Phạm Viêm Phương


Tổ quốc

Đó là việc làm kỳ quái nhất trên đời, hoặc như người ta nói thế khi nghe chuyện ba của Phương đặt tên cho đám con thứ hai của ông theo tên của đám thứ nhất. Phương là con lớn nhất của đám con nhỏ hơn này, và trong suốt hăm ba năm trong đời cô đã tin rằng những người con kia của ba cô được nhiều phước lành hơn. Bằng chứng về vận may của họ được viết trong những lá thư ngắn gọn gởi về quê hàng năm bởi má của người trùng tên với Phương, bà vợ đầu của ông Lý, người liệt kê các thành tựu, chiều cao, và cân nặng từng đứa con của bà ta theo những chấm lớn đầu dòng. Ví dụ, đứa trùng tên với Phương, lớn hơn Phương bảy tuổi, cao hơn Phương mười lăm phân, nặng hơn hai chục ký, và, theo ghi nhận trong những bức ảnh kèm theo lá thư, có nước da sáng hơn, mịn hơn; một sống mũi mảnh hơn, thẳng hơn; và tóc, áo quần, giày, và kiểu trang điểm trở nên hợp thời trang hơn nữa khi cô tốt nghiệp một trường tư cho nữ sinh, rồi tốt nghiệp tiếp một trường đại học đẳng cấp, kế đó là trường y rồi tới giai đoạn làm bác sĩ nội trú ở Chicago. Ông Lý đã cho ép nhựa từng bức ảnh để chống lại độ ẩm và dấu tay, cất chúng thành chồng ngay ngắn trên cái bàn nhỏ cạnh trường kỷ trong phòng khách.

Những lá thư kèm ảnh chụp là loại thông báo duy nhất mà gia đình Phương nhận được về con cái trong nhà, trước đó trong suốt thời gian vắng mặt nhau khoảng hăm bảy năm, cô chị trùng tên với Phương và hai đứa em của cô chưa bao giờ tự viết một chữ. Vậy nên, khi lá thư đầu tiên như thế được gởi qua, nó trở thành nguồn cơn của một sự hào hứng cao độ. Lá thư được đề gởi cho ông Lý, người với tư cách kẻ toàn quyền trong nhà, luôn nhận trách nhiệm bóc thư. Ông ngồi trên trường kỷ và bóc phong bì một cách cẩn thận, sử dụng một trong vài món đồ xưa từ quá khứ mà ông còn xoay xở giữ được, một lưỡi dao bạc có cán ngà. Ngồi hai bên ông là Phương và má cô, trong khi hai đứa con trai mới lớn, Hạnh và Phúc, ngồi trên tay dựa và nghển cổ để cố nhìn vào những chữ mà cha chúng đọc thành tiếng. Lá thư còn ngắn hơn những thư của bà vợ trước viết, chỉ thông báo rằng cô chị cùng cha khác mẹ của Phương sẽ qua bên này trong kỳ nghỉ hai tuần, và cô ấy hy vọng lưu lại được ở chỗ họ.

“Vivien?” Bà Lý đọc cái tên ký ở cuối thư. “Bộ nó giỏi quá nên không xài cái tên ông đặt cho nó sao?”

Nhưng Phương biết ngay tại sao cô chị lại chọn cho mình một cái tên ngoại quốc, và nó là tên của ai: Vivien Leigh, minh tinh trong Cuốn Theo Chiều Gió, bộ phim ưa thích của cha cô, như có lần ông thoáng nhắc tới với cô. Phương đã xem phim đó trên băng video sang lậu, và lập tức bị thu hút vì vẻ quyến rũ, nét đẹp và sự u sầu của Scarlett O’Hara, nhân vật nữ chính và hiện thân của một miền Nam xấu số. Có quá đáng không khi cho rằng khối Liên minh sụp đổ, với ý thức bi kịch về chính mình của nó, không chỉ có sự tương đồng ngẫu nhiên với chế độ Cộng hòa miền Nam thất trận của cha cô cùng những tàn tích đầy phẫn uất của nó?

Nên trong những tuần chờ Vivien qua tới đây, khi ở nhà hay ở nơi làm việc, Phương dễ xây lên những kịch bản về một bà chị tử tế, đầy phong cách, ít nhiều nghiêm trang và buồn bã, nhưng vẫn dịu dàng và quý phái, một người sẽ lập tức yêu mến cô, trở thành người chỉ bảo và hướng dẫn mà Phương chưa bao giờ có. Việc thoáng nhìn thấy Vivien lần đầu tiên ở phi trường chỉ thêm khẳng định cái tên Vivien của một minh tinh thật phù hợp với cô thiếu nữ đang dừng lại ở mấy lớp cửa kính của nhà ga, với đôi mắt mở to sau cặp mắt kính to bản, miệng hơi hé khi đôi môi bóng loáng chu ra, đẩy cái xe chất vali màu đỏ thẫm, nặng cỡ thể trọng của chị. Khi nhảy lên và vẫy tay để Vivien trông thấy, Phương hồi hộp khi thấy chị mình hoàn toàn khác hẳn đám dân địa phương đang chờ bên ngoài để chào đón những người mới đến, cả mấy trăm con người bình thường mặc quần áo tẻ nhạt đang phe phẩy quạt dưới nắng nóng.

Ngay cả sau một tuần ở Sài Gòn, Vivien vẫn không có vẻ giống dân bản xứ hơn ngày đầu mới tới, ít nhất trong khung cảnh ngoài trời. Trên đường phố, ở quán cà phê lề đường, hay khi chui vào taxi, chị dễ dàng bị nghĩ lầm là cô vợ bèo nhèo của một doanh nhân Hàn Quốc hay một nữ du khách Nhật kiệt sức, lớp trang điểm của chị chảy ra dưới ánh nắng nhiệt đới. Tuy nhiên, trong một vài lúc khi đang ở nhà, chị rõ ràng là bà chủ trên lãnh địa của mình. Ðiều này đúng ở nhà hàng Nam Kha trên đường Ðồng Khởi, nơi Phương từng làm tiếp viên trong hai năm sau khi tốt nghiệp đại học. Ðãi cả nhà bữa tối tại Nam Kha là ý kiến của Vivien, một cách chào mừng kỳ nghỉ của chị được nửa chặng đường và là điều Phương chắc chẳng bao giờ gợi ý, những món ở nhà hàng này vượt quá xa khả năng của Phương hay gia đình cô.

“Nhưng như thế là tội ác, em không nghĩ vậy sao?” Vivien nói, liếc qua những món chính. Bàn của họ ở bên cạnh hồ nước phản chiếu ánh sáng, phía bên kia hồ có hai thiếu nữ ngồi trên bục lót nệm, mặc áo dài lụa, thanh thoát và nhẹ nhàng gẩy mười sáu dây của cây đàn tam thập lục đặt trong lòng họ. “Em phải ăn tại nơi em làm việc ít nhất một lần trong đời chứ.”

“Tính năm đô la cho món rau muống xào tỏi là một tội ác,” bà Lý nói. Bà bán vải lụa ở chợ Bến Thành và có con mắt của người mặc cả đầy kinh nghiệm, mượt mà và kín kẽ như những hạt nút trên bàn tính gẩy. “Ở chợ cô mua mớ này chỉ một đô.”

“Nhìn quanh đi,” ông Lý nói, giọng ông sốt ruột. Tất cả những khách khác đều là người da trắng ngoại trừ cặp người Ấn ngồi trong góc, người đàn ông mặc đồ vải lanh còn người phụ nữ mặc bộ đồ cổ truyền. “Ðấy là giá cho du khách.”

“Ðó là thứ giá ngu ngốc.”

“Bỏ qua giá cả thì đây là nhà hàng tốt,” Vivien nói. Giọng chị nghe đầy uy quyền, cái kiểu mà chắc chị vẫn dùng trong phòng khám bệnh ở Chicago. Không phải lần đầu, Phương tưởng tượng mình ở vị trí của chị ấy, mặc áo khoác trắng trong căn phòng màu trắng, nhìn ra bức tường nhiều cửa sổ qua màn tuyết trắng. “Em nghĩ sao?” Vivien đụng vào đầu gối cô. “Hơi quá với em hả?”

“Không hề!” Phương hy vọng cô bộc lộ một vẻ tự tin và thoải mái, không giống mấy đứa em. Hạnh và Phúc chẳng nói gì, mấy cuốn thực đơn bọc lụa đẹp hơn bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào chúng từng có. “Em có thể quen dần với chuyện này.”

“Như thế là đúng.”

Các khách ở bàn bên cạnh đứng dậy, và trên đường đi ra, hai người trong bọn họ dừng lại bên Phương, cô tóc nâu chụp hình nhạc công đang chơi đàn tam thập lục. “Họ cứ như bướm vậy,” cô ta nói với giọng Úc, liếc nhìn hình trong máy ảnh. Trộm nghe họ, Phương thấy nhẹ nhõm vì mình không phải là chủ đề thu hút họ. “Thật nhỏ nhắn và thanh nhã.”

“Tôi dám chắc họ chẳng bao giờ lo nghĩ về những món họ ăn.” Người bạn của cô ta mở hộp trang điểm để xem lại thỏi son. “Mấy bộ đồ đó trông cứ như được khâu vào người họ.”

Ðêm từng đêm, Phương đã quan sát những thói quen của các du khách giống thế này, bằng tốt nghiệp Sinh học của cô như trở nên vô nghĩa khi cô vừa mở cánh cửa nhà hàng Nam Kha vừa cúi đầu chào khách. Sau khi đến dùng bữa với những món ăn dân dã được bày biện trang nhã, những người khách dễ dàng có ấn tượng với nghệ thuật điêu khắc Chăm, những tấm liễn chữ Hán treo trên tường, và với chính Phương, cô gái có thân người mảnh mai và nhỏ nhắn trong tấm áo dài vàng vừa khít. Ðôi khi khách cũng xin phép chụp ảnh cô, những yêu cầu ban đầu gây thích thú nhưng bây giờ thường gây khó chịu. Tuy nhiên, cô không thể từ chối, như người quản lý của cô đã nói rõ, và do đó cô buộc phải mỉm cười và nghiêng đầu, một lưới tóc đen và mượt như vải quần của cô rũ xuống vai. Chọn tư thế này hay tư thế kia, Phương có thể vờ rằng mình không phải là một tiếp viên đang làm theo yêu cầu của khách nước ngoài, mà như một người mẫu, một ngôi sao mới nổi, người trùng tên với chị của mình. Thực sự bản thân trông ra sao thì cô chẳng bao giờ biết được, vì tuy ai cũng hứa sẽ gởi lại cho cô một bức nhưng tới nay chẳng người nào làm việc đó.

Khi đến đây, Vivien mang theo một danh sách những thắng cảnh chị muốn thấy, kèm theo thời gian đi đường ước lượng bằng xe lửa, xe hơi, tàu cánh ngầm, hoặc máy bay. Tổng thống Clinton đã đến đây năm ngoái, chuyến viếng thăm rất được chào mừng của ông khiến má chị tin rằng Vivien sẽ trở về an toàn, nhất là khi được võ trang bằng hộ chiếu Mỹ và những đồng đô la. Ðược trang bị như thế, Vivien đã thắng được sự phản đối chiếu lệ của cha chị và chi trả cho cả nhà trong mọi cuộc đi chơi của họ. “Chị là bác sĩ mà, phải không?” chị nói. Tuy Phương rất ấn tượng trước cách suy nghĩ của Vivien, cứ như đi nghỉ là một công việc để tìm thăng tiến trong đó, nhưng cô không ngạc nhiên. Những thông tin lác đác do má Vivien gởi đã gợi ra bức tranh về một phụ nữ trẻ độc lập, một bác sĩ nhi khoa chưa kết hôn từng du lịch ba lô một mình khắp Tây Âu và đi nghỉ ở Hawaii, Bahamas, Rio. Ông Lý, người kiếm sống khiêm tốn với nghề hướng dẫn du lịch, xem lại lịch trình Vivien đã lập và nói, “Ba cũng không làm tốt hơn được.”

Ông là người hiếm khi khen ngợi, ngoại trừ lúc nói tới ba đứa con đầu. Vợ ông đã đem chúng vượt biên sau chiến tranh, khi ông đi lao động cải tạo và vợ bé của ông tới xin tiền. Cho đến lúc đó má của Vivien không hề biết về sự có mặt của người phụ nữ kia, và phản ứng của bà là bỏ đất nước ra đi cùng ba đứa con trong một chuyến đi đầy nguy hiểm bằng thuyền. Ông Lý biết tin về chuyến bỏ trốn của họ khi ông mới bước qua một nửa bản án năm năm, sự mất mát này dẫn tới khoảng thời gian choáng nặng và trầm cảm mà ông không thoát ra được cho tới khi trở về Sài Gòn. Cuộc sống phải tiếp tục, bà vợ bé của ông nói, nên ông đã ly dị má của Vivien, biến bà vợ bé thành bà Lý thứ hai và đẻ ba đứa con nữa. Ông thường so sánh Phương với người chị vắng mặt của cô, điều đó bồi đắp trong Phương ngoài cảm giác mong mỏi Vivien còn là một ý ghen ghét không thể phủ nhận nào đó. Một con mọt ganh tị lộ mặt gần như mỗi ngày Vivien ở chơi, vì cha cô cư xử hoàn toàn không giống ông lâu nay, cứ như ông đang cạnh tranh để có một công việc, trong trường hợp này là giành lấy sự tán đồng của Vivien. Không nghi vấn hay phê phán, ông làm theo kế hoạch thăm các đền chùa và nhà thờ, thương xá và viện bảo tàng, các bãi biển và khu nghỉ mát, về phía nam tới tận Cà Mau, phía đông tới Vũng Tàu, phía bắc tới Ðà Lạt, và tại Sài Gòn, từ những ngõ nhỏ đông đúc, huyên náo của khu người Hoa trong Chợ Lớn cho đến cảnh quyến rũ của phố Ðồng Khởi ở khu trung tâm, nơi Nam Kha là nhà hàng đắt tiền nhất trên con đường này.

“Ðây giống Sài Gòn hồi xưa.” Ông Lý mỉm cười ngây ngô, nhìn chăm chú vào những màn nhung xếp nếp và cột đá hoa của nhà hàng. Thời chiến tranh, ông từng sở hữu một xưởng đóng giày, một ngôi nhà ven biển ở Vũng Tàu, một chiếc Citroën với tài xế riêng. Những ảnh chụp thời đó cho thấy một người đàn ông bảnh bao với mái tóc vuốt keo và hàng ria mép mỏng. Bây giờ, trong chừng mực Phương có thể nhận ra, ông mang nỗi buồn và sự thất bại thể hiện qua cái bụng bự mà chiếc áo nhỏ một số so với cỡ của ông hầu như không che phủ được. “L’Amiral trên đường Thái Lập Thành. La Tour d’Ivoire đường Trần Hưng Ðạo. Paprika, với thứ cơm thập cẩm và rượu vang đỏ Tây Ban Nha thượng hạng. Ba vẫn thường tới những nhà hàng đó.”

“Không phải với tôi,” bà Lý nói.

“Sáng mai con muốn làm gì?” Ông Lý hỏi Vivien. Chị rót thêm cho mình từ một chai vang Úc và nói, “Trong kế hoạch con còn để trống. Con luôn dành một hai ngày cho những chuyện bất ngờ.”

“Mình đi Ðầm Sen được không?” Hạnh nói. Phúc hăng hái gật đầu.

“Ðó là cái gì?” Vivien lại rót thêm vang.

“Một công viên giải trí,” Phương nói. Cô đang uống nước chanh, giống như má với hai đứa em. “Không xa lắm.”

“Chị từng làm trong một công viên như vậy hồi mười sáu tuổi,” Vivien nói. “Ðó là một mùa hè điên loạn.”

“Mình để dành vụ Ðầm Sen cho lần sau đi,” ông Lý nói. “Vì con đã thấy chỗ em con làm, để mai ba dẫn con đi theo một trong những tour tham quan của ba.”

“Trăm phần trăm.” Vivien nâng ly của chị lên, dùng lại câu mời cùng uống mà ông đã dạy chị.

Ông cụng ly với chị, nhìn âu yếm mấy đứa con trai, rồi nói, “Mấy con là thế hệ may mắn.”

“Con không chắc tụi con may mắn như vậy,” Phương nói.

“Con chẳng bao giờ trân trọng những thứ mình có.” Cha cô vẫy tay về phía bữa ăn và Phương siết chặt ly của mình, chuẩn bị nghe những câu chuyện về cha mẹ cô một lần nữa. “Con muốn nói về xui rủi hả? Sau khi người Mỹ bỏ chúng ta và chính quyền mới tống ba vào trại lao động cải tạo, bọn ba ăn khoai mì với rễ cây để sống. Có mọt trong gạo, thứ được nấu thành cháo loãng. Người ta mắc bệnh lỵ, sốt rét hay sốt xuất huyết y như cảm cúm thông thường rồi cứ thế mà chết thôi. Bọn ba còn có máu cho đỉa vắt nó hút thì cũng lạ đấy.”

“Ở nhà thì cũng đâu khá gì hơn,” bà Lý phụ họa. “Sau chiến tranh má bán mọi thứ để sinh sống. Cái máy may. Cái máy hát ông cho tôi, rồi mớ đĩa hát luôn.”

“Chuyện ngốc nhất là mấy bản tự kiểm.” Ông Lý nhìn chằm chằm cái ly của mình, cứ như mọi bài học mà ông học được ở trại lao động, một khi được chưng cất thành chất lỏng, chỉ để rót đầy cái ly đó. “Mỗi tuần ba phải bịa ra một cách mới để tự phê bình chuyện mình là thằng tư sản. Ba viết đủ số trang cho cả một cuốn tự truyện luôn, nhưng mỗi chương lại nói cùng một chuyện.”

Phương thở dài, nhưng Vivien nghe chăm chú, một bàn tay chống cằm. “Có một điều con luôn muốn biết.” Khi cha họ nhìn lên, Vivien nói, “Tại sao ba lấy tên tụi con đặt cho mấy đứa con ba có với bà vợ sau?”

Ðó là câu hỏi Phương chưa bao giờ nêu ra, sợ phải nghe câu trả lời mà cô luôn nghi ngại, rằng cô với hai đứa em chỉ là những nuối tiếc của một người cha tái sinh thành da thịt. Tuy nhiên, sự thẳng thắn của Vivien có vẻ không hề khiến cha cô kinh ngạc hay sững sờ, ông chỉ nâng ly và nói, “Nếu con không quay về thăm ba thì ba hiểu được thôi. Nhưng ba biết con sẽ trở lại để gặp đứa nhỏ mà ba đã lấy tên con đặt cho nó.”

Vivien liếc nhìn Phương, cô giữ một vẻ mặt lặng lẽ. Rốt cuộc, việc cha họ cư xử kiểu này, thiên vị người này người kia và tự thương thân, chẳng phải là do lỗi của Vivien. “Bởi thế con mới có mặt ở đây,” Vivien nói. Chị nhìn sâu vào mắt cha và cụng ly với ông. “Và ly này cho chúng ta.”

“Trăm phần trăm.” Ông Lý nói.

Trong bao nhiêu năm làm hướng dẫn viên du lịch, ông Lý chưa bao giờ bảo Phương đi cùng tour với ông. Dù chẳng bao giờ muốn đi, nhưng sáng hôm sau, khi lên xe, cô nhận ra có thể cô thích được yêu cầu như thế. Vivien không có vẻ trân trọng mối quan tâm đặc biệt của cha dành cho chị, hay vận may được làm du khách trong ngày hôm nay, hai đứa con trai đi học và má của Phương bận rộn ở chợ Bến Thành. Thay vào đó, Vivien tập trung chú ý vào tình trạng chật chội của chiếc xe già cỗi, thì thào những phàn nàn vào tai Phương về những tay du lịch bụi tóc dài, luôn ưu tư về tiền bạc, đang ép mình vào những chiếc ghế ngồi lót nệm mỏng dính và làm giàu cho công ty của ba họ. Rồi, bị chìm trong thời tiết ẩm từ khi bước ra khỏi chiếc xe buýt máy lạnh ở Bến Ðình, Vivien chỉ còn nước làu bàu rằng đây không giống với ý niệm của cô về một cuộc vui.

“Chị thậm chí không thích cắm trại,” Vivien nói khi chị em nối bước sau những du khách khác, lần bước quanh co qua những cây khuynh diệp và bụi tre nơi người ta bảo tồn hệ thống địa đạo huyền thoại của Củ Chi. “Chị thích thương xá hay viện bảo tàng hơn, nhưng ngay cả viện bảo tàng ở đây cũng không có máy lạnh.”

“Ba muốn chị thấy ông khi làm việc.” Phương nói một cách kiên nhẫn. “Ba làm việc gì cũng giỏi.”

“Ðừng kể với ba những điều chị nói nghe, được không? Chị không muốn làm tổn thương cảm xúc của ba.”

“Vậy là mình có một bí mật he?” Phương đùa.

“Chị em thì phải có bí mật chứ,” Vivien nói. “Ô Chúa ơi. Cái gì vậy? Ba mươi bốn độ à?”

“Cũng không tệ quá đâu. Trời thậm chí chưa nóng tới cỡ đó.”

“Chị bị chích rồi. Chị cảm thấy mà. Coi chân chị nè!”

Bắp chân và đùi của Vivien đầy những chỗ sưng mờ nhạt của những vết cắn còn mới và những đốm đỏ của những vết chích gây khó chịu. Là một bác sĩ nhi khoa và lữ hành dày dạn, nhưng Vivien tỏ ra thiếu khả năng chăm sóc thân thể mình đến mức đáng thương. Trong khi Phương đeo găng che cánh tay và vớ bên trong lớp quần jean, cô chị chỉ mặc áo thun lộ cả dây áo ngực và chiếc quần đôi lúc ngắn đến độ lộ ra phần lưng và sợi lọt khe của quần lót. Mặc dù để da trần, Vivien lại quên dùng thuốc chống muỗi và phàn nàn mỗi khi trời nóng, mà tình trạng đó, theo chị, xảy ra gần như mỗi giây cả ngày lẫn đêm. Tính mong manh dễ tổn thương của bà chị luân phiên trở thành nguồn cơn của phiền hà và thương mến đối với Phương, khiến Vivien bớt đáng ngại hơn và có lẽ xứng đáng với bí mật mà Phương muốn thổ lộ, một điều mà cô chưa bao giờ nói với gia đình và cũng là điều chỉ Vivien mới có thể hiểu.

“Ðây, thưa quý bà quý ông, là một bẫy chông.” Ông Lý nói bằng tiếng Anh, ra hiệu cho nhóm khách dừng lại. Hơn hai chục khách, toàn người Tây phương, bước lại gần ô cửa sập bằng tre. Ông kéo nó theo bản lề cho đến khi nó dựng đứng, bày ra cái hố sâu như huyệt mộ và dài như một quan tài, cỡ chục cây chông gỗ nhọn hoắt được cắm sâu vào đất. “Bước nhằm ô cửa là các bạn rơi ngay vào đó.”

Sau khi một cặp du khách chụp hình, ông Lý vẫy tay xua cả nhóm tới trước. Ông mặc áo sơ mi trắng ngắn tay với quần rộng màu xám và giày da nâu đánh xi bóng, trong khi ở nhà ông thường lang thang với quần đùi và, có lẽ, một cái áo thun lót. Ðiều lạ lùng nhất với Phương là việc thấy cha cô nói đùa và tán gẫu với du khách. Mỗi khi ông nói chuyện với Phương ở nhà, phần lớn là nhờ lấy thêm bia, hoặc sai cô lấy thuốc lá cho ông, hay làm món gì đó để ăn tối.

“Còn đây, là một đoạn hầm nguyên thủy.” Ông Lý dừng lại và chỉ vào một lỗ vuông bằng cỡ tờ giấy báo ngay gốc cây khuynh diệp, được đậy bằng tấm ván và lớp lá cây rải bên trên. “Ở đây, quân du kích sống suốt bao năm và tấn công lính Mỹ bất cứ lúc nào.”

Các du khách phần lớn là người Mỹ, nhưng câu chuyện này chẳng có vẻ gì là phật lòng họ. Thay vì thế, họ có vẻ hào hứng, giơ cao máy chụp hình khi ông giở tấm ván để cho thấy lối vào hẹp, tối đen. Ở xa xa, từ bãi tập bắn, một khẩu súng máy nổ cả băng đạn, mỗi viên giá một đô la, theo cha họ nói. Phương ngạc nhiên với chuyện làm sao những du khách này lại muốn tiêu tiền và cả ngày trời của họ ở đây, thay vì ở bãi biển, hay ở một nhà hàng ly kỳ nào đó, hay trên võng trong một quán cà phê đồng quê ven sông. Lý do cho cách ứng xử như vậy, theo cha cô, là do du khách chỉ biết một điều về đất nước này, đó là chiến tranh. Nên những địa đạo này là thứ phải đến xem trong lịch trình của họ.

“Lát nữa chúng ta xem những địa đạo mới, được nới ra đủ lớn cho quý vị. Lần trước một người Mỹ chui vào địa đạo này rồi không ra được. Ông ta quá mập!” Ðể minh họa cho mô tả của mình ông dang tay và nắm hai tay với nhau, tạo thành một vòng tròn lớn trên cao. “Ai muốn thử không?”

Các du khách cười và lắc đầu, người nhỏ con nhất trong bọn họ cũng cao bằng cha của Phương. Phương sợ rằng ông có thể bảo cô tuột vào một miệng hầm, nhưng khi không có ai muốn thử, cha cô cau mặt và giơ nắm đấm lên. “Ðây là cách chúng tôi giành được chiến thắng!” ông kêu lên. Một máy ảnh lóa đèn. “Chúng tôi thống nhất đất nước bằng lòng can đảm và sự hy sinh!”

Hai máy ảnh khác lóe sáng khi cha họ giữ nguyên tư thế.

“Có phải ba đã nói cái câu mà chị vừa nghe thấy đó không?” Vivien thì thào.

“Ổng không thực lòng muốn nói thế đâu. Ðó chỉ là màn diễn.”

Nhưng Phương e rằng với du khách, màn diễn là sự kiện thực. Là người nước ngoài, họ không thể nhìn ra sự khác biệt giữa một người tiếp quản và một người tại chỗ bị đưa đi lao động cải tạo. Trong vài ngày, hay một tuần, hoặc hai tuần, họ sẽ rời đi, ký ức sống động nhất của họ về ngày hôm nay là trải nghiệm thú vị với việc bò bằng đầu gối qua đường hầm, và ký ức mờ nhạt về một tay hướng dẫn viên nhỏ thó nhiệt thành cùng thứ tiếng Anh ngồ ngộ của ông. Với họ tất cả chúng ta là như nhau, Phương hiểu với một cảm giác trộn lẫn giận dữ và xấu hổ – nho nhỏ, hấp dẫn, và chẳng có gì đáng nhớ. Cô e rằng bà chị của cô có thể cũng nhìn cô theo kiểu đó, nhưng khi cha cô vẫy tay ra hiệu cho đám du khách đi tiếp và Vivien nối bước, chị ta có vẻ chỉ quan tâm đến việc xua đi bầy muỗi nhỏ đang lờn vờn xung quanh.

Vào đêm áp chót Vivien ở Sài Gòn, chị với cha mình uống bốn ve rượu gạo trong một nhà hàng Tàu ở Chợ Lớn. Sau khi về nhà, ông đi dạo với vợ để cho nhẹ cái đầu say lơ mơ trong khi Hạnh và Phúc lăn ra khoảng sàn đã trải nệm trong phòng khách, chỗ ngủ của chúng cạnh mấy cái xe gắn máy. Trên gác, sau khi Vivien đóng cửa dẫn qua phòng mà Phương ngủ chung với cha mẹ, chị kéo một trong những vali đỏ tía dưới gầm giường của Phương ra. Vali đó từng chất đầy những món quà của Vivien và má chị, từ quần jean, áo sơ mi tới thuốc men và đồ trang điểm, đến cả dầu gội và dầu dưỡng ẩm được đóng chai ở Mỹ và do đó có giá trị hơn thứ cùng nhãn hiệu nhưng được đóng chai trong nhà máy địa phương. Bây giờ cái vali đó đầy đồ lưu niệm, một búp bê bằng sứ mặc áo dài lụa cho má của Vivien, những chiếc xe xích lô bằng gỗ tếch khắc tạc thủ công cho hai đứa em, một chai rượu đế ngâm rắn hổ cho cha dượng, và, cho các bạn cô là mấy cái áo thun in khuôn mặt hiền từ của Hồ Chí Minh. Nhưng khi Vivien mở vali, cô không lấy ra những món kỷ niệm đó hay vật dụng cá nhân của mình. Thay vào đó, sau khi lục lọi tuốt bên dưới, cô lôi ra một túi nhỏ màu hồng, ít nhiều nhăn nheo do vận chuyển, và đưa nó cho Phương.

“Chị có món cuối cùng này cho em gái nhỏ,” Vivien nói. “Chị không chắc có nên đưa cho em không, nhưng vì chị đã chuẩn bị trước.”

In trên mặt túi là dòng Victoria’s Secret bằng kiểu chữ viết tay. Bên trong là áo nịt ngực ren đen và quần lót ren đen, một quần lót lọt khe mỏng manh thay vì thứ bằng vải bông phủ kín mít, gây ngứa ngáy mà má Phương vẫn mua cho cô nguyên hộp cả tá.

“Em không mặc được thứ này đâu!” Phương nói, mặt ửng đỏ. “Mang tiếng chết!”

“Thôi mà, mặc thử coi,” Vivien lôi trong túi ra cái quần lót nhỏ xíu gần như không tồn tại và ấn vào tay Phương. “Chị không tưởng tượng nổi là em đang xài mấy thứ cổ lỗ sĩ đó.”

Phương lưỡng lự một lát. Nhưng Vivien là chị cô và là bác sĩ, cũng chẳng có lý do gì phải mắc cỡ. Cô lẹ làng tuột bộ đồ ngủ bằng tơ nhân tạo và đồ lót bằng vải thô, và cũng nhanh như vậy tròng quần lót và áo ngực mới vào. Vivien gật gù tán thưởng và nói, “Giờ trông em hấp dẫn dễ sợ. Cậu nào thấy được em mặc thứ này là may mắn lắm”.

“Ba má không cho em mặc thứ này đâu.” Phương ngần ngại, nhưng rồi cũng thò tay lấy cái gương cầm tay treo ở cái đinh trên tường. Sự cọ xát của lớp ren trên da thịt và hình ảnh thân thể gần như trần truồng của cô, với trang phục khiêu gợi như thế, thật kích động. “Chỉ thứ gái hư mới mặc thứ này.”

“Ðến lúc em nên hư rồi,” Vivien nói, ngáp dài. “Chúa ơi, em hăm ba rồi! Em thậm chí còn không muốn biết chị làm gì lúc hăm ba.”

Ngay cả khi đã mặc lại bộ đồ ngủ, cô vẫn thấy rõ hình ảnh mình trong gương, những phần da thịt phô bày sau mảnh trang phục mỏng manh. Cô kéo tấm màn ngăn cách phần của cô với khu của cha mẹ và chui vào giường cùng Vivien, lúc đó đã cất vali và mặc bộ đồ ngủ của chị. Nằm đó với cánh tay kề bên nhau, cô cảm thấy món quà của bà chị đã khiến cho mối quan hệ của họ nhiều thân mật và tin tưởng hơn.

“Tới Chicago thì đầu tiên chị làm gì? Gọi cho má chị hả?”

“Chạy xe một mình một hồi thiệt lâu. Chị nhớ cái xe của chị.”

“Em thậm chí không quen ai có xe hơi.”

Vivien nhìn lên cái quạt trần đang khuấy động bầu không khí oi ả của một đêm ẩm ướt tiêu biểu. Ô cửa sổ mở chỉ đón được những cơn gió mong manh nhất.

“Chị nói với em một bí mật được không?” Vivien hỏi.

“Chị nói rồi mà.”

“Nói cái gì?”

“Một bí mật.” Khi quay đầu lại, Phương có thể nhìn vào lỗ tai của Vivien, cái ống nhỏ và tối. “Ở Củ Chi.”

“Vậy là nói rồi.” Vivien gãi một vết cắn ở cổ. “Chị nghĩ mình có thể tới đây và có thể thương ba mình.”

“Chị không thương ba hả?” Phương đưa tay chõi đầu lên. “Hay chị đã không thương từ trước?”

“Với em thì thương ba là quá dễ.” Vivien thở dài. “Cũng dễ cho ba khi thương chị nữa. Mà chuyện đời là phải vậy. Ba nhớ chị. Chị không nhớ ba. Em có thương được người nào mà em không nhớ không? Em có yêu được người mà em không biết không?”

“Em không chắc.” Một tràng những tiếng cười hinh hích và ha há vọng từ ngoài hẻm vào, mấy bà già hàng xóm đang ngồi ở ngưỡng cửa nhà họ, tán chuyện thiên hạ trước khi đi ngủ. “Nhưng em biết ba không dễ mà thương được.”

“Phụ nữ không thể đem lòng thương một người mà cô ấy thấy tội nghiệp. Phải không?”

“Em chưa từng đem lòng thương ai nên em không biết.” Tiếng rít của cổng sắt vốn là cửa trước của phòng khách cho họ biết cha mẹ họ về. “Nhưng chị nói điều đó sai rồi. Chị không đem lòng thương, chị chỉ muốn thương người đó thôi.”

“Em biết má chị nói gì khi chị nói chị sẽ về Việt Nam không?” Vivien ngừng lại. “Ba mày chỉ làm tan nát trái tim mày thôi.”

Rồi Vivien lăn qua nằm nghiêng xoay mặt vào tường, trên đó có một con tắc kè xanh nằm kiên nhẫn trên mặt xi măng. Cầu thang kêu cọt kẹt khi ông bà Lý đi lên, những nốt nhạc chõi nhau cùng tạo thành đoạn cuối cho một ngày quá quen thuộc của Phương mà chỉ có chuyến ghé chơi của Vivien mới làm cô nhận ra. Sự hiện diện của bà chị trên giường của Phương và cảm giác vuốt ve của vải ren trên da thịt đã chuốt sắc cây bút chì nhận thức cùn lụt của Phương, cho phép cô viết ra trong tâm trí mình bản phác thảo cho những nhân vật trong đời mình mỗi lúc một chính xác hơn. Không ai được vẽ ra rõ nét hơn cha cô, người mà cô thương hại và, tệ hơn, không hề kính trọng. Nếu ông chỉ là một kẻ ngoại tình hay tay chơi bời, lúc đó sẽ có lý do để phẫn nộ, nhưng ông đang ở giai đoạn suy sụp, một thất bại mà chút sức hút còn lại của thời sống băng hoại và cư xử tệ cũng không còn. Ðây là vấn đề của nỗi buồn và ngượng ngùng quá đủ để đến khi cái bóng của cha cô xuất hiện ở cửa, Phương vẫn xoay nằm nghiêng. Ở tư thế đó, ép vào lưng của bà chị trong một đêm ẩm ướt, cô phát hiện ra rằng cho dù đang nằm Vivien cũng bắt đầu đổ mồ hôi.

Tại công viên giải trí vào sáng hôm sau, ông Lý chụp hình các con ở cổng vào với chiếc máy ảnh xài một lần, một món quà của bà vợ trước nhờ Vivien đem qua. Sau khi Vivien trả tiền vé cho cả nhà, Hạnh và Phúc giành chỗ dẫn đầu, Hạnh kéo tay mẹ nó. Họ len lỏi qua những nhóm lộn xộn nào đám học trò tiểu học nam lẫn nữ, nào binh đoàn áo đỏ với nón lưỡi trai. Một đường ray tàu băng suốt công viên phía trên những đám đông nhộn nhạo, và ở xa xa, một đường tàu lượn siêu tốc chạy rầm rầm. Một khu triển lãm mau chóng thu hút sự chú ý của Phương, tên gọi lạ lẫm bằng tiếng Anh của nó là “Ice Lantern” (Băng đăng). Trên một tấm bảng bên ngoài, những ảnh màu rực rỡ mô tả những mô hình bằng băng của tháp Eiffel, đền Taj Mahal, và những kỳ quan nhân tạo khác của thế giới, được thắp sáng trong một đường cầu vồng gồm những bóng đèn huỳnh quang. “Ðể dành cái này coi sau đi,” cô nói, “khi mình cần giảm nhiệt.”

“Kế hoạch hay đó,” Vivien nói, tự quạt mình bằng tờ quảng cáo của khu công viên.

Sau khi chơi xe điện đụng theo yêu cầu của Hạnh với Phúc, bà Lý nhất định ghé vườn lan Nhật Bản. Nhiều cặp nam nữ tạo dáng để chụp hình cưới ở các góc khác nhau, những cô dâu đội voan trong bộ váy cưới kiểu Tây phương và chú rể trong lễ phục trắng, hoa hồng đỏ cài trên ve áo. Bà Lý trầm trồ trước quang cảnh này, nhưng Hạnh với Phúc ngó lơ chỗ khác và hỏi Vivien điểm kế tiếp có phải là vòng đu quay đang quay chậm rãi phía trên khu máng trượt nước hay không. Chính bà Lý là người leo vào một toa của vòng đu quay cùng hai đứa con trai, trong khi ông Lý không chịu vào một toa khác cùng hai đứa con gái, với lý do sợ độ cao. Khi họ lên cao dần, Vivien ngắm quang cảnh qua cửa sổ có chấn song ở phía bên chị, bên dưới đó, trên bức tường vôi xanh có người đã vẽ một cô gái dạng người que với nùi tóc và ngón tay nhá hình chữ V. Phương chồm nhìn qua vai chị, hơi thở của cô mơn trớn một sợi tóc bên tai Vivien. Vivien vuốt sợi tóc ra sau và chỉ về phía tàu lượn siêu tốc đang dần bò lên như một con sâu bướm lộn ngược với mấy chục cánh tay người vung vẩy trong không khí. “Chị từng làm việc trên một đường chạy như vậy,” Vivien nói. “Bạn chị đứa nào cũng tìm việc làm ở công viên để dễ dàng gặp đám con trai.”

“Chị có tìm được bạn trai không?” Phương tựa một bên vai vào cánh tay bà chị. Cô không nói với Vivien rằng cô vẫn đang mặc món quà tặng của chị ấy, thích thú trong trang phục đó giống một đứa trẻ với món đồ chơi mới lạ và kỳ thú. “Anh ấy đẹp trai không?”

“Rod rất dễ thương. Anh ấy thường chở chị về nhà, rồi bọn chị đi dạo tiếp trên một nhánh đường nào đó gần khu nhà chị, công viên, rồi… hôn. Chị nghĩ em chưa làm thế, phải không?”

“Chưa.”

“Em chưa gặp anh chàng nào em thích sao?”

“Em không muốn có bất cứ ràng buộc nào,” Phương nói chắc nịch. “Em không muốn có ai níu em lại.”

“Khỏi cái gì?”

Ở trung tâm công viên là một cái hồ có hình dạng như cái dĩa, những xuồng đạp nước như những vụn bánh nổi trên mặt cái dĩa đó. Khu vực chạy nhô ra mặt hồ là chỗ họ đến lúc giữa trưa, một nhà hàng có hình đầu rồng, chia đôi vùng nước như chuyến lên đường ngày mai của Vivien sẽ chia đôi mọi người lần nữa thành người ở lại và kẻ ra đi.

“Giờ em nói chị nghe một bí mật được không?”

Vivien mỉm cười, “Chắc chắn rồi.”

Phương tìm lời lẽ để nói điều mà cô chưa từng nói với ai trước đó, chuyện một ngày kia cô cũng có thể lên đường, vì Sài Gòn buồn chán và bản thân đất nước này cũng không đủ lớn cho những khát khao trong lòng cô. “Em muốn được giống như chị,” Phương nói, nắm chặt tay bà chị trong tay mình. “Em muốn tới Mỹ, trở thành bác sĩ và giúp đỡ người ta. Em không muốn dùng đời mình phục vụ bàn ăn người khác. Em muốn người ta phục vụ mình. Em muốn du lịch tới bất cứ chỗ nào em muốn, bất cứ lúc nào em muốn. Em muốn trở lại đây và biết mình có thể ra đi. Nếu ở lại đây em sẽ cưới anh chàng nào đó chẳng có tương lai và sống với gia đình anh ta, rồi sớm có hai con và ngủ trong căn phòng mà cùng một lúc em có thể chạm được cả hai bức tường. Em nghĩ mình không chịu nổi cảnh đó. Em thực tình không chịu nổi. Chị có bao giờ cảm thấy như thế không?”

“Ồ Chúa ơi,” Vivien thốt lên, nhìn lên trần của toa đu quay. Phương đã hy vọng thấy vẻ nhiệt tình và có thể chấp nhận vẻ miễn cưỡng, bối rối, hoặc vẻ hạ cố, nhưng cô không dự trù cho vẻ hoảng loạn trên mặt chị cô. “Chị đã nói với bà ấy nên nói thật với mọi người nhà bên này đi mà.”

Tàu lượn siêu tốc lao xuống theo đường ray, các hành khách rú lên. Khi Vivien chuyển đổi tư thế ngồi và rút tay ra, cánh tay chị rời khỏi vai Phương phát ra âm của sức hút dính ẩm ướt, không khí chẳng mát hơn gì dưới kia.

“Chị đang nói về ai vậy?”

“Má chị.” Vivien hít một hơi dài và lại nhìn ra ô cửa sổ chấn song. “Em có biết rằng khi tới đất Mỹ, má nói với chính phủ rằng má mới hăm lăm không?”

“Vậy à?” Một giọt mồ hôi lăn xuống tới thắt lưng Phương.

“Bà đã ba mươi.”

“Em hiểu được phụ nữ làm thế.”

“Má chị cũng khai với chính phủ rằng bà góa chồng.” Vivien quay lại nhìn vào ánh mắt của Phương. “Má chị đã nói dối khi kể với ba mình rằng chị là bác sĩ.”

Phương chớp mắt. “Chị không phải bác sĩ hả?”

“Chị là nhân viên tiếp tân đang thất nghiệp. Chị bị mất việc ngay cái tháng trước khi chị qua đây. Má chị với ba dượng đâu có cái nhà nào ở ngoại ô đâu. Họ sống trong một căn hộ chung vách ở West Tulsa. Và má chị chẳng làm chủ mỹ viện Nice Nail gì cả. Bà ấy làm chuyên viên thẩm mỹ ở đó.”

“Vậy tại sao phải nói với nhà em rằng chị là bác sĩ?”

“Bởi vì cả nhà muốn biết chị kiếm mỗi tháng được bao nhiêu, rồi chị trả thế chấp bao nhiêu, rồi cái xe tốn hết bao nhiêu. Chỉ trả lời khơi khơi thì dễ hơn nói rằng chị không phải bác sĩ. Nói để em biết thôi, toàn bộ câu chuyện về chị là bác sĩ nhi khoa là ý của má chị chứ không phải của chị.” Toa đu quay đã lên tới đỉnh, có thể thấy rõ một con voi bị xiềng ở cổ chân tuốt bên dưới, một đồ chơi lên dây cót khật khưỡng tới lui. “Má chị cũng biểu đừng hẹn hò với sếp của chị, nhất là khi ông ấy đã có vợ.”

“Sếp của chị? Ông dính gì trong chuyện này?”

“Ổng nói nó chẳng phải tại chị, nó tại nền kinh tế,” Vivien khóc. “Em có bao giờ nghe chuyện gì ngu ngốc như vậy không?”

“Không,” Phương nói. “Trước đây chưa từng có ai cắt đứt quan hệ với em.”

“Chuyện đó xảy ra cho mọi người mà.” Mắt Vivien rươm rướm. “Thế là chị nghĩ chuyện về đây. Một lý do ngốc nghếch, phải không?”

“Em tưởng chị về đây thăm cả nhà.”

“Ðó cũng là một phần.”

“Còn tiền bạc tiêu xài chị lấy đâu ra?” Phương không nhớ rõ được bà chị đã xài hết bao nhiêu, nhưng cô biết nó cỡ mấy ngàn đô. Chỉ mớ phong bì quà tặng mà Vivien phân phát vào tối đầu tiên ở Sài Gòn cũng hết sáu trăm cho ông bà Lý, thêm hai trăm cho Phương và hai đứa em mỗi đứa một trăm. “Rồi toàn bộ các bữa tối với vé vào cửa? Chuyến du lịch Ðà Lạt và Vũng Tàu?”

“Ở Mỹ, người ta trả mình khoản trợ cấp khi cho mình nghỉ việc. Ngay cả tiếp tân cho công ty lớn cũng kiếm được tấm chi phiếu kha khá.” Vivien mò mẫm trong ví khi toa của họ tiếp tục xuống thấp. “Chị cũng có thẻ tín dụng. Chị không phiền chuyện tiêu tiền. Chị muốn cho em thấy một quãng thời gian vui sướng. Em chưa từng đi đâu cả.”

Công trình nổi bật nhất của công viên sừng sững trước mặt họ, một ngọn núi sơn màu đỏ phù sa, rỗng và có chất kim loại. “Ðiều đó không quan trọng,” Phương nói. Không có gì quan trọng cả, những lời nói dối cũng như thực tế rằng Vivien có mọi thứ, ngay cả cái tên của Phương mà chị ấy chẳng buồn dùng. “Chị đâu cần phải là bác sĩ thì mới bảo lãnh em được.”

“Khăn giấy của chị đâu rồi?” Vivien lau nước mắt bằng tay.

“Em không quấy phiền chị đâu.” Phương chạm vào cánh tay nhớp mồ hôi của Vivien. Toa của họ tiến gần về bến. “Em sẽ tìm việc. Em sẽ tự lo thân. Em sẽ chăm sóc chị.”

Vivien khớp miệng ví lại, vẫn còn khóc. “Chị rất tiếc, Phương. Khi quay về, chị sẽ sắp xếp lại cuộc sống. Chị sẽ phải trả hết nợ trong bốn thẻ tín dụng cùng với các khoản nợ đại học và hy vọng người ta không tịch biên nhà của chị.”

“Nhưng…”

“Chị sẽ không có thời gian để lo lắng về một cô em gái.” Bây giờ Vivien mới là người nắm lấy tay Phương trong bàn tay ướt nước mắt của mình. “Em hiểu được điều đó không? Làm ơn?”

Khi nhân viên mở cửa toa, cha họ đang đứng chờ, máy ảnh xài một lần giơ lên mắt, vợ ông đứng sau lưng ông với hai cậu con trai. Vòng đu quay chạy với tốc độ chừng mực, đủ chậm để họ bước ra, Vivien trước. Một tuần sau cha họ sẽ rửa hình và Phương sẽ cần một lúc để nhận ra ai vắng mặt bên dưới lớp nhựa trong suốt. Vivien trông thật rõ trong khung cửa, mắt ướt và lớp trang điểm bị nhòe, nhưng do thời điểm hay sắp xếp tình cờ mà chính Phương lại không thấy có trong ảnh.

Tuy phải hăm sáu năm Vivien mới gởi lá thư đầu tiên về nhà, nhưng lá thư thứ hai chỉ mất một tháng. Một tối nọ Phương từ Nam Kha về thì thấy cha mẹ với các em tụ tập quanh cái bàn trong phòng khách, xem mãi chồng ảnh mà Vivien gởi kèm. Một bà Lý tươi cười và vui vẻ vẫy lá thư với Phương, một tờ giấy đơn mà bà đọc khi ngồi trên tay dựa của trường kỷ. Lá thư kể lại những ký ức tuyệt vời của Vivien, ăn tối trong một nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn, mặc vừa khít một cái áo dài đặt may, đi dạo bằng xe ngựa quanh hồ Xuân Hương ở Ðà Lạt, với ngày tuyệt nhất là ngày về đến và tệ nhất là ngày ra đi. Con nhìn ra cửa sổ máy bay cho đến khi không nhìn thấy quê hương nữa, chị ấy viết. Mọi thứ cứ xanh mướt vậy. Ðến giây phút mây che phủ hết, con chỉ muốn được quay trở lại. Và lá thư cứ như thế, sự giả dối của bà chị khiến Phương muốn ói đến độ cô chỉ làm được một việc là không xé lá thư làm hai.

“Ngày mai ba muốn con cho ép nhựa mấy bức này,” ông Lý nói, lựa qua các ảnh chụp mà Vivien gởi về. “Mình sẽ làm thành một cuốn album.”

“Ðể chi vậy?” Phương nói, thảy lá thư xuống mặt bàn.

“Con nói để chi vậy là sao?” Ông Lý ngớ ra. “Thì để mình có cái mà nhớ tới nó cho tới khi nó trở lại.”

Phương nhìn kỹ cha mình khi ông ngồi trên trường kỷ, vây quanh là má và em trai cô, giữ chặt những bức ảnh cứ như chúng tương đương với những tờ trăm đô mà Vivien đã cho ông. Lần đầu tiên trong đời cô thấy tội nghiệp cho ông, chắc chắn rằng không chỉ có cha cô làm tan nát trái tim của con gái ông ấy, mà những đứa con gái một ngày kia cũng làm tim ông tan nát. Cô ngẫm nghĩ việc nói cho ông biết sự thật, rằng Vivien sẽ không bao giờ trở lại, và rằng một ngày kia, có lẽ không sớm lắm, nhưng rốt cuộc là thế, Phương cũng sẽ ra đi, để đến một thế giới mà cô có thể đem lòng thương ai đó mà cô không biết. Nó chỉ là vấn đề thời gian, và bây giờ cô đã biết cách khởi sự.

Lúc chín giờ sáng hôm sau cô chỉ có một mình trong nhà, hai đứa em trai đã đi học, cha mẹ cô đi làm. Cô mặc món quà tặng của bà chị, và bên ngoài lớp ren cô mặc chiếc áo cánh và quần lửng. Cô thầm nghĩ, tốt nhất là làm những việc cần làm ngoài trời, và thế là cô đặt một cái ghế đẩu bên cổng phòng khách và một cái xô thiếc trên lối đi ngoài hẻm. Khi cô mở phong bì đựng mấy bức ảnh, bức đầu tiên cô thấy là hình cha cô và Vivien lạnh run trong khu Băng Ðăng của công viên giải trí, chỗ dừng chân cuối cùng của họ trong ngày đó. Ở lối vào, một nhân viên đã phát cho họ áo chống lạnh bằng sợi nhân tạo, có mũ trùm, dài tới gối, và có màu sắc tươi chói gồm vàng, hồng, cam, và xanh lục. Dù đã mặc thứ áo ấy, việc bước chân từ cửa vào hầm Băng Ðăng vẫn là một cú sốc, vì chủ yếu nó là một cái tủ lạnh khổng lồ, một hành lang vọng âm tạo thành một vòng đi dạo qua những điểm du lịch nổi tiếng của thế giới, được tạc bằng băng với kích cỡ ngang đầu người. Những cây đèn nê ông chói lóa có cùng phổ màu như những áo chống lạnh soi sáng những tác phẩm điêu khắc, những đám đông vội vàng đi qua, và hai ống máng trượt, cũng làm bằng băng, với những đứa trẻ ré lên khi trượt xuống đó.

“Cái này thật kỳ lạ,” Vivien nói, so vai vì lạnh khi cô đứng trước phiên bản thu nhỏ của cầu Tower ở London. Chính chỗ này, Vivien cùng cha cô chụp một bức ảnh, không xa mấy với kim tự tháp Ai Cập đông cứng và tượng Nhân sư phủ sương muối. Trong khi Phương nhắm ống kính máy ảnh của Vivien, người cha và đứa con gái vòng tay ôm eo nhau. Phương đã chụp bức ảnh đó một cách máy móc, không chú ý lắm đến hình ảnh kỹ thuật số nhỏ xíu sau khi nó lóa lên trên màn hình. Nhưng bây giờ, cầm bức ảnh khi ngồi trên ghế đẩu, cô có thể chú ý từng chi tiết. Với mũ còn trùm kín đầu, chỉ hai khuôn mặt tam giác, tái xanh của cha cô và chị cô là nhìn thấy được, như hai cánh hoa trắng trôi trên những tấm lá súng màu xanh đọt chuối tươi rói. Trong ánh rực rỡ của Băng Ðăng, khuôn mặt chị cô trông giống cha cô hơn chính cô, sự đối xứng thể hiện rõ những điều mà bây giờ Phương có thể nói ra. Cha cô thương Vivien hơn cô.

Bức ảnh bắt lửa dễ dàng khi cô đốt nó với một que diêm. Sau khi buông bức ảnh vào cái xô, cô nhìn nó cuộn quăn lại và run rẩy, nhớ lại lúc Vivien tiến đến bên cô sau khi cô chụp xong và cố đền bù. “Chị không bao giờ nghĩ mình sẽ nói điều này ở đây,” Vivien nói, mỉm cười khi nắm tay Phương, “nhưng chị lạnh quá.” Sau đó cả một tháng, Phương vẫn cảm thấy cái lạnh đó, và nhớ cô đã run rẩy và quay qua phía đám cát như thủy tinh của Ai Cập. Cô giữ ngọn lửa bằng mấy bức ảnh nữa và hơi nóng của chúng giữ ấm cho cô, hơn hai chục bức nữa biến mất cho đến khi chỉ còn lại một bức, chụp Vivien và Phương ở phi trường vào buổi sáng Vivien lên đường, Vivien với một cánh tay quàng vai Phương và giơ hai ngón tay làm dấu chữ V.

Không như chị mình, Phương không cười. Cha họ đã bắt cô mặc một chiếc áo dài trong ngày Vivien lên đường, và cô trông nghiêm trang, u ám trong lớp áo lụa đó. Vẻ mặt của cô là kiểu thường thấy ở những người lớn tuổi hơn thuộc thế hệ trước khi họ đứng trước ống kính, chụp ảnh là một dịp hiếm hoi và đầy nghi thức dành cho những đám ma hay đám cưới. Bức ảnh bùng lên khi cô cho lửa chạm vào nó, nét mặt của Vivien tan đi trước rồi đến nét mặt cô, khuôn mặt của họ chìm dần trong ngọn lửa. Sau khi những tàn lửa từ bức ảnh này và mấy bức kia tắt hẳn, Phương đứng dậy và rắc tro tàn. Cô sắp quay người và bước vào nhà thì một cơn gió thổi dọc con hẻm, cuốn được đám tro và thổi nó đi. Một cơn gió mạnh bốc lên trên những mái nhà gần bên, và cô không thể không dừng lại trong chốc lát để ngắm bầu trời trong và thăm thẳm mà đám tro tan biến vào đó, tựa như một cái tô màu xanh bằng pha lê hảo hạng úp xuống, bao phủ trọn Sài Gòn đến hết tầm mắt của cô.

.

Nguyên tác: Fatherland. Viet Thanh Nguyen
Người dịch: Phạm Viêm Phương
Trích từ tập truyện ngắn The Refugees (Người tị nạn)

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/toquoc.htm


Cái Đình - 2021