Một góc nhìn về chiến tranh 'Mậu Dịch' Mỹ-Trung...


***  

Tiểu sử các tác giả

Chu V. Nguyen: PhD. (Kinh tế và Tài chính), M.S. (Toán), M.A. (Kinh tế), do học bổng Charles Taft (Charles Taft Fellowship) của University of Cincinnati tài trợ. Người Việt Nam tị nạn đến Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 1975.

Phó giáo sư kinh tế và tài chính. Nguyên Khoa trưởng Khoa (FAMIS ) gồm các môn: Tài chính, Kế toán, Kinh tế, Điện toán Ứng dụng, và Ngoại thương – Marilyn Davies College of Business, University of Houston Downtown.

Chủ bút: Southeast Asia Review of Economics and Business.

Thành viên Ban biên tập: Southwestern Economic Review (US), Journal of Eastern European and Central Asian Research (US), Journal of Economics and Business Perspectives (US), Journal of Asian Development Studies (Pakistan), Scientific Herald of Siverschyna – Serie: Education, Social and Sciences (Ukraine).

Thành viên Hội đồng Cố vấn: Review of Economics and Development Studies (Pakistan). Tác giả hơn 100 bài viết trên chuyên san kinh tế và tài chính có uy tín tại Mỹ và quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị: Tropical Star Enterprise, Inc. (US).

Nguyên Trưởng phòng Phân tích và Dự báo Kinh tế và Tài chính: Ngân hàng Khu vực 5th của hệ thống Ngân hàng Tín dụng Liên Bang Hoa Kỳ.

Nguyễn Phi Hiệp: Sau khi tốt nghiệp Cao học Sử của Viện Đại học Dalat một thời gian ngắn, tình nguyện gia nhập quân đội mặc dù được miễn dịch vĩnh viễn. Cho đến khi mất nước, là một người lính biệt kích, chuyên dẫn những toán nhỏ xâm nhập đường mòn HCM ở cả Thượng và Hạ Lào.

Sau năm 1975, cùng vợ con tị nạn ở Mỹ. Công việc đầu tiên là công chức Bộ Lao Động (1975-80) ở cấp liên bang và tiểu bang Arkansas. Sau khi dời cư về Houston, Taxas từ năm 1980, làm đủ mọi thứ trong ngành tiểu thương để mưu sinh; và đã về hưu từ năm 2002. Thuyết trình nhiều lần về hai đề tài chính: chiến tranh Việt Nam và thời sự Đông Nam Á ở các trường đại học như Texas A&M (College Station), University of Houston System (Central & Clear Lake), SMU (Dallas Campus). Thuyết trình, tranh luận và phê bình một số nhỏ các phim tài liệu với các diễn giả về chiến tranh Việt Nam trên đài truyền hình PBS.

Từ năm 2008 đến 2010 là chủ tịch của tổ chức TIGAAR (The Information Group for Asian American Rights) do TT. George W.Bush thành lập.

Nguyễn Bá Lộc: Cao học Kinh tế Tài chánh, Học viện Quốc gia Hành chánh (1967), Hậu đại học, Đại học Brisbane, Úc châu (1971).

Trước 1975: Cựu Giám đốc Nha phối hợp Kinh tế Địa phương – vùng IV, Bộ Kinh tế. Nguyên Giảng viên Phân khoa Luật và Xã hội học, viện đại học Cần Thơ.

Sau 1975: Tác giả nhiều bài khảo luận về kinh tế cho Tập san, website, đài Radio TV, Hội thảo.

Nguyên Hội trưởng Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Cố vấn Mạng lưới Nhân Quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ.

 

Lời Phi Lộ

Lịch sử Việt Nam gắn với hầu hết những biến cố quan trọng của dòng sử thế giới. Trong đó những biến cố lớn là những xung đột của các cường quốc, và gần như là một định mệnh, dân tộc Việt Nam chịu rất nhiều mất mát và đau thương trong những cuộc dâu bể này.

Ngày nay, một lần nữa, dân tộc Việt Nam lại phải gánh chịu ảnh hưởng nghiệt ngã của cuộc thư hùng giữa hai đại cường nguyên tử, bắt nguồn từ nhiều nguyên do, chính yếu là do mức độ phát triển kinh tế không đồng đều giữa độc bá quyền Hoa Kỳ, và quốc gia thách đố Trung Cộng. Tính chất của sự tranh chấp nầy như trong khảo luận mà sử gia Hy Lạp, Thucydides, đã dàn dựng hơn hai thiên niên kỷ qua.

Hệ quả của cuộc thư hùng được gọi là “thương chiến” này có thể thay đổi trật tự thế giới mà chúng ta đang trải nghiệm (Pax Americana).

Do vị trí địa chính trị của Việt Nam, dù diễn tiến thế nào, hệ quả cuộc chiến nầy đưa đến nhiều thử thách và đồng thời là cơ hội cho dân tộc Việt Nam.

Hơn nữa, một dân tộc không có niềm tự hào hay hãnh diện sẽ không thể tiến bộ, mà có thể cũng không tồn tại qua thời gian. Ngày nay, người Việt Nam dàn trải khắp năm châu. Nhìn chung, người Việt khắp mọi nơi rất thành công và vẫn tự hào là người Việt. Do đó, người viết tin rằng dù dưới vòm trời bao trùm các nẻo đường quê hương hay nơi góc biển chân trời xa xôi đâu đó, tùy theo hoàn cảnh (thông tin và thời lượng có được), người Việt Nam luôn quan tâm đến và theo dõi những diễn tiến liên quan đến vấn đề tranh chấp quan trọng này.

Trong tinh thần và suy tư đó, người viết, dù tự biết là kiến thức thô thiển, cũng xin mời quý vị cùng tìm hiểu sự kiện và suy luận về bản chất, nguyên nhân, và hệ lụy của cuộc “thương chiển” này.

Lịch sử của một dân tộc là một dòng nước luân lưu đẩy đưa chiếc nôi văn hóa của dân tộc đó, hay hoa mỹ hơn, văn hóa bị điều kiện hóa bởi lịch sử. Do đó, khởi điểm của hành trình này là tìm hiểu về cách hành xử, hay văn hóa, của hai dân tộc, Mỹ và Trung Cộng. Trung Cộng có một lịch sử dài và một nền văn minh cổ đại. Do đó, chúng ta sẽ tìm hiểu các biến cố lịch sử quan trọng ảnh hưởng đến tư duy và cách hành xử của Trung Cộng, nhất là trong lãnh vực phát triển kinh tế. 

Dù sự tranh chấp Mỹ-Trung khởi đầu bằng một công cụ trong lãnh vực ngoại thương, và lãnh vực truyền thông cho đây chỉ là một cuộc thương chiến và chiến tranh mậu dịch sẽ không có bên thắng cuộc mà chỉ có kẻ thua nhiều người thiệt ít mà thôi. Nhưng thực chất, đây là cuộc tranh giành bá quyền cổ điển của Trung Cộng để thiết lập một trật tự thế giới mới nên sẽ rất trường kỳ và nguy hiểm, còn thường được gọi là bẫy Thucydides. Do đó, cụm từ “Mậu Dịch” trong tựa đề của quyển sách này được đặt trong ngoặc kép.

Như dưới cái nhìn và luận thuyết của sử gia Thucydides, cuộc tranh chấp Mỹ-Trung hiện nay xảy ra là do kết quả của sự đồng quy hay mức độ tăng trưởng không đồng đều giữa hai nền kinh tế của hai quốc gia. Sau một thế kỷ bị hạ nhục và gần 30 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và Chủ tịch  Mao Trạch Đông, xã hội Trung Quốc vô cùng lạc hậu về mọi mặt, kể cả kinh tế.

Cựu Tổng Thống Nixon mặc dù đi vào lịch sử Mỹ với vết nhơ của vụ Watergate và là vị tổng thống duy nhất của Hoa Kỳ phải từ chức để tránh bị bãi nhiệm. Tuy nhiên, không mấy ai có thể phủ nhận khả năng, kiến thức và viễn kiến của Tổng Thống Nixon trong việc hoạch định và thực thi chính sách ngoai giao của Mỹ. Do đó, tiếp theo chúng ta tìm hiểu quan điểm của Tổng Thống Nixon khi ông thiết lập bang giao với Trung Quốc.

Các cơn hậu chấn chính trị của vụ Watergate gây quá trình thiết lập bang giao Mỹ-Trung bị đình trệ cho đến khi Tổng Thống Carter chính thức thiết lập bang giao Mỹ –Trung, bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1979.

Để lèo lái Trung Cộng trong bối cảnh mới, ông Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) cùng với hai ông Trần Vân (Chen Yun) và Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) triển khai chính sách cải cách và mở cửa Trung Cộng: Tứ Đại Cải Cách.

Tứ Đại Cải Cách là mô hình phát triển tập trung vào bốn lãnh vực quan trọng của quốc gia.  Đó là: canh nông, kỹ nghệ, khoa học và kỹ thuật, và quốc phòng.  Thật ra, mô hình này dựa theo kế sách mà Thủ Tướng Chu Ân Lai (Zhou Enlai) phác họa và trình bày tại Quốc Hội Nhân Dân Thứ Tư, ngày 13 tháng 1 năm 1975. Nhưng lúc đó cuộc cách mạng văn hóa còn đang đang sôi động, nên bị Chủ tịch  Mao Trạch Đông bác bỏ. 

Về phương diện kinh tế, Tứ Đại Cải Cách nhằm vào thay đổi đối tượng: (i) từ nền kinh tế trung ương hoạch định sang nền kinh tế “chim bị nhốt trong lồng (nền kinh tế thị trường trong định hướng của xã hội chủ nghĩa)”, (ii) từ nền kinh tế đóng kín sang nền kinh tế mở, và (iii) từ phát triển canh nông sang phát triển công nghệ. Đây là mốc quan trọng làm thay đổi Trung Cộng, trở thành cường quốc kinh tế như ngày nay.

Phát minh khoa học và kỹ thuật, phát minh ra cái gì mới (technological inventions), chỉ là điều kiện cần và cải tiến khoa học và kỹ thuật (technological innovations) là điều kiện đủ cho công trình phát triển kinh tế đưa đến sự giàu mạnh của một quốc gia. Cải tiến khoa học và kỹ thuật khác biệt với phát minh khoa học kỹ thuật ở chỗ phát minh khoa học kỹ thuật là phát minh ra cái mới.  Cải tiến khoa học và kỹ thuật đòi hỏi phát minh ra cái mới và ít nhất một quá trình dùng cái phát minh này để tạo ra một cái gì có giá trị.

Tuy nhiên, văn dĩ phương Tây “không tải đạo” tại phương Đông, nhất là theo văn hóa của Trung Cộng. Theo Tây phương thì cải tiến khoa học và kỹ thuật cần phải có một cái gì đó mới lạ và chưa từng được ứng dụng tại bất cứ nơi nào: cải tiến khoa học và kỹ thuật phải “mới đối với thế giới (new to the world)”.  Trong khi đó, cải tiến khoa học và kỹ thuật, trong văn hóa thời thượng của Trung Quốc, chỉ cần “mới đối với thị trường (new to the market)”, hoặc “mới đối với một tổ chức (new to an organization)”.  Đồng thời, Trung Cộng đã là một quốc gia với trình độ kỹ thuật hảo hạng so với các quốc gia Tây phương trong nhiều thiên niên kỷ của thời vàng son xa xôi trong quá khứ của họ. Do đó, cuộc hành trình của chúng ta sẽ mất đi rất nhiều thú vị, nếu chúng ta không tìm hiểu kết quả của sự “văn dĩ không tải đạo” này, cũng như nhận định về khả năng phát minh khoa học và kỹ thuật của Trung Quốc trong lộ trình thay đổi đối tượng từ phát triển canh nông sang phát triển công nghệ của Tứ Đại Cải Cách. Đáp án của nghi vấn này là một yếu tố quan trọng trong các yếu tố quyết định cách mà cuộc tranh giành bá quyền kết thúc.

Một câu hỏi có vẻ định mệnh là sự trổi dậy không những về mặt kinh tế mà cả trong các lãnh vực khác như chính trị, quân sự, ngoại giao, và thái độ trịch thượng mà Trung Cộng phô trương dựa vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của mình đã được nhiều học giả và truyền thông tranh cãi trong nhiều năm qua: tại sao cuộc xung đột Mỹ-Trung cho đến gần đây mới xảy ra? Để giải thích phần nào vấn đề nầy, chúng ta sẽ dựa vào lý “thuyết độc bá quyền ổn định” và sự vận hành cuả xã hội Mỹ.

Kinh tế luôn mang màu sắc chính trị, và cuộc thương chiến Mỹ-Trung sẽ tô đậm nét sắc màu này hơn. Thucydides cho rằng cuộc chiến trường kỳ và đẫm máu giữa Athens, quê hương của ông, và Sparta, một xứ sở quân phiệt, là do Athens tăng trưởng nhanh hơn Sparta. Và, danh từ thời thượng được Giáo Sư Graham Allison (2017) của đại học Harvard sáng tạo để mô tả sự liên quan giữa tăng trưởng kinh tế và xung đột chính trị là “bẫy Thucydides (the Thucydides’ Trap)”. Đồng thời, nghiên cứu 16 biến cố tương tự hay có cùng bối cảnh của bẫy Thucydides trong 500 năm qua, Giáo Sư Graham Allison kết luận rằng 12 trong số 16 trường hợp mà ông nghiên cứu đã dẫn đến chiến tranh võ lực.

Trong quá trình Tứ Đại Cải Cách, nền kinh tế đạt được một mức độ đồng quy khá nhanh. Nhờ vào sự đồng quy nhanh và áp dụng tiến bộ kỹ thuật dân sự vào lãnh vực quốc phòng, Trung Cộng đã xây dựng được một quân đội hiện đại. Trung Cộng đang có cuộc chạy đua về hiện đại hóa quân sự để mong theo kịp Mỹ.  Trong tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Cộng, liệu một sự đụng độ quân sự có khả năng xảy ra hay không?

Đối với Việt Nam, một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất, chẳng những về kinh tế, mà cả chính trị, ngoại giao và an ninh. Cuộc thương chiến này, dù còn tiếp diễn hay sẽ chấm dứt như thế nào, đều đem đến cho Việt Nam một số thử thách lớn, nhưng đồng thời cũng có một số lợi thế, ít nhất trong ngắn hạn.   Việt Nam phải dự phóng một vài kịch bản cho sự kết thúc của cuộc đối đầu Mỹ-Trung hôm nay.

Phát triển kinh tế là chất liệu cần thiết để kiến tạo xã hội và cải thiện mức sống của người dân mà phát triển kinh tế phải có khởi điểm. Do đó, mức độ của quá trình hội nhập, vị thế và tương quan kinh tế, cả tích cực lẫn tiêu cực, đặc biệt của Việt Nam đối với thế giới cũng như đối với hai phe tham chiến hiện nay sẽ phải được duyệt qua.

Quá trình hội nhập toàn cầu của Việt Nam đến nay đã hơn 20 tuổi và trong quá trình đó Việt Nam đã ký rất nhiều thương ước với hầu hết các nền kinh tế hay những nhóm của các nền kinh tế quan trọng trên toàn cầu, cả song phương lẫn đa phương. Qua các hiệp thương này, hoạt động kinh tế Việt Nam đã quấn quyện chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới. Do đó, thay đổi mức độ tương đối của các biến số kinh tế vĩ mô như thu nhập, lạm phát, lãi suất, và can thiệp của chính quyền trong nền kinh tế của quốc gia đối tác sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế tại Việt Nam, và ngược lại.

Kênh chuyển tải ảnh hưởng giao thoa của những thay đổi trong các biến số kinh tế vĩ mô này giữa bất kỳ hai nền kinh tế nào là thị trường ngoại hối của đơn vị tiền tệ của hai nền kinh tế đó; đồng bạc Việt Nam và đồng dollar Mỹ, chẳng hạn. Thị trường ngoại hối cũng là nơi mà ngân hàng trung ương của một quốc gia có thể thực thi hành vi thao túng tiền tệ.  Để giải thích các ảnh hưởng giao thoa này, cũng như tác nghiệp thao túng tiền tệ, một tóm lược về bản chất và lối vận hành của thị trường ngoại hối sẽ được trình bày.

Trong khi đó, nghiên cứu trải nghiệm thực tiễn cho thấy tại các nền kinh tế đang chuyển đổi (transitional economies), như nền kinh tế Việt Nam, là gia tăng số lượng tích lũy của FDI vào nền kinh tế, hay mức thâm nhập FDI, đo lường bằng tỷ số tích  lũy FDI trên GDP, không đương nhiên đưa đến phát triển kinh tế. Ngược lại, FDI còn có thể mang đến kết quả tiêu cực, vì ảnh hưởng của FDI trên nền kinh tế tùy thuộc vào điều kiện và hạ tầng cơ sở của nền kinh tế chủ nhà (host economy). Hạ tầng cơ sở bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn trong, các lãnh vực sau đây của nền kinh tế chủ nhà: hệ thống luật pháp, khả năng quy định và kiểm soát độ an toàn của cơ sở về mọi mặt như tài chính, kỹ thuật, xã hội, môi trường v.v...

Điểm quan trọng nhất trong chương trình đổi mới của Việt Nam năm 1986 là chuyển đổi từ mô hình “Kinh tế Trung ương Hoạch định” sang mô hình “Kinh tế Thị trường theo Định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Ngày nay nghiên cứu phương cách mà chính quyền Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản hành xử, gợi lại câu nói bất hủ của cố TT Nguyễn Văn Thiệu, “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.”

Khẩu hiệu “Kinh tế Thị trường theo Định hướng Xã hội Chủ nghĩa” có hai phần là “Kinh tế Thị trường” và “theo Định hướng Xã hội Chủ nghĩa”.

Về phần “Kinh tế Thị trường”, thì chính quyền Việt Nam với bản tính cố hữu là lấy vải thưa đi che mắt thánh. Bằng chứng là Việt Nam đã nhiều lần xin các đối tác ngoại thương công nhận là nền kinh tế Việt Nam thật là nền kinh tế thị trường; nhưng cho đến ngày nay, mọi yêu cầu đều bị khước từ. Không những thế, các đối tác xác quyết rằng Việt Nam thật sự không có nền kinh tế thị trường.

Trong khi đó, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cả quốc nội lẫn quốc tế, cho đến vài năm qua, đã tạo một môi trường  cho phép lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam độc quyền tự do thao túng, chiếm đoạt, ăn chia, và làm giàu. Và, từ đó các người cộng sản hình thành một văn hóa kinh tế và kinh doanh của phần “theo định hướng của xã hôi chủ nghĩa” trong chính sách kinh tế thị trường theo định hướng của xã hội chủ nghĩa mà đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam thực thi trong nhiều thập niên qua.

Do được điều kiện hóa trong một văn hóa, môi trường kinh tế và kinh doanh của phần “theo định hướng của xã hội chủ nghĩa - bao gồm cả chính sách công hữu” trong chính sách kinh tế thị trường theo định hướng của xã hội chủ nghĩa của đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam trong nhiều thập niên qua, nên trong quá trình hội nhập hơn 20 năm qua, lãnh đạo Việt Nam đã không thể mà cũng không cần kiến tạo  “một xã hội công bằng, một nhà nước có trách nhiệm, và minh bạch”. Thay vào đấy, họ phát minh ra một mô hình phát triển kinh tế mới có thể gọi là mô hình “hướng tôi, kê tính, và chọn đối tác để phát triển (1).”

Mô hình hướng tôi, kê tính, và chọn đối tác để phát triển với chính sách công sản dưới chế độ độc đảng là môi trường ung đúc cho nhiều hình thức tham nhũng dưới dạng lạm quyền đất đai cũng như các hình thức bòn rút dưới nhiều dạng bao gồm cả hành tung cố ý làm sai để có cơ hội tham nhũng của lãnh đạo.

Điểm vô cùng quan trọng là thiệt hại kinh tế của tham nhũng cho nền kinh tế quốc gia to lớn gấp nhiều lần so với số lượng mà các tham quan cướp giựt để ăn chia vì tham nhũng sẽ đưa đến nhiều vấn nạn khác. Phương cách để giải thích sự nguy hại kinh tế tiềm ẩn ngút trời này là liệt kê và phân tích các phương cách mà các đảng viên cao cấp được đảng điều động đi quản trị các đại xí nghiệp quốc doanh bòn rút hay tạo cơ hội để bòn rút từ ngân sách hay từ người dân để phơi bày hệ quả nghiêm trọng của những vấn đề tham nhũng như: lạm quyền đất, đàn áp nhân quyền, v.v…

Cũng từ tư duy hướng tôi, kê tính, và chọn đối tác để phát triển mà lực lượng lao động tại mỗi cấp đều không được phối trí hữu hiệu. Mô hình phối trí lao động cấp lãnh đạo mọi lớp tại Việt Nam là dựa theo nguyên tắc kẻ được chống lưng đi vơ vét đề làm giàu và chia với nhóm quyền lực chống lưng trong phe nhóm quyền lực của mình để bảo toàn quyền lực của nhóm. Trong khi thành phần lao động phải “mua”  việc. Phương thức phối trí lực lượng lao động này hoàn toàn ngược lại với lý thuyết phân phối lực lượng lao động tối ưu trong kinh tế vi mô. Và lý thuyết này sẽ được trình bày như là một phản biện phương thức phân công để bảo toàn phe nhóm tại Việt Nam.

Mặt khác, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) hiện nay là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc mà  Mặt Trận Tổ Quốc là một cơ quan ngoại vi của đảng cộng sản. TLĐLĐVN với sứ mệnh của tổ chức chính trị-xã hội; do đó, TLĐLĐVN  đóng vai trò “cầu nối” giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm nỗ lực xây dựng “quan hệ lao động hài hòa”, đảm bảo thực hiện cả mục tiêu về việc làm và sản xuất. Vì vậy, đình công bị xem là không tạo dựng môi trường ổn định để phát triển đất nước.

Hơn nữa, mọi hoạt động của công đoàn, kể cả thương lượng tập thể, đều thực hiện theo cách “xin-cho” trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, và không dựa vào tình đoàn kết người lao động để tạo thế cân bằng về sức mạnh, cũng như không sử dụng quyền đình công để hỗ trợ cho thương lượng.

Do đó, hiện nay Việt Nam không có công đoàn độc lập; tuy nhiên, theo quy định trong EU-VFTA, Việt Nam phải cải sửa luật lao động cho phép lực lượng lao động được thành lập công đoàn tự do và được bảo vệ quyền lợi như được quy định bởi Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (International Labor Organization-ILO) vào năm 2023.

Nợ công (sovereign debts) là tích lũy cả vốn lẫn lời của các khoản vay mượn của chính quyền để bù đắp ngân sách khiếm hụt hay những khoản vay mượn của các tổ chức khác được chính quyền bảo đảm mà chưa được hoàn trả. Do nhiều lý do khác nhau, hầu hết các quốc gia có nền kinh tế lớn trên thế giới ngày nay đều hoạt động với ngân sách khiếm hụt, mặc dù cán cân mậu dịch ngoại thương có thể thặng dư; như Trung Cộng, chẳng hạn.

Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân hợp lý của sự khiếm hụt ngân sách như giải quyết nạn thất nghiệp hay cứu trợ các tai họa như thiên tai, đại dịch, khủng hoảng kinh tế; thiếu hụt ngân sách của chính quyền Việt Nam còn các nguyên nhân vô lý khác sau đây:

  1. Tham nhũng có hệ thống làm thất thu ngân sách và gia tăng chi phí đầu tư và chi phí điều hành của những dự án đầu tư của chính phủ.
  2. Phối trí lực lượng lao động không hữu hiệu làm giảm GDP đưa đến thất thu ngân sách.
  3. Ngân sách quốc gia phải tài trợ đầy đủ cho nhân viên, văn phòng và các hoạt động của của các tổ chức sau đây của đảng cộng sản: (i) ban chấp hành trung ương đảng với hơn 5 triệu đảng viên; (ii)  các văn phòng ở cấp tỉnh, thành phố, huyện và thôn (Việt  Nam có 58 tỉnh và năm thành phố lớn thuộc trung ương); (iii) các ủy ban trung ương đặc biệt như: Ủy ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Quân ủy Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, và Ủy ban Phổ biến và Giáo dục, tất cả đều có chức năng tương tự như các bộ tương ứng trong chính phủ; và  (iv) các tổ chức ngoại vi của đảng, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cũng như những khoản nợ khác, nợ công cũng có ngày đáo hạn và ảnh hưởng của sự vay mượn và thanh khoản nợ công khá phức tạp. Do đó, sơ lược của lý thuyết kinh tế vĩ mô về ảnh hưởng đến nền kinh tế của tác nghiệp vay/trả của nợ công sẽ được trình bày để giải thích ảnh hưởng nợ công trên nền kinh tế.

Sau cùng, tương lai là sự nối tiếp của phần nào đó của ngày qua và những gì đang xảy ra ngày nay. Do đó, để hình dung một bức tranh, dù chỉ khiêm nhường là một bức tranh thủy mặc, về Việt Nam trong những tháng năm tới thì thực tại hay cái “Đây” hiên tại của Việt Nam cần phải xác định. Tổng quan hay tóm lược của những thay đổi và biến động, đã và đang xảy ra, trong cộng đồng thế giới cũng như tại Việt Nam, nhất là khởi đầu và diễn biến của cuộc thương chiến Mỹ-Trung, sẽ giúp nhận diện cái “Đây” hiện tại của Việt Nam là “Đâu”.

Cái “Đây” hiện tại của Việt Nam cho thấy vì các nguyên do di truyền của chủ thuyết cộng sản, tham nhũng tại Việt Nam là bất trị. Thêm vào đấy, các vấn đề dân quyền, nhân quyền, và công đoàn độc lập đặt Chủ Tịch Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam trước hai lối rẽ. Trên bất cứ lối rẽ nào quyền lợi cũng như sự trường tồn của đảng cộng sản trong hình trạng và với quyền lực hiện nay và mức độ cải thiện của phúc lợi của dân tộc Việt luôn biến nghịch chiều.

Nếu để được tiếp tục hội nhập vào cộng đồng thế giới thì phải tôn trọng dân quyền, nhân quyền, tự do ngôn luận, công đoàn độc lập và những cải sửa khác như Việt Nam đã cam kết. Kết quả là quyền tự do ngôn luận sẽ giúp phơi bày những hành vi tham nhũng và sai trái của đảng cũng như những hành vi từ chủ thuyết “hướng tôi, kê tính, và chọn đối tác để phát triển” của quan chức chính quyền; công nhân sẽ có công đoàn độc lập yểm trợ cùng với những thành phần bị đàn áp hay bị lợi dụng sẽ đứng lên đòi quyền lợi chính đáng của họ.  Kết quả là quyền lực của đảng cộng sản sẽ bị sói mòn, tạo bất ổn chính trị, điều mà người cộng sản rất lo ngại vì nó có thể đe dọa sự hiện hữu của đảng cộng sản trong hình trạng và với quyền lực ngày nay. Trong khi đó, phúc lợi về nhiều mặt của hơn 90 triệu người Việt sẽ được cải thiện.

Ngược lại, để bảo vệ quyền lực của đảng cộng sản, và cũng có lẽ đây là một trong các lý do mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn lưu lại ôm Tổng Bí Thư, đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam sẽ không tôn trọng dân quyền, nhân quyền, tự do ngôn luận, và công đoàn độc lập; thắt chặt tự do báo chí; và tiếp tục đàn áp các cuộc đứng lên tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của người dân và công nhân. Hệ quả là các cải sửa cần thiết khác để phát triển kinh tế và gia tăng phúc lợi xã hội cho người Việt sẽ không thể thực thi. Việt Nam sẽ bị cộng đồng thế giợi lên án vì vi phạm nhân quyền và CPTPP và EU-VFTA sẽ bị đình chỉ, vì Việt Nam đã không tuân thủ những điều họ cam kết trong các hiệp thương của thế hệ thứ hai này. Điều này cũng sẽ sói mòn khả năng độc quyền chính trị của đảng và mất đi sự trung thành của nhóm lợi ích khi cơ hội cho “hướng tôi, kê tính, và chọn đối tác để phát triển” không còn nữa. Trong khi đó, Việt Nam sẽ khó tránh bị nhiễm bệnh Hà Lan, bị sập bẫy thu nhập trung-bình, thậm chí còn rơi vào bẫy Malthus.

Do đó, có lẽ người dân Việt Nam cần chuẩn bị đứng lên để nhắc nhở đảng cộng sản Việt Nam về sức mạnh của thành phần cơ cực và đang bị lợi dụng, nếu họ không chọn đúng ngã rẽ. Đồng thời cũng để nhắc nhở cộng đồng thế giới rằng đảng cộng sản Việt Nam không đại diện cho người Việt và cũng không phải là nước Việt Nam.

Một cơ hội có thể rất hiếm mà cuộc thương chiến Mỹ-Trung có thể mở ra cho Việt Nam là cơ hội để xây dựng một thể chế thích nghi với Viêt Nam và các yếu tố địa chính trị của nước nhà; tuy nhiên, dân tộc Việt Nam có thể hay có cơ duyên để nắm bắt cơ hội này hay không vẫn là câu hỏi. Tùy sự khôn khéo của dân tộc, hình thức mà cuộc thương chiến Mỹ-Trung kết thúc, thể chế mới có bất cứ hình thức nào, ngay cả thể chế trung lập mà ít khi được nhắc đến là thể chế trung lập của Phần Lan (Finlandization). Vì thể chế trung lập này ít khi được nhắc đến nên nguyên nhân và quá trình hình thành của thể chế này sẽ được tóm lược nơi đây.

Chu Van Nguyen - Nguyễn Phi Hiệp - Nguyễn Bá́ Lộc

_________

(1) “Hướng tôi, kê tính, và chọn lựa đối tác để phát triển”: “hướng tôi” là chỉ triển khai và thực thi dự án mà tôi có thể bòn rút để ăn chia; “kê tính” là danh từ “mới” của kinh tế,  cung cấp dịch vụ hay sản phẩm trị giá x đồng, làm hoá đơn (x+y) đồng, để có y đồng cho công tác bôi trơn và ăn chia; đồng thời, “chọn đối tác để phát triển” là chỉ hợp tác với bất cứ đối tác nào mà “tôi” có thể hướng tôi và kê tính, bất kể sự tồn vong của đất nước hay số phận cũng như phúc lợi dân tộc.

 


Cái Đình - 2021