Nguyễn Hiền
Hờn ghen
Vòng chọn lựa chung kết của chúng tôi cho thấy có nhiều câu chuyện thú vị. Bài tango đặc biệt này, thường được diễn tả qua tựa đề “Bài Tango Hờn Ghen”, là một trong những bài tango nổi tiếng nhất. Trên thực tế, người ta đã ước tính là trong thập niên 70, cứ mỗi phút trong suốt cả ngày, bản nhạc này đã được hát hay được hòa tấu ở một nơi nào đó trên thế giới. Cho dù vậy, chỉ có một số tương đối ít người biết bản Hờn Ghen không phải từ Argentina, cũng không phải là tiếng La-tinh trong nguyên thủy, mà được viết bởi một nhà soạn nhạc người Ðan Mạch, ông Jacob Gade.
Jacob Thune Hansen Gade, (khi xưa được biết qua tên “Thune”) sinh năm 1879 tại tỉnh Vejle đẹp như tranh vẽ. Vài người trong gia đình ông là nhạc sĩ; cả cha lẫn ông nội của ông đều là những nghệ nhân trong vùng, được mọi người trong địa phương biết đến. Cha ông cũng làm chủ một tiệm nhạc nhỏ. Nhạc cụ đầu tiên của ông là chiếc kèn trompette; còn cha ông là người thầy đầu tiên dạy nhạc cho ông. Năm lên chín, ông gia nhập ban hòa tấu địa phương, với cha là nhạc trưởng nhưng chỉ trong một năm ông đã được mời trình tấu với giàn đại hòa tấu nổi tiếng ở Copenhage, là Tivoli Gardens.
Năm 12 tuổi ông bắt đầu học vĩ cầm, cũng trước tiên từ cha ông, và sau đó với nhiều thầy giỏi khác. Năm 16 tuổi, ông dọn lên thủ đô ở. Khi ấy ông đã có ước vọng trở thành một nhà soạn nhạc và đã bắt đầu viết nhạc từ nhỏ, nhưng những cố gắng của ông chỉ nhắm vào nhạc dân gian trong điệu polka và điệu valse, khi ông cho là nhịp điệu valse bay bướm nhất trong mọi thể điệu.
Những năm đầu quả thật khó khăn cho ông và có khi ông đã phải sống lây lất ngoài đường. Năm 18 tuổi ông ký được giao kèo với vài người nổi tiếng và qua đó đạt được một số thành công trong cả hai ngành biểu diễn và soạn nhạc. Năm 1900, một trong những tấu khúc của ông đã được phổ thông đến đại chúng khi được trình diễn bởi nữ diễn viên Elna From, người đã cùng ông có quan hệ tình ái lâu dài và có ba người con. Sáu năm sau họ chia tay, rồi vào năm 1908 ông du lịch sang Na Uy, nơi đó ông lập gia đình với diễn viên Mimi Middelsen.
Trở về Ðan Mạch, Gade thành lập ban nhạc riêng cho mình năm 1913 và sau đó tiếp tục sáng tác và trình diễn nhạc khiêu vũ. Năm 1909, ông và ban nhạc ký được giao kèo trình diễn trong nhà hát nổi tiếng Hotel Bristol trong trung tâm Copenhage.
Năm 1914, Jacob Gade bắt đầu một sự nghiệp mới với địa vị nhạc trưởng qua giao kèo để được hướng dẫn dàn nhạc địa phương trỉnh diễn phần lớn nhạc cổ điển làm nhạc nền cho những phim câm. Trong thời gian đó ông cũng hướng dẫn nhiều buổi hòa tấu với nhiều bản luân vũ và polka mới mà ông viết dưới bút hiệu mang âm hưởng ngoại quốc như ‘Maurice Ribot’, ‘Jascha Tjenko’ v.v… Một số trong những bài này đã được nhiều người biết, nhưng vào năm 1919, vẫn cảm thấy chưa đạt, ông du lịch sang New York và tại đây ông trở thành một thành viên trong nhạc viện nổi tiếng New York Philharmonic.
Trở về quê nhà năm 1921, ông chấp nhận ở vị trí một nhạc trưởng ban đại hòa tấu tại hí viện Palads Theatre ở Copenhagen, hí viện lớn và có uy tín nhất ở Bắc Âu. Trong thời gian phục vụ ở đây, vào tháng chín 1925, có những phim câm như Don Q, Son of Zorro, do Douglas Fairbanks đạo diễn và được giới thiệu bởi Mary Astor.
Trong buổi chiếu khai mạc phim này, Gade đã điều khiển giàn nhạc chơi bài tango vừa soạn mà ông đặt tên là ‘Hờn Ghen, bản Tango của dân du mục Zigan’ (Jalousie, Tango Tsigane). Bản nhạc lập tức gây được cảm tình và được đưa ra thị trường Ðan Mạch trong cùng năm đó, và năm sau lan truyền ra nước ngoài. Nhanh chóng, nó được coi là một bản nhạc nổi tiếng và trở thành bản nhạc cổ điển bất hủ.
Ðiều quan trọng cần biết là nhạc phẩm này được viết như một bản hòa tấu và không có lời. Sau đó, người ta mới đặt lời thêm vào mỗi khi bản nhạc được lưu truyền đến một quốc gia nào đó. Nó được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1931 với lời tiếng Anh do Vera Bloom viết và sau đó có lời 2 do người khác đặt; tuy nhiên, lời nguyên thủy của Bloom trở thành lời chính. Lời tiếng Tây Ban Nha cũng được đặt trong cùng năm đó.
Ðể diễn tả nhạc phẩm nổi tiếng thế giới này đã được viết như thế nào, Jacob Gade viết rằng ông đã lấy cảm hứng từ tờ báo dầy đặc những diễn tiến về một vụ án do đam mê, trong đó kẻ sát nhân hành động vì lý do hờn ghen, đã làm ông xúc động mạnh và không thể thôi nghĩ về chuyện đó. Sau cuộc đi dạo buổi sáng, từ ‘hờn ghen’ đã in hằn sâu trong óc của ông như là một tựa đề đã có sẵn và chỉ vài giờ sau đó ông đã hoàn tất bản nhạc.
Hờn Ghen đã được minh chứng là phổ thông và đã được thâu bởi giọng ca của nhiều ca sĩ khác nhau và trong những tình tiết làm cho nó phải được coi là một hiện tượng. Cả ban đại hòa tấu Boston Pops Orchestra và nhạc sĩ vĩ cầm danh tiếng Yehudi Menuhin đã thâu bản này như một bản hòa tấu. Nó là một bản nổi tiếng của ca sĩ lừng danh người Anh Vera Lynn trong Thế Chiến Thứ II và, dĩ nhiên, được xưng tụng trong nhiều phim của Ðan Mạch và được thâu bởi nhiều giọng ca Ðan Mạch nổi tiếng. Tại Hoa Ky, bản thâu của giọng ca vàng Frankie Laine đã trở thành một trong những bài nổi tiếng của ca sĩ này. Bản nhạc, được chơi theo thể điệu jazz đã được trình bày qua những giọng ca lớn như Stephane Grapelli và Dizzy Gillespie. Nó cũng được thâu bởi giàn hòa tấu La-tinh bình dân do Xavier Cugar hướng dẫn và gần đây qua thiên tài opera người Tây Ban Nha, Placido Domingo. Tại Argentina nó được tiếp tục phổ thông như bản nhạc hòa tấu, Một trong những bản thâu hay nhất là bản do nhóm nhạc sĩ tango danh tiếng Sexteto Mayor.
Thêm vào đó, bản nhạc đã được chọn làm nhạc nền cho một số phim, từ phim Hollywood cho đến phim Âu châu, một số phim này đã được nhiều người biết như Anchors Aweigh (1945) trong đó bản nhạc được ca sĩ nổi tiếng Kathryn Grayson trình bày, và cũng đã được thâu vào đĩa, và gần hơn nữa là những phim Death on the Nile (1978), Schinder’s List (1997), The Full Monty (1998) và một số khác.
Theo chân sự thành công của bản nhạc này, đã mang lại giàu sang cho ông, Gade về quê hương dưỡng già và chú tâm soạn được nhiều bản nhạc đã thâu lượm được những thành công quốc tế đáng kể trong những bản tango, valse, và nhạc cổ điển khác, nhưng không có bản nào trong số này đạt được tầm mức của Hờn Ghen. Tiếp tục sáng tác thêm vài năm nữa, và Gade qua đời năm 1963.
Trong sự giàu sang và hào phóng gặt hái được từ một bản nhạc lừng danh, Jacob Gade đã lập nên một quỹ giúp cho những nhạc sĩ trẻ có tài năng, Ông viết là ông vẫn còn nhớ lại những ngày tháng gian khổ ông đã trải qua khi mới đặt chân tới Copenhagen, với hy vọng tạo nên cuộc đời nhờ âm nhạc. Cho tới ngày hôm nay, bản tango duy nhất này đã gây được nhiều tiền lời dành cho quỹ của Gade, tiếp tục trao những giải thưởng cho những nhạc sĩ trẻ mỗi năm.
Những đĩa thâu với giọng ca Vera Bloom trong bản ca tiếng Anh vẫn còn phổ biến và vẫn được bán. Tuy nhiên, với mục đích tiếp tục giữ liên tục được sự phổ thông của bài tango này, và để diễn tả cái ảnh hưởng lớn lao và sâu xa của bản tango này trên toàn thế giới, chúng tôi đã chọn một phiên bản Jalousie với lời dịch từ bản của Bloom, được trình bày bởi một nữ ca sĩ Việt Nam.
Tango được du nhập vào Việt Nam trong đầu thế kỷ 20, trong thời kỳ thực dân Pháp hiện diện trong quốc gia này và tiếp tục trở nên phổ thông cho đến ngày nay, không những trong khối dân chúng trong nước, mà còn ở những người Việt định cư ở Hoa Kỳ hay ở những nơi khác.
Ca sĩ trình bày bản nhạc do chúng tôi chọn lựa là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Việt Nam, Khánh Ly. Người ca sĩ này, mà những buổi trình diễn của chị đã thu hút nhiều ngàn người mến mộ, làm chị nổi tiếng ngay khi xuất hiện lần đầu trước công chúng vào năm 1959, khi, với số tuổi 14, cô bé đã đoạt giải nhì trong một buổi tuyển tựa tài năng được Ðài phát thanh Saigon bảo trợ. Ðài phát thanh này có tầm hoạt động trên khắp vùng ở Nam Việt Nam. Cô bắt đầu sự nghiệp nhà nghề vào năm 1962, ở tuổi 17, trình diễn trong nhiều hội quán, trại hè trên vùng cao nguyên Nam Việt Nam.
Năm 1967 cô bát đầu một cuộc hợp tác dài với một nhà soạn nhạc trẻ và trình bày những bản nhạc của anh đã được nhiều người hâm mộ, đầu tiên ở một hội quán nổi tiếng ở Saigon, sau đó là khắp nơi trong nước. Nhóm này đã làm một tour trình diễn tại các trường đại học. Cuối cùng Khánh Ly trở thành người đàn bà đầu tiên giữ vai trò chính trong sô diễn riêng của chị, thường kéo dài tới bốn tiếng đồng hồ.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Khánh Ly đã dành gần trọn thời gian để giúp vui cho những binh lính Nam Việt Nam và tạo những chương trình gây quỹ tôn giáo và học đường.
Nam 1969, chính phủ Việt Nam bảo trợ một chuyến đi lưu diễn Âu châu cho các nghệ sĩ và do đó chị đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có những buổi trình diễn ở nước ngoài, tuy những buổi này chỉ dành cho những sinh viên Việt Nam trong chương trình trao đổi giáo dục và cho những cộng đồng người Việt tại Âu châu. Năm 1979 chị lưu diễn trong những cộng đồng ở Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại. Năm 1970 chị được hãng đĩa Nippon Columbia mời thăm Nhật Bản để thâu vài bản nhạc do chị hát tiếng Nhật và Việt. Năm 1972 chị mở một hộp đêm riêng cho mình ở Saigon, nhưng vào năm 1975 chị xuất cảnh sang Hoa Kỳ và hiện nay cư ngụ tại Cerritos, Califormia.
Khánh Ly đã được mời trở lại Nhật Bản trong vài dịp để thâu những đĩa nhạc mới của chị và năm 1989 chị được Vatican mời sang trình diễn trong một buổi lễ đặc biệt trong đó chị đã được giới thiệu tới Ðức Giáo hoàng Paul II. Chị gặp vị Giáo chủ này trong một dịp thứ hai khi chị trình diễn tại Ðại hội Giới trẻ Thế giới ở Denver, Colorado năm 1992. Tango là một phần quan trọng trong những buổi trình diễn của chị.
Lời Việt của bản Jalousie
Chút hờn ghen, khiến cho ta đau đớn ngày đêm
Dù ta cố gắng tin mà lòng ta sao vẫn tím đen
Chỉ cần một điệu nhạc khúc nổi lên
Nhắc tới chút dĩ vãng của em
Cũng khiến ta ưu phiền, ta đắng cay vô vàn
Từ ngày ta yêu mến người rồi
Tình đắm say trong ai
Dù rằng ta ôm ấp được người
Lòng vẫn chưa vui
Luôn luôn giận hờn, luôn luôn muộn phiền
Tình có lúc dịu dàng, có lúc sầu thương
Nhịp nhàng, bước nhịp nhàng lướt sàn êm
Cùng nhảy khúc tango của hờn ghen
Nhìn em như nhìn ra hoang vắng trong tâm hồn
Chẳng nói chi hờ hững nhưng vẫn nghe giá lặng câm
Bềnh bồng khúc nhạc vàng giữa hộp đêm
Chỉ sợ dứt âm thanh lúc về sáng
Vừa buông rời cánh tay đã mất em
Người có ra đi muôn trùng
Sẽ để lại khúc hờn ghen…
Trích từ tác phẩm “Tango Voices”, tổng hợp và biên soạn của Donald Cohen
Wise Publication, ISBN 978-1-84609-900-7
Người dịch: Nguyễn Hiền
Chú thích: Sách có kèm CD với 26 bản Tango,
trong đó bản “Hờn Ghen”, lời Việt của Phạm Duy, Khánh Ly trình bày
được lấy từ CD Vũ Nữ Thân Gầy.
Bấm vào đây để nghe toàn bộ CD “Vũ Nữ Thân Gầy”.