Nguyễn Văn Sâm


Sự lựa chọn sòng phẳng

.

Máy bay lướt ngang thảm nước biếc bao la mút thẳm phía dưới.

Trí Nết chập chờn về những tháng ngày vừa qua, đăng đẳng vô vị đến tội nghiệp mình: bị xâu xé trong tính toán về / ở và làm chứng nhơn cho những điều nghịch thế nửa khóc nửa cười. Ngó xiên nghiêng theo cánh máy bay, dõi mắt nhìn sự mềm mại tuyết trắng của lớp mây phía dưới, Nết so sánh đời mình với lớp mây kia. Mây vô định, bất trắc nhưng ít ra được nhởn nhơ không đau khổ về hoàn cảnh trái ý… Hành khách chung quanh sao mà vô tư, mình thì bận bịu về ý phải đưa ra cho những câu hỏi của người lối xóm tò mò. Thấy trước trong ánh mắt của những cô bạn gái chung quanh lóa lên tia thương hại rằng mình chướng khí, cờ vô tay không phất thì thôi lại còn liệng xuống đất đạp đạp.

Đổi lại thế ngồi để cắt đứt dòng suy nghĩ, Nết trầm trồ trong bụng về mấy ngón tay sơn vẽ của người đờn bà hơi đứng tuổi ngồi đầu hàng ghế bên kia đường đi: bóng chuốt, trang trí tỉ mỉ bằng những bông hoa sặc sỡ. Ngó xuống móng tay mình, trơn tru, coi quê mùa cách gì, tự nhiên Nết mỉn cười. May mà mình chưa quen với cách trang điểm thời thượng đó, mang bộ móng đỏ nầy về càng nhục hơn…

Đò Đại Ngãi ủi vô bến, người lái đò tắt máy, gài thắng rồi bước mau ra trước bỏ tấm bửng ở đầu mũi xuống, gác kê lên bờ đất. Tiếng máy xe của hành khách nổ điếc tai chừng năm bảy phút rồi trả lại cảnh ngáy ngủ cho toàn khu vực. Đời sống ở quê nhà vẫn như bao nhiêu năm trước, trầm lặng tiếp nối. Nết hít thiệt sâu không khí thân thiết mùi quê hương rơm rạ, chỗ chôn nhau cắt rún của mình rồi đưa mắt quan sát cảnh vật chung quanh, thay đổi tuy có nhưng chậm như rùa nên không lạ lẫm bao nhiêu, Ông lão ngày nay đi bừa là con ông lão ngày xưa đi cày; ông lão ngày nay đi cày là con ông lão ngày xưa đi bừa (thơ PPL). Vậy đó dòng đời trôi chảy, người đi sau con trâu hay còng lưng gánh nặng những nông sản không bao nhiêu tiền. Tấm bảng lớn chào mừng quý khách đến Thị Trấn Cù Lao Dung màu xanh nước biển lâu ngày biến thành nhờn nhợt mốc thích. Con đường độc đạo xuyên qua cù lao đi về phía bến đò Đại Ân 2 vẫn buồn như thuở nào. Hai bên mép đường lác đác những căn nhà lụp xụp, thấp thoáng phía trong có người đàn bà ngồi bệt xuống đất bắt chí cho con trong khi bên ngoài hai ba cái bàn ọp ẹp thỉnh thoảng có những thanh niên lưng trần, ốm yếu, đương đánh vật với mấy gô rượu đế ngâm đá cục. Mấy quày dừa xiêm để ơ hờ ngoài mép cửa. Gần tới nhà, trước khi quẹo vô xóm mình, Nết đứng lại ngắm nghía cảnh vật chung quanh, luôn tiện tránh hai người đàn ông đương quàng vai nhau đi ngất ngơ coi thiệt thanh bình. Một người đàn bà lật đật nách con đứng lên đon đả ra hỏi Nết:

“Bây về hồi nào vậy Nết, sao mau vậy, bộ nhớ tía bây hả?”

Nết trả lời cho qua chuyện:

“Nhớ xóm nhớ làng phải về thăm thôi. Để lâu con cái đùm đề còn đi đâu được nữa. Thấy tía tôi có nhà không Xẩm Ba?

Xẩm Ba bước ra ngoài mái hiên, xòe bàn tay che nắng cho đứa nhỏ:

“Mới thấy tía bây tiếp người khách ở dưới xóm Đài Loan lên đó. Nghe đâu nhà họ có người đau bụng đẻ trâu, rặn hồi hôm tới giờ, nhờ tía bây cho thuốc trục. Trời! Bây mới qua bển có mấy tháng mà coi quá. Mát da mát thịt dàn trời!”

Nết cười bẻn lẻn cám ơn, chào Xẩm Ba rồi quay lưng rẽ vô đường hẻm nhà sau khi đưa tay véo nhẹ má thằng nhỏ kháu khỉnh đương ngậm chàm bàm một búng cơm. Nết gặp tía mình đưa một người thanh niên ra tận vuông rào và đương lập lại câu dặn dò:

“Lựa một trái đu đủ lớn mà còn xanh nha, càng xanh đậm càng tốt, cắt hai theo bề dọc, đừng rửa mủ gì hết, cứ để vậy, úp vô lòng hai bàn chưn chừng mười lăm phút thì đẻ được thôi. Coi chừng khi đứa con ra rồi, nhau coi bộ hết thì lấy đu đủ bỏ đi không thôi tử cung tuôn ra theo đó. Nhớ nha, cẩn thận cái vụ này, hông phải giỡn chơi đâu!”

Nết tươi cười chào người thanh niên quen biết:

“Chào hia Hơn. Sao lập gia đình chưa?” Có cái lắc đầu chán chường. “Lo làm ăn đi ông ơi, lông bông hoài quá tuổi phải ở góa đó. Ờ mà ai sanh khó vậy hia?”

Khách mắt sáng lên:

“Chào Nết! Chị Hai tôi. Khổ quá, nhà đơn chiếc mà chuyện nầy chuyện kia hoài.”

Ngừng một lúc hơi lâu, anh nói tiếp, chậm rãi:

“Cũng muốn có gia đình để có cớ tu tỉnh làm ăn, nhưng xui là sanh ra trong xóm Đài Loan nên con gái đâu lọt tới phiên mình. Đành chịu ế độ. Thúi hẻo. Tháng rồi hai cô còn nheo nhẻo theo chồng xuất cảnh, tháng nầy rục rịch một cô nữa. Cha mình ăn mắm thì mình khát nước. Đời ổng trai thiếu gái thừa, đời mình có bao nhiêu con gái thì Đài Loan, Hàn Quốc vớt hết... mình bơ mỏ khóc thầm cả đêm.

Tía Nết nghe lóm thấm ý mỉn cười nửa miệng nhưng không nói gì.

“Thôi đừng quê xệ nữa, hia Hơn chịu khó đợi, để thủng thẳng tôi coi cô nào ở xóm nầy được được làm mai cho…” Nết an ủi bạn và chấm câu bằng một cái le lưỡi rụt rè.

Người thanh niên cười buồn, chào hai tía con, quay đầu xe, mở máy chạy ra khỏi ngõ.

Ông thầy thuốc đưa hai tay kéo cái va li của con, mắt ướt rượt:

“Sao về mà không báo trước để tía đi đón hay bao xe lên thành phố rước con. Tính dấu được chừng nào hay chừng nấy mà con về bất tử nên cũng nói thiệt luôn. Thằng Na, em con mất rồi.”

Nết nghe như trời xập kế bên mình ầm ầm. Tiếng ông già đều đều mơ hồ như trong chiêm bao. “Nó đi nhậu dưới bến đò Đại Ân rồi qua bển cặp bè cặp bạn chạy chơi sao đó, không đội nón bảo hiểm còn cự cãi với công an giao thông. Bị bắt về đồn. Chiều hôm sau tía được báo tin là tối đó nó thắt cổ bằng tấm ra trải giường. Thảm quá! Vú con ở dưới nghe chuyện nầy chắc chết thêm lần nữa!”

Cả không gian tối sầm, những cột, vách căn nhà ngả xiên theo nhau xụp xuống, Nết bấu vô cái bàn nước giữa nhà, định thần. Chợt Nết như nghẹn cứng họng, nổi quạu:

“Thắt cổ gì, ra đâu mà có sẵn trong tù? Con nít nghe cũng biết có gì đó không ổn. Cái quân ác đức mà…”

Ngừng một chút nén giận, Nết thở dài vịn vai tía:

“Mà thôi, số nó vậy thì phải chịu vậy. Xác thân đời! Mình nín thở qua sông cho yên chuyện. Lùm xùm chọc ổ kiến lửa chẳng ích gì…. Mấy tháng rồi tía?”

“Cũng đâu ba bốn tháng nay. Con đi độ chừng hơn một con trăng chứ mấy! Tía cố quên ngày tháng của nó. Người ra đi rồi thì thời gian còn có nghĩa lý gì đâu nữa mà để ý.”

Nết thắp mấy cây nhang cho em, trên bàn thờ chỏng chơ hai trái xoài bự kềnh, xanh lè (cái giống xoài Đài Loan oan nghiệt trồng trên cù lao có nhiều con gái đẹp nầy) rồi ngó qua tía, quẹt nước mắt:

“Bịnh tim tía sao rồi, đỡ không?”

“Thì cũng vậy vậy thôi, xình lên xẹp xuống như giả ngộ. Tháng rồi thầy giáo Hoạch ở bên Sóc Trăng có cấp cho giấy giới thiệu lên gặp phái đoàn y tế Mỹ trên tàu gì đó vừa mới cặp bến Sài-gòn làm chuyện nhơn đạo. Tía lên thì họ nói cần thêm giấy chứng nhận thuộc diện nhà nghèo vì bịnh nhơn lung quá làm không xuể.”

“Rồi sao? Tía có lên Ủy Ban xin không?”

“Chầu chực mấy ngày mới được mời vô giải thích là Cù Lao mình lên Thị Trấn mấy năm nay rồi, được Trên công nhận là huyện tiên tiến, đã thực hiện xong chuyện xóa đói giảm nghèo, làm sao ai dám cả gan thọc tay vô chứng nhận tía nghèo. Cũng có lý! Thôi, để bịnh theo tía xuống mồ luôn. Nói thì nói vậy, chớ mỗi ngày tía đều vái van y tổ Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trọng Phủ phò hộ cho tía tự bốc thuốc được lành. Biết đâu!”

Nết thấy mình không còn hơi sức nói gì thêm được. Nghe chuyện nhà riết rồi muốn té xỉu. Chữ biết đâu của tía thể hiện lòng kỳ vọng vô bờ, một kỳ vọng ngay tía cũng cảm nhận như kẻ chìm đò mong mỏi một tấm ván nào đó trôi ngang. Nết lủi nhanh ra nhà sau rửa mặt, cố che dấu cặp mắt Nết biết rằng đương đỏ hoe và ngập ngụa lệ tràn.

***

Đoàn người lục đục xuống khu nhận hành lý. Phi trường bao la, người đông như kiến. Nết run run, mình tiếng Tây tiếng u không biết, mọi chuyện đều mới tinh lần đầu, biết làm gì đây! May mà họ đã chuẩn bị sẵn một nhân viên nói tiếng Việt nên mọi sự rồi cũng qua. Bực mình là cái điện thoại cứu khổ cứu nạn đợi hoài mà không thấy reng. Cả hơn hai giờ sau Hòa mới có mặt, xuýt xoa chuyện kẹt xe với không có chỗ đậu gần. Sợ và bực mình tới nghẹn cổ nhưng cũng làm thinh bỏ qua! Về tới nhà thì đã có sẵn bốn năm ông tướng trời thần mặt nào mặt nấy đỏ gay như Quan Công, đương ngả nghiêng nói chuyện trên trời dưới đất, cụng ly liên tu và hình như chưa tay nào muốn vãn sòng. Nết sửa soạn bộ mặt tươi tỉnh nhứt chào ra mắt mọi người rồi lăn ngay vô bếp tự coi mình như có bổn phận phải phụ Hòa tiếp khách. Mệt muốn đứt hơi như là nếu không định thần thì ngã bẹp xuống đất nhưng phải chưng mặt ngoan hiền, đứng và đứng mặc dầu hành hẹ tiêu tỏi mắm muối để chỗ nào mỗi thứ đều phải hỏi…

Những câu bình phẩm sau lưng nghe loáng thoáng, gái một con trông mòn con mắt làm mình càng bực bội hơn. Bạn với bè! Đã dặn là không nên nói chuyện gia đình mình với người ngoài. Chẳng tốt lành gì, họ biết cũng chưa chắc đã thương mình hơn. Hứa rồi sao lại còn cho người khác biết. Những ánh mắt nhìn lén lút sau lưng, xuýt xoa lưng ong, khéo chiều chồng lại khéo nuôi con làm mình đỏ bừng mặt. Vâng, tôi đã có một con, nhưng đó không phải kết quả của tình yêu, đó là sự trao đổi thương vụ, trao đổi đã xong chính tôi muốn quên đi thời gian bi thảm làm công cụ đẻ mướn cho người. Tôi muốn lập lại cuộc đời, anh ấy tuy lớn tuổi nhưng là cái phao cho tôi, dầu không hoàn toàn ưng bụng cũng là phao không dễ mà có được. Nhưng sao thấy có gì lợn cợn ngay lúc bắt đầu. Cuộc tình mới nở coi bộ đã bị sọc dưa từ trong trứng nước.

Nết ngồi nhớ lại chuyện gần sáu tháng trước. Thở ra. Hòa chưa lúc nào nhắc đến chuyện làm hôn thú, anh chỉ chăm chút cho cái tiệm phở và những tính toán chi li, những than phiền về kẻ ăn người ở không biết làm việc khiến anh hao tốn vô ích. Tháng trước, nhơn khi Hòa thuyết giảng về đại họa Hán tộc của toàn cầu, Nết khuyên anh nên mua tương ớt tiêu gừng từ Hàn Quốc hay Nhật Bổn thay vì dùng hàng Trung Quốc tuy rẻ nhưng có thể hại cho sức khỏe người dùng, đã bị nự một trận nên thân nào là không nên đem chánh trị vô chuyện bán buôn, nào là thân cô còn lo chưa xong, sao lại lo cho thân khách hàng. Gần đây Hòa lại đổ quạu nạt nộ Nết rửa rau hai ba nước, quá mất thời giờ lại hao phí nước nôi, chén tộ rau cỏ không vì chút xíu sạch dơ mà mất khách hay thêm khách…. Giọt nước tràn ly khi Hòa ở chỗ làm thuế về hí hửng báo tin mình khôn lanh nên tiền thuế tính cho khách hàng mình chỉ nộp lại cho Sở Thuế chưa đầy một phần nhỏ. Không biết vì nguyên nhơn sâu xa nào khi nghe Hòa báo như vậy lòng Nết trở nên lạnh tanh. Ý tưởng phải xa người đàn ông nầy phừng lên tột cùng khi ông ta mướn người chạy mánh cho cả nhà lãnh food stamp vì thuộc diện nghèo, lợi tức thấp. Nết còn nhớ rõ khi Hòa vẽ ra viễn tượng lãnh thêm tiền thì tay anh quơ quơ trước mặt, rất hãnh diện, sợi dây chuyền vàng bự xộn mặt đong đưa thiếu điều kéo cổ anh ta xuống. Và Nết đã lén mua giấy máy bay bay về không một chút tình vướng víu, đắn đo…

***

“Đó, tía coi, con làm sao ở với anh ấy suốt đời được.” Nết nói trong nước mắt. “Khôn lanh đó, nhưng mình không nên dính dáng vô để thụ hưởng những khôn lanh kỳ cục như vậy. Anh ấy mánh mung nên tâm bất an, đêm nào ngủ cũng mớ vì ác mộng hay giựt mình thức dậy nửa đêm khiến con không sao yên giấc dầu là ban ngày quần quật hơn mười bốn tiếng. Thà về bên nầy chịu nghèo cho sạch như ông nội mớm dạy con lúc nhỏ, tâm sẽ bình an hơn.”

Ông thầy thuốc tay lật lật quyển sách thuốc cũ rách, mắt ngó ra ngoài sân, môi run run:

“Nghèo cho sạch là hạnh tu hành của người cư sĩ đó con. Hạnh nghèo cho sạch còn khó hơn hạnh giàu bố thí. Và cũng an lạc chơn tâm hơn bố thí nhiều.”

Nết vói tới trước cầm lên vuốt vuốt cái điện thoại cả ngày nay bỏ lăn lóc trên bàn:

“Con không hiểu biết nhiều như tía, nhưng con vẫn nhớ chuyện bốn hột cơm nặng nề mà nội giải thích là ơn nặng của người cho. Chuyện đó nội kể con nghe lâu lắm rồi.”

Người cha rót hai tách nước trà, đẩy một tách tới trước mặt con gái:

“Chuyện như thế nào tía già lú lẫn rồi, con kể lại tía nghe.”

“Lúc đó con đâu chừng bảy tám tuổi, ăn cơm thường bỏ mứa. Nội kể chuyện có chú tiểu nhỏ giặt áo tràng cho thầy mình, đè nhận hoài mà áo không chìm nên không thấm nước, không giặt được. Chú vào bạch thầy. Thầy dạy vô sau nhà trù lấy bốn hột cơm đưa thầy, thầy đem ra để lên bốn góc áo chỗ nổi lên mặt nước, tức khắc áo tràng chìm xuống nước. Ông nói cơm quá nặng vì chứa ơn trọng của người cho ta, trong chùa là ơn của tín thí đàn na, trong gia đình là ơn của cha mẹ, trong nước là ơn của toàn thể người đóng thuế góp phần…”

“Và con lạnh nhạt với thẳng là do thẳng…” Ông thầy thuốc không nói dứt câu. Hai tía con ngồi trầm ngâm, mỗi người xoay xoay tách nước của mình. Lâu thiệt lâu người tía mới nói:

“Quấy đó, tệ đó, nhưng ở đâu cũng nhan nhản. Bên đây cũng lung mà bên kia cũng nhóc. Sống chung với cái quấy, cái tệ mà không nhiễm mới quan trọng. Tách nước trà rửa sạch rồi vẫn còn phưởng phất mùi trà vì bị nhiễm lâu ngày chầy tháng. Chén ngọc mới không nhiễm mà thôi, nhưng chén ngọc trong cõi trần ai nầy khó kiếm lắm. Con là con của tía mà đời là đời của con, tía để con quyết định nên về với thẳng hay ở lại trên quê hương mình. Suy nghĩ cho kỹ, đừng có chướng, làm bậy cho đã nư là không nên.”

Nết đưa tay ra nắm bàn tay xương xẩu của tía mình:

“Đợi điện thoại của Hòa coi anh ấy nói sao rồi mới tính được tía à. Dầu sao cũng tình nghĩa. Sòng phẳng, không mượn anh ấy làm bè qua sông như thói thường thiên hạ, nhưng con cũng nghĩ là không nên dứt tình rốt ráo.”

Con dế trên bàn nằm yên ngủ, coi bộ chưa muốn kêu. Ngoài sân những bao thuốc Nam phơi nhiều nắng trổ màu xám ngắt buồn tênh.

.

Nguyễn Văn Sâm


Cái Đình - 2018