Nguyễn Kỳ Phong


Vũng Lầy Của Bạch Ốc: Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975.

Lời mở đầu

Trong lời giới thiệu tập 1, tác phẩm Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam , người viết dự định tập 2 sẽ ra mắt khoảng mười hai tháng sau khi tập 1 ra mắt độc giả.

Nhưng nhiều thay đổi đã xảy ra trong dự án làm việc.

Một số sử liệu về chiến tranh Việt Nam được giải mật thêm, và do tính quan trọng của tài liệu, bài viết cần được bổ túc dù phải chậm trễ.

Thêm nữa, người viết sử dụng một hệ thống thảo chương tiếng Việt không còn nhiều nhà xuất bản sử dụng vì bây giờ nhà in không còn in từ “hard copy” như thập niên trước. Những tiến triển của kỹ thuật ấn loát đã gây nhiều trở ngại cho người viết vốn thiếu kiến thức về kỹ thuật hiện đại.

Những lý do đó khiến tập 2 đến tay dộc giả quá trễ so với dự định.

Có hai thay đổi quan trọng sau khi người viết hoàn tất tập 2:
– Qua đề nghị của nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, tựa tác phẩm sẽ được đổi là Vũng Lầy Của Bạch Ốc: Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam 1945 - 1975 . Tựa đề này phản ảnh đúng về đường lối của chánh phủ Mỹ, nhất là Tòa Bạch Ốc, khi họ thực thi những quyết định về cuộc chiến Việt Nam.
– Thay đổi thứ hai là trong ấn bản này, người viết gom hai tập lại thành một tập. Đây là sự thiệt thòi cho những độc giả đã đọc qua Tập 1. Tuy nhiên người viết nghĩ đây là cơ hội để sửa nhiều lỗi trong tác phẩm đầu tay, và đúc kết hai phần viết lại thành một sẽ tạo được tính liên tục cho sự thưởng ngoạn của độc giả.

Với những độc giả lần đầu tiên đọc tác phẩm này, người viết xin sơ lược lại cấu trúc chủ đề chính của tác phẩm.

Vũng Lầy Của Bạch Ốc: Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam 1945 - 1975 gồm có 13 chương.

Chương 1, Roosevelt và Truman , điểm lại tình hình tổng quát trên thế giới sau thế chiến thứ hai, thái độ chính trị và ngoại giao của hai tổng thống Mỹ, Roosevelt và Truman, đối với người Pháp về vấn đề thuộc địa của họ ở Đông Dương.

Chương 2, Chận Làn Sóng Đỏ , lược ghi về nguồn gốc Chiến Tranh Lạnh, một sự kiện quan trọng đã chia thế giới ra hai khối rõ rệt từ sau thế chiến. Nga và Trung Cộng cố bành trướng chủ thuyết cộng sản trong khi Hoa Kỳ và khối tư bản cố ngăn chận làn sóng đỏ đang dâng tràn nhiều nơi trên thế giới. Trong thời điểm này, các quốc gia nhược tiểu không có nhiều chọn lựa ngoài sự ngả theo bên này hay bên kia. Chương 2 cũng bàn về ba biến cố lớn ở Á Châu là Trung Cộng toàn thâu lục địa Trung Hoa, cuộc chiến bất phân thắng bại ở Triều Tiên giữa Đồng Minh với Trung Cộng và Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ.

Chương 3, Việt Nam Cộng Hòa , đề cập đến liên hệ Mỹ - Việt trong thời kỳ phôi thai của một quốc gia vừa thành hình khi Hoa Kỳ thay Pháp ở Việt Nam. Chương 3 cũng đề cập đến những trở ngại trong liên hệ ngoại giao, quân sự với tổng thống Ngô Đình Diệm từ sau năm 1960.

Chưong 4, Quân Sư Danh Tướng và Khoa Bảng , trình bày tổng quát những chi tiết về đường lối ngoại giao cùng kế hoạch quân sự bí mật của chính quyền Kennedy đối với Việt Nam Cộng Hòa và đối với cá nhân tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong giai đoạn này, Hoa Kỳ dùng mọi nhân tài, danh tướng, phương sách, để cố tìm một giải pháp cho các mối liên hệ Mỹ - Việt Nam . Chương 4 chấm dứt khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết và tổng thống Kennedy bị ám sát.

Chưong 5, Cuộc chiến của Johnson và McNamara , bắt đầu từ lúc Lyndon Johnson lên thay Kennedy, và người Mỹ thật sự liên hệ đến chiến tranh sau cuộc đụng độ ngoài khơi vịnh Bắc Việt. Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam , chiến lược chiến thuật thay đổi, quyết tâm lãnh đạo trong cuộc chiến Việt Nam của tổng thống Johnson và bộ trưởng quốc phòng McNamara.

Chương 6, Binh Hùng Tướng Mạnh , diễn tả hệ thống quân đội, chiến thuật, chiến lược của MACV. Cuộc chiến lan rộng với số quân dưới 1000 vào đầu năm 1960 tăng đến nửa triệu giữa năm 1969. Chương 6 chú trọng nhiều về vấn đề quân sự, cơ cấu quân đội, chi tiết về Bộ Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ và các bộ tư lệnh ở chiến trường Việt Nam.

Chương 7, Chỉ Huy và Điều Khiển , ghi lại chi tiết hơn về hệ thống chỉ huy và điều khiển của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam . Quyền hạn của bộ tư lệnh MACV ra sao, dưới tay có bao nhiêu quân, được quyền hay không được quyền làm gì và liên hệ quân giai của bộ tư lệnh này đối với các thẩm quyền quân sự, dân sự, cao hơn.

Chương 8, Chiến Tranh Việt Nam , bàn về ý nghĩa chính xác và diễn tiến đích thực của cuộc chiến: Hoa Kỳ đánh trận như thế nào, hỏa lực chiến thuật, chiến lược, phương thức tác chiến ra sao. Westmoreland sai lầm hay không khi chuyển từ chiến lược “enclave” qua “search and destroy” và mức tốn kém về phương diện kinh tế.

Chương 9, Những Con Khỉ của Năm Mậu Thân là tựa đề mà người viết muốn tạo một chút hài hước khi đặt tên cho chương này. Thực ra, những con khỉ của năm Con Khỉ là những khó khăn của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1968. Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn vì tất cả định chế xã hội bị đảo lộn do phong trào phản chiến bùng phát. Kèm theo là những bạo động xảy ra từ phong trào đòi bình đẳng của dân da đen ở nội dịa. Trong năm 1968, mọi định chế của Hoa Kỳ hầu như đều bị lay chuyển. Các nghị viên quốc hội lần lượt ra mặt chống lại đường lối của chính phủ đối với cuộc chiến.

Chương 10, Nixon và Kissinger , ghi nhận chi tiết về tư cách, tinh thần, thái độ của ngoại trưởng Henry Kissinger và tổng thống Richard Nixon đối với Việt Nam trong giai đoạn thứ nhì của cuộc chiến: giai đoạn hòa đàm và chuẩn bị lui quân. Phần này có nhiều tài liệu vừa được giải mật gần đây, nói về các mánh khóe và sự gian dối của Kissinger khi ông ta thương lượng với Trung Cộng, Nga và Bắc Việt.

Chưong 11, Việt Nam Hóa và Rút Quân , với kế hoạch giao trọn trách nhiệm chiến đấu cho Việt Nam Cộng Hòa, trong khì quân đội Hoa Kỳ và đồng minh lần lượt rút đi. Chương này ghi lại khả năng gánh vác cuộc chiến của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Chương 12, Bức Tử , vụ Watergate và sự bất tín nhiệm của quốc hội và dân chúng Mỹ đối với tổng thống Nixon, đưa đến những quyết định bất lợi khi quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết các ngân khoản viện trợ kinh tế, quân sự cho tài khóa thường niên. Mặt khác, từ những thay đổi chiến lược ở Đông Nam Á, người Mỹ không còn coi Việt Nam như một đồng minh cần được bảo vệ.

Chương 13, Tinh Thần Người Mỹ Trong Cuộc Chiến , đưa lại cái nhìn tổng quát về tinh thần người Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam : những người hùng và những người hèn của cuộc chiến, cảm nghĩ của những thẩm quyền Hoa Kỳ khi họ phản tỉnh về kinh nghiệm của họ.

Sau khi tập 1 ra đời, người viết nhận được nhiều thư độc giả ủng hộ tác phẩm. Những khuyến khích và ủng hộ từ độc giả là một khích lệ tinh thần vô giá cho ngưòi viết. Dĩ nhiên, bên cạnh những thư khen ngợi cũng có nhiều lá thư khuyến cáo về các lỗi chính tả, cú pháp, hay những sai lạc hiển nhiên. Với những quan tâm đó, người viết thành thật cảm tạ độc giả.

Như một tác giả nào đó đã nói: “ Lịch sử là một tranh luận không bao giờ kết thúc ”, cuộc chiến Việt Nam sẽ còn được tranh luận, phát giác nhiều trong tương lai. Cái nhìn và lời giải thích của người viết chỉ là một quan điểm cá nhân. Dù với tất cả khách quan, cái nhìn và lối giải thích này vẫn có thể bị coi là thiếu vô tư trong một trường hợp nào đó. Vô tư hay thiên vị, người viết hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi điều đã trình bày. Một tác phẩm 700 trang ghi lại một giai đoạn phức tạp xảy ra trong 30 năm không thể không thiếu sót. Người viết chỉ mong độc giả thông cảm khi những khiếm khuyết xảy ra. Một lần nữa, tác giả rất hân hạnh đón nhận những đề nghị hay bình phẩm về tác phẩm này từ người đọc.

Cuối cùng, ở đây người viết muốn ghi lại lời cảm ơn hai người bạn đã góp ý và giúp đỡ người viết trong tác phẩm này: anh Uyên Thao Vũ Quốc Châu của Tủ Sách Tiếng Quê Hương đưa ra ý kiến in hai tập thành một và hoán chuyển tất cả bản thảo ra hệ thống thảo chương hiện đại để tiện việc lưu trữ và lưu chuyển. Ở giai đoạn hoán chuyển từ thảo chưong cũ ra mới, nếu không có sự giúp đỡ của Phan Lê Dũng, người viết không biết phải cần bao nhiêu thời gian nữa để sửa hàng ngàn ký hiệu bị mất hoặc sai lạc trong tiến trình hoán chuyển. Với những giúp đỡ đó, người viết chân thành cảm ơn.

 

NKP
Centreville , Virginia , Tháng 12, 2005


Cái Đình - 2006