Lê thị Thanh Tâm


Tháng Giêng: Mùa Tết của ăn chơi

.

Đêm đông lạnh giá – Nữ nghe như có tuyết phủ nơi nào, có máng cỏ, có chúa hài đồng và bao thiên thần ca hát vang lừng. Đêm vẫn đen thẵm và thành phố đang mở ngõ - thành phố đêm nay đã mở mắt suốt đêm.

Ở Sài-Gòn mọi người kéo nhau ra phố - đầy đặc- họ tung giấy hoa và tươi vui ở ngày hội lớn - vì đây là một đêm Noel đầu tiên không còn chiến tranh -gọi là hoà-bình của mấy mươi năm mới trở về. Nên thành phố ăn mừng - nên người người vui sướng. . Có thật họ vui sướng không?

Đêm Noel đó Nữ không quên được cái cô đơn và buồn thăm thẳm, vì nhớ thương người yêu xa vắng.

***

Bẵng đi mấy mươi năm sau Nữ không còn là cô gái của tuổi mộng mơ, đợi chờ tình yêu hồng xinh đến nữa, mà là cô giáo Ngọc-Nữ có chồng và hai con đang sống hạnh phúc êm đềm ở một nơi xa hơn nữa vòng trái đất. Đời biết sao mà lường!!

Rồi cũng vào mùa Noel gia đình nàng phải dọn nhà về gần chỗ làm của Thông, chồng Nữ. Mùa đông Âu châu dạo ấy lạnh hơn bây giờ nhiều, thế mà lại bị nạn dọn nhà thì Nữ lo lắm, chỉ sợ các con và cả bố mẹ cùng chịu lạnh giữa tuyết rơi, khi nhà mới chưa tiện nghi đầy đủ.

Nhưng rồi đâu cũng vào đấy êm suôi hết, nhờ nhà mới này gần nhóm đồng hương, họ giúp đỡ khi cần. Họ có ban đại diện của người Việt tỵ nạn cộng-sản và nhất là có tổ chức tết mỗi năm, để bà con đồng hương vui chơi tết, cho đỡ nhớ nhà. Ban đại diện là các ông lớn tuổi có chức sắc ngày xưa ở miền Nam V.N., và họ làm việc rất cẩn thận nên cũng xôm trò lắm. Vợ chồng Nữ nghe nói như vậy chứ chưa biết thấy tận mắt.

Mùa tết Tây vừa mới qua thì nhóm người Việt ở đây hội họp, bàn thảo bầu ban đại diện mới và chương trình chơi tết ta, mà họ nhắm vào Thông nhiều nhất.

Tại sao vậy? Chả lạ gì cả, vì hai anh đại diện nại cớ đã lớn tuổi nên không nhanh nhẹn bằng anh Thông trẻ trung và biết nhiều về cách tổ chức các hội đoàn. Nữ biết họ muốn bán cái việc khó cho chồng mình rồi, vì có ai chịu ăn cơm nhà vác ngà voi hoài đâu. Nhưng mới chân ướt chân ráo về xóm này, đã thân quen gì ai đâu mà dám làm đại diện cả cái cộng đồng, hơn trăm người như vậy chứ. Eo ơi! Dạo ở xóm cũ họ cũng réo anh Thông, giờ chạy về đây cũng không tránh khỏi. Nhưng anh rất vui vẻ, nhiệt tình hứng chịu cái chức khó khăn này, thì việc gì mà nàng lo chứ.

Thế nên sau buổi họp bầu ban đại-diện của nhóm, chóng vánh xong rất nhanh, hai anh già đại diện cũ kia thở phào nhẹ nhõm như trút gánh nặng. Còn hai bà vợ của họ cũng mừng ra mặt, chả là từ nay hai ông sẽ có thì giờ làm thêm những việc nhà khác, kiếm tí tiền còm cho vợ con tiêu xài, vì ngày ấy kinh tế làm tư thêm không dễ dàng như sau này.

Thế nhưng đời không phải dễ như vậy, Nữ nghe một anh cũng trẻ hơn mình bảo thầm với một ông lớn tuổi nhất xóm, rằng “họ mới về biết gì mà cho làm đại diện chứ”.

Ý chừng anh ta tự ái, nghĩ rằng ông bạn già kia là sĩ quan cũ cũng ngon lành, còn đủ khả năng làm việc, tại sao để kẻ lạ mới đến trẻ hơn, chỉ vì có bằng cấp mà cho vào nắm đầu nhóm như thế, cũng ê mặt chứ. Còn ông bạn kia chả ham chức tước gì cả, mà chỉ lo đi làm kiếm tí tiền còm cho ngày tết tha hồ xoa mạt chược, xì dách với lũ bạn trẻ mà thôi. Tết mà lỵ!!

Ở đâu cũng có ma cũ “cạnh tỵ” ma mới cả, Nữ định nói chồng từ chối để cho họ tự giải quyết, nhưng anh đã nhận lời rồi thì anh nhất định không nói lại nữa. Nàng cảm thấy tiến thoái lưỡng nan rồi. Chỉ vì phụ nữ hay yếu tim lo xa thôi, còn Thông thì bảo việc ấy nhỏ mà, có đáng gì lo âu như thế. Nếu tổ chức tết này không thành công, thì tết sau sẽ giỏi hơn, có sao đâu.

Sau đó ngoài giờ đi làm về, anh thảo chương trình sinh hoạt mới cho suốt năm tới của hội người Việt ở đây, để xin thị xã tiền trợ cấp. Còn về khoản tổ chức tết vui chơi thì không được trợ cấp, dân làng phải tự túc. Thế nhưng muốn được vui chơi thoải mái, ăn uống đầy đủ thì người đại diện phải khéo tổ chức, biết du di tài chánh của hội sinh hoạt cả năm, cho vào dịp tết nhất vui chơi linh đình nầy. Nhờ thế mỗi nhà chỉ đóng thêm một ít tiền tượng trưng thôi.

Nhờ vậy bắt đầu từ hôm hai mươi ba âm-lịch đưa ông táo về trời, thì nhóm nấu bánh chưng bắt đầu sắn tay áo đi chợ mua gạo nếp, thịt mỡ, đậu xanh, lá chuối và giấy bạc (1) rồi. Nơi gói bánh và nấu bánh là nhà ông bà Sáu đại diện cũ, họ có rất đông con nên bếp núc có đầy dủ mọi thứ nồi, từ to đến nhỏ tha hồ mà nấu. Gia đình ông bà Sáu rất vui vẻ và tốt bụng, nhất là trút được gánh nặng làm đại diện này, họ càng sốt sắng hơn nữa.

Nữ không tham gia phần nhà bếp cho buổi ăn chơi tết, vì xem ra các bà ở đây không bình dân, dễ chịu như xóm cũ mà Nữ mới bỏ đi. Xóm cũ là dân ở biển làm nghề đánh cá, họ đi cả đại gia đình và tánh tình rất mộc mạc, chân chất rất thân thương với Nữ. Còn xóm mới này có phần khá giả, tiến bộ hơn nhưng họ ra vẻ chảnh choẹ làm sao ấy, trong đó có chị Hà và bà em họ.

Có lẽ hai bà này muốn chứng tỏ mình công dung ngôn hạnh nhất, nên bắt bẻ đám phụ bếp đủ điều làm họ buồn lòng, nhưng chỉ im lặng. Nữ cũng muốn tránh hai bà ấy. Vả lại phần việc chồng mình cũng nặng lắm rồi, nhất là mỗi tuần Nữ phải đi dạy hai ngày, cách xa hằng mấy trăm km, đi về trong ngày cũng đủ hết giờ rồi. Các ngày còn lại thì dạy lớp gần nhà, và phải lo săn sóc nhà cửa, chồng con, chợ búa... mọi chuyện. Thông chỉ đi làm về ăn cơm, xem tv. tin tức và nghe nhạc, uống cafe rồi bàn luận chính trị, bù khú với bạn bè thôi. Thế nên bây giờ anh kiêm thêm việc cho xóm mới này, cũng chả bận rộn khó khăn cho anh gì...

Buổi vui chơi tết Nguyên-Đán mỗi năm của cộng đồng người Việt tỵ nạn của thị xã khá quan trọng. Phần ăn uống các bà đã quen tổ chức nên lo toan cũng giỏi. Họ làm bì cho bánh mì thịt và gỏi tôm thịt chua ngọt, cùng vài món nhậu cho các ông uống bia. Rồi bánh chưng mang ra cắt chia phần mỗi người, ai không ăn thì mang về. Bánh mứt mua ở tiệm Tàu toko đầy đủ nên trông các bàn bày cỗ rất ngon lành, mới nhìn đã thấy đói rồi. Nhờ tiền thị xã mà dân chúng trong làng được tha hồ ăn chơi đình đám, trong dịp tết V.N.. Nơi tỉnh khác họ mời còn đại diện H.L. của thị xã đến tham dự. Cả hai bên khách và chủ đều vui, vì cảm thấy danh dự vô cùng.

Nhưng về phần văn-nghệ ca hát múa nhảy thì hơi khó khăn, vì tìm đâu ra ca-sĩ và vũ sư bây giờ?

Ở đây không phải như bên Mỹ và Pháp, Đức... có cộng đồng hùng mạnh, với số nhân tài khá nhiều. Còn ở xứ bé nhỏ này, ngoài mấy đứa mới qua còn trẻ, còn hăng hái chịu lên sân khấu hát hò, chứ đám cũ hơi lớn tuổi chỉ lo làm ăn, lo cho vợ chồng con cái họ mà thôi. Nên cho dù đám trẻ hát không hay nhưng tình nguyện hát, thì chương trình không bị trống chỗ, là mừng rồi.

Thế nên vài năm sau đó cũng nhờ đám tỵ nạn từ H. K. mới qua này, mà có thêm vài tài năng mới. Một anh chàng trẻ chịu đánh trống, kéo thêm tay đàn guitar ở tỉnh khác đến. Ca sĩ vườn thì mấy cô hát ca đoàn nhà thờ, có giọng khá tốt đều mời vào văn nghệ hết. Đám trẻ vui lắm vì mình được ngưỡng mộ và mời gọi tham gia rất chân tình.

Chúng xúm xít săn lùng các bản nhạc ưa thích, và chuyền tay nhau mấy band cassette nghe hoài đến gần nhão nhẹt mà vẫn quý. Vì ngày ấy mọi thứ về quê hương mến yêu đều quý cả. Nhất là con gái V.N. hiếm quý như vàng, các chàng thanh niên tìm vợ đỏ cả mắt, dễ gì được một cô bồ xinh xinh, chỉ tạm xem được mắt thôi, mà lũ trai trẻ xếp hàng trước nhà đếm không xuể. Thế nên lũ thanh niên trai gái nơi nào có văn nghệ vui chơi đều không bỏ qua.

Nữ bảo với chồng, ngày xưa trai khôn tìm vợ chốn chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân. Mà thời nay ở đất nước hạnh phúc, thanh bình này phải nói lại là trai gái khôn ngoan thì tìm nhau ở chốn vui ca, em nghĩ anh sẽ có đủ người mới cho đêm văn nghệ tết này, đừng lo.

Mà thật vậy từ từ chơi tết thật vui, từ ban nhà bếp các chị đoàn kết làm việc chu đáo lắm. Đám thanh niên chịu khó tập dượt văn nghệ, chúng hát khá đúng nhạc nhờ Thông chỉ bảo thêm và tìm mua bộ trống cũ của cộng đồng người Việt ở tỉnh khác bán rẻ lại, không còn đi thuê nữa. Việc tổ chức phải có vài người đứng mũi chịu sào đi thuê phòng tổ chức, xin giấy phép thị xã để có thể được đốt pháo chút đỉnh.

Ngoài Thông ra không có phụ tá, mà chỉ có một vài đứa “tà-lọt” tử tế theo giúp khiêng, vác, mang giúp bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh kia.

Nhưng từ từ công việc nặng nề như vậy, mà số người làm vệ sinh sau đêm vui không mấy ai chú ý đến, vì nếu không tự làm sạch sẽ, thì hội phải trả tiền phạt của chỗ cho thuê phòng.

Những năm đầu còn có nhiều bạn trẻ theo phụ giúp, chúng còn rảnh rang vì mới qua tỵ nạn, chỉ lo đi học sinh ngữ thôi. Đến khi chúng phải lo học nghề kiếm việc làm, rồi lại lo kiếm vợ, lấy chồng thì đám trẻ này bắt đầu từ từ rút dù cả. Chúng chỉ xuất hiện vào đêm vui chơi thôi, còn mọi việc Thông phải chạy lo cuống quýt đến hôm cuối mới tạm xong. Thế còn nhóm người hơi lớn tuổi làm gì? Họ thích ngồi không bàn luận, phê bình lung tung cho vui rậm đám, trong đó có chị Hà và người chị họ của chị.

Nên vài năm sau Thông từ chức vì các việc khó khăn này, một mình anh cáng đáng không xuể, lại việc làm ở sở càng ngày càng nhiều hơn. Vì tàn buổi tiệc linh đình vui chơi như thế, mà chỉ còn có vợ chồng anh ở lại dọn dẹp hết cả cái phòng rộng như vậy. Nào bộ “loa” và giàn nhạc mướn chàng phải đem trả không nói gì, mà còn cây Mai mùa xuân và các bàn tiệc ăn uống vứt rác bừa bãi, rồi các nhà vệ sinh dơ bẩn vô cùng...

Nữ không nói chỉ im lặng phụ giúp chồng. Vậy mà cũng có lời ra tiếng vào.

Thế nên anh phải chấm dứt không làm tiếp nữa.

Trong xóm có chị Hà ở một mình và hai con, chồng bỏ qua Mỹ mất từ lâu vì nhiều vấn đề, mà điểm chính Nữ nhận thấy là tính tình chị rất nóng nảy và lại bịnh liên miên. Lúc mới đến đây tỵ nạn, chị bị bịnh nặng lắm, bây giờ khá rồi nhưng vẫn còn nay buồn mai vui. Chị có vài gia đình bà con ở cùng xóm này, họ ra đi cùng tàu vì cùng quê Vĩnh-long. Thấy chị có vẻ thích làm đại diện cho nhóm V.N. này, lại có thằng cháu theo hổ trợ, nên Thông yêu cầu là chị ưng ngay.

Nhưng từ khi chị Hà nhận chức đại diện, chị đi lại vui vẻ và rất ân cần với vợ chồng Nữ hơn. Chị không còn lên giọng khó chịu như trước, mà thay vào những nụ cười thân ái. Nữ cũng dễ tính, nàng không giận buồn ai cả.

Chị Hà tổ chức tết được một năm thôi, thì cũng chạy làng mất. Đàn bà ở một mình lo toan mọi thứ cho con như chị là can đảm và giỏi lắm rồi. Nhưng chả hiểu chị nghe lời ai mà muốn làm đại diện cộng đồng ở đây nữa chứ? Nên qua cái tết “bi ai” cuối cùng này chị vác hồ sơ sổ sách của hội, trả lại cho chủ cũ.

Số là chơi tết thì mọi nhà đều đóng thêm tí tiền vào, nhưng cũng có người đưa thêm bạn bè đến chơi mà không chi thêm. Khổ nhất là tánh chị thẳng thắn và nhất là rất “chi tiết” về vụ này, hơn cả anh Thông làm lúc trước, nên chị bực mình lắm... Rồi hôm các bà xúm nhau làm bếp tết, lại cãi nhau tưng bừng vì một chị cũng hung dữ lắm, không chịu nhịn. Thế là đêm chơi tết năm ấy eo xèo, chả vui như những lần trước.

Chị Hà ngán ngẩm cười gượng gạo với Thông:

– Tui trả sổ sách này lại cho chú đó, chú tìm ai thay tui thì tìm đi nha.

Rồi chị có vẻ quê mặt, ra về.

Sau đó các khoản chi phí cho tết không còn nhiều nữa, vì khi tổ chức đi sinh hoạt ngoài trời, thì các gia đình ở đây lại ít hưởng ứng. Nên các phụ cấp của thị xã không thể dùng cho tết được nữa. Sau đó số tiền thị xã trợ cấp cho hội còn dư vài trăm, Thông đem trả lại cho thị xã hết. Chị Hà nghe vậy cứ tiếc rẻ, nhưng làm đại diện cho hội thì ai cũng lắc đầu chạy hết. Từ đó không còn ai tổ chức chơi tết V.N. ở làng này nữa, một số rủ nhau chơi ké Tết với các tỉnh khác. Nhìn các tỉnh bạn còn đoàn kết vui chơi tưng bừng, Nữ cũng tiếc thầm. Nhưng thà như vậy mà yên. Vì càng về sau này, có nhóm người cs. từ trong nước ra đây, tranh nhau tổ chức tết rất ồn ào và văn nghệ thật hấp dẫn để lôi kéo người Việt tỵ nạn theo họ. Đám mới này chiêu dụ khách đến bằng mọi cách, nên đã gây tranh cãi buồn chán trong nhóm người Việt tỵ nạn cs. ở đây...

Từ từ gia đình Nữ chỉ dự tết của nhóm cộng-đồng, chính thức đại diện cho số người Việt tỵ nạn tổ chức, có khá đông bà con các tỉnh tụ họp về vui chơi, với đầy đủ các nghi lễ cỗ truyền cho đám trẻ học hỏi và người già nhớ về Tết nơi quê hương, xa ngàn dặm ấy. Nhưng vấn đề “quốc, cộng” vẫn cứ trà trộn trong đó.

Còn gì là cái Tết êm đềm ngày xưa của truyền thống nữa.

.

Lê thị Thanh Tâm

_______________

(1) Ba thập niên trước ở đây gói bánh chưng bằng lá chuối rất đắt đỏ, phải bọc ngoài bằng giấy bạc”alumininum folie” cho bánh không bị vỡ. 

 


Cái Đình - 2019