Thơ Lính Chiến Miền Nam
Đọc tuyển tập “Thơ Lính Chiến Miền Nam – ARVN Soldiers Poetry” của Nguyễn Hữu Thời
.
Cuộc chiến Quốc-Cộng 21 năm đã làm tiêu hao hàng triệu sinh mạng, nhưng đồng thời cũng để lại cho thế hệ sau một kho tàng văn chương vĩ đại. Qua những bản nhạc, truyện ngắn truyện dài, và những vần thơ, người đương thời có thể cảm nhận được những tâm tư của cha ông họ trong chặng đường lịch sử đau buồn này. Suốt hơn 40 năm qua, nhà cầm quyền đã dùng nhiều biện pháp – trực tiếp lẫn gián tiếp – ngăn chặn người dân Việt tiếp cận văn chương miền Nam trong thời chiến, cộng thêm sự mai một tự nhiên, khiến cho việc sưu khảo và truyền bá kho tàng chữ nghĩa này lại cho những thế hệ sau trở thành một công tác không thể được coi thường của những người Việt hải ngoại thiết tha đến sự hưng vong của dòng văn học Việt.
Về thơ, trong quá khứ đã có nhiều tuyển tập viết về chiến tranh đã được xuất bản. Của một tác giả, hay của một nhóm bạn thơ. Hoặc là những bài thơ len trong những tuyển tập thơ tập trung đủ mọi khuynh hướng, một thí dụ điển hình là những tuyển tập “Cụm Hoa Tình Yêu” của Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại ra mắt hàng năm trong một thời gian dài. Nhưng phải trải qua ba thập niên, chúng ta mới có được một tuyển tập “có tầm vóc” chỉ gồm những bài thơ viết về chiến tranh. Đó là “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến” (Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn sưu tập, Thư Ấn Quán xuất bản – 2006), một bộ sưu tập đồ sộ hơn 850 trang gồm những sáng tác của 263 nhà thơ miền Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Tuy nhiên, một điểm chung của đa phần những tuyển tập thơ đã xuất bản là những bài thơ được chọn dựa trên tính văn chương của chúng. Vì thế, tuy những tập thơ này có thể mang giá trị văn chương cao, nhưng trên một phương diện nào đó, mất đi cái nhìn tổng quát về sinh hoạt thơ của một thời.
Tuyển tập “Thơ Lính Chiến Miền Nam – ARVN Soldiers Poetry” do Nguyễn Hữu Thời sưu tập, chuyển ngữ sang Anh văn và biên tập đã đáp ứng được phần nào nhu cầu này. Tuyển tập do Tiếng Quê Hương xuất bản (2016).
Từ những bài thơ trong “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến”, Nguyễn Hữu Thời đã chắt lọc ra 130 bài thơ của 52 thi sĩ theo tiêu chuẩn riêng của ông, để hình thành tuyển tập “Thơ Lính Chiến Miền Nam” (Thư Quán Bản Thảo, 2012). Sau đó, ông đã cố công dịch chúng sang Anh ngữ, để sau 4 năm cặm cụi, đã biến tuyển tập thành một công trình sưu tập có một không hai.
Tựa đề tập thơ phân định rõ ràng tiêu chuẩn người sưu tập đã đề ra: Đó là một tập THƠ của những NGƯỜI LÍNH trong hàng ngũ quân đội MIỀN NAM Việt Nam đã từng CHIẾN ĐẤU ngoài chiến trường. Ngoài ra, nó cũng chỉ rõ: đây là một tập thơ song ngữ Anh-Việt.
Nguyễn Hữu Thời cũng xác định thêm trong phần giới thiệu: “Họ không phải lính thành phố, hoặc quan văn phòng… Họ phải xa nhà, xa các thành phố, xa các tiện nghi và thú vui… Họ đi chiến đấu để đổ máu và chết… ở những miền đất xa xôi, lạ lẫm… suốt chiều dài đất nước.” Và trong lời mở đầu: “… vài tác giả nào đó, dù là quân nhân, nhưng không phải lính chiến, nên những bài thơ hay của họ đã không được đưa vào.” Tóm lại, người “sưu tập” chỉ làm công việc thuần túy là sưu tập những bài thơ ông đã có dịp được đọc, tác giả phải là người hội đủ tiêu chuẩn đã đề ra, và mỗi tác giả sẽ có một số bài tiêu biểu được chọn.
Trong số 52 nhà thơ trong tuyển tập, có những người khi cuộc chiến tàn vẫn còn tiếp tục sáng tác hay hăng say hoạt động trong lãnh vực văn chương hoặc báo chí cho tới ngày hôm nay như Luân Hoán, Hà Thúc Sinh, Lâm Chương, Trần Hoài Thư, Hoài Ziang Duy, Phan Ni Tấn v.v… Nhưng cũng có những người vì hoàn cảnh không cho phép, hoặc chẳng may vắn số nên sự nghiệp chỉ là vài bài thơ còn lưu giữ lại được. Đó là chưa kể có rất nhiều người mà cả thân thế lẫn sự nghiệp văn chương tan biến mất cho nên đã không thể góp mặt trong tuyển tập.
Một số người có thể thắc mắc vì sao ông X, ông Y v.v… cũng là lính chiến, có ít nhiều bài thơ đã phổ biến mà không có chỗ trong tuyển tập. Điển hình là những nhà thơ như Linh Phương, Nguyễn Bắc Sơn, v.v… Điều này không thể tránh khỏi trong công việc soạn thảo một tuyển tập, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tôi tin là Nguyễn Hữu Thời đã mang hết công sức để cố gắng thu thập và thuyết phục những bạn đồng đội cho công trình này.
Trong những bài thơ được chọn có những bài được nhiều người biết đến. Ít nhất có 4 bài đã được chuyển thành ca khúc: U Minh (Nguyễn Tiến Cung, Phạm Duy đặt thành nhạc với tựa đề “Rừng U Minh Ta Không Thấy Em), Lời Tình Buồn (Chu Trầm Nguyên Minh, Vũ Thành An đặt thành nhạc với cùng tựa đề), Kỷ Vật (Chuẩn Nghị, Phạm Duy đặt thành nhạc) (1), Tường Trình Cho Em (cũng do Phạm Duy đặt thành nhạc với tựa đề “Mười Hai Tháng Anh Đi”)…
Tuy cuốn tuyển tập gồm những bài thơ của “lính chiến ngoài mặt trận” nhưng trong số 52 tác giả có 10 người được ghi chú “không rõ tiểu sử”, như vậy có nghĩa là những bài thơ được chọn cũng dựa theo tứ thơ để quyết định. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có những tìm kiếm thêm của người sưu tập hay của những thân hữu để bổ túc cho phần thiếu sót này, nếu tuyển tập được tái bản.
Đa phần những bài thơ trong tuyển tập có nội dung về tình yêu quê hương tổ quốc, tình đồng đội, tình gia đình, vợ con, nhắc lại kỷ niệm ngày xưa với bạn bè, suy nghĩ về thân phận người lính trong cuộc chiến với nhiều cay đắng, và rất nhiều bài thơ chuyên chở những hoài vọng, những ước mong cho một tương lai thanh bình trên quê hương. Nhiều bài thơ không cho người đọc biết một cách đích xác về khoảng không gian và thời gian, nhưng cũng có những tác giả nêu đích danh những đơn vị thân thương của mình trong tất cả những bài thơ được đăng trong tuyển tập, như Lâm Hảo Dũng (trung đoàn 41, 42, những địa danh Benhet, Dakto, Trà Quan, Đại Sơn…), như Phan Ni Tấn (Bắc Cần Thơ, Daknil, Krongpha, Đèo Mụ Già, Ban Mê Thuột, Dục Mỹ…) v.v… Có những bài thơ hoàn toàn không thấy bóng dáng chiến tranh (Lời Tình Buồn – Chu Trầm Nguyên Minh, Lại Một Mùa Xuân Viễn Xứ – Hoàng Lộc, Hồn Ta Bay Trắng Giữa Sương Mù – Tô Nhược Châu, v.v…). Có những bài thơ lấy hứng từ một tình huống lạ kỳ:
Hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi
Ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí
Chuyện ngày mai có chi đáng kể
Dẹp nó đi cho khỏi bận tâm
Thằng lính nào mà không rét lúc ra quân
Khi xung trận mà không té đái
(Uống Rượu Với Người Lính Bắc Phương – Phan Xuân Sinh)
Có tác giả bày tỏ trần trụi nỗi uất ức của mình qua hai tiếng chửi thề làm khởi đầu cho mỗi bài thơ (Trần Đắc Thắng), tuy thế đố ai dám bảo thơ ông tục tĩu.
Bên cạnh những bài thơ dài hai ba trang của Nguyên Phúc Sông Hương, Yên Bằng hay Trang Châu… là những bài thơ ngắn bốn câu của Nguyễn Cát Đông hay Trần Vạn Giả. Số lượng bài thơ của mỗi tác giả cũng không nhất định: trong khi 15 tác giả chỉ có mỗi người 1 bài thơ thì có 2 tác giả đã đóng góp mỗi người 6 bài (Chinh Yên và Trần Dzạ Lữ).
Những vần thơ trong tuyển tập mang nhiều dáng vẻ, từ mượt mà nhiều hình tượng:
Rồi ngày mai chúng mình giơ tay vẫy
Chim bồ câu nằm rũ chết ngoài kia
Tình thương mọc hoang đầy loài nấm rạ
Dòng sông sâu còn ngăn cách đến bao giờ
(Tình Tự – Chu Vương Miện)
hoặc thẳng tuột:
Dưới chân đồi Xích Thố này có con sông
Con sông có cây cầu bắt qua
Bên này là vườn táo là nghĩa địa là ruộng hoang
Là lô cốt hầm chông là bãi mìn
(Nơi Anh Đồn Trú – Huỳnh Hữu Võ)
đến những đoạn thơ ẩn dấu hai ba ý:
Ba năm đeo lủng lẳng
Một khẩu Colt 45
Khóa an toàn mở sẵn
Viên đạn vẫn trong nòng
(Mặt Trận Quảng Ngãi – Luân Hoán)
Tóm lại, những bài thơ trong tuyển tập không nhất thiết phải “hay”. Đây là điểm son của cuốn sách. Thứ nhất: nơi người lính chiến, vấn đề hàng đầu – mỗi ngày mỗi giờ – là chiến đấu, là sống còn. Thoảng đâu đó có những phút rảnh rỗi hiếm hoi, khi tạm ngưng giao chiến, những ngày dưỡng quân chẳng hạn, con người nghệ sĩ trong họ chợt thức dậy đòi lên tiếng. Người này làm thơ, kẻ khác viết truyện, ghi hồi ký hay đặt nhạc. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó, mạch sáng tác đương nhiên bị ảnh hưởng. Và thứ hai: không phải người lính nào sinh ra cũng mang trong người giòng máu văn chương. Nhiều người trong số họ viết văn, làm thơ như một cách giải khuây, và giãi bày tâm tình trong những ngày tháng hoàn toàn không có những phương tiện giải trí dồi dào nơi phố thị.
Tôi thích nhất những câu thơ mang ước vọng đầy chất thơ pha thêm lãng mạn:
Cho tôi đổi một trăm chiến thắng
Lấy một giọt nước mắt kẻ thù
(Giọt Nước Mắt Kẻ Thù – Trang Châu)Một mai trả súng lại đời
Ta về ngủ thiếp bên người tình chung
Bên ta con ngủ an lành
Bên ta vợ sẽ trở mình, gọi: Anh!
(Thư Cho Vợ Con ở Cần Thơ – Nguyễn Cát Đông)Lúa có nghĩ rằng ngày mai sẽ khác?
Súng sẽ dùng để đúc lưỡi cày
(Đêm Kích dưới chân đồi Pá – Nguyễn Dương Quang)
Tuy thế, khi đọc hết tuyển tập, tôi có cảm tưởng người sưu tập đã chú trọng (hay chỉ chú trọng) đến những bài thơ “tình”: tình gia đình, tình vợ chồng, tình đồng đội, tình quê hương. Không có những bài thơ “sắt máu”. Có thể vì ông cho là chuyện “sắt máu” chỉ là nhất thời, còn tình yêu là vĩnh cửu chăng? Hoặc chỉ đơn giản là ông muốn thi vị hóa cuộc chiến?
Nguyễn Hữu Thời đã dành nhiều thời gian chọn lọc những bài thơ trong tiêu chuẩn đã đề ra và cố gắng thu thập tiểu sử những tác giả, để hình thành tập thơ “Thơ Lính Chiến Miền Nam” (Thư Quán Bản Thảo 2012) cũng là người đã dịch hàng ngàn câu thơ của 130 bài, cũng chỉ có thể làm công việc của “một cựu quân nhân đã từng chiến đấu trong cuộc chiến Việt Nam” là giúp cho mọi người trên thế giới hiểu được những người lính chiến ngày xưa đó đã nghĩ gì về thân phận của họ, về đất nước và những ước mơ. Tôi có thể tưởng tượng ra trong khi biên tập, con người lính Nguyễn Hữu Thời hẳn đã có nhiều phút lặng người khi nhớ đến những bạn đồng đội, cùng chiến đấu, cùng chung nhau phần lương khô hay tâm sự với nhau trong một ngôi quán hiếm hoi nào đó.
Lúc nào ta cũng nghĩ một ngày
Bỏ súng về ôm những gốc cây
Tìm hốt hết thịt xương đồng loại
Ôm thật đầy trên những cánh tay
(Trong Đêm Mưa Tiền Đồn – Nguyễn Dương Quang)
***
Trong phần chuyển ngữ sang Anh văn, Nguyễn Hữu Thời đã cố gắng diễn đạt trung thực bản tiểu sử Việt ngữ cho những người không sống trong hoàn cảnh khi đó có thể hiểu, một vài chỗ vì vậy đã được sửa lại chút ít cũng vì mục đích này. Tuy thế, có những tác giả mà tiểu sử dường như được viết rời 2 bản Việt và Anh, như Hoàng Yên Trang (tr. 119), Nguyễn Ngọc Nghĩa (tr. 213), Nguyễn Phan Thịnh (tr. 217), Nguyễn Tư (tr. 243) v.v…
Mỗi ngôn ngữ đều mang những sắc thái đặc thù của nó. Dịch văn đã khó, mà chuyển ngữ thơ là cả một cố gắng phi thường, nếu không nói là bất khả. Thơ tiếng Việt độc đáo ở chỗ cô đọng khiến nhiều câu vắng bóng chủ từ. Chủ từ ‘ta’ không đơn giản như ‘I’ hay ‘Je’ trong Anh và Pháp văn. Ngoài ra, mỗi ngôn ngữ có cách cấu trúc câu đặc thù của nó. Tiếng Việt không phải là một ngoại lệ. Ngoài ra tiếng Việt còn có những từ ngữ tượng hình tượng thanh khó tìm từ ngoại quốc tương ứng. Nguyễn Hữu Thời đã để nhiều năm cố gắng dịch tất cả những bài thơ sang tiếng Anh, cộng thêm phần hiệu đính của cố giáo sư Nguyễn Ngọc Bích – một chuyên gia dịch thuật, từng giữ những chức vụ như Giám đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA), Giám đốc Song ngữ của Bộ Giáo dục Liên bang Hoa Kỳ – phải nói là bản dịch rất sát. Có những từ ngữ đã được dịch giả chuyển sang Anh văn một cách tuyệt vời như Hiền sĩ (The talented, virtuous man – tr. 56-57), Đất trích (Exile land – tr. 256-257).
Hay:
Ta như lữ khách không nhà cửa
Không có hồn ai để lạnh lùng
Cố vui hát một bài ca cũ
Giọng cũng khan mòn tay cũng run
(Khi Ở Trung Đoàn 42)I am like a traveller having no home
Without a lover to miss and to feel lonesome
I try to sing an old song to cheer me up
Yet my voice is hoarse, my hands are trembling
(With Regiment 42 – Nguyễn Hữu Thời dịch)
Hoặc:
Phất phơ áo lụa trên cầu
Nắng nghiêng cổ tháp ngả màu thời gian
Gió xao sóng nước mênh mang
Thương em, nhớ mẹ ngập tràn nhánh sông
(Chiều Qua Sông – Trần Vạn Giả)The silk dress waves on the bridge
The sun shines on the ancient tower which has changed color
The wind blows on the tide endlessly
My love for you and Mom overflows the branch of the river
(Crossing the River at Sunset – Nguyễn Hữu Thời dịch)
Hoặc nhiều đoạn khác mà do phạm vi bài viết ngắn này không thể nêu ra hết được. Cho dù có những từ mà dịch giả đành phải chọn một hình tượng khác như “Cổ em cao” (Your turtleneck, tr. 68-69), hay dường như không còn cách nào khác: “Tóc em xanh” (Your hair is blue, tr. 68-69). Và những câu với cách viết đặc thù rút gọn của Việt Nam như: ‘vòi vĩnh chú lính ơi kể chuyện’ (trang 322) quả thực đáng nêu ra như một thách đố những dịch giả chuyên nghiệp nào có thể chuyển sang Anh văn một cách gãy gọn. Muốn biết Nguyễn Hữu Thời dịch 7 chữ này ra sao, xin mời quý vị tự tìm trong cuốn tuyển tập.
Tóm lại, đây là một tuyển tập thơ mang một chủ đề rõ ràng, một công trình sưu tập và biên soạn dài hơi, công phu. Trong tương lai dài lâu, khi dư âm cuộc chiến Quốc Cộng đã mờ nhạt trong trí nhớ của những thế hệ thế kỷ 21, 22…, nhưng tập thơ vẫn giữ nguyên tất cả những gì người lính ngoài mặt trận khốc liệt chiến đấu khi đó nghĩ gì và mơ gì. Với phần Anh ngữ, tập thơ cũng sẽ giúp người không biết tiếng Việt có thể hiểu tâm tư của người lính chiến miền Nam nước Việt thuở đó, trên một diện rộng.
Nguyễn Hiền
_____
(1) Trong tuyển tập (phần tiểu sử tác giả), có ghi bài thơ “Kỷ Vật” của Chuẩn Nghị (Nguyễn Đức Nghị) đã được Phạm Duy phổ nhạc. Tuy nhiên, nhiều người biết đến một bài thơ với tựa đề “Kỷ Vật Cho Em” với lời hơi khác, của Linh Phương, một nhà thơ họ Đoàn, đã được Phạm Duy chuyển thành nhạc có tựa cùng tên. Ước mong rằng trong kỳ tái bản, nếu có, xin được nhà sưu tập Nguyễn Hữu Thời thêm ít hàng giải thích.