Cái Đình


Mạng văn học talawas bị tường lửa Việt Nam chặn

Từ ngày 27.5.2004, email của độc giả talawas từ Việt Nam đã dồn dập gửi đến toà soạn và bạn bè khắp nơi để thông báo và bày tỏ thắc mắc, lo ngại... về việc ở Việt Nam không vào được talawas nữa.

Dư luận chung ở Việt Nam cho rằng talawas đã bị tường lửa.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tỏ thái độ cứng rắn với một diễn đàn thuần văn hóa văn học, trong đó một phần không nhỏ là những bài viết của chính ngay những nhân vật nổi tiếng trong giới văn học ở Việt Nam.

Ngày 21/06/2006 talawas, trong một thông cáo chính thức, đã viết rằng:

“Theo các nguồn thạo tin nội bộ, trong buổi giao ban báo chí hằng tuần ở Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương ngày 16.6.2004 tại Hà Nội, ông Nguyễn Khoa Điềm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, đã xác nhận việc talawas bị ngăn chặn tại Việt Nam.
Lí do được nêu là: talawas có tham vọng và đã can thiệp ngày càng sâu vào những hoạt động văn hoá xã hội tại Việt Nam.
Một số ví dụ được dẫn ra là:
• Việc đăng những bài xung quanh phim “Kí ức Điện Biên” tháng 5.2004,
• Việc đăng bài tường thuật buổi đọc văn và giao lưu với độc giả của nhà văn Bùi Ngọc Tấn ngày 28.5.2004 tại trụ sở Viện Goethe Hà Nội,
• việc đăng bài tham luận của nhà phê bình Lại Nguyên Ân cho hội thảo về lí luận phê bình văn học do Viện Văn Học tổ chức tại Hà Nội ngày 27.5.2004;
• và việc đăng những bài xung quanh “sự kiện Hoa Thủy Tiên”.
Báo chí và các cơ quan truyền thông tại Việt Nam được yêu cầu không đưa tin và bình luận về sự việc này".

talawas (www.talawas.de) là một diễn đàn và tạp chí văn hóa xã hội. Lên mạng từ đầu năm 2002, chỉ trong vòng hai năm, talawas đã trở thành một trang mạng nổi tiếng trong giới văn học Việt cả trong và ngoài nước. Trong thời gian đầu, nhiều người Việt hải ngoại có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với trang web, vì họ cho rằng người Tổng biên tập, nhà văn Phạm Thị Hoài là một người ‘sinh ra và sống trong lòng chế độ’ ắt sẽ có những nhận định thiên lệch, thân Cộng... Tuy nhiên, những bài nhận định và bình luận chung quanh những chủ đề văn hóa, văn học, xã hội thật mới như ‘Thế hệ @’, ‘Đồng tính luyên ái’, ‘Mỹ thuật hiện đại và hậu hiện đại’... đã dần dần làm mờ đi sự nghi kỵ. Trang web đã nhận được sự đóng góp của nhiều cây bút tên tuổi, nhất là của một số người từ trong nước có những suy tư ‘độc lập’, 'tiến bộ'. talawas được đánh giá là trang web văn hóa văn học có giá trị cao và là một trong những trang web của người Việt phát triển nhanh nhất ở hải ngoại.

Nhưng sự mở rộng đã đưa tranh luận đến những lãnh vực mà nhà nước Việt Nam cho là ‘cấm kỵ’, như những phê phán, nhận định về (sự hạn chế) tự do ngôn luận, báo chí tại một số quốc gia. Tuy nhiên, ít người nghĩ rằng nhà nước Việt Nam sẽ có biện pháp cứng rắn đối với talawas. Cũng rất có thể, giới hữu trách lo ngại talawas đang trở thành một thế lực văn hoá, tinh thần trong xã hội Việt Nam, mà chính xác hơn, trong giới trí thức Việt Nam. Họ lo rằng đây đang là nơi tập hợp của những tiếng nói tâm huyết, những tiếng nói độc lập (hay có phần độc lập) mà không phải là sự hòa giọng cùng, hay từ một trung tâm phát ra duy nhất. Bức tường lửa dựng lên ngay sau khi báo Văn Nghệ (Việt Nam) phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin Đỗ Quý Doãn về việc quản lý internet vào cuối tháng 5/2004 (1) làm nhiều người nghĩ rằng hai sự việc này có liên quan với nhau. Có một điều chắc chắn: một khi lệnh cấm đã ban thì khó mà bỏ. Ngoài ra bức tường lửa sẽ đặt cho một số người phải ở thế chọn lựa, và trong hoàn cảnh này, người cầm bút thường có chọn lựa chung là tranh đấu cho sự tự do của ngòi bút và tư tưởng.


_______________

(1) Trích bài phỏng vấn:

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay có khá nhiều trang Web của những người Việt sống ở hải ngoại, những trang Web này thực chất là những tờ báo không cùng quan điểm chính trị hay văn hoá với Chính phủ trong nước ví dụ như Talawas… ông suy ngẫm thế nào về vấn đề này?

Đỗ Quý Doãn: Mạng Internet là mạng toàn cầu. Mọi người đều tự do truy cập các trang Web và tiếp cận tất cả mọi thông tin. Nhưng việc xử dụng thông tin đó như thế nào lại thuộc về ý thức của từng người. Hiện nay có rất nhiều mạng có nhiều quan điểm khác với ta, có mạng chống đối ta và có mạng cực kỳ xấu. Ta không thể ngăn chặn mà ta phải đưa ra quan điểm của ta có tính thuyết phục cao. Ta phải chứng minh được cái xấu, cái cực đoan hay sự thù địch ở một trang Web nào đấy để người dân hiểu. Ví dụ như Talawas từ Đức thì làm sao chúng ta có thể ngăn chặn được. Chúng ta chỉ có thể cung cấp thông tin và đưa ra quan điểm đúng đắn của mình để những người truy cập nhận ra đúng sai mà thôi. Khi chúng ta đưa ra nhiều điều tốt đẹp thì những cái xấu sẽ tự phải mất đi.


Cái Đình - 2004