hòa được cái rung cảm đích thực của thơ tôi cho nhạc Trịnh. Trần Trịnh mừng rỡ tới sững hồn. Anh và Hoán cùng hân hoan hát Lệ Đá khiến tôi cũng choáng ngợp niềm vui:
"Hỏi đá xanh rêu bao nhiều tuổi đời
Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời."
Lập tức tôi viết lời 2. Buổi trưa nắng gắt, dưới mái tôn thấp lè tè của quán cơm lính trong trại. Trên chiếc bàn bọc nhôm nóng bỏng, cáu bẩn, tôi thả hồn bay với Lệ Đá. Tôi viết thật dễ dàng, và khóc cũng dễ dàng với:
"Người đi, đi mãi không về
Thời gian xóa vội câu thề
Bóng anh nhạt nhòa bóng núi
Em với tình yêu trăng soi
Tượng đá kiên trinh ru con đợi chồng
Nhạc lá thu mưa hay chân ngựa hồng..."
Tôi cứ vừa viết vừa khóc thế đó, như khi ngồi chép lại những dòng nàỵ Tôi bỏ dở bữa ăn, đem lời 2 lên đài Quân Đội. Gặp Nhật Trường trước phòng vi âm. Tôi đưa Lệ Đá ra khoe. Nhật Trường hát ngay với nỗi hân hoan bốc lửa. Hắn túm ngay lấy Trần Trịnh đòi soạn cấp kỳ hoà âm cho ban nhạc và 2 bè khác cho Mai Hương, Như Thủy. Khoảng nửa giờ sau Lệ Đá được thâu cấp kỳ. Nhật Trường, Mai Hương, Như Thuỷ, mỗi nguời trên tay một bản Lệ Đá "mì ăn liền" say mê hòa ca với nỗi xúc động đồng thiếp. Take one. Good take! Hát và thâu hoàn chỉnh ngay lần thứ nhất.
Nhật Trường như bay ra khỏi phòng vi âm ôm lấy tôi và Trần Trịnh:
– Ông đặt lời thần sầu. Bản này sẽ là Top Hit.
Tôi nhún nhường:
– Top Hit được là nhờ nhạc Trần Trịnh bay bổng như diều đấy chứ.
Nhật Trường cướp lời:
– Nhưng ông là gió lớn. Đại phong...
(Trích bài Lê Tạo phỏng vấn Hà Huyền Chi, điện báo VHNT)
Nghe "Lệ Ðá", Khánh Ly trình bày
****
Trong thời gian cộng tác với ban Văn Nghệ của Trung tâm Huấn Luyện Quang Trung, Trần Trịnh gặp nhạc sĩ Nhật Ngân. Cùng với nhạc sĩ Lâm Ðệ, từ năm 1968, họ đã chung nhau viết nhiều bản nhạc về quê hương trong thời chiến, ký tên Trịnh Lâm Ngân. Trong giòng nhạc này đã có nhiều bài trở nên nổi tiếng như "Xuân này Con không về", "Mùa Xuân của mẹ", "Thư Xuân trên rừng cao", "Yêu Một Mình", “Người Tình và Quê Hương”... và cũng không thể không nhắc đến “Qua Cơn Mê”. Trong bộ ba, Trần Trịnh và Nhật Ngân phụ trách viết nhạc và lời, còn Lâm Đệ phụ trách phần thâu thanh và phát hành.
Trần Trịnh cũng trở thành nhạc trưởng ban đại hòa tấu và hợp xướng Đống Đa trên đài truyền hình Việt Nam từ 1968, năm bản nhạc Lệ Ðá ra đời. Người vợ đầu của ông là ca sĩ Mai Lệ Huyền.
Ngoài những bản nhạc soạn chung dưới tên Trịnh Lâm Ngân, Trần Trịnh cũng có những sáng tác của riêng mình, nhưng không rất ít bài được đại chúng đón nhận. Hào quang của Lệ Ðá không còn tìm thấy nữa. Chỉ cho đến năm 1975, bản “Tiếng Hát Nửa Vời” vừa chiếm được cảm tình của người yêu nhạc thì biến cố xảy ra…
Từ đó, vì sinh kế và hoàn cảnh, Trần Trịnh chỉ chú trọng đến việc cộng tác với hết đoàn hát này đến đoàn cải lương hay gánh xiệc khác để có thể sống còn. Ông đã lưu diễn liên miên nhiều năm cùng với nhiều đoàn hát, trong nhiệm vụ đệm đàn piano. Ðến năm 1982, khi các phòng trà được phép hoạt động trở lại, ông mới quay về Sài Gòn làm nhạc trưởng tại phòng trà Đệ Nhất Khách Sạn, 10 năm sau ông sang cộng tác với vũ trường Maxim's (1991).
Năm 1994 ông bị thương nặng ở đầu gối, do tai nạn xe cộ.
Tháng 10 năm 1995, do sự bảo lãnh của chị, ông cùng với người vợ sau và 2 con qua Hoa Kỳ. Chỉ vài tháng sau, Trần Trịnh đã từ San Francisco dời xuống Orange County, California để có nhiều cơ hội cho hoạt động âm nhạc. Phần lớn thời gian đã được ông dành để viết nhạc và tham gia ban nhạc The StarBand. Một bản nhạc phẩm hòa tấu do ông soạn cũng đã được trung tâm nhạc HillTop của Hoa Kỳ ở Hollywood thu vào CD. Đó là nhạc phẩm Forget Me Not.
Đến năm 2009 thì ông hoàn thành được một CD gồm 12 bản nhạc mới và phát hành tuyển tập "Những Tình Khúc Trần Trịnh" với hầu hết những bản nhạc mà ông còn nhớ lại được trong suốt cuộc đời của ông. Những năm cuối của cuộc đời, ông cảm thấy có những dấu hiệu của bệnh tim nhưng ông không thiết tha đến cuộc đời nữa kể từ khi người vợ sau cùng của ông qua đời năm 2009, và nhạc sĩ Nhật Ngân, một người trong bộ ba Trịnh Lâm Ngân, về sau gần như mỗi ngày đều lái xe đưa ông đi uống ở quán cà phê Factory cũng đã qua đời đầu năm 2012.
Nhìn chung, Trần Trịnh có nhiều khám phá mới trong những sáng tác của ông. Nhạc của ông vì thế có những đoạn khá “trúc trắc”. Những bài được nhiều người biết là những bài thuộc vào thể loại “dễ nghe”. Trịnh Lâm Ngân được nhiều người biết hơn Trần Trịnh. Có vẻ như ông muốn dành tên thật của mình cho những bản mang sắc thái đặc biệt của ông. “Tiếng Hát Nửa Vời” là một hướng nhạc đặc biệt của Trần Trịnh với những câu nhạc dài:
“Biết đến ngày nào mình còn lê bước lang thang nhìn lá rơi trên hè chiều
Đã mấy chiều rồi, buồn nào không cánh bay cao, giọt nắng rưng rưng cả trời.”
Cũng trong hướng này, Trần Trịnh đã có một sáng tác độc đáo viết cho mối tình trẻ hiện đại nơi xứ lạ, bài “Trái Sầu Ðầy”, mời các bạn nghe qua tiếng hát Bảo Yến:
Dạo mới qua chưa quen ai, ba lô đeo vai trườn trên dốc cao, lê bước mệt nhoài
Váy ngắn phơi đôi chân nai, loanh quanh loay hoay, đành cho cơn gió mon men quay lại
Mùa thu lá bay, đông sang, xuân qua đến hạ, bài học ôn dài quá
Sớm sớm ra đi, đêm đêm ti vi cartoon dưới nhà, buồn còn hơn bệnh xá
Rồi đến khi ta quen nhau, thân nhau, yêu nhau mà sao vẫn nghe lạc lõng ban đầu
Chiếc bóng đôi ta chung nhau đêm không trăng sao, vòng tay ôm chắc yên tâm chưa nào
Vậy ta sánh vai tung tăng lên non xuống đồi, chuyện thần tiên đẹp cũng thế thôi
Chiếc ghế công viên lâu nay lân la không hay vắng mặt, giật mình nghe chừng sắp cuối năm
Nếu anh lên đại học...
lối cũ quanh co quen chân chẳng còn
Những hai ngôi trường
rồi đây chưa biết đâu là chỗ thuận đường
Lỡ ra anh ở lại,
trách móc em nghe si mê khờ dại
Biết đâu sau này
mộng mơ chưa chín thay vào trái sầu đầy
Minh Hạnh