Sự Phản Bội của Kissinger


*

Sơ lược tiểu sử Giáo sư Stephen B. Young

Stephen B. Young là Giám đốc Điều hành Toàn cầu của tổ chức Bàn tròn Caux (CRT) về Chủ nghĩa Tư bản Đạo đức, một mạng lưới quốc tế gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, những người ủng hộ cách tiếp cận nguyên tắc về kinh doanh trong nền kinh tế toàn cầu.

Ông đã xuất bản hai cuốn sách Chủ nghĩa Tư bản Đạo đức Con đường đến Chủ nghĩa Tư bản Đạo đức, được đón nhận nồng nhiệt, được sử dụng như một hướng dẫn để thực hiện các Nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm xã hội của tổ chức CRT trong kinh doanh.

Stephen B. Young tốt nghiệp Đại học Harvard và Trường Luật Harvard. Ông từng là Trợ lý Trưởng khoa Trường Luật Harvard và là Trưởng khoa của Đại học Luật Hamline. Giáo sư Young từng giảng dạy tại Đại học Minnesota, Đại học Luật Minnesota, Trường Kinh doanh Carlson, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Tự do và Đại học Mankato thuộc tiểu bang Minnesota. Ông cũng từng giảng dạy tại Viện Cao học Quản lý Doanh nghiệp Sasin thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok.

Stephen B. Young đã viết nhiều bài báo về quan điểm cho St. Paul Pioneer Press, Tạp chí Luật pháp và Chính trị Minnesota, tạp chí St. Paul Legal Ledger và đã được đăng trên Wall Street Journal, New York Times Washington Post. Ông đã phát biểu tại nhiều cuộc hội thảo và hội nghị về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh.

Trong cuốn sách Những người tạo ra sự khác biệt: Cách các doanh nhân xã hội và thể chế xây dựng phong trào trách nhiệm doanh nghiệp của Tiến sĩ Sandra Waddock thuộc Đại học Boston, ông Young được công nhận là một trong 23 người đã tạo ra phong trào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Trong Chiến tranh Việt Nam, ông Young phục vụ trong Cơ quan Phát triển Quốc Tế Hoa Kỳ USAID tại Nam Việt Nam từ 1968 đến 1972 trong Chương trình Bình định và Phát triển Nông thôn. Ông từng giữ chức vụ là Trợ lý Đặc biệt chuyên trách về Kinh tế thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Tháng Tư 1975, ông Young khởi xướng đề xuất một chương trình định cư người tị nạn Nam Việt Nam tại Hoa Kỳ. Năm 1978, Ủy ban Công dân về Tị nạn Đông dương – mà ông Young là thành viên – đã thuyết phục thành công Chính phủ Carter và Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Tị nạn 1980, một đạo luật cho phép Thuyền Nhân Việt Nam và nhiều người khác từ Lào, Campuchia, và Việt Nam được định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1989, ông Young đề xuất thành lập Chính phủ Ủy nhiệm Lâm thời cho Campuchia, chấm dứt những Cánh Đồng Chết và mang lại hòa bình cho Campuchia.

Giáo sư Stephen B Young đã cùng Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy viết sách Truyền thống Nhân quyền tại Trung Quốc và Việt Nam, xuất bản năm 1989. Ông Young cùng vợ là bà Phạm Thị Hòa đã dịch sang Anh ngữ tác phẩm Đỉnh Cao Chói Lọi của Dương Thu Hương.

 

***

Lời Tựa: Vì sao có quyển sách này?

Để chia sẻ lý do tại sao cuộc Chiến Tranh Việt Nam kết thúc quá thảm hại cho mọi người dân Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ.

Sự kết thúc cuộc Chiến Tranh Việt Nam vào tháng Tư 1975 đã định hình lịch sử của chúng ta cho đến giờ, từ mặt đối nội khi văn hóa và chính trị ngày càng chia rẻ, đến những vấn đề quốc tế, khi chúng ta chẳng những không chiến thắng như mong đợi trong những cuộc chiến giới hạn nhưng “trường kỳ” tại Iraq và Afghanistan, và cũng chẳng ngăn được Vladimir Putin xâm lấn Ukraine.

Thực tế là một người chủ khó tính; nó không chiều theo mong ước, cũng không chấp nhận lý tưởng của ta. Nhiều điều trong thế giới chúng ta đã và sẽ không thay đổi. Kinh nghiệm quá khứ vẫn là những bài học giá trị. Bản chất con người ngày nay vẫn như 10 ngàn năm trước, được hằn sâu trong tâm khảm chúng ta từ hoàn cảnh xã hội/tâm lý đã tạo nên căn cước của chúng ta.

Sự kiện dẫn đến hệ quả, những sự kiện bi thảm lại càng gây đớn đau nhức nhối. Thất bại trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam gây đớn đau cho dân Mỹ. Ảnh hưởng của nó vẫn còn, với những người già đã từng sống qua những năm tháng đó, và với những người trẻ chỉ nghe qua những chuyện kể lại về cuộc chiến.

Qua những trang sách này, bạn có thể tự kết luận những gì là sự thật lịch sử và ý nghĩa của những điều đó.

Một bài học tất cả chúng ta cần nên học là phải tôn trọng lịch sử. Lịch sử không chỉ là câu chuyện được kể, không chỉ là quan điểm. Những điều xảy ra hôm qua và hôm nay vượt quá ý kiến và lời kể của chúng ta. Tôn trọng lịch sử là một hành động đạo đức, nó mang ta ra khỏi thế giới của chính mình để hòa nhập vào hoàn cảnh của người khác.

Nhưng nhận biết sự thực và thay đổi quan điểm của chúng ta không phải là lợi ích duy nhất khi lật lại chuyện buồn về sự thất bại của đất nước chúng ta trong việc bảo vệ đồng minh. Những bài học từ chính sách ngoại giao của Henry Kissinger năm mươi năm trước vẫn còn hiệu nghiệm giá trị trong tình thế hiện nay, khi đối đầu với một liên minh mới giữa Nga và Trung Quốc.

Cán cân quyền lực trên thế giới đã thay đổi tệ hơn vào ngày 4 tháng Hai, 2022, khi Vladimir Putin và Tập Cận Bình ký một hiệp ước tuyên bố:

Vì mỗi quốc gia có những nét đặc thù riêng về lịch sử, văn hóa, hệ thống xã hội và mức độ phát triển xã hội và kinh tế, vấn đề nhân quyền phải được nhìn qua lăng kính của tình hình thực tế trong mỗi quốc gia, và nhân quyền cần được bảo vệ dựa theo tình hình cá biệt trong mỗi quốc gia và nhu cầu của dân chúng.…

[Nga và Trung Quốc] tin rằng sự ủng hộ cho dân chủ và nhân quyền không được dùng để tạo sức ép trên các quốc gia khác. Họ chống lại sự lạm dụng những giá trị dân chủ và sự can thiệp vào những vấn đề nội bộ của những quốc gia có chủ quyền dưới danh nghĩa bảo vệ dân chủ và nhân quyền, và bất kỳ nỗ lực nào nhằm khơi dậy chia rẽ và đối đầu trên thế giới. Các phía kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng sự đa diện về văn hóa và văn minh và quyền của các dân tộc của các quốc gia khác nhau trong việc tự quyết…

Nỗ lực của vài quốc gia nhằm áp đặt “tiêu chuẩn dân chủ” của riêng họ trên các quốc gia khác, dành độc quyền đánh giá những mức độ tuân thủ với tiêu chuẩn dân chủ, vạch lằn ranh chia rẽ dựa trên căn bản ý thức hệ, bao gồm việc thành lập những khối chọn lọc và đồng minh vì lợi ích, chỉ cho thấy sự miệt thị dân chủ đi ngược lại tinh thần và giá trị chân chính của dân chủ. Những nỗ lực bá quyền đó tạo ra đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định toàn cầu và khu vực và phá hoại sự ổn định của trật tự thế giới.

[Nga và Trung Quốc] tái khẳng định sự ủng hộ hỗ tương mạnh mẽ để bảo vệ những quyền lợi cốt lõi, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của họ, và chống lại sự can thiệp của thế lực ngoại bang vào những vấn đề nội bộ của họ.

Dựa vào những điều khoản của thỏa ước này, Nga xâm lăng Ukraine vào ngày 24 tháng Hai, 2022. Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết lên án cuộc xâm lăng này.

Nhưng, năm 1935, Hội Quốc Liên đã biểu quyết lên án cuộc xâm lăng của Mussolini vào Ethiopia sau khi nghe lời thống thiết của Vua Haile Selassie kêu gọi lương tâm của nhân loại. Điều gì xảy ra sau đó? Cộng đồng thế giới chỉ nhích gần hơn đến Thế Chiến Thứ Hai.

Viện dẫn thỏa hiệp với Nga, liệu Trung Quốc sẽ xâm lăng Đài Loan?

Ai sẽ đứng lên để bảo vệ cộng đồng thế giới và những giá trị như dân chủ và nhân quyền?

Chúng ta nghĩ gì về vai trò của Mỹ trong thế giới bất ổn đầy những sự hiểu lầm, khác biệt ý kiến, và lạm dụng quyền lực?

Người Mỹ có nên đặt câu hỏi: Đất nước chúng ta sẽ ra sao? Mỗi người chúng ta có trách nhiệm gì? Chúng ta có thể học được những bài học nào từ thất bại của Chiến tranh Việt Nam, cách đây năm mươi năm – những bài học sẽ giúp tìm lại được những giá trị tốt đẹp của dân tộc này?

Stephen B. Young Tháng Mười 2022

   

   

   

Lời Dịch giả

Với thế giới, chiến tranh Việt Nam là cuộc tranh giành quyền lực giữa tư bản và Cộng sản, giữa dân chủ và độc tài. Với dân tộc Việt Nam, cuộc chiến tranh có ý nghĩa sâu xa hơn, nó là sự khẳng định sự hiện hữu, khẳng định tư cách quốc dân của một dân tộc.

Ba chương đầu tiên trong SỰ PHẢN BỘI CỦA KISSINGER, tác giả Steve Young trình bày những nét đặc trưng về văn hóa, chính trị và xã hội của Việt Nam, qua hơn 4000 năm lịch sử, ghi nhận bản sắc độc lập từ lân bang khổng lồ ở phương Bắc.

Sau đó, Steve Young phân tích sự ngộ nhận của người Pháp, xem Việt Nam như một bộ tộc bán khai; và Pháp đến Việt Nam mang theo một sứ mệnh khai hóa. Trên nền tảng ngộ nhận đó, sự phản bội của Kissinger được hình thành. Cộng sản Việt Nam dưới lăng kính thiên lệch của Kissinger, là đại diện chính đáng cho tư cách quốc dân Việt Nam. Phe Quốc gia vì thế trở thành phía có thể vứt đi – disposable – vì mục tiêu chính trị của Kissinger và của đảng Cộng hòa Mỹ vào thời điểm ấy.

Về cá nhân của Kissinger, việc dùng sự phản bội để đạt được mục đích chính trị không còn là chuyện đáng ngạc nhiên khi xem lại tiểu sử của ông. Một người từng tuyên bố “power is the ultimate aphrodisiac” – “quyền lực là thứ thuốc kích dâm tối thượng” thì không có tội ác nào, sự phản bội nào có thể lay chuyển khát khao quyền lực của ông. Chỉ trong khoảng thời gian 8 năm quyền lực, từ tháng giêng 1969 đến tháng giêng 1977, Kissinger đã góp phần vào tình hình chính trị thế giới qua việc bán đứng Nam Việt Nam, đưa Trung Cộng vào Liên Hiệp Quốc chiếm chỗ của Đài Loan, việc thả bom tàn sát dân Cambodia, nhúng tay vào cuộc đảo chánh ở Chile năm 1973, ủng hộ nhóm quân phiệt tại Argentina, ủng hộ Indonesia trong cuộc xâm lăng East Timor, và ủng hộ Pakistan trong cuộc chiến tranh diệt chủng chống lại dân Bangladesh. Với Việt Nam, những ngày tháng quân đội miền Nam đang chiến đấu trong tuyệt vọng, Kissinger tuyên bố lạnh lùng: “why don’t these people die fast?” “sao mấy người này không chết phứt cho rồi?”

Vài tháng trước khi qua đời, Kissinger còn qua gặp Tập Cận Bình, không hiểu với mục đích gì. Nhưng nếu quá khứ có thể là một biện chứng cho tương lai, ta có lý do để tin rằng chuyến đi của Kissinger không phải là một chuyến viếng thăm không mục đích. Con cọp không đổi vằn, con beo không đổi đốm, ngay lúc sắp đi vào cõi chết.

Dịch tác phẩm Kissinger’s Betrayal của Steve Young để gửi đến độc giả Việt Nam, chúng tôi chỉ làm một đóng góp nhỏ để cảm ơn công trình quý báu của ông. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi không ghi chú phần footnotes và tài liệu tham khảo. Quý độc giả có thể tìm những thông tin này lúc đối chiếu với nguyên bản Anh ngữ.

Về nội dung, độc giả khi vào ba chương đầu của sách, sẽ hiểu rõ thêm vì sao miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến được xem là phía “quốc gia”, để khẳng định với nhau chúng ta không phải là một bộ tộc bán khai, cần được người ngoài khai hóa. Nhớ lại cuộc bút đàm giữa cụ Phan Bội Châu và nhà cách mạng Trung Hoa Lương Khải Siêu tại Nhật, khi Lương Khải Siêu viết: “Quý quốc không lo không có ngày độc lập, chỉ lo quốc dân không có tư cách độc lập.”

Sự Phản Bội của Kissinger, sau bao nhiêu năm đã trở thành quá khứ. Cái tư cách quốc dân mới là chuyện của hiện tại, và của tương lai.

   

Nguyễn Hoàng Duyên
Nguyễn Bình Phương

 

 


Cái Đình - 2025