Phan Văn Song


Papillon

.

Kính thưa quý thân hữu, Kính thưa quý bà con.

Tại sao hôm nay chia sẻ bà con chuyện của Papillon? Cuốn tiểu thuyết tự thuật của một anh tù khổ sai, vượt ngục thành công?… Chuyện thiệt hay giả tưởng?… Nhưng anh ta kể lại, có thứ có tự có lớp có lang, hấp dẫn... một cuộc đời, đầy giang hồ, sóng gió của một tay anh chị, du côn, ma-cô, ma cạo, giết người, chuyện thiệt? Chuyện giả tưởng? Tự thuật? hay chuyện của nhiều người được tác giả gom lại, kể thành chuyện mình?… Vì anh nói là anh vô tội, nhưng vẫn bị tòa án xử phạt khổ sai, chung thân, bị đày biệt xứ, sang xứ Guyane (thuộc địa Pháp, nay hoàn toàn là một tỉnh hành chánh hải ngoại Pháp – département français d’Outre-Mer, thủ phủ là Cayenne (nơi sản xuất ớt cay nhứt xứ… Tây – piment de Cayenne). Và câu chuyện của Papillon, gợi tôi nhớ thời, sau ngày mất nước, thằng tui cũng bị tù đày Cộng Sản, ở trại T20, đường Phan Đăng Lưu trước mặt Lăng Ông Bà Chiểu, Gia định, tối tối, cơm tù xong, mở rạp hát, chiếu phim cho các bạn hữu chung tình, chung tội…

Kính thưa quý bà con,

Thằng tui ở tù Cộng Sản từ ngày 10 tháng 7 năm 1976. Ngày ấy, khoảng 11 giờ sáng, giờ Sàigòn, sau hai tiếng đồng hồ thủ tục xuất cảnh và ngồi chờ, tôi đang sắp hàng đi từ phòng khách phi trường Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn, Việt Nam, đến phi cơ đang chờ ở phi đạo để xuất ngoại, đi Paris, Pháp Quốc. Hành lý đã gởi, mọi thủ tục đã xong từ hồi 9 giờ, đây là lúc sắp hàng đi ra phi cơ (những năm ấy còn thô sơ không có xe bus chở khách ra phi cơ, phải sắp hàng đi bộ, kẻ kéo, người xách hành lý nhẹ, đến chơn cầu thang máy bay), thì, bỗng một chiếc xe jeep lùn trờ đến, với hai Công An, sắc phục áo vàng, với trát tòa, mời ông cựu Giám đốc Hãng Ladze Nước Ngọt BGI Sài gòn, thằng tui, PVS tôi, trở về Bộ kinh tế làm việc, hứa là khi xong việc, sẽ đáp chuyến bay sau – (hành lý, đã gởi rồi, Air France sẽ giữ, chờ tôi ở kho Paris, Pháp).

Chuyến bay sau? Là chuyến bay của Air France, 1427 ngày sau! Ngày 6 tháng 6, 1980, cũng khoảng 11 giờ sáng, nhưng giờ Paris, tôi đến phi trường Orly, Paris, Pháp Quốc. Chuyến du hành dài 1427 ngày đêm nầy bắt đầu ngay sau khi rời phi đạo của phi trường Tân Sơn Nhứt, chiếc jeep lùn đưa tôi về khách sạn Majestic, và nhốt tôi vào một căn phòng khá sang trọng trên lầu một, với quạt máy, với cửa sổ ngó thẳng ra bờ sông Sài gòn. Và tôi bị giam ở đấy từ trưa ngày 10 tháng 7 đến tối ngày 2 tháng 8. Làm việc – nghĩa là hỏi cung – sáng chiều tối, ngày ba bữa, với nhiều cán bộ khác nhau, thường nói chuyện kỹ thuật kinh tế, sản xuất,… ăn uống đàng hoàng cơm canh rau, nước chấm, đúng kiểu việt nam, ăn ba bữa, có bữa cán bộ đến ăn chung, để chứng minh, đồng cam, đồng khổ… Nhưng bỗng nhiên, tối ngày 2 tháng 8, bỗng nhiên, rất bất ngờ, họ đổi thái độ, vào khoảng nửa đêm, họ đánh thức tôi, và đưa về nhà, số 9, đường Thi Sách, đập cửa, thức gia đình dậy. Và trước mặt vợ tôi, hai chị giúp việc cùng chú tài xế, họ đọc bản cáo trạng, xét nhà và đọc trát bắt giam tôi để điều tra về tội phá hoại nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. May quá, vợ tôi, nhơn viên ngoại giao đoàn, làm việc tại Tòa Lãnh sự Pháp tại Sài gòn, nên việc xét nhà cũng qua loa. Vì tôi đã bàn giao tất cả cho người kế nhiệm dưới sự kiểm soát của Ban Quân quản ngày 8 tháng 7 năm 1976, trước đó rồi – tôi đã từ nhiệm từ hôm ngày 8 – BGI chuyển nhiệm tôi về Pháp để phái tôi đi làm Giám Đốc Công ty Ladze và Nước Ngọt BGI ở Médan Indonesia. Tất cả tiền bạc giấy tờ trong nhà hoàn toàn sở hữu của vợ tôi, không có gì thuộc BGI cả. Cán bộ Công An đành phải, đàng hoàng ghi nhận và buộc vợ tôi ký là không đụng đến sở hữu của vợ tôi… Họ ngỡ ngàng, và bối rối vì tất cả từ báo chí, sách vở, giấy tờ đều không có chữ việt…Vợ tôi không nói được tiếng việt, tôi đành phải thông ngôn… ngày nay cũng lại tại sao hôm đó toán Công An bắt tôi sao quá tử tế và đàng hoàng như vậy? Thủ tục thiệt ngắn gọn… Vợ tôi sửa soạn, ít đồ dùng mang theo, tôi được phép đi tắm và thay quần áo sạch – từ ngày bị bắt tôi chỉ độc nhứt một bộ đồ mặc khi đi đường. Ở Majestic, tôi giặt áo, giặt quần vào mỗi buổi tối, mặc xà lỏn ngủ, treo trong phòng, sáng khô, thay quần áo, giặt xà lỏn, mặc quần dài, sơ mi làm việc… cứ thế mà xoay vần… Suốt ngày ở khách sạn nên không đi giầy – nên không cần giặt vớ! Làm việc với chấp pháp (lấy cung) ăn uống, ngủ ngáy tất cả đều trong một căn phòng. Tối ngủ không được tắt đèn, cửa khóa lại, và chắc có người gác – hay không? thật sự tôi không biết – tôi không màn để ý, mặc sống chết do số Trời sắp đặt! Tôi là người đi Đạo Cơ Đốc, tin vào cơ Trời luật Chúa! Lúc ấy, tại sao tôi vẫn ngu dốt? vẫn nghĩ rằng sau khi… làm việc… xong, nếu xong, chậm trễ gì, tôi sẽ đi chuyến sau – họ đã hứa mà…! Nhưng tối 2 tháng 8, mới vỡ lẽ,… nhưng biết để làm gì? Sau khi rời nhà, tôi nay đã bị truy tố, tuy chỉ là tạm giam – garde à vue – nhưng vẫn trực thẳng… biệt giam, phòng 2, trại Trần Hưng Đạo (Cảnh Sát cũ thời VNCH mình)… Kể từ đó, tôi mất hẳn ngày tháng, có thể lúc đầu ở tù, tôi có theo dõi và có ý thức ngày tháng, nhưng thú thực với quý bà con, tôi, ngày nay không nhớ những ngày tháng trong thời gian ở tù gì gì cả… Tôi vẫn nhớ đến những chuyện, nhiều chuyện, nhưng ngày tháng quên hẳn. Tôi vẫn biết, rằng một phần lớn những năm tháng tù đày, tôi bị nhốt ở T20, đường Phan Đăng Lưu, trước Lăng Ông, chợ Bà Chiểu. Tại T20, có lúc ở biệt giam, có lúc ở các phòng tập thể, thoạt đầu ở Khu C1, những phòng 7, phòng 9… Sau đó tôi bị chuyển qua khu C2, ở các phòng 7, và đặc biệt ở lâu nhứt là phòng 5. Thỉnh thoảng tôi cũng bị đày đi trại cải tạo. Một lần, Suối Máu, nhưng khi đến trại thì họ chở tôi về lại, một lần khác tôi lên An Khê, chỉ ở một ngày, ngủ một đêm, rồi cũng một xe jeep lùn, cũng hai tên bộ đội, áp tải tôi về. Có lẽ họ lầm tên tôi, hay họ hù tui? Lần ấy, tôi được chu du đi từ An Khê về lại Saigon, chạy xe suốt ngày, tôi ngồi trước, với tài xế, tay không còng, chỉ còng chơn, còng Mỹ bó cườm cẳng, tê cả chơn thế thôi… Tôi cũng bị đưa lao động chiến trường, gánh cơm ở chiến trường Cam bốt Chia, sau Tết 1979, lội bộ tới Neak Luông, ở bên nầy sông, rồi cũng lại được xe jeep lùn chở về lại Phan Đăng Lưu. Do đó tôi được nếm đủ mùi… chia sẻ nỗi và cảnh đau thương với bà con tù nhơn đi đày trại lao động cải tạo một phần nào – có lẽ nhờ bà vợ ở Ngoại Giao đoàn Pháp, nên họ chỉ cho tôi nếm cho biết mùi thế thôi. Do đó, ngày nay tôi mang một tâm trạng mặc cảm, vì tôi được hưởng quá nhiều may mắn, không khổ bằng thiên hạ, nên chẳng dám có gì để huênh hoang kể lể...

Chuyện tôi muốn chia sẻ với bạn bè là chuyện tôi có tài chiếu phim, kể chuyện phim, trong tù. Trong tù để qua ngày, chúng tôi hoặc nấu ăn,… nghĩa là kể chuyện ăn uống cho đã thèm… Nhưng đó là cực hình. Vì càng nói miếng ăn lại càng thèm ăn. Sau là chiếu phim – nghĩa là kể chuyện phim… Cao bồi, tình yêu, chưởng, trinh thám… Tôi chiếu phim bằng kể các chuyện tôi đọc ở các tiểu thuyết loại trinh thám, loại điệp viên,… loại sách không hàn lâm chẳng văn hóa trí thức, thứ tào lao, đọc đỡ buồn, đọc để tìm giấc ngủ, đọc khi ngồi máy bay, xe đò, xe lửa… chuyện điệp viên hết của người Anh James Bond 007, đến của người Pháp OSS 117, hay SAS… và một trong các chuyện, một cuốn tiểu thuyết tôi vừa đọc xong, trước khi bị bắt, mua ở chợ trời là Papillon. Mà Papillon, dân Sài gòn phe ta cũng biết khá bộn, nhờ cuốn phim vừa chiếu ở rạp Rex vào cuối năm 1974, hay đầu năm 1975 gi đó… Tôi không biết ngày hôm nay các bạn bè nào đã cùng tôi chia sẻ những ngày tăm tối ở phòng 5 T20, còn nhớ những buổi chiếu phim ấy không? Ở Mỹ có bồ tèo Mai Thanh Truyết, có bạn già Trần Dạ Từ, có chú em Đinh Quang Anh Thái, ở Việt Nam còn bạn A… Anh Thiện Ý năm qua, mình gặp lại nhau ở Houston hình như có nhắc đến chuyện chiếu phim của mình… Chiếu phim, là để quên cái hiện tại, để hoài niệm cuộc sống Sài gòn năm xưa, đề quên cái nóng, để quên cái đói, để quên cái thằng bộ đội đang gác phòng giam… và để Sống Còn…

Tuần qua, mở tờ tuần báo Obs quen thuộc, bỗng thấy bài phóng sự kỷ niệm 30 năm 1969 2019 cuốn truyện Papillon ra đời. Ký ức bỗng sống lại. Bèn thoáng dịch bài viết về Papillon, chia sẻ cùng quý bạn bè thân hữu bà con. Mong rằng cùng nhau chia sẻ, mua vui cũng được một vài trống canh. Cám ơn quý bạn hữu bà con, cô bác.

***

PAPILLON chuyện thiệt hay giả tưởng!

Đúng một năm sau cuộc Cách mạng Sinh viên tháng Năm 1968, Henri Charrière, một cựu tù khổ sai – bagnard, từ Guyane trở về, viết một cuốn tiểu thuyết kể đời tù khổ sai của mình và trở thành tay cục cưng – coqueluche của xứ Paris – điệu nghệ. Chỉ vài tháng, trên vài TRIỆU cuốn tiểu thuyết Papillon được bán sạch. Truyện được dịch ra nhiều ngôn ngữ, và được cả đạo diễn Franklin Schaffner dựng thành phim do Dustin Hoffman và Steve McQueen thủ vai chánh, Papillon.

Sanh năm 1906 ở Saint Étienne de Lugdarès (vùng Ardèche) – một xứ khỉ ho cò gáy của xứ Pháp, tương đương với Năm Căn Cà Mau của Việt Nam ta vậy. Hai cha mẹ, Joseph và Marie-Louise đều là giáo viên làng. Là trai út, sau hai người chị, Henri là cục cưng của mẹ. Trong truyện Papillon, chàng kể thuở thiếu thời như một bức tranh lý tưởng: “… gia đình lễ giáo, miệng ăn ngon, mồm nói giỏi, hoa thơm, quả lạ, tai nghe chuyện hay… cậu bé hưởng đủ…” Thế nhưng, năm 1917, mẹ chàng, Marie-Louise, mất đột ngột sau một cơn bạo bệnh. Thế giới lý tưởng của Henri tan vỡ! Và chàng bắt đầu nổi chứng, chống đối tất cả mọi kỷ luật, và bị đuổi khỏi trường sau một cuộc đánh lộn. Để tránh bị truy tố, cha chàng đưa chàng vào trường thiếu sinh hải quân, mong rằng với kỷ luật quân đội, chàng sẽ đi vào nề nếp. Nhưng Henri là Henri, và chàng làm thế nào đó, Hải quân cũng thầy chạy chàng luôn, chẳng muốn giữ chàng làm gì nữa! Nhưng, khi giải ngũ về lại làng, chàng hơn hẳn dân làng quê mùa đồng lứa. Chàng, nay đã “biết giang hồ”, chàng nay “đã có thành tích”, là một “tay anh chị”. Thoạt đầu chỉ là một “đầu nậu” thôi, nhưng chẳng chốc biến thành “đại ca” của một nhóm “du đảng” phá làng phá xóm, làm ăn, kiếm chác quanh làng. Nhưng, chẳng mấy chốc mở rộng biên cương lãnh thổ qua những làng bên cạnh. Thế nhưng, những buổi chợ, những buổi liên hoan, khiêu vũ ở xóm, ở làng dù có ngon lành thật, dù có kiếm sống đặng, nhưng đời sống “anh chị thứ thiệt” là ở Paris. Do đó chàng “du Paris”!

Paris :

Đến Paris. Henri phải đi tìm “chỗ đứng”. Các sòng cờ bạc vùng Montmartre, các Casino đánh lớn, các trường đua ngựa là những môi trường hoạt động… Đây vài cú “vay mượn”, đó vài vụ “cướp giựt”, đây “hỏi giấy”, nọ thanh toán… Vài đụng chạm với vài tay “anh chị”, “đứng bến”, “đầu nậu”… Vài cuộc yêu vội vã, hái vài hoa thơm, khi thành thị, lúc miệt vườn… nào hoa hậu bê-tông, nào ngôi sao đồng nội… và cuối cùng, cuộc tình với “Nénette” Georgette Fourel… và… và… Vào một đêm tối trời của ngày 26, tháng 03 năm 1930, vào 3 giờ sáng, Roland Legrand, một tên ma-cô tiểu tốt, đứng bến khu Pigalle, khu đèn đỏ nổi tiếng Paris, bỗng ngã xuống, bụng đầy máu vì ăn đạn. Trước khi trút hơi thở, hắn khai Papillon đã giết hắn! Mà Henri cũng được giới giang hồ Paris gọi là Papillon! Vì Papillon – một con Bướm, được xâm trên ngực Henri vào lúc thiếu thời, khi chàng ở ngục Calvi, trên đảo Corse năm 1920 – Papillon, con bướm, điển hình cho Tự Do, cho con sâu rọm xấu xí, nay đã trưởng thành bướm vàng rực rỡ, tung cánh tự do. Và Henri chối hẳn, không nhận mình hung thủ, bảo rằng Paris lúc bấy giờ rất có nhiều người có tên giang hồ Papillon! Có thể! Nhưng cảnh sát chỉ bắt được Henri! Và hôm ấy chỉ có Papillon – Henri chàng ta là bị cảnh sát tóm cổ thôi! Và dù Henri có kêu oan đi nữa, Toà vẫn không tin và tuyên án khổ sai chung thân Henri vì tội cố sát!

Tù khổ sai – le bagne

Khổ sai – địa ngục trần gian. 13 năm tất cả! 13 năm và 9 lần vượt ngục! Vì với Papillon, ngay ngày đầu khi đặt chơn xuống đất tù Guyane, trong đầu Henri đã nổi lên ý chí phải vượt ngục! Phải tìm tự do! Để trả thù, những ai đã buộc tội mình! Và chứng minh mình vô tội! Và Papillon, từ đấy, ngày đêm chỉ nuôi ý chí phải vượt ngục!… Và cuốn truyện kéo người đọc một lèo, lôi cuốn. Người đọc chia sẻ, say sưa với cái nỗi ám ảnh của vượt ngục của Henri! Người đọc theo dõi anh tù khổ sai gan dạ, anh hùng, kẻ cả, được tất cả các tù nhơn khác mến mộ (dĩ nhơn “cái mến” phải được kéo về nhơn vật chánh). Giọng văn dí dỏm, lôi cuốn, đầy cảm tình với tác giả. Khổ thì khổ đấy, nhưng những cái nhìn của Henri Papillon không uất hận, trái lại đầy tình người, khi tả cái cảnh phải làm việc cùng các bạn tù “cùi”, khi nhìn thấy anh bạn cùi “rụng một ngón tay”, mà vẫn tỉnh bơ…  Hay khi sống với đám thổ dân Gualiros. Kể chuyện trong một lần vượt ngục, chàng tắp vào đảo của các thổ dân ấy, được nuôi sống và được cả người tù trưởng gả cả hai người con cho làm vợ. Chàng nếm được tình yêu và nhục dục nơi các cô thiếu nữ, chuyên nghề lặn vớt hột trai – pearl. Hai nàng thanh nữ, một khoảng 16 đến 18, và một cỡ 13/14 tuổi. Với “… hai quả đào chỉ to bằng hai quả quýt”… Lâm ly, ướt át, như những loại tiểu thuyết hạng hai.

Còn những chuyện vượt ngục? Toàn chuyện ngoài sức tưởng tượng? Thiệt? Giả? Hoàn toàn xạo? Thêm mắm thêm muối? Có có không không! Chả sao! Nào chuyện Papillon vượt với môt chiếc bè đóng bí mật trong một nghĩa địa, nào chuyện Papillon bắt cóc một giám đốc nhà tù, trong một buổi thánh lễ tại nhà thờ, dùng áp lực để vượt ngục, nào chuyện Papillon đánh thuốc ngủ anh cai ngục, nào chuyện Papillon dùng thuốc nổ phá tường ngục… Mọi thất bại đều chuốc những hình phạt nặng nề, dã man, gông cùm,…. Nhốt nhà kín – cachot, réclusion là một hình phạt ghê rợn nhứt! – Cộng Sản Việt Nam, ghê rợn nhứt là nhốt connex, tủ sắt… Papillon đáng lý phải bị nhốt trong một phòng kín, nhỏ xíu, không ánh sáng, 8 năm! Và nếu vậy, chắc chắn rằng nơi ấy sẽ là mồ huyệt của chàng. May mắn thay, mầu nhiệm thay, một hôm, một trong những buổi được phép ra “tắm nắng”, chàng nhảy xuống biển đầy cá mập để cứu một em bé gái con một quan chức chẳng may trợt chơn rơi xuống biển. Nhờ hành động dũng cảm nầy, án nhà kín được tạm ngưng. Và dĩ nhiên, cái án treo “nhà kín” ấy cũng không chàng chồn chơn. Và chàng lại vẫn tiếp tục mơ vượt ngục. Cuối cùng, bị đày ra đảo Ma Quỷ – l’île du Diable. Ở đấy, cùng một người bạn, hai chàng vượt ngục trên những chiếc bè gồm những bao cát, đầy dừa khô kết lại… Và… và…  cuối cùng chàng thành công năm 1944! Thở phào, mừng cho Henri!

Đổi cảnh, đổi đời

Một cuộc đời mới bắt đầu. Ở tuổi 38, ở Venezuela, Henri làm việc ở một công ty dầu hỏa một thời gian. Sau đó, chàng làm quản trị cho một khách sạn cùng cô bạn mới, Rita. Ít lâu sau, hai người đồng quản trị một khách sạn, tên Vera Cruz tại thành phố Maracaibo, 80 cây số cách biên giới Colombie… Cuộc sống của chàng nay tạm ổn định! Nhưng phép mầu nhiệm nào biến tên tù vượt ngục thành một tác giả của một best-seller? Giai thoại kể rằng năm 1967, Henri Charrière, đi ngang qua một tiệm sách Pháp ngữ ở Caracas. Trong quầy sách bày cuốn tiểu thuyết “L’Astragale” tác giả Albertine Sarrazin, với lời giới thiệu rằng đây là chuyện do một cựu phạm nhơn vượt ngục viết, và với giòng tiếp theo là xuất bản tại Paris 123.000 bản. Henri Charrière nhà ta, tò mò mua và đọc. Đọc xong, bỏ sách xuống, chàng chê và tuyên bố “chuyện chỉ như vậy mà bán được 123.000 cuốn, chuyện mình chắc chắn sẽ bán ba lần hơn!”. Và chàng bắt tay vào việc. Mỗi ngày, sau quầy hàng tiệm rượu Scoth-Club, tiệm đang nuôi sống chàng và vợ chàng… chàng miệt mài viết. 6 tháng, 13 cuốn vở học trò.

Viết xong, chàng gởi đến nhà xuất bản của tác giả Albertine Sarrazin, Jean-Jacques Pauvert. Thế nhưng, Jean-Jacques Pauvert đã bị phá sản. Người phụ tá thân cận nhứt của của Jean-Jacques Pauvert, Jean-Pierre Castelnau, đọc được bản thảo của Henri, thích quá, bèn cầm bản viết tay của Charrière đi tìm Jean François Revel, nhà Giáo, nhà Triết học nổi tiếng thời bấy giờ, để chia sẻ cái háo hức của mình và nhờ ông Giáo sư giới thiệu cùng đến gặp Robert Laffont, chủ nhà xuất bản sách số một Paris thời bấy giờ. Sau đây là hồi ký của cô con gái của Robert Laffont, Anne Carrière, nay cũng là một nhà xuất bản, kể lại: “Lúc ấy, cha chúng tôi ở Neuilly, (ngoại ô sang trọng phía Tây Paris), và tôi nhớ mãi, cái hôm ông đang ngồi đọc bản thảo tay của Charrière, ngoài vườn. Tôi đến gần ông (Anne năm ấy 20 tuổi), ông ngẩng đầu lên, và nói: “Cuốn truyện nầy thật quá hấp dẫn ; chắc chắn ta sẽ vượt con số bán là 10 ngàn cuốn!”. Và Ông bán một triệu cuốn”.

Ông quyết định cho xuất bản ngay. Giữa ông và tác giả không gì trục trặc, ngoài cái tựa. Ông quyết định dùng tựa là Papillon. Papillon không chịu. Nhứt định phải là “Con đường đầy nhục nhã – Le chemin de la pourriture”. Vincent Didier, người từng viết tiểu sử của Henri Charrière, (Papillon libéré – Con bướm được tự do nxb La Fontaine de Siloé) chứng nhơn vụ đặt tên cuốn tiểu thuyết ấy: “Charrière giận dữ đứng dậy, nắm cà vạt nhà xuất bản, thốt: “Không được dùng tên Papillon”. Một lúc sau Robert Laffont, nhờ tôi hỏi Charrière tại sao tên Papillon tạo sự giận dữ như vậy. Charrière trả lời, cái tên Papillon nhắc hắn ta một quá khứ quá đau buồn của thời niên thiếu”. Cuối cùng Robert Laffont cũng đạt được ý muốn nhờ can thiệp của Rita, cô vợ của Charrière. Theo nàng, nhà xuất bản có lý. Cuốn tiểu thuyết Papillon ra mắt độc giả tháng 5/1969. Ngay tuần lễ đầu đã là 300.000 cuốn rồi, bán sạch, tuần sau, vượt 400.000 và vào giữa hè năm ấy con số xuất bản tròn chẵn Một Triệu cuốn!

Ngay những ngày đầu, thành công đã rực rỡ, các nhà nhận định đều khen ngợi. Chỉ trong vài tuần lễ, tiểu thuyết Papillon, số một thống kê số sách bán, hạ cả số bán của sách trúng Giải Goncourt “Creezycủa Félicien Marceau. Charrière từ nay, là con cưng của giới bảnh Paris. Được mời mọi nơi, nhưng vẫn còn những vụng về của tay, tuy anh chị, nhưng còn nhà quê. Anne Carrière kể: “Ba tôi (nhà xuất bản Robert Laffont) tổ chức một buổi cơm trưa, mời khoảng 15 nhà ký giả gộc đến gặp Papillon, trong một tiệm ăn sang trọng ở Paris. Tôi (Anne Carrière) ngồi không xa Papillon lắm. Món ăn đầu là cá, và như thường lệ trong các loại nhà hàng nầy, nhà hàng dọn ra một cái chén nhỏ đựng nước với một lát chanh để rửa các ngón tay – rince doigts – Anh chàng Charrière, đúng dân nhà quê, chưa bao giờ thấy một cái rincedoigts, và cũng không biết thông dụng, bèn bưng cái chén nhỏ và húp. Do đó, tôi cũng phải làm như vậy, ba tôi cũng làm theo, và mọi người đều bưng chén nước và húp”.

Nhờ có duyên, và tài kể chuyện, Henri Charrière chinh phục từ người dân thường đến những tài tử ngôi sao, hay người quý phái. Henri được chụp hình cạnh Françoise Hardy, Johny Halliday hay Brigitte Bardot. Dĩ nhiên có bề mặt cũng có bề trái, Charrière bắt đầu bị ganh tỵ, ghen ghét… năm 1970, đã có vài cuốn sách ra chống chàng. Nhưng chàng lờ cả, cho pha hết, và bắt đầu thoải mái với cái nghề mới của mình. Năm 70, chàng viết kịch bản – scenario cho cuốn phim “Popsy Pop” và đóng phim cạnh Claudia Cardinale, cho ra đời hai dĩa hát “Papillon kể những chuyện kỳ diệu về các người bạn indiens cho các trẻ Papillon raconte aux enfants les merveilleuses histoires de ses amis indiens” và để chống những người còn nghi ngờ tài nghệ mình, chàng viết cuốn tiểu thuyết “Banco” năm 1973. “ Papillon như một đứa trẻ con, với đôi mắt mở to, mê mẩn trước tất cả những sang trọng – Il témoignait devant le luxe, d’un émerveillement d’enfant!”. Robert Laffont nhận xét về cái ngây thơ thật tình của Henri trước sự thành công.

Một hôm, hai người cần phải đi New York, Henri buộc nhà xuất bản phải mua cho mình ghế máy bay hạng business – business class! Nhờ đó mà, vô tình, Robert Laffond ngồi cạnh nhà sản xuất phim của đạo diễn J. Schaffner tác giả sắp sửa dựng phim Papillon với Dustin Hoffman và với Steve Mc Queen trong vai chánh Papillon. Khi xuống New York, Charrière vừa chưởi thề vừa nói với nhà sản xuất: “Tu vois, couillon, celui-là, c’est pas en économique que tu l’as rencontréĐM, nếu đi hạng chót làm sao gặp tên nầy!”. Henri Charrière mất năm 1973, khi cuốn phim được ra lò. Đời của Charrière đến phút cuối vẫn hư thực lẫn lộn như một cuốn phim.

Phỏng theo bài phóng sự của Elisabeth Philippe tuần báo OBS số 2853 tuần 11 đến 17 07/2019.

________

TB: Cuối năm 1980, tôi được Robert Despierres, anh bạn Pháp, sanh ở Việt Nam, quen nhau từ Sài gòn, rủ tôi nhận công tác dắt một đoàn 80 người Hmong, tỵ nạn Cộng Sản qua lập nghiệp ở Guyane. Do đó tôi được dịp công tác và du lịch 6 tháng ở Guyane. Tôi có viếng Cayenne thủ phủ, Đảo Ma Quỷ – île du Diable, xem những di tích của trại khổ sai…. Do đó thỏa mãn một cái tò mò và cũng là… Một tình cờ thú vị!

.

Hồi Nhơn Sơn, những ngày nóng “chó ngáp” canicule 2019
Phan Văn Song


Cái Đình - 2019