Nguyễn Hiền


Suốt đời đắn đo

Hơn 300.000 trẻ em Hòa Lan lớn lên trong nghèo khó.
Nhà văn Vincent Cardinaal (sinh năm 1982) đã có thời là một trong số các em này.
Những vết sẹo của thời thơ ấu ngoài đường phố vẫn in hằn
trên hai đầu gối và trong tâm khảm ông.
Dưới đây là một khúc tự truyện, có tựa “Voor altijd een dubbeltje”
.

11 giờ sáng thứ năm. Tôi trở về nhà sau một cuộc đi dạo với cô con gái. Nằm trên tấm thảm chùi chân, cạnh đống báo quảng cáo thường lệ và cuốn tạp chí bọc trong giấy bóng kính, là một bức thư. Của ông thừa phát lại. Tôi giật mình. Trong khi tôi đưa mắt nhìn tên của văn phòng đòi nợ, vài tiếng chuông vang lên trong đầu tôi cùng lúc. Tôi cảm được sự sợ hãi và chống cự khi mở bức thư.

Tôi hồi tưởng đến những năm trong thập niên 80, tới thời niên thiếu của tôi tại khu Crooswijk ở Rotterdam. Vừa từ trường về tới nhà, tôi thấy mẹ tôi, bị giam cứng trong hoàn cảnh của những người hưởng trợ cấp khó khăn và sợ ba tôi – một người bỏ bê gia đình – đến điếng người, đang ngồi xổm trước cửa nhà. Dưới sàn là một xấp bao thơ, gộp lại có tới nửa gang tay. Đó là những bức thư của những chủ nợ, nhưng hồi đó tôi chưa thấu hiểu. Bây giờ thì tôi đã hiểu ra, ừ ừ thì những lá thư; chúng cũng có thể gây ấn tượng là có thể mang tin vui đến. Không, đó là những trát đòi hầu tòa. Mặc dầu chúng tôi chẳng có xu teng nào trong túi, và những món nợ phần lớn là do cha tôi gây nên, nhưng họ vẫn tiếp tục tống chúng nó vào cửa nhà.

Tôi được 6 tuổi khi một đám thừa phát lại khuân đồ đạc của chúng tôi ra khỏi nhà. Đồ chơi của tôi, vài vật dụng trong bếp, tủ lạnh và một chồng tấm lót nhà cha tôi bỏ lại thì được phép giữ. Khi ông đòi nợ cuối cùng sập cửa lại, tôi còn kịp thấy ông ra dấu với người đi cùng – ông bịt chặt mũi, tôi nghe tiếng cười. Năm phút sau đó tôi ấn đầu cây bút chì vào lòng bàn tay cho tới khi thấy máu bật ra.

Nếu tôi kể một câu chuyện tương tự câu chuyện trên, thì câu hỏi “vậy thì sống làm sao, khi lớn lên trong nghèo khó” thường không xa vời lắm. Đó là điều dễ hiểu. Với phần lớn, nghèo khó là chuyện đâu đâu. Cho dù câu hỏi đó đa phần là từ những người hiện đang ở quanh tôi. Cho tới năm mười tuổi tôi không hề thấy một người nào có thể dễ dàng xoay xở trong cuộc sống. Vậy thì, đúng vậy, lớn lên trong nghèo khó ra sao? Trên nguyên tắc, nó không khác hơn khi lớn lên trong một khu giãn dân, hay trong một khu sang trọng bề thế. Nói thẳng ra, đơn giản là bạn cùng chung giới tuyến với những người đồng cảnh ngộ. Bạn có ít chuyện làm bạn phải bận tâm. Trong xóm, chúng tôi không đi nghỉ hè. Đi chơi giải trí với tôi cũng là cơ hội ngoại lệ như leo núi Hy Mã Lạp Sơn. Tôi cũng chẳng chơi thể thao. Tôi bó buộc phải so tài ngoài đường, và không mặc áo của một đội tuyển. Sau 25 năm, những vết sẹo còn in hằn trên hai đầu gối. Như một gợi nhớ đến nguồn gốc của gạch đá và rác rưởi vất ngoài đường.

Nghèo khó chỉ nhận biết được trong những chuyện thực tế. Nó không thoải mái, nhưng nó làm ta quyền biến. Người nào có ít tài sản thì sẽ nhanh chóng học được cách làm sao tận dụng chúng tối đa. Điều chắc chắn, không phải nghèo khó sẽ đưa tới đại họa, điều này tôi nói thực 100%. Trong trường hợp của tôi, ít ra. Phần lớn trẻ em cùng lớn lên với tôi, chúng không được hưởng nhiều thứ. Nhưng phần lớn những người trong các gia đình này vẫn không kém hạnh phúc. Trái lại. Họ hiếu khách và cởi mở. Họ cố gắng hết mình trong những nghịch cảnh.

Để có thể hiểu thực tế ra sao, có lẽ cần nêu một thí dụ. Bạn đọc ơi, để tôi dắt bạn đi. Tới một nơi gạo trấu rạch ròi trước mắt. Đó là chỗ mà gần như mọi người ghé qua hàng ngày: cái máy trả vỏ chai trong siêu thị.

Chúng ta làm cuộc thi đố nhé. Coi kìa, có ba người đang xếp hàng. Ai trong bọn họ là người có của cải khiêm tốn nhất? Bạn e dè chỉ vào anh chàng có móng chân cáu bẩn? Đúng là anh ta mang đôi dép xẹp khác nhau đó, và tay cầm chiếc túi vo tròn. Chắc hẳn anh ta vừa mới lục lọi trong thùng rác cạnh chiếc máy, cố tìm một chiếc chai nhựa ai đó bỏ quên. Không đâu, anh ta không phải dân nghèo. Đó là một tên lập dị, và bạn có thể thấy anh ta trong mọi tầng lớp xã hội. Điều đó cũng đúng với anh chàng nghiện rượu, đứng thứ ba trong hàng. Ở đây tôi muốn nói tới người đàn bà đứng giữa.

Quả thực vậy, một người bình thường, như bao người khác. Bà ta mặc chiếc áo khoác vải jean đơn giản. Tay trái cầm chiếc giỏ đi chợ, thứ túi dày chắc mà bạn có thể dùng lại. Nếu nhìn kỹ, bạn có thể thấy chúng sờn góc. Nó đã được dùng lâu ngày. Trong túi chật ních vỏ chai. Dân tham ăn tham uống? Người làm trong một tiệm nước? Không, bà ta tích trữ nó. Tiền thế vỏ chai với những người không dư dả rất quan trọng. Nó có thể đưa đến sự khác biệt giữa chén cơm đầy và chén cơm lưng.

Chúng ta hãy theo bà ta vào siêu thị một chút. Nhanh chóng bà ta lướt qua các kệ chất hàng. Biết mọi thứ nằm chỗ nào, và có lẽ biết tới giá của chúng, đúng từng xu một. Trong chớp mắt bà ta đã ra quầy tính tiền. Bà đặt mọi thứ lên băng chuyền, không một thoáng để mắt đến người ngồi quầy bấm máy. Tay trái bà cầm một nắm tiền lẻ. Đã đếm sẵn. Bên cạnh đống tiền là chiếc hóa đơn đổi vỏ chai. Khi nhân viên ngồi quầy scan nó, ta thấy một thoáng do dự trong ánh mắt bà ta. Mình tính đúng chứ?

Rồi thì tiếng thở phào nhẹ nhõm. Bà còn được lại đồng 5 xu.

Mẹ tôi và tôi cũng từng tích cóp chai không. Ở trường, nếu tôi thấy chai không bỏ đó, tôi đút nó vào cặp. Lại thêm một đồng 25 xu (thời đó). Mọi thứ được dành dụm qua cách này.

Mẹ tôi đi làm ở ba nơi, khiêm tốn thôi, chỉ với mục đích giúp chúng tôi sống còn. Bà nấu mỗi tuần hai lần và chia đồ ăn thành bảy phần. Chiều thứ sáu đi siêu thị, và trưa thứ bảy có kem. Vậy là hết.

Ngoài những chuyện đó ra, chúng tôi sống một mình một cõi. Cha tôi đã bỏ đi ngay từ khi tôi mới lọt lòng. Hoàn toàn không có khả năng sống một cuộc sống lành mạnh, dù chỉ chút ít. Tôi gặp ông vài lần, mà không ấm lòng chút nào. Có những sáng thứ bảy tôi ở với ông tại quán nước của ông, trên Cù Lao Bắc (Noordereiland - Rotterdam). Tôi được ăn sáng với món đồ nhắm rượu – bitterballen. Thỉnh thoảng tôi thấy ông dúi tiền vào túi cô bé con của bạn gái ông. Và bà kia thì luôn luôn được tiền.

Vào một ngày nọ, khi được khoảng 8 tuổi, tôi đã nổi giận khi thấy chuyện đó, nó đã khiến cho tôi bỏ đi. Khi đã bước lên cầu Willemsbrug, tôi ngó lại, với hy vọng là ông sẽ chạy theo tôi, và như thế mọi chuyện giận hờn sẽ hoàn toàn được xóa bỏ. Nhưng ông ta không tới, tôi một mình lảo đảo trở về Crooswijk. Sau đó suốt năm tôi không ngó mặt ông.

Dần dà nỗi giận mọc rễ trong tôi, nó cho tôi thấy mặt trái thực sự của nghèo khó được biểu hiện. Cứ mỗi niên học là ý thức của tôi về thế giới càng lớn hơn, và tôi trở nên mỗi năm mỗi giận hơn. Không phải tôi cho người ta thấy điều đó hàng ngày. Tôi hồi đó là một đứa trẻ năng động, cởi mở, hoạt náo, mạnh mẽ. Đôi khi khó chiều, chắc chắn không phải là đứa trẻ gương mẫu, mà cũng không phải là hạng khó dạy. Khi nào tông tích nghèo hèn của tôi có cơ trở thành trở ngại, tôi thường bỏ đi trước khi để nó xảy ra. Nhờ cách đó tôi đã lẩn tránh được biết bao trường hợp gây mắc cở. Hay nặng hơn: làm người ta thương hại. Bởi vì đó là điều tệ hại nhất. Khi có ai đó tỏ lòng thương hại tôi, tôi giận tái mặt, trong lòng thôi, để sau đó nó để lại kết quả là một sự ân hận sâu đậm.

Chẳng hạn có lần, năm 10 tuổi, tôi được mời tới dự sinh nhật một thằng bạn. Nó lên 11. Cha mẹ hắn tương đối khá giả. Họ thuộc giới trung lưu, và làm những chuyện đối với tôi dường như không thể với tới. Một ngày đi chơi Efteling, mỗi nửa năm một đôi giày mới cho cả ba đứa con, mùa hè đi nghỉ mát. Thằng bạn tôi được quà sinh nhật là một cái walkman. Hiệu Sony. Trong lúc tôi cùng cười với đám bạn khi chúng tôi mở quà, một cơn giận chợt nổi lên vô cớ. Thằng đó được một chiếc walkman sao? Nó mà biết nghe gì, thằng lỏi ngu? Suỵt. Lát sau cha nó kéo tôi ra một góc. Ông lấy cái gì đó trong ngăn tủ bếp. Lại một cái walkman nữa. “Cái này cũ rồi, nhưng cho con đó.” Ông nháy mắt với tôi và thoáng chốc nó vào túi tôi. Thật là một cử chỉ đẹp và kín đáo. Nhưng khi đó tôi không thấy được chuyện này. Với tôi, nó đã nhiều quá mức rồi.

Băng ngang vườn, tôi ra ngoài đường. Chạy vội về nhà, mặt đỏ bừng. Con đường dài quá. Được nửa đường, khi đi ngang khoảng sân trống, một đám trẻ vô tình đá trái banh về hướng tôi. Không chần chờ một giây, tôi chụp trái banh và đá tung nó lên nóc trường cạnh đó. Về tới nhà, tôi lôi chiếc walkman, món quà đã được, ra khỏi túi. Tôi ngắm nghía nó. Đó là một chiếc rất chiến, không cần phải trở băng để nghe mặt kia. Tôi quăng nó ra đường, bể nát.

Trong nhà, mẹ tôi ngồi trên ghế nhà bếp đang khóc. Bố mẹ thằng bạn vừa gọi điện thoại, chẳng ai biết tôi đang ở đâu, họ đang đứng ngồi không yên. Với tôi điều đó chẳng ăn nhậu gì. Chẳng nói chẳng rằng, tôi chui vào phòng, đóng cửa lại. Những tuần sau đó thằng bạn của tôi trở thành một người xa lạ đâu đó.

Tôi còn nhiều những thí dụ như trên, nhất là vào tuổi thiếu niên. Một bạn cùng lớp chỉ cần hé miệng cho biết là nó có nuôi ngựa sau nhà là tôi đã muốn đập phá. Tôi lấy keo dán kín cuốn lịch bỏ túi và quần thằng này tơi bời trong những trận đá banh trong sân trường. Sau này, những lối xử sự như thế đã giảm bớt, nhưng tôi vẫn còn làm những chuyện khó đoán. Tôi là người hướng ngoại, nhưng cùng lúc tôi lại tìm cách chạy trốn những cảm xúc khó nói.

Ngay cả khi có sự góp mặt của người cha dượng của tôi, người cuối cùng đã mang lại một vài nếp trung lưu vào trong cuộc sống, nhưng nó cũng chỉ thay đổi chút ít. Trong chuyến nghỉ hè đầu tiên mà chúng tôi ao ước nhưng không cần phải chờ đợi lâu, lúc 15 tuổi, tôi cảm thấy bứt rứt khó chịu. Trong khi mẹ tôi và ông dượng ghẻ thăm thú khắp nơi trên đảo Rhodos thì tôi chẳng nói với ai câu nào, chỉ đọc sách liên tục bên hồ bơi, với chiếc walkman để nhạc của ban Nirvana nghe qua headphone.

Cứ như thế tôi hụp lặn cho tới khi qua khỏi lứa tuổi hai mươi. Cuối cùng tôi bỏ ngang vài lần khi đang ở bậc đại học vì tôi thích la cà với đám bạn uống bia trong quán hơn. Tôi trở thành một người hay mắc cở vì tự thương hại mình, nhưng lại tự hào là từ lâu, từ quá lâu rồi đã nhận chân được điều đó.

Cho tới một buổi sáng chủ nhật, khoảng mười năm trước. Trong cơn say hậu không thể tưởng tượng nổi, tôi lần ra siêu thị trong xóm. Khi rời nhà, tôi thủ vài chai cola không của một tên cùng nhà. Mười lăm phút sau, khi tôi muốn đưa tấm giấy tính tiền vỏ chai, tôi nhìn sang bên. Một thằng bé chắc xâp xỉ 7 tuổi. Nó thử để một túi gạo lớn lên quầy tính tiền xem, nhưng rồi thiếu. Anh ngồi quầy dứt khoát từ chối. Xui thật là xui. Theo phản xạ, tôi tự nhìn vào tấm gương chống trộm cắp của mình. Cuối cùng tôi nhận thức ra sự nổi giận vô lối của tôi. Là tôi đã mỏi mệt đến dường nào với cách hành xử của mình. Tôi dí tấm giấy tính tiền vỏ chai vào mũi anh chàng ngồi quầy. “Thêm cái này nữa, có đủ chưa?”. Không cần đợi câu trả lời, tôi vội bước ra khỏi tiệm. Mấy món hàng tôi muốn mua còn nằm nguyên trên đường băng chuyền.

Trở lại buổi sáng thứ năm mới đây. Tay cầm lá thư của ông thừa phát lại, tôi nhìn đứa con gái. Nó hoàn toàn không có mảy may ý niệm về cái thế giới vừa đi qua trong đầu tôi, và tôi muốn cứ giữ nó nguyên như vậy. Chỉ có một chuyện: xé bao thư ra, và nhận trách nhiệm.

May mắn thay. Tiền vé tháng xe lửa tôi đã để trễ hạn một tuần. Tôi phải trả thêm phụ phí. Ừ thì vậy thôi. Tôi chuyển tiền trả, và làm bữa ăn cho con. Dù rằng chẳng có điều chi trong cuộc đời tôi là không phức tạp, nhưng tôi cảm thấy thoải mái. Cơn giận coi như đã tan biến

Nguyễn Hiền


Cái Đình - 2017