Long Lanh Màu Trời


***

Tiểu sử tác giả

Hoàng Quân

Tên thật: Hoàng Thị Ngọc Thúy. Hoàng Quân là tên của con trai.

Gia đình người Huế.
Đã sống ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Sài Gòn.

1978-1981: sinh viên khoa Anh Văn, Đại Học Sư Phạm, Sài Gòn.

Từ năm 1982 định cư ở Đức Quốc.
Sống ở Duisburg, Heilbronn, Wolfhagen, Arolsen, Munich, Berlin, Bad-Nauheim.

Năm 1995 tốt nghiệp đại học Wolfgang Goethe Universität, Frankfurt am Main, ngành Quản Trị Kinh Doanh.
Làm việc trong lãnh vực tài chánh cho đến nay, đã đi công tác tại hơn 30 quốc gia của ba lục địa: Á, Âu và Phi Châu.

Đã cộng tác với các báo: Măng Non, Văn Nghệ Trẻ (Đức Quốc); Viết & Đọc (Na- Uy); Tin Văn (Pháp); Làng Văn (Gia-Nã-Đại); Thế Kỷ 21, Phụ Nữ Diễn Đàn, Diễn Đàn Thế Kỷ, Saigonocean... (Hoa-Kỳ)
Đã xuất bản: Bông Hoa Trên Phím (truyện ngắn, 2015); Nhớ Tiếng À Ơi (truyện ngắn, 2016, tái bản 2018), Đứng Ngẩn Trông Vời (2018).

Thành viên Exil-P.E.N. (Đức)

.

Long Lanh Màu Trời, hay lá thư gửi vào Không

Long Lanh Màu Trời, tựa một đoản văn tự sự, được Hoàng Quân chọn dùng làm tựa cho cuốn tuyển tập thứ tư của riêng mình, sau Bông Hoa Trên Phím (2015), Nhớ Tiếng À Ơi (2016) và Đứng Ngẩn Trông Vời (2018).

Long Lanh Màu Trời gồm mười bốn đoản văn thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, tùy bút, ký, tường thuật sinh hoạt…. Phần lớn, chúng được viết trong khoảng thời gian từ 2017 tới 2020. Tuy nhiên, Long Lanh Màu Trời không phải là một tiếp nối của ba tuyển tập đã ra mắt, mà là một chọn lọc đặc biệt. Những đoản văn trong tuyển tập này vẽ lên những nét chính trong cuộc đời của tác giả. Từ những ngày thơ mộng của thời học sinh tại một tỉnh nằm chính giữa Việt Nam. Đến những ngày vì hoàn cảnh đã phải lìa bỏ quê, trôi nổi trong cuộc đổi đời. Rồi cuộc sống trên một đất nước hoàn toàn xa lạ, lạ từ khí hậu, con người cho chí ngôn ngữ. Và xuyên qua đó là những phấn đấu, những vui buồn, những phút ấm lòng pha trộn hãnh diện khi đã tạo dựng được chút ít thành quả nhỏ nhoi. Hoàng Quân, qua Long Lanh Màu Trời, cho người đọc cơ hội lướt qua những trải nghiệm vui buồn của một người Việt lưu vong, vài sinh hoạt sách báo hiếm hoi đặc sắc của người Việt hải ngoại tại Đức mà ít người biết tới, và cảm được những gì tác giả muốn nhắn gửi.

Những mẩu chuyện của Hoàng Quân trong tuyển tập này phần lớn là những câu chuyện thật, với người thật và cảnh thật. Cả năm sinh, tên tuổi, thân thế gia đình, công việc… của tác giả cũng là những chi tiết rất thật (Khi Mười Bảy Tuổi, Long Lanh Màu Trời, Biếc, Măng Non, Hồn Việt giữa trời Âu và Văn Bút Lưu Vong v.v.). Qua Long Lanh Màu Trời, người đọc được đồng hành với Hoàng Quân qua từng chặng đường tác giả đã đi qua, cùng chia sẻ tâm tình với tác giả qua những hồi ức. Từ Quảng Ngãi, nơi có hiệu sách nhà – nơi đã cho tác giả tìm thấy niềm vui thú trong những cuốn sách, từ loại dành cho Tuổi Hoa Tuổi Ngọc để rồi theo thời gian lên tới những tác phẩm và dịch phẩm nổi tiếng. Nơi có quán cà-phê Uyên, với mấy chị em ngồi quầy làm đích ngắm cho những chàng trai mượn cớ này cớ nọ để lui tới. Nơi đó có cô bé “mắt to như mắt bò” (Đếm Sao) thầm lặng nhìn khách đến rồi đi – rồi trở lại nhiều lần, có lẽ cũng chẳng vì mình đâu, cô nghe những chuyện họ trải lòng ra với nhau mà trong lòng không mấy vấn vương. Để rồi, nhiều năm qua đi, giờ đây nơi một thị trấn nhỏ miền Trung Đức quốc, bắt nguồn những mối duyên văn nghệ tình cờ đến từ khắp nơi như món quà kỳ diệu trời ban cho trong cuộc sống, cô bé đó đã ôn lại chuyện cũ, tìm tòi và trực nhận ra những gì đã âm thầm theo mình suốt nhiều năm. Những dấu mốc quá khứ đã được trải ra trên từng mẩu chuyện tưởng như hồn nhiên nhưng luôn bàng bạc một không khí lãng đãng mơ về nơi chốn cũ, để đúc lại thành cuốn tuyển tập này, như một cuốn album mà thay vào những bức ảnh là những bài thơ, những kỷ niệm đã có được với những bạn ‘trong đời thực’ và những bạn ‘văn’ chỉ qua trao đổi điện thư, điện thoại.

Hơn một nửa tuyển tập đã được Hoàng Quân viết về những mối liên lạc tình cờ như thế. Có khi qua công việc, có khi từ sinh hoạt sáng tác, nhưng cảm động nhất là những khi bắt được liên lạc một cách không ngờ với những người tưởng đã mất biệt, một phần nhờ thế giới đã thu nhỏ lại, phần khác do những sinh hoạt viết lách đã đưa tên tuổi mình đi xa. Hoàng Quân đã dành nhiều trang giấy để nhắc đến những văn nhân thi sĩ Quảng Ngãi như các nhà thơ Nguyễn Minh Phúc, Trầm Thụy Du, Trần Quang Đoàn, Dương Phi Hoành…, nhạc sĩ Dương Quang Hùng v.v.. Xen vào đó là những phút vui nhận được bài thơ thay món quà tặng, những thành quả khiêm nhường đạt được trong bước đường hội nhập vào xã hội mới, cũng được Hoàng Quân chia sẻ trong những bút ký trong tuyển tập.

Với chặng đường dài sáng tác nhiều thập niên, không thể nói Hoàng Quân là một nhà văn trẻ. Nhưng ngòi bút Hoàng Quân, từ mấy chục năm, vẫn như vậy, vẫn mang vẻ nghịch ngợm rất dễ thương của lứa tuổi hai mươi, ba mươi. Vẫn là những lượm lặt đây đó vài điều nho nhỏ thường ngày để thành gia vị làm đậm đà thêm câu chuyện. Những cảm nghĩ trong những truyện sau này của Hoàng Quân có thể sâu sắc hơn, truyện có thể được bố cục chặt chẽ hơn, nhưng sự ví von đậm chất dí dỏm trong những câu văn hồn nhiên đầy chất ‘Hoàng Quân’ vẫn luôn dầy đặc trong từng truyện. “Nhạc ‘thính phòng’. Tức là tai phải thật thính, tách những âm thanh nổi mấy chiều của xe cộ xuôi ngược” (Tình Xưa). “Anh gọi là thư, nhưng chỉ vẻn vẹn bài thơ. Chứ không có chữ nào, để bài thơ thành lá thư” (Nhớ Một Vầng Trăng). “Anh gọi cô là chó con, mèo con, dù anh biết cô là chuột con” (Khi Mười Bảy Tuổi). Người đọc bắt gặp những đoạn này, có thể tạm gấp sách lại và cười một mình. Thế đó.

Và đặc biệt nơi truyện của Hoàng Quân là tác giả đã khéo léo dùng nhạc để gợi nhớ, để chuyên chở tình cảm, tâm tư của mình. Mỗi bản nhạc rõ ràng là một dấu mốc cho những kỷ niệm, bây giờ trở thành hoài niệm. Trong ngăn ký ức của Hoàng Quân không những đầy sách, truyện, và thơ, mà còn chứa đủ mọi thể loại nhạc: từ những bản nhạc trong tuổi học trò, tuổi mộng mơ… cho tới chuyện yêu đương, chia lìa. Từ nhạc tiền chiến cho tới những bản mới nhất. Nhạc Việt vẫn chưa đủ, còn thêm nhạc Anh (Khi Mười Bảy Tuổi), Mỹ (Tình Xưa), Pháp, Đức (Tình Xưa)… Như Hoàng Quân đã thố lộ trong một truyện của tuyển tập: “Tôi đã nhiều lần tương tư bài hát, cả nhạc Việt lẫn nhạc ngoại quốc”, nhạc đã thành một giòng suối chảy suốt qua những hàng chữ, cùng với thơ tạo nên cái hồn sống động cho từng truyện. Trích dẫn nhiều, nhưng đúng lúc. Có những truyện đã được Hoàng Quân nhét vào, ngoài thơ, có tới 7 bản nhạc (Lá Thư Mùa Xuân) được dẫn, hoặc gần chục câu thơ, nhạc (Chuyện Ba Người, Đếm Sao). Hiếm có – hoặc có lẽ đúng hơn, chưa có – một nhà văn nào có thể mang được những bản nhạc vào trong tác phẩm ‘không viết về nhạc’ như Hoàng Quân đã làm suốt nhiều thập kỷ. Đó là dấu ấn Hoàng Quân đã để lại trong mọi sáng tác. Nếu người thưởng lãm nghệ thuật có thể nhận ra ngay những tác phẩm điêu khắc của Botero, những nét cọ của Đinh Cường, thì người đọc, không cần tinh ý lắm, cũng sẽ nhận ra ngay cái nét rất riêng này của Hoàng Quân. Đó là điều những người sáng tác mong muốn, nhưng không phải ai cũng có thể đạt được.

Một điểm nổi bật khác trong Long Lanh Màu Trời là Hoàng Quân đã dành nhiều đoản văn trong tuyển tập để viết về quê mình – Quảng Ngãi, với “Sông Vệ, Thu Xà, Ba Gia…”, nơi lưu giữ nhiều hình ảnh về gia đình, có ba mạ, có bạn bè, nhất là những người đã có cái ‘duyên văn nghệ’ nào đó (thường là thầm kín) với tác giả. Hoàng Quân đã nhắc đến nhiều người trong số đó, như một tri ân dành cho những người còn sống, và như một bó hoa đẹp dành cho những ai đã thanh thản ra đi: “…dù hình ảnh còn lại trong trí về anh chỉ còn đôi nét mờ ảo, mơ hồ, cô vẫn thật xúc động, khi biết tin anh qua đời…” (Tập Làm Văn). Dường như qua Long Lanh Màu Trời, tác giả muốn gợi lại cho những người cùng quê một chút hồi ức để họ có dịp tưởng nhớ lại một thời đã xa, xa lắm.

Vậy thì cứ cho Long Lanh Màu Trời là lá thư Hoàng Quân gởi vào Không, mong rằng qua đó tác giả sẽ tìm được nhiều người đồng điệu.

Nguyễn Hiền

 


Cái Đình - 2019