Lý Văn Quý....


Chương 38

Sài Gòn thất thủ

 

Trong khoảng thời gian từ 21 đến 28 tháng 4/1975 Không lực Hoa Kỳ, sử dụng phi cơ C-141 và C-130, đã bay tổng cộng 304 phi vụ để di tản gần 43 ngàn người Mỹ và Việt Nam ‒ hầu hết là Việt Nam ‒ từ Tân Sơn Nhứt. Hỏa tiễn và pháo binh Bắc Việt bắn vào phi trường vào ngày 28 tháng 4 đã làm chấm dứt nỗ lực đó và điều này đã thúc đẩy nhu cầu phải thực hiện Phương cách IV của chiến dịch Cơn Gió Lốc. Quyết định ban đầu để tiến hành Phương cách IV đã được thông báo trước 11 giờ sáng ngày 29 tháng 4.

Trước khi Phương cách IV được khởi động đã có một sự gia tăng các hoạt động từ trong bờ túa ra biển. Rất nhiều các loại thuyền bè lớn nhỏ chở đầy các gia đình lo lắng tìm cách trốn thoát khỏi làn sóng thủy triều đang xâm chiếm đất nước và nuôi hi vọng Hải quân Hoa Kỳ và các thương thuyền sẽ cho họ một chút thời gian phục hồi trong cuộc hành trình đến một đất mới nào đó mà không có bóng Cộng sản.

Từ lúc đến vùng duyên hải Việt Nam vài ngày trước đó, tình hình của thủy thủ đoàn chiếc USS Kirk tuy chưa lên đến mức báo động toàn bộ (General Quarters – GQ) nhưng đã ở trạng thái cảnh giác và hoạt động cao độ. Công việc tại Trung Tâm Thông Tin Tác Chiến CIC của chiếc Kirk đã được đẩy mạnh đáng kể. Sự căng thẳng và hồi hộp bao trùm khắp chiến hạm nhưng đặc biệt là tại CIC thì nó đã len vào khắp chỗ.

Đối với Trung sĩ Jim Bongaard và các đồng đội thì tình thế hiện tại tạo cho họ một ý thức về một mục đích mà họ chưa từng có, ngay cả trong cuộc di tản trước đó không lâu từ Nam Vang. Họ làm việc những ca 12 tiếng đồng hồ liền và nghỉ 12 tiếng sau đó, gọi là "trái và phải" (port and starboard). Theo định nghĩa thì "12 tiếng nghỉ" bao gồm ngủ nghê và nghỉ ngơi. Nhưng trong điều kiện hiện nay với các màn hình theo dõi mặt biển và trên không trong CIC đang hoạt động tối đa và đòi hỏi phải phân công trách nhiệm cho tất cả những toán phụ trội do công việc quá nhiều, họ gần như là không có thời gian để ngủ nữa. Tình hình này cũng gần bằng tình trạng báo động toàn diện rồi.

Điều mà trong toàn bộ Đệ Thất Hạm Đội, từ các Đô đốc cao cấp am tường tình hình nhất xuống tới các thủy thủ trẻ trên các chiến hạm của hạm đội, không ai biết được là liệu bọn Bắc Việt có tấn công vào các thuyền bè đang chạy trốn khỏi sự áp chế hay không? Hoặc liệu những người tìm đến các chiến hạm Hoa Kỳ và thương thuyền sẽ có thái độ như thế nào? Mọi người tin rằng mối đe dọa sẽ bị bọn Bắc Việt đang đắc thắng tấn công trực tiếp là không đáng kể. Tuy nhiên người Mỹ vẫn phải đề cao cảnh giác. Bọn Cộng sản rất ít khi nào giữ lời hứa của chúng. Phương cách duy nhất là phải luôn luôn đề phòng cẩn mật.

Ngoài các nhiệm vụ thường lệ tại CIC, Bon là người chịu trách nhiệm theo dõi khoảng cách từ bờ tới chiến hạm Kirk. Quân Bắc Việt giờ đã chiếm được Vũng Tàu rồi. Trên pháo đài Vũng Tàu có trang bị trọng pháo có thể bắn ra ngoài biển khơi. Bon nghĩ là những khẩu này trước kia thuộc về QLVNCH nhưng anh không chắc lắm. Nhân viên tại CIC đều biết tầm bắn tối đa của những khẩu trọng pháo này. Nhiệm vụ chính của Bon là bảo đảm chiếc Kirk luôn luôn nằm ngoài vòng cung tác xạ của những khẩu súng đó. Trong lúc này thì các đồng đội của anh phát giác ra càng lúc càng nhiều mục tiêu ngoài biển không rõ nguồn gốc. Cho tới nay, phần lớn những mục tiêu đó là các đợt trực thăng TQLC Hoa Kỳ bay hướng về Sài Gòn. Không bao lâu sau thì những trực thăng này sẽ gặp những chiếc đang giữa đường quay trở về khi công tác con thoi càng lúc càng được đẩy mạnh lên. Cũng chẳng bao lâu sau nữa thì họ bắt đầu phát hiện ra những đốm sáng trên màn hình không rõ nguồn gốc bay vội vã về hướng của họ. Hóa ra đó là những chiếc trực thăng của Không quân Việt Nam và có cả một số phi cơ cánh quạt nhỏ bé đang tìm cách đáp xuống những sàn đáp trên chiến hạm bạn.

 

TRÊN BẦU TRỜI SÀI GÒN

Những phi vụ thực hiện bởi các TQLC trong chiến dịch Cơn Gió Lốc bề ngoài khá đơn giản nhưng thực tế lại phức tạp không tưởng nổi. Các toán TQLC được chở tới cơ quan DAO và tiếp theo là tòa Đại sứ Hoa Kỳ nhằm tăng cường lực lượng an ninh đã có sẵn. Nhiệm vụ của họ là giữ gìn trật tự, duy trì sự ổn định và tạo sự răn đe hầu cho sự di tản ra khỏi Sài Gòn được tiến hành như dự định. Các cấp chỉ huy đều ý thức rằng sẽ có nhiều vấn đề có thể xẩy ra vì họ chưa có cách nào phòng hờ, chẳng hạn như nếu phải tăng thêm TQLC để phòng thủ bờ tường tòa Đại sứ thì phải làm sao? Tuy nhiên, ít nhất họ cũng tin tưởng rằng trong mọi tình huống, các TQLC sẽ biết cách linh động để đáp ứng với các điều kiện tại chỗ luôn biến động. Công việc phối hợp các trực thăng TQLC và Không quân Hoa Kỳ bay đi và bay về các chiến hạm trong bầu trời đông đúc và khó quan sát của Sài Gòn, sau đó lại phải cố gắng tìm cách hướng dẫn các trực thăng VNCH đang tháo chạy vô tổ chức là một vấn đề hoàn toàn khác và nhức đầu không kém. (*)

Đối với Đại úy John Bowman và phi công phụ, Trung úy Dave Androskaut, thì nhiệm vụ chung của họ là yểm trợ hỏa lực cho các trực thăng tải quân TQLC trên không và cho các lực lượng bên dưới. Sự hiện diện rõ mồn một và hung hăng của họ trên bầu trời Sài Gòn nhằm mục đích răn đe cho bất cứ tên chỉ huy hay lính Bắc Việt nào có ý định muốn trở thành những kẻ cuối cùng chết vinh quang cho Hồ Chí Minh và Cách Mạng trong lúc các lực lượng của chúng đang giải phóng các bù nhìn miền Nam ra khỏi tay đế quốc Mỹ. Ngoài nhiệm vụ chính là yểm trợ cho các trực thăng chuyên chở và gây sức mạnh răn đe trong lúc bay vòng quanh các bãi đáp tại Sài Gòn, các trực thăng Cobra còn được sử dụng làm bộ chỉ huy và kiểm soát trên không, tìm hướng bay và làm trạm thông tin. Bên cạnh những vấn đề khó khăn hiển nhiên về chỉ huy, kiểm soát, và tình huống có thể bị bắn rơi bởi quân Bắc Việt cũng như bởi các lực lượng miền Nam đang tức giận, thời tiết cũng là một yếu tố được cộng thêm vào danh sách các mối nguy hiểm mà các phi hành đoàn phải vượt qua. Tầm nhìn cũng bị hạn chế nhiều bởi các đám khói. Phi hành đoàn của những chiếc Cobra và các chiếc khác luôn luôn phải đề cao cảnh giác và trong trạng thái sẵn sàng bất cứ lúc nào.

Trong hoàn cảnh bình thường, sau khi được đổ đầy, chiếc AH-1J chở được hơn 1.800 cân xăng. Trong điều kiện bay thông thường thì cứ mỗi mười phút chiếc Cobra đốt cháy khoảng 100 cân xăng, do đó một chiếc trực thăng Cobra có thể bay được tối đa ba tiếng đồng hồ, mặc dầu chưa ai dám thử bay lâu như vậy. Đồng hồ báo xăng của chiếc Cobra thỉnh thoảng cũng không báo mực độ chính xác, nhất là khi gần cạn xăng. Vả lại các phi vụ dự tính cho chiến dịch Cơn Gió Lốc cũng không vượt quá số thời gian tổng cộng hai tiếng rưỡi đồng hồ.

Khi Bowman và chiếc trực thăng hỗ trợ đã đến điểm phải quay trở về để tiếp nhiên liệu, họ đã được hướng dẫn để trở lại chiến hạm Okinawa. Cuộc di tản đang được tiến hành một cách khả quan mặc dù ai cũng thấy là không thể nào chở đi nổi tất cả những người Việt Nam cần phải được bốc đi. Trong một thoáng suy tư, Bowman nghĩ về số phận và tương lai của họ. Anh rất bất mãn là Hoa Kỳ đang bỏ rơi những người đã hết mình theo Mỹ để giờ đây bị vứt bỏ vì sự bất tiện và vì không còn phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ nữa. Trong khi người Mỹ có thể nhanh chóng quên đi thì Bowman biết là quân Bắc Việt trên các nẻo đường phố Sài Gòn sẽ giữ mãi lòng thù hận. Chúng sẽ không bao giờ quên và chúng sẽ không bao giờ tha thứ.

 

TRÊN CHIẾN HẠM KIRK

Đến giữa trưa ngày 29 tháng 4 thì cuộc di tản của các trực thăng VNCH bay ra ngoài khơi đã biến thành một dòng thác lũ. Trong nỗ lực giúp những người tìm chỗ ẩn náu, CIC của Kirk thông báo trên làn sóng khẩn cấp, một tần số mà tất cả các phi công đều biết, là có một sàn đáp còn trống trên chiến hạm Kirk. Hầu hết các phi công đi tìm tự do đều chở theo đầy các gia đình và bạn bè và chưa bao giờ đáp xuống một sàn đáp chật chội trên tầu biển lúc nào cũng di động. Lần đầu tiên một phi công mà thử đáp xuống một chiếc hàng không mẫu hạm thì sẽ thấy cái sàn đáp nó nhỏ bé thế nào, nhất là trong những điều kiện không được lý tưởng. Bây giờ một chiếc trực thăng quá tải, thường là gần cạn nhiên liệu, thử đáp xuống một sàn đáp với kích thước như một con tem bưu điện trên chiến hạm USS Kirk thì hầu như đó là một điều không tưởng.

Vậy mà "Cùng tắc biến, biến tắc thông...," có khó khăn mới nảy sinh ra hanh thông. Giữa sự chọn lựa hoặc cho trực thăng xuống biển để cầm chắc cái chết hay cố gắng đáp xuống một sàn đáp rồi ra sao cũng được thì điều lạ lùng là tất cả các phi công dũng cảm đi tìm tự do đều đáp xuống thành công.

Sàn đáp của chiếc Kirk được dùng cho chiếc trực thăng LAMPS mà chiến hạm này thường mang theo trong nhiệm vụ theo dõi tầu ngầm. Do đó nó chỉ có đủ chỗ cho duy nhất một chiếc trực thăng với cánh quạt đang quay. Khi chiếc trực thăng di tản đầu tiên đáp xuống thì đó đúng là chuyện mới lạ, và nó được đẩy lên cất tại phía trước. Đến chiếc thứ hai thì rõ ràng là người có thể ở lại nhưng máy bay thì phải "ra đi," tức bị đẩy lăn xuống biển. Những hoạt động này được diễn đi diễn lại trên mọi chiến hạm ngoài khơi bờ biển Việt Nam với sàn đáp chỉ đủ chỗ cho một chiếc trực thăng cỡ nhỏ. Những khúc phim video và hình ảnh từng chiếc trực thăng bị vứt bỏ không thương tiếc và bị ném xuống lòng đáy biển cho thủy thần đã được biến thành tin tức chuyển về "Pháo đài" Hoa Kỳ sau khi Sài Gòn thất thủ đã củng cố thêm cái khái niệm là cho đến phút cuối, với bao nhiêu là trực thăng bị vứt đi và hàng triệu triệu đô-la thực sự là đã bị cuốn trôi xuống biển, rõ ràng đây là một sự lãng phí vĩ đại về của cải vật chất cho Hoa Kỳ.

Điều mừng là cho đến nửa đêm, tất cả 157 đàn ông, phụ nữ và trẻ em Việt Nam đều được an toàn trên chiếc Kirk. Họ đều sống sót và hít thở không khí, tuy với tâm trạng hoàn toàn tuyệt vọng nhưng bất bại và bất khuất của những con người tự do.

Khi những sự việc trên đang diễn tiến thì Bon làm việc như hầu hết mọi thủy thủ khác, tức là không ngừng nghỉ. Khi bóng đêm xuống dần và số lượng trực thăng VNCH bớt đi thì anh được một đồng đội trong CIC gọi đổi phiên. Cuối cùng thì Bon được lên giường trước lúc nửa đêm. Anh đã đứng làm việc liên tục trong hơn 24 giờ đồng hồ liền.

 

PHI VỤ THỨ BA VÀ CUỐI CÙNG TRONG NGÀY 29/4/1975

Trong lần thứ hai tiếp tế nhiên liệu, Bowman và Androskaut được hướng dẫn đến mẫu hạm trực thăng USS Duluth (LPD-6) thay vì là chiếc Okinawa chỉ vì trên chiếc này đang có sàn đáp trống. Các hoạt động ngoài biển hết sức dồn dập trên các tầu bè có sàn đáp. Điều kiện trên không xấu dần khi mặt trời lặn và bóng tối đã làm tăng thêm sự nguy hiểm trên bầu trời đông đúc. Tuy nhiên điều đó không quan trọng. Những chiếc trực thăng vẫn tiếp tục thi hành nhiệm vụ. Sau khi đổ đầy xăng, Bowman và Androskaut bay trở lại tòa Đại sứ để tiếp tục làm những chuyện cần thiết.

Lái chiếc trực thăng chiến đấu trong đêm 29 tháng 4 trên bầu trời Sài Gòn tương tự như bay ở trong một cái chai đậy nút chứa đầy sương mù. Các trực thăng phải bay ra vào thành phố dựa trên máy móc. Trên bầu trời thành phố thì mặc dù tầm nhìn đã kém đi nhiều nhưng họ phải chuyển qua bay bằng cách dùng mắt quan sát. Những đám cháy rải rác khắp nơi, các đường vòng của đạn lửa thỉnh thoảng nổi lên tựa như những vòi đèn lân tinh uể oải phun theo đủ hướng khác nhau, cùng với ánh sáng bùng lên từ những vụ nổ tạo cho toàn cảnh một cảm giác và sắc thái của địa ngục trần gian. Màn sương mù khắp nơi đã khiến cho các phi công không định hướng được là lên hay xuống, chỗ nào là bầu trời và chỗ nào là mặt đất, không nhìn ra chân trời ở đâu và thực sự những ánh lửa phát xuất từ đâu ra.

Có hai cách Bowman có thể hỗ trợ cho các phi công bạn lái trực thăng chuyên chở. Phần đầu là sử dụng khả năng tìm phương hướng tự động của máy truyền tin UHF gắn trên phi cơ để định hướng lộ trình bay ra vào các bãi đáp tối thui và khó khăn đó. Rồi để định vị trí chính xác các bãi đáp tối om cho các trực thăng chuyên chở đang ở trong vùng có thể bay thẳng vào đúng chỗ, Bowman bật tất cả đèn pha khi bay cho các phi công CH-53 biết là bãi đáp ở ngay dưới vị trí máy bay của anh. Mặc dù phương pháp này có thể giúp cho các trực thăng chuyên chở nhưng bay kiểu này cũng là một cách cầu xin bọn xạ thủ Bắc Việt hãy bắn vào anh đi. Trên thực tế thì trong suốt buổi chiều hôm đó anh đã bị bắn nhiều lần rồi. Để tự bảo vệ trong lúc lượn vòng quanh tòa Đại sứ Hoa Kỳ, Bowman thường xuyên thay đổi tốc độ lẫn cao độ. Trong đám sương mù ẩm ướt và sự hỗn loạn, Bowman không thể nào biết súng bắn lên từ đâu. Nếu phản pháo một cách bừa bãi thì anh có thể giết lầm dân vô tội. Do đó anh cứ phải tiếp tục bay.

Những chiếc Cobra luôn luôn được sử dụng từng cặp một, mỗi chiếc phụ trách một vùng. Các lợi điểm về chiến thuật và sự hiệp đồng này rất rõ ràng và đây là một nguyên tắc mà hiếm khi các phi công vi phạm. Gần đến cuối phi vụ thứ ba trong ngày, lúc đó Bowman đang bay bên trên tòa Đại sứ Hoa Kỳ thì anh nghe toán Cobra đang bay trên cơ quan DAO báo cho biết họ đã gần hết xăng và cần phải trở về lại chiến hạm Okinawa. Bowman biết là hiện vẫn còn một số thường dân và hơn một trăm TQLC Hoa Kỳ đang cần được bốc đi. Vì vậy ngày hôm đó, lần đầu tiên anh buộc lòng phải vi phạm nguyên tắc. Anh ra lệnh cho chiếc Cobra phụ ở lại vùng tòa Đại sứ một mình, còn anh và Androskaut thì bay qua Tân Sơn Nhứt gần đó để yểm trợ bên trên bãi đáp của cơ quan DAO. Trong lúc anh bay lòng vòng chờ đợi với đèn pha bật sáng thì có ba chuyến CH-53, mỗi chuyến gồm bốn chiếc đáp xuống DAO và bốc đi các thường dân còn mắc kẹt lại và sau đó bắt đầu đón lực lượng an ninh TQLC.

Khi gần đến mức cạn xăng, Bowman sửa soạn quay trở về hướng Đệ Thất Hạm Đội để tìm một sàn đáp nào đó trên chiến hạm ngoài khơi về hướng chân trời tối đen phía Đông. Nhưng toán TQLC Hoa Kỳ ở dưới đất trong chuyến di tản cuối cùng vẫn chưa lên hết được trực thăng. Trong lúc đó thì các toán tiền phương của Bắc Việt đã tiến đến các đường phố chỉ còn non hai cây số là đến cơ quan DAO và cổng trại Tân Sơn Nhứt. Có thể bọn Bắc Việt sẽ để yên những chiếc CH-53. Cho đến lúc này thì chưa có chiếc trực thăng nào bị bắn hạ cả. Nhưng Bowman không thể yên tâm. Anh giống như con gà mẹ trong chuyện cổ tích lo lắng cho bầy gà con chống cự lại con chồn xấu xí, độc ác và đói khát đang lần mò tới chuồng gà. Anh sẽ không bao giờ tự tha thứ cho mình nếu anh bỏ đi để mặc chiếc trực thăng di tản cuối cùng trong đêm hôm đó bị bắn hạ, hay bị mất phương hướng và bị rơi vì không có anh bay hỗ trợ đúng đắn.

Mặt khác nếu Bowman và Androskaut ở lại vị trí quá lâu thì họ sẽ không có đủ nhiên liệu để bay ra khỏi vùng bờ biển, nói chi tới chuyện đáp được xuống chiến hạm. Viễn ảnh có thể trở thành những người Hoa Kỳ sau cùng bị tử trận (trên thực tế có hai TQLC Hoa Kỳ thuộc toán bảo vệ tòa Đại sứ đã bị hỏa tiễn Bắc Việt pháo kích chết ngày hôm trước gần Tân Sơn Nhứt), hay biến thành "khách mời" của quân Bắc Việt không hấp dẫn lắm đối với anh. "Dave, chúng ta ở lại cho đến khi chiếc CH-53 cuối cùng cất cánh."

Không mảy may phản đối, tay phi công phụ đồng ý nhưng báo cho Bowman cái điều mà anh đã biết rồi. "John, có lẽ mình gần hết xăng rồi (buồng lái đàng trước của chiếc Cobra phía bên xạ thủ/phi công phụ ngồi không có đồng hồ nhiên liệu)..."

"Rõ... Tôi biết... Tôi biết..."

Sài Gòn bốc cháy. Chung quanh cơ quan DAO và phi trường Tân Sơn Nhứt đều đang cháy. Mặc dù thỉnh thoảng có những cơn mưa rào nhưng vẫn không đủ để dập tắt các đám cháy. Bowman thầm cảm tạ trời đất là anh không quen một ai trong số hàng ngàn, hàng chục ngàn người đã bị Cộng sản cho lên danh sách, và bây giờ với cuộc di tản gần hoàn tất, những con người Việt Nam này chắc chắn sẽ bị giam cầm hay bị xử tử sau khi bọn Bắc Việt điều tra ra họ là ai. Anh chỉ còn biết tập trung sức lực vào việc bảo vệ cho những binh sĩ TQLC cuối cùng thoát ra khỏi chốn này.

Sau một khoảnh khắc chỉ một hai phút mà tưởng chừng như là thiên thu,  ‒ toán TQLC dưới đất cũng nóng lòng được rút đi cho xong ‒ chuyến cuối cùng gồm bốn chiếc CH-53 gọi truyền tin báo cho biết tất cả lực lượng an ninh đã lên được máy bay an toàn. Không ai bàn cãi gì nhiều và mọi người có vẻ thở ra nhẹ nhõm hơn. Những chiếc trực thăng khổng lồ tăng cường lực và cất cánh mà không có biến cố gì xẩy ra. Sự căng thẳng giảm dần khi họ vượt qua được bờ duyên hải và chính thức bay vào vùng biển. Dĩ nhiên là họ chỉ có thể hoàn toàn yên tâm một khi tất các TQLC đã lên được chiến hạm đầy đủ không sót một ai. Các binh sĩ TQLC mà Bowman đã bảo vệ trong những giây phút vừa qua sẽ không bao giờ biết tên tuổi anh và những gì anh đã làm cho họ. Đồng thời cũng không thể biết được sự hiện diện của chiếc Cobra mà Bowman lái vài trăm bộ trên đầu họ có thật sự đã làm nên điều khác biệt gì cho công việc bốc họ đi được an toàn như Bowman và Dave Androskaut mong muốn hay không? Đã đến gần nửa đêm. Nhiệm vụ đã hoàn thành...

"Xăng nhớt mình ra sao, John?"

"Không khá lắm Dave ơi..." Bowman nhìn đồng hồ nhiên liệu. Họ đang bay ra khỏi khu vực khó khăn. Anh báo về là đã vào vùng biển mặc dù không thực sự trông thấy sự phân chia giữa bờ biển và đại dương. Anh phỏng đoán đã bay trên mặt biển từ lúc không còn trông thấy ánh sáng phía dưới nữa. Cuộc liên lạc vô tuyến được ghi nhận, có lẽ bởi Trung tâm Hướng dẫn Trực thăng (Helicopter Direction Center HDC) trên chiến hạm Okinawa. Bowman thầm nghĩ: "Tạ ơn trời..." Ít nhất, nếu có bị rơi vào lúc này thì anh sẽ không bị bọn Bắc Việt bắt, hoặc giả có tồi tệ lắm thì thân xác anh cũng được mang về, nếu có thể được, bởi phe ta.

 

Tại một nơi nào đó giữa bờ biển Việt Nam và các chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội
Năm phút sau
Qua ngày 30/4/1975. 12 giờ 5 phút khuya

Với tình trạng hiện giờ gần cạn nhiên liệu, Bowman lo lắng là phải bay khoảng 30 dặm từ Sài Gòn chỉ đến được bờ biển. Muốn đến Đệ Thất Hạm Đội và mẫu hạm trực thăng USS Okinawa thì phải bay thêm 30 dặm ngoài biển nữa. Bowman đang bay trên độ cao một ngàn bộ thì bắt đầu vào vùng biển. Anh bắt đầu từ từ hạ xuống cao độ thích hợp để đáp lên hàng không mẫu hạm hay sàn đáp trực thăng nào đó. Điều kiện chung quanh không mấy khả quan. Mặc dù có trăng nhưng họ liên tục bị mây che khuất. Lúc thoát ra khỏi khu vực khó khăn thì họ chỉ thấy sao phía trên mà thôi. Thỉnh thoảng họ trông thấy ánh đèn của một chiếc thuyền nào đó bên dưới. Truyền tin liên lạc lúc này bị trở ngại nên Bowman không biết có sàn đáp nào còn trống gần đó hay không.

Vì lý do nào đó Đại úy Bowman không sử dụng được hệ thống định vị TACAN thường tự động bắt liên lạc với mẫu hạm Okinawa khi anh bay vào vùng biển. Tuy nhiên hệ thống HDC trên chiếc LPH cũng cho anh biết hướng bay và anh lái theo đường hướng dẫn. Sau cùng thì anh cũng bắt liên lạc được với hệ thống TACAN của chiếc LPH và họ cho biết anh còn phải bay thêm năm dặm nữa mới tới được con tầu mẹ.

Trong lúc bay theo đường chỉ dẫn của mẫu hạm Okinawa, anh chợt thấy đàng trước hình dáng màu xám nhạt của một chiếc chiến hạm, hi vọng là thuộc Hải quân Hoa Kỳ. Ban đầu anh tưởng đó là chiếc LPH của anh nhưng khi bay đến gần thì hóa ra là một chiếc khu trục hạm nhỏ với một sàn bay bị bận. (Chiếc trực thăng Huey cuối cùng đáp xuống chiếc Kirk vẫn chưa được đẩy xuống biển). Anh không còn sự chọn lựa nào khác hơn là phải bay đi tìm chiếc Okinawa. Một lúc sau thì mọi chuyện trở nên tồi tệ hẳn.

Khi chiếc AH-1J của Đại úy Bowman và Trung úy Dave Androskaut bay vượt qua đoạn giữa bờ biển Việt Nam và các chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội thì đồng hồ nhiên liệu báo cho biết còn lại khoảng 250 cân, tương đương với 25 phút bay.

Phần lớn là Đại úy Bowman bay bằng dụng cụ trong khi Dave Androskaut, lúc đó không quan sát gì nhiều vì họ cứ phải bay qua các đám mây, thì tập trung vào vấn đề đi tìm một sàn đáp. Cái kim đồng hồ báo nhiên liệu không nhúc nhích nữa và có vẻ như dính lại ở mức 250 cân.

Trong lúc Bowman bay ở cao độ 300 bộ vượt qua chiếc Kirk với cái sàn đáp bị bận (ngay lúc đó thì anh không biết là chiến hạm nào) thì động cơ số một bắt đầu ngưng quay. Dấu hiệu này không khá chút nào. Một lát sau thì động cơ số hai cũng tắt luôn.

John Bowman lập tức hành động như đã từng học, cũng như đã thực tập hàng chục lần rồi. Trong bóng đêm tối đen ‒ mặc dù có trăng nhưng hiện bị khuất trong đám mây ‒ anh sử dụng hệ thống cho cánh quạt quay tự do dùng cho ban đêm. Hoàn toàn trong đêm tối. Bowman giữ hướng đáp và giảm nhanh độ tiến để giữ cho tốc độ quay của cánh quạt giảm tối thiểu, theo đúng sách vở. Hoàn toàn theo đúng sách vở.

Lúc chiếc Cobra mệt mỏi, hết hơi gần chạm mặt biển thì sức kéo tới không còn nữa. Liếc mắt thấy đồng hồ ra-đa báo ở độ cao 75 bộ, Bowman kéo nhẹ cần lái để nâng mũi chiếc Cobra lên một chút và để giảm sức chấn động khi đáp xuống mặt biển. Chiếc Cobra lúc này hoàn toàn bất động và từ từ chìm xuống biển Đông, may mắn là êm ả không gợn sóng. Theo đúng bài bản, Đại úy Bowman cho lật chiếc trực thăng qua bên phải vì cánh cửa buồng lái của phi công phụ nằm bên trái. Nhiệm vụ của anh là phải bảo đảm cho Dave Androskaut thoát ra trước.

Đến khi anh với tay tìm cần bật giây an toàn thì không thấy nó đâu cả. Trước khi thoát ra khỏi buồng lái được thì anh thấy mặt biển bắt đầu che khuất tấm kính plexiglas và chiếc trực thăng từ từ, nhưng càng lúc càng nhanh dần lên chìm xuống vực thẳm tối đen. Anh vẫn bị dính chặt vào cái trực thăng giờ đây đã chết máy và vô dụng. Anh với tay tìm cái cần bật dây an toàn lần thứ hai, vô ích. "Bình tĩnh nào Bow, bình tĩnh nào..." Anh tự nhủ và bắt đầu cầu nguyện. Lần thứ ba thành công. Sau khi bật được giây an toàn, anh nắm cái cần mở cửa buồng lái, mở khóa ra, hít hai hơi và kéo mạnh ra. Cửa buồng lái bật ra và nước biển tối thui của biển Đông bắt đầu tràn vào buồng lái. Theo thói quen kỷ luật, anh cố ý sờ chung quanh người xem có cái gì anh đang đeo có thể bị rối hay quấn người anh lôi xuống đáy biển hay không.

Anh không rõ đang ở độ sâu nào nhưng chung quanh hoàn toàn tối om, không biết mặt biển ở đâu, không có bong bóng nước, không thấy gì cả. Đột nhiên anh nhớ lại bài vở huấn luyện tại Princeton. Anh cảm thấy chiếc Cobra bên dưới chân đang từ từ chìm xuống. "Hướng đó chắc là đáy biển," anh đoán rất đúng và đạp hết sức mạnh về hướng ngược lại. Khả năng trước kia lúc còn nhỏ chơi trượt biển ở Hawaii cũng trở lại, tuy chưa bao giờ có một ngọn sóng nào đủ lớn để cuốn chìm anh sâu như thế này. Trong một thoáng chốc chợt sáng, anh ngước thấy bóng trăng phía trên có vẻ như đang xuất hiện sau khi bị mây che phủ tưởng chừng như một thiên thu. Đồng thời anh cũng nhận ra bóng chân đang đạp nước của tay phi công phụ phía trên anh. Ban đầu, Dave Androskaut tưởng như phi công trưởng đã chìm theo chiếc Cobra và đã chết đuối rồi. Anh sung sướng gặp lại được đồng đội, vui mừng là bạn anh đã thoát nạn mà lại còn có vẻ không hề hấn gì. Một lát sau, trong khi vẫn đang bơi, Bowman cảm thấy tấm che đầu gối mà tất cả các phi công đều mang theo bị tuột ra khỏi chân. Vậy mà trước đó anh tưởng là có một "con gì" đang chạm vào chân anh.

Hai tay phi công TQLC "kém đi một chiếc Cobra" giờ đây bơi đứng trong một lúc và có cảm giác, giống như lúc đang chờ đợi các TQLC lên trực thăng tại cơ quan DAO, là thời gian trôi qua lâu hơn là họ tưởng. Chiếc thuyền cấp cứu của chiến hạm Kirk đã được thả xuống nước trước khi trực thăng đến gần và lập tức đánh một vòng đến khu vực họ nghĩ rằng chiếc trực thăng đã rơi xuống tại đó. Trong lúc đó thì Bowman đã bắn lên trời vài trái “flare” và giơ chiếc đèn pin tí hon lên khỏi mặt biển rồi ra hiệu để những người trên thuyền cấp cứu có thể thấy họ dễ dàng hơn. Giây lát sau, Đại úy TQLC John Bowman và Trung úy TQLC Dave Androskaut được nhanh chóng lôi lên khỏi biển Đông và trở về chiến hạm Kirk. Họ được chiến hạm trưởng và một số lớn thủy thủ đoàn đón tiếp hết sức nồng nhiệt.

Bowman và Androskaut làm khách trên chiếc Kirk được một đêm. Sáng hôm sau thì họ được bốc về mẫu hạm "nhà" Okinawa. Để chứng tỏ trình độ "quý phái" và thái độ "biết xử sự" mà tất cả các sĩ quan TQLC, đặc biệt là các phi công TQLC, tay Không đoàn trưởng đã gởi đến chiến hạm Kirk một thùng kem dâu 5-gallon để cảm ơn thủy thủ đoàn Kirk đã cứu hai phi công Cobra của Okinawa ra khỏi biển cả. (**)

 

ĐOẠN KẾT CỦA CHIẾN TRANH VIỆT NAM VỀ PHÍA HOA KỲ

30 tháng 4/1975

Cuộc di tản ra khỏi Sài Gòn, tạm gián đoạn với lần bốc sau cùng mà Bowman và Androskaut đã bay hỗ trợ vào lúc gần nửa đêm tại bãi đáp cơ quan DAO, được tiếp diễn một thời gian ngắn tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ và kéo qua sáng sớm ngày 30/4. Vào lúc 4 giờ 58 sáng, chiếc CH-46, mệnh danh là "Lady Ace 09," đã cất cánh lên khỏi bãi đáp trực thăng của tòa Đại sứ Hoa Kỳ, mang theo Đại sứ Graham Martin (chính ông đã mất một người con nuôi trong chiến trường tại Việt Nam), một số ít thường dân Mỹ còn sót lại và lá cờ mới đây còn phất phới trên nóc tòa nhà thuộc chủ quyền của quốc gia Hoa Kỳ tại trung tâm Sài Gòn. Đây là chuyến bay cuối cùng của cuộc di tản các thường dân, còn các binh sĩ TQLC có mặt để bảo đảm sự ra đi an toàn của Đại sứ Hoa Kỳ thì được bốc tiếp theo ngay sau đó. Sự kiện này cuối cùng đã đánh dấu đoạn kết của tất cả những sự dính líu chính thức của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Trong một khoảng thời gian chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, cuộc di tản bằng trực thăng TQLC đã bay tổng cộng 682 chuyến và mang đi 1.373 người Mỹ và 5.595 người không mang quốc tịch Hoa Kỳ lên các chiến hạm đang đậu ngoài khơi. Đối với hơn năm ngàn người Việt Nam tránh được cái chết hay sự giam cầm thì đây là những giờ phút hết sức căng thẳng nhưng rất đáng giá đối với họ. Còn những người Việt Nam kém may mắn khác, đã từng nuôi hi vọng được ra đi nhưng đã bị bỏ lại, hoặc vì lý do nào đó đã chọn ở lại thì cuối ngày hôm đó không thể nói là ngày vui cho họ được.

Vào khoảng 12 giờ trưa giờ địa phương ngày 30/4/1975, toàn bộ Đệ Thất Hạm Đội bắt đầu rút về phía chân trời hướng Đông và chậm chạp lên đường về vịnh Subic. Chiến tranh Việt Nam, hay ít ra là cuộc chiến thỉnh thoảng được Cộng sản mô tả là "Cuộc chiến của đế quốc Mỹ," đã đến hồi kết thúc mà không có chút gì là vinh quang cả. Đối với hầu hết ngưòi Mỹ, đề tài Việt Nam đã có thể được chuyển từ "những sự kiện hiện tại" qua thành "lịch sử" được rồi. Còn đối với những công dân thuộc chế độ VNCH cũ đang choáng váng thì cơn ác mộng đang tới vẫn chưa đạt đến cực điểm của nó.

 

VIỄN CẢNH

Đoạn kết tại Việt Nam, hay ít ra là đoạn kết sự dính líu của Hoa Kỳ, trong ngày 30/4/1975 đã khiến cho những người ở ngoài biên giới các quốc gia kiểm soát bởi Cộng sản phải suy tư và hồi tưởng lại. Không ai chối cãi là người Mỹ, sau những kinh nghiệm cay đắng tại Đông Nam Á, đã trở nên bị biệt lập và cô lập hơn. Trong tương lai, chắc chắn là họ sẽ ít quan tâm đến những sự kiện rắc rối ở bên ngoài có khả năng đòi hỏi sự tốn kém về nhân mạng và của cải vật chất.

Có lẽ nhận xét khôn ngoan và sâu sắc nhất của sự thay đổi bàn cờ thế giới lại phát sinh từ một người không nằm trong quỹ đạo của Hoa Kỳ, nhưng chắc chắn nằm trong số những người đã thụ hưởng một cách trực tiếp hay gián tiếp sau cuộc tranh chấp vừa qua. Đó là ông Lý Quang Diệu, thủ tướng lâu đời có công sáng lập nước Singapore ngày càng thịnh vượng mà mọi người đều công nhận là một ông già khôn ngoan của nền kinh tế phát triển, không Cộng sản của Á Châu. Thủ tướng Lý Quang Diệu khẳng định ý kiến của mình như sau:

Chính ngưòi Mỹ đã ngăn chận không để cho Trung Cộng và Cộng sản Việt Nam gieo rắc mầm mống nổi loạn tại Cambodia và Thái Lan... Do người Mỹ đã kiên quyết chống cộng và sẵn sàng đối đầu với chúng cho nên Nehru, Nasser và Sukarno mới có thể chọn được thế đứng không liên kết cho đất nước họ.

Sự quyết tâm của Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua, ít ra cũng đã mua đưọc chút ít thời gian cho những con cờ domino Á châu không bị rơi vào tay phe Cộng sản.

Tiến trình hồi phục vết thương chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ, đặc biệt đối với những người đã phải trả những cái giá cao nhất, là một bài toán đố vô cùng khó khăn. Đối với các chiến binh đã hi sinh quá nhiều, đã từng thắng tất cả những trận đụng độ vừa lớn vừa nhỏ, đã thực hiện tất cả những điều đòi hỏi nơi họ, thì cuộc chiến đã thất bại. Chẳng hề có những cuộc đón rước chào mừng linh đình, không có các cuộc diễn hành mừng chiến thắng rầm rộ hay những cử chỉ xác nhận và cảm ơn sự hi sinh của họ. Sự kết thúc không giống như trong thế hệ cha ông, những người đã thành công giải cứu được nhân loại thoát khỏi nạn phát xít và đạt được một nền hòa bình tuy phù du vào năm 1945.

Có lẽ điều trơ trẽn nhất, đặc biệt đối với những người đã không khước từ nhiệm vụ, có thể gán cho những kẻ đã cố ráng và cố tình trốn tránh nghĩa vụ quân sự, hoặc nhẹ hơn thì tìm cách trốn lính bằng cách qua Canada, cố ý để bị đánh rớt khám sức khỏe, ở lại trường học lâu hơn, gặp may mắn trong những cuộc xổ số động viên hay đơn giản nhất là cảm thấy không việc gì phải tình nguyện cả. Đối với những người này thì không có sự xấu hổ, tội lỗi hay hối hận gì cả. Trên thực tế, trong một số môi trường như các trường Đại học khi nhiều cựu chiến binh trẻ trở về nước, những người đã từng phục vụ cho đất nước này thường bị đối xử một cách khinh miệt và bị chế diễu, trong khi đó thì những kẻ tích cực trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì lại được coi là khôn ngoan.

Ý nghĩa phổ biến về tinh thần trách nhiệm thường được coi như mẫu mực đối với phái nam và phái nữ thuộc các thế hệ đã chiến đấu trong thế chiến thứ II có vẻ như không được lưu truyền một cách đầy đủ cho thế hệ con cháu họ. Đối với một số quá lớn, tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Tổ Quốc và lòng hi sinh đã bị thay thế bởi một sự ích kỷ chỉ biết đến mình, bản năng tự sinh tồn và ước mơ theo đuổi lạc thú cho bản thân. Không như trong thời kỳ thế chiến thứ II, tất cả mọi người đều lên đường phục vụ, và những người nào không đi hay không thể đi thường có lý do chính đáng nhưng họ vẫn mang cảm giác có lỗi vì đã không chung vai gánh vác cuộc tranh đấu cho nền tự do, còn trong trường hợp Việt Nam thì trách nhiệm không được chia sẻ đồng đều. Đối với nhiều người đã lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc thì đó là một cuộc chiến khó khăn hơn nhiều cuộc chiến mà cha ông họ đã trải qua để mà sống còn một lần nữa.

Vào cuối tháng 4/1975 trong một cuộc trao đổi giữa một Đại tá Bắc việt và Đại tá Quân đội Hoa Kỳ Harry G. Summers, Jr. lúc đó đang là thành viên của toán điều đình Hoa Kỳ, điều hiển nhiên đối với bọn Cộng sản gian xảo đã được bộc lộ một cách trắng trợn cho viên sĩ quan Hoa Kỳ thẳng tính:

Summers: "Ông biết là các ông chưa bao giờ đánh bại chúng tôi ngoài chiến trường."

Đại tá Bắc Việt: "Có thể là như vậy, nhưng điều đó cũng chẳng có nghĩa lý gì." (***)

 

THIÊN ĐƯỜNG XÃ HỘI

Nỗi đau đớn và cơn bàng hoàng của sự thất trận nhục nhã có lẽ phần nào đã được xoa dịu và tạm quên đi bởi sự kỳ quái cực độ của dân Sài Gòn đang cố gắng hấp thu và thích ứng với bọn Bắc Việt xâm lược. Trong một cái nghĩa rộng lớn, bộ đội Bắc Việt trong những toán tiền phương xâm lăng tựa như đã đến từ một hành tinh nào khác lạ vậy. Những người miền Bắc này giống như cá lên bờ, quá khác biệt, quá quê mùa, kém văn hóa và bị tuyên truyền triệt để. Họ cũng bị rơi vào một tình trạng bàng hoàng, ngơ ngác tuy không quá mức bằng những người mà họ vừa chinh phục nhưng dù sao cũng đáng kể.

Nhóm quân xâm lược gồm ba thành phần lính căn bản. Thành phần thứ nhất là những tên lính cũ lâu năm trong quân ngũ, dầy dạn chiến đấu, đã từng sống sót qua bao nhiêu là chiến trận và sự tàn bạo, và đã quen với các môi trường khó khăn cũng như cuộc sống khắc khổ nhất. Số còn lại hoặc là còn quá trẻ hay đã quá già, bởi vì quá nhiều thanh niên trong hạn tuổi nghĩa vụ quân sự đã bị sử dụng hết nhằm theo đuổi các chỉ thị của Bộ chính trị.

Trong mọi trường hợp, tất cả ba thành phần này hầu như không được chuẩn bị và hoàn toàn xa lạ trước sự giàu có về của cải vật chất mà những người anh em họ miền Nam đi "sai đường" này đã tích lũy được trong khi bọn chúng thì phải hi sinh tất cả để giải phóng họ ra khỏi nanh vuốt và sự tàn ác của sự sung túc tương đối phổ biến khắp mọi nơi. Không có điều gì trong sự tuyên truyền mà họ học tập và tin tưởng lâu nay nhắc đến chuyện này cả.

Nếu tình hình tại Việt Nam không đến nỗi ảm đạm và tuyệt vọng thì có lẽ cái tính nhà quê của người miền Bắc đã có thể làm đề tài cho những tấm hài kịch kỳ lạ và "khôi hài đen" nhất. Những câu chuyện bộ đội Bắc Việt bị mê hoặc bởi hệ thống ống nước trong nhà, đặc biệt là bồn cầu tiêu đã được lan truyền khắp nơi. Cũng vậy, niềm tin của họ là quạt trần chỉ là những máy móc dùng để chặt đầu cũng làm mọi người cười vỡ bụng.

Cái khái niệm là ngay cả người nghèo ở miền Nam cũng sắm được ra-đi-ô transistor, đồng hồ đeo tay, và nhiều thứ khác làm họ bị choáng ngợp, có vẻ như không phù hợp với sự tuyên truyền không bị thách thức trong gần ba thập niên mà họ đã bị nhồi nhét vào đầu. Làm sao mà tất cả những người miền Nam bị đàn áp này, nạn nhân của tên Thiệu phản bội và đế quốc Mỹ, những người anh em và bà con mà họ đã đổ bao nhiêu là xương máu để giải phóng và cải tạo, lại có thể sở hữu quá nhiều các thứ mà mà chỉ có các đảng viên kỳ cựu ở Hà Nội mới có thể có được, mà cũng chưa chắc nữa?

Tuy nhiên sẽ không còn ai cười đùa nổi với những gì xẩy ra tiếp theo sau. Mặc dù các toán xung kích ban đầu của Hồ Chí Minh có vẻ quê mùa hay lỗi thời đến đâu đi chăng nữa thì uy quyền của bọn cán theo đuôi sau đó đã lộ ra là một thứ có thể xóa tan nụ cười trên khuôn mặt những người miền Nam tốt bụng và nồng nhiệt nhất.

Mặc dù những ông chủ mới có thể ngu dốt và buồn cười đến đâu đi chăng nữa, hoặc những lời ngô nghê họ tuôn ra có vô lý đối với những người có đầu óc hợp lý và biết điều nhưng sự đau thương của trật tự mới gây ra hết sức rộng lớn và sâu đậm, và có lẽ đã được tính toán và soạn thảo trước rồi.

 

KHỞI SỰ HỌC TẬP CẢI TẠO

Biểu lộ sự xảo quyệt cùng cực và sự tàn nhẫn tuyệt đối, bọn Cộng sản đã áp dụng tiến trình "học tập cải tạo" với một sự sắc sảo và tàn bạo lớn dần theo từng giai đoạn một. Người Tây phương được biết qua dưới cái mỹ từ hết sức dễ nghe là "học tập cải tạo" hay "cải tạo tư tưởng," thực chất nó chỉ là một cuộc trả thù có tổ chức trên một bình diện vĩ đại. Không bỏ phí thời giờ nhiều sau khi đạt được chiến thắng, bọn Cộng sản nhanh chóng kiểm soát hết các phương tiện truyền thông. Vào ngày 3 tháng 5/1975, đài phát thanh tuyên bố chương trình học tập cải tạo bắt đầu tiến hành. Đầu tiên, những người tham dự sẽ bao gồm các cấp bậc thấp của quân đội cũ như chuẩn úy, hạ sĩ quan và các viên chức chính phủ cấp thấp. Bởi vì họ trước đây không là những nhân vật trọng yếu chống lại Cộng sản, do đó thời gian học tập cho những người này được ấn định là ba ngày. Trên thực tế, sự kiện những người này đã đi học tập và được trở về đời sống dân sự sau khi học xong đã chứng tỏ một mức độ thành thật nào đó về phía Cộng sản. Các sĩ quan cao cấp hơn được đưa đi trong đợt sau và bởi tội lỗi của họ đã được đánh giá bởi chính quyền mới là nghiêm trọng hơn, do đó thời gian học tập cải tạo được ấn định là 30 ngày. Sự kiện nhóm thứ nhất đã được thả về như lời hứa đã làm cho những mối nghi ngờ tan biến đi. "30 ngày thì chuyện gì xấu có thể xảy ra?" Khi Bình và những người khác được gọi đi, họ được thông báo mang theo 30 ngày lương thực. Ngoài ra Bình cũng được biết là phải mang theo áo ấm nữa. "Áo ấm? Thế này là thế nào, hay chỉ là một trò trong kế hoạch của Cộng sản để đánh lừa mình?" Tuy nhiên có còn sự chọn lựa nào khác cho những người đã bị kẹt lại đâu. Bọn Cộng sản có súng. Giả sử có chống cự lại cũng chỉ gây thêm đau khổ cho gia đình mà thôi.

Dĩ nhiên là cú lừa vĩ đại đã thành công. Bọn Cộng sản luôn luôn là bậc thầy của những trò gian manh. Một khi cái nhóm mà bọn chúng nhắm vào ‒ sĩ quan trung và cao cấp ‒ đã gần như là tự nguyện chui vào rọ như bầy cừu vào lò sát sinh thì họ hết lối thoát. Thảm kịch mà gia đình Lê Bá Bình phải hứng chịu đã được lặp đi lặp lại vài trăm ngàn lần nữa. Nỗi đau khổ mà anh, Cầm và Ngọc sẽ phải trải qua, giống như hàng trăm ngàn gia đình Việt Nam khác bị mắc kẹt và sống dưới một hệ thống học tập cải tạo đầy lòng thù hận đã kéo dài thật lâu, vượt xa cái kinh nghiệm Việt Nam của người Mỹ.

 

Trích từ: Cưỡi Ngọn Sấm - Một câu chuyện về Vinh dự và Chiến thắng trong cuộc chiến Việt Nam.
Nguyên tác: Ride the Thunder - A Vietnam War story of Honor and Triumph.
Tác giả: Richard Botkin
Người dịch: Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàng Diệu và Trịnh Bính An

______________________________________________________________________________

(*) Lực lượng trực thăng Hoa Kỳ đã được tăng cường tám chiếc loại CH-53C và hai chiếc loại HH-53 của Không Lực Hoa Kỳ từ Thái Lan và được điều động trên chiếc hàng không mẫu hạm USS Midway (CV-41) (theo Dunham và Quinlan, "TQLC Hoa Kỳ tại Việt Nam: Đoạn Kết Đầy Cay Đắng 1973-1975," 1972 ‒ "US Marines in Vietnam: The Bitter End 1973-1975)

(**) Sau khi chiến dịch Cơn Gió Lốc hoàn tất, chiếc USS Kirk đã cứu được gần 200 thường dân Việt Nam. Trước khi rút ra khỏi vùng duyên hải Việt Nam và trở về vịnh Subic, chiếc Kirk và thủy thủ đoàn dũng cảm đã đóng một vai trò then chốt trong việc giúp 32 chiếc tầu Hải quân VNCH và khoảng 30 ngàn thuyền nhân tỵ nạn đến vịnh Subic an toàn. Những chi tiết của nỗ lực nhân đạo vĩ đại này đã được cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ biết ơn và đáng được tường thuật lại.

(***) Harry Summers sau này nổi bật lên là một trong những bộ óc hàng đầu của quân đội Hoa Kỳ. Công trình sắc sảo và sâu sắc của ông "Bàn về Chiến Lược ‒ Phân tích trọng yếu về Chiến Tranh Việt Nam" (On Strategy ‒ A Critical Analysis of the Vietnam War) đã và đang là một cuốn sách mà tất cả các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ các ngành bắt buộc phải đọc qua.

 

 


Cái Đình - 2016