Nguyễn Hiền


Nhân lễ trao giải Văn chương Âu châu 2019

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Abdelkader Benali trao giải (trái) và Arjan Peeters phỏng vấn tác giả cùng dịch giả (phải)

Nghe nói người này người kia được giải văn chương thì thấy xôm, nhưng có đi sâu vào giới văn học mới thấy phần nhiều đó là phần thưởng tinh thần cho những công trình miệt mài tim óc. Hòa Lan 18 triệu người mà có tới cả trăm giải văn chương (khoảng một nửa trong số này hiện nay vẫn còn được thực hiện), chưa kể các giải cho thiếu nhi! Phần lớn các giải là do các nhà xuất bản, báo, tạp chí chủ trương; hay do những nhà văn nhà thơ hoặc nghệ sĩ quá cố ủy thác. Địa phương cũng tổ chức giải địa phương, giải từng vùng. Có những giải riêng cho từng bộ môn thơ, kịch, tùy bút v.v., có những giải cho sáng tác đầu tay, giải truyện thiếu nhi, giải truyện gay cấn, giải truyện giả tưởng.... Rồi lại có giải riêng cho tác phẩm của vài sắc dân nhập cư ở Hòa Lan, giải cho sách về tôn giáo. Cũng có giải do độc giả chấm, do học sinh các trường bình chọn. Tóm lại, sáng tác theo thể loại nào, đề tài nào, đối tượng là ai, dân mới hay lão làng, tất tất đều có cơ hội một ngày nào đó tác phẩm sẽ được nhiều người để mắt tới.

Với người Việt mình, khi nhìn vào số lượng giải văn chương, chắc chắn có nhiều người trong số này sẽ coi nó như một thứ bát nháo, cho rằng nó cũng giống như những giải hoa hậu thế giới, hoa hậu hoàn vũ, rồi hoa hậu mệnh phụ, hoa hậu kinh doanh v.v.. Ừ thì có vậy, nhưng chẳng ai nghĩ là nếu con số giải lớn vậy, thì số tác phẩm đã xuất bản phải là bao nhiêu. Và thử nhìn lại chính mình, điểm lại xem một năm mình đã đọc được mấy cuốn sách, đó là chưa tính tới mấy lần đã móc bóp trả tiền mua một cuốn sách. Như thế, phải chăng sức đọc của dân Việt còn quá kém?

Dĩ nhiên, giải nào cũng mang cái tên kèm theo. Bởi vậy, nhà văn Hòa Lan hãnh diện đã đoạt những giải lớn cho tác phẩm hay cho toàn bộ công trình sáng tác của mình, như giải AKO, giải Libris, giải P.C. Hooft. Những giải nhỏ, với họ, ngoài sự khuyến khích, còn là một dịp gặp nhau hàn huyên, trao đổi với độc giả. Vui là chính.

Để hình dung một giải nhỏ được tổ chức ra sao, tôi đã tham dự giải Văn chương Âu châu 2019 (Europese literatuurprijs), trao ngày 03/11 tại phòng hội trên lầu thư viện thành phố Den Haag. Mang danh hiệu gồ ghề – giải Văn chương Âu châu, thực ra giải này lập ra nhằm vinh danh những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ của một quốc gia Âu châu, cộng thêm một điều kiện nữa, là trong năm qua tác phẩm đã được dịch ra tiếng Hòa Lan và xuất bản chính thức. Giải được tài trợ và thực hiện bởi một nhóm quỹ văn học, nhà xuất bản, cơ sở hoạt động văn hóa. Giải Văn chương Âu châu 2019 được tổ chức vào ngày bế mạc lễ hội văn hóa “xuyên biên giới” Crossing Border kéo dài 1 tuần lễ.

Theo trình bày trong phần dẫn nhập lễ trao giải, năm 2018 hơn 3500 (ba ngàn rưởi) dịch phẩm đã được xuất bản. Qua bình chọn rộng rãi, một danh sách cho vòng sơ kết gồm 20 tác phẩm đã được lấy ra. Trong số này, 5 tác phẩm được lọt vào vòng bán kết. Trong vòng chung kết, mỗi tác phẩm được 3 người trong hội đồng chấm giải đọc và cho ý kiến. Nghe bản báo cáo tổng kết mà thất kinh, 3500 tác phẩm đã được dịch trong vòng 1 năm để phục vụ cho sở thích của một phần không lớn trong 18 triệu người, tính trung bình mỗi ngày có 10 tác phẩm đã được dịch ra tiếng Hòa Lan. Đương nhiên có những “tác phẩm” tí hon, chuyện nhi đồng chẳng hạn, chục trang thôi, nhưng cũng là công sức vắt trí óc, chứ đâu phải tự nhiên mà có. Tò mò muốn tìm xem có bao nhiêu người chuyên dịch tác phẩm văn chương, thì thấy là có hơn 300 vị, chuyên trị gần 20 ngôn ngữ, đó là những người có hoạt động dịch thuật gần như toàn thời gian.

Đại đa số những người có mặt trong buổi trao giải dường như sống trong một thế giới khác: thế giới của sách, của chữ. Tôi hỏi chuyện bà khách ngồi bên, bà cho biết ngày hôm nay tới đây chủ yếu là hy vọng mua được một tác phẩm cũ của Arno Geiger mà bà còn thiếu. Bà hỏi tôi có đọc Arno Geiger chưa, tôi thú thật chưa nghe tên ông bao giờ, bà bảo tôi vậy thì đúng lúc quá rồi, ông viết cuốn Unter der Drachenwand hay quá….

Chắc là hay thật, vì giải Văn chương Âu châu 2019 được trao cho bản dịch tiếng Hòa Lan tác phẩm này của ông, Onder de Drachenwand, do Wil Hansen dịch (tạm dịch ra tiếng Việt là Dưới Chân Ngọn Long Sơn). Trong phần tự giới thiệu, ông cho biết trước tiên đã bỏ nhiều năm để đọc các tài liệu, vì thích thú muốn tìm hiểu hơn là thôi thúc phải viết, sau đó ý tưởng dựng thành truyện “hư cấu dựa trên sự kiện lịch sử” mới chớm thành hình, và phải mất 10 năm nữa đọc các bức thư cũ trong văn khố, ông đã định được cấu trúc, rồi miệt mài viết và sửa lại những ghi chép, trong nửa năm ông đã hoàn thành. Tác phẩm là câu chuyện Veit, một anh lính người Nga, bị thương tại chân núi Drachenwand khi thế chiến thứ 2 sắp chấm dứt, nơi đây anh được dân làng cho trú ngụ và cố gắng tạo lập một đời sống mới giữa những ác mộng và lo sợ trong một ngôi làng trong vùng giao tranh chưa biết thắng bại ra sao. Đặc điểm của tác phẩm là một tập hợp giữa câu chuyện, đan xen với những bức thư của gia đình.

Wil Hansen là người trước đây đã dịch hai tác phẩm của Arno, những trải nghiệm và cảm xúc trong việc dịch một tác phẩm được ông thuật lại với những chi tiết cụ thể, phụ họa bởi chính tác giả, là những phút giây quý báu cho những người như tôi. Bà khách ngồi bên hỏi ông là khi đọc đến đoạn cuối, bà tưởng như cô Margarette (một trong hai người mà Veit, nhân vật chính, đã trở nên thân quen trong thời gian ở đây) vẫn còn sống, vậy thì kết cuộc ra sao, ông Arno đã hóm hỉnh trả lời là khi viết đến đó thì đúng là cô ta vẫn còn sống, còn nay ra sao thì ngay chính ông cũng không rõ.

Đặc điểm của buổi lễ trao giải này là ngôn ngữ. Tác giả người Áo, không rành tiếng Anh, dịch giả người Hòa Lan, quần chúng thì hỗn tạp, chương trình dự tính sẽ dùng tiếng Anh, nhưng sau phải bỏ, ông người Áo phải ráng nghe tiếng Hòa Lan, ông nói chuyện và trả lời bằng tiếng Đức, ông dịch giả làm luôn một công hai ba chuyện là dùng tiếng Hòa Lan pha trộn tiếng Đức, đôi khi tóm tắt lại bằng tiếng Anh. Phần nhạc phụ diễn lại do một anh người Trung Đông đảm trách. Rất may, mọi người đều thông cảm, hiểu nhau qua diễn đạt và tiệc rượu champagne được kết thúc cho một buổi lễ trao giải. 10.000 euro cho tác giả, 5000 euro cho dịch giả, không nhiều nhưng cũng đáng ghi nhớ cho một buổi hội đàm thích thú với những người hâm mộ mình, cứ tin là vậy đi.

Tôi thì hơi thất vọng, vì một trong những mục đích tham dự ngày hôm đó là muốn gặp bà Edith Koenders, người đã dịch cuốn trường thiên tiểu thuyết hơn nghìn trang Max, Mischa & Tetoffensiven (tạm dịch: Max, Mischa và cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân) của nhà văn người Na Uy Johan Harstad để trao đổi ít chuyện. Tác phẩm này đã được giải Europese Literatuur năm rồi (2018). Tuy nhiên giờ chót bà bị bịnh, cáo lỗi không đến dự.

.

Nguyễn Hiền


Cái Đình - 2019