Nguyễn Quyết Thắng


Du Ca Banmê

Năm 1965 từ Sàigòn trở về lại Banmêthuột, ngồi vào lớp đệ lục của bậc Trung Học, năm của tuổi mới lớn, của nhiều kỷ niệm, và của nhiều ước mơ đẹp nhất trong đời. Ở nhà, tôi vẫn luôn là đầu tầu của lũ em 7 đứa, lúc nào tôi cũng có những trò chơi mới chỉ bầy cho các em cùng chơi, nào là xếp đặt, phân chia, điều khiển trò chơi bao giờ cũng thông suốt, nhìn ánh mắt mở to và cái miệng há hốc của chúng, tôi đoán chắc chúng phục tôi hết mình. Thế nhưng khi đến lớp học, tôi lại là một "con nai vàng ngơ ngác" trước những trò nghịch ngợm "thần sầu" của các bạn trai, hoặc những ánh mắt "bí hiểm" của các bạn gái cùng lớp. Có lẽ tôi bị ảnh hưởng bởi sự giáo dục của gia đình đã trao cho tôi một trách nhiệm luôn luôn phải làm gương cho các em noi theo, trong sinh hoạt Hướng Đạo và Gia Đình Phật Tử cũng dậy tôi những tính tốt, lương thiện, biết thương và giúp đỡ mọi người, đã là một toán trưởng trong sinh hoạt tập thể, tôi phải tỏ ra là một người gương mẫu, chuyện yêu đương - bồ bịch lúc này, vẫn còn nằm trong danh sách "những điều cấm kỵ".

Trong lớp có vài học sinh luôn nổi bật cá tính riêng của mình, ở hình dạng, hay một hành động hay-dở, tốt-xấu nào đó, đều làm mọi người quan tâm, cho dù những sự việc có dễ thương hay đáng ghét đó thế nào chăng nữa, thì bây giờ cũng đều trở thành những kỷ niệm hồn nhiên vui thú, chẳng hạn như anh chàng "Khánh Chuột" cứ trước hoặc sau giờ học đang chờ thầy giáo mới đến thay môn mới, là anh ta nhẩy lên bục bảng đen, thao thao bất tuyệt giảng tiếp về những điều đặc biệt mà thầy chưa nói đến, nhất là môn Sinh Vật học với những "động vật có vú" "bộ lưỡng tính""bộ... sinh dục" v.v..., tôi bực lắm và hay tỏ ý bất bình. Trong lớp thường gọi tôi là "Thắng Sữa" cũng vì cái bộ dạng "nai vàng" và làn da trắng toát, nên thường hay bị "Khuê Lùn" và "Thuận Xún" trêu chọc, thế nhưng tôi lại được ngay anh chàng "Trúc Rỗ" bênh vực cấp kỳ, anh là một học sinh lớn tuổi và hung hăng nhất lớp khiến mọi người nể sợ. Tống Đình Tuyên và Phan Hồ Khánh, là 2 người bạn tôi qúi mến nhất trong lớp và thường lui tới chơi thân với nhau, trong lớp gọi là "Tuyên Giò Chả" và "Khánh Già" cả 2 đều có tài về môn vẽ chân dung bằng "bột chì" trắng đen tuyệt đẹp, tôi thường đến nhà bạn để chiêm ngưỡng tranh và ngồi nhìn bạn vẽ, học lóm đem về nhà, đặc biệt hơn nữa "Khánh Già" còn có tài độc tấu Tây Ban Cầm thật lôi cuốn, có nhiều đêm ở nhà Khánh, tôi nằm trong phản đi-văng nghe Khánh dạo classique và flamenco từ ngoài balcony vọng vào, trong bóng đêm yên lặng, là cả một khung trời diễm ảo mở ra trong trí, tôi say mê tiếng đàn của Khánh, như Mỵ Nương mê tiếng sáo Trương Chi, giờ ngồi ôn lại kỷ niệm tôi không khỏi bùi ngùi thương tiếc con người tài hoa mà đoản mệnh, anh tử nạn sau cuộc đụng trận đầu tiên với quân giặc lúc tuổi mới đôi mươi, để lại người tình anh yêu quí vừa mới cưới.

Trong lớp tôi, nam nữ được học chung, phía trên là nữ, phía sau là Nam, cô Xuyến, Minh, Tình, Thủy, Hoàn, Vân... người nào cũng thấy hiền khô, ngồi..chết cứng một chỗ, không ồn ào, khi cần nói chuyện thì chỉ thì thầm, nói chuyện bằng...ánh mắt hoặc viết thơ dấu vào trang vở trao nhau. Ấy là tôi ám chỉ lúc ngồi trong lớp học.

Có lần tôi nghe bạn kể trong sân trường xuất hiện một đám nữ sinh "du côn" "ba gai-ba góc" lập phe kết đảng với tên là Katanga, thoạt đầu tôi chỉ thờ ơ thoáng nghe qua, nhưng lần sau thì tò mò muốn biết, tựu chung thì toàn là tiếng xấu. Nhưng họ đã làm chuyện gì? Tại sao? Bao nhiêu người trong nhóm? Tôi hoàn toàn không rõ, chỉ biết rằng đám con gái đó đang ngồi trong lớp đệ lục A nằm ở dẫy bên kia, lớp tôi là đệ lục D (tôi không thích nghe chữ này, vì chữ D có nghĩa là "35 con Dê", còn Đ có nghĩa là Đê Thượng dân tộc thiểu số). vậy là đám "du côn" đó cũng cùng ngang tuổi và ngang lớp với tôi, so sánh với mấy nàng trong lớp tôi thì thật là quá đáng, cái máu Don Quichot trong tôi bỗng nổi dậy, ý định lôi kéo các cô gái ấy ra khỏi "vũng lầy trong bóng tối" càng nhanh càng tốt, kẻo... hư hết, học hành nỗi gì?

Nghĩ vậy, nhưng chưa biết phải hành động ra sao? Vừa háo hức lại vừa ái ngại, đành viết một lá thư có tính khiêu khích, đả phá hành động lập phe kết đảng, lên án hành vi thiếu nhu mỳ, thiếu lễ độ của người con gái Việt Nam, nếu còn tiếp tục, sẽ lãnh hậu quả không tốt. Ký tên "Thanh Long Đảng".

Đại khái là như thế, 1 thư rồi 2 thư, và lâu lâu lúc nhớ lại thêm lá thư kế tiếp, tôi nhờ bạn lén lút đưa thư bằng cách nhét xuống ngăn dưới bàn học, cốt gây hoang mang, làm nhụt chí đối phương. Thế nhưng, chẳng bao giờ tôi nhận được thư trả lời, Nghĩ cho cùng, họ biết ai để mà trả lời?

Nhà trường hay tổ chức những buổi hội thảo, thuyết trình, từ lớp này qua lớp kia để trao đổi về một đề tài đã học hoặc đã nghiên cứu, hôm nay đệ lục A đến lớp tôi thuyết trình, một nhóm Nam Nữ khoảng 10 người, nhưng chỉ có 3 Nữ sinh ngồi trên bàn thầy giáo giảng thuyết, người ngồi giữa tự giới thiệu là Quờn, ngồi 2 bên là Đầm và Huấn. Mỗi người đọc một phần đề tài, rồi giảng, rồi nói, rồi hỏi,... không biết có được sự xếp đặt trước của thầy cô hay không? mà sao nghe thật mạch lạc thông suốt, sự lưu loát nhanh nhẹn của "thuyết trình viên" đã lôi cuốn chúng tôi, cần theo dõi thật kỹ, rút kinh nghiệm cách thức thuyết trình để lần sau qua "trả lễ".

Người bạn ngồi cách phía sau tôi 2 dẫy bàn, quăng lên cho tôi một mảnh giấy vo tròn, mở ra xem trong đó ghi: "Takanga đó". Tôi "hự" một tiếng ngạc nhiên, và ngẩng nhìn lên bàn thuyết trình, những ý nghĩ tốt đẹp vừa qua bỗng tan biến mất hết, ánh mắt của tôi chợt sắc lại, quét ngang một tia bất mãn, khinh khi... Ôi!! Những khuôn mặt kia giờ sao thấy giả tạo và kịch cỡm quá...

Hè 1965, Bộ Thanh Niên phát động một chương trình cho thanh niên cả nước mang tên "Chương Trình Công Tác Hè 65" gồm các sinh viên, học sinh và các đoàn thể tham dự, có cả Thanh Sinh Công, Hướng Đạo Sinh, và Gia Đình Phật Tử. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, tôi tham gia với các bạn cùng trường, vào các buôn làng xa xôi của dân tộc thiểu số, cùng chặt cây đốn lá về dựng lớp học cho trẻ em, đào mương khoét rãnh làm nhà vệ sinh công cộng cho dân làng, sức "thư sinh" như tôi chỉ có thể làm những việc như tiếp nước, dọn dẹp, hát hò cổ động, và những công việc tương đối vừa sức.

Buổi tối, tất cả quây quần quanh bãi đất trống giữa làng để đốt lửa trại, hát hò nhẩy múa. Tình cờ sự xuất hiện của nhóm Katanga làm tôi sững sờ ngạc nhiên. Đầm và Huấn làm hoạt náo thật linh động quanh ánh lửa, hát ca hào sảng, Quờn tác động mọi người vỗ tay cùng hát, reo hò gọi mời mọi người nối đuôi rồng rắn nhập đoàn múa quanh lửa hồng cùng với các anh chị lớp trên. Những bài ca sinh hoạt ngắn gọn, được hát đi hát lại đôi lần là mọi người cùng có thể hát theo, thỉnh thoảng lại được chế thêm lời mới:

- Đèo cao (dô ta) thì mặc đèo cao (dô ta),

Ta cùng xúc đất (dô ta), còn cao hơn đèo (dô tà là hò dô ta).

Câu hát thật ngộ nghĩnh, ngớ ngẩn, chả trúng vào đâu cả, nhưng chẳng ai để ý, cứ hát cứ múa, vui cười hả hê.

- "Con vỏi con voi, cái vòi đi trước,

hai chân trước đi trước, hai chân sau đi sau,

còn cái đuôi đi sau rốt..."

Chẳng nhẽ hai chân sau lại đi trước? Lẫn trong đám đông, còn có người phá quấy hát chêm vào:

"...hai chân sau đi sau, còn cái đuôi...thò ra chấm đất!!..."

Vòng múa đến gần bên tôi, Quờn giơ tay thân thiện, kéo tôi đứng lên nhập cuộc.

Qua vài ngày làm công tác và sinh hoạt lửa trại, tôi ngầm đê ý thấy nhóm thiếu nữ này rất hăng say với những công tác tự nguyện, vui vẻ với mọi người và linh động trong sinh hoạt, tôi chẳng tìm thấy một chút gì gọi là "du côn" chẳng có gì gọi là "ba gai" như đã bị đồn đãi cả, hay tại những bức thư "hăm doạ" của Thanh Long Đảng đã cám hóa được những người này rồi chăng?

Buổi tối liên hoan cuối cùng, mọi người tụ tập đông đủ, ăn bánh ngọt, uống nước trà và xem văn nghệ cây nhà lá vườn, ai muốn xung phong đóng góp tiết mục đều được hưởng ứng, ngoài ra còn có phần giới thiệu và yêu cầu tham gia nữa chứ, lần này Quờn và Đầm giới thiệu tôi lên hát và cùng hát chung vài bài sinh hoạt ca. Trong lúc gỉải lao Đầm cùng mấy người bạn kéo đến bên tôi, chìa ra đĩa bánh ngọt và mời tôi ca nước trà nóng, nụ cười tươi trên môi và tự giới thiệu tên từng người... tôi ngượng ngùng ù hự qua loa. Chuyện trò qua lại, chuyện trên trời, chuyện dưới đất, một lúc sau, Huấn tinh ranh nói xéo:

- Vậy nhé!? Lần sau thôi đừng bỏ thư vào ngăn bàn của chúng tôi nữa nhé? Nhỡ thầy cô bắt được chúng tôi bi phạt đấy!

Trời đất !! họ biết hết rồi sao? Tôi nhủ thầm: cái thằng bạn chết tiệt chắc đã nói cho họ biết, ai đã viết những lá thư này rồi đây? Ðã biết rõ tôi là thủ phạm mà hồi nào đến giờ, chẳng có phản ứng chi cả? Tôi chưa biết phải chống chế cách nào? bất ngờ quá:

- Hả !! ả.. hừm, mà... tại sao, lập đảng Katanga để làm gì?

- Chúng tôi đâu có lập đảng, thật ra Katanga là chữ viết tắt của "Khoa Tán Gái", trong lớp tôi mấy cô con gái nhút nhát quá, cái gì cũng lo sợ, lúc nào cũng lượt là, õng ẹo chỉ để con trai trêu chọc hoài, chúng tôi đến thuyết phục mấy cô gái nhút nhát đó, để biết sống cho mình và giúp đỡ cho người, chúng tôi kêu gọi các cô gái khác tiếp tay làm đồ thủ công nghệ như Búp Bê bằng len, tranh vẽ, khăn tay thêu, đem bán để giúp đỡ cô nhi viện, giúp các em tật nguyền v.v... mẹ tôi nói: - muốn người ta nghe theo mình thì phải có khoa ăn nói, tán cho hay thì các cô gái siêu lòng nghe theo. Và từ đó "Khoa Tán Gái" được ghép thành nguyên tên cho vui, mà chúng tôi cũng là con gái mà lo chi, cuối cùng biến thành chữ "KaTanGa" thấy ngộ hơn... mà tại sao anh biết? Còn... "đảng " của anh thì sao?

Một thoáng hối hận, tôi vội phân bua:

- Ùm.. à, nghe vậy thôi mà, bỏ qua đi nghen? Hì...hì...

Những ngày tháng kế tiếp, tôi cùng Châu, một người bạn tham gia khóa huấn luyện huynh trưởng Ấu Thiếu Nhi do Bộ Thanh Niên tổ chức tại Sài Gòn, cũng trong dịp này tôi biết được những bài ca thật đặc sắc của Nguyễn Đức Quang, những bài ca thôi thúc tình tự dân tộc, kêu gọi sự dấn thân khai phá của thanh niên, với lòng yêu quê hương dân tộc đang đau khổ sống trong chiến tranh triền miên. Tôi có được một tập "Những Bài Ca Khai Phá" quay ronéo do Huỳnh Long Hải thuộc đoàn Thanh Ca Tác Động tỉnh Long An trao tặng, tôi tự tập lấy và hát nghêu ngao ở mọi nơi, những bài hát dân ca của 3 miền có sức lôi cuốn tôi mãnh liệt, tôi từ bỏ hẳn những bản nhạc thương mại thường nghe trên radio, tôi dị ứng với những ca khúc yêu đương ủy mỵ, sớm nở tối tàn, và không còn màng đến nhạc ngoại quốc mà trước kia tôi vẫn thường ưu thích.

Một ngày thứ Bẩy 24 tháng chạp 1966, đang ngồi trước cửa nhìn ngắm kẻ qua người lại. Từ đằng xa 3 người con gái thắt tóc bím thả 2 bên vai, áo bà ba trắng dài tay, bên ngoài khác thêm 1 áo gilê mầu đen, tất cả đều mặc giống nhau như bộ đồng phục, tung tăng tiến đến trước tôi xòe tay trao cho tôi một con búp bê bằng vải vo tròn, cái đầu to bằng viên bida, trong độn vải vụn hoặc bông gòn căng phồng, khuôn mặt búp bê được vẽ bằng mực mầu, mắt to và miệng nhỏ, 2 lọn tóc bím gắn 2 bên,cũng giống như các cô chủ làm ra nó, vải dư quấn ở cổ thả xuống như chiếc áo thụng của thiếu nữ. Đầm thân tình cười nói :

- Tặng..."ông" nè, chúc Giáng Sinh vui vẻ nha?

Tôi trả lời:

- Ngộ quá há, cám ơn nhé! Con trai cũng được chơi búp bê à?... Mấy... "bà" đi đâu mà xách đồ nhiều thế?

- Búp bê này là để treo trên cây Noel đó, không có cây thì treo trên cửa sổ cũng được, tụi tôi ra ngã sáu bầy bán lấy tiền giúp Cô Nhi Viện, tối nay là lễ Giáng Sinh người ta đi lễ nhà thờ đông lắm, hy vọng bán được nhiều, "ông" đi với tụi này không?

Tấm poncho trải xuống bên hè đường cạnh những xe bán hàng rong, những con búp bê ngộ nghĩnh đủ mầu sắc, của cả mọi dân tộc, da đen, da đỏ, da trắng, da vàng không thiếu, nhưng hoàn toàn là búp bê nữ, vì con nào cũng có thắt bím đuôi sam 2 bên được thắt bằng những sợi dây len cũng đủ loại mầu sắc. Những con búp bê không hề biết nói, nhưng chứa đựng một tình thương yêu rộng lớn, tình yêu của con người thương yêu đồng loại đã tạo ra nó, các cô đã bỏ công góp nhặt vải vụn, nắn nót vẽ-tô thực hiện trong bao ngày tháng, để hôm nay tập trung ra đây, hy vọng bán cho những người đầy lòng nhân từ cũng đang cầu mong ơn trên ban phước lành cho họ, họ không cần giầu có, cao sang, chỉ cần một tình thương ban xuống là đủ, cũng như tấm bảng nhỏ được viết đôi giòng chữ, dựng giữa bầy những con búp bê :

" Búp Bê Thiên Thần - Giúp Trẻ Mồ Côi - Ủng Hộ Tùy Tâm ".

Những câu chuyện được nói tới, những hoài bão được đặt ra trong suốt buổi tối, toàn là những mơ ước nhỏ bé trong tầm tay non nớt của tuổi trẻ 16-17. Tôi hát nghêu ngao vài bài dân ca, thanh niên ca, mọi người lắng nghe và hứng thú hát theo, chốc lát sau, nghiễm nhiên chúng tôi trở thành một toán hợp ca ngay giữa đường phố, bên hông giáo đường. Trong kia tiếng kinh cầu vang lên lời thiết tha mong hồng ân giáng xuống, ngoài này tiếng hát của chúng tôi ùa tới, bám víu lòng từ tâm của người bên trong...

Không ngờ hôm nay tôi lại gặp được những người bạn cùng tâm huyết, những người chỉ trong những ngày tháng ngắn ngủi trước đây, tôi đã đánh giá sai về họ. Tôi đề nghị bất ngờ:

- Hay là chúng mình thành lập nhóm sinh hoạt văn nghệ đi, xin mời các... "bà" tham gia đó.

Đúng 2 giờ trưa Chủ Nhật hôm sau, đến hẹn, chúng tôi cùng họp mặt tại căn nhà 19 Hai Bà Trưng Banmêthuột, đó là căn nhà của bố mẹ tôi đã dìu đắt chúng tôi suốt chặng đường từ vĩ tuyến 17 đến đây lập nghiệp năm 1957. Ngoài sự hiện diện của bọn tôi đã ước hẹn đêm qua, còn có thêm được một số các bạn cùng trang lứa khác đến tham dự buổi họp mặt đầu tiên này, và hôm nay cũng là ngày đoàn "Thanh Ca Tác Động Lòng Mẹ Banmêthuột" chính thức ra đời, (vài tháng sau, thông tin từ Ban Chấp Hành Trung Ương đưa về đổi tên thành "Phong Trào Du Ca Việt Nam - Đoàn Du Ca Lòng Mẹ Daklak"), Ban Chấp Hành đơn vị Banmethuột đã được bầu ra và thành phần đoàn viên gồm có Nữ : Phan Nguyệt Quờn, Lê Thị Đầm, Lý Gia Huấn, Nguyễn Thị Thanh Tài, Nguyễn Thị Vân, Hồ Minh Chiến, Lê Thị Lộc. Phía Nam gồm: Nguyễn Quyết Thắng, Phan Hồ Khánh, Huỳnh Lâm, Nguyễn Văn Hùng, Huỳnh Văn Phước, Nguyễn Văn Tổng, Phan Văn Thanh. Những năm kế tiếp đoàn có thêm: Nguyễn Tri Bình, Lê Thị Thanh Đào, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Đình Cường, Huỳnh Trọng Đạt, Đỗ Phước Long, Nguyễn Đức Tấn, Phú, Nguyễn Văn Dư, Lệ Hà, Ngô Ái Lan, Quế Hoa, Hường, Diễm Thu, Lê Nguyên Hòa, Nguyễn Đình Hiếu, Trần Khang Thụy, Ngọc, Hồ Văn Nuôi, Trần Văn Trinh, Vương Ngọc Nha, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Giõng, Hoàng Văn Cương, và đoàn viên "hàm thụ" Thu Hằng...

Giáng Sinh 66, đánh dấu sinh nhật của đoàn Du Ca Daklak, một nỗi nhớ khắc ghi, là một dấu ấn sâu đậm đến tinh thần văn nghệ phục vụ và tình bằng hữu của chúng tôi. Cho đến nay, dù đã cách xa nhau mỗi người một phương trời xa thẳm, mỗi người một cuộc sống riêng tư, trải qua bao những thăng trầm của cuộc sống và vận mệnh nổi trôi của đất nước, cho dù nay mái tóc đã điểm sương tháng ngày, nhưng tâm hồn chúng tôi vẫn luôn cảm nhận một nụ cười tươi trẻ, lòng rạo rực với những kỷ niệm thật gần gũii và thân thương trong mỗi độ Giáng Sinh trở về, tôi vẫn mãi mãi vẫn là một thành viên của Du Ca Lòng Mẹ thuở nào...

Toán B  thuộc đoàn Du Ca Lòng Mẹ Banmêthuột- sinh hoạt trong lớp học

 

Nguyễn Quyết Thắng

Nghe bản nhạc "Nói Với Người Du Ca Banmê", Nhạc Nguyễn Quyết Thắng, tác giả trình bầy nhân dịp dịp trở về Banmê dự giỗ lần đầu của 3 du ca viên banmê đã tử nạn vì đạn pháo, trong đợt đi sinh hoạt cứu trợ nạn nhân bão lụt 1971.

 


Cái Đình - 2013