Võ Kỳ Điền


Vài nhận định chuyện viết văn, làm thơ

.

1/ Trả lời Phỏng vấn từ nhà văn Hồ Đình Nghiêm

(tạp chí Nắng Mới - Montréal Canada - số 38 tháng 8 năm 1991)

Hồ Đình Nghiêm: - Trong những lúc cùng anh em văn nghệ sĩ mạn đàm chuyện thơ văn, anh thường hay cho rằng làm thơ khó hơn viết văn. Trong khi đó thì nhiều người cầm bút bây giờ thường nghĩ ngược lại. Và hiện nay ở hải ngoại nầy trên mặt báo nào cũng tràn ngập những thơ ca, anh nghĩ sao về hiện tượng nầy?

Võ Kỳ Điền: ...đối với những điều tôi đã học thì thơ lúc nào cũng khó hơn văn và trong các thứ nghệ thuật thì thi ca cao quí nhứt. Trong giới văn nhân người ta phân biệt hai loại cầm bút : văn nhân và ký giả. Ngòi bút ký giả chỉ chuyên viết những bài có tính cách thời sự đăng báo mỗi ngày, các tài liệu chi tiết phải chính xác, không được thêm bớt vẽ vời, vì vậy mất đi tính nghệ thuật. Trong giới văn nhân lại chia ra làm bốn cấp. Đứng đầu là thi sĩ (poète) rồi văn sĩ (écrivain) tiểu thuyết gia (romancier), kịch tác gia (dramaturge).

Tây phương đã quan niệm và sắp hạng như vậy đó. Còn Tàu thì khỏi nói, thơ là nhứt. Người đi học phải làm thơ từ khi còn nhỏ và cho tới già, tới chết cũng còn làm thơ. Văn của họ cũng viết theo thể tứ lục, biền ngẫu... cũng y như thơ. Còn loại văn giống như mình bây giờ thì bị coi là tiểu thuyết, dùng chữ ‘tiểu thuyết’ có nghĩa là những chuyện vụn vặt không đáng kể. Trong văn chương thi cử ngày xưa, kẻ sĩ phải học tứ thư, ngũ kinh, Bắc sử Trung Hoa và tập làm thơ phú, kinh sách. Tiểu thuyết không kể đến, nó là ngoại thư.

Nguyên tắc căn bản khi làm văn học nghệ thuật là văn thì phải có ý, thơ thì phải có tứ. Vậy khi đọc một bài viết, mình phải coi ý và tứ trong từng chữ, từng câu, coi nó nằm ở chỗ nào. Chữ đẹp nhất trong câu làm bật lên cái tứ đó, Tàu gọi là “nhãn tự”. Nói là viết văn làm thơ mà tìm hoài không ra một ý, một tứ… thì còn gì để nói nữa!

Phải phân biệt rõ như vậy mới hiểu rõ được câu của Hồ Trường An trong một bài viết, đã nói: - có những người được gọi là nhà văn mà suốt đời không viết nổi một câu văn.

Tại sao trong các thứ nghệ thuật, thi ca lại cao quí nhứt? Vì các đặc tính của nó.

Trước hết nó khó làm nhứt. Các bộ môn nghệ thuật khác đều phải nhờ tới dụng cụ để bổ túc cho các tài hoa của người nghệ sĩ. Người họa sĩ phải có cọ, màu. Người nhạc sĩ phải có đờn, trống. điêu khắc gia phải có đục, búa. Vũ công phải có áo quần, điện ảnh gia phải có máy móc... Nếu không có dụng cụ, người nghệ sĩ có khác chi người thường, đến như nhà văn phải có ít nhứt một cây viết và một xấp giấy. Duy chỉ có thi sĩ, bằng vào tài năng trời cho mà ngâm nga những bài thơ tuyệt vời, không lệ thuộc vào một dụng cụ nào hết. Nhờ đó mà thi ca xuất hiện rất sớm với loài người và sẽ còn tồn tại mãi mãi.

Nói tới nghệ thuật thì phải nói tới khả năng khêu gợi cảm xúc của người thưởng ngoạn. Bộ môn nghệ thuật nào cũng giống nhau ở mục đích tạo cho con người thấy cái hay, cái đẹp của cuộc sống. Thơ nó đã làm trọn vẹn hoặc hay hơn chức năng đó so với các nghệ thuật khác mà không nhờ vào dụng cụ nào hết. So với văn nó hơn một bậc vì nó sử dụng ngôn ngữ, âm thanh thật tối thiểu mà hiệu năng lại đạt được tối đa. Ngôn ngữ dùng trong thơ phải là thứ ngôn ngữ tinh vi, chọn lọc tạo được phản ứng cảm xúc dây chuyền như phản ứng nổ hạch tâm trong lò nguyên tử. Nhà văn muốn cho độc giả cười hoặc khóc phải viết một truyện ngắn hoặc dài cả chục trang. Người thi sĩ chỉ làm vài ba câu thơ mà cũng tạo được tác dụng y như vậy.

Hay hơn nữa, người ta đọc một tiểu thuyết xong nhớ ý mà quên lời, đọc một bài thơ hay thì thuộc lòng ngâm nga có khi suốt đời. Thơ ngắn nhứt của Trung Hoa, một bài có 20 chữ (ngũ ngôn tứ tuyệt) đến như thơ Nhựt Bổn, loại hài cú chỉ còn có hai câu. Nghiêm thử nghĩ coi, làm 2 hay 4 câu thơ mà khiến người ta cảm xúc được, rung động được, thì dễ hay khó? Nhà văn phải viết hàng chục, hàng trăm trang giấy dày đặc chữ mà cũng khó làm thổn thức được ai.

Vì những lẽ đó, tôi chỉ dám viết văn mà không dám làm thơ. Nói thêm một chút chỗ này, không phải chỉ có mình tôi không biết làm thơ đâu. Người không biết làm thơ, thiếu gì… Những bạn nào ai không biết làm thơ cũng đừng vội buồn nghen. Trong văn học Trung Hoa cũng có tới hai người không biết làm thơ lận. Đó là Tăng Cũng và Lỗ Tấn. Cổ nhân Trung Hoa thường nói: Có ba điều ân hận, một là hoa Hải đường không hương, hai là cá cháy nhiều xương, ba là Tăng Tử Cố không biết làm thơ’

Tử Cố là tên tự của Tăng Cũng đứng trong hàng bát đại gia của nhà Tống, đậu Tiến Sĩ, nổi danh văn chưong kỳ tài mà không biết làm thơ. Còn Lỗ Tấn là đại văn hào Trung Hoa thời Mạt Thanh. Văn của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, nổi danh khắp thế giới . Vậy mà ông thường hay than thở: - thơ khó quá, tôi không biết làm.

Có lẽ tôi học cổ văn Trung Hoa nên bị ảnh hưởng tư tưởng của hai ông này chăng nên thấy thơ là sợ hãi. Không dám bàn!

Dĩ nhiên, tôi thật tình tôn trọng ý kiến của các bạn cho thơ dễ làm hơn văn. Tôi cũng cảm ơn ý kiến đó, nhờ nó mà tôi thấy tôi giỏi hơn... Nghiêm cũng hỏi về hiện tượng dạo này có nhiều người làm thơ. điều này có gì lạ đâu. Ở các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa sâu đậm, nhứt là Việt Nam mình lúc nào cũng có rất nhiều người làm thơ. Thơ đã vào tận xương tủy dân tộc. Gần vài triệu người sống cuộc đời xa xứ, lưu lạc tận góc biển chân trời, mỗi người là một trời tâm sự ngổn ngang, nói sao cho xiết. Không gởi gắm tâm sự vào thơ thì gởi vào đâu? Tôi chắc chắn rằng trong số người làm thơ đông đảo đó thế nào cũng có được những thi sĩ tài hoa. Chúng ta chờ xem...

Hồ Đình Nghiêm: -Anh nghĩ sao thời gian gần đây trong dòng văn chương hải ngoại có lưu truyền một khuynh hướng được gọi là “Văn Phong Miền Nam” hoặc “Văn Chương Miệt Vườn” và nhà văn Võ Kỳ Điền được sắp xếp vào khuynh hướng nầy?

Võ Kỳ Điền: -Từ mấy năm nay, tự nhiên lại có danh từ “Văn Phong Miền Nam” hoặc “Văn Chương Miệt Vườn” gì đó trong văn giới. Thiệt tình tôi không biết. Tôi bắt đầu viết từ năm 1980 cho đến nay, khi nào thấy cần thì viết, vậy thôi. Thiệt tình khi viết không bao giờ nghĩ tới tôi là nhà văn. Vì không nghĩ mình là nhà văn nên cũng không bao giờ để ý tới mấy chuyện bên lề đó. Ông Bình Nguyên Lộc, ông Sơn Nam, khi viết văn, tôi nghĩ các vị đó cũng đâu bao giờ nghĩ mình viết cho Rạch Giá, Cà Mau nào đó mà viết cho cả nước Việt Nam chớ... Còn nếu bàn về vấn đề văn phong miền Nam thì chắc phải có một bài khảo luận riêng kể từ đời Trịnh Nguyễn với văn học Nam Hà cho đến ngày nay với các đặc tánh của nó. Tôi thấy có nhiều người hiểu lầm văn phong với phong tục. Vì vậy họ thường viết về phong tục tập quán miền Nam.

Vậy ông Vũ Bằng viết cuốn ‘Món Lạ Miền Nam’ ông ấy đã viết theo văn phong nào, Vũ Bằng viết theo văn phong Miền Nam chăng? Tôi viết cuốn Pulau Bidong, Miền Đất Lạ, vậy là viết theo văn phong Mã Lai chắc? Khi nào có dịp tôi sẽ trở lại đề tài này để xác định rõ -thế nào là văn phong miền Nam, tại sao trước 75 ở Sài gòn không có mấy chữ này, bây giờ lại có?

Còn danh từ Văn Chương Miệt Vườn tôi thật tình không hiểu rõ. Theo tôi, chữ ‘Miệt Vườn’có ý nghĩa khinh khi. ‘Miệt Vườn’đồng nghĩa với ‘Nhà Quê’. Có lẽ viết văn phải dùng chữ trau chuốt bóng bẩy, diễn tả những tình ý sâu xa, cao quí. Nhà văn nào viết đơn giản, gọn gàng, giản dị... thì bị gán cho Văn Chương Miệt Vườn. Bạn nghĩ coi, gọi vậy cũng còn khá. đáng lẽ nên gọi là Văn Chương Miệt Ruộng cho đáng đời.

Hiểu nghĩa một danh từ cần phải xác định vị trí của nó trong câu nói. Khi ông Sơn Nam viết cuốn ‘Văn Minh Miệt Vườn’ là ông đang đứng ở cương vị người học giả khảo cứu các đặc tính của miệt đồng bằng sông Cửu Long... Nhưng trong danh từ ‘Văn Chương Miệt Vườn’ không thể hiểu là văn chương ở vùng đồng bằng Cửu Long được, mà phải được hiểu là ‘ văn chương nhà quê’ để đối lại với ‘văn chương thành thị’

Nhưng thôi, chuyện đó là chuyện của các nhà văn với nhau. Tôi chưa dám lạm bàn, sợ bị trách cứ như một nhà văn đã viết: ‘Các ông nhà văn, các ông đồ nhiễu sự!’

2. Trả lời nhà thơ Phan Việt Thủy

(tạp chí Việt - Úc châu- số 5 đầu năm 2000)

…. Quan niệm thông thường cuả các nhà văn hiện đại, khi thích thì viết, văn chương cũng không nhứt thiết phục vụ cho ai hoặc vì một mục đích gì. Tôi không phản đối quan niệm nầy nhưng không thích như vậy. Văn chương phải phản ảnh trung thực cuộc sống và phải thăng hoa Con Người. Có lẽ bản chất tôi là thầy giáo ham thích truyền đạt cái hay, cái đẹp nên lúc nào cũng muốn phô bày những thực trạng của xã hội, nỗi đau khổ lẫn sung sướng của kiếp ngưới, hầu mong được độc giả chia xẻ, cảm thông.

Cho nên đối với tôi, viết không quan trọng. Cái quan trọng là suy nghĩ, thai nghén, nung nấu, phải cần một thời gian lâu dài. Viết chỉ là giai đoạn nối tiếp sau cùng của một quá trình thao thức, suy tư... Tôi không hiểu được tại sao có nhiều người quan niệm văn thi sĩ phải ăn chơi, hút xách, rượu chè, trai gái, mới sáng tác được. Tinh thần mệt mỏi, thân thể suy nhược... thì làm sao mà viết nên tác phẩm! Ðó là vì họ lẫn lộn cách viết giữa nhà văn và nhà báo.

Tôi cho là trong văn chương, kỹ thuật không quan trọng bằng nghệ thuật. Khi viết xong bài, tôi tự chấm điểm bài mình theo thứ tự :

-Dở, Trung bình, Hay và Đã.

Tôi xin được giải nghĩa một chút xíu cách đánh giá kỳ cục nầy. Có những bài tôi viết tình tiết hấp dẫn ly kỳ, kiến thức phong phú, nhận xét tinh tế, cách viết tân tiến, chữ dùng mới mẻ... vậy mà lúc đọc lại thì đầu óc trơ ra như đất, không vui, không buồn, nghĩa là không một xúc động nào. Vậy thì bài văn nầy có thể 'hay' mà không 'đã ' cũng như một người đẹp ăn mặc rất sang trọng mà lại vô duyên. Nhưng có bài câu chuyện tầm thường, bố cục khá luộm thuộm, tình tiết cổ điển, chữ dùng quê mùa... vậy mà khi đọc đi đọc lại tâm trạng xao xuyến, bồi hồi, xúc động theo từng chữ, từng câu... Bài nào được như vậy tôi cho là 'đã '.

Ðối với tôi, văn chương phải tạo cảm xúc cho người đọc. Văn chương không nhứt thiết phải chuyên chở kiến thức, việc đó đã có các học giả hay nhà khảo cứu lo dùm rồi. Vì vậy từ nhỏ tới lớn tôi đọc văn chỉ tìm tác phẩm đọc cho 'đã ' thôi mà không tìm tác phẩm hay để học hỏi (đó là lý do tại sao tôi không khá được). 'Ðã ' là cái duyên trong văn chương, nó tạo được cảm xúc cao độ cho người đọc. Trong cách viết tôi không chú ý nhiều lắm tới nội dung câu chuyện mà để ý nhiều tới tình tiết của nó (vì câu chuyện nào cũng giống câu chuyện nào!) Tôi chú ý hết sức đến việc tạo cảm xúc bằng hình tượng, bằng ngôn ngữ, bằng đối thoại... Tôi thường coi trọng hình thức diễn đạt hơn là nội dung.

Tóm lại nếu phải chọn giữa người đẹp giỏi mà vô duyên và người dở mà có duyên, thì tôi không đắn đo gì hết, nhắm mắt nhắm mũi mà đưa hai tay ôm lấy người dở liền...

Thông thường vào ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chúa nhựt) khoảng 4, 5 giờ sáng khi giựt mình thức giấc, tôi nằm im trên giừờng, đầu óc lan man nghĩ ngợi chuyện dĩ vãng, chuyện tương lai... rồi bất chợt thấy hiện ra trong đầu một đề tài thú vị nào đó, có thể một truyện ngắn sẽ được thành hình. Ðề tài được chọn lựa phải là một thông điệp nhắn gởi với độc giả, như tình yêu, lòng nhân ái, sự bất công, nỗi khổ đau, cái chết..., những đề tài muôn thuở của con người...

Khi muốn viết một bài, điều cần thiết nhứt cho tôi là sự yên tĩnh, phải tập trung tư tưởng thật mãnh liệt, nghĩ thật nhiều về đề tài sẽ viết – như thiền sư tham luận công án – cho đến bao giờ thông suốt lớp lang mới thôi. Rồi sau đó tôi mới tìm tòi nhân vật, tình tiết, hình ảnh, đối thoại, chữ dùng... không dư thừa mà cũng không được thiếu sót, bố cục phải chặt chẽ, nhập, thân, kết cân xứng... y như những bài giảng ở lớp. Những kiến thức phổ thông học hỏi trong trường ốc hoặc thế giới xung quanh giúp tôi rất nhiều khi đá động tới những đề tài văn chương, vì sơ sót một chi tiết nhỏ hoặc có sai lầm, toàn bài văn sụp đổ...

Những năm trước tôi viết tay trên giấy, bôi bôi xóa xóa tùm lum, bản thảo mới ngó như đống giấy vụn, sửa tới sửa lui, cắt dán rất nhiều lần. Tôi viết chậm chạp và khó khăn nhứt là những tựa bài và câu kết luận. Câu kết của bài Ðá Hoa Cương (trong Kẻ Ðưa Ðường) tôi đã suy nghĩ gần trên một tuần mới có ý. Tôi thường viết ngay tại bàn ăn cơm, dao rọc giấy, kéo, băng keo, viết xanh viết đỏ để bừa bãi, nhiều khi vừa ăn vừa sửa bản thảo, từng chữ từng câu...

Có khi bài gởi đi rồi, phải điện thoại nhắn gởi nhà báo sửa dùm thêm nữa. Bây giờ tôi tập dùng computer khá quen, rất tiện, tha hồ thêm thắt vẽ vời. Bài viết rồi để đó vài ngày sau, đọc lại thấy khuyết điểm, bôi bỏ nữa tới khi nào vừa ý mới thôi. Dùng máy gởi bài đi nhanh chóng, không mất thì giờ chờ đợi mà cũng đỡ tốn tiền tem….

Võ Kỳ Điền


Cái Đình - 2017