Topa


Những đêm trăng trong Cổ thành Quảng Trị

.

Tôi đã qua rồi cái mà người ta gọi là ‘cổ lai hy’… được vài năm. Tôi quyết định phải về thăm lại quê hương Việt Nam mà từ ngày ra sinh sống ở nước ngoài tôi không muốn về. Lần này tôi phải về để gọi là có ‘chuyến đi dối già’.

Chú tài xế của khách sạn Hương Giang thành phố Huế có mặt đúng sáu giờ sáng. Hôm nay tôi muốn đến thăm lại những địa danh: Lao Bảo -  Khe Sanh - Thánh địa La Vang… mà thời còn trai trẻ tôi đã cầm súng bảo vệ quê hương chống lại quân Việt Cộng trong màu áo của binh chủng nổi danh Thủy Quân Lục Chiến.

Chú tài xế kiêm hướng dẫn viên đi với tôi hôm nay là anh chàng còn rất trẻ và rất vui tính. Đến mỗi địa danh chú đều nói cho tôi nghe rất chi tiết về lịch sử và những công việc làm của người dân. Sau khi thăm qua những địa danh và ăn cơm tối xong, thì cũng đã sáu giờ bốn mươi lăm phút. Chú tài xế biết tôi muốn tìm hiểu sự đổi thay của thành phố nên đề nghị:

“Đêm nay có trăng, bác có muốn xem qua Cổ Thành về đêm cho biết không? Nơi đó bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Những đêm có trăng thì ở đó rất vắng vẻ. Ngày mai cháu sẽ đưa bác đến đó để bác thấy sự khác biệt như thế nào”

“Ừ, ý kiến hay đấy. Về sớm giờ này tôi cũng chẳng biết phải làm gì. Chú đưa tôi đến đó đi.”

Chú tài xế liền lái xe thẳng đến nơi mà tôi từng tham dự trận chiến đấu khốc liệt suốt ba tháng với quân Việt Cộng. Cách cổng thành khoảng mươi mét, chú tài xế ngừng xe lại và quay mặt qua nhìn tôi - người khách duy nhất trên xe - rồi chú nói những điều mà chắc chắn những điều này chú vẫn thường nói mỗi khi đưa du khách đến thăm viếng nơi này, vì chú nói thao thao mà không cần đến tài liệu:

“Thưa bác, trước năm một ngàn tám trăm lẻ chín thì Thành Quảng Trị tọa lạc tại Tiền Kiên, tức thuộc xã Triệu Thành huyện Triệu Phong ngày nay. Nhưng, từ năm đó Thành Quảng Trị đã được vua Gia Long cho di dời về đây nhưng thành lúc đó chỉ được xây bằng đất. Đến năm một ngàn tám trăm hai mươi bảy thì vua Minh Mạng đã cho xây Thành lại bằng gạch. Chính tại Thành Cổ này, một cái thành rộng muời tám phẩy năm mươi sáu héc ta. Chu vi là hai ngàn một trăm sáu mươi mét. Thành cao bốn mét. Chân thành dày mười ba phẩy năm mét. Đỉnh mặt thành rộng không mét phẩy bảy mươi hai... nằm trên địa phận hai làng Cổ Vưu và Thạch Hãn. Vào năm một ngàn chín trăm bảy mươi hai thì quân đội của hai miền Nam Bắc Việt Nam đã đổ máu và mồ hôi suốt tám mươi mốt ngày đêm dưới bom đạn mà sức công phá và hủy diệt ngang với bảy quả bom nguyên tử đã ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật. Ngày đó chính quyền miền Nam đã huy động các quân binh chủng thiện chiến thuộc lực lượng tổng trừ bị như, Thuỷ Quân Lục Chiến. Biệt Động Quân. Nhảy Dù… để chiếm lại Thành. Và, đây cũng là lần đầu tiên Hoa Kỳ cho thử bắn đại bác từ hạm đội 7 thẳng vô tới Cổ Thành, sau đó thì quân đội miền Nam xông lên đánh cận chiến rất dữ dội. Cổ Thành đã bị bom đạn san thành bình địa chỉ còn sót lại một phần cổng thành phía Nam mà thôi. Sở dĩ chính quyền miền Nam muốn tái chiếm Cổ Thành chính ra là tái chiếm Quảng Trị để gây sức ép ngoại giao và chính trị với nhà cầm quyền miền Bắc tại Hội nghị Paris...

Chú tài xế còn nói về Thành Cổ nhiều - nhiều lắm - nhưng tôi không để ý đến lời nói của chú nữa, vì tôi đang bị xúc động mạnh khi nhớ lại những ngày đau thương và gian khổ nhưng rất oai hùng khi đó. Tôi không muốn nghe chú tài xế nói vì những điều chú nói ra ở đoạn sau đều là những điều không đúng với sự thật. Những điều với mục đích tuyên truyền cho chế độ hiện nay.

Khi quyết định trở lại thăm Cổ Thành vào ban đêm là vì tôi muốn được nhìn lại nơi chốn cũ mà mấy mươi năm trước chúng tôi thường hoạt động nhiều và đánh cận chiến vào ban đêm; dù biết rằng hiện nay mọi cảnh vật đã thay đổi hoàn toàn. Tôi đang nhớ về những người bạn trong đơn vị đã cùng tôi nắm chắc tay súng quyết gìn giữ từng tấc đất của tổ tiên để lại và, các bạn của tôi đã hy sinh tại Cổ Thành này…

Vào một ngày hạ tuần tháng sáu năm một ngàn chín trăm bảy mươi hai, tôi và đồng đội trong các quân binh chủng thuộc lực lượng tổng trừ bị đã khai hỏa mở màn cho một trận chiến đầy cam go với biết bao thân người gục ngã để quyết chiếm lại cho bằng được cái Thành Cổ này, lúc đó đang nằm trong tay quân Việt Cộng. Trận chiến đấu dai dẳng gần ba tháng trời và, cuối cùng thì ngày mười lăm tháng chín năm một ngàn chín trăm bảy mươi hai Thành Cổ đã được hoàn trả về lại cho dân và quân của miền Nam Việt Nam.

Tôi không nói một lời nào với chú tài xế, tôi lặng lẽ bước ra khỏi xe và đi đến một góc tường Thành, cách xa cổng tường phía Tây khoảng năm mươi mét. Tại đây tôi đứng thẳng người và lặng im. Tôi đứng thẳng trong thế nghiêm. Tôi muốn đứng nghiêm trong giây lát để tưởng nhớ về những đồng đội đã hy sinh tại nơi đây. Tôi nói thầm: - “Chính tại ngay chỗ này mình đã không kịp vuốt mắt cho hai thằng bạn cùng tiểu đội vừa hy sinh khi mà chẳng còn bao xa nữa thì mục tiêu cuối cùng được giải quyết.”

Ngày đó Thành Cổ này đã đổ nát tan hoang. Tiếng bom nổ đến ù tai. Tiếng đạn bắn chát chúa đến nhức óc. Tiếng kêu cứu của các đồng đội bị thương làm đau thắt cả trái tim. Và, rồi thì tiếng reo hò mừng rỡ của toàn quân khi lá cờ Việt Nam Cộng Hòa được tung bay trên cổng Thành.

Hai mươi phút đã trôi qua rồi nhưng tôi vẫn đứng lặng thinh vì tôi như vừa thấy lại được trận đánh ngày xa xưa đang đến thời điểm quyết chiến sinh tử thì… Ngay lúc đó, thật bất ngờ, tôi nghe rất rõ tiếng thì thầm bên tai tôi:

“Xin ông hãy giúp đem tôi ra khỏi nơi đây. Xin ông làm phước giúp đem tôi ra khỏi nơi đây.”

Và, đồng thời tôi cũng nghe rất rõ có nhiều tiếng chân đang bước đi về hướng tôi. Giữa lúc tôi còn đang dáo dác nhìn quanh tìm nơi đã phát ra tiếng thì thầm và tiếng bước chân thì, cách chỗ tôi đang đứng không xa, tôi nhìn thấy một người mà tôi không biết đã từ đâu đến và đến tự lúc nào. Chỗ tôi đang đứng là góc của tường Thành với bãi cỏ rộng và hoàn toàn trống trải thì người vừa xuất hiện cũng đã làm cho tôi bị mất hồn bạt vía đồng thời trái tim tôi đập loan xạ như muốn bung ra khỏi lồng ngực. Tôi khó đoán được tuổi của người đàn ông đó. “Có lẽ ông ta phụ trách ở đây.” Tôi nghĩ vậy vì tôi nhìn thấy trên tay người đàn ông có cầm cái cây dài. Điều làm cho tôi ngạc nhiên và xen lẫn thích thú đó là, ông ta mặc trên người bộ đồ rằn ri của lính Thủy Quân Lục Chiến và chân ông ta lại cũng mang đôi giày boot của quân đội. Bộ quân phục và đôi giầy đều còn mới. Phía trên túi áo bên tay trái tôi nhìn thấy chữ Trung. Nhìn ông Trung trong bộ quân phục ngày xưa mà tôi đã từng khoác trên người suốt cả một thời tuổi trẻ đã làm cho tôi xúc động đến chảy cả nước mắt. Tôi bước đến bên ông Trung và hỏi:

“Đêm… tối rồi mà ông anh còn làm việc à?”

“Thưa ông tôi không làm việc gì ở đây cả. Nhưng, tôi đã ở đây từ tháng chín năm một chín bảy muơi hai… ông ạ.”

“Ông nói sao? Ông nói ông ở đây từ tháng chín năm một ngàn chín trăm bảy mươi hai... lúc đó ở đây đang... lúc đó ông bao nhiêu tuổi và làm sao mà ông ở đây được trong khi...”

“Lúc đó tôi còn trẻ lắm nhưng tôi đã ở đây từ ngày mười ba tháng chín năm một chín bảy hai.”

Tôi kêu lên vì thấy rõ sự vô lý:

“Ông… ông Trung có nhớ lầm không? Làm sao ông Trung có thể ở đây vào ngày ấy được vì ngày đó quân đội của chúng tôi; quân đội của miền Nam đang quần thảo với quân Việt Cộng tại ngay đây. Tôi không làm sao quên được hai ngày trọng đại đã xảy ra tại đây bởi vì hai ngày đó là hai ngày đã ghi lại trong ký ức của tôi những kỷ niệm của một thời mà những người lính miền Nam đã quyết tử để không cho mất một tấc đất nào của mảnh đất tự do miền Nam này.”

“Tôi không lầm lẫn đâu ông ạ. Ngày mà ông và những người lính Việt Nam Cộng Hoà sắp hoàn thành sứ mạng thì tôi...”

Ông Trung ngưng nói và ôm mặt khóc. Ông khóc giọng khàn khàn da diết đầy thương cảm. Khóc một lúc thì ông nói như van xin:

“Xin ông hãy giúp đem tôi ra khỏi đây.Tôi đã ở đây quá lâu rồi. Tôi đã ở đây từ năm một ngàn chín trăm bảy mươi hai. Tôi đã ở tại chỗ này. Tại ngay chỗ tôi đang đứng đây. Từ năm bảy mươi hai tôi đã ở đây bên cạnh những người lính Việt Cộng. Nhưng, hiện ngay chỗ tôi đang đứng chỉ còn duy nhất một mình tôi thôi ông ạ.”

Những sự việc đã và đang xảy ra làm cho cái đầu của tôi không còn sáng suốt. Tôi đã không nghe kịp những lời mà ông Trung vừa nói, nên tôi hỏi: “Thế quê của ông ở đâu và ông cần bao nhiêu tiền?”

Ông Trung vừa khóc vừa nói:

“Quê tôi ở mãi tận Cà Mau... Nhưng… tôi không cần tiền ông ạ. Tôi... tôi chỉ xin ông giúp đem bộ đồ tôi đang mặc và đôi giày tôi đang mang về cho gia đình tôi là đủ rồi; tức là ông đã giúp đem tôi ra khỏi đây rồi... Kìa… những người bạn của tôi đến kìa…”

Người đàn ông trong bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến chỉ tay về phía xa và tôi nhìn thấy có rất nhiều người đang đi. Những người mà ông Trung vừa reo lên như vui mừng đang nhìn về phía ông và tôi. Nhưng, liền ngay đó ông Trung lại ôm mặt khóc và lần này thì ông khóc rống lên. Người của ông co giật lên từng hồi chứng tỏ ông đau khổ lắm, rồi ông nói:

“Những người đó là bạn của tôi. Những người bạn của tôi vẫn thường đến đây thăm tôi vào những đêm có trăng như đêm nay. Nhưng, sau đó các bạn lại được ra về mà tôi thì không. Tôi cô đơn quá ông ơi. Xin ông hãy giúp tôi.”

Tôi nhìn thấy rất rõ những người bạn của ông Trung cũng khoác trên mình những bộ quân phục rằn ri mà, một số thì đang ngồi bệt trên những đống gạch đổ nát, một số thì ngồi ngất ngưởng trên các bờ tường đã bị lỗ chỗ đạn.Thỉnh thoảng họ nói chuyện thì thào với nhau nhưng tất cả đều quay nhìn về hướng chúng tôi.

Tôi cảm nhận ngay có một điều gì đó rất không bình thường. Mặt trời thì đã khuất từ rất lâu. Ánh trăng thì không đủ chiếu sáng. Nhưng, tôi vẫn nhìn thấy rõ mồn một những bộ sắc phục mà tôi yêu thương đã được những người kia khoác trên người. Những người đó đều còn trẻ và với nét mặt thật hiền hậu và thật buồn. Những người đó như lờ mờ, như phảng phất khí thiêng ít nhiều quanh đây. Tôi không còn tin vô đôi con mắt của mình nên tôi đưa cả hai tay lên dụi mắt nhiều lần để nhìn cho rõ hơn. Bây giờ thì những người kia cùng đứng lên rồi từ từ quay lưng đi… đi mất hút như thể họ đi vào khoảng không vậy. Tôi tự hỏi: “Có phải đó là những người lính miền Nam Việt Nam năm xưa từng tham dự trận đánh tại đây đã hiện về cho tôi thấy không? Hay vì tôi đã quá mang nặng nỗi đau đớn bị mất quê hương, mất người thân yêu ruột thịt và mất nhiều bạn bè mà thành ra tôi thấy như vậy? Tôi không nhìn những hình ảnh đã diễn ra dưới góc độ mê tín, nhưng, chắc chắn đó là vấn đề của tâm linh. Chắc chắn đó là những đồng đội của tôi đã nằm xuống tại Cổ Thành này. Nếu họ không phải là những người lính trong bộ quân phục của quân đội miền Nam Việt Nam thì họ là ai? Chẳng phải tình cờ mà tôi gặp lại người đã ở đây...” Tôi nhìn quanh để tìm người đã đứng nói chuyện với tôi và còn cầu xin tôi đem ông ra khỏi đây. Nhưng, ông ta đã bỏ đi đâu từ lúc nào mà tôi cũng không hay biết gì cả.

Không thể tin. Mà tin làm sao được chuyện kỳ lạ như thế này khi người đàn ông trong bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến với cái cây dài cầm trong tay đã không còn ở đây nữa... mà chỉ có chú tài xế đã đến đứng bên tôi tự lúc nào. Tôi liền đưa tay chỉ về hướng phía xa đồng thời tôi nhìn ngay mặt chú và hỏi:

“Chú... chú có nhìn thấy những người lính ngồi phía xa kia bỏ đi đâu không chú?”. 

Chú tài xế trợn tròn đôi con mắt lên vẻ kinh hãi và la lên thật lớn:

“Trời đất ơi. Chẳng lẽ bác... chẳng lẽ bác cũng thấy...”

“Chú bình tĩnh lại chú. Rõ ràng tôi thấy những người lính...”

“Bác ơi… trong nhiều năm liên tiếp người ở đây vẫn thường nhìn thấy quân đội của cả hai miền vào những đêm có trăng sáng thì hiện về đi loanh quanh trong Thành Cổ và gào khóc vang dội khắp trời. Nhưng, kể từ khi nhà cầm quyền cho trùng tu lại Thành Cổ và đưa được rất nhiều những hài cốt về Bắc thì từ đó cảnh rùng rợn ở đây cũng giảm bớt rất nhiều. Giảm thôi chứ chưa dứt hẳn. Chẳng lẽ bác cũng vừa thấy...”

Tôi nhìn xuống chỗ mình đang đứng rồi nói như xác nhận:

“Chắc chắc tại ngay chỗ này còn xác người lính miền Nam nằm dưới đó. Người lính đó vừa nói chuyện với tôi...”

Chú tài xế không còn bình tĩnh nữa vì gương mặt của chú lộ vẻ kinh hoàng đến trắng xác như không còn máu. Chú quay người toan bỏ chạy nhưng nghĩ sao đó chú quay lại nắm chặt cánh tay tôi và lôi đi. Vừa đi chú vừa nói cho tôi yên tâm:

“Đêm rồi bác ạ. Ngày mai cháu sẽ lại đưa bác đến đây...”

Tôi bước theo sau người tài xế nhưng tôi vẫn ngoái đầu nhìn lại nơi đã thấy những người lính đứng, ngồi trên những đống gạch và trên những bức tường Thành loang lỗ dấu đạn. Nhưng, nơi đó bây giờ không còn những đống gạch hay những bức tường loang lỗ dấu đạn nữa. Tất cả đã biến mất. Nếu không có chú tài xế đang nắm tay tôi kéo đi thì có lẽ tôi… điên mất vì rõ ràng tôi vừa nhìn thấy mà nay lại không còn.

Vừa ra đến xe chú tài xế liền mở cửa xe cho tôi. Nhưng, ngay khi cánh cửa vừa mở ra chú liền la lên thất thanh và giọng nói biến đổi như quá sợ hãi:

“Bộ đồ này của ai sao lại... Trời ơi… trời…”

Tôi vội vàng chụp lấy bộ đồ thật nhanh và đưa ra chỗ có ánh sáng. Tôi thấy trên nắp túi có chữ Trung. Đây là bộ đồ của ông Trung. Trong nỗi kinh hoàng vì vừa gặp một oan hồn - và những oan hồn - tôi áp bộ đồ lính vô ngực thì, ngay khi đó chú tài xế lại thất thanh la lớn hơn:

“Còn đôi giày này... Trời ơi bác ơi...”

Tôi đưa cánh tay đang run vịn vào vai chú tài xế và nói như van xin:

“Tôi xin chú. Tôi xin chú hãy bình tĩnh. Xin chú đừng la toáng lên như vậy. Để tôi...”

Thật nhanh, tôi tìm trong túi áo của bộ đồ lính và lấy ra một mảnh giấy nhỏ. Mảnh giấy còn mới và trắng tinh. Mảnh giấy ghi địa chỉ thật rõ ràng ở một nơi nào đó mãi tận Cà Mau. Một địa danh mà thời tôi có nhiệm vụ gìn giữ quê hương miền Nam thân yêu tôi cũng đã từng đi qua đó rất nhiều lần.

Tôi ôm bộ đồ lính và đôi giày vô ngực rồi ngước mặt nhìn lên trời cao và tôi nói trong khi nước mắt đã chảy ràn rụa ra hai bên má:

“Ông Trung ơi. Xin ông hãy yên tâm và an nghỉ bình an. Sáng sớm ngày mai tôi sẽ thực hành ngay những gì mà ông Trung đã nhờ tôi. Xin ông hãy an tâm và yên nghỉ bình an… ông Trung nhé.”

Tôi nói với chú tài xế đang ngây mặt ra nhìn tôi vì sợ hãi:

“Ngày mai đúng năm giờ sáng chúng mình đi Cà Mau chú nhé.”

***

Xe đã chạy xa khỏi Cổ Thành Quảng Trị. Nhưng, tôi vẫn còn quay đầu nhìn lại Thành Cổ. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao chú tài xế nói những đêm có trăng nơi đây lại rất vắng vẻ. Cổ Thành đêm nay tôi đã được chứng kiến sự linh thiêng của một oan hồn - và nhiều oan hồn - Tôi thấy cái Thành Cổ này mang đầy vẻ huyền ảo, lung linh vì nơi đây đã chôn vùi biết bao sinh mạng của những người cùng một dòng máu và có cùng một ngôn ngữ mà chỉ vì một con người đã du nhập vô quê hương một chủ nghĩa man rợ rồi được một nhóm người cũng man rợ tiếp tay nên đã gieo biết bao tai họa đến cho dân tộc Việt mà chưa biết đến khi nào ánh sáng hạnh phúc và tự do thật sự mới chiếu sáng đến cho đồng bào khắp cả ba miền./.

.

Topa (Hòa Lan)


Cái Đình - 2020