Topa


Người đàn ông trên xa lộ Amsterdam - Paris.

 

 

Như thường lệ từ nhiều năm qua, sáng sớm hôm nay, ngày thứ bảy của hạ  tuần tháng chín dương lịch, tôi lại lên đường đi Paris. Lần đi Paris này là lần thứ hai mươi bốn kể từ năm một ngàn chín trăm chín mươi.

Tôi đã đi qua nhiều thủ đô của Âu Châu, nhưng tôi thích Paris hơn hết. Paris là thủ đô của ánh sáng khi không còn ánh mặt trời. Khắp cùng Paris nơi nào cũng sáng rực ánh đèn. Paris luôn nhộn nhịp với người và người ngược xuôi qua lại trên hè phố suốt cả ngày đêm. Xe cộ thì phải nói là, Paris có lượng xe cộ đông đúc nhất Âu Châu nên cảnh kẹt xe luôn thường xuyên xảy ra. Những đường phố trong Paris đầy dẫy những cửa hàng sang trọng mà sự sinh hoạt thì luôn luôn nhộn nhịp và sống động; nhất là ở quận mười ba.

Paris là thủ đô có người gốc Á định cư đông nhất ở châu Âu. Bởi vậy, khu phố Tàu trong quận mười ba có rất nhiều tiệm và nhà hàng của người Việt nổi tiếng với đủ các loại hàng hóa phong phú và các món ăn tuyệt ngon phục vụ cho nhu cầu của các khách hàng đến từ khắp mọi nơi.

Tôi đi Paris chỉ một mình bởi vì tôi đang sống độc thân. Cuộc đời của tôi đã có hai người đàn ông đi qua. Nhưng rồi tôi đã chủ động chia tay cả hai người nên hiện tại tôi vẫn còn độc thân và không có con; vì vậy khi đi Paris tôi chỉ đi một mình. Tôi thích đi vào những tháng những mùa không bị kẹt xe. Cuối tháng chín mà đi Paris tôi cảm thấy thú vị vô cùng. Một trong những thú vui của tôi là, vừa lái xe vừa thưởng thức những bản nhạc tình và nhạc quê hương, nhất là lại với giọng hát trữ tình của nữ danh ca Lệ Thu; để cho tâm hồn tôi được bay bổng trở về những năm tháng xa xưa nơi quê nhà…

Năm một ngàn chín trăm tám mươi sáu, khi đó tôi còn là cô gái sắp đến tuổi trưởng thành, tôi theo mẹ xuống ghe đi vượt biển. Ba tôi không đi theo mẹ và tôi được vì đã chết trong cái gọi là, trại cải tạo. Ba tôi tuổi chưa cao nhưng vì không thể chịu đựng được những lời sỉ nhục của các cán bộ trại cải tạo, cộng thêm sự cưỡng bức lao động quá sức và thiếu ăn. Mẹ và tôi được chính phủ Hòa Lan nhận cho đến tỵ nạn ở quốc gia nhỏ bé và thấp hơn mặt nước biển. Ba năm sau, mẹ tôi vì thương nhớ ba tôi nên cuối cùng mẹ tôi đã bỏ tôi để đi về cõi vĩnh hằng với ba tôi.

Mất quê hương đã làm cho tôi ray rứt thương nhớ những tháng ngày được sống trong tự do và no ấm trong ngôi nhà nhỏ với những người mình thương yêu. Bây giờ lại mất luôn hai người thương yêu nhất trong đời, làm cho những kỷ niệm với hai người cứ hiện ra trong cái đầu của tôi hoài. Kỷ niệm làm tôi nhớ nhất là, khi tôi lên bốn tuổi, vì là con một, mà lại là con gái, nên mỗi tuần ba tôi đều cho tôi đi tiệm ăn phở hai lần vào sáng Chúa nhật và thứ tư. Mỗi tuần tôi đều háo hức chờ đợi cho mau đến hai ngày đó để được ăn tô phở Tàu Bay thật thơm và thật ngon trên đường Lý Thái Tổ; cách nhà ba mẹ tôi khoảng hơn cây số… cho đến khi tôi được bảy tuổi thì Miền Nam Việt Nam tự do bị cộng sản cưỡng chiếm. Từ đó tôi không còn được ăn phở trong suốt nhiều năm liền.

Phở là món ăn đã thấm sâu vô tận cùng các mạch máu và các thớ thịt của tôi. Phở là món ăn “ruột”, nên khi đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới, hễ gặp nhà hàng Việt Nam tôi đều mong nhà hàng đó có bán món phở. Vì vậy mà hiện tại mỗi năm tôi phải có tối thiểu là một lần - thường thì hai lần - đến Paris… ăn phở là chính. Phụ là đi mua sắm các thứ linh tinh mà ở Hòa Lan không có.

Theo như chương trình không bao giờ thay đổi từ khi đi Paris lần thứ nhất, thì, đúng năm giờ sáng tôi ra khỏi nhà và bắt đầu cuộc hành trình. Sau khi lái xe qua hết quãng đường dài năm trăm bốn mươi tám cây số với năm giờ năm mươi bảy phút, tính luôn hai lần nghỉ dọc đường, mỗi lần mười lăm phút... tôi có mặt tại một quán phở nào đó trong quận mười ba vào lúc mười một giờ. Và, liền ngay sau đó tôi sẽ thưởng thức một tô phở đặc biệt với hai cái gỏi cuốn cùng với một ly cà phê đá. Thời gian tiếp theo sau tôi đi dạo phố và mua sắm. Tôi dạo chơi trong Paris bằng cách lội bộ và đi metro. Tôi thích đến  tháp Eiffel và vườn hoa Luxembourg. Tôi thích nhất khi được ngồi uống café gần tháp Eiffel nơi công viên Champ-de-Mars, cạnh dòng sông Seine; nhất là vào mùa thu.

Tôi thường mua sách báo và các loại băng nhạc mới được phát hành từ Hoa Kỳ gửi đến. Những thứ này ở Hòa Lan tôi không thể tìm mua được; ngoại trừ tờ Việt Nam Nguyệt San của Cộng Đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Hòa Lan. Và. những quyển sách do Nhóm Cái Đình tại Hòa Lan thực hiện. Tôi cũng mua rất nhiều loại thực phẩm khô và tươi chất đầy trong cốp xe.

Chiều đến, khoảng từ sáu giờ đến sáu giờ ba mươi, tôi sẽ ăn tối với cũng món phở là chính. Sau khi ăn tối xong vào khoảng tám giờ, tôi lái xe chạy loanh quanh nhìn Paris về đêm… Đến chín giờ tôi lái xe về lại Hòa Lan và có mặt tại nhà vào sáng sớm ngày Chúa nhật, để ngày hôm sau thứ hai, tôi trở lại với những công việc như thường ngày.

Hôm nay, sau hai tiếng lái xe và vừa qua khỏi biên giới Vương quốc Bỉ chưa bao xa. Khi tôi đang cho xe vô bãi đậu xe nhỏ có nhà vệ sinh bên cạnh xa lộ, tôi nhìn thấy một người đàn ông Á Châu đang ôm cái mặt dính đầy máu; đứng một mình giữa bãi đậu xe cạnh bên một cái xe đã bị bể nát cả phần phía trước.Thấy tôi, ông ta liền đưa tay lên ngoắc lia ngoắc lịa như cần ở tôi sự giúp đỡ. Thấy vậy tôi liền cầm hộp giấy lau tay và đi như chạy đến ông. Tôi hỏi ông, dĩ nhiên hỏi bằng tiếng Anh:

“Ông bị sao vậy? Có cần tôi gọi cảnh sát không?”

Thật ngạc nhiên, người đàn ông trả lời tôi bằng tiếng Hòa Lan với giọng nói đầy vẻ lo sợ:

“Cô ơi... cô, cô giúp tôi với, tôi bị một chiếc xe hàng đụng nhưng... nhưng chiếc xe đó đã bỏ chạy mất rồi. Tôi... tôi cũng ở Hòa Lan... Cô... cô cho tôi xin một ít giấy để bịt lại chỗ bị thương.”

Tôi đưa hộp giấy cho ông và cũng phụ giúp ông lau máu trên mặt ông. Rồi tôi dìu ông vô nhà vệ sinh và giúp ông rửa vết thương. Ông bị một vết thương trên đầu làm rách một mảng da dài khoảng bốn phân. Tôi chợt nhớ là tôi có một hộp băng cứu thương luôn bỏ sau cốp xe, thế là tôi lại dìu ông đến xe của tôi và giúp ông băng lại vết thương. Cái áo sơ-mi màu xanh nước biển của ông dính đầy máu nhưng cũng may cái áo vest là màu đen nên nhìn không thấy rõ dấu máu. Tôi phụ ông cởi bỏ cái áo sơ-mi ra và cũng giúp ông mặc lại cái áo vest. Tôi lấy chai nước lạnh đưa cho ông uống. Sau hớp nước ông có vẻ bình tĩnh lại nên tôi hỏi chuyện ông cũng là để cho ông tạm quên cái cảm giác đau đớn đang hành hạ ông:

“Ông nghĩ… tôi có nên gọi cảnh sát không?”

“Không… Không cần lắm đâu cô.”

“Ông nói ông cũng ở Hòa Lan hả?”

“Dạ, tôi cũng ở Hòa Lan nên khi nhìn bảng số xe của cô là tôi thấy tôi may mắn quá.”

Lúc này tôi mới nhìn bảng số xe của xe ông thì thấy cũng là bảng số xe của Hòa Lan. Nhìn ông, tôi đoán ông không phải người Đài Loan hoặc Hồng Kông hoặc người Đại Hàn. Ông có dáng vẻ là người Nhật. Người Nhật nhìn dễ phân biệt vì có vẻ sang trọng và sáng sủa hơn. Tôi hỏi, và tôi đinh ninh ông sẽ trả lời đúng như tôi nhận xét.

“Ông từ quốc gia nào đến Hòa Lan?”

Thật vô cùng ngạc nhiên xen lẫn thích thú khi tôi nghe ông trả lời:

“Tôi từ Việt Nam đến cô ạ.”

Mừng vì gặp người đồng hương trong một hoàn cảnh mà mình lại là... cứu tinh, nên tôi thốt lên vẻ mừng rỡ nhưng tôi quên nên tôi lại nói tiếng Hòa Lan:

“Tôi cũng là người Việt Nam đây.”

Ông trợn hai con mắt lên lộ vẻ mừng:

“Thế thì mình nói tiếng Việt với nhau đi cho… đừng quên.”

Tôi cười vui vì câu nói của ông và đồng thời tôi để hộp cứu thương vào lại cốp xe:

“Cả phía trước đầu xe của ông bị gần như tan nát. Vậy mà vết thương… Số của ông lớn lắm đó nha. Ông định sẽ đi đâu và ông thấy có cần phải đến bệnh viện cho bác sĩ xem qua không?”

“Có lẽ vết thương cũng không nặng lắm đâu cô ạ vì bây giờ không còn ra máu nữa. Tôi đang trên đường đi Paris thì bị tai nạn. Nhưng cũng may… là gặp cô. Nếu cô không ngại thì xin cô vui lòng cho tôi quá giang được đoạn nào hay đoạn nấy và tôi xin... phụ cô chút tiền xăng nhớt.”

Tôi thấy ông rất lịch sự và cũng rất biết “phải trái” nên tôi nói:

“Giúp nhau một chút có đáng gì đâu ông. Tôi cũng đang trên đường đi Paris, nên ông có thể quá giang theo được mà. Nhưng... còn chiếc xe của ông...”

Ông nhìn về phía chiếc xe và thở ra vẻ thất vọng:

“Khi đến Paris tôi sẽ liên lạc với hãng bảo hiểm để họ lo. Sự việc đã như thế này rồi thì dù có muốn làm gì trong lúc này cũng vô ích thôi cô à.”

Ông quay nhìn tôi rồi ông tự giới thiệu:

“Tôi tên Tân. Trần Cảnh Tân. Còn đúng một tuần nữa tôi được tròn năm mươi ba tuổi. Tuy đã năm mươi ba tuổi rồi nhưng tôi vẫn còn sống độc thân. Tôi hiện là nhân viên mua bán bất động sản. Nhà tôi ở thành phố Utrecht...”

Ông ngưng nói và lấy tấm danh thiếp từ trong áo vest ra đưa cho tôi và nói:

“Trong này có địa chỉ và số điện thoại của tôi. Khi nào cô trở về lại nhà thì tôi rất hân hạnh được mời cô đến nhà tôi dùng cơm. Cô là ân nhân và là khách quý mà tôi rất mong được đón tiếp.”

Ông vẫn nhìn ngay mắt tôi không chớp như muốn biết tôi đang nghĩ gì về lời mời của ông. Thấy tôi cứ nhìn vô tấm danh thiếp mà chưa nói gì nên ông nói tiếp như thể ông đã đoán được sự việc tôi đi Paris để làm gì:

“Tôi tự nấu ăn lấy và tôi nấu món ăn Việt rất ngon, nhất là món phở, ngon hơn phở ở Paris rất nhiều… cô à.”

Tôi nhìn ông với chút ngạc nhiên vì, khi ông nói ông biết nấu món phở và nấu ngon hơn phở ở Paris làm cho tôi có cảm tưởng như ông đã biết trước là hôm nay tôi đi Paris cũng vì mục đích là để ăn phở. Một người đàn ông có trình độ, có nghề nghiệp, và sống một mình mà lại biết nấu món phở với những công đoạn phức tạp, rồi còn tự hào là nấu rất ngon, ngon hơn phở Paris nữa thì ông quả là... số dzách rồi.

Tôi nói cho ông biết món ăn “ruột”của tôi:

“Trong các món ăn Việt, tôi thích nhất món phở. Nhưng, tiếc là ở Hòa Lan chỉ có một hai tiệm bán phở nhưng lại quá dở. Đã mất công lái xe đi, lại mất tiền trả chỗ đậu xe để rồi được ăn tô phở không ra phở thì thà ở nhà đỡ phải bực mình hơn, phải vậy không ông?”

Ông nói như ông cũng rành những tiệm phở ở Hòa Lan:

“Phở thì phải có rau quế, mà rau quế bên Hòa Lan mình thì lại quá mắc, đến hai mươi lăm Euro một ký; mắc còn hơn thịt bò nữa nên mỗi tô chỉ được một cọng, và nhiều khi còn bị héo nữa chứ. Cô tin tôi đi, cô mà ăn phở do tôi nấu rồi thì bảo đảm là cô sẽ quên phở Paris ngay.”

Tôi cười thật vui vì ông có vẻ chân thật trong lời nói. Giọng nói của ông trầm trầm và phát ra rõ ràng từng tiếng chứng tỏ tư cách của người từng trải và có trình độ.

***

Tôi thức giấc khi ánh mặt trời rọi vô phòng và rọi ngay mặt tôi. Đầu tôi đang nhức, nhưng điều đầu tiên tôi phải làm là, tôi đảo mắt nhìn quanh căn phòng xem mình hiện đang ở đâu. Và, tôi nhận biết tôi đang ở trong khách sạn. Tôi đang nhớ lại là, hôm qua sau khi ông Tân và tôi ăn trưa xong, ông đưa tôi đến nghỉ ở khách sạn này. Khách sạn Mercure Paris Austerlitz Bibliothèque, tọa lạc tại số 6 Boulevard Vincent Auriol, quận 13 Paris. Chủ của khách sạn này do một người Pháp và một người Việt cùng chung vốn kinh doanh. Đến sáu giờ chiều ông Tân đến đưa tôi đi dự đêm live show và có ăn tối tại hí trường Lido rất nổi tiếng của Paris. Vì lời khẩn khoản của ông, nên tôi quyết định ở lại Paris thêm một ngày.

Tôi cảm thấy đói và muốn ăn nên tôi ngồi lên định đi đến tủ lạnh thì tôi mới biết là tôi không mặc quần áo. Tôi đang trần truồng. Tôi đưa tay rờ xuống phía dưới mình thì tôi ngờ ngợ như là tôi đã có trải qua một đêm ân ái bởi dấu tích vẫn còn đây. Tôi nằm xuống lại để cố nhớ xem chuyện gì đã xảy ra…

Trên đường đi Paris kể từ chỗ gặp ông Tân, ông nói chuyện nhiều và nói rất có duyên vì vậy tôi cũng thấy mến ông nên khi ông đề nghị tôi ở lại Paris một đêm là tôi đồng ý ngay. Tôi không nhớ được là lúc nào thì tôi đã chấp thuận cho ông vô phòng với tôi và cùng tôi ân ái. Có lẽ lúc đó tôi đã quá say và quá mệt nên không còn lý trí để kiểm soát lời nói và hành động của mình nữa chăng? Nhưng, tôi biết tôi đã cùng ông chung đụng xác thịt suốt cả đêm rồi tôi lăn ra ngủ và bây giờ ông đã đi đâu thì tôi không biết. Tôi đang cảm thấy đói và cần ăn một chút. Tôi cầm điện thoại lên định gọi xuống phòng tiếp tân thì liền ngay đó có tiếng chuông ngoài cửa phòng và tiếng của người bồi phòng nói vọng vô:

“Thưa bà, chúng tôi đem thức ăn trưa lên cho bà.”

Tôi khoác vội cái áo ngủ lên người rồi bước đến mở cửa. Người bồi phòng đem cho tôi vô số thức ăn, nước uống, cùng một tờ giấy được gấp lại làm tư và dán kín.

“Thưa bà, ông nhà nói đưa tấm giấy này cho bà.”

Tuy đang đói nhưng tôi muốn biết ông Tân viết gì cho tôi nên tôi mở ngay ra đọc. “ Chào em. Khi em đang đọc những dòng chữ này thì tôi cũng đang trên đường trở về nhà. Hôm em và tôi gặp nhau tôi đã có nói là, đúng một tuần nữa tôi được năm mươi ba tuổi. Hôm nay là đúng ngày sinh nhật thứ năm mươi ba của tôi. Nhưng vì thấy em ngủ ngon quá nên tôi không muốn đánh thức em dậy để từ giã. Tôi cảm ơn em vì những ngày qua em đã cho tôi những giờ phút thật thú vị, thật tuyệt vời, và, thật mặn nồng. Em đã xem tôi như là người chồng, và ngược lại tôi cũng xem em là người vợ. Em là người phụ nữ tuyệt vời nhất trên thế gian này. Cả hai chúng ta đã đối xử với nhau không như người qua đường để tìm vui bên nhau trong đôi ngày. Từ mười năm nay tôi không được gần người phụ nữ nào nên tôi sẽ nhớ mãi về em. Mọi phí tổn của khách sạn tôi đã thanh toán xong. Và, nếu em muốn ở lại thêm đôi ngày nữa thì cũng không có gì trở ngại về tiền bạc cả. Tôi chân thành chúc em những ngày kế tiếp thật vui và an bình.

Tôi rất mong được gặp lại em.

Trần Cảnh Tân.”

Tôi buông mình nằm lại xuống giường mà đầu óc cứ hoang mang vì không hiểu gì cả. Tại sao hôm nay lại là ngày sinh nhật của ông ta trong khi... phải là còn năm ngày nữa mới đúng. Cứ theo như những gì ông viết thì... chẳng lẽ ông đã ngủ với tôi cả mấy đêm liền mà tôi thì lại không hay biết gì cả sao. Có thật là ông và tôi đã ở bên nhau mấy ngày và... Tôi nhìn vô cái đồng hồ treo trên tường. Bây giờ là một giờ trưa. Tôi cầm điện thoại lên và gọi xuống phòng tiếp tân.

“Dạ, phòng tiếp tân tôi nghe.”

“Tôi gọi từ phòng 153. Xin anh cho tôi biết... ông Tân, ông Trần Cảnh Tân... ông ấy... ông ấy có dặn dò... gì cho tôi không?”

“Dạ thưa bà, ông Trần Cảnh Tân có để lại một bao thư cho bà. Tôi sẽ cho người đem lên phòng bà ngay.”

“Tốt lắm, anh cho đem lên tôi ngay nhé. À... tôi muốn hỏi là tôi ở đây... tôi đã ở đây được mấy ngày rồi anh?”

“Dạ, đúng một tuần rồi bà.”

Tôi kêu lên thảng thốt:

“Một tuần hả?”

Có lẽ anh trực ở phòng tiếp tân thấy tôi kêu lên vẻ hốt hoảng làm cho anh cũng ngập ngừng khi trả lời tôi.

“Dạ... đúng một tuần. Dạ... một tuần rồi… thưa bà và...”

“Và sao?”

“Dạ... và hồi sáng nay ông Trần Cảnh Tân đã thanh toán tiền phòng đến hai tuần, cho nên bà có thể ở thêm...”

“Không, tôi không thể ở thêm nữa được. Khoảng một tiếng nữa anh cho người lên phòng phụ đem hành lý của tôi vô xe nhé.”

“Dạ, đúng một tiếng nữa tôi sẽ cho người lên phòng đem hành lý của bà vô xe. Bây giờ tôi cho người đem cái bao thư của ông Trần Cảnh Tân lên ngay, thưa bà.”

Tôi đặt điện thoại xuống và ngồi thừ người ra đó mà suy nghĩ nhưng cũng không thể nào hiểu gì cả. Tôi đã ở đây cả một tuần rồi sao? Một tuần qua tôi đã làm gì và đi những đâu sao tôi lại không một chút mảy may nào nhớ ra được là làm sao? Một tuần, tức là đến bảy ngày chứ nào phải bảy tiếng đồng hồ đâu. Vậy mà… tôi không biết gì cả là sao? Mãi suy nghĩ nên tôi quên cả đói cho đến khi người bồi phòng bấm chuông và đưa cho tôi cái bao thư của ông Tân. Tôi mở nhanh bao thư ra thì thấy bên trong có hai mươi tờ giấy năm trăm Euro. Tôi lại đau đầu suy nghĩ về số tiền mười ngàn Euro mà ông Tân đã để lại cho tôi. Tôi rất muốn gặp lại ông nên tôi cố gạt cái ý nghĩ vừa chợt thoáng qua trong cái đầu của tôi. Tôi không tin là ông muốn sòng phẳng với tôi vì tôi đâu phải là gái điếm. Tôi muốn gặp ông gấp để biết trong một tuần qua ông và tôi đã đi những đâu và làm những gì mà sao tôi không nhớ gì cả. Tôi ôm đầu khổ sở đến quên cả đói. Tôi gọi xuống phòng tiếp tân yêu cầu cho người lên đem hành lý xuống xe ngay bây giờ. Tôi phải trở về lại Hòa Lan ngay để gặp ông chứ nếu chậm trễ có lẽ tôi hóa điên mất.

***

Nếu tôi không đến đây mà lại gặp người đang tiếp tôi ở ngoài đường thì… có lẽ tôi sẽ mừng vì lầm. Lầm lớn! Người ngồi đối diện với tôi giống ông Tân như hai giọt nước. Lúc người này ra mở cửa khi nghe tôi bấm chuông, tôi đã tươi cười thật vui và gọi tên ông là Tân. Nhưng, người này đã vội vàng đính chánh:

“Thưa chị, anh Tân là anh của tôi. Còn tôi tên Việt. Anh Tân và tôi là anh em sinh đôi. Nhưng... nhưng anh ấy không còn nữa.”

“Không còn nữa nghĩa là sao anh?”

“Anh ấy mất đã mười năm nay rồi. Anh ấy mất vì tai nạn giao thông.”

Tôi quá sửng sốt nên hỏi mà không suy nghĩ:

“Anh... anh nói thật đấy chứ?”

Ông Việt nhìn tôi với ánh mắt không vui và, có lẽ vì câu hỏi hơi vô duyên của tôi.

“Có gì quan trọng đâu mà tôi lại phải nói láo với chị?”

Nhìn ngay mắt của ông, tôi biết ông nói thật nên tôi đành phải nói dối ông:

“Xin lỗi anh, tôi... tôi vô ý quá, xin anh bỏ qua cho. Tôi... tôi và anh Tân quen nhau đã lâu nhưng... nhưng tôi không biết tình trạng của anh ấy như vậy nên...”

“Không có gì mà chị phải bận tâm xin lỗi cả.”

“Xin anh cho tôi biết anh Tân... bị làm sao?”

“Anh ấy đi Paris để môi giới bán một căn biệt thự. Trong lúc anh định dừng xe để nghỉ thì bị một chiếc xe chở hàng đụng nát cái đầu xe và đầu của anh thì đập vô cái tấm kiếng chắn gió phía trước làm cho cái đầu của anh bị tét một đường dài và gây thương tích nặng cho óc. Đến hai hôm sau tôi mới được tin và tôi liền tức tốc qua Paris nhận xác anh về chôn. Tội nghiệp cho anh! Anh chết khi chưa lập gia đình vì cứ mãi lo công việc và lo cho người thân bên nhà.”

“Anh Tân được chôn ở đâu, thưa anh?”

“Trong nghĩa trang gần đây thôi.”

“Anh có thể đưa tôi...”

“Vâng, nếu chị muốn đi thăm anh ấy thì xin chị chờ tôi trong giây lát tôi sẽ đưa chị đi.”

Nói rồi ông Việt đứng lên đi ra nhà sau. Trong khi còn một mình, tôi lấy tấm danh thiếp của ông Tân ra xem lại mà hai tay tôi cứ run lên từng chập và lạnh ngắt. Tôi không thể ngờ ở thế kỷ thứ hai mươi mốt này mà lại có chuyện rùng rợn đến như vậy. Rùng rợn đến độ tôi... tôi đã ngủ và còn làm tình với người đã chết mười năm rồi. Tôi thật sự đang sợ nên có lẽ mặt của tôi lúc này cũng nhợt nhạt lắm. Tôi lấy phấn ra thoa lên mặt. Tôi không muốn cho người em của ông Tân biết chuyện đã xảy ra giữa anh ông và tôi.

Đúng như tôi đã nghĩ, ông Việt thay bộ đồ khác và cầm theo một bó hoa thật đẹp và lớn. Ông nói:

“Hôm qua là ngày sinh nhật của tôi và cũng là ngày sinh nhật của anh Tân.”

Tôi buột miệng nói mà không một chút suy nghĩ:

“Sinh nhật lần thứ năm mươi ba.”

Ông Việt trợn mắt lên và mỉm cười vẻ hóm hỉnh:

“Chị còn nhớ cả tuổi của anh Tân nữa à?”

“Tôi còn biết anh ấy nấu ăn ngon và nhất là món... món gì anh có biết không?”

“Món Phở! Anh ấy mà còn sống đến hôm nay thì có lẽ Hòa Lan đã có một tiệm phở nổi tiếng rồi.”

Tôi cúi nhìn xuống đất và mỉm cười một mình. Có ai hiểu được tâm trạng của tôi lúc này chứ. Đi bên cạnh người em của ông Tân mà tôi cứ ngỡ như hôm nào tôi đã đi với ông Tân mà tôi thì không hề biết là mình đang đi với người đã chết từ mười năm trước. Suốt cuộc đời còn lại của tôi, tôi sẽ không bao giờ quên được và có lẽ nó sẽ theo ám ảnh tôi mãi, nhất là khi màn đêm xuống.

***

Tôi cố đứng thẳng người nhìn ngay mắt ông Tân trong tấm hình của ông được cẩn vô tấm bia đặt trước cái mộ. Dù cố gắng hết sức nhưng hai cái chân và hai cánh tay tôi vẫn cứ run hoài làm cho tôi gần muốn quỵ xuống. Tôi không thể nào ngờ người nằm trong cái mộ trước mặt tôi đây lại có thể cùng tôi làm... Tôi vừa nhìn thấy hình như ông Tân mới nháy mắt với tôi. Sợ quá nên tôi nhìn quanh để tìm ông Việt. Ông Việt đang đứng nói chuyện với người trông coi nghĩa trang nên tôi cố thu hết sức lực để nói với tấm hình mà tôi tin là tôi đang nói với ông Tân:

“Anh hãy yên giấc bình an anh Tân nhé. Tôi hứa là từ nay cứ đến ngày sinh nhật của anh, tôi sẽ đến đây thăm anh. Tôi cũng rất cám ơn anh về những gì anh đã cho tôi trong những ngày qua. Nhưng... xin anh hãy để cho tôi yên và... và tôi sẽ không bao giờ quên anh đâu.”

Nói xong câu nói tôi không dám nhìn hình của ông nên tôi liền quay lưng đi đến chỗ ông Việt và người trông coi nghĩa trang, mà trong lòng thì không yên một chút nào cả. Tôi nghĩ chuyện giữa ông Tân và tôi chưa hẳn là đã chấm dứt. Biết đâu một đêm nào đó, khi tôi giật mình thức giấc, nhìn qua bên cạnh, tôi thấy ông Tân với thân thể lõa lồ nằm cạnh bên từ... Tôi lắc đầu cố xua đuổi cái ý nghĩ rùng rợn vừa thoáng đến. Và, vì quá lo, vì quá sợ, nên nước mắt tự dưng trào ra làm cho ông Việt và người trông coi nghĩa trang cứ trợn mắt lên nhìn tôi như muốn hỏi, chuyện gì đã xảy ra cho tôi. Dĩ nhiên là tôi không dám kể thật cho hai người nghe. Và, tôi cũng sẽ không bao giờ kể chuyện này cho bất cứ người nào nghe. Có kể, chưa chắc đã có người tin câu chuyện rùng rợn lại đã xảy ra vào thế kỷ thứ hai mươi mốt này. Vĩnh viễn không bao giờ tôi kể!/.

.

Topa (Hòa Lan)

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/nguoidanongtrenxalo.htm


Cái Đình - 2021