Topa


Thương nhớ quá! Việt Nam Cộng Hòa

 

Sáng sớm hôm nay, buổi sáng cuối tháng mười hai năm 1974 bỗng nhiên trời có mưa và rất lớn. Tôi bị thức giấc vì tiếng mưa rơi quá mạnh trên mái tôn. Tôi nằm im nghe mưa rơi và mắt thì cứ đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi ngạc nhiên khi tháng này vẫn còn mưa. Tôi nhìn mưa và nhìn bầu trời đầy mây đen mà lòng thì không vui. Tôi đang nghĩ về mấy đứa bạn trong đơn vị nay đã ra người thiên cổ. Không biết giờ này đơn vị đang hành quân hay nằm hậu cứ. Nếu đang hành quân mà có mưa thì thường có gió mạnh, một điều quả là cực khổ cho người lính khi phải lội sình lội rừng tìm địch. Lính đi hành quân sợ mưa vì mọi thứ đều trở nên nặng nề. Nhứt là nước vô trong giày rất khó chịu khi di chuyển. Chân ngâm nước lâu ngày bị nước ăn chân vừa đau vừa có mùi rất hôi. Việt Cộng thì cứ như là lũ chuột cống vậy. Chúng chỉ được mang dép râu nên nhẹ nhàng vì vậy chúng nhanh chân chui rúc trong các hang động không biết đâu mà tìm.

Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua rồi mà tôi vẫn nằm im. Tờ lịch trên tường làm cho tôi chợt nhớ hôm nay là đúng năm tháng ngày tôi bị thương. Và, tôi cũng được tròn hai mươi bốn tuổi. Hai mươi bốn năm trước tôi được sinh ra và lớn lên ở miền cao nguyên gió núi mưa rừng. Khi tôi đang vui học cùng thầy cô và bạn bè thì chiến tranh ý thức hệ không những vẫn đang xảy ra ở những khu dân cư thưa thớt hoặc trong những khu rừng rậm, mà đã xâm nhập vô các thành phố đông dân cư và gây ra những thảm cảnh thật thê lương.

Khi tôi vừa đậu tú tài, tôi đã từ giã học đường và thầy cô cùng bè bạn để lên đường làm bổn phận của người thanh niên trong thời chiến. Sau chín tháng quân trường, tôi được đi học tiếp khóa Rừng Núi Sình Lầy tại Dục Mỹ. Bốn mươi hai ngày với khóa học nổi tiếng khắc nghiệt của binh chủng Biệt Động Quân rồi cũng qua. Và, tôi chính thức cầm súng chiến đấu. Một ngày kia trong buổi chiều tàn, tôi đến căn hầm của đơn vị trưởng để họp. Ngoài ông đơn vị trưởng còn có thêm ba vị sĩ quan và tôi. Đang họp thì căn hầm bỗng rung lên, đất và đá bay ào ào rồi căn hầm bị sụp đổ hết ba phần tư. Mùi khói đạn nồng nặc làm cho tôi bị ngạt thở rồi bất tỉnh. Đến tờ mờ sáng hôm sau khi tiếng đạn pháo bớt dần, tôi được mấy người lính đem ra khỏi căn hầm thì mới biết mình còn sống nhưng đã bị thương nặng. Năm người có mặt trong căn hầm thì chỉ có hai người là, Thiếu úy Lương mới rời trường Võ Bị Quốc Gia được hơn ba tháng và tôi… được sống sót. Cũng từ hôm đó tôi đã trở thành thương phế binh. Thiếu úy Lương may mắn chỉ bị vài vết xước trên cánh tay nên anh đã thay ông Đại đội trưởng chỉ huy phản công. Lương nhìn tôi nói: “Ông và tôi may mắn, nhưng ông phải từ giã vũ khí. Ông nhớ luôn cầu nguyện cho chúng tôi nhé”. Tôi đau quá nên không nói được ra lời. Tôi nắm tay Thiếu uý Lương thật chặt như xác nhận là tôi sẽ làm theo như Lương yêu cầu. Và, hằng ngày tôi vẫn cầu nguyện cho quê hương, cho đơn vị; luôn giữ chặt tay súng để đem bình an và hạnh phúc đến cho đồng bào.

Tôi ngồi lên và lần bước đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Bên ngoài, mưa vẫn lớn nên đường sá vắng tanh. Mấy người đàn bà bán hàng rong quen thuộc đang đứng trú mưa dưới mấy mái hiên nhà bên kia đường và đang nói chuyện, nhưng thỉnh thoảng mấy bà ngước mặt nhìn lên trời cao như muốn hỏi ông trời, sao lại mưa chi vào tháng này? Vì trời mưa nên sáng hôm nay tôi không nghe tiếng rao hàng của mấy bà; vốn thường vang vọng vô đến tận trong phòng ngủ tôi.

Hiện tại thì bầu trời đã bớt u ám. Tất cả báo hiệu một buổi sáng sẽ đẹp lại và ấm áp. Tôi ngồi ăn sáng trong phòng ăn. Bà chủ nhà mà tôi mướn phòng đã chuẩn bị bữa ăn sáng cho tôi rất chu đáo rồi đi chợ hoặc đi công việc. Cả căn nhà dường như cũng đang quạnh quẽ vì chưa có ánh sáng mặt trời. Để tiết kiệm điện cho bà chủ nhà, tôi chỉ mở một ngọn đèn điện 40 watt. Ăn xong, tôi gom những mảnh vụn bánh mì trên mặt bàn lại. Một tiếng động mạnh phía nhà trước làm cho tôi giật mình nhìn lên đó nhưng không thấy bà chủ nhà bước vô. Tôi cặp cái nạng vô nách và lần bước lên nhà trước. Tôi nhìn thấy một tờ nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn nằm dưới sàn nhà mà có lẽ người bỏ báo tháng cho cô con gái nhỏ của bà chủ nhà vừa đem đến. Tôi ngồi ngã người ra ghế và suy nghĩ tiếp.

Saigon hôm nay không còn bình yên như thuở nào nữa. Không còn trẻ em vui chơi chạy nhảy trên từng con đường vì những cuộc biểu tình của đám sinh viên thân cộng và thành phần đối lập, cùng những trò khủng bố đê tiện của Việt Cộng xảy ra gần như hằng ngày; vậy mà người dân lao động vẫn cứ tươi cười như chẳng có gì xảy ra cả. Họ phải sống và phải lo cho gia đình thì họ phải làm việc như thường ngày chứ không thể ngừng lại được. Gia đình tôi khuyên tôi nên ở lại Saigon, vì vậy tôi phải mướn phòng ở đây cho tiện chờ đến ngày đi tái khám và rồi chờ ngày ra Hội Đồng Y Khoa.

Tôi đứng lên đi thay bộ quần áo tươm tất rồi kẹp đôi nạng vô nách và tập tễnh bước ra cửa trước. Tôi muốn đi quán uống cà phê vì trời đã quang đãng và phong cảnh xung quanh như vừa được rửa sạch. Tôi nhìn lên trời cao. Bây giờ những làn mây nhỏ làm nổi lên màu xanh trên không. Tia sáng ấm của mặt trời thấm qua da thịt làm cho cái chân tôi bớt đau nhức.Tôi khập khễnh bước nhưng trong đầu lại cứ nghĩ về những người bạn trong đơn vị.

Chân của tôi vẫn còn đau nhức mỗi khi trời lạnh. Bỗng, trong đầu tôi hiện ra hình ảnh cô y tá ở bệnh xá dã chiến của tiểu khu khi tôi được đưa từ chiến trường về đó sau ba ngày bị thương. Đơn vị tôi đụng trận ở vùng quá hiểm trở nên việc tải thương có bị chậm. Cô y tá tên Hoa đã cùng vị bác sĩ có mặt khi chiếc trực thăng tải thương đáp xuống, và, cô đã săn sóc cho cái chân của tôi. Hôm đó bệnh xá có quá nhiều thương binh và cái chân của tôi thì có mùi hôi thật khó chịu. Tôi cảm thấy khó chịu vì cái mùi hôi đó, thế nhưng cô Hoa thì làm như không thấy khó chịu gì cả. Khi tôi tỉnh dậy sau khi bị chụp thuốc mê, tôi mới biết mình đã bị cưa mất bàn chân. Người mà tôi gặp đầu tiên cũng chính là cô y tá tên Hoa. Cô cười thật tươi và nói: “Em tưởng anh bị cưa lên tới đầu gối rồi đó chứ. Cũng may. Bây giờ thì chân của anh không còn bị hôi nữa”. Trong lúc tôi đau buồn vì không ngờ mình trở thành thương phế binh quá sớm, thì, cô Hoa đem lại cho tôi ly cà phê sữa nóng. “Mời anh uống chút cà phê cho ấm” – Tôi vui sướng đón nhận ly cà phê.“Cám ơn cô nhiều lắm”. Uống cạn phân nửa ly cà phê tôi đã thấy tỉnh tảo lại rất nhiều. Tôi nhìn thấy bảng tên trên ngực cô, tôi khen thật lòng: “Cô Hoa đẹp mà lại cũng rất dễ thương nữa. Bị đau mà gặp cô Hoa thì dù có đau đến đâu cơn đau cũng phải tan biến ngay”.  Cô Hoa cười thật tươi. “Dạ, cám ơn lời khen của anh. Thấy mấy anh bị thương đau đớn mà em thấy tội nghiệp quá”. - “Phụ nữ là rường cột của xã hội. Chính những lúc như thế này mới thấy người phụ nữ  quan trọng như thế nào”. Cô Hoa mỉm cười và mặt đổi qua màu đỏ. Cô quay lưng đi ra cửa vì có cô y tá bạn đến tìm cô.

Từ lúc đó cho đến hai ngày sau khi tôi được chuyển đến Tổng Y Viện Cộng Hòa, cô Hoa luôn mời tôi ăn và uống những thứ mà phải mua ở câu lạc bộ mới có. Niềm vui của tôi vừa có thì lại bị sút giảm vì phải chuyển đến nơi khác điều trị. Hôm tôi chuyển đến nơi mới, cô Hoa không có mặt nên tôi có viết để lại vài chữ cám ơn cô và rất mong sẽ được gặp lại cô. Một tháng sau tôi được tin bệnh xá dã chiến có cô y tá tên Hoa bị Việt Cộng pháo kích dữ dội nên người chết rất nhiều. Tôi cầu nguyện và hy vọng cô Hoa không nằm trong những người xấu số.

***

Uống cạn ly cà phê, tôi định cầm bình trà lên thì khi nhìn ra cửa tôi thấy một cô gái trẻ đang bước vô quán. Nhìn cô gái, tôi giật mình như không tin vào đôi con mắt của mình. Rõ ràng cô gái là cô Hoa y tá đây mà. Cô Hoa không nhìn thấy tôi nên tôi nhìn theo cô cho đến khi cô đi đến ngồi ở cái bàn phía trong cùng và kêu nước uống. Tôi chống nạng đi đến bàn của cô. Cô Hoa vừa nhìn thấy tôi đến gần liền kêu lên vẻ vui mừng, nhưng, trên khuôn mặt cô lại lộ vẻ như hốt hoảng: “Anh Tâm. Em… em… rất mừng gặp lại anh, anh khỏe không?”  Tôi vui quá nên không để ý đến sự hoảng hốt của cô: “Cám ơn cô Hoa tôi rất khỏe. Cô Hoa … mọi chuyện bình an chứ?”. Cô Hoa chưa kịp trả lời thì tôi hỏi tiếp cô về vụ bệnh xá bị Việt Cộng pháo kích hôm nào. Cô Hoa nói: “Tiểu khu… không xa những khu rừng nên thỉnh thoảng vẫn bị lãnh pháo của Việt Cộng, nhưng không bị nặng như lần vừa rồi. Thật may là hôm đó em đi công tác nên thoát nạn. À, cái chân của anh… ra sao rồi anh Tâm?”. – “Thỉnh thoảng vẫn bị đau một chút nếu trời lạnh, nhưng bây giờ thì không”. Cô Hoa và tôi ngồi bên nhau thật lâu và nói đủ thứ chuyện cho đến khi cô Hoa từ giã tôi nói là phải đi vì có công việc.

***

Mảnh đất bề rộng mười tám thước và bề dài hai mươi ba thước mà tôi phải nhận nếu không muốn đi đến miền Trung. Dù vùng này còn hoang sơ nhưng cũng còn là miền Nam. Một cái hố lớn và đầy nước nằm trong mảnh đất mà tôi nghĩ đó là hố bom do máy bay B52 tạo ra khi đang còn chiến tranh.  Vùng này ngày trước là căn cứ của Việt Cộng. Trên mảnh đất của tôi có dựng sẵn một căn nhà lợp lá bốn thước bề ngang và sáu thước bề dài. Bốn vách được che chắn bằng ván cây mỏng nhưng không liền nhau. Mảnh đất vỏn vẹn chỉ có vậy.

Sáng sớm hôm nay, buổi sáng giữa tháng mười hai năm 1977, và, tôi mệt quá nên ngồi bệt xuống nền đất đưa mắt nhìn mông lung về phía trước. Mặt trời chưa lên nên tôi cũng không thể làm gì được. Tôi đang suy tính cách nào để lấp lại hố nước trong khi sức khỏe của mình lại quá sa sút. Nhìn mảnh đất lòng tôi không khỏi bùi ngùi và đau đớn bởi vẻ hoang sơ của nó. Tôi một thân một mình lại bị thương tật nữa thì làm sao có sức để tạo được cuộc sống yên lành nơi vùng đất chỉ có rừng với rừng mà thôi. Chung quanh vắng ngắt vì những căn nhà trong khu này không một bóng người. Những người từng đến đây đều trốn về lại Saigon hay nơi nào đó nên quang cảnh u tịch và hơi lạnh lẽo làm tôi cảm thấy rờn rợn. Tự nhiên từ miệng tôi thốt ra những lời cầu xin: “Hỡi các linh hồn đang quanh quẩn nơi đây. Tôi là người cùng khổ trong cái xã hội đói khổ và thù hận này, vì vậy tôi xin các linh hồn cho tôi được yên lành. Tôi hứa khi nào tôi có chút đỉnh tiền tôi sẽ mua trái cây cúng các linh hồn”.

Tôi nhớ đến thằng Hùng, Trung đội trưởng. Thằng Hải, Trung đội phó người nhái;  là hai thằng bạn thân cùng cầm viết trong cùng lớp học khi còn nhỏ mà sau này lại cùng cầm súng… bây giờ hai đứa trôi dạt nơi nào. “Hai đứa mày và gia đình có bị đầy đọa ở chốn rừng thiêng nước độc nào không? Có khi nào ba đứa mình sẽ được gặp lại nhau nữa không?” Tôi buồn quá nên cũng không biết phải làm gì cho hết buổi sáng hôm nay. Tôi thèm ly cà phê quá nhưng phải nhịn vì… vô phương. Cũng may là tôi chưa bao giờ hút thuốc, chứ không thì lại thêm một cái khổ nữa. Tôi bỗng giật mình. Vừa bàng hoàng vừa lo lắng nhìn người phụ nữ trong bộ đồ “cách mạng” với cây súng ngắn đeo bên hông, đang đi vô nhà tôi. Lúng túng tôi lùi lại vài bước như muốn tránh mặt người phụ nữ. Không thể né tránh được, tôi đành đứng im nhưng trái tim thì đập dồn dập như muốn nổ tung trong lồng ngực. Tôi cảm nhận ngay sự lo sợ quá vô lý của tôi, dù sao thì “cách mạng” cũng đã biết hết về tôi rồi vì tôi đã phải khai rõ lý lịch khi bị tập trung. Tôi bình tỉnh nhìn ngay mắt người nữ cán binh mà tôi từng quen biết.

Người nữ cán binh “cách mạng” chính là cô y tá tên Hoa; đang đứng trước mặt tôi với gương mặt và dáng điệu có vẻ ngượng ngùng. Cô Hoa mặc dù đang khoác trên người bộ đồ của uy lực, của khủng bố và của chết chóc, nhưng, gương mặt cô nhìn tôi không một chút đe dọa hay hận thù. Cô nhìn xung quanh và khi biết chắc không có người nào khác ngoài cô và tôi, cô lên tiếng: “Anh Tâm, anh hãy cầm ít tiền này và anh mau mau đi khỏi nơi này, hoặc, anh trở về lại Saigon ngay đi. Anh không thể sống nổi ở đây đâu. Còn chuyện của em thì dài dòng lắm nên không thể kể ra ngay bây giờ được”. Tôi không một chút e dè hay tự ái, tôi cầm ngay số tiền mà cô Hoa đưa. Tôi chưa kịp nói lời cám ơn thì cô Hoa đã quay lưng bước đi như bị có người đuổi theo phía sau. Tôi chợt nhớ hôm cô Hoa và tôi gặp lại nhau trong quán cà phê gần nhà tôi trọ. Hôm đó cô Hoa lộ vẻ hoảng hốt khi bất ngờ thấy tôi xuất hiện. Có lẽ cô sắp phải thi hành công tác khủng bố nên mới cỏ thái độ như vậy chăng. Bây giờ tôi đã hiểu được là, tại sao bệnh xá tiểu khu luôn bị pháo kích nhưng cô Hoa thì luôn được bình an.

Tôi tập tễnh bước ra khỏi vùng tử địa. Tôi sẽ không bao giờ quay lại nơi chốn này nữa, dù có bị bắt lại tôi vẫn sẽ trốn tiếp.

***

Tôi không ngủ được nên dậy sớm. Chỉ vài tuần nữa là năm cũ sẽ qua đi và năm mới sẽ đến. Tết dương lịch - Tết của Tây -  làm tôi nhớ quê hương miền Nam Việt Nam mà tôi đã rời xa cũng gần mười hai năm. Cả đêm tôi không thể nào nhắm mắt được đến nửa tiếng vì câu chuyện của người bạn thân lâu ngày mới gặp lại, nên lòng tôi cứ thổn thức nhớ về quê hương và những kỷ niệm.

Tôi vẫn nằm co người trong cái mền mỏng và nhớ lại buổi gặp gỡ hy hữu và cũng là lần đầu vào buổi chiều hôm qua; với một người bạn thân tên Hải. Hải từng là Trung đội phó người nhái và là một trong hai người bạn rất thân từ lúc còn nhỏ. Hải sau khi bị đi tù cải tạo về lại trở thành… người bạn đời với người phụ nữ mà “nàng”  và tôi từng gặp lại nhau trong nhiều hoàn cảnh vừa mừng vừa tủi lại vừa lo. Hải kể cho tôi nghe một câu chuyện mà tôi sẽ không bao giờ quên:

“Ngọc Hoa đứng im lặng ở chỗ có hai chữ bị cáo chờ nghe tòa tuyên án. Ngọc Hoa miên man nghĩ, nếu như chuyến đi không bị phản bội thì giờ đây có lẽ mình đang ở bên Hồng Kông chứ làm gì có buổi xử án mình như thế này.

Ngọc Hoa là Cửa hàng trưởng, nơi phân phối thực phẩm theo tem phiếu cho đồng bào. Ngọc Hoa không ngờ sự đóng góp của mình cho cái gọi là “cách mạng”,  đã đem đến cái kết cục vô cùng đau thương và man rợ. Gia đình phân ly, người người bị khủng bố và bị đầy đọa là chuyện thường xuyên vẫn xảy ra từ sau cái ngày gọi là “giải phóng”. Thế rồi, Ngọc Hoa đã hợp tác với nhóm tổ chức các chuyến ghe vượt biển mà tôi là thành viên trong nhóm. Cửa hàng trưởng Ngọc Hoa đã cung cấp dầu nhớt, thức ăn, nước uống, an ninh bãi bến, và, vũ khí… cho năm chuyến đi thành công. Nhưng, đến chuyến thứ sáu thì Ngọc Hoa phải đi vì nàng linh cảm có sự phản bội của một tên công an bất mãn vì cho là mình được chia phần quá ít. Chuyến đi của Ngọc Hoa được tổ chức rất chu đáo. Nhưng, khi chiếc ghe ra gần đến cửa biển thì bị hai chiếc tàu của công an ập đến và, Ngọc Hoa đã khẩn nài tôi thoát thân một mình. Tôi chỉ kịp nắm lấy bàn tay của Ngọc Hoa và bóp nhẹ thay cho lời chào rồi rời khỏi chiếc ghe. Tôi đã lặn thật sâu và thật lâu nên thoát khỏi đám công an đang rọi đèn sáng trưng quanh chiếc ghe”.

Hải ngưng nói. Hải nuốt nước miếng thật mạnh vô lồng ngực như anh nuốt nỗi uất nghẹn vì sự bất lực của mình. Hải kể tiếp với hai con mắt đỏ như đổ lửa và hai giòng lệ chảy ra từ khóe mắt: “Ngọc Hoa bị tuyên án tử hình. Và, như để cảnh cáo những người khác nên một tháng sau Ngọc Hoa bị đem ra bắn. Tôi có mặt trong đám người tham dự nhưng chỉ biết đứng nhìn người mình yêu bị những viên đạn ghim vô lồng ngực. Trái tim tôi quặn lên đau đớn như nát tan ra từng mảnh… anh Tâm à”. 

Nỗi đau mất người bạn đời mà Hải cho là nàng quá thơ ngây nên bị dụ dỗ làm nội gián, cũng là nỗi đau của nhiều triệu đồng bào miền Nam vì ngây thơ nên tin vô những lời xảo trá nhưng đầy mật ngọt để làm mất đi những truyền thống tốt đẹp và cao cả của dân tộc.

Cả đêm qua tôi cứ như thấy hiển hiện trước mặt cô y tá tên Hoa - Ngọc Hoa - hiền hậu và nhân ái ngày nào; đã đem ly cà phê sữa đến mời tôi… Và cười thật tươi.

.

Topa  (Hòa Lan)


Cái Đình - 2018