Linh Vang


Nếu mình có duyên

.

Chị ngồi ngoài này đã lâu, không tốt đâu. Nên vào trong thì hơn, trời cũng chưa hẳn ấm.

Tiếng nói làm tôi giựt mình. Tôi mải nghĩ ngợi nên không hay có người đến gần. Thấy tôi quay phắt lại, cử chỉ hốt hoảng, hắn cũng bối rối:

–  Xin lỗi chị, tôi không cố ý...

Không chịu được không khí ngột ngạt của hơi người và khói thuốc, lẫn tiếng nhạc ồn ào, nên tôi bỏ Kim ra ngoài này. Với lại đi party mà tôi buồn. Kim, nó bằng tuổi tôi mà lúc nào cũng vui nhộn như ngày Tết, vẫn ồn ào và liến thoắng, ở giữa những bản nhạc, nó hay chạy tới đập vào vai tôi:

–  Hòa vào đám đông đi chứ, party mà ngồi một đống hoài sao bà già?

Thành ra tôi có nhiều lý do để trốn ở đây. Còn hắn, bộ hắn không thích không khí party hay sao, và đã có mặt bên tôi từ lúc nào mà biết tôi đã ngồi lâu trên chiếc ghế đá này?

Hắn mỉm cười và nói:

–  Chị giống tôi, nhiều lúc tới một đám đông tôi cũng hay tách lẻ một mình. Nhưng con gái nhiều khi không tiện!

Hắn tự nhiên tiếp tục nói trong khi tôi vẫn chưa có lời nào phản ứng:

– Chị học ở trường này?

Rồi hắn tự động, sau khi gợi chuyện, ngồi xuống bên cạnh tôi. Dù nghĩ hắn đã xâm phạm đến cái thế giới riêng tư của mình, tôi không thấy bực mình mà còn ôn tồn trả lời:

– Đã ra trường và đang đi làm.

Thấy tôi đã bỏ đi lớp vỏ lạnh lùng, hắn lộ vẻ vui mừng:

– Tôi cũng vậy. À mà tôi ra từ Washington State University, không phải ở đây. Tôi không quen ai trong đám party này, ghé dorm Whitney thăm thằng bạn, thấy bà con tấp nập, lại nghe tiếng nhạc nên tôi tạt ngang một chút. Trời, ở đây vui quá, hơn chỗ tôi ở! Cứ thấy người Việt đi cả đàn, nói cười xí xố là vui rồi!

Nói xong, hắn cười dòn tan... hồn nhiên. Tôi tò mò, sao còn có kẻ "thèm" thấy người Việt như thế trong khi có những người Việt lại sợ gặp người Việt vì sợ nhiều chuyện, đã trốn cộng đồng gần chết:

– Chỗ anh ở là chỗ nào?

– Hồi trước hay bây giờ?

– Cả hai đều vắng vẻ người Việt à?

Đầu hắn gật gù:

– Ừ, ở Pullman, hồi còn đi học nhìn chung quanh chỉ thấy đồi trọc, cây cỏ khô khan, mùa đông tụi tôi bốn thằng nhìn tuyết trắng rầu thúi ruột. Mà không thằng nào có gia đình để weekend về thăm. Cũng chẳng có con gái Việt - Nói tới đây hắn liếc mắt nhìn tôi dò xét - Hết mùa đông, một thằng bỏ cuộc về Cali, đến hè rủ thằng khác xuống theo. Còn lại hai thằng, năm sau thêm một số sinh viên Việt, thấy vui hơn, cầm cự cho đến ngày ra trường. Từ ngày đi làm đến giờ, vẫn chưa có can đảm trở lại thành phố đó. Rồi cũng tại cái giốp, nó đưa mình đi. Thấy thiên hạ ra trường nhiều như "vịt" và nằm dài chờ việc, không lẽ mình được giốp mà chê vì... buồn hay sao? Chị từng nghe Port Angeles chưa?

– Ở tuốt luốt ngoài phía biển?

– Đúng đó, thế thì chị đủ biết tôi quý người Việt đến chừng nào! Còn chị?

Tôi ngơ ngác:

– Gì cơ?

– Chị qua đây lâu chưa?... với thân nhân?

– Từ 75... - tôi nói - ...tôi có cha mẹ, anh chị em, lẫn... người yêu trong những ngày bỡ ngỡ nơi xứ người. Đáng lẽ tôi không có quyền than thở, phải không anh?

Rồi tôi cười thành tiếng. Hắn cũng tinh ý, vừa yên lặng chờ đợi, vừa dò xét, nhưng tôi đổi đề tài, giọng nói pha chút khách sáo dù rằng tôi không cố ý:

– Hân hạnh được biết anh. Trong đó ngộp mùi thuốc, định chỉ ra ngoài một chút ai dè lâu quá rồi, phải đi vào, không con bạn tôi nó kiếm. Tôi vừa nói vừa đứng dậy, sắp sửa bước đi, hắn cũng vội đứng lên theo:

– Tôi tên Huân. Xin lỗi chị, chị tên gì?

Tới lúc đó, tôi cũng chưa nhìn kỹ hắn một lần, chỉ thấy hắn có mang kính, và cặp kính cận làm hắn có vẻ thông minh lanh lợi, thêm nữa, tiếng cười lộ vẻ hồn nhiên và giọng nói có vẻ... chân thật (?). Tôi nghĩ hắn đáng được biết tên tôi:

– Chuyên, Bích Chuyên.

Hắn đã đứng gần, bây giờ tôi nhận ra hắn cao hơn tôi một cái đầu.

– Tôi có thể gặp lại chị được không?

Tôi cười trong bụng. Ái chà! Tên này cũng không hiền gì đâu, đã bước được một bước và đang dò dẫm bước thêm bước nữa, thăm dò xem bước được bao xa. Thật ra, hắn đã có tài... làm quen tôi mà không làm tôi nhận thấy hắn đang... làm quen mình. Hắn thoải mái tự nhiên kể lể, và tôi, tôi thoải mái tự nhiên hỏi han... như hai người đồng hương mừng rỡ gặp nhau trên đất người xa lạ. Cũng buồn, chẳng phải thế hay sao! Tại ở đây có người Việt nhiều làm ta coi thường cái tình đồng hương. Chợt nhớ một câu nói trong một cuốn tiểu thuyết nào đó (hay tuồng cải lương?), tôi tinh nghịch trả lời:

– Nếu mình có duyên...

Hắn gãi đầu:

– Trời, ở xứ Mỹ này mà còn có duyên với không có duyên! Đâu phải lần sau cũng có một cái party ở đây, tôi tạt ngang, và tình cờ chị cũng đến?

Tôi cười đùa tiếp:

– Anh không biết, xứ này rộng lớn vậy nhưng nếu cố công tìm kiếm cũng ra, cứ gọi phôn hỏi một người nào cùng nơi người đó ở, có biết ông A, bà B không, là ra ngay. Tôi đã kiếm một người bạn bằng lối đó. Anh thử xem.

Vừa nói tôi vừa bước đi. Hắn lại đuổi theo, làng chàng trước mặt tôi - Cứ như học trò chạy theo thầy giáo để hỏi bài hay... nài nỉ xin điểm vậy.

– Tôi không muốn liều lĩnh, tôi không biết nhiều về chị, làm sao tả chị để người ta tìm cho - ngập ngừng hắn tiếp - mà lỡ tên chị... không phải là Bích Chuyên thì sao?

Tôi bật cười, quả thật hắn có lý phần nào:

– Bích Chuyên đúng là tên thật của tôi. Gia đình và bạn bè thân hay gọi tên nhà là Hạnh.

Hắn cười lớn:

– Thấy không, làm sao tôi tìm ra chị nếu ai cũng chỉ biết nickname của chị thôi - Rồi hắn nịnh - Tôi thích cả hai tên, cả hai... đều có vẻ hiền thục! Thôi như thế này: tôi cho chị số phôn của tôi, nếu thích chị gọi, chị không ngại tôi gọi phá chị.

Hắn nói tỉnh queo, một cách tự nhiên, rồi từ trong ví tiền lấy vội ra cái danh thiếp:

– Đây chị cầm lấy, gọi là tôi nghe ngay.

Vừa nói hắn vừa nhét cái thiệp vào xách tay của tôi, cũng một cách... tỉnh queo!

Động tác của hắn nhanh quá làm tôi đứng sững, chỉ còn biết ngó. Đúng lúc ấy, Kim đã tìm thấy tôi, nó ồn ào:

– Đi đâu mà lâu dữ vậy, bà già?

Rồi nó kéo tôi đi xồng xộc, hình như không nhận ra sự hiện diện của một tên con trai lạ.

Đêm hôm đó trời Tây Bắc chỉ mới bắt đầu vào xuân, còn lạnh.

*

Quán ăn chiều chủ nhật vẫn đông người, bàn ghế không còn chỗ trống. Hai đứa đứng lóng ngóng chờ đợi.

Kim lầm bầm:

– Sao chủ nhật cũng đông? Không ở nhà sửa soạn mai đi làm sao?

Tôi nhìn nó cười thân mến:

– Còn mày với tao thì sao?

Nó nhún vai, bồn chồn:

– Mình khác.

– ???

Đi bát phố cả buổi, hai chân tôi đã mỏi nhừ, nên tôi không buồn đáp nữa. Cả hai đều không được tự nhiên khi phải đứng đợi như thế này, nhiều cặp mắt đàn ông ngó soi mói, tôi linh cảm, như muốn lột trần hai đứa. Kim và tôi bao giờ cũng đi có nhau hay thêm bạn bè chứ chẳng dám một mình vào quán, nơi chốn lạ này toàn đàn ông con trai, lại có dân cao bồi chọc gái trắng trợn:

– Đ.M! Sao em đẹp quá vậy em!

Với bọn đó chỉ nên cúi mặt mà đi, giả không nghe thấy, đụng chạm chỉ thiệt cho mình. Cũng may, không phải đợi lâu, hai đứa được một cái bàn nhỏ trong góc, gần cửa sổ, có thể nhìn người vào tiệm ăn hay người đi qua đi lại.

Tôi gọi ngay một ly chè đậu đỏ bánh lọt.

Kim giơ tay chặn ngang:

– Đừng! Về nhà tao làm còn ngon hơn!

Thằng nhỏ bồi bàn lém lỉnh:

– Chè đậu đỏ bánh lọt nước dừa ở đây ngon lắm, không đâu bằng! Tôi bảo đảm với chị. Thằng nhỏ chắc làm nghề quảng cáo được!

Tôi đang thèm... bánh lọt nước dừa, hết ngẩng lên nhìn thằng nhỏ lại cúi xuống nhìn qua Kim.

– Với nước dừa?

Nhỏ Kim không chịu được nước dừa. Một dạo, hai đứa ăn cơm tháng với một bà người Nam, món nào bả cũng bỏ nước dừa... đến giờ hắn còn tởn. Tôi bắt nó hứa phải có nước dừa thì tôi mới chịu đợi món chè của nó.

Cười dễ dãi, nó nói:

– Ừ, thì nước dừa. Muốn ăn thì bỏ thêm, dễ òm mà!

Tôi kêu thứ khác. Một ly nước dừa xiêm!

Cô bạn tôi lắc đầu chịu thua:

– Con này chắc phải lấy chồng Nam.

– Có lẽ, tao còn ăn được giá sống nữa cơ!

Một dĩa bánh hỏi chạo tôm cho Kim, một dĩa bò kho bánh mì cho tôi, và thêm một dĩa chả giò ăn thêm. Kim cũng kêu một ly nước lạnh bỏ đá nhiều như mọi lần. Bò kho ở đây thơm ngon. Tôi xin những trái ớt đem dầm trong bát.

Kim nhăn mặt:

– Ăn cay dữ!

Trong lúc tôi đang mải mê thưởng thức món ăn, bỗng nhỏ Kim cúi thấp đầu thì thầm:

– Ý cha! Ai như chị Loan! Đừng nhìn ra, chỉ biết. Không phải anh Thành, bồ khác rồi!

Tôi cũng cúi đầu thì thầm hỏi:

– Phải cha mập không? Người mình gặp ở Nguyệt Cầm đó.

Kim trả lời:

– Không...tên này trẻ măng. Ý, hai người cũng vô đây! Tôi vẫn tiếp tục dĩa bò kho một cách từ từ khi chị Loan kêu lên mừng rỡ:

– Ủa, hai em cũng đi chơi hả?

– A, chị Loan! chị khỏe không? Nhỏ Kim tía lia cái miệng trong khi tôi chỉ mỉm cười, gật đầu chào - chị đi shopping có mua sắm gì được không? Trời bữa nay mát đẹp quá hén!

– Ờ ờ, đi vòng vòng, mua vài thứ bậy bạ. À! Tuần tới có đại nhạc hội, tụi em đi không? "Bọn chị" tính đi! Chị cười lớn, nói năng tự nhiên, hai tay xoa xoa vai Kim thân mật.

Kim trả lời ngay:

– Chưa biết nữa, mà 25 đồng đắt quá, tụi em chắc không đi!

Chị cười vang:

– Để mấy ổng trả, chứ em trả chi mà than.

Rồi chị mải miết khoe về những chiếc áo dạ vũ mới " kiếm" được, tuyệt đẹp.

Đến lúc chia tay, tên đàn ông đi với chị vẫn vô danh. "Lão" chỉ cười mỉm chi trong suốt thời gian gặp nhau.

Tôi cười, mắng nhẹ con bạn:

– Kim, mi dở quá, sao chẳng hỏi lão ấy là ai?

– Để làm gì? Tao biết chắc là bồ mới của chỉ - rồi nó chép miệng - Anh Thành thì đang ở nhà giữ con. Tưởng chỉ mắc cở chứ ai dè chỉ tỉnh queo, đi khơi khơi giữa chợ Việt Nam là chẳng giữ gìn gì nữa đâu. Từ hồi nào đến giờ anh Thành sao không biết được? Mà cũng lạ, vì chịu đựng, vì thương con? Nghe nói dạo trước hai người cũng yêu nhau rồi mới lấy nhau đó chứ. Anh ấy cũng kỹ sư như ai!

Thấy nó chép miệng, tôi cầm lòng không đậu, thở dài:

– Chuyện đời ai biết được hở mi. Như tao với Thế, ai nói ngày đó chúng tao đã không thề non hẹn biển. Chừng con người thay đổi là cứ thay đổi, muôn vật đổi thay thì... lòng người cũng thay đổi. Tao đã không tin vậy, cho là, có yêu thật thì có thủy chung. Bây giờ chính tao cũng nhận thấy thời gian có làm con người đổi thay.

Kim gật đầu:

– Biết rồi, nhưng trông chị Loan phây phây mà tao tức.

Dĩ nhiên đau khổ là người ở nhà đó chứ, làm sao khỏi nghe những lời xầm xì bàn tán, còn hai đứa nhỏ nữa, mẹ gì mà cứ bỏ con đi chơi một mình?... Cũng biết đâu, anh Thành chẳng thích đi chơi? Rõ khỉ, chuyện người dưng mà thấy mình giận mới tức. Tại đắng miệng hay chạo tôm hôm nay không ngon, mi thử coi.

Tôi nói:

– Chắc gặp chị Loan làm mày ăn không ngon. Mày cũng lạ, sao hôm nay lại để ý chuyện người ta? Vẫn loạn xà ngầu. Bỏ bà lớn theo bà nhỏ, đám cưới đình huỳnh rõ ràng rồi đùng đùng vợ lớn qua được, té ra đã có vợ ở Việt Nam và ba bốn đứa con, rồi vợ Việt Nam, vợ "Mỹ" - làm đám cưới ở Mỹ - sống chung một nhà, vì tài chánh, giữa bầy con ngơ ngác, con anh con tôi con chúng ta, hay có đám lại... "tụi tôi chỉ ráp nối tạm bợ, chừng nào chồng bả qua thì bả về với chồng bả, vợ tôi qua thì tôi về với vợ tôi" - hai người... mạnh ai người ấy làm giấy bảo lãnh cho kẻ... hôn phối còn kẹt lại ở quê nhà. Chuyện tình cảm mà như chỉ cho mượn cái chén đôi đũa, không lâu dài sao lại còn cho "lọt" đứa nhỏ con chung đó? Có bà đòi qua Mỹ cho bằng được, ăn rồi chỉ lo giấy tờ để đi, để rồi thấy ở xứ người mình còn khổ hơn ở Việt Nam. Ở Việt Nam có tiền "viện trợ" thì chỉ ăn rồi đi đánh bài giải trí, qua đây thấy chồng có vợ bé, mình lại phải đi học tiếng người để còn lo xin giốp. Thấy không, 30 tháng 4 đâu không thấy, chỉ thấy làm nhiều người dở sống dở chết nơi xứ người mà còn tạo nên những liên hệ lạ đời! Thấy nhà bác Thủy không? Mười năm chồng kẹt, tháng tháng gởi tiền về nuôi chồng bằng hái dâu, làm cỏ ngoài đồng mà cả hai thấy hạnh phúc chờ đợi một ngày đoàn tụ, hai người làm thơ nhớ thương mùi mẫn... Rồi ổng qua... bây giờ kẻ Bắc người Nam, ổng cứ kẹt hẳn ở Việt Nam thì có phải bả vẫn còn nói... ra thơ, và mình vẫn còn dịp cười lăn xuống đất, vì tụi mình chạy theo giốp thả ga, phờ cả mặt mày, tâm hồn thì khô khan cằn cỗi, không ướt át bằng một bà già...? Tao nghĩ mà tiếc... công lao mười năm chờ đợi của bác gái. Mà nói sao được, người ta... hạnh phúc khi nuôi chồng chờ ngày sum họp mà! Trăm thứ dễ làm gây gổ, chẳng hạn qua đây đã trễ, làm gì cũng muộn màng rồi, mà vợ thì coi bộ... gì cũng hơn. Bà vẫn phải lo như ngày trước, lúc ông chưa qua. Không có ông, phải lo đã đành, bây giờ thiên hạ còn làm cố vấn không công - "ảnh qua rồi để cho ảnh lo, giao hết cho ảnh, chị đâu còn chủ gia đình nữa" - Bác than thở: "Cái ông già lạc hậu bắt bẻ vợ đã đành còn bắt bẻ con dâu, tui đây phải nói ổng hoài, ở xứ này... con nó cũng khổ, phải phiên phiến cho con nó vui, khó dễ làm chi... mà con vợ thằng Hoàng đâu phải không hiếu thảo gì cho cam, còn thằng Huy muốn lấy vợ, con nào ổng cũng kêu không được, tiêu chuẩn xưa... năm mươi năm thuở tui về làm dâu... thằng nhỏ buồn than ba không biết ở xứ này đâu dễ gì lấy vợ Việt Nam, tội nghiệp, ổng cũng than, con cháu thì con cháu chứ nhiều khi..."

Tôi đã nói một hơi dài, chẳng biết phân bua cho ai, ức giùm cho ai.

Kim giờ mới nói:

– Ừ, đời sống khổ quá! Nhưng chẳng lẽ vì thế mà ngưng sống?

Tôi bỗng giật mình khi vừa nhận thấy hình bóng hắn chợt hiển hiện trong trí óc tôi. Trời, với cuộc tình trước, tôi đã không tởn sao, liệu tôi còn "sống" được không nếu tôi...?

*

Thời gian sau đấy, Kim và tôi vẫn đi làm đều đặn. Buổi chiều gặp chị Loan đi với bạn trai cũng ngó lơ. Kim đổi việc mới, tuy cùng sở làm, nhưng lúc đầu còn đang học việc nó có hơi bận rộn, nên mỗi tối tôi phải làm cơm. Một hôm, trong lúc lấy cái "cạc" đổ xăng thì tấm danh thiếp của Huân rớt ra ngoài, tôi cầm lên ngắm nghía, có ý nghĩ là sẽ gọi cho hắn nhưng rồi nghĩ mãi không biết sẽ bắt đầu như thế nào cho đỡ ngượng. Chẳng lẽ hỏi "anh khỏe không?" Cũng được đi, nhưng có khách sáo không, rồi sau đó... chuyện gì để nói nữa. "Vẫn đi làm hả?" Lãng xẹt, chắc chính mình trong thâm tâm cũng thấy câu hỏi ấy... vô duyên! Sức khỏe, chuyện đi làm là... chuyện phải có, chuyện bắt buộc rồi! Hỏi về thời tiết mưa nắng còn đỡ hơn. Tôi không đem chuyện này nhờ Kim cố vấn. Chẳng hiểu tại sao. Hay tôi sợ phải cắt nghĩa dài dòng? Có lúc tôi ước, giá gì hắn gọi tôi... khỏe hơn. Nhưng sao tôi lại quan tâm đến chuyện buồn vui của hắn ở xứ Port Angeles chứ? Trăm ngàn người đều lẻ loi, đâu phải chỉ mình hắn. Vì công ăn việc làm đổi đến vùng hẻo lánh không có người Việt rồi chôn vùi đời nơi khỉ ho cò gáy vì sợ đổi thay, sợ những bất an khi đến vùng mới, nên đã chịu đựng cô đơn, hóa ra chẳng khác gì... tù giam lỏng. Nếu nói tội nghiệp thì còn nhiều người tội nghiệp hơn, cứ đọc mục nhắn tin cũng đủ rõ, vợ tìm chồng, chồng tìm vợ, cha mẹ tìm con cái, con cái tìm cha mẹ, xin vui lòng giúp... gọi collect số... xin hậu tạ - ra đi từ năm 1981, bây giờ còn tìm... tôi lẩm bẩm... cũng cầu mong một phép lạ nào cho những gia đình đó... Không có lý do chính đáng nhưng quả thật tôi có nhớ hắn. Vài lần Kim bắt gặp tôi đang tư lự, suy nghĩ, nó nghĩ ngay chắc tại tôi phải nấu cơm mệt nên đề nghị:

– Hay mình ăn trễ chút đỉnh, chờ tao về phụ một tay. Đâu phải chuyện cơm nước.

Tôi nói bạt đi:

– Nhằm nhò gì mà bày đặt, đợi mày về thì cũng mắc công đợi vậy.

Tôi nghĩ, với lại ai nấu cơm cho tôi ăn trong những ngày tôi đi học thêm.

Rồi một tối tôi vừa làm cơm vừa theo dõi nghe tin tức từ cái TV nhỏ để ngay trong bếp bỗng... một án mạng, kẻ tình nghi giết vợ và tình địch đều là người Việt rồi tự bắn mình vào đầu, không ai sống sót. Đang vo gạo, tôi liệng cái nồi National xuống kêu xoảng một tiếng, quay đầu nhìn trân trân vào cái màn ảnh nhỏ đang chiếu hình hai đứa nhỏ, mặt ngơ ngác. Thôi chết! Con anh Thành và chị Loan. Anh Thành đã giết chị Loan cùng người tình của chị, rồi anh tự tử.

Tôi điếng người, dẹp cả cơm nước. Ai ngờ, ai ngờ! Kim cũng vừa đi làm về, miệng lầm bầm: "biết mà, biết mà, con người dồn nén quá có ngày mất khôn làm bậy, sức người chịu đựng có hạn, ai bảo hiền mà không dám làm, mà dại quá, tội gì chết chứ, bỏ lại bầy con cho ai nuôi đây hả. Khùng, khùng hết!.." Hình ảnh con em, con Thủy Tiên với đôi mắt đen lay láy hay theo tôi giựt giựt vạt áo thỏ thẻ "cô bạn mẹ hả", ngón tay trỏ bên trái luôn luôn cho vào miệng, hai má hồng như... mận hồng đào mà mỗi khi nhìn tôi hay ao ước "giá gì ta có được một làn da mịn màng như nó",... vẫn hiện ra rõ mồn một trong trí nhớ tôi. Con Kim hay có tật điều tra con chị, thấy Kim giỏi với cả người lớn chứ nói chi chỉ bọn con nít. "Hình ai đẹp vậy Giáng Tiên, chú em hả?" "Không bạn mẹ đó, mà mẹ dặn không được nói đâu, đây nè hình của mẹ, bạn mẹ chụp cho mẹ đó..." Thảm kịch thương tâm xảy ra quá đột ngột, hai đứa tôi tê điếng, chân tay rụng rời. Kim chợt thấy rằng:

– Ai dè mồ côi lại dễ như thế, cả cha lẫn mẹ!

Sáng thứ bảy hai đứa nằm queo trong phòng. Xong ra ngoài phòng khách, tôi lấy ghế dựa, Kim chiếm cái ghế xa -lông dài nằm tiếp. Hai đứa câm không thèm chào hỏi lên tiếng. Đang lúc đó thì điện thoại chợt ré lên, tiếp tục reng 4, 5, 6 tiếng - sáng thứ bảy bộ không biết người ta đôi khi thích nằm nướng hay sao?

Phôn vẫn dồn dập reng - ai mà lì lợm? Hai đứa nhìn nhau. Xem mặt con khỉ Kim thì chỉ có ai xúc mới chịu đứng lên thôi. Cuối cùng, tôi chạy xuống bắt ống nói lên:

– A lô!

Giọng tôi xẵng - thường xài vào giờ nấu cơm chiều khi bọn quảng cáo hay gọi nhất, mình thì đang đói mà bên đầu dây kia cứ ấp úng " Mr. or Mrs... home", vì không đọc được "last name".

Bên kia đầu dây có tiếng con trai vui mừng:

– Bích Chuyên hả? Huân đây, tài không, rồi cũng mò ra. Sao không gọi? Đợi Bích Chuyên hoài! Thấy giỏi không, Chuyên có muốn biết tại sao Huân có số không?

Tôi ờ ờ tài, ờ ờ giỏi. Tôi phản ứng chậm, đầu óc vẫn còn nghĩ đâu đâu. Huân thắc mắc rối rít:

– Bích Chuyên đau hả? Bích Chuyên có bệnh không?

Thế là người tôi đợi trong mấy tuần rồi cũng đã gọi tới. Tôi không hỏi xem Huân có mạnh giỏi không, công việc làm ăn vẫn thường hay... thời tiết nắng mưa của vùng Port Angeles mà tôi hỏi:

– Huân có ghen không?

Bên kia phôn, Huân ngập ngừng, chắc đang ngạc nhiên há hốc mồm vì câu hỏi bất ngờ, chẳng biết tôi có dụng ý gì.

– Ờ, ờ, ai mà chẳng có… có yêu... mới ghen chứ, Bích Chuyên có không, đàn bà con gái ghen dữ lắm?

– Tôi đang hỏi anh chứ anh đâu “được quyền” hỏi tôi. Anh có... có vợ để lại Việt Nam không?

Hắn kêu thất kinh:

– Trời đất! Đúng là em bệnh! Làm việc quá sức phải không?

Tôi ngoan cố:

– Trả lời đi, ai nói láo là tội... tội trời đất nghe chưa!

Hắn cười trong phôn:

– Giỡn hoài, muốn có cũng chưa được, lúc đi người ta chỉ có 18 tuổi thôi.

– Ai biết đâu. Có hứa hôn gì không?

– Chưa vợ, chưa hôn thê gì hết ráo. Còn ở đây kiếm một người... mệt phờ người!

Tôi tin hắn, quả thật tôi muốn tin hắn, sống trong xã hội đang biến chuyển với tốc độ quá nhanh đang làm tôi chóng mặt, sợ hãi, nhưng chẳng lẽ tôi ngưng cuộc sống. Kim tình cờ nghe phần đối thoại ngó tôi chăm chăm đòi giải thích. Sáng thứ bảy đó tôi vừa buồn vừa vui, lẫn lộn... và tôi cũng vừa chợt nhớ lại, hắn đã gọi tôi tiếng "em" một cách ngọt xớt tự nhiên, dễ dàng.

.

Linh Vang


Cái Đình - 2019