Cái Đình


Mưu sát

Tiểu sử Harry Mulisch

 

Harry Mulisch là một trong những gương mặt lớn của nền văn học Hà Lan đương đại. Ông sinh năm 1927 tại Haarlem, cha gốc Áo-Hung di cư sang Hà Lan sau Thế Chiến thứ nhất; mẹ gốc Do Thái. Nhờ có cha làm việc cho một ngân hàng Đức thời Thế Chiến thứ hai, mẹ con ông không bị tống khứ vào trại tập trung của Đức Quốc Xã.

Sáng tác của Mulisch thuộc nhiều thể loại. Ông nổi tiếng nhất về tiểu thuyết, tiêu biểu là “De Aanslag” (Tấn Công/Mưu Sát), De Ontdekking van de Hemel (Khám Phá Thiên Đàng) – hai cuốn này đã được chuyển thành phim; De Procedure (Thủ Tục)… Ông nhận được nhiều giải thưởng văn chương của Hà Lan, đặc biệt là ‘Prijs der Nederlandse Letteren' (Giải Văn Học Hà Lan) cho toàn bộ công trình sáng tác.

 

*

 

Bóng tối (*)
trích đoạn từ 'Mưu sát' (De Aanslag)

 

Anton mò mẫm lần tới cái chõng. Cậu cảm thấy sự hiện diện của một người nào khác đâu đây. Cậu ngồi, tay đặt trên đùi, lắng nghe tiếng động ngoài hành lang. Có tiếng ủng bước lên thang gác, rồi tất cả trở lại yên lặng.

“Làm sao lại vào đây?”

Một giọng đàn bà. Thoạt nhiên cậu cảm thấy như vừa thoát một tai họa. Cậu mở mắt thật lớn cố nhìn nhưng chỉ thấy bóng tối tràn ngập như dòng nước đen. Có tiếng thì thào trong những phòng giam khác.

“Chúng nó đốt nhà.” Cậu vẫn chưa tin lúc này chỉ còn đống gạch vụn giữa hai ngôi nhà Đắc địa và Ngẫu nhiên. Người đàn bà im lặng một lúc:

“Tại sao chúng làm thế? Mới xảy ra hay sao?”

“Thưa bà, vâng ạ.”

“Tại sao?”

“Trả thù. Một thằng bị bắn, nhưng gia đình em chẳng dính dáng vào đấy. Chúng chẳng cho mang theo một thứ gì.”

“Cứt thật,” người đàn bà nói. Im lặng một lúc bà hỏi: “Chúa ơi, lúc đó chỉ có một mình em trong nhà?”

“Không ạ. Có cả bố mẹ và anh,” Anton nhận thấy cặp mắt mình tự động khép lại. Cậu lại mở toang chúng ra nhưng không thấy gì khác biệt.

“Bây giờ gia đình em ở đâu?”

“Dạ không biết.”

“Bị bọn Đức bắt đem đi?”

“Vâng, bố mẹ em thì thế.”

“Và anh của em?”

“Anh ấy trốn. Anh muốn…” Cậu bắt đầu khóc một tí. “Em phải làm gì…” Cậu cảm thấy hổ thẹn nhưng không cầm được.

“Đến đây ngồi cạnh chị.”

Cậu đứng dậy, mò từng bước về hướng người đàn bà.

“Đúng rồi, chị ở đây này,” người đàn bà nói. “Chìa tay xem nào.” Cậu đụng vào những ngón tay, người đàn bà kéo cậu lại gần. Trên chõng một tay bà ôm lấy người cậu, tay kia áp đầu vào ngực. Người toát mùi mồ hôi nhưng còn có gì khác. Có gì ngòn ngọt khó nhận ra. Có thể là nước hoa. Giữa cái bóng tối này còn có cái bóng tối thứ hai trong đó cậu nghe tim bà đang đập, nhịp đập quá mạnh với một người đang cố an ủi một người khác.

Lúc bình tĩnh trở lại, cậu từ từ nhận ra một viền sáng nhợt nhạt dưới cửa, cậu dán mắt vào đấy. Bà ta hẳn phải thấy cậu lúc mới bước vào phòng. Bà lấy chăn đắp lên hai người và siết cậu gần thêm. Người bà không nóng bằng lò sưởi trên kia, nhưng có gì ấm áp hơn. Nước mắt cậu lại trào ra, nhưng vì chuyện khác. Cậu muốn hỏi bà vì sao phải vào tù như thế này, nhưng chẳng dám. Biết đâu là dân buôn chợ đen. Cậu nghe bà nuốt nước bọt.

“Chị không biết em tên gì,” bà thì thào. “Và chị cũng chẳng nên biết làm gì. Em không thể biết tên chị, nhưng từ nay về sau em có thể nhớ mãi một điều, được chứ?”

“Điều gì ạ?”

“Em bao nhiêu tuổi?”

“Thưa bà em sắp lên mười ba.”

“Đừng gọi bà nữa có được không. Nào, nghe đây. Chúng sẽ tìm mọi cách làm cho em tin đủ thứ chuyện, nhưng đừng bao giờ quên một điều là chính bọn Đức đã đốt nhà em. Chính tay chúng làm, không ai khác.”

“Em biết chứ,” Anton đáp, hơi bị xúc phạm. “Chính em thấy tận mắt cơ mà.”

“Đúng. Chúng làm thế bởi vì thằng con heo ấy bị thủ tiêu, chúng sẽ đổ lỗi cho Kháng chiến, và chúng nói rằng chúng bắt buộc phải làm thế. Chúng sẽ nói với em là Kháng chiến biết trước có gì sẽ xảy ra, vì thế Kháng chiến phải chịu trách nhiệm.”

“À,” Anton nhướn mình ngồi lên một tí, cậu cố diễn đạt ý nghĩ trong đầu. “Nếu thật thế, thì… thì chẳng ai có lỗi. Ai muốn làm gì thì làm.” Cậu cảm thấy những ngón tay vuốt ve tóc cậu. “Thế này nhé,” bà do dự khơi chuyện, “Em biết tên lão ấy chứ?”

“Ploeg,” cậu nói. Bàn tay bà bịt ngay mồm cậu.

“Nói khẽ chứ.”

“Fake Ploeg,” cậu thì thào. “Lão làm việc với công an. Một tên hợp tác bẩn thỉu.”

“Em có thấy hắn không?”, bà hỏi nhẹ nhàng. “Hắn chết thật chứ?”

Anton gật đầu. Cậu chợt nghĩ ra là bà không thể thấy cậu trong bóng tối, cùng lắm là sờ mó mà thôi, cậu nói: “Chết nhăn răng.” Vệt máu trên tuyết hiện về trước mắt. “Em học cùng lớp với thằng con của lão ấy. Cũng tên Fake.”

Cậu nghe bà thở mạnh.

“Em biết không,” bà ta nói một lát sau, “nếu những người Kháng chiến không ra tay, thế nào lão Ploeg còn giết nhiều người nữa, lúc ấy…”

Bà rút tay về, khóc nức nở. Anton đâm hoảng; cậu muốn an ủi bà nhưng không biết phải làm gì. Cậu ngồi dậy, mò mẫm cho đến khi chạm vào mái tóc bà: dày, phồng.

“Sao lại khóc?”

Bà nắm tay cậu, áp vào ngực mình.

“Tất cả thật là kinh tởm,” bà nghẹn ngào. “Thế giới này chỉ là địa ngục, địa ngục! May mà sắp đến hồi chấm dứt. Chị không còn chịu nổi nữa…”

Cái vú trong tay cậu thật mềm, cái mềm lạ kỳ cậu chưa từng biết, nhưng cậu không dám buông ra.

“Cái gì sắp hết?”

Bà nắm tay cậu, nghe giọng nói cậu biết là bà đã quay mặt về phía cậu.

“Chiến tranh, chiến tranh. Còn vài tuần nữa thôi. Lính Mỹ đã tới sông Rhin, lính Nga đã tới bên bờ Oder .”

“Có chắc không? Sao chị biết?”

Bà nói với niềm tin tuyệt đối; ở nhà cậu cũng nghe những tin mù mờ hứa hẹn chuyện này nhưng lại đẻ ra chuyện khác. Nhờ vệt sáng nhàn nhạt dưới cánh cửa, lúc này cậu có thể nhận ra đường nét người đàn bà: đầu, thân hình, mớ tóc buông lỏng có vẻ man dại, chỗ hai người ngồi, cánh tay chìa tới phía cậu.

“Để chị sờ xem mặt mũi em thế nào nhé?”

Những ngón tay lạnh ngắt vuốt trán cậu, chạm vào mày, má, mũi, môi. Có gì thật trang trọng trong động tác ấy, chẳng khác gì một nghi thức kết nạp như người ta vẫn làm ở châu Phi.

Bỗng nhiên bà kéo tay về, rên lên.

“Gì thế chị?”, cậu hỏi, hoảng sợ.

“Không sao cả… Đừng để ý nữa.” Bà gập người xuống.

“Chị có đau không?”

“Chẳng sao cả. Thực mà!” Bà ngồi thẳng dậy. “Mấy tuần trước chị ở một nơi còn tăm tối hơn đây nhiều.”

“Chị ở Heemstede phải không ạ?”

“Đừng hỏi nhiều. Tốt nhất là em không nên biết gì về chị. Sau này em sẽ hiểu. Được không?”

“Vâng ạ.”

“Vậy thì hãy nghe đây. Đêm nay không trăng nhưng trời rất trong, mấy tuần trước thì trời nhiều mây và chưa có tuyết. Chị đến thăm người bạn ở cùng khu phố, ngồi nói chuyện với nhau. Về lúc nửa đêm. Giới nghiêm từ lâu. Trời thật tối cho nên không ai thấy chị. Chị biết khu ấy rõ mồn một, cứ việc đi bộ về nhà, mon men theo những bức tường, những hàng rào quen thuộc. Chị không thấy gì hết. Như thể là chị không có cặp mắt này. Chị đã tháo giày, sợ gây tiếng động. Tuyệt đối chẳng nghe thấy gì, nhưng lúc ấy chị biết chắc là mình đang ở đâu. Ít ra là chị nghĩ vậy. Chị hình dung mọi chi tiết đã in trong đầu. Chị qua đấy cả ngàn lần, chị biết từng góc đường, từng hàng giậu, từng ngọn cây, từng bậc thềm nhà – tất cả. Bỗng nhiên chị lạc hết. Chẳng còn gì ăn khớp với nhau. Tay đụng nhầm bụi cây thay vì khung cửa sổ, cột đèn thay vì lối ra chỗ đậu xe. Chị cố đi thêm vài bước nữa nhưng không còn nhận ra đâu là đâu. Chị vẫn còn đứng trên mặt đường lót đá, nhưng chị biết có con lạch đâu đây, sợ hụt chân rơi vào đấy nếu cứ liều thêm bước nữa. Chị cúi người bò loanh quanh một lúc, chẳng mang theo cái đèn bấm, một hộp diêm. Cuối cùng chị ngồi xuống và đợi sáng. Em thử tưởng tượng lúc ấy chị cảm thấy cô đơn đến mức nào không?”

“Chị khóc chứ?” Anton hỏi, nín thở. Như thể trong bóng tối ở đây cậu có thể nhìn ra những gì bà ta không nhìn thấy đêm ấy.

“Không hẳn.” Bà cười. “Nhưng chị rất sợ, em ạ! Chị biết quanh đấy có khối người, nhưng tất cả như biến đâu mất. Thế giới dừng lại ở lớp da bọc lấy người chị. Cái sợ hãi lúc ấy không có dây mơ gì với cuộc chiến tranh này. Lại còn lạnh cóng cả người.”

“Rồi sao nữa?”

“Có sao đâu. Chị thấy mình ngồi ngoài đường ngay trước mặt nhà. Cứ tưởng tượng xem! Chỉ năm bước là bước vào nhà.”

“Em cũng có lần gặp chuyện như thế!”, Anton nói, quên bẵng mình đang ở đâu, và tại sao lại ở đấy. “Lúc em đến chơi nhà người cậu ở Amsterdam .”

“Đã lâu rồi phải không”

“Hè vừa rồi, lúc ấytàu điện còn chạy. Em nằm mơ chuyện gì kinh lắm. Tỉnh dậy em muốn vào phòng tắm. Tối như mực. Thường khi ở nhà, lúc nào em cũng ra khỏi giường phía bên trái, nhưng ở đấy em lại đụng ngay bức tường. Bên phải đáng ra là bức tường thì chẳng có gì. Hãi quá! Em nghĩ bức tường ấy dày và cứng hơn bất cứ bức tường nào, và phía bên kia giường chẳng có gì cả, thăm thẳm như cái vực.”

“Thế em có khóc không?”

“Có chứ. Không khóc sao được.”

“Rồi cậu hay mợ bật đèn lên chứ gì, và em nhớ ra mình đang ở đâu.”

“Đúng thế. Em đang ngồi trên giường và…”

“Suỵt!”

Có tiếng chân bước xuống cầu thang. Bà quàng tay kéo cậu vào người, nín thinh lắng nghe. Tiếng người nói ngoài hành lang, chìa khóa đụng lách cách. Có tiếng gì Anton không nhận ra được, rồi tiếng chửi thề, tiếng huỵch: ai bị đấm. Một tên tù đang bị lôi khỏi phòng giam, người tù ở lại văng tục. Cửa sắt đóng rầm. Ngoài hành lang lại có tiếng đấm đá, tiếng ai hét. Lại tiếng ủng đổ ào xuống cầu thang, lại hét. Tiếng người bị kéo lên cầu thang. Yên tĩnh trở lại. Có ai cười. Rồi không còn nghe gì nữa.

Anton run lẩy bẩy. “Người ấy là ai?”, cậu hỏi.

“Chị không biết. Chị cũng mới đến đây. Bọn khốn nạn… Lạy Chúa, chẳng mấy chốc chúng mày sẽ bị treo cổ. Bọn Nga, bọn Mỹ xử tội thì nhanh lắm. Nào, ta hãy nói chuyện khác nhé,” bà nói, quay người lại, hai tay vuốt tóc cậu, “trong thời gian còn lại ở đây.”

“Chị nói gì vậy?”

“Ờ thì trong lúc chúng còn nhốt mình ở đây. Ngày mai chúng sẽ thả em.”

“Thế còn chị?”

“Có thể không,” bà nói như ngụ ý biết đâu chúng sẽ thả bà ra. “Với chị mọi sự rồi cũng tốt thôi. Đừng lo. Giờ ta nói chuyện gì nào? Hay là em buồn ngủ?”

“Không ạ.”

“Tốt. Nãy giờ nói toàn chuyện bóng tối. Ta thử nói chuyện ánh sáng xem nào.”

“Vâng ạ.”

“Cứ tưởng tượng có thật nhiều ánh sáng. Mặt trời. Mùa hè. Còn gì nữa nhỉ?”

“Bãi biển.”

“Ờ. Khi người ta chưa xây hầm hố, đặt vật chướng ngại. Những đụn cát. Mặt trời chiếu vào chỗ trũng, em còn nhớ nó chói mắt đến mức nào không?”

“Em nhớ lắm chứ. Cây lá ở đấy trắng bệch vì nắng cháy.”

Tự dưng chẳng một lời chuyển tiếp, bà bắt đầu kể lể như với một người thứ ba trong phòng giam.

“Ánh sáng, vâng, nhưng ánh sáng không phải lúc nào cũng là ánh sáng. Mình muốn nói từ lâu lắm rồi mình muốn làm một bài thơ so sánh ánh sáng với tình yêu, à không, tình yêu với ánh sáng. Tại sao không? Nhưng cũng có thể so sánh ánh sáng với tình yêu. Có khi lại đẹp hơn, bởi vì ánh sáng còn có trước cả tình yêu. Những người theo Ki Tô giáo nói là không phải thế đâu, nhưng họ là những tín đồ đạo Ki Tô. Hay là em cũng là dân Ki Tô giáo?”

“Không đâu chị ạ.”

“Trong bài thơ mình muốn so sánh tình yêu với thứ ánh sáng đôi khi còn bám vào ngọn cây sau hoàng hôn. Thứ ánh sáng huyền ảo. Đấy là thứ ánh sáng ngời lên trong ta khi yêu ai. Thù ghét là tăm tối, chuyện tồi. Nhưng ta phải thù bọn phát xít, điều này chấp nhận được. Sao lại có thể như thế? Bởi vì ta thù ghét chúng, nhân danh cho cái tăm tối. Ta thù ghét sự thù ghét, vì thế cái thù ghét của ta khá hơn cái thù ghét của chúng. Nhưng cũng vì thế mà ta gặp cái khó. Đối với chúng mọi sự thật đơn giản, nhưng với ta thì phức tạp hơn. Ta phải hao hao giống chúng để chống lại chúng, và như thế ta tự mất mát đi một phần. Chúng thì không mặc cảm gì cả. Chúng tiêu diệt ta chẳng mảy may do dự. Ta thì phải khử đi cái gì trong ta trước khi ta có thể khử chúng. Chúng thì không thế. Chúng đơn thuần luôn luôn là chúng, sức mạnh của chúng là ở đấy. Nhưng cuối cùng chúng sẽ thua bởi vì chúng không có ánh sáng nào trong chúng. Điều quan trọng với ta là đừng để quá giống như chúng, đừng khử hết những gì của riêng ta, nếu không chúng sẽ thắng..”

Bà lại rên lên. Trước khi Anton kịp mở mồm, bà lại tiếp. Cậu chẳng hiểu ất giáp gì, nhưng cậu cảm thấy hãnh diện, vì bà nói chuyện với cậu như với một người lớn.

“Và còn có gì khác trong thứ ánh sáng ấy. Một khi ta yêu ai, ta luôn thấy đối tượng thật đẹp, hoặc tinh thần hoặc thể chất, hoặc cả hai. Thường thì những kẻ bàng quan không nhận ra, cũng dễ hiểu thôi. Nhưng khi người ta đang yêu, họ thật đẹp, bởi vì họ được ánh sáng thắp lên. Có một người đang yêu mình đấy, và anh thấy mình thật đẹp, mà mình đâu có đẹp gì cho cam. Anh ấy thật đẹp, mặc dù ở nhiều mặt anh ấy rất xấu. Và mình đẹp, chỉ vì mình đang yêu anh ấy, mà anh ấy đâu biết. Anh nghĩ mình không yêu, nhưng thật là mình yêu, dù em chẳng biết chị là ai, anh ấy là ai. Anh ấy có vợ rồi, được hai con. Họ cần anh ấy cũng như em cần bố mẹ của em…”

Thoạt nhiên bà im bặt.

“Chị nghĩ bố mẹ em lúc này ở đâu?”

“Chắc bị nhốt đâu đấy thôi. Chị tin là ngày mai em gặp lại bố mẹ.”

“Nhưng sao lại nhốt ở nơi khác?”

“Ừ, tại sao nhỉ? Bởi vì chúng là bọn khốn nạn. Và bởi vì chúng đang gặp tình trạng rối beng, chúng cố làm ra vẻ lăng xăng đấy thôi. Lúc này chúng són cả ra quần. Nhưng em đừng lo. Chị chỉ lo cho anh của em.”

“Lúc anh đi qua đấy, anh ấy xách theo khẩu súng của lão Ploeg,” Anton nói, không nghĩ điều này sẽ gây sốc cho bà.

Vài giây sau bà nói: “Chúa ơi, thế này thì…”

Giọng bà lại có gì như báo nguy. Có gì xảy ra cho anh Peter? Đột nhiên cậu không còn nghĩ thêm gì được nữa. Cậu gục vào người bà và ngủ thiếp đi.

 

Nguyên tác: ‘De Aanslag' – Harry Mulisch
Người dịch: Cao Xuân Tứ

_______________________

(*) Đoạn văn này trích từ Phần I (1945), đoạn 3. Tựa do Ban biên tập Cái Đình tự đặt.


Cái Đình - 2006