Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông


Tiểu sử các tác giả chủ biên

   

Bác sĩ Lê Văn Thu:

Sinh năm 1945 tại xã Mai Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Di cư vào Sài Gòn năm 1954. Tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1973. Phục vụ tại Bệnh xá Sư đoàn 3 Bộ binh, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, Quảng Nam, từ cuối năm 1973 cho tới cuối tháng Ba năm 1975. Tù cải tạo tại miền Trung từ 1975 tới 1976. Phục vụ tại Phòng Y tế Quận 11 thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1976 tới năm 1979. Vượt biển qua trại tị nạn Pulau Bidong, Mã Lai, năm 1979. Định cư tại Tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, từ năm 1980. Lấy lại bằng Y khoa Bác sĩ tại tiểu bang này năm 1984. Mở phòng mạch hành nghề tư tại Thành phố Tacoma, Tiểu bang Washington, từ năm 1984, tới năm 2013 thì về hưu. Sáng lập và điều hành Hội Văn hoá Lạc Việt tại Tacoma vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 để sinh hoạt phục vụ về văn hoá văn nghệ cho đồng hương, đồng thời dạy Việt ngữ cho các em nhằm cố gắng bảo tồn ngôn ngữ Việt nơi thế hệ thứ hai. Có một số bài viết về văn hoá, văn nghệ và chuyên môn y khoa đăng tải trên các báo chí Việt ngữ tại Tp Seattle (Tb Washington) và Tp Houston (Tb Texas) và được các mạng truyền thông trong và ngoài nước đăng lại.

   

Dược sĩ Nguyễn Hiền:

Sinh năm 1951 tại Huế. Lớn lên tại Sài Gòn. Tốt nghiệp Dược sĩ tại Đại học Dược khoa Sài Gòn năm 1973, sau đó phục vụ trong Quân lực VNCH cho tới cuối tháng tư 1975. Sau thời gian cải tạo, làm cho hiệu thuốc quốc doanh ở Tp. Hồ Chí Minh. Vượt biển năm 1980 và định cư tại Hòa Lan cũng trong năm này. Tốt nghiệp Dược sĩ tại Đại học Groningen năm 1987. Làm trong ngành sản xuất dược phẩm tại nhiều công ty dược phẩm quốc tế cho tới ngày về hưu (2016). Cư ngụ tại tỉnh Utrecht, Hoà Lan. Có truyện ngắn đăng trên các tạp chí văn học, nhiều bài viết về văn hóa văn học và khoa học, có một số tác phẩm và dịch phẩm đã xuất bản. Đồng sáng lập Hiệp hội Cái Đình tại Hòa Lan (năm 1993) và là chủ tịch hội từ ngày thành lập.

.

    

***

   

Phàm Lệ

.

Quý vị đang cầm trên tay cuốn Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông, là một công trình tim óc mà chúng tôi đã ôm ấp và ra sức biên soạn trên 12 năm. Chúng tôi, với kiến thức hạn hẹp về ngôn ngữ và văn chương của những người làm công tác khoa học bên ngành y và dược, mạo muội đi vào công tác biên soạn một cuốn từ điển giải nghĩa tiếng nước nhà, quả là một sự liều lĩnh!

Liều lĩnh nhưng vẫn phải làm vì bốn lý do chính:

Khi đọc các từ điển do các bậc tiền bối biên soạn, có cuốn được biên soạn từ thời đệ Nhất hay đệ Nhị Cộng Hoà ở miền Nam Việt Nam, lúc ấy khoa học chưa phát triển nhiều, khoa vi tính và tin học còn phôi thai, chúng tôi thấy các lời giải thích - đặc biệt là về các ngành khoa học tự nhiên -  có nhiều thiếu sót và chưa chuẩn xác. Trong một số cuốn từ điển được soạn từ lúc tiếng Việt còn ở giai đoạn phôi thai ở đầu thế kỷ thứ 19, chúng tôi thấy có nhiều từ được viết khác với cách viết hiện giờ (lẫn lộn giữa dgi, chẳng hạn). Ngược lại, ở thời buổi hiện nay, nhiều tài liệu, dữ liệu, thông tin được viết bằng ngoại ngữ hay bằng chính tiếng Việt bởi các chuyên gia uy tín của các ngành được phổ biến rộng rãi trên các mạng truyền thông, việc truy cập của người muốn tìm hiểu không còn khó khăn hay bị giới hạn như trước nữa, nên việc biên soạn của chúng tôi có phần dễ dàng hơn, và chính xác hơn.

Cũng có những cuốn từ điển gần đây được biên soạn bởi các soạn giả có trình độ rất cao về ngôn ngữ, nhưng vì một lý do nào đó, quý vị bỏ sót rất nhiều từ tưởng là cũ nhưng vẫn rất cần thiết cho sự giao tiếp hàng ngày của mọi người, hoặc để các giới tra cứu mỗi khi gặp các từ ấy trong lúc đọc các sách xưa! Cũng có từ điển được biên soạn bởi người có định kiến chính trị phe phái quá sâu đậm nên rất nhiều từ đã được gán cho những nghĩa mà thật ra chúng không hề mang!

Ngôn ngữ được phát triển liên tục, song hành với những chuyển biến về văn hóa và xã hội. Có những từ cũ đã chết hẳn trong cuộc giao tiếp hằng ngày bây giờ, hoặc đã được dùng với nghĩa khác hẳn giữa quá khứ và hiện tại. Thí dụ như từ “khoái lạc”, trong văn chương dòng chính, nó có nghĩa là sảng khoái, sung sướng và vui vẻ, nhưng trong một số sách truyện sau này, nó lại mang nghĩa rất dung tục, đó là tình trạng sướng khoái lúc giao hợp! Có những từ mà người được sinh ra và lớn lên tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa dùng cách tự nhiên và thấy rất bình thường, thì người sống ở miền Nam, được sinh ra hoặc được giáo dục dưới chế độ Cộng Hoà, lại thấy lạ lẫm! Có những từ mà người trong nước hiện nay dùng cách thoải mái thì người sống ở nước ngoài, đặc biệt là đồng bào tị nạn chính trị, lại thấy kỳ quặc, không dung nạp được! Chúng tôi cố gắng ghi lại tất cả trong cuốn từ điển này với các định nghĩa mà chúng tôi nghĩ là đúng đắn và khách quan nhất để mọi người, dù thuộc khuynh hướng chính trị nào, hay sinh sống tại các vùng miền khác nhau, đều có thể tra cứu và tìm hiểu cách thoải mái trong tinh thần vị văn chương và học thuật.

    

***

    

Từ điển tiếng Việt

    

Tôi hay viết nên hay tra từ điển tự điển. Thông thường tôi dùng hai cuốn từ điển/tự điển. Của Miền Nam thì tôi dùng Việt-Nam Tự-điển Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ, bộ hai quyển, Thượng và Hạ, Nhà sách Khai Trí xuất bản năm 1970 tại Sài gòn. Của Miền Bắc thì tôi dùng Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, in lần thứ ba, có sửa chữa, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1994 tại Hà nội. Tôi xem trên mạng thì thấy hình như cuốn này hiện nay mang tên là Từ điển tiếng Việt (tái bản năm 2010) của Viện Ngôn ngữ học, Nhà Xuất bản Từ điển Bách khoa, bìa cứng màu vàng và đỏ. Tự điển Miền Nam có các phần phụ lục Tục ngữ, Thành ngữ, Điển tích và Nhân danh, Địa danh. Từ điển Miền Bắc (ấn bản 2010) được bổ sung năm phần phụ lục về các dân tộc ở Việt Nam; các tỉnh, thành, huyện, thị trong nước; tên viết tắt của các tổ chức quốc tế, đơn vị tiền tệ các nước và các đơn vị đo lường quốc tế. Sau đây tôi sẽ gọi Tự điển Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ là “tự điển” còn từ điển Hoàng Phê thì sẽ được gọi là “từ điển”. Để bớt rườm rà tôi sẽ không dùng dấu ngoặc kép trong hầu hết các trường hợp.

Xét về hình thức trình bày thì bộ tự điển của Miền Nam so với cuốn từ điển của Miền Bắc mang khuyết điểm lớn là trình bày thiếu khoa học vì không tuân thủ thứ tự vần chữ cái abc. Phần “Phàm lệ” trong Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ gọi thứ tự sắp xếp các mục từ là “Trật tự Danh từ”; gọi như thế không đúng vì tự điển không phải chỉ ghi danh từ mà còn ghi tính từ, động từ, trạng từ v.v.. Tự điển sắp xếp nguyên âm y ngay sau nguyên âm i “theo bản chữ cái nguyên âm xưa” (sic) nhưng không cho biết “bản chữ cái nguyên âm xưa” có gốc gác từ đâu. Về phụ âm thì tự điển phân biệt một cách rối rắm phụ âm đơn và phụ âm kép nên trình bày các mục từ bắt đầu bằng chữ cái c xong rồi chuyển qua chương khác dành cho các mục từ bắt đầu bằng phụ âm kép ch, tương tự như vậy, tra tự điển phải tra hết các mục từ thuộc chương g rồi mới tra tiếp qua hai chương gh và gi; tra hết k mới tới kh; tra hết n mới tới ng xong qua ngh rồi nh; hết t mới tới th rồi tr. Từ điển Miền Bắc chỉ đơn giản trình bày các mục từ triệt để theo thứ tự abc; sau centi, centim thì đến cha; sau gen, germanium thì đến ghe; sau kg (kilogram, viết tắt) thì đến kha khá; sau nếu như thì đến ngà, sau ngậy thì đến nghe; sau ngưu tất thì đến nha; sau tếu táo thì đến tha, sau TP Thành phố thì đến tra. Nhóm biên soạn tự điển không chịu thừa nhận việc làm thiếu khoa học của mình và biện minh rằng “người tra cứu sẽ thoả mãn chớ không đến phân vân”! Thực ra người tham khảo tự điển rất nhiều khi phải mò mẫm, rất lắm khi phải đoán chừng để tìm ra từ ngữ mình muốn tìm. Nhưng thực ra thì lối trình bày tách biệt ch khỏi c; ng, ngh khỏi n v.v. cũng đã từng xuất hiện trong Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức và trong Hán-Việt Từ-điển Đào Duy Anh.

Có một số từ ngữ từ điển và tự điển giải nghĩa khác nhau; chỉ xin liệt kê một số thí dụ.

Sớn sác theo từ điển thì giống như nhớn nhác; và nhớn nhác thì được định nghĩa là có vẻ sợ hãi, luống cuống nhìn chỗ này chỗ khác để tìm lối thoát. Nhớn nhác như gà con gặp quạ. Trong khi đó thì tự điển hiểu sớn sác là vô-ý, không dè-dặt, không nhắm trước xem sau. Sớn-sác, đi đụng người ta; sớn-sác trách người, không ngờ lỗi mình. Theo tôi, tự điển định nghĩa đúng hơn.

Tự điển thích nghĩa thao-tác là làm việc lao-lực; từ điển cho rằng thao tác là thực hiện những động tác nhất định để làm một việc gì đó trong sản xuất. Thao tác vận hành máy dệt. Thao tác nhanh, chính xác, không có động tác thừa. Thao tác máy. Cải tiến thao tác. Nếu dựa vào tình hình ngôn ngữ đang thông dụng trong nước thì từ điển cung cấp nghĩa sát với thực tế, còn tự điển thì không. Thành uỷ là ban chấp hành đảng bộ thành phố, theo từ điển trong khi tự điển hiểu thành uỷ là tiếng gọi tắt Uỷ-ban chấp-hành của các đoàn-thể chánh-trị trong một thành-phố. Thành-uỷ Sài-gòn. Từ điển định nghĩa gọn mà đúng; tự điển giảng nghĩa không sát với thực tế và cho thí dụ cũng sai; chỉ có Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, không làm gì có thành uỷ Sài gòn.

Tự điển không ghi chây lười, chỉ ghi trây lười và giảng là dai-nhách, chịu lỳ với chủ nợ, không trả nợ: Trây-lười không muốn trả nợ, sẽ bị đưa ra toà; còn từ điển thì hiểu rằng chây lười là lười không chịu làm gì cả (nói khái quát). Thái độ chây lười. Chây lười lao động. Nếu dựa vào Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức thì a) tự điển Hội Khai Trí chỉ ghi trây lười, không ghi chây lười và b) nghĩa do tự điển Hội Khai Trí ghi nhận tương tự như nghĩa của tự điển Miền Nam.

Manh động theo tự điển thì nghĩa là bắt đầu phát-động, khởi làm một việc gì nhưng từ điển lại cho rằng manh động là hành động phiêu lưu khi điều kiện chủ quan và khách quan chưa chín muồi (thường nói về bạo động cách mạng). Nếu muốn tìm về nguồn gốc Hán-Việt thì chữ manh trong manh động viết với bộ thảo và mang hàm nghĩa cây mới mọc, bắt đầu; do đó nghĩa của tự điển hợp lý hơn nhưng trong thực tế, nghĩa của từ điển lại có vẻ hợp với “cách mạng” hơn.

Vô hình trung mang hai nghĩa khác nhau tuỳ theo từ điển hay tự điển. Vô-hình-trung, theo tự điển có nghĩa là tóm lại, rút ra những phần cốt-yếu mà khó thấy: Làm chánh trị phải có nhiều thủ-đoạn để giải-quyết trăm ngàn việc khó khăn phức-tạp; nhưng vô-hình-trung là làm cho nước mạnh dân giàu, an-cư lạc-nghiệp. Cũng ba chữ vô hình trung đó, từ điển cho nghĩa là tuy không có chủ định, không cố ý, nhưng tự nhiên là. Anh không nói gì, vô hình trung đã làm hại nó. Khi nói hay viết tiếng Việt, tôi dùng vô hình trung theo nghĩa của từ điển; ngoài ra, tôi cho rằng nếu viết vô hình chung là viết sai chính tả. Từ điển tiếng Việt, in lần thứ hai, do Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm chỉnh lý và bổ sung, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà nội, 1977 định nghĩa vô hình trung là không cố tình mà như là có dụng ý: Không trách mắng, nhưng nói như vậy vô hình trung lại quá trách mắng.

Bàn hoàn và bàng hoàng té ra nghĩa khác nhau; điều này tôi không biết, chỉ biết sau khi tra cứu từ điển tự điển. Từ điển: bàn hoàn là nghĩ quanh quẩn không dứt. Tấc dạ bàn hoàn; bàng hoàng là ở trong trạng thái tinh thần như choáng váng, sững sờ, tâm thần tạm thời bất định. Bàng hoàng trước tin sét đánh. Định thần lại sau phút bàng hoàng. Tự điển: bàn hoàn là băn khoăn, không yên lòng: Tôi rất bàn-hoàn, không muốn cho nó đi; bàng hoàng là bồi-hồi, rối-rắm trong lòng: Việc đó khiến tôi bàng-hoàng quá, không lo chi được cả.

Manh trường là đoạn chót ruột già liền với đoạn đầu ruột non, theo tự điển. Sai. Phải hiểu như từ điển hiểu mới đúng: manh tràng là đoạn đầu của ruột già, giáp với đoạn cuối của ruột non. Chữ manh tràng chuyển nghĩa từ tiếng Pháp caecum mà theo tiếng la-tinh thì caecus nghĩa là aveugle.

Chủ nghĩa chỉ được tự điển dành cho một mục từ như các danh từ chung khác: tư tưởng về xã-hội, chính-trị, tôn-giáo... có nền-tảng trên một lý-thuyết vững-chắc: Chủ-nghĩa quốc-gia, chủ-nghĩa cộng-sản, chủ-nghĩa xã-hội... Đối với từ điển, chủ nghĩa được giải thích chi tiết và phức tạp theo hai nghĩa, nghĩa I và nghĩa II; ngoài ra còn có phần thích nghĩa II.2 Yếu tố ghép sau để cấu tạo tính từ, có nghĩa “thuộc về chủ nghĩa”, “thuộc về chế độ kinh tế, xã hội”. Hiện thực chủ nghĩa. Tư bản chủ nghĩa. Cung cách định nghĩa này giải thích kiểu nói phổ thông nhưng từng khiến bà con Miền Nam sửng sốt sau 75: muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, sau mục từ chủ nghĩa là một danh sách dài chiếm gần năm trang từ điển với nội dung liệt kê tỉ mỉ các thứ và các loại chủ nghĩa khác nhau, khởi đầu từ chủ nghĩa anh hùng qua chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa duy tâm khách quan, chủ nghĩa hiện thực phê phán, chủ nghĩa Sion, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa vô chính phủ để chấm dứt bằng chủ nghĩa yêu nước, tổng cộng có tất cả một trăm lẻ hai (102) chủ nghĩa! Tính chính trị không chỉ chi phối mục từ chủ nghĩa. Từ điển còn ghi nhận một số từ ngữ không được bà con người Việt tỵ nạn ngưỡng mộ hay yêu thích mà “nổi cộm” nhất là bức xúc, chất lượng, hoành tráng, sự cố, tư liệu v.v., nhưng không thấy ghi từ ô sin. Ngoài ra, Lời Giới thiệu từ điển được dành nguyên một trang cho Ông Phạm Văn Đồng, qua thư viết tay đề ngày 7-3-1987.

Nếu đấu là đơn vị đo lường được cả từ điển và tự điển ghi thì chỉ có từ điển mới ghi mục từ lẻ với nghĩa là lượng bằng một phần mười của đấu. Vài lẻ gạo. Một đấu ba lẻ gạo. Miền Bắc coi lon là ống bơ còn đối với Miền Nam thì lon là lon sữa bò. Từ đề cương chỉ có trong từ điển Miền Bắc.

Gọi từ điển là đúng hay gọi tự điển mới đúng? Từ điển rất dứt khoát: tự điển là tên cũ của từ điển. Tự điển giải thích từ và tự như sau: 1) từ là lời nói: đơn từ, huấn-từ, thơ-từ, văn từ, cam-ngônmỹ-từ; từ-điển, từ-hàn; từ-điển là loại sách giải nghĩa từng tiếng một, tiếng kép hay lời nói quen dùng: Từ-điển Việt-nam, tra từ-điển; còn 2) tự là chữ: nhứt tự vi sư bán tự vi sư; tự-điển là loại sách dẫn từ gốc phát-sinh từng chữ và giải-thích: Tự-điển khó soạn hơn từ-điển gấp mấy lần // (nghĩa mới): Loại sách tập-trung những tiếng nói của một ngôn-ngữ sắp-xếp thế nào cho dễ tìm và giải-nghĩa bằng ngôn-ngữ đó hoặc dịch ra một ngôn-ngữ khác: Khi đọc sách, gặp chữ khó hiểu, nên tra tự-điển (dictionnaire).

**

Cộng đồng người Việt lưu vong tỵ nạn cộng sản tồn tại đã được gần nửa thế kỷ nhưng hải ngoại không hề có một cuốn từ điển tiếng Việt nào in trên giấy, dẫu rằng chúng ta có Tổ chức Văn bút Việt Nam Hải ngoại, các Hội Việt học, các Thư viện Việt ngữ và không biết bao nhiêu Hội Nhà văn Nhà thơ. Ngoài ra rất nhiều Hội nghị Văn học đã được triệu tập nhằm bàn thảo về tiếng Việt. Hơn nữa, những câu chuyện bất đồng ý kiến về chính tả, về phát âm, về ý nghĩa, về cấu trúc, về gốc nguồn liên quan đến tiếng Việt xảy ra hầu như thường xuyên; nhất là từ ngày có kỹ thuật điện toán và mạng lưới internet.

Những năm gần đây một nhóm người Việt tỵ nạn có thiện chí đã đứng ra chuẩn bị cho việc biên soạn từ điển tiếng Việt và kết quả cụ thể là hai anh bạn của tôi thuộc ngành y và ngành dược, BS Lê Văn Thu ở Mỹ và DS Nguyễn Hiền ở Hoà lan, vừa gửi tặng tôi cuốn Từ điển Việt ngữ phổ thông.

Hai tác giả là người tỵ nạn cộng sản và đã từng tham gia hoạt động văn học ở quốc ngoại qua những công trình sáng tác, biên khảo, dịch thuật.

BS Lê Văn Thu sinh năm 1945 tại tỉnh Hà Nam, di cư vào Nam năm 1954. Sáng lập và điều hành Hội Văn hoá Lạc Việt tại Tacoma, tiểu bang Washington; từng có một số bài viết về văn hoá, văn nghệ và chuyên môn y khoa đăng tải trên báo chí Việt ngữ tại Thành phố Seattle, tiểu bang Washington và Thành phố Houston, tiểu bang Texas. Được biết nhiều là bản dịch cuốn Duc, der Deutsche. Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten của Uwe Siemon-Netto do DS Nguyễn Hiền (dịch chung với NS Lý Văn Quý) sang tiếng Việt dưới đầu đề Đức, Tình yêu của một Phóng viên cho một Dân tộc nhiều Đau thương. Một công trình dịch thuật thứ hai của DS Nguyễn Hiền là Cưỡi Ngọn Sấm, dịch Ride the Thunder của Richard Botkin, dịch chung với ba dịch giả đồng hương khác. Ngoài ra DS Nguyễn Hiền còn có truyện ngắn đăng trên các tạp chí Văn Học, Văn, Làng Văn, Hợp Lưu, Gió Đông và Việt Nam Nguyệt san. Về công trình biên khảo, DS Nguyễn Hiền có 30 năm sách Việt ở Hoà Lan. DS Nguyễn Hiền sinh năm 1951 tại Huế.

Thực ra hai tác giả Lê Văn Thu và Nguyễn Hiền vốn thuộc một nhóm biên soạn từ điển tam ngữ đối chiếu Việt-Pháp-Anh và nhóm đã từng đưa ra “Lời Phi lộ” với trích đoạn như sau: “Hơn thế nữa, khi theo dõi các chương trình trên các phương tiện truyền thông từ trong nước cho đến hải ngoại, người ta không khỏi băn khoăn lo ngại cho sự trong sáng của tiếng Việt. Trên các chương trình phát thanh, phát hình, hay báo chí chính thức của nhà cầm quyền đương thời, người ta đã thấy những từ, tuy cũ và rất thông dụng, bị dùng sai cả về văn phạm lẫn ý nghĩa, không phải một đôi lần mà là thường xuyên hằng ngày, không phải từ cá nhân người đọc tin hay diễn xuất trên màn hình, mà từ các bản văn chính thức của nhà nước. Bởi thế, việc phải chọn các từ Việt ngữ nào được coi là chuẩn, là đúng, để dịch qua tiếng Anh, tiếng Pháp, cũng là một vấn đề cần lưu tâm.” Trong thực tế, danh từ “ấn tượng” được trong nước dùng một cách cẩu thả, bừa bãi như là một tính từ hay một trạng từ và hiện tượng này lây lan rộng rãi ra hải ngoại, khiến một nhà văn gốc sĩ quan cao cấp quân đội Việt Nam Cộng hoà cũng viết theo như vậy!

Sách Từ điển Việt ngữ phổ thông in ở Đài Loan, khổ sách 16,5cm x 23,5cm, dày 5cm với tất cả 1274 trang, bìa cứng, đề sách in chữ vàng trên nền bìa màu xanh lá cây. Hai soạn giả Từ điển Việt ngữ phổ thông có tham khảo Việt-Nam Tự-điển Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ của Miền Nam cũng như Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê của Miền Bắc. Sau đây tôi sẽ dùng mấy chữ Từ điển phổ thông để gọi cuốn từ điển Lê Văn Thu-Nguyễn Hiền.

Về dung lượng từ ngữ, Từ điển phổ thông ghi nhận được 62.000 từ. Từ điển Hoàng Phê ấn bản 1994 tôi hiện đang sử dụng ghi nhận được 38.410 mục từ. Từ điển Pháp ngữ Le Petit Larousse Illustré ấn bản 2002 tôi đang có ghi nhận được 87.000 articles; ấn bản 2023 có plus de 63.800 mots. Từ điển Đức ngữ Duden ấn bản 1983 ghi nhận được 120.000 Artikel. Webster‘s Third New International Dictionary of the English Language, Unabridged (commonly known as Wesbster‘s Third, or W3) has 2816 pages, and as of 2005, it contained more than 476.000 vocabulary entries. Thực tế thì các khái niệm “mục từ, articles, Artikel, entries” mang nhiều hàm nghĩa và có nhiều cách hiểu khá khác nhau.

Về hình thức trình bày các mục từ, Từ điển phổ thông triệt để theo thứ tự vần chữ cái la-tinh abc, nghĩa là trình bày giống như từ điển Hoàng Phê của Miền Bắc. Chương từ điển dành cho các mục từ bắt đầu bằng chữ Y nằm ở cuối sách. Phía lề mặt của mỗi trang có dấu chỉ báo màu đen dành cho từng chương sách, từ chữ A đến chữ Y. Cầm cuốn từ điển trên tay và nhìn nó ở phía “bụng”, ở phía đối nghịch với bìa lưng, thấy ngay rằng vần chữ cái T có nhiều từ ngữ nhất còn hai vần chữ cái Ô, Ơ thì có rất ít từ ngữ; giữ vị trí đứng giữa là vần chữ cái N. Xin được nhắc lại là tất cả những mục từ bắt đầu bằng chữ cái T, cho dẫu là th, tr hoặc bằng chữ cái N, cho dẫu là nh, ng, ngh đều được sắp xếp chung vào chương từ điển dành cho T và chương từ điển dành cho N.

Hai tác giả chủ trương “duy trì sự trong sáng của tiếng Việt, giúp giải phóng nó khỏi bóng tối của thành kiến chính trị và văn hoá.” Nhị vị phát biểu gần như thổ lộ tâm sự: “Có những từ mà người được sinh ra và lớn lên tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa dùng cách tự nhiên và thấy rất bình thường, thì người sống ở miền Nam, được sinh ra hoặc được giáo dục dưới chế độ Cộng hoà, lại thấy lạ lẫm! Có những từ mà người trong nước hiện nay dùng cách thoải mái thì người sống ở nước ngoài, đặc biệt là đồng bào tị nạn chính trị, lại thấy kỳ quặc, không dung nạp được! Chúng tôi cố gắng ghi lại tất cả trong cuốn từ điển này với các định nghĩa mà chúng tôi nghĩ là đúng đắn và khách quan nhất để mọi người, dù thuộc khuynh hướng chính trị nào, hay sinh sống tại các vùng miền khác nhau, đều có thể tra cứu và tìm hiểu cách thoải mái trong tinh thần vị văn chương và học thuật.”

Kết quả là từ điển ghi các “từ Việt cộng” (sic) sau đây: bức xúc, nổi cộm, quá độ, sự cố, trải nghiệm v.v.. bên cạnh những từ mới như cổng thông tin điện tử (dịch chữ portal, với ví dụ là cổng thông tin điện tử Yahoo!), dư luận viên, hiển thị, kỹ thuật số, truy cập, trực tuyến (dịch chữ online!) v.v. (cả tự điển Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ và từ điển Hoàng Phê đều không ghi những từ mới này)). Từ “truyền kỳ” được Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ định nghĩa là “sự tích kỳ lạ được truyền lại: Chuyện truyền-kỳ” còn Hoàng Phê thì giải thích: “Có tính chất những chuyện kì lạ, được lưu truyền lại. Sự tích truyền kì. Chuyện truyền kì về thành Cổ Loa.” Lê Văn Thu-Nguyễn Hiền giảng “truyền kỳ” là “1. có tính chất kỳ lạ hoang đường được lưu truyền lại từ nhiều đời (chuyện truyền kỳ về Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, truyền kỳ mạn lục); 2. (xưa) thuật ngữ chỉ những truyện ngắn đời Đường, thời phôi thai của tiểu thuyết.” Cung cách giải thích của Từ điển Việt ngữ Phổ thông có giá trị văn học sử mà hai từ điển-tự điển trước không có. Thực vậy, trong nền văn học trung đại Việt Nam, chúng ta có một số tác phẩm được gọi là truyền kỳ. Trong số này, được hâm mộ nhất là Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ bên cạnh Truyền kỳ tân phả của Đoàn thị Điểm, Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh, Vân Nang tiểu sử của Phạm Đình Dục v.v.. Từ ngữ “biên chế” không những được Từ điển Việt ngữ Phổ thông ghi nhận mà còn được ghi thành hai mục từ, một dành cho “biên chế” là danh từ và một dành cho “biên chế” là động từ. (Theo tôi, có lẽ chỉ nên ghi chung vào một mục từ thôi; với, nếu cần, thì chia ra phần 1 cho danh từ và phần 2 cho động từ). Nếu “chủ nghĩa” chỉ được ghi thành một mục từ trong Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ nhưng chiếm đến 102 mục từ trong Hoàng Phê thì trong Lê Văn Thu-Nguyễn Hiền, “chủ nghĩa” được ghi thành 13 mục từ. Một hình thức chủ nghĩa trung dung?

Riêng đối với cá nhân tôi thì từ điển cung cấp cho tôi cứ liệu ngôn ngữ học Việt ngữ để giải quyết một số tồn nghi trong chính tả tiếng Việt mà có ý nghĩa nhất là mục từ “sử dụng”. Ở hải ngoại, tôi là người đầu tiên chủ trương dứt khoát phải viết sử dụng với ét-sì s chứ không thể viết với ít-xì x. Lý do được tôi nêu ra là phép phiên thiết, nó chi phối chặt chẽ cách phát âm cũng như cách viết (chính tả) các từ Hán-Việt trong đó có từ sử dụng. Sau đó tôi liên tục quảng bá chủ trương này và sẵn sàng đứng ra bảo vệ nó khi cần thiết. Cao điểm là vụ nữ sĩ Thuỵ Khuê viết sử dụng mà bị nhà xuất bản Tiếng Quê Hương viện dẫn một số “tiêu chí” (sic) để yêu cầu Chị phải viết xử dụng. Trong quá trình tranh luận, tôi đã thiết lập một danh sách mười bảy cuốn tự vị, tự điển, từ điển ghi mục từ sử dụng, không ghi xử dụng. Nay tôi có thêm cuốn từ điển thứ mười tám là cuốn Từ điển Việt ngữ phổ thông Lê Văn Thu-Nguyễn Hiền cũng viết sử dụng như tôi cổ xuý*.

Từ điển cũng “cương quyết” chỉ ghi “dòng” mà không ghi “giòng” dẫu rằng nơi mục “Những chữ dùng để chú thích được viết hoa” (các trang VIII, IX, X, XI) có ghi Tú Mỡ, nhưng lại không ghi Cao Văn Luận, Nhất Linh, Thạch Lam! Tham khảo từ điển cũng tìm thấy đầy đủ các cặp dành/giành, dạt/giạt.

Tôi không tìm thấy từ “bàn hoàn” (mà Truyện Kiều sử dụng đến ba lần), trong từ điển. Tôi không thấy ghi “ông đầu xứ”: năm 1915, Ngô Tất Tố đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh nên được gọi là “Đầu xứ Tố”. Tôi thấy còn thiếu hai mục từ “thảo chương” và “thảo chương viên”. Hình như lẽ ra nên có từ “ô sin” mà tôi gặp khá thường xuyên trong văn chương báo chí nội hải ngoại sau 75.

Xem qua Từ điển Việt ngữ phổ thông, tôi thấy có dăm ba lầm lẫn sau đây: trang IX, Đào Tiềm không phải người đời Đường mà là người đời Đông Tấn và đúng ra là văn học gia chứ không phải chỉ lả thi sĩ; Lê Quý Đôn cũng vậy, không phải chỉ là thi sĩ; Ngọc Hân được ghi đến hai lần (Lê Ngọc Hân ở trang IX và Ngọc Hân ở trang X). Tôi không biết Truyện Tấm Cám có phải là truyện thơ hay không, hay chỉ là truyện cổ tích.

Trên thế giới hiện có dăm ba quốc gia bị chia cắt mà chỉ có nước Đức là đã thống nhất trong đắc nhân tâm trong khi Việt Nam tuy gọi là thống nhất nhưng thống nhất trong hận thù chia rẽ. Chúng tôi không có điều kiện để nhận định về sự khác biệt của ngôn ngữ Hàn quốc được sử dụng ở Bình nhưỡng và ở Hán thành nhưng lại có may mắn lớn là bản thân đang sử dụng tiếng Đức hằng ngày. Từ điển Duden triệt để không phân biệt từ Đức cộng sản và từ Đức dân chủ; chỉ có các cung cách sử dụng những từ ngữ chung nhưng hơi khác thường do phía xã hội chủ nghĩa chủ trương được Duden ghi nhận và chú thích trong ngoặc đơn “(bes. DDR)” (đặc biệt Đông Đức); những trường hợp này không nhiều. Riêng Trung Hoa thì hình thức chữ viết lối giản thể của lục địa khác với hình thức chữ viết lối phồn thể ở Đài loan, ở Tân gia ba, ở Mã lai á. Không rõ cộng đồng tỵ nạn cộng sản người Cuba – vốn hoạt động rất tích cực và rất hữu hiệu ở Hoa Kỳ, nhất là ở Florida – có sở hữu một kho từ vựng chống Cuba-cộng hay không.

Người biên soạn từ điển đơn ngữ tiếng Việt sinh sống trong cộng đồng hải ngoại vô hình trung phải kiêm nhiệm chức năng phán quyết và tuyển chọn. Mỗi mục từ được trình bày phải hội đủ các điều kiện lý lịch cần và đủ sau đây: (1) tiếng Việt, (2) quốc gia, (3) lưu vong, (4) tỵ nạn cộng sản. Ghi vào từ điển những từ “bức xúc, sự cố” có thể bị một số thành viên trong cộng đồng lên án hay kết tội vì các từ đó chỉ có duy nhất điều kiện số (1).

Thực ra, vấn đề vô cùng phức tạp và tế nhị. Từ ngữ “sự cố” chẳng hạn không phải chỉ có trong các từ điển Miền Bắc. Nó cũng được ghi trong các từ điển tự điển sau đây: 1) Hán-Việt Tự-điển Đào Duy Anh, 2) Hán-Việt Từ-điển Nguyễn Văn Khôn, 3) Hán Việt Tự điển Trần Trọng San-Trần Trọng Tuyên: cố (bộ phác): sự việc: sự cố, 4) Nguyễn Ngọc Phách.- Chữ Nho và Đời sống mới: sự cố: biến cố bất thường, an incident, 5) Otto Karow.- Vietnamesisch-Deutsches Wörterbuch: sự cố (= tai nạn) Vorfall, Zwischenfall, Unfall, Unglücksfall. Như vậy, “sự cố” cũng được một số tài liệu tham khảo của phe quốc gia ghi nhận và cũng có khi mang ý nghĩa “biến cố bất thường”, “tai nạn”. Vậy có nên tuyển chọn từ “sự cố” và đưa vào từ điển tiếng Việt lưu vong hải ngoại hay không? Hay phải gạt phắt nó đi, không có gì phải trù trừ cả, vì nó là “từ ngữ Việt cộng”?

Trước 75, người công chức Việt Nam Cộng hoà an tâm vì được vô ngạch; sau 75, cũng người công chức đó nếu được lưu dụng – hay lưu dung, tuỳ trường hợp - và “phấn đấu tốt” thì sẽ được vô biên chế. Mục từ “biên chế” chỉ có trong từ điển Hoàng Phê, nó không có trong tự điển Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ cũng như trong các từ điển-tự điển mang “tinh thần quốc gia” khác. Vậy có nên ghi nhận nó hay không, hoặc là nên ghi nhận nhưng kèm giải thích rõ ràng về nguồn gốc, ý nghĩa, và có lẽ cả tuổi đời của nó trong tiếng Việt? (“Biên chế” chỉ xuất hiện trong Việt ngữ sau khi Mao Trạch Đông chiếm trọn Trung Hoa).

Bồi hồi cầm cuốn từ điển xinh xắn trên tay, tôi nghĩ đến công lao của hai anh bạn tác giả, đã dành đến hơn mười hai năm để biên soạn. Tôi hy vọng đây chỉ là bước đầu và rồi ra sẽ có từ điển tam ngữ đối chiếu Việt-Pháp-Anh.

   

Bs. Trần Văn Tích
07.08.2023

_________

* Hiến pháp Đệ nhất Cộng hoà Việt Nam do Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký tên ban hành ngày 26.10.1956 cũng dùng động từ “sử dụng”. Hiến pháp ghi ở điều 98: “Trong nhiệm kỳ lập pháp đầu tiên, Tổng Thống có thể tạm đình chỉ sự sử dụng những quyền tự do đi lại và cư ngụ, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do nghiệp đoàn và đình công để thoả mãn những đòi hỏi thích đáng của an toàn chung, trật tự công cộng và quốc phòng.”


Cái Đình - 2023