Tâm Tịnh An


Những ngày cứu trợ

Mùa hè 1972.

Năm học thứ nhất sắp xong. Tuy đã gần một năm học ở trường Dược nhưng Tâm vẫn còn nhút nhát lắm. Cái mặc cảm gái quê lên tỉnh vẫn còn đậm nét nên ngoài chị Diệp cùng quê ở chung nhà trọ, Tâm hầu như chưa quen với ai cả.

Tình hình chiến sự ngày càng sôi động, chiến tranh mỗi lúc một leo thang. Trong trường bắt đầu nghe bàn tán về những đồng bào tị nạn đang bỏ nhà bỏ cửa chạy về phía gần Sài gòn để tránh bom đạn. Nghe nói ở Bình Dương có một trại tiếp cư để giúp đỡ cho đồng bào, Tâm nôn lắm nhưng chưa biết sẽ lên đó bằng cách nào. Thế rồi một buổi chiều chị Diệp nói, “Chiều nay trong trường có người đi Bình Dương, em có muốn đi không?”, Tâm mừng lắm. Hôm đó là chiều thứ sáu, Tâm lấy chiếc túi nhét vào một bộ quần áo và vài món vật dụng cá nhân rồi theo chị Diệp vào trường, ở đó đã có mấy anh đi xe Honda chờ sẵn. Tâm không biết ai chở chị Diệp, còn Tâm thì đi với anh Khánh học trên Tâm mấy lớp.

Ở Sài gòn gần một năm, đây là lần đầu tiên Tâm “đi xa”. Đường đi từ Sài gòn lên Bình Dương thật là đẹp, hai bên đường toàn là vườn cây ăn trái. Thỉnh thoảng lại có trạm bán trái cây như mít, dâu, chôm chôm… trông thật hấp dẫn. Anh Khánh thấy Tâm nhút nhát thì ân cần hỏi han nên chỉ một lát thì Tâm thấy thân mật tự nhiên chứ không còn e ngại nữa. Anh ghé lại mua một ít trái cây mang lên cho các bạn ở trại. Khi cả bọn lên tới trại thì trời đã về chiều. Sau khi giới thiệu sơ các “tân binh” với các anh chị ở trại, anh Khánh xung phong dắt Tâm đi một vòng cho biết tình hình. Trại khá rộng, có lẽ là một trại gia binh cũ, gồm nhiều dãy nhà lợp tôn song song nhau, họ gọi là “sam” A, B, C, D…, không biết chữ nầy từ đâu ra. Các gia đình đồng bào tị nạn chia nhau ở trong các sam và họ tự nấu nướng lấy. Mỗi ngày, đặc biệt là thứ bảy, chủ nhật sẽ có các xe chở đồ cứu trợ tới, phần lớn là của tư nhân hoặc các cơ quan từ thiện như hội Hồng Thập Tự, nhà thờ, chùa chiền… Người ta chở tới đủ thứ, từ quần áo, mùng mền cho tới gạo, nước, rau cải, đồ hộp…Thuốc men thì đã có sự bảo trợ của các hãng bào chế và các dược phòng. Ban quản lý gồm các sinh viên Y Nha Dược với nhiệm vụ tiếp nhận các đồ cứu trợ, “bốc vác” cho vào kho rồi mỗi ngày đem phân phát cho đồng bào. Hình như sinh viên cũng kiêm luôn nhiệm vụ tiếp nhận đồng bào mới tới và sắp xếp chỗ ở cho họ vì Tâm không nhớ có gặp nhân viên nhà nước nào cả. Sinh viên cũng kiêm luôn nhiệm vụ khám bệnh phát thuốc cho đồng bào. Buổi chiều hôm ấy đã để lại trong lòng Tâm một sự xúc động sâu sắc. Tâm biết ngay là mình rất muốn ở lại đây, muốn tham dự vào sinh hoạt nầy. Giữa Tâm và những người bạn vừa mới gặp, giữa Tâm và những đồng bào Tâm gặp hôm nay và những ngày sắp tới đã nẩy sinh một thứ tình cảm thật đặc biệt. Tâm rất muốn là một phần của họ.

Thế là Tâm gia nhập trại. Công việc rất nhiều nên cũng không mấy khi rảnh rang. Tâm tham dự vào tất cả mọi công tác, từ việc phát đồ ăn, quần áo cho đến phát thuốc, xức ghẻ, cắt tóc, nấu cơm, rửa chén… Sinh viên cũng ăn bằng đồ cứu trợ như đồng bào, thường xuyên nhất là món rau muống xào ăn với cá mòi hộp, chế thêm nước tương và củ hành. Buổi tối khi công việc xong thì có màn đàn hát rất vui. Tất cả các sinh viên đều ở chung với nhau trong cùng một “sam”, tối ngủ thì nam một bên, nữ một bên, tất cả đều nằm dưới đất, châu đầu lại với nhau. Một buổi sáng anh Khai than, “Hồi tối nầy tui ngứa đầu mà gãi hoài không hết ngứa, té ra là tui gãi nhầm đầu của chị Lan!” Có đêm nghe tiếng anh Sử mớ, “Còn sam B, chưa phát cho sam B!”. Thương thì thôi!

Trong trại ấy chỉ có Tâm và chị Diệp là sinh viên năm thứ nhất nên được các anh các chị lớp trên cưng lắm, hôm nào có đồ ăn ngon thì cũng được để dành phần hơn. Tuần đầu Tâm chỉ ở trại hai ngày thứ bảy, chủ nhật rồi về đi học, nhưng sau đó thì vui quá Tâm ở lại luôn. Mấy anh chị “dụ” Tâm ở lại luôn thì buổi tối sẽ giúp Tâm ôn bài vì cũng đã sắp đến kỳ thi cuối khóa. Những buổi tối ôn bài cũng rất vui và càng làm cho tình cảm của Tâm đối với các anh chị thêm đậm đà. Hôm Tâm vừa thi xong môn cuối cùng thì đã có một anh trong bọn chờ sẵn ngoài cửa lớp để chở Tâm đi… cứu trợ tiếp.

Có một chuyện làm Tâm nhớ mãi. Đêm ấy là một đêm sáng trăng, Tâm có việc phải ra ngoài. Giữa sân trại, dưới ánh trăng vằng vặc, một em bé gái chừng tám chín tuổi đang đứng một mình. Tâm bước tới hỏi em, “Tối rồi sao em chưa ngủ, còn đứng đây làm gì?”. Em đáp,“ Em đón xe về nhà”. Tâm thấy hơi rờn rợn nhưng cũng cố hỏi em, “Nhà em ở đâu? Giờ nầy đã khuya rồi làm gì có xe mà đón?”. Em lại nói, “Có mà, em đợi một lát thì phải có chớ, em phải về Chơn Thành kiếm ba má em”. Tâm dỗ em, “Thôi em về ngủ đi, sáng mai rồi hãy đi, bây giờ không còn xe cộ gì nữa đâu”. Em do dự một chút rồi quay lưng đi về dãy sam đàng xa. Tâm đoán chắc em bị lạc cha mẹ, hay em đang bị mộng du, hay em là một bóng ma cũng không biết chừng…

Ngày vui nhất có lẽ là ngày một anh trong nhóm sinh viên cứu trợ tìm được chính gia đình mình trong nhóm người tị nạn vừa mới đến trại. Gia đình anh gồm có ba má và tám chín người em, tất cả đều tìm được đường đến trại tị nạn an toàn. Mọi người gặp nhau mừng mừng tủi tủi, và niềm vui ấy đã được chia xẻ với tất cả anh chị em trong trại.

Kỳ nghỉ hè năm ấy Tâm không về nhà. Sau khi trại Bình Dương đóng cửa, trường cũng đóng cửa nghỉ hè, chị Diệp cũng đã về quê, nhưng một nhóm sinh viên Dược Khoa lại tổ chức đi Nha Trang cứu trợ cho đồng bào từ Đông Hà, Quảng Trị… chạy về, và Tâm lại tiếp tục đi theo các anh chị. Đoàn có tất cả mười người, mang theo một số thuốc men xin được của các viện bào chế và các dược phòng. Bận đi cả bọn quá giang xe Hồng Thập Tự, đến Nha Trang thì đóng đô tại Chợ Đầm, lúc ấy đang xây chưa xong. Tâm không rõ đồng bào từ các tỉnh phía bắc Trung phần chạy về Nha Trang bằng cách nào nhưng đông lắm, họ chia nhau ngụ tại các gian hàng chợ còn đang xây cất dang dở, một số khác ở các trường học. Sinh viên không phải quản lý và phân phát đồ ăn nữa mà chỉ đảm trách việc phát thuốc, xức ghẻ, mổ nhọt, và… cắt tóc. Trong chuyến đi nầy Tâm quen được một em gái rất xinh đẹp, ăn nói dịu dàng nhỏ nhẹ. Gia đình có vẻ rất nề nếp và cậu em trai đàn Tây Ban Cầm rất hay. Một buổi tối em độc tấu bài Lòng Mẹ làm cả đoàn bồi hồi… nhớ mẹ. Em gái đang học lớp 11 mà phải bỏ học đi chạy loạn. Em rất quyến luyến Tâm và thường hay tìm gặp Tâm để trò chuyện khi Tâm rảnh. Khi đoàn chia tay trở về Sài gòn thì gia đình em vẫn chưa hồi cư được.

Chợ Đầm Nha Trang

Sau chuyến đi Nha Trang về, nghe ở Long Thành vẫn còn một trại tiếp cư nên nhóm lại tiếp tục công việc khám bệnh phát thuốc ở đây. Ban ngày thì cũng có các anh chị cư ngụ tại Sài gòn đến giúp, nhưng buổi tối chỉ còn có một mình Tâm là gái ở lại luôn mà thôi nên Tâm lại càng được các anh quí mến. Buổi tối, các anh dùng các túi xách quần áo ngăn cho Tâm một chỗ ngủ riêng gọi là Le mur de valises, vậy mà Tâm cảm thấy thật ấm cúng, an toàn và… yên tâm. Tâm ở lại trại Long Thành cho đến khi trại nầy đóng cửa.

Trại Long Thành

Những ngày ở trại là những ngày hạnh phúc nhất trong đời sinh viên của Tâm. Tâm thấy chung quanh mình toàn là những người tốt, những người xả thân quên mình để giúp đỡ người khác. Tâm thật lòng thương mến các anh chị đã cùng chia xẻ với Tâm từ công việc đến miếng ăn, chỗ ngủ. Tâm thương những đồng bào đã phải xa nhà lìa cửa, tạm lánh nạn ở đây mà không biết khi nào mới được trở về nhà của mình, mà khi trở về thì nhà cửa của mình có còn đó không? Đặc biệt là trong suốt thời gian ở trại, Tâm không nhớ có xảy ra chuyện đáng tiếc nào. Sinh viên đi làm thiện nguyện thương mến nhau đã đành, nhưng giữa những đồng bào tị nạn của mình cũng không hề có chuyện gây gổ hay trộm cắp mới là lạ. Người ta nói trong thế chiến thứ hai, tinh thần kỷ luật của người Đức rất đáng nể phục. Riêng Tâm, thời gian ở các trại tị nạn đã cho Tâm thấy tinh thần kỷ luật của người Việt Nam trong chiến tranh cũng đáng hãnh diện lắm đó. Mùa hè 1972 đã để lại trong lòng Tâm những kỷ niệm khó quên. Quả thực Tâm đã sống, đã làm việc và đã yêu thương với tất cả sự hồn nhiên trong sáng của một người trẻ tuổi chưa từng biết tới sự xấu. Đó là quãng đời đẹp nhất của thời sinh viên mà Tâm đã may mắn có được. Tâm muốn tri ân tất cả những người bạn và những đồng bào đã cho Tâm những ngày hạnh phúc đầy ắp tình người thật tuyệt vời.

 

Tâm Tịnh An

(Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/nhungngaycuutro.htm)


Cái Đình - 2018