Thơ Những Người Thua Cuộc - Poems of the Losers
.
Sơ lược tiểu sử Nguyễn Hữu Thời
.
Sinh 1953 tại Saigon, cựu sĩ quan QLVNCH.
Khóa 3/73 Trường Bộ Binh, hiện sống tại Việt Nam.
.
***
.
Lời mở đầu
Vẫn là những người lính đó mà những bài thơ của họ chúng ta đã được đọc trong “Thơ Lính Chiến Miền Nam – ARVN Soldiers’ Poetry”, cùng với nhiều đồng đội khác; họ đã trở về từ cuộc chiến, may mắn sống sót, còn nguyên vẹn hay đã tật nguyền, góp mặt trong tuyển thơ này.
Điểm đặc biệt ở đây là những ý thơ, những câu thơ, những bài thơ này đã được làm ra, hoặc ấp ủ, trong bóng tối nhà tù, sau hàng rào kẽm gai trại tập trung, sau những cơn đau của bệnh tật, những đợt hành hạ của gông cùm… Có khi, thoải mái hơn, trong lúc “lao động” trên những nương rẫy, cánh đồng, hoặc trên những nẻo đường mưu sinh bằng đủ thứ nghề: đạp xích lô, làm thợ mộc, người ngư phủ, gác dan, dạy kèm, phu khuân vác… Lại có khi, thơ được làm ra, trên đất nước tạm dung nơi họ đã được đưa đến để “làm lại cuộc đời” hay “lưu vong”?; một nơi hoàn toàn lạ lùng, thật xa quê hương mà họ phải bỏ lại.
Nếu “bên thắng cuộc” đã liên tu bất tận có những tiếng nói của họ: gang thép, đe dọa, tự mãn, ngông cuồng và say sưa… thì những lời thơ này, của những “người thua cuộc”, là tiếng nói của sự chịu đựng, nhẹ nhàng và bao dung, một nỗi đau không dứt; vậy mà, nhiều khi, lời thơ lại phảng phất giọng điệu của những hào kiệt “sa cơ lỡ vận”, rất hào sảng. Với tâm hồn giàu nhân bản (như đã giới thiệu trong Thơ Lính Chiến Miền Nam….); những người lính làm thơ của QLVNCH dù chịu nhiều đòn thù ác nghiệt của “bên thắng cuộc”, họ không hề nuôi dưỡng những oán hờn đối với cựu thù của mình. Như thể họ đã xem đó là cái giá mà chính họ phải trả trong cơn quốc nạn. Thậm chí, có những giọng thơ, lời thơ rất khôi hài, như tự mỉm cười với số phận của mình, vì đã không còn cách nào khác. Mọi chuyện xảy ra thực sự đã vượt quá tầm tay của họ.
Tuy thế, họ đã không đầu hàng số phận. Nơi đất nước tạm dung, nhiều cựu binh này đã tiếp tục học hành, đỗ đạt, sống và làm rất nhiều việc có ích cho đời.
Erich Segal có viết: “_Part of being a big winner is the ability to be a good loser”*
Những cựu binh – nhà thơ này là những người thua cuộc quân tử.
.
Nguyễn Hữu Thời
Cựu SVSQ khóa 3/73 Thủ Đức
____
* (Biết thua một cách quân tử là một đức tính của kẻ thắng trận hào hùng – Phan Lệ Thanh dịch)
***
.
Đọc “Thơ Những Người Thua Cuộc – Poems of the Losers”
Trong công cuộc bảo tồn văn học và lưu truyền cho thế hệ sau, có những người âm thầm làm việc trong các lãnh vực chẳng mấy ai để ý.
Nguyễn Hữu Thời là một người như thế.
Ông cất công sưu tầm thơ theo những chủ đề rất khác. Sau nhiều năm cân nhắc, ông đã tuyển ra 130 bài thơ từ 52 tác giả. Họ có một điểm chung là những người lính chiến bảo vệ miền Nam. Những bài thơ mang nỗi niềm, ước vọng của người lính chiến. Dạt dào tình cảm, vắng bóng hận thù sắt máu. Và rồi ông cặm cụi dịch những bài thơ này ra Anh ngữ, tập hợp lại thành một tuyển tập thơ song ngữ: “Thơ Lính Chiến Miền Nam – ARVN Soldiers’ Poetry”, được xuất bản năm 2016
Tưởng là ông đã hài lòng khi tuyển tập thơ ra mắt. Nhưng không. Bởi vì cuộc đời người lính chiến Miền Nam không đứt đoạn khi cuộc chiến chấm dứt. Mà nó chuyển đổi. Từ hào hùng, anh dũng, nay xuống đất đen tủi nhục. Không nhắc đến giai đoạn này là một thiếu sót lớn. Nguyễn Hữu Thời cũng đã nghĩ như thế. Đã làm thì làm đến tận nơi. Người lính, khi đã vào trận thì chiến đấu đến phút không thể tiếp tục. Do đó, ông đã, một lần nữa, cặm cụi thu thập những bài thơ do những người lính chiến đã viết lên khi họ đã chịu mang tiếng “thua cuộc”. Và rồi, ba năm sau khi tuyển tập thơ “Thơ Lính Chiến Miền Nam – ARVN Soldiers’ Poetry”, tuyển tập thơ thứ hai đã ra mắt (2019).
Cũng là một tập thơ song ngữ Việt-Anh, với tựa đề “Thơ Những Người Thua Cuộc – Poems of the Losers”, tuyển tập là một công trình sưu tầm và chuyển ngữ dài hơi 530 trang sách. Cũng với một chủ đề rõ rệt: Đây là tập hợp những bài thơ do những người lính chiến sau khi thua cuộc đã viết.
Cuộc sưu tập lần này hẳn khó hơn. Một số đã bẻ bút sau khi buông súng. Một xã hội chật vật, ngoài những khó khăn để tiếp tục tồn tại kiếp sống công dân hạng hai, còn đầy dẫy cạm bẫy rình rập, những nhà tù sẵn sàng mở cửa. Những người đã vượt thoát phải lăn lộn mưu sinh. Rồi những người đã âm thầm nằm xuống… Nếu không có người tìm kiếm và giới thiệu, những mảnh thơ phản ánh tâm tư, đời sống của họ trong khoảng thời gian ngay sau cuộc chiến sẽ mất dấu.
Nguyễn Hữu Thời đã làm công việc này. Một mình, với tuổi đã xế chiều, với những bệnh tuổi già. Cặm cụi sưu tầm, rồi cặm cụi dịch ra Anh ngữ. Chật vật lắm. Tất cả chỉ vì muốn có một “cái gì đó” để lại cho những thế hệ sau, may ra có người còn nhớ mà tìm đến. Và cũng như món quà gửi đến các đồng đội, bạn thơ văn, bất kể quen biết qua cá nhân hay chỉ qua tài liệu. Khâm phục là ở chỗ đó. Phải nói thêm là trong số 50 tác giả của những bài thơ trong tuyển tập này có 26 tác giả đã góp mặt trong tuyển tập trước của Nguyễn Hữu Thời. Độc giả nào sở hữu hai tuyển tập có thể theo dõi suy nghĩ của 26 nhân vật này trong hoàn cảnh trong và sau cuộc chiến.
Tóm lại, tổng cộng hơn 250 bài thơ của gần tám mươi tác giả đã được người Nguyễn Hữu Thời sưu tầm, dịch để đúc kết thành hai tác phẩm.
***
50 nhân vật (tôi tránh dùng từ “thi sĩ” hay “nhà thơ” vì có những người trong số này chắc chắn sẽ thẳng thắn từ chối sự xưng tụng này) trong “Thơ Những Người Thua Cuộc” đã trải lòng mình ra trên những vần thơ bằng đủ thể loại. Dưới tên mỗi nhân vật là hai giòng tóm tắt tiểu sử (năm sinh, quê quán, gốc quân đội và nơi cư trú hiện thời). Qua đó, người ta có thể thấy, ngoài các sĩ quan chiếm phần lớn, còn có (theo lời giới thiệu sơ lược tiểu sử) 1 sĩ quan cảnh sát, 1 hạ sĩ quan, 1 thông dịch viên và 4 quân nhân. Nhiều người trong số này tới nay vẫn còn tiếp tục sáng tác hay hoạt động trong những sinh hoạt phục vụ cộng đồng.
Ngoại trừ vài trường hợp cá biệt (cư ngụ ở Canada, Úc, Na Uy), đại đa số các tác giả góp mặt hiện đang định cư ở Hoa Kỳ. Số còn lại – kể cả người sưu tầm và thực hiện tuyển tập – hiện còn ở Việt Nam. Con số này phải chăng đã cho ta thấy một điều: những người đã ra khỏi nước có được thời giờ và điều kiện sáng tác hơn những người còn ở Việt Nam?
Qua 121 bài thơ, người đọc rất dễ nhận ra những gì những người thua cuộc cảm nhận. Đó là cay đắng.
Chiều nay đôi mắt Tư lệnh đỏ
Mình tưởng giống mình mất ngủ thôi
Bây giờ mới biết vì đau khổ
Thượng cấp bỏ đi, chạy hết rồi
(Mặc kệ ai bỏ nhà bỏ nước – Nguyễn Phúc Sông Hương)
Đó là nhẫn nhục. Nhẫn nhục nhưng không hèn nhát.
Nhìn lũ người man rợ
Chửi rủa ta hàng ngày
Ta làm thinh – Tưởng sợ
Thứ khùng điên cuồng say!!
(Lặng lẽ cảnh tù – Thy Lan Thảo)
dù ta đã từng ngã gục
phải gượng dậy đứng thẳng người
hãy im lặng
người lính già thất trận
(Bài ca người thất trận – Phan Xuân Sinh)
Đó là những phút giây nhớ lại ngày xưa, tới gia đình, nhớ hay tưởng nhớ bạn đồng đội.
…có thằng về núi… có thằng chẻ thơ đau làm củi… có thằng cùng văn chương hủy vào áo quan hỏa táng thành than… Ba thằng chết còn ba đứa sống… (Ba cái chết một nỗi buồn – Ngô Đình Khoa).
Đó là ngày rã ngũ tập thể suốt đời không thể quên.
Tim tôi ai lấy dao đâm
Lúc cởi bỏ đi áo lính
(Tháng Tư, ngày cuối – Nguyễn Văn Ngọc)
Đó là trại cải tạo, là lao tù.
Nay rướm máu sức người cùng tận
Buổi chiều về không đủ miếng ăn
Nỗi cơ cực gặm mòn sự sống
Cây khẳng khiu ngày tháng khô dần
(Hãm địa – Lâm Chương)
Đó là cuộc mưu sinh vất vả nhọc nhằn khi trở về với gia đình, làm những nghề lao động không được xã hội coi trọng như đạp xe xích-lô, bán cà-rem, phu khuân vác v.v…
Đạp xích-lô hề, thời thổ tả
A ha, lao động để vinh quang
Chỉ tiếc xưa phí công kinh sử
Tàn cuộc rồi bỗng hóa lầm than!
(Xích-lô hành – Nguyễn Văn Ngọc)
Cải tạo về, lên non phát rẫy
Vợ lo “phe phẩy”, ta tiều phu
(Ngày về – Nguyễn Dương Quang)
hay về một nơi nào đó, tạm trú vất vưởng:
Có thể tôi tạm trú suốt đời, tôi nói
Nghĩa là con tôi tạm trú (không chứng minh nhân dân)
Và cháu tôi tạm trú (không khai sanh)
Đã được ba đời rồi, ở quê hương tổ quốc tôi
(Chuyện không đáng nói – Nguyễn Phan Thịnh)
Đó là những chuyến chạy loạn, vượt biên, vượt biển. Và chia ly:
Biển vẫn còn giữ một trang bìa buồn
Và giữ lại em
Để tặng tôi
(Bài thơ 4000 – Phan Ni Tấn)
Em ở đâu trong dòng người tản cư rồng rắn
Ven đường dọc suối bên rừng dưới sông trên biển
Đến tận giờ vẫn bằn bặt một dòng thư!..
(Thiên thần tháng tư – Nguyễn Đăng Trình)
Đó là cảm hoài nơi đất lạ:
Đến đây là đã xa ngàn dậm
Sao sóng bạc đầu lại quá quen
(Ở Galveston – Nguyễn Ngọc Nghĩa)
hay chua chát vì những cái tên bị gắn lên người, tùy theo hoàn cảnh tâm tư, từ “thằng ngụy”, sang “Việt kiều”, rồi “Việt kiều yêu nước”, hoặc “Việt gian”, “Việt cộng” (Một cái tên của tôi – Phan Xuân Sinh) hay:
Ta kiêu hãnh làm tên tù quá khứ
Hơn những người sống thở phải hai mang
(Ở tù trong quá khứ – Lâm Hảo Dũng)
Và rồi uất hận nhìn những người thắng cuộc vơ vét, phá hoại:
Các ông bán và cho thuê hết sạch
Giang sơn đang vào những túi tham riêng
(Lại khóc thương quê – Hoàng Lộc)
Bọn chúng nó đè đầu dân bóp cổ
Biển hãi hùng. Nhuốm đỏ. Hãi hùng thêm
(Hiện trạng – Quan Dương)
Những địa danh gợi nhớ một thời súng đạn: Chu Phong, An Lộc, Khe Sanh, đèo Lao Bảo, Tân Hiệp…, thì nay đối lại với gông cùm rào trại của Hàm Tân, Nam Hà, Xuân Lộc, Z30A v.v…
Sáng vào rừng rút mây đẵn gỗ
Chiều về nặng trĩu vai
Vác cây đời thánh giá
Đêm nằm canh giấc mơ
(Tiếng chim lạ ở trại tù Cồn Tiên – Lữ Quỳnh)
***
121 bài thơ, nếu chia đều cho 50 tác giả, trung bình mỗi người được 2 hoặc 3 bài. Nhưng còn tùy thuộc sức sáng tác và điều kiện chi phối khi sưu tập, số lượng không thể đồng đều. Có 4 tác giả đóng góp 1 bài thơ, và 10 tác giả khác có 4 bài thơ được đưa vào tuyển tập. Khi thành hình tuyển tập, 4 tác giả đã không có cơ hội đọc lại bài thơ của mình một lần nữa.
Có những bài thơ dài tới 6, 7 trang giấy trải dài tâm tư trong một khúc hồi ức (Giao Thừa Năm 37 Tuổi – Lê Mai Lĩnh; Người Tù Già Kể Chuyện Mình – Nguyễn Hữu Nhật; Mẹ Bên Rừng – Hạ Quốc Huy…). Bên cạnh đó, có những bài chỉ vỏn vẹn vài câu (Khi Đời Đã Bỏ – Nguyễn Tư; Thiên An Môn – Phương Tấn…). Dù dài hay ngắn, tất cả những bài thơ đều toát ra một chữ: “Buồn”. Chỉ một chữ thôi, cũng đủ gói gọn tâm can những người thua cuộc, thua một cách vô lý. Trong 121 bài thơ, 14 bài có “Tháng Tư” trong tựa, 6 bài tựa có mang chữ “tù” và 5 có chữ “buồn” đã đủ để xác định. Có những cái buồn quay quắt:
Đã đến rồi cái Tháng Tư chết tiệt
Buồn nhiều người và vui của nhiều người
Cái kỷ niệm của một thời chinh chiến
Ta quay về mà nước mắt rơi rơi
(Ký ức Tháng Tư – Hồ Chí Bửu)
và chịu đựng vì bất lực:
…Thôi thì,
em cứ “phụ” đi!
cơn đau nào
cũng xin ghi tạc lòng.
(Chịu đựng sau cùng – Nguyễn Tư)
Nhưng rồi lại có những đoạn thơ ngắn mà chứa chan tình cảm:
Anh đã về dưới mái nhà xưa
Người chị mắt lòa, nhìn em không tỏ mặt
Giọng khàn khàn thăm hỏi nhỏ to
Rưng rưng sương ướt vai rồi
Và anh khóc.
(Dưới mái nhà xưa – Đức Phổ)
Tại sao tôi lại khóc
Có phải vì củ sắn nướng chiều nay
(Người tù già kể chuyện mình – Nguyễn Hữu Nhật)
hay cảm khái:
Ai chí lớn bao đồng thiên hạ
Ta trí cùn lo việc tu thân
(Đời ta rất tầm thường – Lâm Chương)
Hai mươi ba năm người còn kẻ mất
Nghĩa khí! Ươn hèn! Ai đấng sĩ phu?
(Có những điều đã từng im lặng – Ngô Đa Thiện)
Tuy vậy, có những phút giây ấm lòng trước tình người miền Nam dành cho kẻ chiến bại:
...Nghe trong đám đông
Tiếng ai sụt sịt
Các chú lính ơi
(Chén cơm làng Long Thạnh Mỹ ngày 30/4 – Nguyễn Phúc Sông Hương)
…Mới hay trong tận cùng khốn khó
Còn khối người giữ được lòng nhân
(Xích-lô hành – Nguyễn Văn Ngọc)
Có tay người nâng vai anh dậy
Và tiếng đàn bà lạc giọng thì thầm
Anh nghe lạ như từ cõi xa vời
Mơ hồ lắm – Thầy ơi!
(Xích lô lên cầu – Nguyễn Phan Thịnh)
Chị dúi gói xôi vào tay
Bác đem cho bộ thường phục
Tình dân vẫn bát nước đầy
(Tháng Tư, ngày cuối – Nguyễn Văn Ngọc)
hay nghẹn ngào khi gặp đồng đội xưa:
Hơn bốn mươi năm nhìn không ra
Ông của xưa là tên lính quậy
(Gặp một lính cũ ở Conway – Hoàng Lộc)
Nhìn nhau bỡ ngỡ
Thằng bạc tóc ôm thằng trơ nứu
(Sóng chao – Đức Phổ)
***
Tuyển tập song ngữ này được trình bày đối chiếu nhau: trang chẵn Việt ngữ, trang lẻ Anh ngữ, với cùng các kiểu và cỡ chữ. Dịch văn xuôi đã khó, dịch thơ càng nhiêu khê hơn. Bản Anh ngữ, cho dù người thực hiện tuyển tập rõ ràng có cố gắng, nhưng nó mang ý nghĩa bản dịch nghĩa hơn là chuyển từ thơ sang thơ. Sức người có hạn, hơn nữa mục đích chính của người làm nên tuyển tập này là muốn cho những người thông thạo Anh ngữ hơn Việt ngữ có thể hiểu những bài thơ chuyên chở những cảm nghĩ gì. Ngôn ngữ Việt, nhất là trong thơ, có những cách diễn tả đặc thù, hoặc giản lược câu, hoặc ngụ ý, hoặc mượn hình tượng v.v…, không dễ dịch sang ngoại văn cũng theo cách ngắn gọn hàm ý như thế mà đọc xuôi tai. Diễn giải thêm là một điều không tránh khỏi. Thí dụ: Chiếu bó thây nằm lại rẫy nương = Only the mat was used to wrap the body for burial (tr. 146-147), sau một cuộc nồi da xáo thịt = after the civil war of brothers fighting brothers (tr. 390-391), v.v…. Những câu trong phần Anh ngữ vì vậy trung bình dài gấp rưỡi câu trong nguyên bản. Nguyễn Hữu Thời đã mất nhiều công tìm chữ, nhất là những thành ngữ, để dịch, trong một hoàn cảnh không có được phương tiện tra cứu dồi dào. Trong bài thơ “Chỉ Thấy Những Căn Trại Trong Đời” (tác giả: Nguyễn Tư), 8 chữ “trại” khác nhau đã được chuyển sang Anh ngữ trọn vẹn cũng với một chữ “camp”, một kỳ công. Duy có một số trạng từ bổ thêm khía cạnh tinh tế cho tĩnh từ đành phải bỏ qua cho khỏi rườm ra. Tuy thế, tôi rất đắc ý khi đọc bản Anh ngữ tới những cụm từ như Kèn thổi ngược trống đánh xuôi – tr. 22 (Drummers and clarinetists play a cats’ concerto), phe phẩy – tr. 226 (roundabout trading), Rượu tá lả – tr. 256 (I drink like a fish)…, để rồi thỉnh thoảng cũng phải nhíu mày khi thấy những chỗ theo tôi chưa chỉnh, như quả thìu biu (rotten fruit, tr. 359 – the scrotum?), khô mối (dried cuttlefish, tr. 487 – dried sauryfish?), núi đồi Việt Bắc (¹ mountainous North of Vietnam, tr. 145). Rất tiếc là Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một dịch giả có uy tín về văn thơ Việt Nam, người đã giúp Nguyễn Hữu Thời hiệu đính tuyển tập lần trước, đã qua đời, vì thế ông mất một người thầy để tham khảo.
Đặc biệt, bản dịch Anh ngữ của tập thơ đã được xuất bản song hành, như một ấn bản Anh ngữ, để dành cho những người không biết tiếng Việt, cũng là một sáng kiến hay, một công hai chuyện: bớt lãng phí và người mua chỉ phải trả tiền những gì họ muốn đọc.
***
Thế đó. Đời người lính chiến ở vào bên thua cuộc thật đa dạng, thật phức tạp. Họ phải chống chọi với những dằn vặt nội tâm, lời hứa với đồng đội, gia đình ly tán, bạn thù lẫn lộn. Có thể có vài người, khi đọc xong tác phẩm sẽ có ý nghĩ là một số bài thơ cho người đọc thấy những biểu hiện mà y học gọi là Hội chứng Hậu Chấn Tâm Lý (PTSD – có lẽ ta phải thêm một từ gì đó để dùng riêng cho những người chiến binh thua cuộc một cách bất đắc dĩ như những người lính chiến trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa). Nhưng theo ý riêng của tôi, tuyển tập “Thơ Những Người Thua Cuộc – Poems of the Losers” này, cùng với tuyển tập đã xuất bản hai năm trước (Thơ Lính Chiến Miền Nam – ARVN Soldiers' Poetry) đã diễn tả trọn vẹn tâm trạng của những người ôm ấp tâm sự trong lòng mà không thể kể hết cho con cháu nghe.
Các nhà thơ thường là những người khó tính. Những vị giữ phần biên tập sách báo do đó thường rất thận trọng trong mục thơ, ít dám sửa chữa. Tôi nghĩ Nguyễn Hữu Thời cũng vậy, vì điều kiện liên lạc với các tác giả có thể là rào cản cho một công tác sưu tầm và lên sách được toàn hảo. Vì vậy, rải rác đây đó người đọc có thể thấy những chữ đáng ra cần hiệu đính lại mà không nhất thiết phải hỏi ý tác giả, như: chửi rũa (tr. 176), ngất ngưỡng (tr. 208), Đoàn Mạnh Quạch (tr. 212), Viêt Nam (tr. 316), bắng thẳng (tr. 348), ngẹn ngào (tr. 390), nằm ngữa (tr. 434), v.v… Trong các giòng tiểu sử ở phần tiếng Anh, Nguyễn Hữu Thời dùng chữ tắt RVNAF để dịch “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa” và ông đã chú thích điều này nơi tiểu sử tác giả đầu tiên (tr. 23), là RVNAF là chữ tắt của Republic of Vietnam Armed Forces. Chữ viết tắt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa theo như wikipedia (mà hiện nay gần như đã trở thành tài liệu chính để tra cứu) là RVNMF (Republic of Vietnam Military Forces), còn chữ tắt RVNAF thường được hiểu là chữ viết tắt của binh chủng Không Quân (Republic of Vietnam Air Force). Điều này có thể gây hiểu lầm nơi những người chỉ đọc bản Anh ngữ nếu họ đã quen cách viết tắt người Mỹ thường dùng là ARVN để chỉ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những tiểu tiết này đương nhiên không làm sứt mẻ giá trị của hai tuyển tập thơ đã được dày công biên soạn.
.
Nguyễn Hiền
______
|
|
|