Khi Ta Về
***
Lời bạt
.
Mười năm đã qua. Nhưng những ước mơ cho phần đất đã để lại đằng sau vẫn còn đó. Thời gian dường như không thể đốt cháy niềm tin của Ngày Trở Về chảy rã mà trái lại, có vẻ như kéo những ươm mơ lại gần nơi chốn hiện thực hơn. Mặt trời mười năm tỵ nạn phải chăng đã soi thủng lớp sương mù tàn tích biến cố cuối tháng Tư?
Mười năm. Một khoảng thời gian khá đủ để hun đúc rồi cưu mang và dọn ngày đẻ đau cho một ý thức mới về cuộc chiến đã và đang tiếp diễn ở chốn cũ hình chữ S?
Ɖã đến lúc mà cõi hỗn-độn-bạn-thù bỗng mở toang cánh cửa tỵ hiềm, chụp mũ lẫn nhau để lồ lộ hiện ra chỉ toàn những khuôn mặt anh em da vàng - những con chung của bọc Mẹ trăm trứng.
Cuộc chiến tạm nghĩ ở ngày định mệnh 30 tháng Tư dường như mở ra một trang sử mới. Mặc dù miền Nam đã gẫy đổ và đất Bắc vỡ đi niềm tin nhưng bù lại, biến cố ấy có lẽ đã thu nhỏ giới tuyến giao tranh của cả hai miền. Gương mặt của kẻ thù không còn nằm trên tất cả khuôn mặt của phe bên kia nhưng chỉ còn vật vờ một thiểu số.
Ta đã đếm bọn trung ương phản quốc
Già trẻ béo gầy chưa quá một trăm
Chúng phải tắm gội ăn năn vứt đi ngoại lai ngụy thuyết
Có ích gì bắn giết vô tội vạ tất cả những người anh em mình với đôi mắt nhắm và bằng những viên đạn mủi gươm căm giận u mê?
Ɖất nước ta đã dư thừa thù hận
Tráng sĩ về
- nhớ -
bắn đạn yêu thương
Dĩ nhiên những viên đạn yêu thương nầy chỉ dành cho những người cũng muốn được yêu thương. Những anh công an bộ đội bao năm nay miễn cưỡng thi hành sắc lệnh ban ra từ một lũ người lãnh đạo đã hóa thú. Những bà mẹ, ông cha ngây thơ tin tưởng lầm chế độ.
Mười năm. Tâm thức Việt mới mẻ này đã bắt đầu nhuận sắc qua những sáng tác văn nghệ ở hải ngoại. Như những chiếc lá non mỗi ngày sẽ xanh thêm. Sứ mạng cao quý của văn nghệ đã tìm lại được một trong những sinh phong ban đầu thổi bừng khai phóng. Xin dùng nơi đây từ của người xưa: “Văn dĩ tải đạo”.
Ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bắc lại cây cầu cảm thông Nam-Bắc, cũng như bạn bè văn nghệ ở xứ người, Nguyễn Khảng đã dám “đẻ đau” cái mà anh “mang nặng”. Khi Ta Về ra đời. Như một đóng góp vào cuộc chiến của chúng ta hôm nay. Cũng là viên đá xây đắp lại “Cái Ɖình”cho gần 5000 năm văn hóa lãng đãng. Và cũng để cho mình. Bởi vì làm thơ và xuất bản tập thơ phải chăng vẫn là ước mơ thầm kính và nhiều đam mê nhất của người theo đuổi nghiệp cầm bút?
Ý thức lớn dần theo mười năm xuôi ngược áo cơm xứ lạ đã hằn lại dấu chân trên nội dung của những bài thơ trong tập này. Xuyên qua những mốc thời gian trên đường tạm dung, những đoạn thơ đóng vai trò diễn lại bước đi của quá trình tâm thức trên đá sỏi nhọn.
Ɖể từ đó cõi thơ của Nguyễn Khảng hóa thành một con đò nhẫn nại chấp nối đôi bờ bến nước.
Ɖương nhiên cái nhìn của anh - một người lính - vẫn có những nét đặc thù riêng biệt về trận chiến đã và đang qua. Ɖôi khi ray rứt về số phận của những người còn lại. Ɖôi khi niềm tủi thân của một kẻ mang kiếp sống gởi. Nhưng hãy tưởng tượng niềm vui của anh. Khi một hôm chợt biết lòng thù hận giữa hai miền dần dần tan biến và kẻ thù chỉ còn là một thiểu số u mê ngoan cố chủ nghĩa.
Có hạnh phúc nào hơn khi một ngày bỗng thấy hoa lá bắt đầu mọc từ trên đầu những ngọn súng xưa nay chỉ quen khạc đạn đỏ xanh và từ những sợi dây kẽm gai xưa nay vẫn cuốn bầm đất Mẹ?
Thiết nghĩ, những bài thơ - đọc theo trình tự riêng của tác giả - tự nó sẽ tạo thành một kết luận cho người đọc về chính tập thơ này.
Nguyễn Thanh Hùng