Topa


Tháng Sáu nhớ thương!

 

Tháng sáu trời mưa,trời mưa không dứt.Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa. Anh lạy trời mưa phong kín đường về. Và đêm ơi xin cứ dài vô tận… Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến. Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn. Mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng nổi. Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn.......

Hôm nay là ngày Chúa nhật, thay vì đi thăm bạn bè, tôi đã ở nhà để dọn lại cái bếp cho gọn sạch và cũng để chồng chén dĩa mới mua từ tuần trước vô… thì tôi nghe tiếng hát thật ngọt ngào và tình tứ của nữ ca sĩ khả ái Khánh Hà vang lên bài, Tháng Sáu Trời Mưa; từ cái radio nơi phòng khách trong chương trình nhạc yêu cầu. Tôi tạm ngừng tay và đi lên phòng khách để mở cái volume cho lớn hơn. Bài hát này là một trong nhiều bài tôi rất thích. Bây giờ cũng đang là tháng sáu nên đã gợi cho tôi nhớ đến những kỷ niệm của những tháng sáu trong những năm tôi còn sinh sống ở quê nhà Việt Nam.

Trong tháng sáu có hai ngày lễ mà tôi chắc chắn những người cùng thời với tôi sẽ không bao giờ quên được, đó là ngày tưởng nhớ đến công ơn sinh thành của người cha, và, ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Ba tôi là lính – là Hạ sĩ quan – của quân đội miền Nam Việt Nam khi tôi chưa ra chào đời. Ba tôi phục vụ trong đơn vị Tổng trừ bị nên từng cùng đơn vị đi khắp các nẻo đường đất nước để bảo vệ quê hương và giữ bình yên cho đồng bào. Binh chủng mà ba tôi nguyện hiến dâng thân mình để phục vụ là binh chủng Nhảy Dù. Khi tôi đưọc bốn năm tuổi thì những lần ba được về phép thì Người thường đưa tôi đi dạo thủ đô Sàigòn rồi sau đó vô Thảo Cầm Viên xem những con thú mà đối với tôi đó là kỷ niệm đẹp nhất và thích thú nhất của những năm tuổi còn thơ ấu. Những lần đó thì mẹ tôi không đi theo mà ở nhà để chuẩn bị những món ăn mà ba thích.

Những ngày vui đó rồi cũng qua mau khi ba tôi bị thương và phải rời xa quân đội. Ba trở thành thương phế binh loại ba vì bị mất bàn chân phải.

Tôi chỉ còn ba và tôi cũng là đứa con duy nhất của ba. Sau ngày ba bị thương chừng hơn một năm thì mẹ tôi đã bị đạn pháo của chiến tranh đem ra khỏi cuộc sống trần gian khi mẹ vẫn còn rất trẻ.

Sau này khi tôi đã lớn khôn hơn thì năm nào có diễn binh ngày Quân Lực Mười Chín Tháng Sáu, ba tôi cũng đưa tôi đi xem. Những lần đó tôi luôn thấy ba lấy cái kính có tròng màu đen đeo lên mắt như không muốn cho tôi thấy là ba đang rất buồn và rất có thể sẽ khóc. Ba đang nhớ những đồng đội và đơn vị cùng những ngày đi khắp bốn quân khu.

***

Tôi vào đời rất sớm. Năm tôi mười lăm tuổi tôi đã có công việc đầu tiên là phụ bán sách. Tôi phải vừa đi làm vừa đi học vì số tiền thương tật của chính phủ cấp cho ba chỉ đủ cho ba và tôi sinh sống ngày hai bữa cơm. Nhưng, vì tôi là con gái nên cũng cần có thêm những nhu cầu khác nữa.

Tôi chọn công việc phụ bán sách không chính thức và lãnh tiền hoa hồng trên mỗi quyển sách bán được. Công việc nhẹ nhàng và làm ngày nào thì lãnh lương ngay ngày đó. Có những ngày thật đông khách tôi bán được nhiều sách và nhờ vậy mà ba tôi có thêm những viên thuốc bổ và có được bữa ăn ngon miệng hơn. Những ngày trời mưa dai dẳng không có khách thì lòng tôi xót xa vô cùng khi trở về nhà với hai bàn tay không. Nhưng, lúc nào ba cũng tươi cười đón tôi và tỏ ra lo lắng khi thấy tôi buồn.

Tôi là người thiếu nữ rất yếu đuối về thể xác lẫn tinh thần nên thuở tôi mới lớn tôi đã được chứng kiến những người lính trở về trong những cái hòm gỗ có lá cờ Việt Nam phủ lên… làm cho tôi vô cùng xúc động. Những lần nhìn thấy chiếc xe của quân đội chở quan tài chạy trên đường, tôi luôn đứng lại như là cách tiễn biệt người quá cố; cho đến khi chiếc xe đó chạy qua tôi mới bước đi tiếp.

Một ‘biến cố’đã xảy ra cho tôi để rồi tôi tìm được tình yêu với một người lính. Khi tôi học năm đầu tiên đại học Văn Khoa, một đêm kia tôi ghé nhà bạn để lấy bài và khi tôi ra về thì bất ngờ có ba người thanh niên xuất hiện và chận tôi lại với ý định xàm xỡ. Sợ quá, tôi la lên thật lớn cầu may, và, sự may mắn đã đến với tôi ngay sau tiếng kêu cầu cứu khi có một anh lính từ trong ngõ hẻm gần đó đi ra và anh lính ấy đã cứu tôi.

Anh lính bước đến bên tôi trong khi tôi vẫn còn đang run rẩy và anh hỏi rất nhiều như có ý để cho tôi bình tĩnh lại:

“Cô có sao không? Cô đừng sợ vì bọn chúng đã bỏ chạy hết rồi. Nhà cô ở đâu? Nhà của cô có gần đây không? Cô đi một mình hay còn ai nữa?”

Tôi vẫn chưa hết sợ nên chỉ nhìn ngay vị ân nhân mà chưa biết nói gì.

“Tôi kêu xe đưa cô về nhà nhé?”

Nghĩ đến đi xe tốn tiền nên tôi liền lắc đầu mà vẫn chưa thốt ra được một lời nào; chưa biết phải nói gì để cám ơn anh. Anh lính thấy tôi còn quá sợ nên anh đề nghị:

“Cô… có cần tôi đưa về nhà không?”

Tuy vẫn chưa hết bàng hoàng, tuy vẫn chưa biết nói gì nhưng tôi đã mau mắn gật đầu ưng thuận ngay. Có một người lính đi bên cạnh trên quãng đường vắng vẫn yên tâm hơn.

***

Hai ngày sau anh lính đến thăm tôi theo lời mời của ba tôi. Anh có sự tự tin và bản tính cương trực của người đàn ông. Anh có gương mặt thật dễ nhìn nhưng cặp mắt hơi buồn. Khi nói chuyện đôi chân mày anh thường nhíu lại. Ba tôi nói những người như thế thường đa cảm, thương người nhưng phần số lận đận.

Tôi thấy anh rất phong độ trong bộ đồ trận. Nhìn anh trong bộ đồ trận bộ binh trông anh thật oai hùng. Anh chỉ là người lính bình thường không cấp bậc nhưng mọi cử chỉ và mọi lời nói thì rất lịch thiệp. Anh nói chuyện với ba tôi thật nhiều và hai người, một già một trẻ mà tỏ ra rất tâm đắc. Ngày hôm đó ba tôi như đã được sống lại những ngày mà ba còn phục vụ quê hương trong một binh chủng nổi tiếng thiện chiến của Việt Nam Cộng Hoà. Chiều hôm đó anh xin phép ba tôi đưa tôi đi dạo phố Sàigòn mà từ khi trưởng thành cho đến nay tôi chưa đi bên cạnh người thanh niên nào cả.

Sàigòn tháng sáu trời thường có những cơn mưa bất chợt đến. Đi bên anh tôi quên hết tất cả, quên là mồ hôi đang rịn ra đầy lưng và trên mặt. Tôi chỉ mong được anh đưa tôi đi, đi đâu cũng được miễn là có đi vì, đi bên anh tôi không lo sợ một điều gì cả. Dáng người anh cao ráo và rất hiên ngang phong độ như cái tên Phong của anh. Đi đến trước toà nhà Quốc Hội, nơi có tượng hai người lính Thuỷ Quân Lục Chiến, anh hỏi:

“Em và anh vô nhà hàng Givral mình kiếm cái gì ăn em nhé?”

Tôi ngại cho anh nên nói:

“Mình kiếm quán nào... bình dân cũng được anh à.”

Anh nhìn tôi cười thật tươi và nói:

“Anh thích ngồi ở Givral hơn. Ngày trước khi gia đình anh còn ở Phú Nhuận anh vẫn thường ngày ngày ra đây ngồi uống cà phê và ăn sáng với bạn bè. Ngồi ở đây em sẽ thấy thích lắm và mình cũng nhìn thấy người người qua lại trên đường phố.”

Nói rồi, rất tự nhiên, anh đan năm ngón tay anh vào năm ngón tay tôi rồi cùng đi qua đường và bước vô bên trong nhà hàng. Lần đầu tiên trong đời tôi mới được vào ngồi ăn trong nhà hàng nên tôi không được tự nhiên. Anh như hiểu được tâm trạng tôi nên anh kể rất nhiều chuyện để cho tôi yên tâm. Tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ nhưng bình tâm nhiều hơn.

Trước khi rời khỏi nhà hàng, anh nói cho tôi biết về sự có mặt của anh tại thủ đô Sàigòn:

“Đơn vị của anh ở tận ngoài vùng cao nguyên nhưng anh và một số đồng đội được đại diện đơn vị về đây để tham dự cuộc diễn hành ngày Quân Lực sắp đến.”

“Ba em thường đưa em đi xem diễn binh ngày Quân Lực, em thích lắm.”

“Vậy sắp tới đây em và ba cùng đi xem nhé?”

Anh gọi tiếng ba thật tự nhiên. Người đời thường hay đánh giá con người ở bề ngoài, nhất là thường tỏ thái độ sợ sệt những anh lính trận mặc bộ đồ bông hoa mà lâu lâu mới được về thành phố. Tôi thông cảm cho những anh lính này nếu như mấy anh có những hành động làm buồn lòng người dân. Sự sống và sự chết của các anh được tính từng giây từng phút từng giờ và từng ngày thì, nếu vì quá căng thẳng mà các anh có lỡ làm cho nhiều người dân thành phố không vui thì đó cũng là điều tôi thấy tạm chấp nhận được. Dĩ nhiên tôi sẽ không thể thông cảm cho những thành phần du đãng lợi dụng bộ đồ trận bông hoa để làm điều xằng bậy. Anh cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:

“Em suy nghĩ gì mà mỉm cười vậy? Nói cho anh nghe để anh được góp tiếng cười cùng với.”

Bị hỏi bất chợt, tôi lúng túng hỏi lại anh để khỏi phải trả lời anh về điều tôi vừa nghĩ:

“A... a... sau lễ... anh lại trở ra đơn vị... ngoài đó hả?”

“Làm lính thì phải theo đơn vị mà đơn vị anh ở ngoài đó thì anh phải về đó. Nhưng, nếu em và ba cho phép anh sẽ trở lại sớm thăm ba và em.”

“Anh đã biết nhà và hoàn cảnh của ba và em rồi đó. Bất cứ lúc nào anh trở lại, ba và em cũng đều rất vui mừng được đón tiếp anh.”

“Anh sẽ nói với má anh để đến thăm ba và em. Anh gởi em hai cái địa chỉ của anh. Một ở nhà anh và một ở đơn vị. Nếu em rảnh thì viết thư cho anh.”

Tôi nhìn vô hai cái địa chỉ. Một ghi số nhà ở thành phố Nha Trang. Một ghi bốn con số sau ba chữ KBC. Tôi ngây thơ hỏi lại anh:

“Sao anh lại phải cùng má anh đến nhà em?”

“Má anh chỉ có mỗi mình anh nên má cũng mong anh sớm lập gia đình để má có cháu bồng. Anh thì bận hành quân liên miên nên đâu có thời giờ để làm quen với ai. Em... em hiểu ý của anh chứ?”

Tôi cười với anh mà trong lòng trào dâng lên một niềm hạnh phúc. Tôi nghĩ, nếu anh thật sự yêu tôi và muốn chung sống với tôi, chắn chắn tôi sẽ tạo được hạnh phúc cho anh và cho các con tôi sau này, vì, tôi là người biết chấp nhận với những gì có được trong hiện tại mà Thượng Đế đã ban cho. Tôi gặp anh lúc này khi đã đủ tuổi để cảm nhận một người phụ nữ như tôi cũng cần có người đàn ông như anh bên cạnh. Gặp anh, nói chuyện với anh đã giúp tôi không còn chìm đắm trong nỗi u sầu triền miên của người đã mất tình mẫu tử từ nhiều năm qua. Anh là mẫu người lý tưởng mà tôi cần có.

***

Tôi đang đứng trước một căn nhà và còn đang ngơ ngác nhìn vô tờ giấy ghi số nhà thì một người đàn ông từ trong nhà hỏi vọng ra với giọng miền Bắc thật khó nghe:

“Cô tìm ai?”

“Dạ thưa ông tôi tìm anh... Tôi tìm người tên Phong...”

“Ông Phong không còn ở đây sau khi mẹ của ông ấy mất được gần một tháng.”

Tôi cám ơn người đàn ông rồi lủi thủi quay người đi ra đường để đón xe trở về lại thành phố.

Thế là hết! Bao hy vọng được gặp lại anh đã tan theo những ngọn gió.Tôi yêu anh. Đối với tôi anh hiện thân là người hùng. Tính tình anh nhã nhặn và bặt thiệp tuy anh chỉ là người lính không cấp bậc. Mà, điều đó đối với tôi chẳng có gì để phải so đo để phải suy nghĩ. Hiện tại cái quân đội hùng mạnh và nổi tiếng với những trận chiến thắng lẫy lừng đã bị khai tử bởi một mệnh lệnh được phát xuất từ một người chỉ huy không có tài.

Bến xe chiều nay có quá đông người chờ đợi để được đi đến các nơi của một đất nước đã được thống nhất từ nhiều năm nay nhưng, xe thì không có một chiếc nào ở bến cả.Từ nhiều năm qua những chiếc xe đò ngược xuôi tấp nập của ngày trước không hiểu vì sao lại từ từ biến mất để thay vô đó là những chiếc xe nhỏ hơn, cũ kỹ hơn được chạy bằng than. Nhiều lần tôi đã tự hỏi không lẽ những chiếc xe đò của ngày trước cũng đã vượt biên luôn rồi hay sao? Nhìn đám người khốn khổ đứng ngồi vật vã khắp bến xe như bị buộc phải chấp nhận một cuộc sống đầy ải lầm than làm lòng tôi lại chùng xuống. Miền Nam thân yêu của tôi mới ngày nào đây thôi còn dư ăn đủ mặc và còn đẹp, thế mà nay tất cả phải bị sống trong sự thiếu thốn nghèo nàn và luôn sợ sệt đủ mọi điều. Đi đến bất cứ nơi nào tôi cũng thấy như có một lớp bụi xám xịt phủ lên cùng khắp. Mặt mũi của con người miền Nam giờ đây nhìn như cũng bị xám xịt lại vì thiếu ăn và cũng vì sự sợ hãi luôn bao quanh cả ban ngày lẫn ban đêm. Thật khó còn tìm thấy những nụ cười trên môi những con người mới ngày nào đây còn luôn rạng ngời trên khuôn mặt.

Tôi không ngờ ngày Quân Lực năm ấy lại là ngày Quân Lực cuối cùng của miền Nam tự do. Ngày Quân Lực năm ấy ba tôi đã vỗ tay thật nhiều khi nhìn thấy anh cùng các đồng đội của anh đại diện cho Quân Đoàn Hai đang diễn hành ngang qua khán đài rồi ngang qua chỗ ba tôi và tôi đang đứng. Nhìn đoàn quân thuộc đủ các binh chủng đang bước đều nhịp với những gương mặt cương nghị ngẩng cao như thách thức với bất cứ những đội quân nào có dã tâm muốn xâm lăng miền Nam. Nhìn đoàn quân diễn hành đó, tôi tin là miền Nam của tôi sẽ không bao giờ bị mất.

Thì ra quân đội miền Nam dù có hùng mạnh dù có nhiều vũ khí đến đâu vẫn phải bị lệ thuộc vô chính trị. Những chính khách nhiều khi là người có hình dáng to cao nhưng bộ óc thì lại nhỏ bé và ngu đần về chính trị nhưng lại ham muốn quyền lực thì… Quân đội miền Nam dù có ưu thế đến đâu nhưng khi bị những chính trị gia, những nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ định đoạt và đưa ra những quyết định xấu xa… thì cũng phải tan rã thôi.Tôi đã khóc thật nhiều khi buổi sáng hôm ấy quân đội hùng mạnh có tiếng trên thế giới phải bị bắt buộc buông súng đầu hàng những con người từ rừng rú chui ra.

Sau ngày Quân Lực năm đó anh đã cùng mẹ anh và bạn anh là sĩ quan cảnh sát cũng phục vụ ở Quân Đoàn Hai đã đến nhà tôi nói chuyện với ba tôi xin hỏi cưới tôi. Và, lễ cưới sẽ được tổ chức trước ngày Quân Lực năm sau. Nhưng, ngày đó vĩnh viễn không còn đến nữa. Và, anh với tôi cũng mất tin nhau luôn. Anh có biết đâu chỉ vì sự có mặt của vị sĩ quan cảnh sát ngày hôm anh đến nhà tôi mà tôi đã bị nhóm người gọi là cách mạng ba mươi bắt tôi phải khai ra người sĩ quan cảnh sát đó, rồi còn cấm tôi không được rời khỏi nơi cư ngụ qua một đêm nào.

Từ căn nhà của anh gần khu Cầu Đá Nha Trang đi ra bến xe tôi cứ miên man nghĩ ngợi là anh đã đi về đâu sau ngày mẹ anh mất? Tại sao anh lại bặt tin và không tìm tôi? Anh đã mất rồi hay anh đang ở đâu đó cùng bạn bè trong cái gọi là trại cải tạo? Câu hỏi đó cứ lẩn quẩn theo tôi từ nhà của anh ra đến bến xe và rồi tôi tin chắc rằng anh không bao giờ phản bội tôi. Anh vẫn mãi mãi là của riêng tôi và, chắc chắn anh cũng sẽ luôn nhớ về tôi dù hiện anh đang ở bất cứ nơi nào. Anh, người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa của tôi mãi mãi vẫn sống trong tim tôi. Những người lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn sống mãi trong tim của tất cả những người miền Nam đã một thời được sống tự do yên bình dưới sự bảo vệ của các anh. Bất cứ chế độ nào dù có sắt máu đến đâu nhưng một khi đã không được người dân đồng tình thì, sớm hay muộn rồi chế độ đó cũng phải bị đào thải.

Ba tôi buồn rầu lo lắng khi thấy tôi, vốn thân xác đã yếu mềm mà cứ bị người của chế độ mới dọa nạt hoài, rồi còn bị bắt đi đào mương cuốc đất, bị bắt đi làm thủy lợi ở những vùng đồng ruộng hoang vắng xa xôi đầy đỉa và thiếu thốn đủ mọi thứ, nên, ba tôi mất đi không lâu sau đó. Phần tôi thì sau khi mất ba, tôi phải ngược xuôi nay đây mai đó để tìm miếng ăn. Và, tôi đã may mắn tìm được cuộc sống yên lành ở đất nước xa lạ này, nơi cách xa quê hương Việt Nam yêu dấu của tôi một nửa vòng trái đất. “...........Anh vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc. Anh sẽ nâng tay cho ngọc sát kề môi. Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai. Và bên em tiếng đời đi rất vội.

Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt.Trời không mưa anh cố lạy trời mưa. Anh vẫn xin mưa phong kín đường về. Anh nhớ suốt đời mưa tháng sáu...”

Tiếng hát của nữ ca sĩ Khánh Hà vừa dứt và có vị nào đó đang yêu cầu tiếp một bản nhạc tình thời chinh chiến.

Tôi soi mặt vô kiếng. Tôi thấy gương mặt tôi, đôi mắt tôi, cái miệng tôi, cái mũi tôi giống ba tôi quá.Tôi bật khóc và thảng thốt gọi ba như con chim non. Tôi sẽ nhớ mãi, nhớ đến suốt đời tôi mỗi khi tháng sáu về. Tháng có ngày tưởng nhớ ba và có ngày của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà!

.

Topa (Hòa Lan)


Cái Đình - 2020