Nguyễn-Bảo-Tụng


Lời giới thiệu

 

Tem bưu chính còn giá trị hơn những biên nhận dùng để trả bưu-phí. Các chính phủ phát hành tem để mừng lễ lịch-sử, tôn vinh các vị anh hùng, mô tả thắng cảnh của quốc-gia và phong tục, ghi lại những biến cố kỷ niệm, phát động các chương trình chính trị, quảng bá thành tích của chính quyền.

Tem thư, tượng trưng hình ảnh của xứ sở, danh lam thắng cảnh cũng như những biến cố mang tính cách lịch-sử, thu gọn vào trong một tấm hình nhỏ, đi khắp năm châu, từ những kinh thành hoa lệ đến những thôn xóm bùn lầy nước đọng. Tem thư, có thể nói là sứ giả của nghệ thuật, lịch-sử, tôn giáo... Dưới con mắt nhà sưu-tập, tem thư lúc nào cũng có một sức quyến rũ, những bức tranh tuyệt diệu, tiềm ẩn một lịch-sử.

Từ đảo Tích Lan (Sri Lanka), đến những hòn đảo của xứ Thái Dương Thần Nữ và trong các miền rộng lớn của lục địa Á Châu, hàng trăm triệu con người, có thể nói trên bảy trăm triệu, tin tưởng vào một tôn giáo từ bi, hòa bình gọi là Phật-Giáo.

Nói đến "Lịch-sử Phật-Giáo qua tem bưu chính" tức là nói đến "tinh hoa của đạo Phật". Thật vậy, tất cả lịch-sử của Phật Tổ, từ lúc Đản sinh tại vườn ngự uyển Lâm-Tì-Ni (Lumbini, Nepal) đến khi ngài "được toàn giác" (Enlightement) hay "Đắc Đạo" tại Bồ-Đề-Đạo-Tràng (Bodh Gaya) tại khu rừng Uruvela, trên bờ sông Nairanjana (Ấn Độ) được diễn tả một cách tinh vi trên những tem tuyệt diệu.

Tác giả Trần-Thanh-Lý, một Phật tử thuần thành, một nhà sưu tập tem say mê, đã đóng góp công đức vô lượng trong việc sưu tập tem chuyên đề Phật-Giáo, qua nhiều năm tháng, đã dày công khảo cứu sâu xa về lịch-sử của mỗi con tem chuyên đề này.

Mặc dù tem bưu chính chỉ mới phát hành 155 năm (06-05-1840) – 2000), nhưng hàng ngàn con tem mô tả đời sống của Phật Tổ, những nơi linh thiêng của Phật-Giáo, những công trình kiến trúc vĩ đại của Phật-Giáo như chùa Swhedagon (Miến Điện - Burma, ngày nay là Myanmar), chùa Borodubur và khu phế tích Phật-Giáo (Nam Dương - Indonesia), vết tích Phật-Giáo tại Đế Thiên Đế Thích (Monuments of Angkor, Cam-bu-chia), v.v.

Ngoài ra, tác giả còn đặc biệt chú trọng đến các danh nhân Phật-Giáo, từ thầy Huyền Trang (Hiunsan-tsang) đến các vị Tổ Sư (Patriarchs), Tôn Giả (Venerables), La Hán (Arhats), Bồ Tát (Bodhisatvas).

Từ Bắc vào Nam, tác giả còn đưa độc giả thăm viếng:

– Những ngôi chùa cổ danh tiếng: Chùa Một Cột (2) (1957), (1968) tại cố đô Thăng Long, gác chuông chùa Keo Thái Bình, Nam Hà (1968), Cầu Có Mái (Chùa Thầy - Hà Sơn Bình) (1968), tam quan chùa Ninh Phúc, Bắc Ninh, Hà Bắc (1968), chùa Tây Phương, trước thuộc tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội (1968). Thập Bát La Hán và Tôn Giả chùa Tây Phương (1971), (1978). Các loại tem trên do miền Bắc Việt Nam phát hành.

– Tháp Thiên-Mụ, Huế (1959), (1974) loại Du Lịch, loại tem Phật-Giáo (1965) với các đề tài: Lửa từ bi, bông sen và bản đồ thế giới, Pháp Luân và cờ Phật-Giáo. Các loại tem này do miền Nam Việt Nam phát hành.

Qua tác phẩm Lịch Sử Phật-Giáo Qua Tem Bưu Chính, tác giả đã thành công trong việc giới thiệu một đề tài mới mẻ, lịch-sử Đức Thế Tôn và những giáo huấn từ bi của Ngài trên những con tem bưu chính quốc nội và quốc tế, được phổ biến trên toàn thế giới. Như nhà văn Pháp Jacques Leblanc đã viết: "Le timbre-poste est le reflet de la conception artistique d' un pays à une époque précise" (Tem bưu chính là phản ảnh quan niệm nghệ thuật của một quốc gia trong một thời gian nhất định).

Đầu Xuân Canh Thìn, ngày 14-02-2000

 

Nguyễn-Bảo-Tụng
Nhà sưu tập bưu hoa và tiền cổ (Richmon, C.A., U.S.A.)

_____________

Chú thích:

(1) Số trong ngoặc là năm phát hành tem.

******

 

Đôi hàng về tác giả

- Trung Học Võ Trường Toản, Sài Gòn (1956-1963).
- École Polytechnique (Université de Montréal).
- Kỹ sư Công Chánh - 1970
- 10 năm trong ngành xây cất (trong các văn phòng  Kỹ Sư Cố Vấn).
- 30 năm trong Công Ty Điện Lực Hydro-Québec, Montréal, Québec (Canada).

Phụ giúp việc sửa chữa, dựng cơ cấu, xây cất chùa và tu viện, đặt nền móng cho các tượng Phật, Bồ Tát trong chánh điện và ngoài sân của nhiều chùa ở thành phố Montréal (Québec) và các vùng ngoại ô, cùng vài chùa ở thành phố Toronto (Ontario).

Thiết kế cơ cấu xây dựng Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Quân-Lực Việt-Nam Cộng- Hòa và Đồng Bào Vượt Biên Tử Nạn, do Hội Bảo Vệ Di Sản Việt Nam thực hiện tại thành phố Montréal (Canada) nă 2008.

Bài viết về Bưu Hoa Phật Giáo đã đăng trong các tập san:

- PHÁP ÂM (Giáo Hội PGVN Trên Thế Giới - Montréal).

- CỬA THIỀN (Thiền Viện Linh Sơn - Montréal).

- VIÊN GIÁC (Kiều Bào và Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Đức).

- PHÁP ÂM (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Na Uy).

Hiện sống cùng gia đình tại Brossard, Québec (Canada).

Địa chỉ E-mail: tran-thanh@sympatico.ca.

 

******

Một số tem trong tác phẩm

 

 

 

Đông Dương (Indochine)

Ngày phát hành: 12-06-1939, nhân dịp Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế
tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1939.

* Ba tem in hình Chùa Một Cột:
Tem 6 cent- màu đen lợt
Tem 9 cent - màu cam
Tem 23 cent - màu xanh dương

 

 

 

 

Việt Nam

Ngày phát hành: 15-05-1965
Nhân dịp đại lễ Phật Đản
* Hoa sen trắng
Màu xanh - giá tiền 1,5 đồng

 

 

 

 

 

Việt Nam

Ngày phát hành: 15-05-1965
Nhân dịp đại lễ Phật Đản
* Hình Pháp Luân với 12 căm tượng trưng cho Thập Nhị Nhân Duyên, bên cạnh là ánh lửa từ bi, mầu nhiệm của Phật Pháp.
Màu đỏ - giá tiền 0,5 đồng

 

 

 

 

 

Việt Nam

Ngày Phát Hành 15-05-1959
Nhân dịp đại lễ Phật Đản
* Hình Chùa Thiên Mụ, thành phố Huế
Màu tím - giá tiền 4 đồng

 

 

 

 

A Phú Hãn

Ngày phát hành: 21-03-1951
* Hình tượng Phật đứng khổng lồ tại Bamiyan lúc còn nguyên vẹn
Màu xám - giá tiền 15 poul

 

 

 

 

 

 

Thái Lan

Ngày phát hành: 05-12-1988
* Hình tượng Phật đứng trên đài sen, trong thủ ấn Giáo Hóa
Màu xanh và đen - giá tiền 6 baht

 

 

 

 

 

 

 

Việt Nam

Ngày phát hành: 20-06-1997
* Chùa Láng
Nhiều màu - giá tiền 400 đồng

 

 

 

 

 

 

 

 

Mông Cổ

Ngày phát hành: 01-05-1991
* Tượng Đức Quán Thế Âm Bố Tát đứng trên đài sen
Màu xám và vàng - giá tiền 40 mung

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ai Lao

Ngày phát hành: 30-03-1970
* Chuông
Màu cam và nâu đậm - giá tiền 125 kip

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhật Bản

Ngày phát hành: 10-01-1989
* Hình tượng Đức Dược Sư
Màu xám đậm và tím - giá tiến 100 yen

 

 

 

 

 

 


Cái Đình - 2013