Nguyễn Như Mây


Nghĩ về hoa Hồng

.

Sáng chúa nhật, vừa thấy tôi bước ra khỏi nhà, đoá hoa Hồng đang mọc trong chậu kiểng trước sân vội nghiêng mình chào. Tôi chào lại và cúi hôn lên từng cánh hoa còn ướt sương đêm rồi hỏi thăm đêm qua hoa mới nở ra trong sương khuya có bị thấm lạnh không, hoa chỉ nở nụ cười thật tươi thay cho câu trả lời. Hoa chưa bao giờ ngỏ lời “tâm sự” với tôi về sự suy nghĩ hay tình trạng mưa nắng nơi mình đang được thụ hưởng giữa nhiều loài hoa khác tôi trồng trước nhà. Nhưng dù vậy, đã hằng ngàn năm nay, tôi vẫn bâng khuâng về sự im lặng trong quan niệm sống của loài hoa Hồng này mỗi khi tôi đến bên âu yếm hay săn sóc cho hoa:

Có bao giờ hoa hồng biết được
Dưới chân mình cỏ dại đang xanh
Và người đời bên trọng, bên khinh
Nhổ cỏ dại để hoa hồng sống?

(Nguyễn Như Mây)

Với tôi, từ ngàn xưa tới nay chẳng có một ai đi bỏ công sức ra trồng cỏ dại nhưng chúng vẫn mọc hoang và xanh tốt khắp nơi trên hành tinh này mà con người chúng ta ai cũng gọi chúng là “cỏ dại” vẫn có không ít loài đã nở ra những cánh hoa nhỏ xíu nhưng rất đẹp, và chúng thậm chí không cần có một chút mùi hương cho bất cứ ai thích ngắm nhìn nhưng vẫn làm cho lòng ta vương vấn một niềm buồn vui, thương mến nào đó rất nhẹ nhàng mỗi khi ta nhẹ nâng chúng trên tay mình trong một chiều sương lạnh dọc đường trần thế:

Không ai trồng mà mọc
Không ai chăm mà tươi
Dù mưa nắng vẫn cười
Quên mình là cỏ dại
Quên cả mình mãi mãi
Còn mọc khắp trần gian...

(Nguyễn Như Mây)

Cỏ dại không vì vậy mà “dại” để cho con người chà đạp lên đầu lên cổ mình hằng ngày!... Cỏ dại đã góp phần rất nhiều trong cuộc sống và môi trường của con người; thậm chí cỏ dại còn là đề tài ca ngợi hay được nhắc tới nhiều trong thơ ca:

Nếu được làm cỏ dại
Mọc dưới bước chân người
Tôi sẽ không ngần ngại
Nở thêm vài cánh hoa
Để chân người êm ái
Quên bao nỗi đường xa...

(Nguyễn Như Mây)

Trở lại với hoa Hồng, ban đầu hoa sống cuộc đời vô danh cả triệu năm dài tận trong rừng sâu hoang vu nên chẳng có ai biết tới, và hoa cũng chẳng có một mái nhà “để chui ra, chui vào” tránh nắng tránh mưa; hoặc để nở ra cho con người được ngắm nhìn nụ cười “tươi như hoa” của mình. Đến một sáng chúa nhật của mùa xuân đẹp nọ, tôi vào rừng tìm một ít củi khô để về tặng cho lò sưởi nhà mình thì tình cờ gặp hoa đang đứng co ro và lẻ loi bên dòng suối lạnh giá và hoang vu. Tôi còn nhớ đôi mắt hoa Hồng lúc ấy rất buồn với nét u hoài cố hữu của một loài hoa mang màu sắc đỏ tươi như màu áo của cô dâu đang sắp phải xa cha mẹ để về nhà chồng xa lắc phương trời nào...

Tôi đã trồng, chăm bón và nâng niu hoa Hồng từ ngày đó đến nay có thể đã ngàn năm huyền thoại. Và, cái chậu sành cổ trồng hoa Hồng này tôi đã mua với một giá khá cao trong cửa hàng bán đồ cổ bên Trung Hoa cách đây hơn hai trăm năm trong một chuyến du hành bằng cách “đằng vân hầu” của tôi. Sau đó, tôi cứ bâng khuâng với câu hỏi “vu vơ” của mình là vì giá trị đẹp về tinh thần của hoa Hồng hay vì cái chậu sành cổ đắt tiền mà tôi đâm ra yêu thích trò chơi cây cảnh này? Lúc đầu, tôi tạm chấp nhận với “quan điểm” rằng mình quí hoa Hồng một phần vì giá mua khá đắt của cái chậu cổ này... Theo lời người bán, nó đã từng qua tay “bồng bế, cưng chìu” của các vị vương tôn công tử đài các của xứ Ba Tư “nghìn lẻ một đêm” huyền thoại rồi mới “chịu” phiêu bạt tới đất nước của các thi sĩ Đào Tiềm, Đỗ Phủ, Lý Bạch... để rồi cuối cùng đã gặp tôi, một “tay chơi” amateur “xứ Annam”!..

Thậm chí, có lúc vì quá yêu hoa Hồng nên trong khi chăm sóc cho hoa, tôi đã bị gai nhọn của hoa Hồng đâm vào tay làm cho rỉ máu; lát sau tôi mới chợt nhớ người đời thường hay cho rằng “chẳng có hoa hồng nào mà không có gai”! (point de roses sans épines!) để ví von mỗi khi bàn về một “bóng Hồng” nào đang xuất hiện bên cuộc đời mình với những “sắc cạnh” cố hữu của Người đẹp ấy...
Ôi, hằng ngàn năm nay thiên hạ ai ai cũng đều phải nghiêng mình trước vẻ đẹp mà tạo hoá đã ban cho nhưng không ai biết rằng thỉnh thoảng, hoa Hồng của chúng ta vẫn có những vết thương trong tâm hồn hay ngoài thể xác như của một con người bình thường chúng ta. Chẳng hạn như dưới cuống lá của hoa, phía bên trái – chỗ của Trái Tim, đã đôi lần tôi nhìn thấy một vết thương nào từng làm cho hoa phải rỉ máu – hay là ở đó, một vết thương lòng xa xưa nào mà hoa chưa bao giờ kể cho tôi nghe? Riêng mình, vì tôn trọng hoa nên tôi không bao giờ “đánh tiếng” hỏi hoa Hồng về “vết tich” ấy của hoa – một người bạn của tôi từ xưa nay vốn thích sự im lặng hơn là phải diễn đạt bằng lời nói những suy nghĩ của mình. Chính sự im lặng của hoa Hồng đã nhắc nhủ tôi phải tự mình giảm bớt “nói” vào những khi không cần thiết; thậm chí “giảm” cả sự nghe hay nhìn hằng ngày của mình để lòng được chiêm nghiệm về mình, về cuộc đời chung quanh mình:

Vui là vui gượng kẽo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai?!

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Tôi còn học được ở hoa Hồng niềm vui mỗi khi chỉ cần có một làn gió nhẹ thoảng qua là hoa đã vội nghiêng mình vui cười chào đón trong niềm an nhiên, tự tại... Hoặc lúc trời đổ mưa gió tơi bời, hoa vẫn hiên ngang đứng “trụ” lại giữa đời hoặc vẫn sát cánh cùng với những loài hoa khác để tự vượt qua, tự khẳng định chỗ đứng của mình trong cuộc đời vốn không bình yên hay bằng phẳng như ta từng nghĩ:

Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng, hào kiệt có ai hơn?

(Phan Bội Châu )

Sáng nay tôi lại vào núi như đã bao lần tìm vào chơi và uống rượu dưới trăng với núi chứ không phải để tìm hái hoa như ngàn năm xưa nữa vì nay tôi đã có quá nhiều các loài hoa rồi. Sáng nay tôi lầm lũi chống gậy trúc một mình đi vào núi. Chỉ mình tôi với một chai rượu ngâm lâu năm nhưng vì không tìm đâu ta một tri kỷ như Bá Nha xưa nên đến nay chai rượu vẫn còn mới nguyên... Nhưng kìa, hình như núi đã cho người ra đứng ở cửa rừng để ngăn không cho tôi vào:

Lâu, không lên chơi núi
Biết núi có già thêm?
Nay nhớ, ta lại lên...
Núi chê già - không tiếp!

(Nguyễn Như Mây)

.

Nguyễn Như Mây

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/nghivehoahong.htm


Cái Đình - 2021