Nguyễn Hiền


Những ổ bánh mì baguette và cuộc chiến triền miên

Roger Cranse (người thứ ba từ phải), tại Việt Nam

Vào tháng 10 năm 1967, hai trung đoàn quân nổi dậy Việt Cộng và các đơn vị của hai trung đoàn bộ đội Bắc Việt đã tấn công các trụ sở của bộ chỉ huy quận của chính phủ và Lực lượng Đặc nhiệm A ở Lộc Ninh, tỉnh Bình Long, ở mạn tây nam Nam Việt. Gần như tất cả 3.000 cư dân Lộc Ninh chạy loạn xuống phía nam, tới An Lộc, tỉnh lỵ cách Saigon 60 dặm về phía bắc, theo quốc lộ 13.

Lúc đó tôi là một sĩ quan trừ bị trẻ tuổi thuộc Bộ Ngoại Giao, cùng với USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ), sống tại An Lộc trong một tòa nhà cũ của Pháp dùng làm văn phòng, cùng với năm hay sáu viên chức khác. Chúng tôi là những người làm công tác chống nổi dậy, bằng tất cả tâm huyết. Chúng tôi khi đó cho rằng chúng tôi có thể chiến thắng một cách tốt đẹp. Công việc của tôi là cứu trợ người tị nạn.

Tôi đã dành nhiều ngày để vận chuyển thực phẩm, mùng, những thùng hàng của CARE, quần áo cũ của CRS (Dịch vụ Cứu trợ Thiên chúa giáo), mền len từ Ủy ban Trung ương của hệ phái Mennonite và các thứ linh tinh khác cho những người tị nạn ở An Lộc. Các cán sự xã hội trẻ người Việt trong những chiếc áo dài đủ màu đi lẫn trong đám người tị nạn, phân phát những đồ tiếp liệu này và quỳ trên gót, ghi tên từng người tị nạn một lên những chiếc bảng con.

Vài ngày sau cuộc tấn công ban đầu – cuộc chiến đã kéo dài một tuần rồi – chúng tôi được tin là có tới hàng trăm người tị nạn ở Lộc Ninh đã chạy dạt lên phía bắc, tới một làng có đồn điền cao su gần biên giới Campuchia. Thượng cấp phái tôi lên đó để coi sự tình. Tôi chụp điện thoại và gọi một chiếc trực thăng – trong đời tôi chỉ có một lần duy nhất là có đủ quyền hạn để làm một việc như thế. Nói trắng ra chúng tôi sẽ bay vào vùng đất không có người ở: chẳng có gì gọi là thân thiện ở quanh đó, còn Thẩm Quyền thì ở khắp mọi nơi những đồng thời không có mặt ở nơi nào hết.

Chỉ vài ngày trước đó chúng tôi đã nhận một lô hàng lớn gồm các bao có mang nhãn “Bột làm bánh mì”. Có ai đó nêu ý kiến là giao ước với ông chủ lò bánh mì trong vùng của chúng tôi: Chúng tôi đưa ông ta bột, rồi ông sẽ làm bánh mì ổ dài (baguette) mỗi sáng, cho chúng tôi một nửa và bán phần còn lại. Tất nhiên điều này vi phạm điều lệ của USAID, nhưng ngoài nơi chúng tôi ở ra, không có người nào đưa ra được những qui định như thế.

Sáng hôm sau, tôi đã chuyển những chiếc thúng đan có chứa bánh mì baguette và các đồ tiếp tế khác lên chiếc trực thăng và bay tới nơi có những người tị nạn. Chúng tôi đáp xuống ngay trên Quốc lộ 13, trước mặt một rạp hát nhỏ nơi những người tị nạn đang trú ngụ. Tôi dỡ bánh mì xuống, nói chuyện với ông cha người Việt phụ trách, và cất cánh. Chúng tôi trở lại vào sáng hôm sau và sáng hôm sau nữa. Không có chuyện gì xảy ra; mọi thứ dường như an toàn.

Ngày thứ tư, trực thăng không đáp trên Quốc lộ 13 mà trên một khu đồng cỏ mọc dầy đặc ngang con đường dẫn tới rạp hát. Tôi khởi sự đi bộ băng ngang qua cánh đồng. Ở ngoài bìa cánh đồng, vị linh mục và những người khác đang đưa tay lên trời. Tôi không biết họ có ý gì; tôi đi tiếp. Khi tới lộ, vị linh mục chỉ vào khoảng đồng mà tôi vừa đi qua và nói: "Bãi mìn – đầy mìn cũ tụi Pháp để lại".

Tối đó, trở về ngồi dưới mái hiên của tòa nhà Pháp ở An Lộc và uống rượu Scotch mua từ PX ở Sài Gòn, tôi đã nói với đồng nghiệp của tôi về bãi mìn. Chúng tôi đã cười vang trời và tôi đã quên toàn bộ mọi thứ. Tối hôm đó, Việt Cộng nã một tràng súng cối và hỏa tiễn vào chúng tôi. Chúng tôi chen chúc trong các hầm trú ẩn ở ngay sát hiên nhà và sau đó, sau cuộc tấn công, lại uống thêm Scotch.

Tôi rời Việt Nam vào tháng 2 năm 1968, và tạo dựng nhiều thứ: tốt nghiệp, lập gia đình, một công việc trong trường đại học. Việt Nam trở thành chuyện quá khứ của tôi. Tôi không nghĩ nhiều về nó và hầu như không khi nào nói gì tới nó nữa.

Rồi một hôm, một khoảng thời gian sau, trong khi đi tắt qua khu học xá của chúng tôi, qua một khoảng đất có cỏ mọc chen lẫn cỏ dại, tôi nghĩ: Hy vọng đây không phải là bãi mìn.

Có những điều còn đọng lại lâu dài trong hệ thần kinh của bạn sau khi sự việc đã xảy ra và còn lâu sau khi bạn nghĩ rằng bạn đã quên chúng. Tôi đã không thực sự hoàn toàn quên chúng. Những người tị nạn mồ côi trong rạp hát cũ gần Campuchia; các nhân viên xã hội duyên dáng trong áo dài quỳ trên gót chân, trao tay những gói tặng phẩm của CARE; những tên lửa đáng sợ đang rít lên trong không khí vào ban đêm; những chuyến bay đầy nguy hiểm rình rập vào nơi không dân cư – tất cả những cái này đã lưu lại một nơi nào đó trong tôi, trong khi tôi tiếp tục cuộc sống hạnh phúc trong bình thản.

Tôi và vợ tôi đã đến thăm Đài Tưởng niệm Cựu quân nhân Việt Nam vào đầu thiên niên kỷ mới. Có 58.318 tên ghi trên Bức Tường. Một nửa số người chết là sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, sau khi chúng tôi đã biết là chúng tôi đang trên bước đường rút khỏi cuộc chiến.

Không ai biết chính xác bao nhiêu người Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến của chúng tôi ở nơi đó. Ba triệu người có thể là một ước tính đáng tin, khoảng 20 phần trăm dân số Việt Nam vào thời điểm đó – tương đương với 60 triệu người Mỹ. Trước đó, chúng tôi ủng hộ Pháp trong cuộc chiến thuộc địa của họ chống lại sự độc lập của Việt Nam. Và sau khi Pháp thua cuộc chiến này, chúng tôi đã giúp đỡ việc sắp đặt sự chia đôi Việt Nam, tạo ra giai đoạn cho "Chiến tranh Hoa Kỳ" tiếp theo.

Nhưng bây giờ chúng tôi đã đi xa hơn; Chiến Tranh Lạnh đã kết thúc, có những thách thức mới trên thế giới, Việt Nam đã trở thành những năm tháng cũ. Nhiều người Mỹ và người Việt thậm chí còn không sống trong cuộc chiến đó, nay đã trở thành cổ xưa. Nhưng tôi tự hỏi: Liệu chúng ta có hoàn toàn ước lượng được tội phạm đạo đức của chúng ta khi làm đất nước nhỏ bé đó phải chịu khổ sở gần ba thập kỷ chăng?

Và tôi cũng tự hỏi lẽ nào lại không có một tì vết gì, hay cái gì đó còn thiếu trong khí sắc quốc gia của chúng ta – là không có khả năng nhìn thấy chỗ mà chúng ta có thể vướng sai lầm và dừng lại trước khi gây ra một sai lầm lớn? Và sau đó là một sự mất trí nhớ, quên đi những sai lầm và lại tiếp diễn, một lần và rồi một lần nữa. Có lẽ đó là cảm giác không thể lay chuyển của chúng ta về sự chính đáng của chúng ta, chủ nghĩa tự hào xuất chúng của chúng ta. Chúng ta có thể làm mà không sợ sai.

Năm 1972 An Lộc bị phá hủy trong một cuộc giao tranh dài, cay nghiệt. Tôi chắc chắn là tòa nhà cũ của Pháp đã biến mất, khu chợ, bãi đáp trực thăng, lò bánh mì.

Đôi khi người ta hỏi tôi: "Bạn đã có lần nào trở lại nơi đó chưa?" Như thể tôi đang trở lại một nơi nghỉ mát ưa thích của thời thơ ấu. Trong một cách nào đó, tôi đã phát hiện ra qua nhiều năm, là tôi đã không bao giờ rời bỏ nơi ấy.

.

Roger Cranse
Nguyên tác: Baguettes and the Forever War (The New York Times, 27.02.2018)

Người dịch: Nguyễn Hiền

__________

Roger Cranse đã tạo bước đường sự nghiệp tại Đại học Norwich và Trường Cao đẳng Cộng đồng Vermont, nơi ông vẫn còn đang dạy. Ông đã phục vụ tại Việt Nam từ năm 1966 đến năm 1968.


Cái Đình - 2018