Topa


Tiếng súng giữa đêm trong phòng 401.

 .

Công việc trực đêm một mình tại khách sạn, phải nói là buồn và chán… ngán vô cùng. Nhưng vì không kiếm được công việc nào khác, tôi tạm thời phải chấp nhận vậy.

Nhưng đêm trực hôm nay tôi sẽ không thấy buồn mà vui lắm. Tôi vui vì nhân ngày đầu năm Dương lịch, tôi nhận được tin của một người bạn là phái nữ, mà từ rất lâu rồi tôi mất liên lạc… từ Việt Nam gởi email thăm tôi. Email thăm và chúc mừng năm mới có kèm theo một món quà là một bản nhạc mà tôi chưa nghe qua lần nào, lại do chính người bạn này trình bày. Nhạc đã hay mà giọng hát cũng hay nên tôi thuộc bản nhạc thật nhanh. Bản nhạc có tên: “Biết Bao Giờ Trở Lại” của ông nhạc sĩ tài hoa tên Ngô Thụy Miên. Nhạc phẩm này nhập ngay vô đầu của tôi có lẽ cũng vì đúng tâm trạng của tôi. Tôi đã vượt thoát khỏi quê hương sau mười lăm năm bị sống dưới chế độ chuyên hà hiếp người cùng tiếng nói và cùng dòng máu…

Tôi vừa đem hành lý và hướng dẫn người khách mới lên tầng lầu thứ tư nhận phòng. Sau đó tôi đi đến thang máy để xuống lại tầng trệt. Tôi vừa bước đi vừa hát nho nhỏ bản tình ca mới biết lần đầu: “Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại…” Hát chưa hết một câu thì thình lình tôi nghe một tiếng súng nổ chát chúa từ phía sau lưng vang lên. Nhanh như cắt, tôi ngồi xuống đồng thời quay người nhìn lại phía sau lưng để xem tiếng súng phát ra từ đâu. Giữa đêm khuya im vắng, tiếng súng vang lên chát chúa làm cho hai cái lỗ tai của tôi bị lùng bùng, và trái tim thì đang đập mạnh thình thịch đến gần như muốn văng khỏi lồng ngực. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay thì thấy đang là một giờ mười bảy phút sáng. Tôi bị điếng cả người vì không ngờ sự việc động trời như vậy lại xảy ra ngay trong ca trực đêm của tôi. Cùng với tiếng súng nổ, tôi cũng nghe được tiếng la thất thanh của người phụ nữ. Tôi nhìn đến phòng số 401. Tiếng súng và tiếng la thất thanh chắc chắn phát ra từ trong phòng 401. Tôi vừa đưa khách vô phòng 405 và đi ra chưa được mấy xa nên tôi biết chắc, tiếng súng và tiếng la phát ra từ căn phòng đó.

“Phòng 401 có án mạng!” Nghĩ chắc như vậy chứ không nghi ngờ, nên tôi lập tức… ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh xuống quầy tiếp khách bằng cầu thang bộ chứ không thể chờ thang máy. Cái thang máy hiện có người đang sử dụng. Vừa đến quầy tiếp tân tôi vội vàng cầm ống phôn lên và phôn ngay cho ông Thanh Bình, là ông chủ của khách sạn Thanh Bình. Vì vừa sợ vừa mệt nên tôi nói không được trôi chảy, không được liền lạc:

“Thưa ông Thanh Bình, xin… ông đến… khách sạn mau… vì tôi… vừa nghe một tiếng súng. Tiếng súng…  Tiếng súng phát ra từ… từ phòng 401…”

Tiếng ông Thanh Bình hỏi không có vẻ gì là lo lắng:

“Anh bình tĩnh và nói lại rõ ràng cho tôi nghe xem sao. Anh nói có tiếng súng à?

“Dạ.”

“Tiếng súng ở đâu?”

“Thưa ông… tiếng súng… từ trong phòng 401… phát ra.”

“Anh có chắc tiếng súng từ phòng 401 không?”

“Thưa ông, tôi… tôi nghe rõ ràng tiếng súng… và tiếng hét lớn từ phòng 401.”

“Anh ở đâu mà nghe tiếng súng nổ tận trên lầu bốn?”

Lúc này tôi cố lấy lại sự bình tĩnh, nếu tôi cứ nói lắp bắp sợ ông chủ của tôi không hiểu thì còn nguy hiểm hơn. Tôi nói chậm và rõ ràng:

“Thưa ông, tôi vừa hướng dẫn một người khách mới lên nhận phòng 405. Khi tôi đang trên đường đi đến thang máy để xuống lại quầy tiếp tân thì nghe một tiếng nổ, đúng là tiếng súng phát ra từ phòng 401.”

“Anh lên xem tình hình mấy phòng gần đó bây giờ ra sao rồi cho tôi biết ngay nhé.”

Tôi dạ một tiếng và liền… ba chân bốn cẳng chạy bộ lên lầu bốn vì thang máy vẫn có người đang sử dụng. Lên tới lầu bốn, tôi vừa quan sát vừa thở hổn hển gần như bị đứt hơi. Tôi cố hít vô thở ra vài cái rồi mới điện cho ông Thanh Bình:

“Thưa ông, tuy tiếng súng nổ rất lớn nhưng hiện tại không thấy một người khách nào ra khỏi phòng, kể cả vị khách vừa mới nhận phòng. Tất cả các phòng vẫn đóng cửa… có vẻ yên lặng. Tôi nghĩ… Tôi cũng không hiểu tại sao nữa.”

“Hồi nãy điện thoại của anh đâu mà không phôn ngay cho tôi?”

“Dạ… tôi quên cầm theo.”

“Thôi được rồi, tôi sẽ đến ngay. Nhưng anh nhớ là đừng báo cho cảnh sát hay nói cho bất cứ người nào biết vì… cũng chưa chắc chắn lắm, anh hiểu không?”

“Dạ thưa ông chủ, tôi hiểu.”

Tôi nhìn phòng 401. Cửa phòng vẫn đóng kín, nhưng tôi không đủ can đảm để một mình đi đến đó xem hiện tại như thế nào. Tôi lẵng lặng đi đến cầu thang máy và đi xuống.

Tôi bắt đầu làm việc ở đây ngày hai mươi tháng mười hai. Tính đến hôm nay là vừa được mười bốn ngày. Công việc của tôi bắt đầu từ mười giờ đêm đến sáu giờ sáng và sẽ không thay đổi cho đến khi nào tôi không muốn làm ở đây nữa. Làm trực đêm thì xem ra tôi sẽ bị mất toi cả nửa ngày trời… để ngủ kể từ khi mặt trời lên cho đến khi mặt trời đứng bóng. Nhưng, công việc này sẽ giúp tôi đủ trang trải những thứ cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.

Khách sạn Thanh Bình là khách sạn cũ loại ba sao. Mấy năm trước khách sạn này đã từng là khách sạn đẹp và rất đông khách du lịch trú ngụ khi đến thăm thành phố Amsterdam... trước khi ông Thanh Bình chính thức làm chủ cách nay hơn một năm. Khách sạn có bốn tầng với ba mươi hai phòng và, mỗi phòng đều có ban công rộng rãi. Ông Thanh Bình là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất làm chủ một khách sạn ở vùng đất thấp hơn mặt biển này. Ông đã lấy chữ lót và tên của ông để đặt cho khách sạn. Nhân viên làm việc ở đây nói cho tôi biết, ông Thanh Bình muốn sửa sang lại để nâng khách sạn lên thành bốn sao nhưng chưa làm được. Tại sao chưa làm được với một người có thừa khả năng tài chánh như ông Thanh Bình, thì không một ai biết.

Ba mươi lăm phút sau, ông Thanh Bình, chủ khách sạn ba sao Thanh Bình tọa lạc cách trung tâm thành phố Amsterdam một cây số, đang từ ngoài cửa đi vô. Tôi đã chuẩn bị sẵn chìa khóa phụ phòng số 401 và đưa cho ông. Ông Thanh Bình nhận chìa khóa và, thay vì ông đi thẳng lên lầu thì ông lại đi đến quầy rượu. Ông tỏ ra bình thản trước sự việc mà tôi cho là quan trọng nên tôi không thấy vui. Sau khi uống cạn ly rượu mạnh, ông đi vô thang máy và lên lầu, nhưng, ông đã không có một lời hay một mệnh lệnh nào cho tôi. Có nghĩa là tôi phải ngồi lại tại chỗ thay vì phải đi cùng ông.

Hai mươi phút sau, ông Thanh Bình từ trong thang máy bước ra rồi đi đến đưa cho tôi cái chìa khóa phụ của phòng số 401. Ông nhìn tôi với vẻ không hài lòng. Ông nói:

“Lần sau anh nhớ bình tĩnh và kỹ lưỡng một chút trước khi phôn cho tôi nhé.”

Trong khi nói, mắt của ông nhìn về chỗ máng những chiếc chìa khóa phòng máng ngay phía sau tôi. Ông bước nhanh ra xe của ông đang đậu trước cửa khách sạn với vẻ hậm hực. Tôi quay đầu lại phía sau để nhìn đến chỗ máng những chiếc chìa khóa phòng, thì… Ô kìa! chiếc chìa khóa phòng số 401 đang máng ngay chỗ của nó, vậy thì... Tôi nhìn vô sổ ghi tên khách mướn phòng. Người mướn phòng 401 là phụ nữ; là người Hòa Lan tên Annemiek Jansen. Nhưng, hiện giờ chìa khóa đang máng ở chỗ máng các chìa khóa thì có nghĩa là cô không có mặt trong phòng. Vậy thì tiếng súng nổ và tiếng la thất thanh giọng của phái nữ… Tôi không thể lầm lẫn được bởi tôi vẫn luôn tỉnh táo và tai tôi rất thính. Dù sao thì tôi vẫn phải chấp nhận sự việc vì ông Thanh Bình đã đi kiểm soát, và, thái độ của ông chứng tỏ sự việc tôi báo cáo là không đúng. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nhưng tôi tin có tiếng súng đã nổ trong phòng 401 cùng tiếng la của người phụ nữ. Tầng lầu bốn có tám phòng. Phòng 401 là phòng ở cuối dãy. Phòng 403 còn trống. Phòng 405 có người khách mới là người mà tôi đã đưa vô. Phòng 407 thì khách đã ở mấy ngày nay rồi. Dãy đối diện là những phòng số chẵn thì hai phòng đối diện phòng 405 và 407 là phòng số 404 và 406 cũng có khách. Tôi vững tin là những phòng còn lại của lầu bốn này hoàn toàn không có chuyện đáng tiếc xảy ra.

Bây giờ đã là ba giờ hai mươi hai phút sáng. Tôi hy vọng đến sáu giờ sáng, trước khi tôi ra về, tôi sẽ biết mặt cô Annemiek Jansen, nếu cô đi chơi hay đi đâu đó về kịp trước khi tôi bàn giao công việc cho người khác.

Và, một đêm làm việc của tôi đã trôi qua một cách không có gì là tốt đẹp cho tôi cả. Tôi bàn giao công việc cho người mới đến mà không nói về chuyện đã xảy ra trong đêm. Cô khách mướn phòng 401 tên Annemiek Jansen vẫn chưa về.

***

Tôi có mặt trước mười phút để nhận phiên trực đêm. Chị trực Ban tiếp khách là người phụ nữ Việt Nam rất dễ thương đã bàn giao quyển sổ ghi tên khách mướn phòng cho tôi. Vì có chủ đích trước, nên mắt của tôi hướng nhìn đến chỗ máng những chiếc chìa khóa phòng ngủ để xem chìa khóa phòng số 401 có máng ở đó hay không. Chìa khóa phòng 401 đang máng ở đó. Tôi liền nhìn vô sổ ghi tên khách thì thấy người mướn phòng số 401 đã trả phòng lúc mười giờ sáng nay. Như vậy là cô Annemiek Jansen đã về khách sạn sau sáu giờ sáng và sau đó đã trả phòng. Về tiếng súng mà tôi đã nghe được thì tôi... vẫn không hiểu được. Nhưng, chắc chắn tôi đã nghe rõ mười mươi.

Tôi pha ly cà phê rồi đến ngồi trước máy computer. Trực đêm một mình thường không có nhiều việc để phải làm nên tôi cảm thấy cô đơn. Để không phải ngồi chờ cho thời gian trôi qua, nên tôi thường đọc tin tức trong nước Việt Nam như là cách để quên sự nhàm chán. Đọc tin trong nước tôi chỉ đọc mục ‘vụ án’ thôi. Các mục về chính trị xã hội tôi cho là tin… xạo ke. Bất cứ quốc gia nào mà đã không có các thành phần đối lập thì… đừng tin những gì nhà cầm quyền của các quốc gia đó nói. Báo chí chỉ là công cụ để tuyên truyền. Người Việt Nam trong nước bây giờ xem chuyện gạt gẫm và giết người như là chuyện bình thường. Họ giết nhau nhiều khi chỉ vì một chuyện cỏn con, mà, nếu người dân không bị nhà cầm quyền nhồi nhét những điều dối trá những điều thù hận giữa hai miền; không bài bác các tín ngưỡng của mọi tôn giáo, thì không bao giờ con người lại có thể nhẫn tâm cướp đi mạng sống của người khác một cách dễ dàng và bình thản như giết một con gà con vịt được. Mẹ hoặc cha là những người mà ngày trước đều được các người con tôn kính cách tuyệt đối như trong sách vở đã dạy: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Thì ngày nay các bậc cha mẹ rất thường bị các đứa con chửi bới thật thô tục cũng như đánh đập rồi xưng tao và gọi cha mẹ là thằng là con… như các người lãnh đạo đảng từng gọi những người không cùng chính kiến là thằng này con nọ. Xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là xã hội man rợ mà con người đối xử với nhau như từ thời ‘ăn lông ở lỗ’ vậy.

Đồng hồ gõ một tiếng báo cho tôi biết ngày mới đã qua được một giờ. Tôi đang chăm chú nhìn vô màn hình, thì, cánh cửa chính của khách sạn đang từ từ mở ra. Tôi nhìn đến cánh cửa và thấy một người phụ nữ từ ngoài đi vô. Người phụ nữ Tây phương với dáng vóc cao ráo và tuổi của cô tôi đoán chỉ độ khoảng mười chín hai mươi tuổi thôi. Người khách này tôi chưa thấy qua. Có lẽ vì cô này uống nhiều rượu quá… hay cũng có thể vì thời tiết bên ngoài quá lạnh nên gương mặt của cô trắng bệch và nhợt nhạt như người không còn máu. Khuôn mặt của cô gầy và thanh tú nhưng có lẽ cô đang bị lo lắng hay buồn phiền điều gì nên vì vậy cô không nhìn tôi mà chỉ nhìn xuống nền gạch. Chẳng hiểu sao khi nhìn cô… tôi như bị một sự sợ hãi xâm chiếm toàn thân làm như có một luồng khí lạnh chạy dọc theo sống lưng làm cho hai cái chân của tôi… tự nhiên bị run. Gương mặt của cô nhợt nhạt nhìn như mặt của người chết vậy. Tôi vốn rất sợ ma. Tôi hoàn toàn tin trên cõi đời này có ma vì tôi đã thấy rồi. “Tôi thấy ma khi tôi khoảng sáu bảy tuổi. Một buổi tối vào năm xa xưa lắm, tôi đang ngồi học bài trong căn nhà đóng kín cửa. Lúc đó ba má tôi ngồi trước nhà nói chuyện nhưng sợ làm ồn tôi nên đã đóng cánh cửa trước lại. Đang chăm chú học bài, bỗng tôi ngẩng mặt lên vì nhìn thấy trên vách tường bóng một đứa nhỏ nửa thân từ nhà bếp di chuyển lên đến chỗ tôi ngồi rồi biến mất. Tôi hốt hoảng đẩy cửa ra định… chạy thì nhìn thấy ba má tôi đang ngồi nói chuyện. Và, thế là tôi liền ngồi xuống cạnh ba má tôi và nói là mệt và buồn ngủ quá.”

Tôi cố đứng lên để đón vị nữ khách sẽ đến với tôi để nhận chìa khóa phòng. Nhưng, hai cái chân của tôi sao vẫn cứ run quá. Tôi muốn đứng nhưng không được nên đành ngồi tại chỗ chờ người phụ nữ sẽ đến. Nhưng, người phụ nữ vẫn đi thẳng. Và khi người phụ nữ đi ngang qua chỗ tôi, tôi nhìn thấy phía bên phải cái đầu của cô có một vết thương còn đọng máu đỏ lòm. Nhưng máu thì đã ngừng chảy. Vết thương tạo ra một cái lỗ lớn bằng đầu ngón tay cái.

Người phụ nữ đi thẳng đến thang máy. Và, khi còn cách cửa thang máy khoảng hai thước thì… Trời ơi, cái cánh cửa thang máy đã tự động mở ra như thể cái thang máy có cài đặt hệ thống nhận diện được gương mặt của người khách vậy. Sự việc người phụ nữ không đến lấy chìa khóa là điều không thể hiểu được. Điều lệ của khách sạn bắt buộc khách mướn phòng khi rời khỏi khách sạn đều phải gởi lại chìa khóa vì sự an toàn của khách sạn và cũng là của khách mướn phòng. Còn cái cửa thang máy đã tự động mở ra nữa chứ. Nó làm cho tôi sửng sốt đến độ miệng cứ há lớn mà chẳng thốt ra được một lời nào. Khi cánh cửa thang máy vừa… tự động đóng lại, tôi như cái máy liền quay đầu thật nhanh ra phía sau để nhìn đến chỗ máng chiếc chìa khóa phòng số 401. Chìa khóa phòng số 401 khi tôi đến trực thì rõ ràng đang máng ở đó. Nhưng bây giờ nó đã biến đi đâu mất tiêu rồi. Tôi nhìn vô sổ ghi tên khách mướn phòng thì thấy tên Annemiek Jansen nằm trong sổ và ghi mướn phòng lúc hai mươi ba giờ, tức là trong giờ trực của tôi. Tôi cố gắng làm một động tác để chứng tỏ mình còn tỉnh táo bằng cách … gãi đầu và giựt mạnh tóc. Chẳng lẽ nào tôi đã ghi tên khách mà lại quên sao? Không bao giờ có chuyện đó được. Tôi nhìn về hướng thang máy và thấy đèn báo thang máy ngừng ở lầu bốn. Tự nhiên sự hiếu kỳ và sự can đảm trong con người tôi bùng mạnh lên. Và, tôi liền tức tốc… ba chân bốn cẳng chạy như bay lên lầu bốn bằng cầu thang bộ vì không thể chờ thang máy được. Tôi muốn biết có phải cô gái vô phòng 401 không. Chạy lên đến tầng lầu bốn, từ xa tôi nhìn thấy cánh cửa phòng 401 ở cuối dãy đang mở he hé. Tôi sãi những bước thật dài vì tôi không dám chạy, sợ làm ồn đến những người khách phòng khác. Tôi đến trước cửa phòng 401 và nhìn vô bên trong. Trên cái giường đôi, cô Annemiek Jansen đang nằm ngửa với hai cánh tay buông xuôi theo người của cô. Môt dòng máu từ đầu của cô, ngay chỗ vết thương đang chảy ra làm ướt cái gối mà cô đang gối đầu. Thế là tôi liền quên sự mệt mỏi mà… ba chân bốn cẳng chạy bộ xuống quầy tiếp tân. Tôi gần như đứt hơi rồi nhưng vẫn cố gắng hít thở cho đều để gọi điện thoại cho ông Thanh Bình. Tự nhiên hai con mắt của tôi nhìn đến chỗ máng những chiếc chìa khóa phòng, thì… Trời ơi! Chìa khóa phòng 401 đang máng ngay chỗ của nó. Tôi liền đi đến hộc tủ để những chiếc chìa khóa phụ xem sao. Thì, chiếc chìa khóa phụ phòng 401vẫn đang còn ở chỗ cũ. Vậy thì làm sao cô Annemiek Jansen vô được trong phòng? Không còn kịp suy tính phải trái gì nữa, tôi lấy cái chìa khóa phòng 401 rồi chạy nhanh đến thang máy. Cái thang máy vẫn chưa cho tôi sử dụng nên tôi lại phải… ba chân bốn cẳng chạy bộ lên lầu bốn. Đứng trước phòng 401 mà bây giờ đã đóng kín. Tôi luýnh quýnh một lúc mới mở được cửa phòng ra để rồi… đứng đớ ra như người bị trời trồng một lúc khá lâu vì trong phòng… trống trơn. Khăn trải giường thẳng tắp không một dấu nhăn chứng tỏ không có người vừa nằm trên đó. Tôi quay người cái rẹt và đi nhanh đến thang máy. Và, cái thang máy vẫn chưa cho tôi sử dụng. Tôi lại… ba chân bốn cẳng vừa đi vừa chạy xuống quầy tiếp nhận khách. Tôi lấy khăn của khách sạn lau trán lau mặt và đồng thời tôi cầm chai nước lạnh có dung tích là một lít rưỡi và ‘tu’ hết liền hai phần ba chai. Tôi hít vô thở ra thật đều vài lần cho mình thật bình tĩnh. Tôi cầm ống phôn lên gọi cho ông Thanh Bình:

Ông Thanh Bình hỏi với giọng ngái ngủ và giễu cợt:

“Lại có tiếng súng trong phòng 401 nữa phải không?”

‘Thưa ông, đúng như vậy. Nhưng… có chuyện mà tôi không làm sao hiểu được để giải thích cho ông rõ. Xin ông đến…”

“Chìa khóa phòng 401 còn máng ở chỗ của những chiếc chìa khóa không?”

“Thưa ông…”

Tôi cầm cái chìa khóa phòng 401 đưa lên trước mặt định nói tiếp thì cánh cửa của thang máy đã từ từ mở ra. Tôi không thấy người bước ra. Nhưng, một luồng gió lạnh buốt từ trong thang máy thổi thẳng vô mặt vô người làm cho tôi bị lạnh đến run lên lập cập. Tôi nghe rõ tiếng của đôi giày cao gót gõ mạnh xuống nền gạch, nhưng tôi vẫn không nhìn thấy người. Tiếng của đôi giày… ngừng ngay chỗ tôi đang đứng độ dăm ba giây rồi lại bước đi tiếp về hướng cửa chính của khách sạn. Tôi run quá. Tôi sợ quá. Hai con mắt của tôi bỗng hoa lên đến không còn nhìn thấy vật gì trước mặt nữa. Hai tay tôi quờ quạng định vịn vô cái quầy tiếp khách để đứng cho vững. Nhưng, tay của tôi không thể nào với tới đó được. Và, tôi liền ngã quỵ ngay xuống nền gạch… Tôi không còn biết gì nữa.

***

Hôm nay đã là sáu ngày tôi được phép nghỉ làm vì đầu của tôi bị đau do căng thẳng quá mức. Bác sĩ nói tôi cần phải nghỉ ngơi ít ra là một tuần. Tôi sợ quá. Tôi sợ phải trở lại khách sạn Thanh Bình làm việc nên tôi vừa đến nói chuyện với ông chủ nhà hàng Prinsen tọa lạc trên  đường Prinsengracht Amsterdam. Nhà hàng chỉ có bảy cái bàn thôi. Nhưng ai muốn ăn ở đây phải hẹn trước ít ra là hai ngày mới có chỗ. Nhà hàng Prinsen nổi tiếng với những món ăn tuyệt ngon mà giả cả lại rất phải chăng. Cách nhà hàng Prinsen khoảng một trăm hai mươi tám thước là căn nhà mà cô Anne Frank cùng gia đình từng ẩn trốn bọn mật vụ Gestapo của Đức Quốc Xã thời thế chiến thứ hai. Cô Anne Frank rất nổi tiếng với những trang nhật ký viết trong thời thế chiến khi cô cùng gia đình trốn trong căn nhà đó. Tôi được ông chủ nhà hàng hứa giúp cho một công việc trong bếp và lương thì dĩ nhiên không bằng với lương mà ông Thanh Bình đã trả cho tôi. Nhưng tôi sẽ không bị làm ban đêm. Tôi thật sự sợ trực đêm ở khách sạn Thanh Bình quá.

Ra khỏi nhà hàng Prinsen tôi liền đi bộ đến trung tâm thành phố. Bỗng gương mặt gầy và thanh tú cùng mái tóc bồng bềnh màu vàng với hình dáng của cô Annemiek Jansen lại hiện ra trong cái đầu của tôi. Tôi vừa bước đi vừa nghĩ về cô cùng những hiện tượng kỳ quái mà tôi quả quyết tiếng súng, tiếng thét và vết thương chảy máu… trong phòng 401 trên lầu bốn là hoàn toàn có thật. Càng nghĩ về cô Annemiek Jansen tôi lại càng sợ hơn. Ngay lúc đó ông Thành Bình phôn cho tôi để hỏi thăm về sức khỏe làm cho tôi quyết định xin gặp ông vào ngày mai. Nhưng, ông hẹn tôi ngay tối nay tại khách sạn. Như vậy cũng hay. Tôi sẽ xin nghỉ làm với lý do là vì trực đêm một mình tôi cảm thấy không an toàn. Ông Thanh Bình hẹn tôi khoảng hai mươi ba giờ tại khách sạn vì ông đang ăn uống với vài người bạn. Tôi lên chuyến xe bus chạy ra khu phố Tàu. Tôi muốn ăn tô mì sá síu rồi sau đó sẽ đi bộ đến khách sạn.

Tôi hiện đang đứng bên gốc cây lớn có tàng lá rộng và nhìn về khách sạn. Nếu không có chuyện quái lạ xảy ra với tôi, thì giờ này tôi đã nhận ca trực. Bây giờ là hai mươi hai giờ mười lăm phút, còn bốn mươi lăm phút nữa ông Thanh Bình mới đến. Tôi vừa định bước để đi đến khách sạn ngồi chờ ông, thì, rõ ràng cô gái có gương mặt gầy và thanh tú cùng mái tóc bồng bềnh màu vàng cùng vết thương với miếng băng trên đầu, mà tôi tin đó là cô Annemiek Jansen đang đi với một người đàn ông đến khách sạn Thanh Bình. Dáng của người phụ nữ đó không làm sao tôi lầm được với người khác. Cô bước đi nhưng như bị người đàn ông ép buộc vì tôi thấy thái độ của cô có vẻ vùng vằng chứ không được tự nhiên.

Chờ cho hai người vô hẳn trong khách sạn, tôi đi thật nhanh đến và đẩy cửa bước vô bên trong. Người trực tại quầy tiếp khách đi đâu rồi nên không có mặt. Tôi nhìn lên chỗ máng chìa khóa thì chìa khóa phòng 401 không có. Tôi nhìn đến cái thang máy thì thấy cái thang máy đang di chuyển và rồi ngừng lại tại lầu bốn. Tôi liền… ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh lên lầu bốn bằng thang bộ vì không thể chờ cái thang máy được. Tôi mong muốn được nhìn thấy tận mắt người đàn ông sẽ làm gì với cô Annemiek Jansen mà xem ra cô không muốn đi mà như bị bắt buộc phải đi.

Tôi vừa lên đến lầu bốn thì lại nghe từ trong phòng 401 phát ra một tiếng nổ chát chúa cùng tiếng thét thất thanh mà tôi tin là của cô Annemiek Jansen. Cánh cửa phòng 401 chỉ khép hờ nên tôi bước đi như chạy đến và nhìn vô trong phòng. Toàn thân tôi lạnh ngắt và run lên khi chứng kiến người đàn ông đang kéo cái xác của cô Annemiek Jansen đáng thương đến bên bức tường phía bên phải cái giuờng ngủ. Hắn kéo cái tủ quần áo chệch sang bên, và, phía sau tủ quần áo hiện ra một khoảng trống. Hắn vội vàng nhét cái xác cô Annemiek Jansen đáng thương vô khoảng trống đó rồi đẩy cái tủ lại vị trí cũ. Tôi đưa tay nhìn đồng hồ. Hai mươi ba giờ mười phút. Tôi đi nhanh đến trước phòng 407 và đứng đó gọi cho ông Thanh Bình vì tôi đoán ông đang ngồi nơi phòng khách. Tôi cố nói thật nhỏ:

“Ông chủ ơi, xin ông chủ lên ngay lầu bốn vì có người đàn ông vừa sát hại cô gái ở trong phòng 401. Hắn đang còn trong phòng…”

Ông Thanh Bình ngắt ngang và với giọng nói gay gắt:

“Phòng nào? Phòng… 401… à?”

“Dạ, đúng vậy, xin ông lên ngay.”

Ông Thanh Bình nói lớn như ra lệnh:

“Tôi yêu cầu anh xuống đây gặp tôi ngay bây giờ.”

Tôi nói cách quả quyết:

“Thưa ông, tôi không thể rời khỏi nơi đây được. Nếu tôi đi xuống dưới đó thì tên sát nhân sẽ thoát ra khỏi phòng và rồi chúng ta sẽ không thể biết kẻ giết người là ai. Xin ông hãy tin tôi một lần này… rồi thôi. Lần này là lần cuối cùng tôi khẩn nài xin ông lên đây gấp với tôi, nhanh lên đi ông chủ.”

Ông Thanh Bình cúp máy. Tôi nghĩ ông sẽ lên vì lời khẩn nài của tôi.

Đứng trước phòng 407,  tôi nhìn về cửa phòng 401 đến không chớp mắt. Tôi lo sợ là nếu ngay bây giờ tên sát nhân đi ra tôi sẽ không biết phải làm sao. Nhưng, thật may là hắn không đi ra ngoài cho đến khi ông Thanh Bình đến đứng bên cạnh tôi. Tôi thuật lại cho ông nghe về những gì tôi đã chứng kiến. Tôi đề nghị ông hãy báo cho cảnh sát biết để cùng đi vô phòng vì tôi lo sợ tên sát nhân có vũ khí. Ông Thanh Bình không nói một tiếng nào mà đi thật nhanh đến phòng 401. Tôi phải vội vàng bước theo sau ông như cái bóng. Đến trước phòng 401, ông Thanh Bình đẩy mạnh cánh cửa rồi bước vô bên trong và bật đèn lên sáng choang. Trước mắt tôi, trong phòng hoàn toàn không có một chút gì gọi là bị xáo trộn. Mọi vật vẫn ngay ngắn và khăn trải giường vẫn thẳng tắp. Ông Thanh Bình tức giận đến run cả người lên. Ông chỉ tay vô mặt tôi và nói:

“Tại sao anh lại có thể dựng ra một câu chuyện hoang tưởng như vậy với tôi để làm gì chứ?”

“Thưa ông chủ, tôi nghĩ là…”

“Anh còn nghĩ gì được nữa mà nghĩ chứ. Bác sĩ đã nói cái đầu của anh bị hư rồi. Tôi quyết định cho anh nghỉ việc kể từ hôm nay. Trưa ngày mai anh đến đây tôi thanh toán tiền lương cho anh.”

Tôi nói như van xin ông:

“Nhưng… Ông chủ ơi. Ông chủ hãy suy nghĩ lại đi. Chẳng lẽ tôi lại dựng ra câu chuyện như vậy được sao ông chủ?”

“Vậy anh muốn gì?”

“Ông…ơi. Tôi muốn ông giúp tôi đẩy cái tủ qua một bên xem sao. Nếu quả thật sau cái tủ này không có gì thì tôi sẽ rời khỏi nơi đây ngay lập tức.”

Ông Thanh Bình nhìn tôi vẻ hậm hực. Miễn cưỡng lắm ông mới chịu phụ tôi đẩy cái tủ qua một bên. Đúng như những gì tôi đã chứng kiến lúc nãy. Bức tuờng phía sau cái tủ trông rất bình thường, nhưng, khi tôi đập mạnh lên đó bằng cái đế giầy của tôi thì nghe như bên trong bị rỗng. Cùng một bức tường mà xa hơn một chút lại phát ra tiếng động khác. Tôi mừng quá nên tôi nói cách quả quyết, nhưng lại không được mạch lạc:

“Thưa ông, tôi… tôi nghi bên trong bức tường này… bên trong… có điều gì đó bí ẩn… đã xảy ra mà người bị hại muốn cho tôi thấy nên đã… hiện ra một cô gái… cô gái… cô Anne… cô gái và tiếng súng cùng tiếng thét...”

Bây giờ thì ông Thanh Bình đã tỏ ra lo lắng thật sự. Ông nhìn bức tuờng trân trân một lúc rồi gật gật cái đầu ra điều ông đã thấy tôi nói có lý. Ông nắm ngay khuỷu tay của tôi cách thân mật và kéo tôi đi ra khỏi phòng. Ông bước đi thật nhanh như chạy. Ông vừa thở hổn hển vừa nói:

“Cảnh sát phải được báo trước để chứng kiến khi bức tường bị đập.”

***

“Kính chào ông.

Theo sự tính toán của tôi, người tìm và cầm được “bức tâm thư” này phải là ông. Ông chủ thứ hai của khách sạn Pacifique. Trước hết xin ông đừng oán giận tôi vì sao tôi lại giết một cô gái trẻ và giấu xác lại đây rồi sang khách sạn lại cho ông. Đó là cả một câu chuyện buồn mà tôi đã chẳng đặng đừng phải làm thôi ông ạ.

Bây giờ là câu chuyện thật một trăm phần một trăm mà tôi rất hãnh diện nói ra cho ông biết. Tôi hãnh diện vì tôi chính là kẻ giết người thượng thừa. Tôi hãnh diện nói với ông như vậy là vì cảnh sát sẽ không bao giờ tìm ra được nạn nhân, ngoài ông. Và, cũng chính ông sẽ báo cho cảnh sát biết ai là tên sát nhân; là kẻ giết người… thượng thừa.

Tôi tên là Robert Pierre, là người Pháp, là người đã bỏ tiền để xây dựng lên cái hotel Pacifique này và kinh doanh phát đạt trong rất nhiều năm.

Tôi mới sáu mươi tuổi thôi, nhưng mọi người đã nói với tôi là, tôi vẫn còn khá trẻ vì thân hình tôi cao lớn và săn chắc như người mới ngoài ba mươi. Tôi trông còn khá trẻ có lẽ cũng vì tôi chơi thể thao thường xuyên và ăn mặc trẻ trung; thường là với quần jean và áo sơ mi dài tay. Trước khi tôi đến vùng đất thấp này để kinh doanh khách sạn, tôi là y tá trong một bệnh viện lớn ngay tại thủ đô Paris. Với cặp kính cận thị trên gương mặt thông minh nên mọi người thường nghĩ tôi là tay tài phiệt. Tôi rất được phái nữ chú ý đến nên bà vợ của tôi hay ghen bóng ghen gió. Một điều thật dễ hiểu là, bà lớn hơn tôi đến bốn tuổi và đang mang bệnh đau tim. Một căn bệnh có thể đem bà “đi” bất cứ lúc nào. Cũng vì vậy mà bà muốn tôi lúc nào cũng ở bên bà nên bà muốn tôi về lại Pháp mua nông trại chăn nuôi gia súc. Để cho bà khỏi tủi thân, tôi thường tỏ ra yêu mến bà nên mỗi khi ra khỏi nhà tôi không bao giờ quên đặt lên môi bà một nụ hôn nồng cháy. Dĩ nhiên bà cũng hiểu - cũng cảm nhận - là tôi đang đóng kịch với bà. Bà là người có giác quan thứ sáu rất mạnh mẽ nên chỉ một hành động không thật lòng, dù nhỏ thôi, là bà có linh cảm tôi đang có người tình. Đúng là tôi đang có một người tình bé nhỏ về thể xác lẫn tuổi đời. Đó là “con mèo nhỏ rất đáng yêu” của tôi. Để hóa giải sự nghi ngờ của bà, tôi đã cho “con mèo nhỏ rất đáng yêu” của tôi tên Annemiek Jansen, nhỏ hơn tôi đến bốn mươi tuổi. Tôi đã đem “con mèo nhỏ rất đáng yêu” vô ở hẳn trong phòng 401 của khách sạn để mỗi khi bà muốn tìm tôi thì tôi luôn luôn có mặt.

Như thường lệ, mỗi ngày đúng mười giờ sáng tôi sẽ từ nhà đi bộ đến khách sạn làm việc. Một hôm trên đường đến đây, tôi cảm thấy khó chịu trong người nên quyết định đến gặp bác sĩ. Và, bác sĩ cho biết tôi đã bị ung thư ở giai đoạn cuối.

Thật khốn nạn cho cái thân tôi biết dường nào. Trong lúc bối rối tôi đã quá ngu dại nói thật hết mọi chuyện cho ‘con mèo nhỏ rất đáng yêu” của tôi biết. Và, thế là cô ấy nhất quyết bắt buộc tôi phải chuyển giao khách sạn lại cho cô ấy. Tôi đã khổ sở biết bao ngày đêm để giải bày cặn kẽ mọi khó khăn nếu như bà vợ tôi biết chuyện, nhưng, cô ấy nhất quyết không chịu nghe. Để giải quyết mọi rắc rối sẽ xảy đến, tôi chờ cho “con mèo nhỏ không còn đáng yêu” của tôi ngủ.

Đúng một giờ mười sáu phút sáng, tôi lấy cây súng có hãm thanh mà tôi thường để dưới nệm ra và bắn một viên đạn vào đầu “con mèo nhỏ không còn đáng yêu” của tôi. Chỉ mất có ba mươi giây và tốn chỉ một viên đạn thôi, tôi đã vui sướng đến có thể… điên lên được vì xem như tôi đã lấy ra được một khúc xương lớn đang nằm ngay trong yết hầu của tôi. Để giải quyết cái xác tham lam và tàn nhẫn kia, tôi đã từng ngày, từng ngày… từng ngày, một mình phá cái bức tường phía sau cái tủ đựng quần áo được nối liền với phòng tắm. Trong ba mươi hai cái phòng tắm của khách sạn, chỉ có cái phòng tắm phòng 401 là có một đoạn bị dầy hơn  bốn mươi phân và cao lên đến trần nhà; đủ để cho “con mèo nhỏ không còn đáng yêu” vì quá tham lam của tôi “đứng” trong đó đến… muôn đời.

Từ khi “con mèo nhỏ không còn đáng yêu” của tôi “đứng” trong phòng 401, thì sự kinh doanh của tôi cũng bắt đầu sa sút. Các công ty du lịch, hoặc khách lẻ, không còn đến với khách sạn như trước kia nữa. Qua sự môi giới của những người bạn, một người đàn ông Việt Nam thành công trong công việc buôn bán thực phẩm Á Châu tại Pháp, muốn mua khách sạn của tôi. Nhưng, ông ấy không đủ tiền. Để giúp ông ấy, tôi đã đứng tên bảo đảm với ngân hàng, cùng một điều kiện với ông ấy là, ông được thay thế những đồ dùng trong phòng. Nhưng ông không được xây cất lại hoặc sửa chữa khách sạn trong vòng mười năm. Tôi viện lý do tôi muốn trở lại đây nhiều lần nữa để nhìn lại “đứa con cưng” đã giúp tôi trong nhiều năm, nhưng tôi muốn “đứa con cưng” vẫn phải với hình hài nguyên vẹn như ngày nào. Điều kiện đó không có gì trở ngại đối với ông Việt Nam.

Với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối thì thời hạn mười năm là đã quá đủ cho tôi rồi. Khi đó, nếu ông Việt Nam có sửa sang lại khách sạn và có khám phá ra cái xác của “con mèo” Annemiek Jansen trong phòng 401, thì tôi đã không còn nữa. Sau đó cái tên Robert Pierre của tôi sẽ nằm trong danh sách những tên giết người kiệt xuất nhất thế giới.

Bây giờ tôi có thể yên tâm bỏ “bức tâm thư” này vô trong túi của “con mèo nhỏ không còn đáng yêu”  và bít bức tường lại. Một tháng nữa mọi thủ tục sang tên sẽ xong, và khi đó bức tường cũng đã khô… Còn tôi thì đang ở Paris, hoặc, cũng có thể ở một nơi nào đó mà tôi chưa thể nào biết trước được.

Rất mong ông Việt Nam, ông chủ thứ hai của khách sạn Pacifique thông cảm và hiểu cho tôi.

Đa tạ.

Robert Pierre”

***

Vụ việc có một cái xác bị giấu trong tường của khách sạn Thanh Bình đã bị đám nhà báo Hòa Lan làm ầm lên cả tháng trời. Ông Robert Pierre được đám nhà báo đặt cho cái tên “Kẻ sát nhân của thế kỷ”… đã chết sau khi về lại Pháp khoảng bốn tháng. Người vợ của ông vẫn chưa “đi”. Nhưng bà đã bị rối loạn thần kinh nên phải vô sống trong ‘nhà thương điên’ ở ngoại ô Paris.

Bây giờ tôi đã hiểu vì sao ông Thanh Bình muốn sửa sang lại khách sạn để nâng lên bốn sao mà ông không làm được. Ông không được làm thì đúng hơn. Bây giờ chuyện đã rõ ràng rồi. Nếu ông muốn xây sửa khách sạn thì… dễ dàng thôi.

Sau vụ việc đã xảy ra, ông Thanh Bình đã xem tôi như là người em ruột của ông. Trước khi tôi từ giã ông để đi làm phụ bếp, ông nắm tay tôi nói cách rất thân mật:

“Trong “bức tâm thư” ông Robert Pierre viết, “Khi đó, nếu ông Việt Nam có sửa sang lại khách sạn và có khám phá ra cái xác của Annemiek Jansen trong phòng 401…”, đó là ông ấy nói về chú chứ không phải nói về tôi. Chú là người đã khám phá ra cái xác chết. Chú là người đã giúp tôi rất đắc lực. Khách sạn này rất cần chú nên tôi vẫn trả lương cho chú hàng tháng, mặc dù chú đi làm phụ bếp cho người ta. Tôi tha thiết xin chú một điều, khi nào khách sạn này sửa sang xong, xin chú trở về đây giúp tôi trong công việc quản lý. Chú đồng ý nhé?”

Tôi gật đầu và nói cám ơn ông. Ông không bắt tay mà lại ôm tôi. Trước khi từ giã ông Thanh Bình. Tôi hứa chắc với ông:

“Trước khoảng bốn tuần ông thông báo cho tôi biết, tôi sẽ trở lại đây đúng ngày khi khách sạn tái khai trương.”

***

Tôi đang bước đi trên con đường chính của Thành phố Amsterdam để đến nhà hàng Prinsen. Hôm nay là ngày đầu tiên của tôi với công việc mới trong vai phụ bếp. Nói phụ bếp cho oai vậy thôi. Thật sự thì phải nói, tôi làm sai vặt trong bếp. Tôi chưa từng học nấu ăn ở đâu cả. Có hai món, một món mặn và một món ngọt mà tôi thường nấu đãi bạn bè vì nấu rất nhanh và tiện lợi vô cùng, đó là món mì gói ăn liền và món chè nhãn nhục.

Đường phố Amsterdam lúc nào cũng đông người qua lại gợi cho tôi nhớ Thủ đô Sàigòn của một thuở thanh bình, của một thời với những buổi chiều cuối tuần tôi dạo bước trên đại lộ Lê Lợi. Tôi xa quê hương nhưng tôi đã mang theo Thủ đô Sàigòn hoa lệ, nơi tôi được sinh ra, và, Thành phố Dalat của một thời diễm ảo, nơi tôi đã được sống những ngày từ nhỏ dại cho đến khi trưởng thành, và, được các vị Linh mục giáo dục để không những trở thành người … tử tế mà còn là người lương thiện thật sự nữa.

Cứ mỗi lần Tết đến, gợi cho tôi nhớ lại trước chợ Bến Thành với những gian hàng bán đủ các loại bánh mứt và các loại rượu cho ba ngày Tết. Mỗi gian hàng có những người quảng cáo hàng mà miệng thì dẻo cứ như là… kẹo kéo vậy. Đó là những kỷ niệm tuyệt đẹp của những tháng năm vàng xa xưa lắm. Tôi cũng vừa nhớ đến bài hát của người bạn gởi tặng, nên vừa bước đi tôi vừa hát nho nhỏ: “Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại…” Hát chưa hết một câu thì… thình lình tiếng kèn xe hơi vang lên phía sau lưng làm cho tôi giựt mình. Vĩ mãi suy nghĩ về bài hát nên tôi đã đi qua đường không đúng chỗ dành cho người đi bộ. Từ lần sau tôi sẽ không bao giờ đi trái luật như vậy nữa. Tôi đang rất yêu đời mà. Nhưng, thật bất ngờ khi người lái chiếc xe vừa bấm kèn, là người phụ nữ tuổi trung niên, đã ngoắc tôi lại gần và đưa cho tôi bó hoa tuyệt đẹp và nói:

“Có người nhờ tôi đưa cho ông bó hoa này.”

Tôi còn đang ngạc nhiên và chưa kịp hỏi câu nào, thì người phụ nữ đã lái xe chạy đi. Tôi nhìn tên người gởi ghi trên tấm thiệp kèm theo bó hoa: Annemiek Jansen. Tôi có giật mình, nhưng tôi không còn hốt hoảng và sợ sệt nữa. Từ hôm khám phá ra cái xác của cô Annemiek Jansen, tôi đã cố quên cái gương mặt của đêm cô làm cho tôi sợ quá đến bị ngất xỉu. Để không bị “thần hồn nát thần tính”,  tôi nhìn những cô gái đẹp và nghĩ đến “con mèo nhỏ” cũng đẹp và dễ thương như vậy trước khi bị sát hại. Người chết rồi nếu có hiện ra cũng không phải để làm hại người đang sống. Người sống vì lòng gian tham nên mới làm đủ mọi chuyện, tìm đủ mọi mánh khóe để hãm hại, để cướp đất cướp nhà và tận diệt người bị cướp.

Tôi hứa với lòng là từ hôm nay và cho đến mãi mãi, mỗi ngày một lần, tôi sẽ cầu nguyện cho “con mèo nhỏ” được bình yên nơi cõi vĩnh hằng.

.

Topa (Hòa Lan)
topahoalan1@gmail.com

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/tiengsunggiuadem.htm


Cái Đình - 2021