Phạm Ɖình Lân


Vài chuyện lạ nhỏ được ghi lại

.

Mọi sự việc trên đời đều có nguồn gốc và sự kỳ lạ của nó. Ɖiều lạ là chúng ta không hề biết nguồn gốc sâu xa của nó, cũng không bao giờ thấy nó lạ chỉ vì sự quen thuộc và tầm thường của nó.

Tuổi đời của tôi cũng khá cao. Tôi có gợi lại ký ức để ghi lại những chuyện lạ đã xảy ra trong đời như để trao đổi vài kỷ niệm và kinh nghiệm sống đã qua. Những điều lạ ghi nhớ trong bài này chắc chắn còn thiếu sót nhưng xác suất trung thực rất cao.

Những chuyện lạ đến với tôi kể từ năm 1962. Vào năm ấy, tôi vào nhà sách Hòa Bình bên hông nhà thờ Ɖức Bà Sài Gòn và thấy quyển Thánh Kinh bằng tiếng Việt màu đỏ. Tự nhiên tôi bị thu hút bởi quyển sách này. Tôi đọc vài trang giấy mỏng của cuốn sách và thấy thích thú muốn mua đem về nhà đọc. Tôi bắt đầu nghiên cứu và tập Yoga và Thiền (Zen – Dhyana). Từ đó đến năm 1985 tôi gặp vô số chuyện lạ không nhớ hết. Tôi xin ghi lại các chuyện lạ còn lưu lại trong ký ức theo thứ tự thời gian để người đọc dễ theo dõi và phán đoán.

***

Chuyện bà cụ Sa Đéc

Bà cụ Sa Ɖéc là một thị dân ở Sa Ɖéc nhưng bà rất quê mùa, không biết chữ và không làm gì để sống ngoài sự giúp đỡ của các con. Một người con gái lớn của bà nấu cơm cho một chuyên viên LHQ về ngành Sư Phạm Cộng Ɖồng người Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà rất ít nói. Thỉnh thoảng bà lên Sài Gòn thăm con với vài đặc sản của tỉnh Sa Ɖéc. Bà không phải đồng bóng nhưng thỉnh thoảng có một vị linh thiêng nào đó nhập vào bà. Vì vậy khi nào bà lên Sài Gòn cũng có một số người đến nơi con bà ở để cầu xin việc này việc nọ trong thời kỳ tổng thống John F. Kennedy gia tăng số cố vấn Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam.

Là một thanh niên say sưa với tinh thần khoa học, tôi không để ý đến việc bà bị nhập hồn cũng như những người đến cầu xin bà ban cho đặc ân này nọ.

Một hôm tôi tò mò đứng xem chuyện gì xảy ra với bà. Tôi ngạc nhiên thấy mặt bà đỏ hồng. Trông diện mạo của bà hoàn toàn khác với diện mạo mà tôi thường thấy nơi bà. Trông bà bệ vệ, lời nói đầy quyền uy. Những người bao quanh bà đều quỳ gối trước mặt bà. Tôi lấp ló ngoài cửa nhìn vào trong. Thấy tôi bà nói:

“Ta là Phật Mẫu. Quới chức (1) vào ngồi cạnh ta.”

Tôi vẫn đứng yên ngoài cửa không dám vào. Tôi hổ thẹn  vì chỉ mặc áo thun với một chiếc quần đùi. Bà đứng dậy kéo tôi vào ngồi cạnh bà trước sự ngạc nhiên của những người ăn mặc chỉnh tề quỳ gối quanh bà.

“Chào quới chức. Quới chức đưa cánh tay cho ta xem. Hôm qua ‘chúng nó’ đi săn và bắn nhằm vào cánh tay quới chức. Ɖể ta chữa cho quới chức.”

Ɖến đây tôi cảm thấy ớn lạnh. Không biết vì sao cánh tay trái của tôi sưng nhức đến nỗi không ngủ được. Nhưng do đâu bà ấy biết chuyện này? Tôi cố giữ sự bình tĩnh. Bà cầm tay tôi, vuốt vài cái rồi thổi vài hơi. Ɖêm hôm ấy tôi ngủ yên và sáng hôm sau vết sưng đã xẹp xuống 80%. Ɖến ngày hôm sau vết sưng biến hoàn toàn.

Sáng hôm sau tôi gặp lại bà và chào bà. Bà hoàn toàn không biết gì về chuyện bà chữa cánh tay sưng của tôi.

***

Có một thời gian tôi sống ở Cư Xá Ɖô Thành gần chợ Vườn Chuối. Một hôm con trai trưởng của tôi nói với mẹ:

“Con nằm chiêm bao thấy một bà già mặc áo đỏ đứng trước ga-ra. Bà ngoắc tay rủ con đi chơi. Con hoảng sợ bỏ chạy vào nhà.”

Vợ tôi lo sợ, vội vã ra chợ Vườn Chuối mua trái cây đặt nơi bà già áo đỏ đứng để cúng.

***

Năm 1970 tôi đi coi thi ở An Giang. Môn thi cuối cùng chấm dứt vào khoảng 4giờ30 chiều. Nhân dịp này tôi muốn ghé Sa Ɖéc để thăm gia đình ông chú vợ. Tôi phải nhờ một cảnh sát viên đón một chiếc xe chở hàng đi về Sa Ɖéc vì lúc ấy không còn xe đò trên tuyến đường An Giang-Sài Gòn ngang qua Sa Ɖéc. Khoảng cách giữa An Giang-Sa Ɖéc không đầy 100 km nhưng phải mất trên 2 giờ 30 phút mới đến mục tiêu. Tôi đến đó vào lúc 7 giờ chiều.

Sau khi ăn cơm chiều và nói chuyện với gia đình của chú vợ, tôi bỗng nhớ đến bà cụ Sa Ɖéc. Tôi nói qua về bà cho gia đình chú vợ tôi biết. Tôi không biết bà tên gì? Cũng không biết bà ở đâu trong thành phố Sa Ɖéc. Tự nhiên tôi thiết tha muốn tìm bà để hỏi chút chuyện.

“Nói như anh thì làm sao biết đâu mà tìm.” Một người con trai của chú vợ tôi nói.

“Mọi việc không biết đều phải hỏi. Giới hiểu biết thường ở các bến xe. Bà có một thằng con tên Văn. Thằng này ham chơi lêu lổng. Chắc chắn giới bến xe phải biết nó.” Tôi nói.

Thiếm vợ tôi, người con gái và Phúc, một người con trai của chú vợ tôi cùng đi với tôi ra bến xe. Lúc ấy lối  8 giờ 30 nhưng vẫn còn vài chiếc xe Lam ba bánh đậu trên bến. Tôi hỏi một tài xế xe Lam về thằng Văn có chị ở Sài Gòn. Những chi tiết tôi đưa ra có vẻ khô khan, nghèo nàn. Nhưng không ngờ người tài xế xe Lam biết thằng Văn. Ông chỉ nhà thằng Văn cách đó lối 200 m. Tôi cảm ơn người tài xế xe Lam và đi thẳng đến nhà của bà cụ Sa Ɖéc. Bà tiếp tôi một cách lạnh nhạt. Hình như bà quên hay không biết tôi. Ɖó là tính quê mùa và mộc mạc của bà. Bà hỏi tôi một câu ngắn ngủn: “Mới đến hả?” Bà không buồn hỏi thiếm vợ tôi, người con gái và người con trai, một sĩ quan, cũng theo tôi.

Tôi hỏi thăm sức khỏe của bà, người con gái ở Sài Gòn và bắt đầu hỏi bà về việc cất nhà trên miếng đất mà anh Henri cho tôi. Bà im lặng không nói một lời. Bà đốt nhang và ngồi bất động. Vài phút sau bà nói:

“Chào quới chức. Mừng quới chức có nhà mới. Ɖó là miếng đất TRỜI dành cho quới chức. Ta có đến thăm quới chức ở nhà cũ nhưng quới chức không có ở nhà. Cháu nhỏ rất ngoan.”

Ɖây không phải là hồn của Phật Mẫu mà là hồn của một Nữ Thần nào đó. Như vậy bà mặc áo đỏ mà con trai trưởng tôi thấy là vị Nữ Thần này.

“Vậy cháu có thể sống yên ổn trên miếng đất đang xây nhà không?” Tôi hỏi.

“Ta đã nói đó là miếng đất TRỜI dành cho quới chức. Quanh đó có nhiều ma quỷ (2) nên cần quới chức ở đó để cảm hóa chúng.” Bà đáp.

Tôi không một chút nghi ngờ về lời nói của Bà. Vì miếng đất mà tôi cất nhà nằm trong vùng “nổi tiếng” nhất trong thành phố mặc dù nó nằm trên Quốc Lộ và trong trung tâm thành phố!

Sự thay đổi sắc mặt và giọng nói lưu loát, rõ ràng của bà cụ Sa Ɖéc làm cho con trai của chú vợ tôi, một sĩ quan, lúc bấy giờ hoảng sợ.

Thiếm vợ tôi hỏi bà về người con trai phục vụ trong quân đội không có tin tức gì về anh ấy sau khi vợ mất. Gia đình muốn cưới vợ cho anh nhưng không có tin tức gì của anh từ nhiều năm qua.

Bà cụ Sa Ɖéc nói:” Ɖừng cưới vợ cho thằng nam. Nó có vợ rồi! Vài bữa nữa nó sẽ dẫn vợ về thăm cha mẹ chồng.”

Quả nhiên không đầy một tháng sau người con trai của chú thiếm dẫn vợ về ra mắt cha mẹ.

Người con gái của chú thiếm vợ tôi cùng tuổi với tôi. Cô là một giáo viên sắp được một người đồng nghiệp, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, cử hành lễ thành hôn. Bà cụ Sa Ɖéc lắc đầu cho biết việc hôn nhân bất thành.

Ɖúng như lời bà cụ Sa Ɖéc, sự tác hợp giữa hai người bất thành. Cô ấy sống độc thân cho đến tuổi già!

Ɖó là lần cuối cùng tôi gặp lại bà cụ Sa Ɖéc.

(1): Lúc ấy tôi còn là sinh viên Ɖại Học Sư Phạm Sài Gòn.
(2):  Cuộc sống ở nhà mới được yên ổn. Vào đầu thập niên 1980 con trai của khu trưởng dùng dao khi đánh lộn với con tôi. Con tôi đánh ngã hắn và đoạt dao. Vợ của khu trưởng binh con và lấy gạch, đá liệng vào nhà tôi. Vài ngày sau không biết vì chuyện gì, người đàn bà hung dữ này bị một người công an liệng một viên gạch bé bỏng lại chết tốt.

***

Về Chúa Jesus

Nói theo ngôn từ của các tín đồ đạo Christ, tôi là người ngoại đạo. Từ năm 1965 đến 1985 tôi được thấy Chúa Jesus trong chiêm bao hay trong lúc Thiền tịnh.

Lần thứ nhất tôi gặp Chúa Jesus mặc áo đỏ trong một giấc chiêm bao vào ngày 27-01-1965. Chúa đặt bàn tay phải trước ngực. Ngón tay trỏ chỉ về phía tôi và phán:”Ɖại chiến!” Tôi bị mất nhân điện. Toàn thân tôi nổi da gà vì sợ hãi. Tôi quỳ xuống và cầu xin Chúa phù hộ cho Việt Nam tránh khỏi đại chiến. Lời cầu xin của tôi rất vụng dại. Chúa không nói thêm một lời và lặng lẽ bước đi.

Sài Gòn bắt đầu đào hầm tránh bom đề phòng sự trả đũa của phi cơ Mig từ miền Bắc vào. Hoa Kỳ chuẩn bị đưa quân sang Việt Nam.

Tám năm sau, cũng vào ngày tôi được gặp Chúa Jesus lần đầu tiên, hiệp định Paris được ký kết (27-01-1973). Hiệp định Paris mang lại một nền hòa bình què quặt nhưng vẫn còn hơn đại chiến. Ɖổ mồ hôi thay vì đổ máu. Nước mắt và lời than thở thay cho cảnh giết chóc tương tàn và sự tàn phá kinh hoàng do chiến tranh mang lại.

Lần thứ hai tôi gặp Chúa trong một giấc chiêm bao khi tôi bị bắt giữ trong nhà một người bạn ở Thị Nghè. Bạn ấy bị bắt. Tôi đến thăm bạn nhằm ngày HUNG nên bị giữ trong nhà của anh bạn đồng nghiệp gốc Huế. Ɖêm hôm ấy tôi cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ vô cùng. Tôi ngủ rất say cơ hồ như không biết mình bị mất tự do và ngủ ở một nơi xa lạ. Trong chiêm bao tôi thấy Chúa Jesus mặc áo trắng, đặt bàn tay người trên bàn tay tôi và từ từ thăng lên không trung. Tôi hoảng hốt khi thấy ba tầng mây cuồn cuộn tiến về phía tôi. Trong tâm tôi đó là những cơn sóng biển màu đen. Tôi mở mắt và thấy đèn trong phòng khách của bạn tôi vẫn sáng choang. Hai người công an ngái ngủ dưới sàn nhà. Tôi vui mừng vì đã gặp điềm lành và nhắm mắt ngủ tiếp. Sáng hôm sau hai người công an canh giữ tôi được lịnh trả tự do cho tôi nhưng họ giữ tất cả những giấy tờ của tôi và ra lịnh cho tôi phải trình diện Công An TP Hồ Chí Minh mỗi tuần một lần vào ngày thứ tư.

Ɖiều đáng nhớ là tôi được gặp Chúa trong chiêm bao lần thứ hai cùng ngày và tháng (27-01-1978) với cuộc gặp gỡ trong chiêm bao lần đầu tiên năm 1965.

Lần thứ ba tôi gặp Chúa tại nhà trong lúc Thiền vào một buổi trưa nóng nực vào năm 1982, tức năm Nhâm Tuất. Tôi thấy Chúa ở Phú Hòa Ɖông. Chúa mặc áo đỏ-trắng phủ đầy bụi hồng. Trông Chúa mệt mỏi lắm. Màu da rám nắng của Chúa màu hung đỏ. Trán của Chúa rịn mồ hôi. Chúa cầm cây đuốc và trao cho tôi. Tôi lắc đầu từ chối và thưa:

“Thưa Chúa, con không thể nhận cây đuốc này. Con hiện đau khổ cùng cực.”

Chúa vụt biến lúc nào tôi hoàn toàn không hay biết.

Năm 1982 tôi nổi tiếng trong việc trị liệu bằng châm cứu, một ngành y học trị liệu không được tôi quan tâm trước năm 1975. Tôi không học châm cứu với một vị danh y nào cả mà chỉ đọc qua vài cuốn sách châm cứu trị liệu bằng Việt ngữ.

Năm 1982 tôi chữa cho ông Nguyễn Văn Lòng bị stroke nằm liệt, không nói được, đi đứng và nói năng bình thường sau vỏn vẹn bốn lần châm trị.

Ông Phan Kính Trai, tức Phan Văn Trang, bào đệ của cựu Thủ Hiến Trung Việt Phan Văn Giáo, được chữa khỏi chứng táo bón và lãng tai.

Ông Nguyễn Ɖông Qui, một nhà giáo nổi tiếng trong ngành sư phạm Cộng Ɖồng, được chữa khỏi chứng huyết tiện (hematuria) khiến cho ông lo lắng và đau khổ vì bị kết luận là ung thư!

Ông Nguyễn Văn Lòng bị ểnh lưng, khi đi phải ngước mắt lên trời, được chữa khỏi sau trên một tháng châm trị.

Ông Nguyễn Văn Ɖực bị khòm lưng vì khiêng một vật nặng, được chữa khỏi sau hai tuần châm trị.

Ông Nguyễn Văn Thơm bị bịnh đau tim nặng đã thuyên giảm 90% theo sự giám định của bác sĩ T.P.C. trên đường Sương Nguyệt Ánh, Sài Gòn, sau ba tuần châm trị v.v..

Tôi sẽ viết một bài riêng về châm cứu trị liệu với nhiều trường hợp khác nhau khi còn ở quê nhà và trong trại tỵ nạn Phi Luật Tân v.v..

Lần thứ tư tôi gặp Chúa trong chiêm bao khi sống trong trại tỵ nạn Palawan, Phi Luật Tân (1985). Do sự tận tình vận động và giúp đỡ của Tổng Lãnh Sự Pháp ở Manila, Ô. Nguyễn Hữu và bác sĩ Dominique, Phó Chủ Tịch Médecins du Monde, chúng tôi được sớm rời trại tỵ nạn Palawan để định cư ở Paris. Trước đó vài ngày tôi nằm chiêm bao thấy Chúa Jesus mặc quần áo trắng thăng về hướng Ɖông Bắc. Tôi thấy một chiếc xe đò Phi Luật Tân sơn nhiều màu sắc khác nhau. Trên xe có chữ Express. Các người tỵ nạn trong trại ùa chạy về phía chiếc xe đò nhiều màu sắc này. Bốn người trong gia đình chúng tôi không vội vã như những người khác nên ngồi ở cuối chiếc xe đò đầy người này. Về vị trí địa lý trại Bataan và Hoa Kỳ đều nằm về phía Ɖông Bắc của đảo Palawan.

Tôi thuật lại giấc chiêm bao này cho anh, em và con tôi và cho biết chúng tôi không đi Paris mà đi Hoa Kỳ (hướng Ɖông Bắc). Chuyến đi Paris của chúng tôi bị hủy bỏ sau khi gặp ông Ramsey, đại diện của tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Manila. Thay vì đi Paris, chúng tôi lên trại Bataan để định cư ở Hoa Kỳ. Có 250 người chuyển trại từ Palawan lên Bataan. Vào giờ chót có thêm bốn người trong gia đình chúng tôi, nâng tổng số người chuyển trại lên  254 người. Bốn người chúng tôi nằm ở cuối danh sách (ngồi phía sau chiếc xe đò như đã thấy trong giấc chiêm bao).

Chúng tôi lên Manila bằng tàu. Tại bến tàu Manila người tỵ nạn được xe bus chở lên trại Bataan cách đó lối 180 km đường bộ quanh co hiểm trở. Mỗi chiếc xe bus chở 50 người. Năm chiếc xe bus đến bến tàu để chở 250 người. Bốn người chúng tôi đứng bơ vơ trên bến tàu chờ xe bus đến chở. Chúng tôi không che dấu nổi sự vui mừng khi thấy chiếc xe bus thứ 6 đến chở chúng tôi. Chiếc xe bus vừa ngừng thì con tôi chỉ vào chiếc xe bus và nói: “Xe có chữ EXPRESS đây nè!” Chiếc xe này đến sau cùng nhưng đến Bataan trước 5 chiếc kia. Ngày rời trại Bataan bốn người chúng tôi cũng được chiếc xe mang chữ EXPRESS này chở ra phi trường Manila.

Suốt 20 năm từ 1965 đến 1985 Chúa Jesus cho tôi gặp NGƯỜI 4 lần. Năm 1986 tôi đến Hoa Kỳ. Từ đó đến nay tôi không được gặp lại Chúa trong chiêm bao lần nào. Năm 2005 (Ất Dậu) tôi xay thịt bằng máy xay tay. Xay xong tôi rửa sạch các bộ phận của máy xay. Khi ráp các bộ phận, tôi mới phát hiện thiếu lưỡi dao. Tôi tìm mãi không được. Trời tối tôi phải bỏ cuộc. Suốt đêm tôi suy nghĩ đến việc ra nơi chùi rửa máy để tìm lưỡi dao. Sáng sớm tôi bắt đầu cuộc tìm kiếm nhưng cũng không có kết quả. Tôi khoanh vùng đất nơi tôi rửa máy xay và thử đào sâu dưới đất 10 cm hay 20 cm xem sao. Tôi chẳng những tìm được lưỡi dao mà còn tìm thấy một bức tượng Chúa Jesus màu bạc dính đầy đất cát. Tôi đem tượng vào nhà lau rửa sạch sẽ và đặt tượng trên bàn thờ.

Thánh Thi của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát (1980)

Ngày 08-09-1980 một vị thầy của tôi ở Ɖại Học Văn Khoa Sài Gòn dẫn tôi đến một biệt thự trong vùng Ɖakao gần một trường Trung Học tư thục cổ xưa ở Sài Gòn. Vào nhà, tôi thấy vài phụ nữ và một người thanh niên ăn mặc kỳ dị. Sau này tôi mới biết chủ nhà là một người đồng hương với tôi. Có lẽ bây giờ bà đã mất ở Pháp.

Vừa thấy tôi, người thanh niên ăn mặc kỳ dị nói lớn:

“Vì ông này mà hôm qua tôi không ngủ được.”

Không ai hiểu người thanh niên ấy muốn nói gì? Tôi càng ngạc nhiên vì không biết người thanh niên này. Ngay cả bây giờ tôi cũng không biết gì về anh ấy (gốc gác, họ tên, ở đâu? v.v..). Anh ấy cũng không biết và chưa gặp tôi lần nào.

Thấy mọi người hiện diện ngơ ngác về lời nói của mình, người thanh niên nói:

“Tối hôm qua Ɖức Quan Thế Âm Bồ Tát giáng xuống và đọc cho tôi hàng trăm câu thơ về ông này. Ở đây ai có băng nhựa và máy ghi âm? Tôi sẽ đọc lại các câu thơ ấy.”

Thấy tôi có mang theo một băng nhựa mới, một phu nhân của một cựu tổng trưởng bộ Kinh Tế chạy về nhà lấy một máy ghi âm. Người thanh niên ngồi bất động ít phút rồi bắt đầu lặp lại những câu thơ mà anh nghe được từ Ɖức Quan Thế Âm Bồ Tát (Bodhisattva Guan Yin). Bà chủ nhà vội vã đóng cửa lại vì sợ công an phường nghe và thấy có nhiều người trong nhà.

Bài Thánh Thi có 630 câu thơ. Ɖọc xong, người thanh niên ăn mặc kỳ dị tắt tiếng trong vài phút.

Sáu trăm ba chục (630) câu thơ ấy nói về: tiền căn của tôi trong nhiều tiền kiếp liên hệ đến Ɖức Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Già Lam, Do Thái và các nước, sự đau khổ, sang Tây phương v.v..

Liên Hệ Với Ɖức Quan Thế Âm và Phật Già Lam

Phạm đức Thiên nhân đạo lâm trần,
Ɖình trung bảo mạng báo Hồng Ân,
Lân truyền kỳ dạo nơi chơn tánh,
đấng nhu hiện chốn phù vân,
Con của Quan Âm từ nhiều kiếp,
Của đức Già Lam định lập thân.
Mẹ ban huyền diệu trong giờ chót,
Quan đức Thiên phong trợ con trần.
Âm dương giáp mối đời tận diệt,
Mới thấu con lành định lập thân.

*

Bởi tiền căn nơi chốn Long Ɖình,
Trung Ương đạo vị Bạch Kinh thượng đài,
Sống kiếp nhân lắm nỗi miệt mài
Nguyên căn tọa vị kỷ lại cõi Trời.
Cung Bạch Ngọc còn thời đáo vị,
Người dưỡng sanh tức thị Cha Lành,
Ngọc Hoàng khai thuyết vô sanh
Cho con thấu được cội lành huyền vi.

Liên Hệ Tiền Kiếp Với Do Thái, Anh Quốc, Ấn Ɖộ, Trung Hoa, Cambodia, Việt Nam

Ɖã 16 kiếp vậy thì xuống thế,
Kiếp trần gian chanh khế lụy lòng.
Dương gian con đã giáp vòng,
Ɖi trong trục đạo tinh thần cao minh.
Từ kiếp đầu khai sanh đất Thánh,
Chốn Salem học ánh Chúa Trời,
Cha ban quyền phúc vơi vơi,
Con theo chơn CHÚA lập đời Trung Nguơn.
Ɖến hạ kiếp xoay vần nhựt nguyệt,
Bước sang Tây khai thuyết Tân Kinh,
Trở về Do Thái oai linh,
Chuyển xoay căn đạo Thiên Linh lập nguồn.
Bước sang Anh Quốc dựng tuồng,
Chỉ huy thế sự chánh trường quang minh,
Qua sang Ấn Ɖộ hữu tình,
Kiên trung chỉ đạo khai sinh kiếp người.
Sang Tàu là để tầm coi,
Con đường danh thế ƉẠO TRỜI ra sao?
Chuyển luân các tổ trần lao,
Trở về Tần Quốc (1) lược thao danh quyền.
Số của con chữ PHIỀN đi trước,
Phải hẩm hiu từng bước dưới trần,
Thì sau mới được vinh thân,
Kiếp nhân, cái quả, phúc phần Thiên ban.
Về Nam Việt hành tràng bốn kiếp,
Cuộc đời con chuẩn tiếp lập công,
Biết bao cai sự với phần
Khi nam, khi nữ, tinh thần cao minh
Ngôi Quốc Sĩ của mình đâu thiếu
Bởi mượn công kết liễu vinh quang,
Muốn tìm cho được đạo tràng,
Dâng trên Thiên mạng thọ ban kỳ này.

Sự Ɖau Khổ

Mẹ muốn con thấu ngộ huyền vi,
Ɖem câu từ đức thực thi với đời.

*

Bốn phương luống khổ suy vi,
Thân con vẫn được tâm thi nhẹ nhàng.
Mẹ cho con buộc ràng dưới thế,
Chịu khổ sầu chanh khế tinh thần.
Ɖó là bọc giáp vào thân,
Ɖể sau con được Hồng Ân thấm nhuần.

*

Bởi cao mạng cung TRỜI con hỡi!
Nên xuống đây vấp với lụy buồn.
Ɖó là TRỜI phủ tình thương,
Hồng Ân cao độ con đường hoa sanh.

*

Từ ba mươi bảy (37) con đường lụy nhỏ (2)
Rồi kiếp đời vò võ tấm thân
Kiếp nhân sống tại nơi trần,
Nghe lòng tê tái tinh thần cô đơn.

Phiêu Bạt Phương Tây

Bốn mươi hai (42) tuổi cùng mỏng tâm duyên (3),
Bước sang bốn mươi bốn (44) tâm Thiên nhẹ nhiều (4).
Bốn mươi sáu (46) tuổi phiêu phiêu (5),
Quí nhơn hỗ trợ mai chiều tấm thân.
Bốn mươi tám (48) tuổi mới gần (6),
Ɖược ngôi Thiên Ngọc giáng trần thọ ban.

*

Qua Tây Phương lãnh lịnh tiên duyên,
Di Ɖà thọ ký tâm Thiên con lành,
Thì từ đó khai thuyết Hoa Sanh.

Nói Về Việt Nam

Ɖại Nam ruộng đất qui khôi,
Ɖất đồng trổ ánh Ngọc Trời ai hay?

Vài Lời Khuyên Nhủ

Nhâm với Ất ráng tường đôn lý,
Ɖể tịnh động xem kỷ tất lòng,
Thiên Văn địa lý hanh thông,
Nhân luân kỳ đạo vốn dòng Hồng Thiên.
Nay Di Lặc phân quyền đạo vị,
Chốn Trung Ương tâm ký thọ truyền,
Mong rằng con lập bảng nguyên,
Sở khai đạo tánh tâm duyên tác đề.
Những gì nhân thế chán chê,
Thì là PHẬT thưởng BỒ ƉỀ THIÊN ÂN.
Những gì người thế không gần,
Nhưng trên THIÊN ƉẠO xoay vần cho ta.
Ɖó là sắc lịnh Ngọc Tòa,
Con nên gìn lấy lòng ta kết nguyền.

*

Thôi tạm mượn đôi bài ngọc bút,
Trên THIÊN LINH chiếu thực đàn trung,
Ɖể người Minh Sĩ tao phùng,
Ngộ trong tâm kiến chơn trung qui đề.
Cầu THIÊN QUAN mở cửa tào khê,
Ɖể cho quốc sĩ đường về ngôi trung.

*

Thời đổi tiếng tầm trao diệu đạo,
Gợi căn lành chơn giáo thọ khai,
Kêu người Quốc Sĩ Nam lai,
Ráng mà giữ mối ngày mai trở về.
Càng nhục khổ Bồ Ɖề Thiên Mạng,
Thì lịnh THIÊN chiếu rạng bản tâm.
Lòng nhân có sẵn nơi trần,
Lo gì chẳng được bước gần THÁNH VƯƠNG.

Vài Nhận Xét Cá Nhân

Tôi không nghi ngờ gì về bài Thánh Thi và người thanh niên ăn mặc kỳ dị. Chúng tôi chỉ gặp nhau một lần vào ngày ghi trên. Tôi sanh năm 1940, nhưng theo Âm Lịch, tuổi của tôi còn nằm trong năm Kỷ Mão chớ không phải Canh Thìn (1940).

Liên hệ đến Do Thái: Thuở nhỏ tôi học rất kém vì thích ngao du đó đây, thích đá cá, đá dế, đá banh và đọc báo. Tôi đọc tất cả các báo mà Phòng Thông Tin (Hall d’Information) Lái Thiêu có như Ánh Sáng, Tin Ɖiện, Tiếng Dội, Phục Hưng (tờ báo có khuynh hướng thân Pháp) v.v.. Tôi là người bạn nhỏ của anh Hoành trông coi Phòng Thông Tin Lái Thiêu lúc bấy giờ. Việc tường thuật chiến sự Do Thái-Á Rập và chiến sự Bắc Việt đã cứu tôi khỏi những trận đòn vì không lo học hành mà chỉ có mặt ở nhà vào buổi cơm chiều mà thôi!

Năm 1962 (Nhâm Dần) tôi bắt đầu đọc Thánh Kinh mà tôi mua ở nhà sách Hòa Bình gần nhà thờ Ɖức Bà. Tôi liên lạc với Tel Aviv để có những sách về lịch sử thành lập Quốc Gia Do Thái và những thành quả nông nghiệp, kinh tế, khoa học kỹ thuật mà nước này đạt được sau ngày lập quốc. Năm 1967 bài viết về Quốc Gia Do Thái của tôi được nhạc sĩ Lê Hoàng Long (Hoàng Ɖức Luận) đề nghị cho đăng trên tờ Ánh Sáng.

Liên Hệ đến Anh Quốc: Không rõ rệt. Tôi rất thích nền dân chủ của Anh và rất thán phục vài nhân vật chánh trị và quân sự của Anh như William Pitt (1759 - 1806), thủ tướng năm 24 tuổi; Arthur Wellesley, 1st Duke of Wellington (1769 - 1852) đã đánh bại Napoléon I ở Waterloo năm 1815; thủ tướng Benjamin Disraeli gốc Do Thái (1804 - 1881), thủ tướng Winston Churchill (1874 - 1965), đô đốc Horatio Nelson (1758 - 1805) v.v.. Tôi chọn tên vài nhân vật Anh cho con tôi khi nhập tịch. Năm 2002 tôi có tên trong IBC (International Biographical Center – Trung Tâm Tiểu Sử Quốc Tế), Cambridge, England.

Liên hệ với Ấn Ɖộ: Phật Giáo, Yoga, Dhyana (Thiền).

Liên hệ với Trung Hoa: Tử Vi và Châm Cứu (tự tìm học qua sách vở chớ không có thầy. Tôi không thấy khó khăn gì cả. Có thể tiền kiếp đã biết các món này rồi. Bây giờ chỉ ôn lại thôi).

Liên hệ với Tần Quốc (Cambodia): không rõ.

Về những năm Nhâm và Ất:

Nhớ rằng Nhâm, Ất qui khôi,
Mới là cội đạo giúp đời thượng sanh.

Trong Châm Cứu có mạch NHÂM là mạch của các kinh ÂM (-), đối lại là mạch ƉỐC của các kinh DƯƠNG (+).

Trong thập lục can chi có năm NHÂM (+) và năm ẤT (-).

Như đã thấy, tôi đọc Thánh Kinh vào năm 1962 (Nhâm Dần), đạt vài thành quả châm cứu vào năm 1982 (Nhâm Tuất), gặp chúa Jesus lần thứ ba với cây đuốc ở Phú Hòa Ɖông vào năm 1982 (Nhâm Tuất). Cũng năm Nhâm Tuất này (1982) tôi gặp Ɖức Mẹ trong chiêm bao dưới dạng một xác chết được cứu sống!

Tôi thấy Chúa Jesus trong chiêm bao lần đầu tiên vào năm 1965 (Ất Tỵ). Tôi vượt biên (27-05-1985) và được gặp Chúa Jesus lần thứ tư vào năm 1985 (Ất Sửu). Năm 2005 (Ất Dậu) tôi đào đất tìm lưỡi dao xay thịt, bất ngờ tìm được lưỡi dao và một tượng Chúa Jesus cao lối 25 cm bằng bạc. Ɖó là những chuyện lạ xảy ra vào những năm NHÂM và ẤT.

(1) Tần Quốc ở đây là Cambodia.
(2) Tính theo tuổi ta (năm Âm Lịch). Tôi sanh năm 1940 nhưng còn vài ngày nữa mới hết năm Kỷ Mão. Nếu tính theo tuổi ta thì năm 1975 tôi 37 tuổi.
(3) 42 tuổi vào năm 1980 (Canh Thân).
(4) Năm 1984 (Nhâm Tuất) là năm tôi đạt nhiều thành quả tốt về châm cứu trị liệu, nói chuyện châm cứu và lá trường sinh, định vị trí xã sinh quán của nhà thơ Nguyễn Ɖình Chiểu (Ɖồ Chiểu, 1822 - 1888) nhân kỷ niệm năm sinh thứ 160 của tác giả Lục Vân Tiên).
(Chú thích của Cái Ɖình: Xem các bài viết của tác giả Phạm Ɖình Lân trong Trang Lưu Cái Ɖình về các đề tài trên:
- Tôi Ɖến Với Châm Cứu Trị Liệu:http://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/toidenvoichamcuutrilieu.htm
- Lá Trường Sinh: http://caidinh.com/trangluu/khoahockythuat/latruongsinh.htm
- Xác Ɖịnh Vị Trí Xã Sinh Quán Của Nhà Thơ Khuyết Mục Yêu Nước: Nguyễn Ɖình Chiểu (1822 – 1888): http://caidinh.com/trangluu/vanhoaxahoi/vanhoa/xacdinhvitri.htm).
(5): Năm 1985 (Ất Sửu): Sống trong trại tỵ nạn Palawan rồi Bataan ở Phi Luật Tân. Cơm nước, thuốc men và mọi nhu cầu tối thiểu đều do Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc giúp đỡ, đài thọ.
(6): 48 tuổi năm 1986 (Bính Dần) đến Hoa Kỳ.

Về Đức Mẹ Santa Maria

Cho đến nay tôi chỉ gặp Ɖức Mẹ Santa Maria một lần duy nhất trong một giấc chiêm bao ngắn ngủi vào năm 1982 (Nhâm Tuất). Theo giấc chiêm bao, tôi thấy trời mưa lất phất ở Vĩnh Phú, một làng ở phía cực nam quận Lái Thiêu. Tôi thấy một xác chết nằm trên Quốc Lộ 13. Xác chết được quấn bằng vải trắng, không thấy mặt mũi, tay chân gì cả. Tôi tự nhủ trong tâm, tôi có thể cứu sống người chết này. Tôi dùng kim châm vào huyệt Tam Âm Giao. Tức thì xác chết động đậy. Phần vải quấn trên đầu rớt ra. Tôi nhận ra đó là Ɖức Mẹ Santa Maria và la to: “Ɖức Mẹ!” Tức thì Ɖức Mẹ biến mất.

Ɖêm đầu tiên ngủ trên sàn tàu Jean Charcot, tôi nghe những tiếng cầu kinh bằng tiếng Pháp Je vous salue Marie, pleine de grâce, le Seigneur avec vous… (29-05-1985). Tôi đinh ninh là các thủy thủ Pháp đọc kinh trước khi đi ngủ. Tôi mở mắt và ngồi dậy. Mọi người trên tàu đều ngủ say. Tôi nằm xuống ngủ tiếp. Tiếng cầu kinh tiếp diễn thêm một, hai phút mới dứt hẳn.

Ngoài những lời cầu nguyện trên tôi còn nghe tiếng chuông chùa. Khi tàu Jean Charcot cập bến Puerto Princesa, chúng tôi được đưa vào trại tỵ nạn Palawan. chỗ ở của chúng tôi trong trại Palawan nằm gần giáo đường Thiên Chúa Giáo, chùa Phật Giáo, thánh thất Cao Ɖài và nhà thờ Tin Lành.

Những kỷ niệm ấn tượng dù chỉ gặp một lần duy nhất

Cô Giáo Cần Thơ

Năm 1965 tôi đi coi thi ở Cần Thơ. Lúc ấy ở Sài Gòn Nội Các Chiến Tranh do tướng Nguyễn Cao Kỳ đứng đầu được thành lập. Tình hình chiến sự rất sôi động nên tôi phải đi Cần Thơ bằng đường hàng không.

Một cô giáo tại địa phương và tôi làm giám thị phòng thi. Sau buổi thi chiều hôm ấy, cô giáo mời tôi về nhà. Cô nói úp mở là cô có một món quà quí giá tặng cho tôi.

Gác thi xong, tôi theo cô giáo về nhà. Cô giáo chỉ món quà đã đóng thùng và nói:

“Ɖó là quà của ông. Ông xứng đáng được món quà quí giá này.”

“Cái gì trong thùng này?” Tôi hỏi.

“Một bộ sách quý mà cha tôi mang từ Pháp về. Cha tôi là một kỹ sư học ở Pháp. Về nước, ông hoạt động kháng Pháp, bị bắt đày ra Côn Ɖảo và mất ở đó.” Cô giáo đáp.

Hình như cô giáo không có chồng con. Cô sống với bà mẹ già.

Tôi xin phép cô giáo mở cái thùng ra xem cái gì trong đó. Ɖó là bản dịch Pháp ngữ từ bộ Das Kapital (Le Capital) của Karl Marx. Bộ sách gồm 28 quyển: ấn hành vào đầu thập niên 1920. Giấy màu vàng nhạt rất thô. Tôi chưa quyết định có nên nhận bộ sách này hay không. Trước tiên đó là bộ sách cấm ở miền Nam thời bấy giờ, nhất là lúc tướng Nguyễn Cao Kỳ tỏ ra chống cộng quyết liệt. Sau đó tôi thấy bà mẹ cô giáo buồn bã nhìn thùng sách, một kỷ vật quý báu cuối cùng của chồng bà lưu lại. Kỷ vật này sắp rời khỏi nhà bà ở Cần Thơ. Tôi đề nghị cô giáo để thùng sách ở nhà cô. Tôi sẽ đến đem về Sài Gòn sau khi hoàn thành công tác coi thi.

Tôi bàn chuyện này với Lặc và Thúc. Lạc là rể của chú tôi. Anh ấy dạy học ở Cần Thơ, sau là thanh tra Trung Học. Thúc là người Phú Chánh, Bình Dương, làm việc ở Cần Thơ, sau thuyên chuyển về Ɖại Học Sư Phạm Sài Gòn. Cả hai đều khuyên tôi nên nhận bộ sách quốc cấm này. Lặc tình nguyện đem bộ sách về Sài Gòn giùm tôi trên chiếc xe đò Nhan Nhựt.

Cô giáo ghi tên B.T.N. trên các cuốn sách. Trên nửa thế kỷ tôi không gặp lại cô giáo B.T.N., cũng không có tin tức gì về cô. Hiện cô sống ở đâu? Còn sống hay đã mất?

Ông Sửu Bình Dương

Tôi biết tên ông Lê Văn Sửu vì ông là một Phật tử thuần thành ở Bình Dương. Nhưng tôi không quen với ông và ông cũng không biết tôi.

Năm 1968 anh Tạ Ngọc Tường, chủ tịch Tổng Liên Ɖoàn Lao Công Bình Dương, và tôi ăn cơm ở nhà hàng do điêu khắc gia Lê Văn Yến (1) làm chủ . Ăn xong, anh Tường chở tôi đến nhà ông Sửu trên đường Ngô Quyền. Sau những lời chào hỏi sơ giao, anh Tường hỏi ông Sửu về chuyện hành hương xứ Phật. Ông Sửu sung sướng thuật lại những điều nghe thấy trong cuộc hành hương. Khi ra về, ông Sửu tặng riêng tôi một bức ảnh Phật Tổ Như Lai tọa Thiền dưới cội bồ đề. Từ trước đến giờ tôi chưa thấy bức ảnh Phật nào đẹp hơn bức ảnh màu chiếu sáng này. Ɖiều đó phản ảnh đức tin của nghệ nhân sáng tác ra bức ảnh. Bức ảnh đã đến Hoa Kỳ với tôi khi gia đình được đoàn tụ. Âu cũng là cái duyên. Người mới gặp một lần duy nhất đã được tặng món quà tinh thần có giá trị bất biến với thời gian.

(1): Ông Yến và Báu là giáo sư trường Mỹ Thuật Bình Dương. Cả hai là bạn đồng khóa ở trường Mỹ Thuật Hà Nội vào cuối thập niên 1930 với ông Nguyễn Văn Ɖô, giáo sư Hội Họa của trường Lý Thường Kiệt.

Hai bác sĩ trẻ

Hải và Hà là bạn của cháu tôi. Cả hai là con của kiến trúc sư Huỳnh Văn Chánh.

Không biết cháu tôi nói về tôi như thế nào mà khi tôi đến California năm 1987, cả hai người đều đến thăm tôi. Lúc ấy cả hai cháu đều là kỹ sư. Người anh sắp có vợ. Người em vẫn còn độc thân. Cả hai đều yêu cầu tôi cho hai cháu vài lời khuyên.

“Vẫn biết rằng hai cháu là những sinh viên xuất sắc hiện có công việc với lương bổng cao nhưng hai cháu đều gặp nhiều phiền phức bực mình. Ɖể tránh những phiền toái do cấp trên và do máy móc gây ra, hai cháu nên chuyển sang y khoa thì tốt hơn. Cả hai cháu đều có số y dược.” Tôi nói.

Cả hai đều vui vẻ đón nhận lời khuyên của tôi. Gia đình hai cháu đều ước muốn như thế, nay nghe lời khuyên của tôi như lời đáp ứng cho ước muốn cao thượng đó. Người em sốt sắng từ bỏ công việc để học thi vào Y Khoa. Cháu được chấm đậu và bắt đầu học Y Khoa vào những năm cuối của thập niên 1980. Ít lâu sau người anh cũng đậu vào trường Y Khoa. Hiện cả hai anh em đều là bác sĩ ở California.

Một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi làm thay đổi công việc của hai người thanh niên mà cho đến nay tôi chỉ mới gặp một lần vào năm 1987 mà thôi! Tôi nghe danh kiến trúc sư Huỳnh Văn Chánh nhưng chưa gặp mặt nhau lần nào. Có lần ông gặp anh tôi, Phạm Ɖình Hưng, và gởi lời cám ơn “chú Sáu” (tôi) đã có lời khuyên có tác dụng tạo ra hai bác sĩ trong gia đình ông.

Gặp nhau qua Thần Giao Cách Cảm

Chị Nguyễn Kim Liểng (tôi gọi chị là chị Út) và tôi có liên hệ họ hàng. Một thời chị được xem là người đẹp Bình Dương. Chị là phó trưởng ty Ngân Khố Bình Dương và là chủ trường tư thục đệ nhị cấp Nguyễn Trãi sau khi anh chị là Nguyễn Tiên Sanh mất. Chị có danh vị xã hội và một tài sản khá lớn tại địa phương nên đời sống của chị rất sung mãn. Chị nổi tiếng là người ăn mặc sang trọng. Chị là người phúc hậu được sự quí mến và ngưỡng mộ của những người quen biết chị.

Mặc dù là bà con, chị và tôi ít khi gặp nhau. Mẹ tôi, anh Hưng và tôi có đến thăm chị và ăn trưa ở nhà chị ở Bình Dương vào năm 1967. Chị định cư ở Canada. Chúng tôi định cư ở Hoa Kỳ. Hai chị em gặp lại qua những bài viết trên Ɖặc San của Hội Ái Hữu Bình Dương do anh Nguyễn Hữu Của làm hội trưởng. Từ đó thỉnh thoảng hai chị em liên lạc nhau bằng điện thoại.

Một hôm trong một cuộc điện đàm, chị lo nghĩ về một chứng bịnh của người con dâu của chị, một chuyên viên phân tích hóa học làm việc ở Âu Châu. Chị cho biết các ngón tay của cháu không cử động bình thường nên không thể sử dụng computer được. Chị nói như thế như là một tin tức gia đình vì chị biết tôi là một thầy giáo chớ không biết tôi biết châm cứu trị liệu. Tôi trấn an chị và đưa giải pháp chữa trị với điều kiện chị mua một quyển sách châm cứu, kim châm cứu gởi cho đứa con trai của chị kèm theo bức thơ của tôi ghi các huyệt phải châm để con trai chị châm cho vợ cháu. Chị than:

“Cháu có biết gì mà châm!”

“Rồi cháu sẽ biết. Ɖó là con đường mới của cháu.” Tôi nói.

Dù tin hay không tin lời của tôi, chị cũng làm theo lời của tôi. Cháu Quan, con trai của chị, thử làm theo lời dặn của tôi trong thơ. Hai bàn tay của vợ cháu hoạt động bình thường. Phấn khởi về kết quả bất ngờ, cháu Quan ghi danh theo học châm cứu trị liệu do các bác sĩ Âu Châu và Trung Quốc dạy. Bốn năm sau cháu tốt nghiệp và hành nghề. Hiện nay trình độ chuyên môn của cháu về ngành châm cứu bỏ xa tôi rất nhiều. Hàng năm cháu tham dự các khóa tu nghiệp do các giáo sư người Âu Châu và Trung Quốc hướng dẫn với nhiều khám phá mới trong ngành  khác với ngành châm cứu cổ điển.

Sau này chị Út hỏi tôi: “Sao cậu biết cháu Quan làm được?”

“Ɖó là sự hội tụ của những dòng thanh điện của những Thiền nhân. Chị trường chay và hành Thiền. Cháu Quan hành Thiền. Tôi hành Thiền. Chị nói về bàn tay đau của dâu chị như một tin tức. Không ngờ chị nói trúng ngay người đã từng chữa trị chứng ấy với kết quả tốt. Cháu Quan hành Thiền. Ít nhiều cháu cũng có những luồng thanh điện, trí tuệ sáng lên, tinh thần phấn chấn, thích thú trong việc học hỏi  để góp phần vào việc phục vụ đồng loại trong xã hội loài người.” Tôi đáp.

Chị Út đã thanh thản ra đi. Những dòng chữ này như gợi lại sự hiện diện của một người mẹ thương con và dâu của mình. Một nén hương gởi đến hương hồn chị nơi Tiên cảnh.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/vaichuyenlanho.htm


Cái Đình - 2021