Tâm Tịnh An


Việt Nam du ký

.

Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm… Đó là câu hát nói lên nỗi ước mơ được đi thăm đất nước sau khi hết chiến tranh của người dân Việt. Thế mà mãi hơn bốn mươi năm sau ngày hòa bình tôi mới thực sự làm được một chuyến du lịch VN, mặc dù đã về VN nhiều lần.

Tour xuyên Việt Saigon - Đà Nẵng - Hội An - Huế - Hà Nội - Hạ Long 7 ngày 6 đêm bắt đầu bằng chuyến bay sớm từ Saigon, đến phi trường Đà Nẵng lúc 7 giờ sáng. Cô cháu nhỏ cùng với gia đình nhỏ của cô đã chờ sẵn, tách ba chúng tôi ra khỏi đoàn du lịch để đưa chúng tôi đi chơi riêng. Có thực mới vực được đạo, trước hết cô đưa chúng tôi đến quán Madame Lân ăn mì quảng, xong rồi mới đi chùa Linh Ứng với tượng Phật Quan Âm trông ra biển. Chùa rất đẹp và rất đông du khách đến chiêm bái, nhưng dường như đây không phải là nơi tu học của các tu sĩ. Sau đó chúng tôi lên đường đi Bà Nà Hills. Khu nầy ngày xưa là nơi nghỉ mát của Tây. Khi Tây bị đuổi về nước thì nơi nầy bỏ hoang một thời gian dài, cho tới khi có người nhận ra vẻ đẹp của nó và đầu tư khai thác thành khu giải trí, du lịch. Bà Nà có hệ thống cáp treo dài nhất thế giới (?), tiếc là hôm ấy sương mù dày đặc, thỉnh thoảng mới lóe lên được một chút để thấy một rừng cây xanh biếc với nhiều bông hoa lạ. Cảnh đồi núi ở đây thật đẹp. Lên tới đỉnh núi thì đây là một “làng Tây”, rất đẹp, rất dễ thương, và rất… Tây. Có nhiều quán cà phê lịch sự, sang trọng, nhiều khu giải trí dành cho trẻ em, có khách sạn cho người ở lại… Nói chung, đây là một khu du lịch giải trí có tầm cỡ. Dĩ nhiên là khi có bàn tay và dấu chân con người thì thiên nhiên không khỏi bị xâm phạm.

Tượng Phật Quan Âm tại chùa Linh Ứng (trái) và Bà Nà Hills (phải)

Rời Bà Nà, cô cháu nhỏ đưa chúng tôi đi ăn bánh nậm, bánh bèo, bánh bột lọc, đặc sản của Đà Nẵng. Quán rất ngon, đông khách và sạch sẽ. Sau đó cô đưa về nhà nghỉ trưa và tôi ngủ một giấc thật ngon lành. Đến chiều, cô đánh thức mọi người dậy để đi Hội An. Vào đến Hội An mới thấm câu nói Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến. Hội An buổi tối đông vui, rực rỡ với những chiếc đèn lồng treo khắp nơi. Dưới sông cũng có đèn thả trôi. Phố xá dày đặc các quán cà phê và những cửa hàng bán đồ lưu niệm, đặc biệt rất đông du khách ngoại quốc. Rời Hội An chúng tôi trở về Đà Nẵng, vừa kịp để xem Cầu Rồng phun lửa vì hôm nay là tối thứ bảy. Sau đó cô nhỏ nhất định phải dắt cô chú đi ăn bánh canh chả cá trước khi trả về khách sạn.

Đà Nẵng để lại trong lòng tôi một ấn tượng đẹp, không phải vì những khu nghỉ dưỡng sang trọng hay những khách sạn chọc trời. Tôi thích Đà Nẵng vì Đà Nẵng sạch và đẹp. Ngay cả những quán nhỏ bên đường cũng sạch và nghe nói nạn trộm cướp cũng rất ít. Tuy nhiên, khi cô cháu nhỏ kề tai tôi bảo: Cô ơi, những khu đẹp và quan trọng nhất đều nằm trong tay người Trung Quốc hết đó cô à, tôi tưởng như có ai đó đang cầm dao đâm vào tim mình!

Sáng hôm sau, ba chúng tôi gia nhập đoàn để lên đường đi Quảng Bình xem động Thiên Đường. Đèo Hải Vân giờ đã có đường hầm xuyên qua, muốn đi đường đèo phải có sự sắp xếp riêng. Tôi hơi tiếc vì cảnh đồi núi ở đây rất đẹp. Đoàn ghé qua Thánh Địa La Vang lúc trời mưa tầm tã.

Khi xe chạy ngang một miếu thờ khá to bên đường, anh HDV cho biết chúng tôi đang đi trên Đại Lộ Kinh Hoàng và đó là miếu thờ vong hồn của những người đã chết trên đoạn đường nầy. Trên khoảng đường êm ả không đầy 10 cây số nầy, bốn mươi lăm năm trước hàng ngàn người dân Việt Nam đã nằm xuống. Tôi tự hỏi không biết mẹ của em bé Trần thị Ngọc Bích đã vùi nắm xương tàn ở chỗ nào trên đoạn đường nầy. Những địa danh như sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Đông Hà, Quảng Trị… gợi nhớ bao tang thương chết chóc mà dân tộc VN đã gánh chịu trong hơn một phần tư thế kỷ. Khi đi ngang sông Thạch Hãn, and HDV đọc hai câu thơ khiến tôi rợn người:

Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Dưới đáy sông kia bạn tôi nằm…

Một du khách trong đoàn kể rằng đã có lúc máu người nhuộm đỏ cả một khúc sông nầy!

Sông Bến Hải nhỏ xíu vậy mà đã chia cắt đất nước hơn 20 năm. Tôi bước lên cầu Hiền Lương, nhớ lõm bõm mấy câu thơ của cô bạn thời Trung Học:

Chiếc cầu…
Cắt chia đôi bờ Bến Hải
Sao tên lại gọi Hiền Lương?

Tôi bỏ một chân bên nầy một chân bên kia lằn ranh chụp một tấm hình, lòng băn khoăn tự hỏi, đất nước đã thống nhất từ lâu nhưng lòng người đã thống nhất hay chưa? Nơi đây có một viện bảo tàng nhỏ trưng bày những di tích của thời chiến, nghĩa là những chiến tích của ta và những tội ác của địch. Tôi chợt nhớ trong chuyến du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, một nước Hồi Giáo, tôi có đi thăm Lone Pine Cemetery ở Gallipoli. Đây là nghĩa trang do người Thổ lập ra cho những người lính Úc và Tân Tây Lan chiến đấu trong lực lượng của Liên Quân Anh Quốc đánh với quân đội Thổ và đã bỏ mình tại bán đảo Gallipoli trong thế chiến thứ nhất. Lực lượng Ottoman đã đẩy lui được sự tấn công của Liên Quân và hàng ngàn binh sĩ của cả hai bên đã chết tại đây. Nghĩa trang và đài tưởng niệm đã được dựng lên ở đây để nhắc nhở rằng những đức tính của người chiến sĩ như sự quyết tâm, lòng dũng cảm, sự hi sinh… không phải chỉ có ở bên thắng cuộc mà đó là những giá trị chung của tất cả những người lính đã dự phần trong chiến tranh dù chiến đấu ở bên nầy hay bên kia. Ở đây có một tấm biển khắc lời của vị Tổng Thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mustafa Kemal Ataturk, từng là một tướng lãnh, như sau:

Those heros that shed their blood
And lost their lives
You are now lying in the soil of a friendly country
Therefore, rest in peace.

There is no difference between the Johnnies and the Mehmets to us
Where they lie side by side
Here in this country of ours.
You, the mothers,
Who sent their sons from far away countries
Wipe away your tears.
Your sons are now lying in our bosom
And are in peace
After having lost their lives on this land
They have become our sons as well

Xin tạm dịch là:

Hỡi những người anh hùng
Đã hi sinh xương máu và mạng sống nơi đây
Các vị đang nằm trên một miền đất thân thiện.
Xin hãy nghỉ yên

Đối với chúng tôi, không có gì khác nhau giữa lính Liên Quân và lính Thổ
Nơi họ đang nằm bên cạnh nhau trên đất nước chúng tôi
Hỡi những bà mẹ,
Từ các xứ sở xa xôi đã gửi con mình đến đây
Xin hãy lau nước mắt
Vì con của các vị đang yên nghỉ trong lòng chúng tôi.
Khi họ bỏ mạng trên đất nước nầy
Là họ đã trở thành con của chúng tôi.

(Johnnies: tiếng chung chỉ lính Anh/ Úc/ Tân Tây Lan
Mehmets: tiếng chung chỉ lính Thổ Nhĩ Kỳ. )

Lòng từ ái và nghĩa hiệp của vị Tổng Thống đạo Hồi nầy đáng cho các vị lãnh đạo của ta học hỏi và suy gẫm.

Buổi tối ngủ ở Đồng Hới, ngày xưa là địa đầu giới tuyến. Nơi đây còn sót lại Quảng Bình Quan, là một trong ba cửa ải của hệ thống “Lũy Thầy” do nhà chiến lược Đào Duy Từ xây từ năm 1631. Trên tấm biển có câu: “… Trong chiến tranh phá hoại (1965-1968) Đế Quốc Mỹ đã ném bom đánh sập chỉ còn lại phần móng… ” Di tích nầy nay đã được trùng tu lại.

Sáng hôm sau đoàn lên đường thăm động Thiên Đường, thuộc Phong Nha - Kẻ Bàng National Park, cách Đồng Hới khoảng 60km về hướng Tây Bắc, nay thuộc UNESCO’s World Heritage Site. Động được một người địa phương tìm thấy năm 2005 và khoảng 5km đường động đã được khám phá bởi một nhóm thám hiểm thuộc British Cave Research Association cùng năm. Được biết động dài đến 31km nhưng hiện nay chỉ có 1km mở ra cho du khách mà thôi. Từ chỗ đậu xe đến cửa động khoảng 1,6km đi bộ đường dốc khá mệt, nhưng vào trong động rồi mới thấy là đáng công. Quả thật Thiên Đường là một trong những hang động đẹp nhất mà tôi đã được xem. Tôi không rõ dân mình có được hưởng chút gì về lợi nhuận mà động đã đem lại hay không.

Một góc trong động Thiên Đường, Quảng Bình (trái) và Ca Huế trên sông Hương (phải)

Rời động Thiên Đường, chúng tôi thẳng đường trở vào Huế. Đến nơi sau khi nhận phòng, ăn tối xong thì vừa kịp để đi xem hát Huế trên sông Hương. Các cô thật duyên dáng trong chiếc áo dài truyền thống, giọng nói nhỏ nhẹ, giọng hát ngọt ngào, chẳng trách chi

Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành

Sáng hôm sau, đoàn đi thăm thành nội Huế, chùa Thiên Mụ, lăng Khải Định... Tôi nhận thấy trừ vua Khải Định, các vua nhà Nguyễn đa phần không xa hoa phung phí nên cũng không để lại nhiều công trình xây dựng đồ sộ như ở nhiều nước khác. Thành nội Huế gần như không còn gì nhưng thành phố Huế đẹp và thơ mộng, có sông Hương núi Ngự, phong cảnh hữu tình, vua chọn làm kinh đô cũng phải.

Ăn trưa xong, đoàn lên đường trở về Đà Nẵng để đáp chuyến bay tối ra Hà Nội. Chuyến nầy có đi qua một đoạn của đường mòn Hồ Chí Minh. Bây giờ nó không còn là đường mòn nữa mà đã được tráng nhựa hẳn hoi, bên phải là dãy Trường Sơn trùng điệp, nơi đã vùi thây không biết bao nhiêu thanh niên thiếu nữ Việt. Ôi miền Trung thân yêu của tôi! Xưa kia khi ông cha ta mở mang bờ cõi đã tàn sát và tiêu diệt dân Chiêm Thành ở vùng nầy. Trong chiến tranh, miền Trung là nơi chịu nhiều chết chóc tang thương nhất. Hết chiến tranh, miền Trung vẫn còn tiếp tục chịu đựng thiên tai và những thảm họa về môi trường, cá chết, biển chết, người chết... Tôi tự hỏi không biết có phải dân miền Trung đang trả nghiệp của ông cha ta ngày trước hay không. Chiều nay ba chúng tôi lại chia tay với đoàn để lấy chuyến bay đêm bay ra Hà Nội.

Chúng tôi đến Hà Nội khoảng 11 giờ đêm. Cậu HDV trẻ tuổi, đẹp trai, ăn nói ngọt ngào lịch sự đón chúng tôi ở phi trường Nội Bài và đưa về khách sạn. Lần đầu tiên đến Hà Nội lòng tôi bồi hồi xúc động. Trong đầu tôi âm vang câu hát:

Hà Nội đó niềm tin yêu hi vọng
Của chúng ta hôm nay và mai sau..

Tôi nhớ những năm ở Trung học, khi học những bài văn bài thơ có bối cảnh ở Hà Nội, như “Cảnh Bích Câu”, trích đoạn trong Gánh Hàng Hoa, Đoạn Tuyệt, Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường…, tôi đã mơ về Hà Nội và ao ước có một ngày sẽ được đi thăm “cái nôi văn hóa” của nước mình. Giấc mơ ấy đang biến thành sự thật đây! Cảm giác đầu tiên làm cho tôi hơi thất vọng khi anh tài xế đưa chúng tôi về khách sạn tuy không còn trẻ lắm nhưng chạy xe thật bạt mạng. Đêm khuya đường vắng nhưng anh ta vẫn liên tục bóp còi inh ỏi, không biết với mục đích gì. Khi vào đến thành phố, xe đông hơn thì anh ta cứ cố chen vào giữa hai đường lane mặc dù rõ ràng là không thể. Cũng may là anh ta không phải là tài xế đưa chúng tôi đi chơi trong những ngày kế tiếp.

Sáng hôm sau, ba chúng tôi được nhập đoàn với hai vợ chồng trẻ từ San Jose, CA về VN du lịch. Thật là một duyên may cho mọi người vì chúng tôi thật hợp nhau và trong suốt phần còn lại của chuyến đi, chúng tôi đã sống với nhau những ngày thật vui vẻ hạnh phúc như đã quen nhau từ lâu lắm. Mọi người đều đồng ý bỏ qua một điểm tham quan ở Hà Nội trong chương trình và thẳng đường đi Ninh Bình để thăm khu du lịch sinh thái Tràng An, thuộc xã Trường Yên, Ninh Bình. (Tôi nghĩ Trường Yên là tiếng Nam của chữ Tràng An, không hiểu sao lại gọi như vậy). Đây là một vùng kết hợp sông núi thật tuyệt vời. Năm chúng tôi được đi bằng một thuyền nhỏ với một cô lái đò ngồi chèo. Nơi đây được mệnh danh là Hạ Long trên cạn thật không ngoa, cảnh sông núi đẹp như bức tranh thủy mạc với những dãy núi đá vôi phủ cây xanh rì hàng hàng lớp lớp nối tiếp nhau bên dòng nước êm đềm chảy quanh. Cô lái đò cho biết từ khi khu nầy biến thành khu du lịch sinh thái thì sông nước được giữ gìn sạch sẽ hơn, thú rừng cũng không còn bị săn bắt như trước nữa. Tuy nhiên khu du lịch không nuôi sống nổi dân làng nên tất cả đàn ông đều phải tha phương đi xứ khác mưu sinh, việc chèo thuyền cho du khách chỉ dành riêng cho đàn bà. Có tất cả hai ngàn chiếc thuyền như thế và mọi người đều phải xếp hàng đậu hạng. Vào mùa cao điểm thì một thuyền mỗi ngày có thể đi được vài ba chuyến, mỗi chuyến được trả 200.000 đồng (khoảng 10 đô), còn mùa mưa vắng khách thì hai ba ngày mới được một chuyến. Con đường dài khoảng 15 km và phải chui qua tất cả là 5 hang động. Dọc đường cô lái đò ghé lại để chúng tôi được viếng Đinh Triều Liệt Sĩ Am, nơi thờ các vị có công dưới triều đại của vua Đinh Tiên Hoàng, viếng Phủ Khống với cây thị ngàn năm tuổi. Vùng nầy thuộc cố đô Hoa Lư và cũng từng là thủ đô kháng chiến chống quân Nguyên của vua vương nhà Trần nên có nhiều di tích lịch sử. Được biết các hang động trong vùng nầy cũng là nơi cất dấu các cọc gỗ dùng trong trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng.

Ninh Bình: Đi thuyền trong khu du lịch sinh thái Tràng An (trái) và Đinh Triều Liệt Sĩ Am (phải)

Sau Tràng An, chúng tôi được đưa đi ăn trưa với món đặc sản của vùng nầy là dê núi. Nhà hàng nằm trong khuôn viên của chùa Bái Đính nhưng lại dọn món ăn mặn. Tôi chưa bao giờ ăn thịt dê mà cũng không muốn ăn, nhưng mọi người cứ nói mãi nên tôi cũng xiêu lòng gắp thử một miếng, không ngờ ngon thiệt, có lẽ vì là thịt dê núi, không phải dê nuôi chăng? Ăn xong chúng tôi đi tham quan chùa Bái Đính. Chúng tôi không được xem chùa Bái Đính cổ ở gần đó mà chỉ được đưa đi xem chùa mới, nguy nga, hoành tráng nằm trên một khu đất rộng lớn và rất giống… Tàu. Chùa có rất nhiều tượng nhưng không có tu sĩ. Có tượng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và hai tượng Phật Bà Quan Âm tạc trên hai thân cây gỗ rất đẹp. Rời chùa, chúng tôi lên xe trở về Hà Nội và sau khi ăn tối xong thì đi dạo hồ Hoàn Kiếm buổi tối.

Chùa Bái Đính với tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Ninh Bình

Sáng hôm sau tiếp tục tham quan thành phố Hà Nội, thăm Hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, đền Quốc Tử Giám, Văn Miếu với bia Tiến Sĩ... Thời gian quá ít nên không đủ cho tôi “thấm” cái hương vị Hà Nội như tôi đã từng ao ước. Tôi muốn đi xem cảnh Bích Câu, tôi muốn ngửi mùi hoa sữa, tôi muốn đi nhặt lá bàng, tôi muốn xem màu đỏ của nước sông Hồng, tôi muốn theo cô Loan đi rẽ lên đê Yên Phụ... Tôi hỏi cậu HDV đê Yên Phụ đâu thì cậu nói, “Chúng ta đang đi trên đê Yên Phụ đấy ạ”. Thì ra đê Yên Phụ ngày nay đã trở thành đường tráng nhựa với nhà cửa san sát hai bên. Tôi bỗng thấy buồn buồn…

Buổi chiều đi Bắc Ninh, qua làng Đình Bảng nơi có đền thờ các vua nhà Lý. Đây là xứ Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm đây. Tôi cố ý tìm một cô gái với chiếc… Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng… nhưng không gặp. Tuy vậy chúng tôi cũng được xem một màn hát quan họ Bắc Ninh khá hay. Sau đó chúng tôi thẳng đường đi Hạ Long.

Không biết khi xưa thì sao nhưng ngày nay Hạ Long rõ là một thành phố du lịch. Bãi Cháy buổi tối khá đẹp. Chúng tôi vào xem Viện Bảo Tàng Sáp, rồi lên cáp treo xem toàn cảnh Hạ Long buổi tối.

Sáng hôm sau đến bến cảng Tuần Châu để xuống tàu đi ngắm cảnh Vịnh Hạ Long. Mỗi nhóm du lịch được thuê bao nguyên một chiếc tàu riêng. Vịnh Hạ Long quả là một kỳ quan của tạo hóa. Những hòn núi xanh nhấp nhô, chập chùng giữa biển mờ ảo trong sương sớm. Nếu không có những chiếc tàu khác chung quanh, ta có thể tưởng rằng mình đang lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh. Tàu ghé vào động Thiên Cung, khá đẹp nhưng dĩ nhiên không thể sánh được với động Thiên Đường. Bên trong họ để đèn màu (giống động Lô Địch bên Trung Quốc) nên mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Chúng tôi ăn trưa trên tàu với các món đồ biển khá ngon, đặc biệt là món chả mực rất đặc sắc.

Buổi chiều chúng tôi trở về Hà Nội để đáp chuyến bay đêm về Saigon, chấm dứt chuyến du lịch xuyên Việt. Chuyến đi ngắn nhưng đã để lại trong lòng tôi nhiều cảm xúc. Tôi nhận ra đất nước mình đẹp quá, đáng yêu quá. Những di tích lịch sử gợi nhớ bao nhiêu công lao của tiền nhân, bao nhiêu xương máu đã đổ xuống để bảo vệ bờ cõi. Tôi không khỏi băn khoăn nghĩ đến tiền đồ của đất nước và thấy một sự cảm thông sâu sắc với tác giả bài “Vịnh bức dư đồ rách”.

Cầu xin tiền nhân phù hộ cho đất nước Việt Nam.

.

Tâm Tịnh An
(viết sau chuyến du lịch tháng 4/2017)

(Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/vietnamduky_2017.htm)


Cái Đình - 2017