Nguyễn Hiền
Nhạc sĩ Phạm Duy đã ra đi
Phạm Duy trong những ngày cuối đời
Phạm Duy, người nhạc sĩ được nhiều người biết đến nhất trong nền tân nhạc Việt Nam, đã vĩnh viễn từ giã những người hâm mộ vào ngày 27/01/2013.
Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã in đậm dấu ấn trong kho tàng âm nhạc Việt, đến nỗi có người đã cho rằng: “Với Phạm Duy, ngàn lời cũng thiếu và một lời cũng thừa”. Vì vậy, trong bài này tôi chỉ tóm lược một số nét chính về ông.
Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh năm 1921 tại Hà Nội. Gia đình ông có những người nổi tiếng về văn chương (Phạm Duy Tốn – cha ông – là nhà văn xã hội đầu tiên; và anh của ông là giáo sư thạc sĩ Phạm Duy Khiêm, nhà văn viết tiếng Pháp). Một người anh khác của ông là nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng. Ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng, cũng gốc từ một gia đình nổi tiếng trong sinh hoạt âm nhạc, với những người em của bà là danh ca Thái Thanh, nhạc sĩ Phạm Đình Chương (tức ca sĩ Hoài Bắc trong ban hợp ca Thăng Long), ca sĩ Phạm Đình Viêm (tức ca sĩ Hoài Trung của ban Thăng Long).
Ca khúc đầu tay của Phạm Duy là Cô Hái Mơ, phổ từ thơ Nguyễn Bính. Từ năm 1944 cho đến ngày cuối đời, ông đã sáng tác hơn một ngàn ca khúc. Hoài Nam, trong serie “70 năm Tình ca Việt Nam” thực hiện cho đài SBS Úc châu, đã dành 3 chương trình chỉ để trình bày về Tình Ca của Phạm Duy, với những biến chuyển theo thời gian. Tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương là hai địa hạt âm nhạc của Phạm Duy được người ta đón nhận nhiều nhất. Trong nhạc viết về tình yêu nam nữ ông đã khéo sử dụng những từ ngữ, từ mộc mạc đến chải chuốt, nhưng đượm chất thơ. Ông cũng đã phổ nhạc cho nhiều bài thơ tình, từ những bài thơ của các thi sĩ tiền chiến như Huy Cận, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Lưu Trọng Lư… qua đến những bài thơ của thế hệ sau như Minh Đức Hoài Trinh, Cung Trầm Tưởng, Ðỗ Quý Toàn… cho đến Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Lý Thụy Ý… Có những thi sĩ nếu không nhờ nhạc Phạm Duy thì chắc chẳng mấy người biết, như Ngô Đình Vận (Tình Khúc Trên Chiến Trường Tồi Tệ), Vũ Hữu Định (Còn Chút Gì Để Nhớ), Phạm Văn Bình (Chuyện Tình Buồn) v.v…
Trong nhạc viết về tình yêu quê hương ông đã khéo lồng những tiết điệu ngũ cung Việt Nam qua nhạc thuật chuyển hệ khiến cho bài hát trở nên phong phú hơn, người nghe không còn nhận ra sự đơn điệu của dân ca cổ.
Hai tác phẩm lớn được đánh giá là thành công nhất của Phạm Duy là hai Trường ca: Mẹ Việt Nam (ca tụng hình ảnh người Mẹ Tổ Quốc) và Con Đường Cái Quan (hành trình của một người du hành từ Bắc vào Nam trên những ‘con đường cái quan’ nối lòng dân ba miền). Trong những thập niên cuối đời ông đã soạn ra hai trường ca dài hơi nữa là Hàn Mặc Tử và Minh Họa Kiều, nhưng chưa thâu được kết quả như ông mong muốn.
Ngoài những địa hạt này, Phạm Duy còn xông xáo trong tất cả những mảng âm nhạc người ta có thể nghĩ ra. Có thể nói cả cuộc đời ông là một chuỗi thử nghiệm những vùng đất khác nhau. Ông đã có những sáng tác cho nhu cầu của kháng chiến, cho nhu cầu của thiếu nữ, của em bé, nhạc cho lứa tuổi choai choai, nhạc cho những chủ đề tâm linh… Trong mỗi địa hạt ông thường để lại một tập nhạc một chục bài: Tâm ca, Ðạo ca, Thiền ca, Rong ca, Nữ ca, Bé ca, Bình ca. Những biến động thời cuộc đã được ông ghi dấu bằng những tập như Tâm phẫn ca (Tết Mậu Thân), Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ và Tị nạn ca (viết về người tị nạn), Ngục ca (phổ thơ Nguyễn Chí Thiện)… Hương ca là chuỗi nhạc chủ đề cuối cùng trong đời, khi ông đã về Việt Nam. Người ta đã cho là ông đi quá đà khi viết Tục ca, Vỉa hè ca, mặc dù ông muốn mượn những lời tục để nói đến những vấn đề thâm sâu hơn như thân phận nước nhược tiểu, như phê phán cái ác lên ngôi, những thứ này theo ông cần phải có lời chửi tục mới đáng.
Cũng như người ta trách ông chạy theo thời qua những bản nhạc có những lời ‘không xứng đáng’ (như Sức Mấy Mà Buồn). Tuy ông dường như cũng… ôm đồm, ‘chạy theo thời’ trong những bản nhạc lời Việt dịch từ những nhạc phẩm thời trang ngoại quốc nổi tiếng trong thập niên 60, 70; nhưng người ta không thể phủ nhận cách chọn những từ rất hay, rất hợp của ông khi chuyển lời Anh, Pháp từ những bài này sang tiếng Việt. Hay những bài nhạc ngoại cổ điển và bán cổ điển thuộc loại khó đã được ông đặt thêm lời, nổi tiếng nhất là những bài như Giòng Sông Xanh (của Johann Strauss II), Dạ Khúc (Serenade của Schubert), Vũ Nữ Thân Gầy (La Cumparsita)… Những bản nhạc này đã một phần góp nên tên tuổi Thái Thanh. Thái Thanh cũng là ca sĩ đã hát nhạc Phạm Duy ngay từ những ngày đầu tiên.
Và có thể nói không sai là bất kỳ ca sĩ tân nhạc nào ở miền Nam trước 1975 và ở hải ngoại sau 1975 đã có lần trình diễn tác phẩm của Phạm Duy. Một điều làm người nhạc sĩ buồn là rất ít người để ý đến tiền thù lao, cho dù tượng trưng, gửi cho ông, khi ông nặng gánh gia đình ở Thị Trấn Giữa Ðàng (chữ ông thường dùng để chỉ Midway City, California), cả khi ông vất vả vận động tài chánh để thực hiện Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ và in tập nhạc để đời Ngàn Lời Ca.
Ngoài nhạc, Phạm Duy còn có những đóng góp trong những tác phẩm khảo cứu về dân ca, những tác phẩm viết về nền tân nhạc Việt Nam. Quyển Hồi ký gồm 4 tập của ông là một tóm lược cả cuộc đời của người nghệ sĩ tự nhận mình là người hát rong, trong hơn 70 năm trường.
Nhạc sĩ Phạm Duy cùng một số thân hữu Cái Ðình sau buổi giới thiệu Trường ca Hàn Mặc Tử và Minh Họa Kiều
tại Hòa Lan, 03/08/1997
Con người Phạm Duy cũng phức tạp đa dạng như nhạc của ông. Ông bỏ kháng chiến về thành, năm 1952 vào Saigon lập nghiệp. 1975 ông bỏ nước ra đi, để năm 2005 lại quay trở về quê hương để rồi vĩnh viễn nằm trong lòng đất mẹ thấm đẫm nhạc của ông. Trong suốt chặng đường dong ruổi đó dĩ nhiên ông đã đối mặt với nhiều hoàn cảnh, nhưng ông lúc nào cũng lạc quan, miệt mài làm việc và luôn tìm những hướng đi mới. Con người nghệ sĩ của Phạm Duy rất khác con người làm ăn của ông, cũng khác với con người trong đời thường. Con người ngoài đời của ông cũng rất khác con người Phạm Duy trong gia đình. Tựu chung, ông là một người sống có vẻ như bất cần đời, bất cần người, chỉ cần một điều duy nhất là tự do cho mình có thể tiếp tục sáng tác, và tìm nơi nào có thể cho mình hưởng thụ. Ông đã bị nhiều người chỉ trích về cách ứng xử, những lời tuyên bố ‘không ngờ’. Cũng như nhiều người gay gắt lên án ông khi ông quyết định về lại Việt Nam năm 2005, với những show diễn “Ngày Trở Về”, trong khi gần như toàn bộ nhạc của ông khi ấy vẫn còn bị chính quyền Việt Nam cấm hát. Nhưng ông có lý do của ông. Ông biết là cuối cùng thì nhạc của ông sẽ nẩy mầm trở lại trên quê hương, và ông muốn thôi thúc chuyện đó. Nhất là từ khi vợ ông qua đời năm 1999 đã cho ông hoàn toàn có thể bỏ hết những vướng bận để chỉ sống cho cá nhân mình. Trong những bài hát ông sáng tác ở hải ngoại người ta có thể cảm thấy chất quê hương Việt Nam vẫn luôn tiềm tàng trong mỗi lời nhạc.
Ông trở về, như là một gặp gỡ lần cuối với những người đã nhiều năm mến mộ ông, và đồng thời cũng để cho những người đã lớn lên ở một nửa đất nước phải nghĩ lại khi nhìn ra những gì người nghệ sĩ đã cống hiến cho đời trong một môi trường tự do sáng tác, như Phạm Duy, như Trịnh Công Sơn… Giả sử sáu mươi năm trước Phạm Duy không rời bỏ kháng chiến, thì nay sẽ ra sao, nhiều khi tôi tự hỏi?
Phạm Duy đã được an táng tại Hoa Viên Nghĩa Trang ở Bình Dương. Trước đó một tháng, người con trưởng của ông là ca sĩ Duy Quang cũng đã từ trần, ở Hoa Kỳ.
Nguyễn Hiền
Nghe nhạc: “Những gì sẽ đem theo vào cõi chết” do Phạm Duy và Khánh Ly trình bày
Những gì sẽ đem theo vào cõi chết
Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết,
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng còn bao luyến tiếc
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Tôi không đem theo với tôi được tiền tài hay danh vọng
Tôi không đem theo với tôi được gái đẹp hay ruợu nồng
Tôi không đem theo với tôi được lầu vàng hay gác tía,
Tôi không đem theo với tôi được mộng giàu sang phú quý,
Tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại,
Tôi xin đem theo với tôi đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời,
Em giương to đôi mắt, soi vào cuộc đời đang bước tới,
Tương lai vui hay tối thui cũng là nhờ anh lớn thôi !
Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết,
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Tôi không đem theo với tôi được quyền hành trong giai đoạn,
Tôi không đem theo với tôi được giới hạn tiếng anh hùng,
Tôi không đem theo với tôi được tượng đồng bia đá trắng,
Tôi không đem theo với tôi được tuổi vàng trong cõi sống.
Tôi xin đem theo với tôi một cuộc tình không quen thuộc,
Đôi uyên ương xin mến thương
không khó nhọc hay ngượng ngùng!
Trong đêm thâu ôm ấp nhau bên cột đèn hay khóm trúc
Không ai ngăn hay lấy cung vì phạm thuần phong mỹ tục.
Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết,
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng còn bao luyến tiếc
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Tôi không đem theo với tôi được nhiều điều tôi mong đợi
Tôi không đem theo với tôi danh với lợi ra ngoài đời,
Tôi không đem theo với tôi được cả buồn vui mấy nỗi
Tôi không đem theo với tôi, và để lại cho thế giới.
Tôi xin dâng cho thế gian một vài điều tôi công nhận
Tôi xin dâng cho thế gian, ôi số phận sinh làm người!
Thương cho em chưa thoát thai
trong cuộc đời chưa hết chuyến,
Tôi xin dâng cho cái quên của một người sẽ tái duyên.
Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi Niết,
Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu!
Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng mừng không hối tiếc
Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu!