Thái-Phúc Nguyễn


Ưng biển (Osprey)

 

Tên tiếng Anh Osprey của loài ưng biển bắt nguồn từ tiếng Pháp cổ "ospreit", và theo tiếng Latinh "avis praedae" có nghĩa là "chim săn mồi". “Avis praedea”, một thuật ngữ chỉ chung cho bất kỳ loài chim ăn thịt nào và dường như được liên kết với chim ưng biển trong tiếng Pháp cổ dựa trên sự  giống nhau về âm thanh của nó với ossifrage, chỉ một loài kền kền rất lớn ở Cựu thế giới chuyên nuốt và tiêu hóa xương.

Ưng biển (Osprey) là một trong những loài chim săn mồi lớn ở Bắc Mỹ, dài tới 50- 60cm, sải cánh từ 150 - 180cm. Con mái to và nặng hơn con trống khoảng 15–20%.

Tổng quát, chúng  có màu trắng dưới bụng và màu nâu trên lưng với chi tiết như bụng và họng trắng, ức trắng với một số đốm nâu, đuôi màu nâu sẫm với các dải màu nhạt hơn.

Mặt sau và trên của cánh màu nâu sô cô la đen. Lông đầu và trán cũng có màu trắng với một vệt nâu chạy từ mỏ xuống bao quanh mắt và ra tận sau gáy. Mỏ ưng đen và cong vút thật mạnh.

Mống mắt con trưởng thành có màu vàng.

Chim cha và con. Con non dễ phân biệt với tròng mắt màu cam và lông điểm nhiều đốm trắng

Con non to giống như con trưởng thành, nhưng có đôi mắt màu cam và bộ lông sẫm màu với nhiều đốm trắng trên đó.

Nếu sánh với đại bàng đầu trắng thì ưng biển kém phần oai dũng về dáng vẻ bên ngoài nhưng về việc săn bắt cá để sinh tồn chúng lại là bậc thầy do sở hữu khả năng lặn sâu đến gần 1m dưới nước khi cần, trong lúc đại bàng thường bắt cá nổi trên mặt nước mà thôi.

Lúc phải lặn xuống nước, mũi ưng đóng lại để ngăn không cho nước vào còn mắt vẫn mở nhưng lúc đó có 1 màng che trong suốt tự động kéo ngang để cản nước vào mắt chim.

Với cấu trúc đặc biệt của bàn chân, ngón ngoài cùng của ưng biển có khả năng đảo ngược ra sau cho phép chim nắm bắt mồi bằng hai ngón chân phía trước và hai ngón phía sau. Thêm nữa lòng bàn chân chúng lại có gai nhám giúp giữ chặt những con mồi trơn trượt một cách an toàn và chim cũng biết xoay đầu cá ra phía trước để giảm sức cản của gió khi bay.

Mating

Ưng biển là một loài chim thiên di.

Qua những khảo cứu bằng cách buộc vào lưng chim 1 máy định vị nhẹ để theo dõi vị trí của chúng, người ta phát hiện chỉ trong 13 ngày vào năm 2008, một ưng biển đã di chuyển tất cả 2.700 dặm từ Martha Vineyard, MA đến Guyana Nam Mỹ.

Chúng dễ dàng làm tổ trên các cấu trúc nhân tạo, chẳng hạn như cột điện thoại, cột đèn dọc xa lộ hoặc những cọc đánh dấu trên sông hồ... Ở một số khu vực, tổ chim hầu như chỉ được đặt trên các cấu trúc nhân tạo ven sông.

Trứng ưng biển không nở cùng một lúc mà thường cách nhau khoảng 5 ngày. Con đầu đàn khỏe hơn nên luôn giành thức ăn do chim bố mẹ mang đến. Nếu thức ăn dồi dào thì không nói nhưng khi khan hiếm thực phẩm những con non hơn có thể chết đói vì sự tranh giành này.

Chim mẹ mớm mồi cho chim non

Osprey lớn tuổi nhất sống đến 25 năm 2 tháng (ở Virginia).

Môi trường sống của ưng biển bao gồm hầu hết mọi vùng nước nông có nhiều cá như sông, hồ, đầm lầy... Chúng làm tổ quanh quẩn những nơi này, càng gần càng tốt nhưng cũng không xa nguồn cá quá 12 dặm.

Địa điểm làm tổ phải thoáng, cao để tránh các động vật ăn thịt như raccoon bén mảng đến.

Chim trống mang vật liệu về xây tổ

Tổ của ưng biển được làm bằng cành khô và lót bằng vỏ cây, cỏ, dây leo, rong tảo... Con trống gom lấy phần lớn vật liệu làm tổ và con mái lo lót tổ. Trong mùa đầu tiên, tổ của một cặp ưng biển tương đối nhỏ: đường kính dưới 75cm và sâu chừng 15cm. Nhưng qua nhiều mùa sinh sản, năm này sang năm khác, ưng biển có thể bồi đắp nới rộng thêm những chiếc tổ thành to, sâu đủ cho người ngồi vào.

Mỗi lứa, chim mái sinh sản từ 1 đến 4 trứng to cỡ trứng gà có màu kem với đốm nâu đỏ. Vợ chồng chia nhau ấp trứng nhưng chim mái chủ động dành nhiều thì giờ ở tổ hơn trong khi con trống lo canh giữ gần đâu đó và thỉnh thoảng đi bắt cá mang về cho chim mái ăn.

Con mồi là cá catfish to trên người còn dính 1 sợi nhợ câu cùng với phao

Gần 6 tuần sau khi ấp chim non sẽ nở và vẫn tiếp tục được chim mẹ ấp ủ chăm sóc trong lúc con cha bay đi bắt cá. Trước khi tha mồi về tổ, chim cha thường ăn sạch phần đầu rồi mới giao cho chim mẹ phần mình cá nhiều thịt để bạn tình xé thành từng miếng nhỏ đút cho con non ăn. Đây là một ưu điểm khá đặc biệt mà tôi chứng kiến khi săn ảnh ngoài thiên nhiên.

Gia đình 2 con, vợ, chồng hạnh phúc

Ưng biển là loài diều hâu duy nhất trên lục địa hầu như chỉ ăn cá sống. Chúng thường bắt cá to vừa: chiều dài khoảng 30cm trở lại. Gặp những trường hợp ngoài ý muốn chim vớ phải cá lớn quá như trong loạt ảnh tôi ghi được bên dưới, mời các bạn xem qua để thấy hết sức mạnh đôi cánh của ưng.

Chim bị cá lớn lôi xuống nước trong khi cố quạt cánh bay lên

Sau một lúc gắng sức chim đã rời mặt nước

Và thành quả là 1 con cá to quá cỡ

Bắt cá 2 tay nhưng vẫn lấy ăn như thường, vừa bay vừa lắc đầu cho văng bớt nước dính lông

Số lượng Ưng biển ở Mỹ giảm nhanh chóng vào đầu những năm 1950 đến 1970 do việc sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan, trong đó tệ hại nhất là DDT. Cho dù ít có tác động trực tiếp nhưng thuốc trừ sâu vẫn độc hại đối với chim nếu ăn phải vì thuốc sẽ làm mỏng vỏ trứng chim khiến trứng dễ vỡ khi ấp. Sau lệnh cấm DDT của Hoa Kỳ năm 1972, quần thể Ưng biển đã phục hồi lại và trở nên một biểu tượng bảo tồn thành công với số lượng tăng khoảng 1,9% mỗi năm cho đến 2019.

Gần đây, trước mối lo ngại ngày càng tăng về các bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra, một số nhà bình luận trên các phương tiện truyền thông đang gợi ý việc sử dụng lại DDT và vấn đề đang được cân nhắc chẳng biết rồi sẽ đi về đâu?

.

VA mùa Xuân năm 2023
Thái-Phúc Nguyễn

 

Direct link: https://caidinh.com/fotografie/fotografie/ungbien.html


Cái Đình - 2023