Cái Đình


Những ông vua chè

Tiểu sử Hella Haasse

 

Tên thật là Hélène Serafia Haasse, bà sinh ngày 02/02/1918 tại Batavia (nay là Jakarta , thủ đô của Indonesia ). Song thân bà là Willem Hendrik Haasse, Thanh tra Tài chánh; và Katharina Diehm Winzenhöhler, nhạc sĩ dương cầm.

Năm 1924, khi Hella Haasse đang học cấp 1 tại một trường dòng Thiên Chúa giáo ở Surabaya thì mẹ bà lâm bệnh, phải trở về Davos (Thụy Sĩ) điều dưỡng. Bà sống khoảng thời gian này với bà ngoại ở Heemstede. Năm 1928, sau khi mẹ bà bình phục, gia đình trở về Nam Dương. Bà sống 1 năm ở Bandoeng và Buitenzorg (nay là Bogor) trước khi dọn nhà về lại Batavia (hai địa danh Bandoeng và Buitenzorg được nhắc đến nhiều lần trong tác phẩm ‘Những Ông Vua Chè').

Thời học sinh, Hella Haasse thích văn chương, kịch nghệ Hòa Lan. Những nhà thơ Hòa Lan gây ấn tượng với bà là Slauerhoff và Roland Holst. Khi ấy bà đã viết được những vở kịch để trẻ con trong vùng diễn tập. Đồng thời bà cũng say mê truyện dã sử; khi mới11 tuổi Hella Haasse đã sáng tác được một cuốn truyện lịch sử.

Sau khi hoàn tất bậc trung học, vì rất ham thích chuyện dã sử cổ Na Uy, năm 1938 Hella Haasse sang Hòa Lan theo học bộ môn Ngôn ngữ và Văn chương vùng Bắc Âu (Scandinavia). Tuy nhiên, một năm sau đó, khi nhận thấy những chế độ phát xít ở châu Âu (Đức, Ý) dựa vào các truyền thuyết dã sử anh hùng Na Uy và Đức để tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bà đã bỏ bộ môn này để sang ngành kịch nghệ. Từ 1944, sau khi tốt nghiệp trường kịch nghệ, bà bỏ hẳn con đường này để chú tâm hoàn toàn vào việc sáng tác. Nhưng chính nhờ nền tảng kịch nghệ mà văn tài của bà trong lãnh vực tiểu thuyết được nẩy nở, khai phá.

Hella Haasse khởi đầu sự nghiệp văn chương bằng thơ, với tác phẩm đầu tay ‘Stroomversnelling' (Ghềnh Thác). Ngoài thơ, bà cũng soạn những vở kịch và nhạc kịch, và vài năm sau bà chuyển sang tùy bút. Cuốn tùy bút đầu tiên của bà, ‘Kleren Maken De Vrouw' (Y Phục Làm Nên Phụ Nữ) không gặt hái nhiều thành công. Phải đợi đến khi bà viết xong ‘Oeroeg', cuốn tiểu thuyết đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quãng đường sáng tác của Hella Haasse, với giải thưởng tiểu thuyết bình chọn do CPNB tổ chức năm 1948. Suốt nhiều thập niên, ‘Oeroeg' được ghi trong danh sách những tác phẩm văn chương ghi trong chương trình trung học, và năm 1993 được dựng thành phim với đạo diễn Hans Hylkema. Qua Oeroeg và với trên dưới 40 tác phẩm, bà đã được công nhận là một trong những nhà văn lớn Hòa Lan hiện còn sống (2007).

Năm 1981 bà cùng gia đình sang Pháp định cư tại St. Witz, một làng nhỏ phía bắc Paris . Nơi đây bà sống những ngày khép kín để sang tác liên tục. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ‘De Heren van de Thee' (1992) được xây dựng trên bối cảnh lịch sử xứ Đông Ấn (nay là Indonesia ) thời xứ này còn là thuộc địa của Hòa Lan. Cuốn tiểu thuyết này đã được đón nhận nồng nhiệt và được đề cử dự giải Văn chương Âu châu năm 1993.

Đầu năm 2007 bà tìm lại được bản thảo cuốn tiểu thuyết phiêu lưu Sterrenjacht, viết năm 1949-1950 và xuất hiện trên báo dưới dạng định kỳ (feuilleton) trên nhật báo Parool, với bút hiệu C.J. van der Sevensterre, mà trước đó không ai biết chính bà là tác giả. Cuốn này vừa được xuất bản dưới dạng sách năm 2007, tạm thời là cuốn sách cuối cùng của bà.

Hella Haasse đã được trao tặng nhiều giải văn học Hòa Lan cao quý, như giải văn chương Constantijn Huygens (1981), giải P.C. Hooft (1983) cho toàn bộ tác phẩm của bà, Huân chương Vàng Danh Dự cho ngành Mỹ thuật và Khoa học do nữ hoàng Beatrix trao tặng (1992)…

Kể từ năm 1990, bà cùng chồng trở về sống ở Hòa Lan.

***

 

Sơ lược tác phẩm ‘Những Ông Vua Chè'

 

‘Những Ông Vua Chè' là tiểu thuyết nhưng không hẳn là truyện hoàn toàn hư cấu. Hella Haasse đã dựa vào tài liệu tìm được trong ‘Thư khố những tổ hợp gia đình khai thác trà ở Đông Ấn' cũng như tài liệu, thư từ trao đổi giữa các nhân vật trong cuốn sách này, do hậu duệ và họ hàng của họ cung cấp.

Câu chuyện kéo dài trong 49 năm (1869 – 1918), xoay quanh cuộc đời của Rudolf Kerkhoven, xuất thân từ một gia đình có nhiều người khai thác ngành trồng và chế biến trà (tiếng Việt cũng gọi là ‘chè') ở Java (Indonesia).

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư Hóa ở Delft (Hòa Lan), Rudolf theo chân dòng họ đến Java để khuếch trương cơ nghiệp trồng trà. Công việc này phần nào đã mang lại một hệ thống canh tác hữu hiệu và một nền kinh tế phát triển ở Java. Ngay trong những ngày mới đến, Rudolf gặp Jenny Roosegaarde Bisschop ở nhà cô em Cateau, tiếng sét ái tình đã mau chóng đưa họ đến hôn nhân. Buổi đầu hạnh phúc qua nhanh, rồi những dị biệt với Rudolf trong cuộc sống hàng ngày đã làm Jenny càng ngày càng cay đắng. Rudolf sống trong giới thượng lưu, thế giới của những tay buôn bán kinh doanh. Ông định đoạt mọi chuyện, và là người bảo thủ, trong khi Jenny tính tình phóng khoáng, xông xáo tìm kiếm những cái mới trong cuộc sống. Cô cố len vào chính giới, và tìm việc làm riêng cho mình. Tuy không đồng thuận, nhưng Rudolf cũng không ngăn cản vợ. Mọi thời giờ ông dành hết cho việc khuếch trương cơ sở, đồn điền, đơn thương độc mã, khi những liên hệ gia đình, ngay cả với cô em Cateau và người em rể cũng không mấy tốt đẹp. Rồi lục đục ngay cả với cha mẹ mình. Tất cả đã làm Rudolf và Jenny ngày càng trở nên lạnh nhạt, xa dần. Cuối cùng Jenny bị suy sụp tinh thần, rồi âm thầm tự kết liểu đời mình. Rudolf sống tiếp chuỗi ngày ở đồn điền dưới sự chăm sóc của con cháu, nhìn thấy cơ sở của mình tăng trưởng gấp bội, nhưng vào những ngày cuối đời ông từ từ nhận ra rằng vì danh dự và tham vọng vươn lên trong xã hội, ông đã đánh mất nhiều giá trị quý báu.

Đặc điểm của cuốn tiểu thuyết này, ngoài sự mô tả sâu sắc tâm lý nhân vật, còn nằm ở giá trị lịch sử của nó. Qua cuốn truyện người đọc có thể vẽ ra một sơ đồ gia hệ các dòng họ Hòa Lan trồng và khai thác trà ở Đông Ấn. Những người nắm vị trí then chốt trong lãnh vực này nằm trong ba gia đình. Gia đình thứ nhất là gia đình Kerkhoven, khởi đầu từ luật sư R.A. Kerkhoven qua việc ông xin các giới chức cầm quyền thuộc địa giấy phép khai thác đất đai ở Ardjassari, và sau đó tiếp tục khai khẩn những vùng lân cận cùng với người em út, Eduard Kerkhoven, giữ chức quản lý đồn điền trà ở Sinagar. Nhân vật chính, Rudolf Kerkhoven cùng với người em, August, thuộc thế hệ thứ hai, được cha giao cho việc quản lý đồn điền ở Ardjassari. Sau đó đến thế hệ thứ ba: Emile, Ruud và Karel, ba người con của Rudolf, kế tục sự nghiệp khuếch trương đồn điền. Gia đình thứ hai, dòng họ Holle, khởi đầu từ Alexandrine van der Hucht, bà cô của nhân vật chính Rudolf. Ngoài việc chung sức với ba anh em quản lý những đồn điền ở Priangan, Waspada và Parakan Salak, bà cùng với dòng họ Holle đã giữ một vai trò quan trọng trong tầng lớp thượng lưu ở Đông Ấn. Gia đình thứ ba, họ Roosegaarde Bisschop, nắm những vị trí then chốt trong guồng máy cai trị và ngành tư pháp. Con gái của viên Phó chánh án Tòa án Thượng Thẩm là Jenny, vợ của Rudolf, và là nhân vật nữ chính trong truyện. Ngoài những chi tiết lịch sử về tầm mức hoạt động của ba đại gia này, ‘Những Ông Vua Chè' còn cung cấp cho người đọc những chi tiết bổ ích về nghệ thuật trồng, hái, và chế biến trà; và những phương cách khác nhau trong việc khai thác nghề trà.

 


Cái Đình - 2007