Chu Nguyễn


Mùa báo hiếu và nỗi lòng thi nhân

.

Ngày 25 tháng 8, 2018, tức ngày 15 tháng bảy âm lịch, rơi đúng vào một đại lễ truyền thống. Đó là ngày lễ hội của nhiều nước Á Đông được gọi là Vu-lan-bồn-hội. Vu-lan-bồn-hội là lễ hội gì? Theo “Từ điển Phật học” của ban biên dịch Đạo uyển giải thích: nó có gốc phiên âm từ tiếng Phạn Ullambana, dịch nghĩa là “Cứu đảo huyền” tức là “cứu nạn treo ngược”, tức là cứu “những oan hồn bị treo ngược dưới địa ngục”. Nói rõ hơn đó là một lễ hội cúng các cô hồn, ngạ quỷ ngày rằm tháng bảy. Trong ngày này các quỷ đói dưới địa ngục được cúng dường thức ăn, bánh trái, giấy tiền vàng bạc, quần áo… để họ được giảm khổ đau. Nguồn gốc của lễ này xuất phát từ Mục-Kiền-Liên. Tôn giả nhờ Thiên nhãn thông, thấy được mẹ mình tái sinh làm ngạ quỷ dưới địa ngục và đau xót muốn cứu bà. Đức Phật bảo chỉ có sự hỗ trợ của toàn thể tì khâu trong tăng già mới giảm đau cho họ được. Từ đấy xuất phát ra truyền thống cúng ngày rằm tháng bảy, nhằm ngày chư tăng làm lễ tự tứ sau ba tháng an cư, và người ta tin rằng, lễ cúng này giải thoát được khổ đau cho thân quyến bảy đời trước của người cúng…”

Vu-lan-bồn-hội trở thành một lễ hội báo hiếu mà ngày nay nhiều người Việt tuân thủ.

Rời lãnh vực tôn giáo, truyền thống dân tộc vốn tin vào chữ hiếu là bổn phận hàng đầu của con người như nhà văn Lý văn Phức của chúng ta đã nói rõ, coi nó như tiền đề đạo đức của con người trong cuốn Nhị thập tứ hiếu:

Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết,
Thời suy ra trăm nết đều nên!

Không phải chỉ là lời khuyên có tính cách lý thuyết mà giữ chữ hiếu đã trở thành một cách sống khuôn mẫu của người xưa. Người sau làm sao quên được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu nghe tin lão mẫu qua đời đã bỏ thi, từ Huế trở về Nam và khóc tới mù mắt. Một nhà nho khác, Bùi Viện còn để lại tâm sự xót xa khóc mẹ trong bài văn tế huyên đường.

Thế hệ sau có thể đặt câu hỏi: Tại sao vậy?

Chưa có câu trả lời nào hay bằng và thuyết phục bằng nỗi lòng kẻ sĩ đối với mẹ hiền. Đó là nỗi lòng thực, tâm sự thực chứ không phải những bài đạo đức hay luân lý khô khan.

Hồ Dzếnh, một nhà thơ tiền chiến, từng ghi lại trong một trang hồi ức về người mẹ bình dân của dòng sông nhỏ xứ Thanh nhưng lòng từ mẫu mênh mông hơn cả đại dương:

“Quê mẹ tôi ở Trung kỳ. Nhà người – tôi không làm thơ đâu – ở bên kia một dòng sông nhỏ, êm kín với hai bờ lau xanh. Chính ở nơi này, lúc người mới mười lăm tuổi, thì một tình duyên đẹp đẽ gây nên sự gặp gỡ giữa hai người xa lạ. Mẹ tôi thường thuật lại cho tôi nghe cuộc nhân duyên ngày trước, thuật lại bằng một giọng rất thờ ơ, hình như cho sự kết hôn với ba tôi là một điều không đáng nói. Tôi lọt lòng năm mẹ tôi đã ngót bốn mươi tuổi, thế nghĩa là khi tôi biết tò mò hỏi đến chuyện tâm tình của người, thì người đã già. Câu hỏi luôn luôn của tôi là:

– Hả mẹ, mẹ lấy ba có xe ô tô đi đưa dâu không mẹ?

Mẹ tôi cười, một cái cười chua chát cực điểm:

– Có con ạ. Mẹ lấy ba con có những ba mươi chiếc ô tô kia!

Tuy nhỏ, tôi hiểu ngay đó là một lời than kín. Thực ra, mẹ tôi lấy chồng trong một hoàn cảnh túng thiếu hết sức. Ba tôi hồi ấy còn nghèo, như phần nhiều những người bạn cùng nước mới sang đây.

Ngày nhỏ, tôi yêu mẹ tôi một cách bịn rịn. Người chiều tôi, có lẽ vì người đoán thấy ở tôi một số phận thiếu êm vui. Tôi đòi gì là người cho. Tôi muốn gì là người chiều ý. Sự nâng niu ấy rõ rệt đến nỗi ba tôi thường phải kêu:

– Cứ chiều nó như thế, thì chưa biết nó hư ngày nào.

Câu nói ghẻ lạnh làm tôi tủi nhục, nhiều lần òa lên khóc. Mẹ tôi sợ tôi bị đòn, vẫn giấu tôi ra một nơi, ôm lấy tôi mà vuốt ve. Cứ thế, mỗi lần sự khắc khổ của người cha làm tôi đau đớn, thì một bàn tay âu yếm lại xoa dịu lòng tôi ngay. Tâm tình của trẻ con rất đơn sơ mà cũng rất phức tạp. Tôi làm nũng mẹ tôi luôn để thấy cái thú làm lành của người sau những cơn thịnh nộ. Tôi chạy nhảy cùng nhà, la hét cốt để mọi người biết tôi có quyền la hét, hay muốn làm gì thì làm. Năm lên tám, tôi cắp sách vào học tại một trường huyện. Nhà trường gần ngay chợ. Mẹ tôi, mỗi lần dọn hàng về, đều dừng lại trước cổng trường, đưa bánh cho tôi vào những giờ nghỉ. Có một lần mẹ tôi vô ý gọi to lên, giữa khi tôi đang ngồi trong lớp học.

– Con ơi, ra lấy bánh, mau!

Tôi giật mình nhìn ra thì thấy cái bánh giò đặt trên tay mẹ tôi, đưa qua hàng rào. Dưới nắng vàng vọt của buổi chiều hè, tôi nhận thấy mẹ tôi vui mừng một cách đáng thương. Một tay người giữ chiếc nón, còn tay kia thì run run. Người lách mình, cho khỏi bị gai ở hàng rào vướng. Quần áo người tiều tụy nhuộm ánh nắng xế chiều:

– Mau ra lấy bánh cho mẹ về, con!

Tôi đưa mắt nhìn thầy giáo rồi lại nhìn mẹ tôi. Sau cùng tôi đánh bạo lên xin phép:

– Thưa thầy, thầy cho con ra để mẹ con hỏi.

Thầy giáo tôi đương mãi xem quyển sách, gắt:

– Không đi đâu cả, ngồi đấy!

Nói xong, thầy bình tĩnh lẩm nhẩm: “C’est parfait! Parfait!”

Tôi về chỗ, đưa tay ra hiệu cho mẹ tôi ném bánh xuống đất, vì tôi không ra được.

Mẹ tôi không hiểu lại gọi to thêm. Lần này, thầy giáo ngoảnh mặt lên, nhìn ra ngoài rồi hỏi mẹ tôi muốn gì?

Tôi đứng ngay dậy thưa:

– Thưa thầy… mẹ con…

– Xin cho nghỉ à!

Tôi cuống lên, run run đáp:

– Thưa thầy, không ạ, mẹ con… mẹ con đưa bánh!

Thầy giáo tôi buông dài một tiếng “ôi chao” như hơi gió và bảo tôi:

– Cút ra ăn đi, rồi vào ngay, nghe không?

Tôi sung sướng suýt nhảy qua cửa sổ. Ra đến nơi, mẹ tôi hỏi:

– Sao lâu thế?

Tôi phụng phịu:

– Mẹ gọi to làm thầy giáo gắt. Từ rày có thấy con ra chơi mẹ hẵng đưa, còn không thì mẹ đem về cất vào ngăn kéo khóa lại kỹ cho con.

Mẹ tôi mỉm cười nhìn tôi – ôi! Cái mỉm cười của một người mẹ! – Người dặn mấy câu rồi quay đi. Chiếc bánh hôm ấy, tôi ăn một cách không ngon lành và hơi vội. Lúc tôi vừa ném lá xuống đất, thì tiếng trống bắt đầu báo giờ ra chơi.”

Truyện ngắn Lòng Mẹ in trong tập truyện Chân trời cũ còn ghi nhiều chi tiết cảm động khác về mẹ Hồ Dzếnh. Bà không thể tìm ra số tiền học quá lớn đóng cho con, tới ba bốn đồng bạc trong khi bà chỉ kiếm lời từng xu và tiền dành dụm bao lâu chỉ có mười quan tiền kẽm! Giải quyết sao đây nếu thiếu học phí con mình sẽ bị đuổi học? Bà mẹ chỉ biết khóc thầm và cuối cùng gom góp những quan tiền kẽm (chỉ lưu hành ngoài chợ quê) đựng trong thúng, kèm theo mấy đồng bạc tới lớp nộp tiền học cho con. Cậu bé Hà Triệu Anh (tên thực của nhà thơ) tuy mừng rỡ nhưng không khỏi không đỏ mặt trước thầy và bạn, vì mẹ nộp tiền học cho mình bằng tiền kẽm! Cậu cũng mủi lòng vì sau đó mới biết những đồng bạc vun đắp cho tương lai mình, lại là tiền mẹ ăn cắp của một người thân. Bà đã cam chịu nhục nhã khi bị phát giác và việc này đã làm Hà Anh buồn lòng và đã ghi một vết thương trong tâm trí kẻ đa cảm.

Hồ Dzếnh khi đã thành danh, ở Hà nội, có lúc nhớ lại chuyện cũ đã buồn bã nhìn nhận nỗi đau ngày cũ vẫn còn ám ảnh ông:

“Câu chuyện trên đây theo tôi như một ám ảnh cực nhục…Nhiều năm đã rơi theo nhiều năm, và bây giờ trong những đêm ở Hà nội, cái thành phố chỉ quen tiêu bạc với hào, tôi vẫn rờn rợn nghe thấy âm thanh của mười quan tiền kêu lanh lảnh…”

Nhưng nhờ những kỷ niệm như trên, ông đã hiểu thấu được lòng mẹ: Bà mẹ vì con có thể làm bất cứ việc gì không quản vinh nhục và an nguy cho bản thân:

“Và đến ngày nay, tôi mới hiểu mẹ tôi hơn lúc nào hết, người con gái lái đò trên sông Ghép ngày xưa, người mẹ Việt Nam một cách dịu dàng và cao quý.”

Một nhà thơ khác đã để lại những vần thơ nhớ mẹ tuyệt tác. Lưu Trọng Lư mỗi khi “nắng mới hắt bên song,” lại để hồn quay về cái thuở lên mười với dáng mẹ hiền vô cùng thân thương tái hiện.

Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa!

Tại sao những kẻ có lòng lại sâu sắc gắn bó với mẹ hiền như thế? Phải chăng họ đã cảm nhận được hay tại lòng mẹ thương con quá mãnh liệt?

Không phải chỉ riêng công đức cù lao của mẹ hiền vĩ đại như nhân vật Lục vân Tiên từng tâm sự khi khóc mẹ:

Hai hàng nước mắt ròng ròng
Tưởng bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu
Cánh buồm bao quản gió xiêu
Ngàn trùng non nước, chín chiều ruột đau,
Thương thay hai chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình!

Mà ơn dưỡng dục của mẹ hiền còn theo gót con suốt cuộc hành trình vào đời, mẹ có sống thọ 100 tuổi thì lo cho con tới 99 năm như người xưa ví von. Ta hãy nghe nhà thơ Xuân Quỳnh nhắn nhủ con qua lời ru:

Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
Khi con vừa ra đời
Lời ru về mẹ hát

Lúc con nằm ấm áp
Lời ru là tấm chăn
Trong giấc ngủ êm đềm
Lời ru thành giấc mộng

Khi con vừa tỉnh giấc
Thì lời ru đi chơi
Lời ru xuống ruộng khoai
Ra bờ ao rau muống

Và khi con đến lớp
Lời ru ở cổng trường
Lời ru thành ngọn cỏ
Đón bước bàn chân con.

Mai rồi con lớn khôn
Trên đường xa nắng gắt
Lời ru là bóng mát
Lúc con lên núi thẳm
Lời ru cũng gập ghềnh
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mông mênh

Thực là một bài thơ tuyệt vời về công đức của mẹ.

Công lao vĩ đại của mẹ hiền khởi từ sự hy sinh vô bờ bến, cho dù phải quên bản thân mình để nghĩ tới lý tưởng mà con theo đuổi.

Mẹ sẽ bất bình khi con không nghe lời mẹ dặn như bà mẹ nhân vật tự hào là kẻ sĩ Từ Thứ trong Tam quốc chí diễn nghĩa, đã đau lòng vì con mình đã chọn được minh chủ là Lưu Bị mà còn vì lòng thương mẹ mà quay về hàng Tào Tháo.

Mẹ hiền luôn luôn sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa, chẳng khác những bậc cha mẹ phải chứng kiến thảm cảnh những liệt sĩ lên đoạn đầu đài ở Yên Bái vào năm 1930 khi cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học thất bại:

Trong quần chúng đứng cúi đầu, ủ rũ,
Vài cụ già đầu bạc lệ tràn rơi,
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khóe mắt đã từng khinh đau đớn
Của những trang anh kiệt sắp lìa đời.
Nhưng chỉ trong giây phút vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước!
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước,
Tình thân yêu, quyến thuộc phải xem thường.
Éo le thay! muốn phụng sự quê hương,
Phải giẫm nát bao lòng mình quyến luyến!

Kẻ sĩ luôn nhớ lời mẹ dặn như Phùng Quán, một nhà văn vào tù ra khám nhiều năm chỉ vì muốn làm người trung thực như lúc còn thơ nghe lời dặn dò của mẹ hiền:

– Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Tình mẹ đối với con cao sâu như thế, nên nhà thơ Vũ Hoàng Chương, môt bậc thi bá của văn học Việt Nam, tuổi trẻ sống trong nhung lụa, được mẹ hiền chiều chuộng, tha hồ “giang hồ vặt” “mặc sức kết giao” và huy hoắc tiền nong, nên trong hồi ký “Ta đã làm chi đời ta” tỏ ra rất ân hận vì không thỏa được mong ước của mẹ hiền. Rõ ràng vì thế nên khi thân mẫu qua đời nhà thơ đã khóc thương bằng một “bài thơ nhớ mẹ” mà mỗi chữ là một giọt nước mắt, mỗi dòng là một tiếng than dài, và cả bài như hình thành bằng huyết lệ: Ngôn ngữ trần gian túi rách
Đựng sao đầy hai tiếng “Mẹ ơi!”
Văn tự chiếc xe mòn xọc xạch
Đường sang cõi Mẹ ngàn trùng xa khơi
Gọi lên bằng máu

Tim rã rời
Chép ra bằng nước mắt
Lửa thiêu hố trũng lệ tan thành hơi…
Nơi đâu sâu thẳm gặp cao vời!
Mẹ còn hay đã mất?
Cao sâu đâu là nơi?
Tin hoa một sớm thơm đầy đất
Lòng cỏ ba xuân nát tới trời.
Nước có nguồn nên sầu chẳng tắt
Mây không bến gió mưa càng dằn vặt
Con còn nhớ Mẹ – có bao giờ… bao giờ nguôi!
Chuyến tàu chở Mẹ – làm sao… làm sao không
phản hồi?

Có đọc lại tâm sự của những người có trái tim dễ cảm xúc và có trí tuệ minh mẫn, lại có tài hoa diễn tả nỗi lòng mới thấy rõ được lòng mẹ bao la xiết bao và đạo hiếu muôn đời là khuôn vàng thước ngọc cho kẻ làm con.

Từ đó ta mới hiểu, Hồ Dzếnh tâm sự, nếu có kiếp sau và có cơ hội tái sinh, ông không muốn “làm cây thông” như Nguyễn Công Trứ hay làm “đôi chim nhạn tung trời mà bay” như Tản Đà mà chỉ muốn trở lại làm con người để được nghe lời ru của mẹ hiền:

Khi con còn ngủ trong thai
Cuống rau mẹ chắt đêm ngày thức ăn
Nôi êm nâng giấc con nằm
Sữa thơm mẹ lại vắt phần nuôi con
Bùn màu thắm nước nâu non
Biết bao nghĩa cả tình son với đời
Kiếp sau xin lại làm người
Để nghe non nước vọng lời mẹ ru.

.

Chu Nguyễn


Cái Đình - 2018