Nấm Mồ


***  

Vài nét về Vũ Thư Hiên và tác phẩm Nấm Mồ

Vũ Thư Hiên sinh năm 1933 tại Hà Nội. Song thân ông là Vũ Đình Huỳnh và Phạm Thị Tề ở tuổi thanh niên đều hoạt động đấu tranh cách mạng liên hệ mật thiết với Việt Nam Quốc Dân Đảng, trước khi gia nhập Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội.

Những năm đầu của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, cụ Vũ Đình Huỳnh được Đảng Cộng Sản cử làm bí thư cho chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc sống trong một gia đình gắn liền với phong trào cách mạng ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành con người Vũ Thư Hiên, cho ông nhiều hiểu biết hiếm hoi về lịch sử đảng Cộng Sản và những người cộng sản sau này trở thành các lãnh tụ ở miền Bắc Việt Nam.

Vũ Thư Hiên tham gia hoạt động đấu tranh rất sớm, làm liên lạc viên cho cha mẹ và các đồng chí của hai cụ trong thời kỳ hoạt động bí mật. Năm 1946 ông công tác trong đội Tuyên Truyền Xung Phong tỉnh Nam Định, rồi gia nhập bộ đội năm 1949, công tác điện ảnh tại vùng thượng du Việt Bắc năm 1953.

Từ 1955, ông du học tại trường Đại Học Điện Ảnh Liên Xô VGIK. Năm 1957, khi về nước lấy tài liệu cho sáng tác, ông bị giữ lại, không cho sang Liên Xô học tiếp.

Năm 1959, ông làm việc ở Xưởng Phim Việt Nam tại Hà Nội rồi trở thành biên tập viên và phóng viên báo ảnh Việt Nam từ 1960 đến 1967.

Thời kỳ này, do bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền, nhiều đảng viên đảng Cộng Sản bị bắt trong cái gọi là vụ “nhóm xét lại chống Ðảng.” Vũ Thư Hiên dù không phải đảng viên Cộng Sản vẫn cùng thân phụ bị đẩy vào nhà tù xã hội chủ nghĩa năm 1967. Ông bị đầy ải qua nhiều trại giam suốt 9 năm trong đó có bốn năm rưỡi bị giam tại xà lim cá nhân.

Năm 1976 ra khỏi nhà tù, ông làm đủ mọi nghề để kiếm sống như công nhân cao su năm 1977, kỹ thuật hóa năm 1979 rồi kinh doanh năm 1991.

Từ 1991 tới 1993, Vũ Thư Hiên được cử đi Nga với tư cách phiên dịch cho một công ty thương mại của đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, sau đó trở thành đại diện cho công ty này tại Nga.

Thời gian này ông âm thầm viết hồi ký về những gì bản thân đã trải qua và chứng kiến suốt chín năm bị giam cầm từ 1967 – 1976. Các trang hồi ký ghi lại một đoạn đời cùng suy ngẫm của một chứng nhân cũng chính là nạn nhân về biến thái của Đảng CSVN trong cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ cho dân tộc và về mô hình nhà nước chuyên chính vô sản.

Mùa thu năm 1994, sau khi chế độ CS Liên Xô đã sụp đổ, mật vụ CSVN giả dạng cướp đột nhập nơi cư trú của ông tại Moskva, đâm ông và cướp trọn bản thảo cuốn hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày mới viết được một phần ba. Nguy cơ thực sự tái hiện, nhưng ông còn phải nấn ná ở lại Moskva đến cuối năm 1995 mới tìm được cơ hội chạy qua Warszawa, Ba Lan.

Cuối năm 1996, sau một chuyến đi Paris, vừa trở về Warszawa ông lại được mật báo về tình hình nguy hiểm có thể xảy ra nếu tiếp tục ở lại Ba Lan. Lập tức, ông rời Warszawa trở lại Paris xin tị nạn tại Pháp. Tại Paris, ông đã hoàn thành tập hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày và được nhà xuất bản Văn Nghệ ở Hoa Kỳ xuất bản tháng 4 năm 1997.

Từ đó, Vũ Thư Hiên sống đời lưu vong tại Pháp với tư cách người tị nạn Cộng Sản nhưng không rời cây bút theo tâm nguyện “gửi các kinh nghiệm sống cho những ai còn khả năng thông cảm với nỗi đau của đồng loại, và cho cả những người hạnh phúc đến tê liệt cảm giác, không còn biết nỗi đau của chính mình” như ông đã ghi trong bản dịch tác phẩm Trắng Trên Đen của Ruben David Gonzalez-Gallego.

Ruben David Gonzalez-Gallego là người Tây Ban Nha nhưng ra đời tại Moskva tháng 9-1968 rồi sống tại Nga với “những nỗi đau khó thể tưởng tượng nổi trong cuộc đời” do bị dị tật bại não bẩm sinh không thể vận dụng nổi tứ chi và bệnh viện báo cho người mẹ là đứa bé đã chết.

Từ đó, dù vẫn có tên và tồn tại như một con người, nhưng đứa bé luôn bị gửi vào các nơi dành cho những kẻ sắp bị hạ huyệt. Đứa bé với tứ chi bại liệt chỉ còn một ngón tay trỏ trái cử động nổi luôn chờ ngày chết đó chính là hình ảnh tượng trưng cho thân phận hết thẩy người dân nhỏ bé bất hạnh tại nhiều quốc gia từng một thời trở thành cõi chết, trong đó có Việt Nam.

Vũ Thư Hiên đã dịch tác phẩm của Roben David Gonzalez-Gallego với tâm nguyện gửi tới mọi người một kinh nghiệm sống rất “đáng để cùng suy ngẫm” qua trường hợp đứa bé vẫn duy trì được sự sống và còn trở thành một nhà văn.

Vũ Thư Hiên tả lại kinh nghiệm đó bằng mấy lời giản dị là dù bị đày đọa giữa bạo lực, gông cùm vẫn “luôn phải giữ vẹn tình thương yêu đối với con người và vượt qua số phận nghiệt ngã bằng ý chí kháng cự không có bạo lực nào bè gãy nổi”, đồng thời coi đây “vừa là điểm son vừa là nghiệp chướng” phải sẵn sàng chấp nhận với hết thẩy mọi người và với bất kỳ nhà văn xứng danh nào.

Tác phẩm Nấm Mồ không hình thành ngoài quan điểm đó của tác giả về sự sống và văn chương.

Nấm Mồ gồm 15 đoản tác viết từ đầu thập niên 1960 tại Hà Nội qua suốt thời gian lưu lạc tại Pháp tới nay và là tác phẩm thứ 13 của Vũ Thư Hiên đã ấn hành. Về tác phẩm này, xin chỉ nhắc lại ý nguyện của chính Vũ Thư Hiên khi dịch tác phẩm của Roben David Gonzalez-Gallego: “Xin được gửi tới những ai còn khả năng thông cảm với nỗi đau của đồng loại.”

 

Tủ Sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG


Cái Đình - 2020