Nguyễn Hiền
Xem phim “Ride the Thunder”
Vài tuần trước buổi chiếu ra mắt phim “Ride the Thunder” ở California vào tháng 05 & 06/2015, khi được email mấy người bạn rủ tôi bay qua “chứng kiến” thành quả, tôi đã chực mua vé. Nhưng nghĩ lại, đành tặc lưỡi. Mình chưa tới mức điên bỏ hơn ngàn đô để xem một xuất hát, như kiểu vài vị “Việt kiều” xỉa ra vài ngàn chỉ để về Việt Nam chơi bời thay vì mất vài chục một trăm thăm mấy em trong khu đèn đỏ Amsterdam. Ngoài ra, phim chiếu rạp Mỹ thì chỉ có… tiếng Mỹ, chắc gì mình nghe thủng. Bỏ thì bỏ, nhưng vẫn tiếc. Tiếc vì được xem mấy khúc trong trailer quá hấp dẫn. Hơn nữa, vì đã đọc mấy lần tác phẩm bestseller này cùng bản dịch “Cưỡi Ngọn Sấm” cho nên háo hức muốn biết phim và sách khác nhau ra sao. Và rất mừng khi nghe tin tuần lễ ra mắt thành công ngoài dự tính, để rồi sau đó phim đã được nhiều rạp tại Cali và một số tiểu bang nhận chiếu.
Do đó, khi thấy thông báo phim đã có trên dạng DVD, tôi đã vội vàng đặt mua ngay. Mua trên DVD, giữ làm kỷ niệm, cho dù có thể downstream vào máy hay trả tiền coi 1 lần, với giá rẻ hơn. Khi trả tiền PayPal, bấm nút finish rồi mới sực nhớ: phim Mỹ khác zone, máy bên Âu châu làm sao coi! Chắc lại phải tìm máy đa hệ hay tìm cách crack code máy nhà rồi…!
Một tuần sau nhận được chiếc DVD, hồi hộp bỏ vào máy (cứ thử xem, biết đâu), thời may nó chạy. Mừng húm. Thầm cảm ơn mấy vị lo kỹ thuật chuyển phim rạp sang phim đĩa. Và còn có phụ đề Việt ngữ nữa, đỡ mối lo thứ hai về ngôn ngữ.
Tuy dựa trên tác phẩm cùng tên, nhưng phim chỉ lấy hai khúc thời gian trong truyện làm hai (trong 4) phần chính khi dựng phim: Thiếu tá Lê Bá Bình Tiểu đoàn trưởng TĐ3/TQLC trong trại cải tạo Nam Hà năm 1979-1980; và trận tử thủ Đông Hà của đơn vị này vào cuối tháng 3/1972, trong đó có Đại úy Cố vấn John Ripley, người đã can đảm thực hiện một đặc vụ phi thường là gài 12 khối chất nổ dưới lòng cầu Đông Hà – trong tầm hỏa lực Cộng quân – và sau đó giật sập chiếc cầu, ngăn chặn đúng lúc 20.000 Bắc quân với xe tăng T-54 và PT-76 có pháo yểm trợ đã bắt đầu xuống tới đầu cầu Đông Hà với mục đích đè bẹp 800 lính TQLC trước khi tràn xuống Huế.
Hai phần khác trong phim là:
1) cuộc chiến đấu tiếp tục của Đại úy John Ripley còn tiếp diễn nhiều năm dài – sau khi ông mãn nhiệm kỳ ở Việt Nam, chống lại dư luận Hoa Kỳ nghĩ xấu về tác phong của TQLC Hoa Kỳ tại Việt Nam và về cuộc chiến bảo vệ tự do của QLVNCH chống lại quân cộng sản
2) những khúc phim tài liệu phóng sự truyền hình trong thời ấy cho thấy sự tranh luận giữa hai luồng dư luận quần chúng tại Hoa Kỳ, và cảm nghĩ cùng nhận định vào thời điểm hiện nay của một số nhân vật về cuộc chiến Việt Nam.
Do đó, phim “Ride the Thunder” có thể được xếp vào loại phim tài liệu – hay chính xác hơn là “docudrama”, trong khi cuốn sách mang dạng hồi ký lịch sử nhiều hơn. Tuy hai cấu trúc khác nhau, nhưng cả hai cùng chung mục đích, là đưa ra cho người xem (sách cũng như phim) một hình ảnh hào hùng bất khuất của những chiến sĩ TQLC Việt và Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống quân cộng sản Bắc Việt mà truyền thông Hoa Kỳ một thời đã cố tình bóp méo sự thực. Sự tôn vinh sứ mạng giúp QLVNCH bảo vệ tự do tại Việt Nam của các binh chủng Hoa Kỳ có thể tóm gọn trong lời của Eric St. John (vai đại úy Ripley) tuyên bố trong buổi họp mặt năm 1974 về chiến tranh Việt Nam:
“Hoa Kỳ đã triệt thoái ra khỏi Việt Nam. Chúng ta đã mất rất nhiều người tại đó. Có đáng để giúp người Việt Nam chống lại cộng sản hay không? Để tôi nói cho quý vị rõ: rất xứng đáng.”
Và để trả lời cho những ai còn cố tình bênh vực Bắc Việt, ông dõng dạc phát biểu:
“Hãy vạch một lằn ranh trên cát. Không dối trá nữa. Những sự dối trá sẽ kết thúc ở đây.”
Giờ đây, hơn 40 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc chiến tàn, chúng ta được nghe lại sự phẫn uất của những người chiến binh QLVNCH bị cột trói bởi những thế lực nằm trong Ngũ Giác Đài. Tâm sự ấm ức như những mũi kim đâm vào tim khi nghĩ tới những người, quân cũng như dân, đã vĩnh viễn nằm xuống bởi một nghịch lý, như lời của Joseph Hiếu (vai Thiếu tá Lê Bá Bình):
“Chúng ta luôn phải đợi cộng sản tấn công rồi mới đánh lại. Hãy xâm chiếm miền Bắc đi và trả tự do lại cho người dân chúng tôi. Hãy đuổi bọn lãnh đạo cộng sản để chúng quay đầu về Tầu, về Liên Xô. Cuộc chiến sẽ kết thúc chỉ trong vài tuần. Đơn giản vậy thôi. Hãy để chúng tôi chiến đấu…” “…Đây là cuộc chiến tranh không thể thắng được.”
Đúng vậy. Giờ đây chúng ta vẫn có thể tiếp tục bàn cãi là chiến lược này đúng hay sai, nhưng mọi chuyện đã xong, và lịch sử không cho chúng ta cơ hội thử lại bài toán. Dù sao, qua hơn 40 năm dưới sự thống trị của những người mà “…họ biết ở những người chết đói thì không có sự tin nhau…,” chúng ta có bao giờ thấy nhức nhối khi nghĩ về quá khứ và chiêm nghiệm về một chân lý: một cuộc chiến tranh phòng ngự sẽ không bao giờ thắng, cũng như một đội banh chỉ lo co cụm bảo vệ khung thành thì cơ hội hàng hậu vệ sút được quả banh lọt lưới chỉ là chuyện huyền thoại.
Nhưng cho dù biết trước cũng đành bó tay, vì đúng như lời một ông bạn ngồi cùng bàn với vợ chồng John Ripley trong quán rượu bình dân trong làng khi bàn chuyện thời sự chiến tranh Việt Nam:
“Quốc hội muốn Việt Nam phải thua. Tất cả đều vớ vẩn. Như bọn biểu tình phản chiến ấy. Nếu họ thật sự phản chiến sao không yêu cầu Trung Cộng và Nga rời Việt Nam? Sao không yêu cầu Cộng sản Bắc Việt ngừng ngay việc xâm lược Nam Việt Nam?”
Xem phim, hai phần sau này là phần tôi cho là xuất sắc. Nó xoáy vào chủ đề chính của phim. Những đoạn phim gây cho tôi sự xúc động nhất là những đoạn phỏng vấn Jane Fonda và John Kerry. Phẫn uất nhưng đồng thời cũng cảm động khi thấy có những người phản biện lại bằng những lý luận đanh thép, giản dị nhưng chính xác. Cái lợi của những phim tài liệu (hay ghi âm được lưu trữ) là bạn không thể chối quanh được. Tôi không biết Jane Fonda khi xem lại những khúc phỏng vấn này (hay là những tuyên bố của bà ta khi diễn cặp đôi với Donald Sutherland) trong phim “Ride the Thunder” sẽ nghĩ sao. Bỏ qua sinh mạng của 58.226 binh sĩ Hoa Kỳ tử trận và mất tích, chỉ tính những di hại vẫn còn gây ra cho hàng trăm ngàn cựu chiến binh Hoa Kỳ, chẳng hiểu bà ta có một lần hối tiếc? Hay bà vẫn chỉ nghĩ đến việc tạo dựng hào quang cho mình và cho bọn cộng sản theo “học thuyết cách mạng, tức là bạn phải ép buộc bằng hình thức khủng bố” (trích đoạn phỏng vấn John Kerry về cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968) qua bức ảnh lịch sử “ngồi bên khẩu pháo cùng bộ đội Bắc Việt ca hát và cười nhạo ngay chính đồng bào của mình"? Hay lời bao che rằng tù binh Hoa Kỳ được đối xử đàng hoàng đã bị ngay Hạm trưởng Hải quân Eugene Mc Daniel phản bác bằng ngay kinh nghiệm bản thân ông đã phải hứng chịu khi vừa bị tra tấn bằng hình cụ, vừa phải mỗi ngày nghe những lời tuyên bố ra rả của Jane được phát ra từ loa trong trại giam tù binh. Tức hai lần tra tấn.
Xem phim, ta cũng có thể tự hỏi không biết đương kim ngoại trưởng John Kerry hơn 40 năm trước có ngượng miệng khi tuyên bố là Việt cộng không có giết dân trong Tết Mậu Thân để rồi phải dối quanh khi tin tức và hình ảnh những mồ chôn tập thể được đưa ra (xem trích đoạn đã dẫn ở phần trên). Hay trong một lần phỏng vấn, John Kerry khẳng định là quân nhân Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cưỡng hiếp và tra tấn dân, sau đó đã phải lúng túng thấy rõ khi một cựu chiến binh Hoa Kỳ chất vấn, đòi ông phải đưa ra bằng chứng cụ thể. Đoạn này và đoạn phỏng vấn Allan Goodman (Clark University) trong chương trình tranh biện “The Advocates”, một chứng nhân đã làm ông này “ngồi đực mặt ra” khi lời tuyên bố ông đưa ra trước đó “có rất nhiều đổ máu sau hòa đàm Paris 1973” đã bị phản bác một cách nhẹ nhàng nhưng không kém hài hước làm tôi phải phì cười mỗi lần xem:
– Thế sẽ có bao nhiêu đổ máu giả sử như năm ngoái quân đội Bắc Việt rút ra khỏi Nam Việt Nam?
– Tôi không thể ước tính được.
– Chắc là sẽ không có đâu, vì làm gì có chiến tranh.
– !!!
Quả thật, có những lý luận rất đơn giản nhưng dường như truyền thông đã đồng lõa không thèm đếm xỉa đến, như qua những thảm cảnh xảy ra tại Việt Nam và biển Đông sau 30/04/1975 mà “thế giới vẫn giữ im lặng”.
Cuối cùng, những đoạn phỏng vấn một số nhân vật có liên quan đến tác phẩm đã được đưa vào rải rác trong phim để minh xác lời của John Ripley “hãy vạch một lằn ranh trên cát”. Ngoài Andrew R. Finlayson (ĐĐT/ĐĐ5/TQLC.HK) kể về một cuộc giết người dã man của Việt cộng nhắm vào gia đình một trưởng làng ở An Hòa để khủng bố dân chúng, Hạ sĩ Chuck Gogging (trong nhóm “Biệt kích Ripley”) tự hào khi nói về người hùng John, Trung tá Gerard Turley (cố vấn cao cấp TQLC vùng I CT) về chiến công của John, Hạm trưởng Eugene Mc Daniel với thương tật do tra tấn, Trung tá TQLC George Philip, cựu đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ là Bùi Diễm, phải kể đến những đoạn tác giả kiêm đạo diễn Richard Botkin nói về tác phẩm, về cuốn phim và về sự tham dự của TQLC/HK trong cuộc chiến Việt Nam. Tôi thán phục đạo diễn và nhóm thực hiện phần tài liệu đã bỏ không biết bao nhiêu ngày giờ để lục hàng núi phim ảnh và tìm ra được những nhân vật then chốt để làm những cuộc phỏng vấn sống động nhằm minh xác những lập luận trong cuốn phim.
Nếu xét về diễn viên, tôi đánh giá cao Eric St. John. Anh đã lột tả được tâm lý nhân vật John Ripley trong mọi tình huống, từ những cuộc đụng trận máu thịt, qua tới chiến trận chống lại cả khối dư luận, từ những trăn trở ngày đêm về cuộc chiến cho đến nét hào hùng toát ra khi muốn bênh vực lẽ phải. So với Eric, thì – ngay thẳng mà xét – Joseph Hieu (vai Lê Bá Bình) thua một bực. Đúng ra, việc thủ vai một Thiếu tá TQLC trong thời chiến và Lê Bá Bình sau khi ngã ngựa đã phải chịu nhục nhằn trong kiếp tù cải tạo là một việc không dễ dàng gì. Hai hoàn cảnh mà Joseph Hieu chưa một ngày trải qua, đòi hỏi một trí tưởng tượng phi thường để có thể nhập vai trọn vẹn. Một yếu tố góp phần không nhỏ, theo tôi, là phim nói tiếng Anh, những khúc phim trong trại cải tạo cho người xem cảm giác như xem phim kiếm hiệp Trung Hoa được chuyển âm sang tiếng Đức để chiếu trên truyền hình Đức quốc vậy. Nó gây cho người xem một cái gì đó "không thật". Nghe cả đám tù cải tạo đồng thanh hô khẩu hiệu "Long live Hochiminh!" quả là có sự gì đó không ổn.
Nhân vật trong phim thể hiện được sự sống động trong vai đóng là do những chi tiết rất nhỏ: một thoáng liếc mắt, ngoảnh đầu, nụ cười mỉm đúng lúc, sửa lại y phục, v.v... Những thứ này đòi hỏi một cá nhân tính tự có. Trong phim, tôi thích thú khi nhìn ra sự khác nhau giữa hai nhân vật phụ là vợ đại úy John Ripley (Amy Loy thủ vai) và vợ Thiếu tá Lê Bá Bình (do Lynn Tran thủ vai). Amy với cách diễn xuất trong phim xã hội Âu Mỹ và Lynn với cung cách nhân vật trong tuồng Việt Nam. Người xem có thể nói Amy sinh động hơn Lynn, nhưng theo tôi, cả hai đã cố gắng thủ vai một cách trọn vẹn theo cách riêng.
Điểm nổi bật trong phim là cách dựng cảnh trí và trang phục cho những màn trong trại cải tạo. So với một phim đã được người Việt hết lời khen ngợi trong quá khứ là Vượt Sóng (Journey from the Fall, đạo diễn Hàm Trần) thì trang phục và sự diễn xuất trong Ride the Thunder đã thực hơn rất nhiều. Nếu vài người đã từng qua chặng đường cải tạo còn bới móc ra được một vài sai sót nhỏ thì chúng cũng chỉ là tiểu tiết. Phần phụ đề Việt ngữ rất công phu, tuy nhiên lời văn quá chân phương, có lẽ người phụ trách sợ phóng bút chăng? Ngoài ra, phần Việt ngữ vẫn không tránh khỏi một lỗi mà tuyệt đại đa số người viết phụ đề mắc phải: ngôn ngữ Việt có hai dạng rõ ràng, đó là ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói. Mỗi dạng ngôn ngữ có một số từ ngữ chuyên biệt. Những từ như "và", "hãy", "chúng ta"... là từ ngữ đặc thù của ngôn ngữ viết. Tuy nhiên, từ vô thức, do cách giáo dục, người Việt một khi đặt bút xuống giấy (hay gõ computer) sẽ tự động dùng từ ngữ của ngôn ngữ viết, mặc dù đây là phụ đề phim, với mục đích chuyển tải trung thực lời nói cùng tâm tình được chuyên chở qua ngôn từ, không phải là một bài văn đối thoại.
Nhìn chung, cuốn phim "Ride the Thunder" đã lột tả được những gì tác giả kiêm đạo diễn Richard Botkin và Giám đốc Sản xuất Fred Koster muốn thực hiện, đó là một cuốn phim đáp ứng được "ước muốn của quần chúng muốn thấy được sự thực, họ muốn xem một phim ca tụng người Mỹ trong đó những bậc anh hùng được vinh danh và những kẻ xấu xa bị điểm mặt.". Cuốn phim này đã mang lại, hay đúng hơn, một lần nữa công nhận sự hào hùng của các chiến binh Mỹ cũng như Việt, nhất là binh chủng TQLC. Họ đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, cho dù kết quả chung cuộc không được như họ muốn. Và trong những hoàn cảnh tuyệt vọng, họ vẫn kiên cường vượt qua mọi trở ngại để xứng đáng là một chiến binh TQLC. Cuốn phim là phần bổ túc cho cuốn sách. Rất tiếc, những người xem phim xong, muốn đọc sách để biết thêm có thể sẽ thất vọng vì khoảng cách khá xa giữa sách và phim, tuy cùng tựa.
Và ngẫm lại, may mắn là tôi đã không tham dự tuần lễ ra mắt phim, vì sẽ không thể nào trong một lần, cảm nhận được những gì đạo diễn muốn gởi gấm.
Nguyễn Hiền
______
Ride the Thunder.
Thể loại: Bi kịch tài liệu
Dài 102 phút
Thích hợp với lứa tuổi: 13 trở lên
Diễn viên: Eric St. John (vai John Ripley), Joseph Hieu (vai Lê Bá Bình), Pierre Nguyen, Steve Son Nguyen, Pierre Cuong Ng, Megatran Roy, Alan Vo Ford, Amy Loy, Toan Doran, Lynn Tran...
Giám đốc: Fred Koster
Đạo diễn: Richard Botkin
Phụ tá đạo diễn: Kieu Chinh, Quy Van Ly, Alan Vo Ford, Joseph Hieu…
Hãng phim: Kosters Film
DVD giá US$ 17,- chưa kể cước phí gởi
Xem Giới thiệu tác phẩm "Cưỡi Ngọn Sấm", bản dịch Việt ngữ Ride the Thunder