Người Việt Nam Tồi Tệ


Lời Nhà Xuất Bản
Một xã hội Việt Nam băng hoại

Thông tin từ Việt Nam trong ít nhất một hai chục năm qua, ngày càng dày đặc, dù là trên báo lề phải hay lề trái, dù là nhận định của người sống trong nước hay người ở nước ngoài về thăm quê hương, đều cùng nhau đồng ý một điểm: xã hội Việt Nam hiện đang trong tình trạng xuống cấp, ngày càng trầm trọng. Một nhận xét đồng loạt như vậy về sự suy thoái của phẩm chất con người, của nền giáo dục, nền y tế, về công cuộc làm ăn sinh sống, về đạo đức của quan và của dân v.v… thì không thể là những nhận xét vô căn cứ, nặng về cảm tính, mà là những lời báo động của những ai còn có lương tâm trước cái Xấu đang lấn dần cái Tốt, cái Ác đang thắng cái Thiện.

Ai trong chúng ta cũng đều muốn tìm ra nguyên nhân của tình trạng này, nhưng suy cho cùng thì nguyên nhân sâu xa nhất chỉ có một: do sự toàn trị của đảng Cộng sản suốt mấy chục năm qua. Nói một cách khác, nếu không bị cái họa cộng sản thì đất nước chúng ta ngày hôm nay CHẮC CHẮN không đối diện với cái họa đang lao xuống vực thẳm như chúng ta đang chứng kiến.

Những lời báo động từ Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy xã hội Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy sụp nền tảng tinh thần là có thật. Tốc độ suy sụp nhanh như một ngôi nhà bị mối mọt ăn ruỗng bên trong, đang từ từ khụy ngã. Nhưng mãi đến gần đây mới có người tổng hợp những mối lo ấy lại, trình bày trong một cuốn sách. Đó là cuốn sách độc giả đang cầm trên tay của tác giả Lâm Nhược Trần, có nhan đề “Người Việt Nam Tồi Tệ”. Dĩ nhiên tác giả đang sống và làm việc trong xã hội Việt Nam bây giờ, đã quan sát, chứng kiến từng bước băng hoại của xã hội, ghi lại và trình bày như một lời cảnh báo lớn cho tất cả chúng ta. Qua những trang viết, chúng ta thấy được đây đó chân dung của tác giả, là một nhà trí thức ở tuổi trung niên, đã du học, làm việc, định cư nhiều năm tại Hòa Lan và có dịp thăm viếng nhiều quốc gia trên thế giới, đang tham gia những công việc liên quan đến Văn hóa, Y tế, Giáo dục… tại miền Nam Việt Nam. Cả hai đều là những vốn sống quý báu giúp tác giả mạnh dạn cầm bút viết nên cuốn sách này.

Phương pháp của tác giả là quan sát và cảm nhận các hiện tượng, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp của mình trong cuộc sống, hoặc qua các thông tin của các phương tiện truyền thông. Tiếp theo là phân loại, mô tả, mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra các ví dụ cụ thể để chứng minh. Đôi khi tác giả mang các hình ảnh tích cực từ các xã hội lành mạnh trên thế giới mà mình đã sống qua so sánh với những tiêu cực trong đất nước mình như là một cách tô đậm thêm sự quái gở ngày càng phát sinh dày đặc trong xã hội Việt Nam.

Tác giả đã áp dụng một phương pháp viết sát thực tế, “nói có sách mách có chứng” chứ không chỉ bắt nguồn từ các nhận thức trừu tượng. Nhiều chương sách cho chúng ta cảm tưởng như một phóng sự tâm lý xã hội. Nhiều chương như một nghiên cứu sâu về hiện tượng thành hình tội ác. Có chương lại giống một tùy bút mô tả cung cách và tâm lý của một “giai cấp mới” vừa nảy sinh. Chính nhờ lối xây dựng từng vấn đề, từng hiện tượng và lối viết đa dạng của tác giả mà khi gấp sách lại, người đọc có cảm tưởng như vừa được đối diện với một xã hội rộng lớn đầy sinh động, trong đó biết bao lớp người đang diễn vai trò của họ. Bi có, hài có, quan có, dân có, “đại gia” có, trộm cướp có… đủ mặt của một xã hội (định hướng xã hội chủ nghĩa), nhưng tất cả đều ngọ nguậy diễn trò trong một môi trường độc hại, thê thảm, mà mỗi động tác, mỗi ngôn từ của họ lại tô đậm sắc thái bi đát của một sự vong thân nếu so với con người bình thường lương thiện trong một xã hội chân chính.

Nhưng dù đề cập những hiện tượng đã rất hiển nhiên, tác giả cũng đã tiên liệu những phản ứng của một bộ phận chỉ thích biện hộ và bao che cho những cái xấu của dân tộc mình, do tình trạng thiếu hiểu biết hoặc tự ái không đúng chỗ của họ. Ông cũng khẳng định một cách cương quyết và can đảm:

“Là người hoàn toàn độc lập, tác giả không ngần ngại nhìn thẳng vào sự thật, viết lại những điều mắt thấy tai nghe, thể hiện đúng vai trò của một công dân chân chính, những ý kiến và cảm nghĩ riêng tư khó có thể tránh khỏi mang ít nhiều dấu ấn cá nhân, nhưng nó bao quát và xác đáng, tác giả sẽ cố gắng trình bày sự việc một cách vô tư, trung thực và khách quan nhất.”

Với tinh thần ấy, tác giả đã thực hiện và trao cho chúng ta tác phẩm này.

Trong những năm gần đây, đọc các lời than phiền, cảnh báo của một số truyền thông trong nước (lề trái và cả lề phải) về sự xuống cấp thê thảm của xã hội, tôi để ý nhiều cây bút đã không ngần ngại nhắc lại xã hội miền Nam trước 1975 như một mẫu mực đáng sống. Là một người lớn lên tại miền Nam, ngẫm lại tôi thấy nhận xét trên đây rất chí lý. Dĩ nhiên xã hội nào mà không có mặt trái của nó, tôi xin thành thật nói rằng xã hội miền Nam trước 1975 cũng không ra ngoài quy luật muôn đời tốt xấu lẫn lộn ấy. Nhưng cái xấu của xã hội miền Nam, bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy là “cái xấu trong vòng lễ giáo”! Có tham nhũng không? – Có chứ. Nhưng người công chức họa hoằn có nhận tham nhũng thì chỉ trong một mức độ không phá vỡ đạo đức của một nền công quyền nghiêm minh, trí tuệ và lương tâm. Có xã hội đen không? – Đương nhiên là có, nhưng ở mức độ rất “nhân bản” tựa như trong cái đen ấy vẫn tồn tại những quy luật đạo đức điều khiển hành vi của các tay giang hồ một cách hoặc tiềm tàng hoặc có ý thức. Nghĩa là con người tại miền Nam trước kia không hề bị băng hoại và xã hội miền Nam là một xã hội lành mạnh. Sau 1975, đồng bào miền Nam vượt biên ra nước ngoài có thể hội nhập vào thế giới văn minh với đầy đủ tư cách đạo đức và học thức của một dân tộc có trình độ ngang ngửa với thế giới. Con người Việt Nam – hoặc thuộc bất cứ quốc gia nào – dễ bị xuống cấp, thậm chí mất tính người, khi phải sống trong chế độ cộng sản, từ nhỏ đã bị sự dối trá và bạo lực bao trùm và nhiễm sâu vào người.

Vì thế bây giờ nghe nhắc đến xã hội miền Nam trước 1975, tôi có cảm tưởng như người ta đang nói tới một thời Nghiêu Thuấn nào đó. Nhắc lại để thấy cái tương phản của xã hội Việt Nam ngày hôm nay, đã sản sinh ra một lớp người đông đảo mà tác giả Lâm Nhược Trần gọi là “Người Việt Nam Tồi Tệ”.

Little Saigon, Nam California, 17 tháng Ba, 2016.
Phạm Phú Minh

 

Lời nói đầu

Hơn 20 năm, biết tôi đi nhiều, có viếc lách và đã từng cộng tác với nhiều tờ báo và tạp chí, trong những buổi họp mặt, trò chuyện cùng bạn bè, cùng thân hữu bốn phương, sẵn có chút ít kiến thức, sự nhạy cảm và đặc biệt quan tâm đến những vấn đề liên quan đến văn hóa, xã hội và con người Việt Nam, đồng thời có chuyên môn về lãnh vực tâm lý (Bác sĩ Tâm lý lâm sàng), nhiều người đã gợi ý, muốn tôi viết và cho xuất bản một quyển sách, trong đó, nêu bật lên hết những thói hư tật xấu của người Việt Nam. Đây cũng là ước mong và là tâm huyết mà từ lâu tôi đã luôn ấp ủ trong lòng.

Tôi đã từng đọc một số cuốn sách ca ngợi đất nước và con người Việt Nam, cũng như đã từng nghe rất nhiều từ cửa miệng của những người nặng lòng với đất nức, hay đã từng tiếp cận, mục sở thị những phong trào, những chiến dịch vận động nêu cao tinh thần tự hào của các cấp chính quyền (trong và ngoài nước, trước và sau biến cố năm 1975), nhiều lúc, tôi cảm thấy băn khoăn trước thực tế và tự đặt cho mình nhiều dấu chấm hỏi. Đã hơn 50 năm ‘làm kiếp con người’ trong đó, gần 1/2 thời gian sống và làm việc ở nước ngoài, sống dưới 2 chế độ, đồng thời tiếp cận với nhiều nền giáo dục, văn hóa trên thế giới, từ những ngày đầu tiên cắp sách đến trường, tôi đã nghe quá nhiều những bài học vỡ lòng về tình yêu Tổ quốc, về đất nước anh hùng, về kho tàng rừng vàng biền bạc, về những con người hiền hòa, chất phác đáng kính, đáng yêu, v.v… Và cũng sau ngần ấy năm chiêm nghiệm cuộc sống, tích lũy kiến thức làm người, tôi phải thốt lên một tiếng thét ngỡ ngàng rằng, những gì tôi đã nghe thấy, đã học hỏi được hoàn toàn trái ngược với hoàn cảnh của thực tế chung quanh. Người ta có thể bị ru ngủ, mê hoặc bởi một niềm tin phù phiếm nào đó, nhng không thể tự áp đặt cho mình cái nền mống giả tạo mang tính ảo tưởng đã trở thành hệ thống, trong suốt một cuộc đời.

4000 năm văn hiến què quặt. Khái niệm ‘Con rồng cháu tiên’ chỉ tiến xa hơn một bước so với thời đại nguyên thủy, cái thời mà con người bộc lộ hết cái bản chất bầy đàn đầy thú tính hoang dã và man rợ. Nhìn nhận lại huyền thoại Lạc Long Quân (Rồng) và Âu Cơ (Hạc) ta thấy thêm được điều gì, và hãy tự tra vấn lương tâm, chúng ta là ai, có phải là hậu duệ, là con cháu của Rồng Chim, mà rồng chim là gì? Như vậy, trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, chúng ta là con cháu của dòng giống gì đây? Mà thời đại này là thời đại của thú tính trỗi dậy. Dân gian có câu: “Chung quy cũng tại vua Hùng; Sinh ra một lũ vừa khùng vừa điên; Người khôn thì đã quy tiên (vượt biên); Còn lại một lũ vừa điên vừa khùng”. Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, so với thế giới, thật sự không có gì hay ho đáng để tự hào, góp nhặt lại chỉ có vài sự việc cũng có thể gọi là chút nổi bật: chiếc áo dài truyền thống, cây đàn bầu, cây đàn ghita phím lõm, văn hóa ẩm thực (đặc biệt là nước mắm) và thiên nhiên xinh đẹp. Những thứ có thể gọi là đáng tự hào này, theo thời gian cùng những biến động của thời cuộc đã dần bị mai một hoặc bị biến dạng một cách ngớ ngẩn: áo dài cách tân không làm tăng thêm giá trị vốn có của nó mà chỉ khiến cho nó càng trở nên thô thiển và ngờ nghệch. Gia vị làm đậm đà và thơm tho nền ẩm thực lâu đời của dân tộc đã trộn lẫn với hàng vạn các loại hóa chất độc hại, trong đó, cái độc hại nhất làm thối ruỗng lương tri con người là sự gian dối, là tư duy làm ăn chụp giật, vì lợi nhuận trước mắt bất chấp mạng sống con người. Còn thiên nhiên xinh đẹp thì sao? Với sự can thiệp thô bạo và lòng tham vô tận của con người, càng ngày, môi trường sinh thái càng xuống cấp hoặc bị hủy diệt nghiêm trọng.

Thật vậy, đất nước của chúng ta không có gì đáng để tự hào. Chúng ta không có bất cứ một công trình khoa học, xây dựng, kiến trúc, hay văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh, v.v… nào để có thể đem so sánh với nền văn minh của nhân loại. Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng!? Vâng, chúng ta chỉ có thể tự hào là một dân tộc, nổi bật nhất là rất giỏi đánh nhau. Đất nước ta có quá nhiều anh hùng, ra ngõ là gặp anh hùng. Anh hùng xịn lẫn anh hùng rơm. Từ lúc cha mẹ sinh ra, đặt cho tôi cái tên, tôi cũng nghĩ mình là anh hùng, giống như nhiều người đã từng ngộ nhận, cứ ảo tưởng về hình tượng anh hùng, nhưng khi bừng tỉnh ra, nhìn lại chính mình, với bao sự tồi tệ và ê chề, tôi thấy tôi chỉ là một anh hèn, không hơn không kém.

Vài năm gần đây, trên một số tờ báo trong nước có đăng những thông tin giật gân:

– “Tổ chức Quỹ Kinh tế Mới (New Economics Foundation – NEF) ở Vương quốc Anh đã công bố bản đồ Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI) đã xếp Việt Nam đứng thứ 2 còn Mỹ đứng thứ 105.

Kết quả đánh giá thành quả của những quốc gia trên toàn cầu trong việc đem lại cho người dân cuộc sống hạnh phúc trong giới hạn tài nguyên thiên nhiên, trong đó Việt Nam được xếp thứ hai chỉ sau Costa Rica. Trong khi đó, các quốc gia phát triển ở Châu Âu và Châu Mỹ lại bị đánh giá rất thấp trong bảng chỉ số HPI này, với việc Anh bị xếp ở hạng 44, cao hơn Đức (47), Tây Ban Nha (62), Canada (65), Úc (76), còn Mỹ bị xếp ở thứ 105 trên tổng số 151 quốc gia. Tổ chức NEF tuyên bố chỉ số hành tinh hạnh phúc của họ không phải để đo đếm mức độ giàu có, sung sướng về vật chất của người dân các quốc gia trên thế giới, mà nó đánh giá khả năng đem lại cuộc sống vui vẻ, lâu dài, bền vững về môi trường cho dân chúng. Chỉ số HPI này được đánh giá dựa trên tuổi thọ, mức độ hài lòng với cuộc sống và dấu chân sinh thái (thuật ngữ để chỉ nhu cầu của con người đối với hệ sinh thái Trái đất), và những quốc gia được xếp hạng cao như Việt Nam đều phải có kết quả tốt trong cả ba yếu tố trên.

– Trang Business Insider của Mỹ xếp Việt Nam vào vị trí thứ 16 trong tốp 20 điểm đến đáng sống nhất thế giới, nhiều độc giả Báo Người Lao Động đã gửi chia sẻ lý thú, hài hước về điều này. Đa phần các ý kiến cho rằng chẳng nên ‘lạc quan tếu’ vì nhận xét bên ngoài mà hãy nhìn vào sự thật những tồn tại, bất cập trong nước mình.

– Theo cuộc thăm dò của Pew Research được thực hiện từ tháng 11-10 đến 13-12-2010 cho biết kết quả người Việt Nam dẫn đầu danh sách các quốc gia lạc quan nhất thế giới. Các nước như Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Anh, Ý tin rằng những đứa trẻ hiện nay tại quốc gia của họ sẽ nghèo đi so với cha mẹ của chúng. Nước bi quan nhất là Pháp, với 86% người được hỏi khẳng định rằng thế hệ sau sẽ sống trong điều kiện khó khăn hơn hiện nay.”

Đọc xong những thông tin như thế này, tôi thật sự bị sốc. Tôi sững người ra vì kinh ngạc. Tôi đã không nằm mơ. Nhìn vào thực tế mới cảm nhận được hết cái sự chịu đựng thật vĩ đại của con người Việt Nam. Với hoàn cảnh lịch sử, chính trị của đất nước hay với thói quen trả lời phỏng vấn (thường là với kịch bản đã được định hình sẵn) một cách rập khuôn và một chiều, tô hồng sự kiện để tránh bị rắc rối hoặc làm vui lòng lãnh đạo, người dân chỉ còn là những thứ bung xung cho cái việc chạy theo thành tích. Khi được tiếp cận để phỏng vấn bởi các phóng viên trong nước hay các tổ chức nước ngoài, với ý nghĩ cùng thói quen và sự thận trọng cố hữu – không được nói điều gì tiêu cực làm tổn hại đến hình ảnh của đất nước – người Việt, với nền tảng dân trí thấp, thường có khuynh hướng trả lời phỏng vấn một cách chung chung hoặc chỉ đơn thuần né tránh sự thật. Bên cạnh đó, phần đông các nhà báo và người dân Việt Nam có tâm lý rất thích nghe hoặc rất dễ tin vào những lời khen tặng của người nước ngoài, dù biết rằng đó chỉ là những lời lẽ hoa mỹ mang tính xã giao hoặc ngoại giao không hơn không kém.

Một đất nước trải qua mấy mươi năm chiến tranh tàn phá, sau đó, thêm mấy chục năm nghèo đói, lạc hậu của cái thời bao cấp, khi kinh tế bắt đầu phát triển, tự so sánh với chính mình, cầu đường, phố sá, nhà cửa, đời sống của mọi người nói chung có nâng cao hơn một chút (hòa bình đã hơn 40 năm không có tiến bộ chút nào mới là chuyện lạ), từ đó, hình thành trong tâm thức của người dân một thái độ lạc quan và tự hài lòng với chính mình, đôi khi sự lạc quan này rất cảm tính và trở nên thái quá, mà nhiều người đặt cho nó cái tên là lạc quan tiếu rồi tự mãn. Những đánh giá, những đòi hỏi về một cuộc sống ‘hoàn chỉnh’ đối với họ do đó sẽ rất thấp kém. Tại nước Pháp (một trong các nước văn minh tiên tiến trên thế giới), người dân lại bi quan nhất. Tại sao? Rất dễ hiểu, họ đang sống trong một đất nước thanh bình mà ở đó, mọi thứ như dân trí, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần, sự quy củ trong cách tổ chức và quản lý xã hội v.v… gần như đã đạt đến đỉnh điểm, do ảnh hưởng bởi sự suy thoái của kinh tế toàn cầu, cộng với những nguy cơ rình rập của vấn nạn khủng bố Hồi giáo, tất nhiên họ có lý do để cảm thấy bất an và bi quan. Sự bi quan này cũng đồng nghĩa với câu tục ngữ: ‘Nhà giầu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột’. Đang quen với cuộc sống yên bình và sung túc, chỉ cần một biến động nhỏ thôi cũng khiến cho người dân tại các quốc gia phát triển cảm thấy lo sợ, vì sự chịu đựng, sự miễn dịch và khả năng thích ứng với hoàn cảnh của họ kém.

Con người và xã hội Việt Nam có thật sự tuyệt vời, đất nước Việt Nam có thật sự đẹp đẽ, xứng đáng là nơi lý tưởng để đến an cư và tận hưởng cuộc sống yên bình? Tôi sẽ cố gắng khắc họa cái chân dung trung thực nhất về một thực tế mà chính tôi, khi nhìn lại bản thân mình cũng cảm thấy ngỡ ngàng.

Chiến tranh, thời cuộc và những biến động trong vài thập kỷ qua đã tàn phá đất nước, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và con người. Mọi giá trị đã bị đảo lộn, cái văn minh - sự lạc hậu, cái đúng - cái sai, cái hay - cái dở, cái tốt - cái xấu cứ nhập nhằng, đan xen, chồng chéo vào nhau. Xã hội đang đảo điên, nó có vẽ vẫn ổn định trong cái hỗn loạn. Bất bình đẳng xã hội ngày càng nghiêm trọng. Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo càng lúc càng lớn rộng. Con người mất dần niềm tin, thiếu định hướng và thường xuyên cảm thấy lo sợ, bất an. Nền tảng văn hóa và những hành vi ứng xử chuẩn mực đang dần bị biến dạng và tha hóa. Nhân cách con người khủng hoảng trầm trọng. Tệ nạn xã hội và những biểu hiện tiêu cực đang hoành hành. Vì mất nền tảng và thiếu định hướng, khi tiếp cận với các nền văn hóa khác trên thế giới, nhiều người, nhất là giới trẻ đã ngộ nhận và từ đó, tiếp thu một cách xô bồ, thiếu chọn lọc. Người Việt có tính hay bắt chước, cái hay của người thì không muốn học, hoặc học rất chậm (do mặc cảm tự tôn cuồng nhiệt), nhưng lại hay bắt chước cái dở, cái tệ hại của người khác rất giỏi và rất nhanh, nhiều khi vượt qua mặt cái điển hình (do mặc cảm tự ti thái quá). Hơn 90% dân số bị rối loạn tâm sinh lý (gồm cả sự căng thẳng dai dẳng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc, tâm trạng bồn chồn bất an, lo lắng, hoảng sợ thái quá, giảm khả năng tư duy hoặc buồn chán cho đến các triệu chứng của bệnh trầm cảm đa thể dạng, bao gồm bệnh hưng trầm, hay những rối loạn về hành vi ứng xử đơn thuần như trên đã nói, trong đó, một phần không nhỏ mắc phải hội chứng tâm thần trầm trọng có yếu tố ảo giác hay hoang tưởng hoặc tâm thần phân liệt). Nhiều hiện tượng xã hội bất bình thường (thất tình đốt người yêu, vợ giết chồng, chồng hại vợ, con giết cha, cháu giết ông bà, hoặc vì một cái liếc mắt không thiện cảm cũng có thể là lý do để ra tay giết người, v.v…) đang ngày càng gia tăng. Không phải chỉ riêng Việt Nam, bất cứ nhà lãnh đạo nào đang điều hành một đất nước, đang xây dựng một cơ chế hay đưa ra những chính sách, quản lý một xã hội hay bất cứ đường lối cai trị nào mà không quan tâm hoặc có một sự hiểu biết thấu đáo về tâm lý con người, về những tác động xung quanh sự vận hành của xã hội đều có thể khiến cho quốc gia đó rơi vào vòng xoáy của sự nguy hiểm.

Xã hội Việt Nam tồi tệ. Con người Việt Nam tồi tệ. Chất lượng cuộc sống tồi tệ. Chẳng những tồi tệ mà còn khốn khổ. Khốn khổ cả những khi bản thân không biết rằng mình đang khốn khổ. Điều này đã quá hiển nhiên. Ngoài những thói hư tật xấu đã từ lâu in hằn trong tâm thức của người Việt, đã trở thành tập quán, nếp sống hay được gọi là dân tộc tính, thì ngày nay, do những biến động của thời cuộc, do nền giáo dục bất cập và lạc hậu cùng với điều kiện dân trí thấp kém (dù có phát triển nhưng rất chậm), chủ quan hay khách quan, đã nẩy sinh ra nhiều nhân tố mới, khiến cho những thói hư tật xấu vốn có của người Việt càng lúc càng trầm trọng thêm, đồng thời cũng sản sinh ra những cái tồi tệ mới. Với chiều hướng này, thực tế có thể chứng minh rằng, nhiều giá trị quan trọng đã từ lâu được xem là nền tảng cơ bản về tính tồn vong của một dân tộc sẽ dần mất đi và rất khó có thể khôi phục lại được, chưa nói đến việc nó có thể mất đi vĩnh viễn.

Tôi đã nhiều lần chứng kiến, do mặc cảm và hổ thẹn vì là con dân của một nước nhược tiểu, một số người đang sinh sống hay học tập, công tác ở nước ngoài, khi được hỏi bạn từ đâu đến, họ có khuynh hướng tránh né việc mình là người Việt Nam. Chúng ta nghĩ gì, có thấu hiểu và thông cảm?

Ngày 17/06/2015, trên báo mạng Vietnamnet (Theo trí thức trẻ) có đăng bài báo, xin trích lại: “Việt Nam được website Numbeo.com đánh giá là quốc gia có chất lượng cuộc sống thấp bậc nhất trên thế giới với số điểm - 13,89, xếp sau cả Lào và Campuchia. Chỉ số Chất lượng cuộc sống được tính toán dựa trên hàng loạt yếu tố bao gồm mức độ an toàn, chăm sóc sức khỏe, giá tiêu dùng, sức mua, giao thông đi lại, giá nhà đất so với thu nhập và mức độ ô nhiễm môi trường. Và đây là kết quả: Thụy Sỹ là quốc gia có chất lượng cuộc sống tốt nhất thế giới, theo sau là Đan Mạch, Đức và Phần Lan. Tuy nhiên, Ả rập Saudi và Oman lần lượt xếp thứ 6 và 7 trong danh sách những quốc gia có chất lượng cuộc sống cao nhất thế giới, trên cả Mỹ, Canada, Australia và Các Tiểu Vương quốc Ả rập.”

Đọc đến đây, có lẽ, một bộ phận nào đó trong số những độc giả ‘nặng lòng’ với đất nước sẽ cảm thấy bị xúc phạm, tự ái dân tộc có dịp dâng trào. Họ có thể bao biện: “Trên thế giới, dân tộc nào cũng có cái hay cái dở, cái tốt cái xấu, sao lại lên án hay phỉ báng dân tộc mình?” Và cũng có thể họ lại bảo: “Tác giả học tập và làm việc nhiều năm ở nước ngoài, hấp thụ đầy đủ nền văn hóa, giáo dục phương Tây nên có khuynh hướng thân Tây và có cái nhìn phiến diện, một phía? Tác giả có quá chủ quan?”. Xin thưa, đúng vậy, dân tộc nào cũng có cái hay cái dở, nhưng cái xấu xí của người ta nó hạn chế, bình thường, có thể chấp nhận được, chưa cần phải uống thuốc để điều trị, còn cái tồi tệ của người Việt Nam chúng ta thì thật sự đã ‘hết thuốc chữa rồi!’.

Nhiều người, thay vì tự giác và can đảm nhìn nhận những vấn đề bất cập, yếu kém của dân tộc mình để tìm cách khắc phục, cải thiện, họ lại tìm đủ mọi cách để bới móc, dẫn chứng những ‘thiếu sót’ của nước bạn, dù rất chủ quan và không chính xác, để bao biện cho sự tồi tệ của mình, có không ít người vì quá tự ái, thiếu kềm chế và sự lịch sự tối thiểu còn hùng hỗ, lớn tiếng đả kích, chửi bới bằng những lời lẽ xằng bậy, thiếu văn hóa đối với người bạn nước ngoài đã chân thành góp ý với mình. Đứng trên quan điểm của một người làm khoa học có lương tri và sự tỉnh táo, khi nhìn nhận và xét lại toàn diện sự yếu kém của chính mình, ta phải thực hiện nó một cách công bằng và sòng phẳng, đi sâu từ bên trong để thấy rõ rằng ‘ở trong chăn mới biết chăn có rận’, thực tế không có điều gì lấn cấn hay nhập nhằng của cái gọi là theo Tây hay theo Tàu gì cả. Là người hoàn toàn độc lập, tác giả không ngần ngại nhìn thẳng vào sự thật, viết lại những điều mắt thấy tai nghe, thể hiện đúng vai trò của một công dân chân chính, những ý kiến và cảm nghĩ riêng tư có thể khó tránh khỏi mang ít nhiều dấu ấn cá nhân, nhưng nó bao quát và xác đáng, tác giả sẽ cố gắng trình bày sự việc một cách vô tư, trung thực và khách quan nhất. Tôi khuyên những người yêu nước ‘bất khả xâm phạm’ như trên đã nói, trước khi quy chụp tôi, hãy bình tĩnh mà động não và mở rộng tầm mắt, nếu có dịp đi nhiều, cảm nhận thấu đáo mọi vấn đề, bạn sẽ thấy rõ đất nước mình, dân tộc mình đang đứng ở vị trí nào trên bản đồ thế giới, đừng vì tự ái, vì mặc cảm xằng bậy mà cứ tự ru ngủ bản thân, cứ ảo tưởng mà nghĩ rằng mình là con cóc, cậu ông Trời, nhưng vẫn chỉ là một con vật vô tri đang nằm sâu dưới giếng.

Tôi hiểu và chấp nhận sự lên án và phê phán, dù là không chính đáng. (Khi nói đến cái tồi tệ của con người Việt Nam, độc giả cũng nên hiểu rằng, đối tượng tôi muốn đề cập tới là cái số đông, là những phần tử chiếm đa số trong hơn 90 triệu dân đang sinh sống trên cái mảnh đất hình cong như chữ S này). Người có trách nhiệm sẽ không mê muội viện dẫn những đặc thù văn hóa hay bản sắc dân tộc để tiếp tục tránh né hay bao biện cho sự sai trái, lạc hậu và yếu kém của mình. Xã hội mất nền tảng, để mưu cầu quyền lợi hoặc củng cố quyền lực, người ta tranh thủ và mua chuộc lòng người và niềm tin bằng sự dối trá, và sự dối trá này luôn được bảo vệ và nuôi dưỡng chu đáo, tận tình.

Muốn làm một người Việt Nam chân chính, tử tế và trung thực thật khó, vô cùng khó! Văn hóa VN là nền văn hóa mắm tôm, nó vừa ngon, vừa có vị đậm đà, nhưng cũng có luôn cái tạp nhạp và cái mùi thum thủm khó ngửi.

Ai cũng có cha mẹ để yêu thương. Ai cũng có quê hương để tự hào. Tôi cũng đã từng thiết tha yêu mến cái đất nước này như yêu chính người mẹ đáng kính của mình. Yêu núi non, yêu sông nước, yêu cỏ cây… Thế rồi, chính tôi phải tra vấn lại lòng mình, tình yêu quê hương bây giờ đã khác, không còn vô điều kiện như trước, giống như tình cảm mà đứa con đang hướng về người cha, hình ảnh đại diện cho nền văn hóa, xã hội và con người VN. Người cha quậy quạng, rượu chè, bài bạc, mắng chửi, đánh đập vợ con, người cha không mẫu mực khiến cho mái ấm gia đình tan nát, như vậy có đáng để được tôn trọng?

Dân tộc Việt Nam không có gì đáng để tự hào, nhưng tôi vẫn cứ trông đợi, bằng lương tri cùng dũng khí của con người, tất cả chúng ta nên nhìn lại chính mình, hãy can đảm nhìn thẳng vào sự thật. Tôi tâm niệm rằng, sự thật vẫn là sự thật, dù ta có biện minh bằng bất cứ ngôn từ hay hình thức nào thì sự thật khách quan vẫn bất khả tư nghị.

Hơn nửa đời người, trải bao thăng trầm, đi gần hết 5 châu 4 biển, tôi đã đúc kết được một kinh nghiệm lớn lao làm hành trang để sau này có thể mang theo về bên kia thế giới, đó là những phiền muộn, những đổ vỡ, những đau thương, những mất mát trong đời hình như được hình thành từ sự ngu dốt của con người, và nó tồn tại như một thực thể, một sự thật hiển nhiên đáng kinh hãi trong xã hội Việt Nam. Nơi đây, có quá nhiều những con người có trình độ hiểu biết hạn chế, có nhận thức lệch lạc và cũ kỹ, nhưng đồng thời lại có sự tự mãn, có tánh tự cao tự đại thái quá, và đó chính là một trong những nguyên nhân tạo nên sức ỳ kinh hoàng.

Sự khác biệt giữa hai thế giới trí tuệ và đần độn, ý thức và ngu si luôn là một thách thức, nhiều khi sự mâu thuẫn đó quá lớn lao khiến cho mình cảm thấy bất lực. Trời ạ, vì lẽ đó, tôi luôn sợ sự ngu dốt hơn sợ ma quỷ!

Xin trích lại câu nói nổi tiếng của Nhà văn Pháp (thế kỷ 17) François de La Rochefoucauld để độc giả cùng tham khảo: “Những kẻ trí tuệ tầm thường thường hay lên án những gì vượt quá tầm hiểu biết của họ”.

Tôi lại có tâm niệm, gia đình cũng giống như Tổ quốc, mình không thể chọn lựa hay phủ nhận được. Gia đình có thế nào, Tổ quốc có ra sao, nó có phải là nơi dung dưỡng để ta hãnh diện khi quay về hay là nơi bất hạnh để ta phải ruồng bỏ ra đi, hoặc ta cho rằng mình đã sinh ra nhầm thời, nhầm chỗ, mà dù có thế nào đi chăng nữa thì nó vẫn là máu thịt của mình thôi.

Một số người thường bao biện, đất nước của chúng ta yếu kém và lạc hậu là bởi vì còn nghèo, nhưng tôi không nghĩ vậy, nghèo không phải là cái tội để bị lên án, sự tồi tệ của dân tộc mình không chỉ do nghèo mà ra, nó còn được phơi bày rõ nét trên hầu hết mọi lãnh vực trong cuộc sống mang nhiều ý nghĩa và phạm trù khác nhau. Người Việt Nam không có đầu óc để làm chuyện lớn mang tầm vóc quốc tế, nó chỉ quẩn quanh trong cái hạn hẹp của sự tủn mủn, vụn vặt và cục bộ. Nghĩ về đất nước, về con người Việt Nam ngày nay, tôi thật sự cảm thấy hổ thẹn, hổ thẹn đến đau điếng lòng. Nhiều sự yếu kém, bất cập, lạc hậu tồn tại trong xã hội Việt Nam đã 10, 20 hoặc hơn 30 năm qua, trong suốt một thời gian dài, tôi đã nhìn thấy, cảm nhận được, rồi kiến nghị và cảnh báo, nhưng có lẽ lúc đó chưa ai thấu hiểu, công nhận hoặc để tâm tới, mãi đến thời gian gần đây mới từ từ nhìn nhận thực tế và bắt đầu làm, kể cả những khó khăn mà Trung Quốc sẽ gặp phải cùng với những mưu đồ mà họ đang thực hiện tại Biển Đông. Xã hội đầy sự bất công và bất bình đẳng. Tình trạng phân hóa giàu nghèo, thành thị với thôn quê ngày càng trầm trọng. Dân tộc Việt Nam có đáng được ca ngợi hay luôn bị mọi người khinh bỉ?! Đất nước này không phải của riêng ai! Nếu tiếp tục với chiều hướng phát triển như hiện nay, tôi cam đoan, hơn 100 năm nữa, dân tộc Việt Nam vẫn sẽ không thể ngóc đầu lên, không thể trở thành tiên tiến, văn minh và hiện đại được. Chúng ta hãy bình tĩnh chờ xem, nước Việt có hồi sinh? Vậy nên chăng, mấy mươi triệu dân Việt Nam thiếu chân chính hãy cùng nhau làm một cuộc lên đường… tự sát tập thể.

Xin chân thành cảm ơn những tờ báo, những tác giả có những bài viết hữu ích đã đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cảm ơn những người được tôi tiếp cận, trao đổi, phỏng vấn và những người bạn, những thân hữu đã nhiệt tình đóng góp ý kiến, trực tiếp hoặc gián tiếp để tôi có thể sớm hoàn tất quyển sách này.

Mùa hè năm 2015.
Tác giả

 

 

Đọc "Người Việt Nam Tồi Tệ" của Lâm Nhược Trần

Người Việt chúng ta tự hào về điểm mà ta thường được nghe trong các bài diễn thuyết về văn hóa, thường đọc trong sách… Việt: chúng ta có hơn bốn ngàn năm văn hiến.

Nhưng bản tính người Việt hiện nay, sau khi trải qua hơn bốn ngàn năm văn hiến, như thế nào thì ta phải xét kỹ.

Bàn về tính tình của người Việt, hơn 100 năm trước, cụ Phan Bội Châu đã viết:

“(…) Vì vậy, giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết: Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm. Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi.” (Việt Nam Quốc sử khảo, chương thứ năm – xuất bản năm 1909)

Mười năm sau (1919), trong Việt Nam Sử Lược, cụ Trần Trọng Kim cũng đã ghi khá rõ rệt:

Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt có cả các tính tốt và các tính xấu. Ðại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn có sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.

Hay gần đây, Nguyễn Hưng Quốc, nhà phê bình văn học, đã tóm tắt:

Người Việt rất đáng yêu trong quan hệ cá nhân và ở những nơi quan hệ cá nhân đóng vai trò chủ đạo: gia đình, bàn tiệc, quán nhậu, và hàng xóm. Ở những nơi đó, người Việt, nói chung, rất nhiều tình cảm và tình nghĩa. Và cũng ở những nơi đó, ít ai phàn nàn về người Việt.

Nhưng vượt ra ngoài quan hệ cá nhân thì khác. Bước vào không gian công cộng ở Việt Nam, nhất là không gian công cộng thuộc quyền nhà nước, từ uỷ ban nhân dân đến công an phường, quận, thành phố; từ bưu điện đến bệnh viện; từ bàn hải quan đến văn phòng xuất nhập cảnh, v.v…ở đâu người Việt Nam cũng dễ ghét.” (Trích blog Nguyễn Hưng Quốc).

Nhưng ta không thể mãi tự mãn với “Người Việt Đáng Yêu” (Doãn Quốc Sỹ) hay “Người Việt Cao Quý” (A. Pazzi, tức Vũ Hạnh) mà phải luôn sửa mình bằng cách bỏ dần tật xấu còn tồn tại và tập những nết tốt học được từ người cho đồng bộ với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Do đó mới có phương pháp tu thân là “Thuốc đắng giã tật”, người ta thường nói. Trong tác phẩm nổi tiếng “Người Trung Quốc xấu xí” xuất bản vào hậu bán thế kỷ trước, Bá Dương đã thẳng thừng vạch ra nhiều nét xấu của dân Trung Quốc. Tác phẩm này đã trở thành một cuốn sách bán chạy. Chẳng biết thực tế tác dụng của những bài tham luận mà Bá Dương đã đọc có cải biến người Trung Quốc được mấy phần?

Còn với người Việt thì sao? Không cần phải tìm tòi đâu xa, người Việt hiện nay khá mang tiếng xấu trên thế giới với những tổ chức băng đảng quốc tế khai thác dịch vụ cần sa ma túy, tật ăn cắp vặt, tải hàng lậu, khai gian thuế, hối lộ, bằng giả bằng dỏm và chiếm ngôi vị đầu của cuộc tranh giải xì phé thế giới (poker)… Nói tóm lại, hơn bốn ngàn năm văn hiến để có một di sản là người Việt như thế này hay sao? Có cần một “liều thuốc đắng” cấp kỳ không?

Trong chiều hướng đó, tác phẩm “Người Việt Nam Tồi Tệ” của Lâm Nhược Trần có thể coi là một bước đầu trong chuỗi: nhận biết bịnh, tìm nguyên nhân gây bịnh, trị bịnh và phòng bịnh.

Tương tự như Bá Dương, trong “Người Việt Nam Tồi Tệ”, Lâm Nhược Trần đã khai triển những tật xấu của người Việt, bằng cách liệt kê ra những chi tiết, gồm ít nhất 63 thói tật sau đây: dân trí thấp kém, giáo dục bất cập, văn hóa lạc hậu, gia trưởng, độc đoán, bảo thủ, thiếu trung thực (hay gian dối), xảo trá, lật lọng, thiếu uy tín, vô cảm, thiếu tự trọng, vô trách nhiệm, thiếu ý thức (quan hệ cá nhân và cộng đồng), tùy tiện, cẩu thả, thiếu kỷ luật, thiếu óc tổ chức, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tinh thần cầu thị, xuề xòa, thiếu nguyên tắc, mơ hồ, nhập nhằng, thiếu minh bạch, hay nói nước đôi lập lờ, tính thực dụng, cảm tính, nhẹ dạ, cả tin, mê tín dị đoan, khôn vặt, ăn xổi ở thì, làm ăn chụp giật chỉ thấy cái lợi trước mắt, tham lam, nhiều chuyện, hay ganh ghét, đố kỵ, thích gièm pha, bôi nhọ và đâm thọc, hay bắt chước, a dua, học đòi, vọng ngoại, xô bồ, nhếch nhác, ăn dơ ở bẩn, thích ăn nhậu bài bạc, lưu manh, thích bạo lực, hay nổ, háo danh, hay khoe khoang, tự cao tự đại, thích phô trương và chuộng hình thức bề ngoài, cậy thần cậy thế, cửa quyền, đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm…

Đọc một danh sách dài với gần như tất cả tĩnh từ chỉ thói hư tật xấu của con người, ai không sợ.

Khác Bá Dương, một nhà văn kiêm nhà báo dùng lối văn châm biếm điểm chút hài hước để chuyển tải ý tưởng, Lâm Nhược Trần (một bác sĩ Tâm lý đã sống ở Hòa Lan hơn 20 năm) đã dùng kinh nghiệm ông có được qua hơn 10 năm làm việc chung với người Việt trong nước cộng thêm những dữ kiện thu thập qua báo chí để khai triển đề tài này theo phương pháp thống kê khoa học.

Tác phẩm là kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu về văn hóa và điều tra về xã hội, như đã ghi trong tiểu tựa. Trong 18 bài tiểu luận, ông đã phân những tật xấu của người Việt thành từng nhóm. Những trích dẫn từ báo chí, trang mạng là từ những tờ báo, trang mạng có uy tín trong nước, và phần lớn được dẫn nguồn. Đại đa số những dữ kiện này được ông thu thập trong hai năm 2015 - 2016, chứng tỏ sự cập nhật của tác phẩm.

Để tránh hiểu lầm, tác giả cũng minh định là “…đối tượng tôi muốn đề cập là cái số đông, là những phần tử chiếm đa số trong hơn 90 triệu dân đang sinh sống trên cái mảnh đất hình cong như chữ S này…” (tr. 30). Người gốc Việt sống ở hải ngoại thoát nạn. Hú vía.

Với tựa đề “Người Việt Nam Tồi Tệ”, những điểm son của người Việt hay của xã hội Việt Nam trong tác phẩm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hình như tác giả chỉ muốn nêu những điểm này ra cho thấy có một chút xíu khía cạnh tích cực của xã hội Việt Nam mà thôi. Bởi vì luận đề của tác phẩm là “tồi tệ”, không phải một cuộc nghiên cứu hai chiều. Nhưng mà phải vậy thôi, nếu muốn trị bịnh bằng thuốc đắng.

Từ những dữ kiện trích dẫn, ông đã đưa ra một số nhận định về nguyên nhân đưa đến những tính xấu này, mà có cội nguồn sâu xa là vì do hấp thụ một nền giáo dục truyền thống, và có gốc từ một xã hội thuần nông:

“… Đó là nguyên nhân chính đưa đến sự trì trệ lâu dài mang tính hệ thống khiến cho xã hội và đất nước chậm phát triển so với tiềm năng thực tế mà thật ra nó phải có” (tr. 82).

Và cũng chính vì tính đặc thù của gia đình họ hàng Việt Nam làm cho con người khó có thể theo được sự tiến hóa của xã hội: “…do nhận thức thấp kém cùng sự thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của đa số người dân, cái quan hệ chằng chịt bởi nếp sống ràng buộc của đại gia đình Việt Nam không thường xuyên mang lại niềm vui và sự hạnh phúc, nó hầu như chỉ đem đến những khó khăn sự phức tạp và nỗi thống khổ cho những người trong cuộc.” (tr. 49).

Và do “…nền tảng văn hóa bị đánh mất, nền giáo dục thì trì trệ, bất cập và lạc hậu, từ đó, dân trí sẽ chậm phát triển nên ý thức của người dân không có điều kiện và cơ sở để được nâng cao…” (tr. 174).

Tóm lại, lỗi phần lớn, theo Lâm Nhược Trần, nằm ở một số khía cạnh đặc thù của bản sắc dân Việt. Nhưng vì sao đến nông nỗi này, trong khi nếp sống gia đình làng xã của Việt Nam khá giống xã hội nơi một số nước tiến bộ khác trong vùng Đông Nam Á?

Tuy tác giả không nói trắng ra vì sao đất nước, con người Việt trở nên tệ hại như thế nhưng người ta có thể đọc giữa những hàng chữ là trách nhiệm lớn nằm ở bộ máy cầm quyền, đã dung túng cho thuộc hạ các cấp từ cao tới thấp mặc tình thao túng theo một chính sách tùy tiện, chắp vá. Chính sách này, cộng thêm một số thói tật đã tạo nên một “…tư duy mang ơn, cảm ơn theo cái cách quỳ lụy, xin xỏ cũng rất phổ biến… Nghĩ cũng lạ, mà người dân có hiểu gì đâu, dân đóng thuế để nuôi cán bộ, cán bộ có trách nhiệm giải quyết những bức xúc của dân, nhưng họ vẫn có thói quen một cách rất quan liêu, ban ơn và hành dân.” (tr. 142). “Thực tế là như vậy, nhưng để biện minh cho sự yếu kém, cho tiêu cực và những bất cập tồn tại trong xã hội, nhiều người, nhất là các cơ quan công quyền thường hay có thói quen đổ lỗi cho nhau hay cho kinh tế thị trường… Sai phạm xảy ra, nếu chỉ với điệp khúc ‘rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ’ rồi ‘khiển trách hay cảnh cáo’ như trò trẻ con sẽ không giải quyết được vấn đề.” (tr. 173).

Và còn nhiều nữa…, như “chạy theo thành tích là một vấn nạn có hệ thống và đã trở thành một nếp sống xã hội mang tính tiêu cực trầm trọng” (tr. 42), là điều bất cứ người nào khi nhìn vào những công trình hoành tráng kiểu đồ hàng mã đầy dẫy ở Việt Nam đều thấy rõ và ngán ngẩm trò đời lẫn ngán sợ tai nạn chưa biết sẽ xảy ra lúc nào do tắc trách.

Đọc hết 360 trang với đầy dẫy lời kết tội, khi gấp sách lại, người đọc sẽ bàng hoàng tự hỏi: có thật vậy chăng? Nếu quả tình 90% dân Việt mang nhiều tính xấu như vậy thì đất nước sẽ ra sao? Bởi vì, ngay chính bản thân họ (có lẽ cũng do cảm tính chăng?), họ thấy những tật xấu này không nằm trong họ và có lẽ những thành viên trong gia đình họ đâu có xấu xa như thế.

Một câu hỏi nhức nhối đã được tác giả đưa ra cho mọi người, bất kể ở đâu, tự suy ngẫm: “Bạn muốn con mình trờ thành người thế nào? Tử tế, có cuộc sống hạnh phúc? Bạn thực sự nghĩ rằng bạn có thể dạy con thành người tử tế, khi chính bản thân các bạn đang bị cuốn theo cái xã hội đầy xấu xa, và các bạn không thèm làm gì khác ngoài nương theo cái xấu xa ấy để sống?...” (tr. 104).

Nhưng thực tế có lẽ đây là bài toán không lời giải, bởi vì: “…Một số người bạn của tôi làm việc trong giới khoa học và nghệ thuật… trong lúc bàn luận chuyện thế sự, nhìn thấy tình hình đất nước, xã hội, con người ngày nay, họ cảm thấy ‘bó tay toàn tập’, không làm gì được chỉ biết nhìn nhau mà chửi thề…” (tr. 112).

Đương nhiên, vì đúng như trong nhận định của Nguyễn Hưng Quốc nêu ở phần đầu về tâm tính của người Việt, là “khi ra ngoài quan hệ cá nhân thì mọi chuyện sẽ khác ngay”. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, là một cuộc nghiên cứu dựa trên tài liệu từ báo hàng ngày hay báo mạng bằng cách rút tỉa chọn lọc không có được sự trung thực đúng mức. Báo chí đưa nhiều tin “giựt gân”, tai nạn cướp bóc, chuyện gây sốc… để câu độc giả, điều đó ai cũng biết. Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của những tờ báo đại chúng ngày nay, bất kể ở nước nào. Đó là chưa nói tới chuyện ở Việt Nam, sự lèo lái quần chúng để họ chỉ chăm chăm bàn tán về những tệ nạn xã hội, về cuộc sống xa hoa của đại gia với siêu sao chân dài… theo kiểu những bài trên báo sẽ làm cho dân chúng bớt quan tâm tìm hiểu thêm về những vấn nạn gốc rễ của xã hội, nhìn theo mặt chính trị, văn hóa chính thống.

Vì thế, nếu chúng ta đọc những trang mạng hay blog của các tổ chức tranh đấu chẳng hạn, thì ta sẽ có cảm giác phần lớn người dân trong nước hằng ngày quan tâm đến việc tranh đấu cho tự do dân chủ. Nếu chúng ta đọc những thông tin từ những cơ sở tôn giáo thì chúng ta sẽ thấy người dân nhường cơm xẻ áo cho nhau trong cơn hoạn nạn…

Người đọc tinh ý có thể thấy những dữ kiện tác giả dẫn chứng phần lớn là những trường hợp cá biệt. Sự giải quyết (hay không giải quyết) của chính phủ Việt Nam trước những tệ nạn này không thấy tác giả đề cập. Hơn nữa, có những chuyện không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra ở một số nước “văn minh tiên tiến”, như chuyện các quan chức đổ lỗi cho nhau khi có sai phạm, như chuyện ăn tô phở 25.000 VND vừa phải chịu đựng một cung cách phục vụ bất lịch sự, vừa bị nghe chửi khi đưa tờ 500.000 (bằng 20 lần giá tô phở hay 1/10 của tháng lương của dân trung bình) để trả tiền, hoặc như trường hợp của chính tác giả “…sau khi tôi chính thức cho phát hành một văn hóa phẩm, một nhà văn nổi tiếng rất có uy tín, lại là bạn thân, đã không ngần ngại, thẳng thừng đặt điều kiện để anh ấy viết một bài quảng bá cho ấn phẩm.” (tr. 177-178). Tuy nhiên, bên cạnh đó phải nói là còn có rất nhiều “chuyện lạ bốn phương” động trời được tác giả nêu ra, mà nếu tác phẩm được dịch ra ngoại ngữ và phổ biến thì chắc lượng du khách tới Việt Nam sẽ sụt giảm đáng kể.

Do đó, nhận xét tác giả đưa ra trong Lời Mở Đầu là “…dân tộc nào cũng có cái hay cái dở, nhưng cái xấu xí của người ta nó hạn chế, bình thường, có thể chấp nhận được, chưa cần phải uống thuốc dể điều trị, còn cái tồi tệ của người Việt Nam chúng ta thì thật sự đã ‘hết thuốc chữa rồi’!” (tr. 28) tôi cho là có phần nào tiêu cực. Dù sao, không thể chối cãi được là những tệ nạn ở Việt Nam đã lan tràn quá mức, đến nỗi Việt Nam hiện đang đứng ngang hàng với nhiều nước ở Phi châu hay Nam Mỹ châu. Đó là cái nhục chung của người Việt chúng ta, nhưng lời giải thì không đơn giản. Đúng như tác giả nhận định: mọi người đã trở nên vô cảm.

Tác phẩm “Người Việt Nam Tồi Tệ”, xét cho cùng, sẽ tìm được hai đối tượng. Đối tượng thứ nhất là tuyệt đại đa số những người tị nạn trên khắp thế giới thuộc thế hệ thứ nhất, họ mang theo những nét văn hóa đẹp của một xã hội Việt Nam hơn 40 năm về trước để rồi chỉ thấy những chuyện trái tai gai mắt họ gặp trên internet hay qua lời kêu rêu của thân nhân từ trong nước, thì tác phẩm này là một sưu tầm khá đầy đủ những gì họ đã biết và đang muốn biết. Đồi tượng thứ hai là những người trong nước còn đang trăn trở tìm một giải pháp khả thi để có thể cùng nhau cứu vãn sự tuột dốc của văn hóa Việt một khi nước nhà tới vận hội chuyển đổi, thì có thể coi tác phẩm này là một phân tích khá có hệ thống những thói tật của đa số người Việt trong nước.

Nguyễn Hiền

 


Cái Đình - 2017