Lê Xuân Cảnh


Một cú sút

Mời các bạn hãy cùng tôi ngược dòng thời-gian, về thăm lại một thành-phố lớn tại miền Nam VN, năm 1958.

Ban D, Banh và Con Gái

Vào cái tuổi học-trò bậc tiểu-học, vốn còn rất ham chơi, có lắm đứa trong bọn chúng tôi đã mê môn bóng tròn nhiều đến nỗi coi chuyện "đến trường để đá banh là chính, còn việc học chỉ là chuyện phụ!" Các bậc phụ-huynh khổ cực lo cho con em đến trường ăn học, nghe câu này mà thấy ấm cả cõi lòng. Độ ấm thường thường trên dưới 100 độ C.

Không cần nói, các bạn cũng biết là những trự học-trò có niềm đam mê lớn như thế này phần lớn sẽ là những người sẽ nuôi sống các trường tư-thục sau này. Trong mười đứa thì đã hết năm đứa không thi đậu nổi vào lớp đệ Thất của các trường công-lập.

Riêng tôi, quân-bình hơn, tôi coi việc học-hành thuộc về trí-dục và chuyện đá banh thuộc về thể-dục, có tầm quan-trọng ngang nhau. Trong khi ngồi học, đầu óc tôi luôn luôn tập-trung nghĩ đến chuyện đá banh. Ngược lại, trong khi đá banh, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện học.

Trường của chúng tôi, đặc-biệt hơn những trường khác, ngay từ bậc tiểu-học, đã chia ban để học-sinh dễ-dàng chuẩn-bị ngành mình ưa thích.

Trường có bốn lớp Nhất: Nhất A (Sinh-vật), Nhất B (Toán), Nhất C (Văn-chương) và Nhất D (Đá banh).

Cha mẹ của học-trò lớp Nhất D chúng tôi, trong khi con còn đang học tiểu-học, đã có người quá lo xa, chạy đi kiếm các trường trung-học tư giỏi để ghi danh đóng tiền giữ chỗ cho con trước. Thật ra, chính những trường tư dở mới hợp với chúng tôi hơn.

Nhưng thôi, chúng ta hãy tạm quên những chuyện bi-quan đó đi. Hãy trở lại tận-hưởng những ngày tháng ăn chưa no lo chưa tới của tuổi học-trò hoa mộng, tuổi học-trò của lớp Nhất D ‘đầy tương-lai' của chúng tôi.

Hàng ngày, sau giờ học, vừa đến giờ ra chơi là bọn Nhất D chúng tôi chạy bay ra sân trường, ráo-riết dợt banh – nhất là khi thấy có mấy nàng con gái đứng coi.

Nói cho cùng, cứ có con gái đứng coi thì bọn con trai chúng tôi làm việc gì cũng hăng hái, cũng ráo-riết, chứ không riêng gì việc đá banh.

Đó là lúc bọn con trai chúng tôi mới có mười tuổi!

Thử tưởng-tượng đến lúc càng trưởng-thành, chúng tôi càng dại đến mức nào!

Sân banh

Sân banh của chúng tôi lúc bấy giờ chỉ lớn gần gấp đôi vòng cấm-địa của WC2019 một chút. Hai thằng goalkeepers – VN mình thường gọi là thằng goal, có thể đứng ngay tại goal của mình, chửi lộn tay đôi với nhau qua suốt chiều dài của sân mà không cần phải rống to. Thằng nào điếc, thằng đó thắng. 

Sân nhỏ cho nên chúng tôi phải biết tự hạn-chế, không được đá mạnh. Thằng nào đá mạnh quá, trọng-tài sẽ thổi phạt, cho ngay thẻ đỏ, đuổi ra khỏi sân. Cho chạy đi tìm banh.

Khi nào tìm ra được trái banh mang vô lại, trọng-tài sẽ cho đá tiếp. Cho hai đội đá tiếp, chứ còn mình thì vẫn phải ngồi ngoài chờ, cho đến khi nào trọng-tài và thủ-quân của hai đội hết giận thì đến xin lỗi họ. Họ tha lỗi hay không thì còn tùy vào khoảng thời-gian trọng-tài và cả hai đội đã phải ngồi chờ mình đi tìm banh lâu hay mau.

Tìm không ra banh thì khôn hồn cứ lẳng lặng chuồn về nhà luôn, đừng có trở lại sân banh mà mang họa. Rồi bạn bè thân sẽ mang dùm sách vở, quần áo, giày dép về nhà sau cho. Thà để cho hai đội và trọng-tài chờ mình, chửi mình, giận mình, còn hơn trở lại mà không có trái banh trong tay. Có thằng đã bị cả hai đội giận quá – và ghiền banh quá quá, rượt chạy đến tận mũi Cà-mau, trọng-tài chạy theo can không kịp.

Thật tình mà nói, nếu cứ để cho chúng tôi được đá thoải-mái theo sức của chúng tôi, sức của những em bé VN mới mười tuổi vào cái khoảng thời-gian cách đây sáu mươi năm, ít nhất chúng tôi cũng phải được đá trên một cái sân banh lớn cỡ World Cup 2019 thì mới vừa sức.

Thật đúng là "Sức nổ của một cái mồm mạnh hơn sức đá của hai cái giò."

Mà muốn cho sân banh của chúng tôi được lớn theo đúng tiêu-chuẩn của FIFA như vậy, việc đầu tiên chúng tôi cần phải làm là phá trường để lấy đất mở rộng thêm sân, một điều mà Thầy Hiệu-trưởng của chúng tôi đã thề là không bao giờ cho phép chúng tôi được... nghĩ đến.

Thầy sợ chúng tôi không xây nỗi cái sân banh theo đúng tiêu-chuẩn quốc-tế! Có thế thôi!

Chứ việc phá trường thì quá dễ. Thầy nói chỉ cần phụ-huynh và các Thầy Cô đóng góp cho mỗi người một tay, trong tay mỗi phụ-huynh là một cái búa, và trong tay mỗi Thầy Cô là một cái đơn xin tiền thất-nghiệp, thế là xong. 

Nghe đến đây, thằng thủ-quân của bọn chúng tôi quì xuống khóc như mưa, xin lỗi và hứa với Thầy Hiệu-trưởng là từ nay chúng con sẽ không bao giờ dám xin phá trường để xây sân đá banh nữa. Nó mếu máo, "Không còn trường, không còn Thầy Cô, con sẽ thành người mù chữ mất."

Thằng này là thằng chuyên trốn học để đi đá banh. Không một đội banh nào trong quận mà không có nó. Nó nói ông cố của nó chính là ông tổ đá banh của người VN. Ai tin thì tin, nó không care!

Xin được trở lại với thực-tế ngắn gọn: sân banh của chúng tôi nhỏ hơn sân của WC2019 nhiều, và chỉ là sân đất không thôi, không có cỏ kiếc gì cả.

Vào mùa mưa, sân đất trơn trợt, chúng tôi đá banh bị trượt té hoài, té rất đau, đau lắm.

Nhưng đau mấy thì đau, ngay cả có phải chết đi chăng nữa, chúng tôi vẫn nhất-quyết không chịu lót cỏ.

Lấy cỏ ở đâu mà lót?

Goal

Sân banh của chúng tôi đã nhỏ, cái goal lại còn nhỏ hơn. Thật chưa thấy ai viết văn chính-xác như tôi. Có bao giờ có một cái goal nào lớn hơn cái sân banh đâu!

Goal không có lưới như WC2019 vì chúng tôi không có khung thành để treo lưới. Mà sở-dĩ chúng tôi không làm khung thành là vì nếu làm được xong khung thành rồi, chúng tôi biết lấy lưới ở đâu ra mà treo?

Không có khung, không có lưới, làm sao chúng tôi có được cái goal để đá banh? Thằng goal không có cái goal nhất-định không chịu ra sân. Chúng tôi hoàn-toàn thông-cảm với nó. Giữ goal mà không có cái goal thì giữ cái gì?

Đến lúc chúng tôi phải dùng tới cái đầu, tới óc sáng-tạo. Sáng-kiến phải thắng phương-tiện.

Ngày đầu tiên, chúng tôi 'nhờ' mấy em học-trò nhỏ lớp Năm thay phiên nhau ra đứng làm trụ goal.

Phải nói là tụi nhỏ rất thích, thích lắm. Nhất là mấy đứa trốn không kịp.

Ngày hôm sau, Thầy Hiệu-trưởng tuyên-bố tình-trạng báo-động cho cả trường, vì học-trò lớp Năm ở nhà hết, không đứa nào chịu đi học!

Tụi nó nói với Thầy Hiệu-trưởng, "Chúng con thà mù chữ còn hơn mù mắt."

Không có các em ‘tình-nguyện’ giúp làm trụ goal, cuối cùng chúng tôi xếp đá và giày dép lại thành đống để thay cho trụ goal.

Khoảng cách giữa hai trụ theo đúng luật rừng của chúng tôi thời bấy giờ là ba thước.

Ba thước là chiều rộng của goal lúc chúng tôi bắt đầu trận đấu. Đến khi trận đấu chấm dứt, lần nào goal của hai phe cũng chỉ còn rộng có khoảng dưới hai thước.

Thằng trọng-tài, biết là có chuyện gian lận, ghét lắm, ghét thậm tệ, ghét cay ghét đắng, chờ khi hai đội đang đấu nửa chừng, bất-ngờ nó cho ngưng trận đấu, mời hai thằng goal ra khỏi goal, xong đích-thân đo đi đo lại goal của hai đội – một điều mà chúng ta chưa hề bao giờ thấy ở World Cup. Đo xong, nếu goal của đội nào rộng ít hơn ba thước, nó sẽ phạt tức-khắc.

Phạt tượng-trưng, rất nhẹ! Toàn là chỗ quen biết cả.

Thủ quân  

Vì có quá nhiều đứa giỏi, đá banh cũng giỏi mà chiến-thuật chiến-lược gì cũng... nổ giỏi ngang nhau, cho nên thật khó để cho chúng tôi bầu chọn ra được một thủ-quân cho đội.

Nhùng nhằng mãi, cuối cùng cái thằng có nhiều tiền nhất, hay sốt-sắng lo phụ-trách việc ẩm-thực, bồi-dưỡng cho anh em nhiều nhất đã được chúng tôi bầu làm thủ-quân. Cũng hơi giống như bầu bán ở Mỹ thôi!

Thằng này, ngoài việc đá banh giỏi, nổ giỏi, còn là một thằng rất hào-phóng, lo cho anh em ăn uống thừa mứa chứa chan, có khi cuối tuần nó còn bao cả đội đi xem ciné, đi ăn, muốn xem phim nào nó cho xem phim nấy, muốn ăn cái gì nó cho ăn cái nấy, không bao giờ biết tiếc tiền của ba má nó.

Thằng này làm thủ-quân được một năm thì Ba Má của nó treo bảng bán nhà. Đây là chuyện "Bán nhà dạy con" đầu tiên trong lịch-sử loài người.

Thủ môn

Quan-trọng hàng đầu!

Đứa nào có hai cánh tay dài, hai bàn tay khỏe, mười ngón tay thật lớn, móng tay dày, thể-lực tốt, có sức di-động thần-tốc, có tính cương-quyết, có tinh-thần phấn-đấu cao, có tính nhẫn-nại, óc cầu-tiến, tính can-trường, có óc phán-đoán tốt, quan-sát tốt, thật bình-tỉnh trong mọi tình-huống, và nhất là nếu có tướng đi hình chữ bát nữa thì sẽ được anh em chúng tôi chọn làm goalkeeper ngay.

Nhiệm-vụ chính của thằng này là dời goal.

Khi hai phe đang giao đấu, nó phải biết lợi-dụng thời-cơ để dời hai trụ goal của mình lại gần với nhau, càng gần càng tốt, nhưng không được gần quá khiến cho trọng-tài hoặc phe bên kia biết.

Đây mới là một điều rất khó cho bọn học-trò nhỏ chúng tôi. Mình biết, Trời biết, đất biết, sao lại dấu không cho người khác biết? Liệu mình có sống nổi với sự dấu diếm này cho đến hết cuộc đời mình không?

Thằng goal của đội chúng tôi bẽn lẽn trả lời là nó sống nổi. Thằng này tốt!

Vào thời chúng tôi, thủ-môn chụp banh giỏi hay dở, không thành vấn-đề. Rồi nghề dạy nghề, chẳng mấy chốc sẽ chụp được khá. Điều quan-trọng trước mắt là phải có được một cái goal nhỏ, để địch-thủ khó đưa banh vào goal của mình.

Giữa việc chụp banh dở mà có cái goal nhỏ chút xíu, với việc chụp banh giỏi mà gặp phải một cái goal rộng mênh-mông, các bác chọn cái nào?

Bác nào muốn mình chụp banh giỏi và muốn có luôn cái goal nhỏ xíu nữa thì chúng tôi xin thưa với bác, là tinh-thần thể-thao của bác cần phải được xét lại. Bác chọn như vậy, bác để lại cái thằng thủ-môn chụp banh dở với cái goal rộng mênh-mông cho đội-tuyển Bắc Hàn à?

Nhân đang viết về thủ-môn, lại vừa nhắc đến đội-tuyển Bắc Hàn, chúng tôi xin được giới-thiệu với các bác anh chàng thủ-môn của đội... Portugal.

Như quí vị đã biết, đội Portugal là cái đội đã thắng đội Bắc Hàn bảy bàn trắng không cho gỡ tại WC2010 tổ-chức ở South Africa cách đây chín năm.

Thủ-môn của đội Portugal là người thủ-môn duy-nhất trên thế-giới đã biết lợi-dụng tối-đa lối đá nửa sân trên sân địch của hàng tiền-đạo tuyệt-vời của mình, đem nguyên một cái laptop vào ngay trong goal, ngồi xem phim bộ Đại-hàn. Xem một mình. Đau đớn nhất cho đội Bắc-hàn là thằng này chỉ xem phim bộ Nam-hàn.

Sau WC2010, cả đội Portugal này không dám về nước. Một nguồn tin không được kiểm-chứng cho biết những hỏa-tiển có đầu đạn nguyên-tử của Bắc Hàn, trước nay vẫn hướng về Mỹ, nay đã được chuyển hướng, chĩa hết về Portugal.

Phải chi Bắc Hàn chịu khó chuyển hướng, chĩa hết hỏa-tiển về Portugal trước khi giao đấu thì Bắc Hàn đâu có thua tới bảy bàn trắng.

Thật đúng là thể-thao đã giúp mang lại hoà-bình cho những ai đang sống tại Mỹ.

Một nền hòa-bình không vĩnh-cửu.

Trọng tài

Trong đám chúng tôi, thằng nào biết được chút luật đá banh, có được cái còi tu-huýt thổi còn nghe được, và nhất là to con, phải thật to con, thì chắc chắn sẽ được bầu làm trọng-tài. Yếu-tố to con ở đây rất quan-trọng. Nếu không dùng được luật để điều-khiển trận đấu, thằng này sẽ dùng sức.

Quả banh

WC2019 dùng banh Adidas Conext. Chúng tôi thuở ấy dùng banh Wilson, loại banh tennis đã mòn gần hết lông, thay vì được đóng thùng gởi qua Mỹ để đem cho Goodwill, đã được các bậc cha anh tặng cho chúng tôi để chúng tôi đá banh.

So với chanh, cam, ổi xá-lị, măng-cụt, bưởi, dừa xiêm, loại banh tennis này đá êm chân hơn nhiều, và sức dội của banh thì khỏi phải chê. Chúng tôi chỉ chê khi nào sức dội này đưa banh bay qua hàng rào, vào sân của những nhà gần trường.

Chúng tôi chỉ chê khi nào đang chờ banh dội ra, không thấy banh ra, mà thấy chó ra.

Vậy là coi như xong! Không phải chỉ có chúng tôi mới thích banh. Những người bạn trung-thành của chúng ta còn mê banh hơn chúng tôi.

Xin trở lại với những trái banh trước khi chúng vào mồm chó.

Banh đá êm chân, nhưng việc đội đầu thì hơi khó vì banh nhỏ quá, khó canh cho chính-xác. Hơn nữa kích-thước của loại banh tennis này rất khít-khao với hai cái hốc mắt của chúng tôi, cho nên chỉ cần nhìn vào mắt của chúng tôi, ai cũng có thể đoán ngay ra được đứa nào đội đầu giỏi, đứa nào đội mắt giỏi.

Với những đứa đội mắt giỏi, nhanh nhất cũng phải cả tháng mới tan hết vết bầm.

Giày đá banh

Nói về giày, cha mẹ và trọng-tài của chúng tôi có một sự lựa chọn rất giống nhau về kiểu giày dành để cho chúng tôi đá banh.

Họ gặp nhau ở một điểm: chúng tôi phải đá banh bằng chân không.

Thằng nào bịnh thì được mang thêm vớ, nhưng phải có giấy chứng của Bác Sĩ.

Các bác đã nhìn thấy cái tinh-thần thể-thao của chúng tôi chưa? Ghiền đá banh như vậy mới thật-sự gọi là ghiền.

Cha mẹ muốn con cái đá banh bằng chân không là vì vấn-đề kinh-tế, không muốn con cái mang giày dép để đá banh, mau đứt, mua sắm tốn kém.

Còn thằng trọng-tài thì chỉ vì vấn-đề an-toàn, cần trưng-dụng giày dép để làm goal nên ép chúng tôi phải đá chân không.

Nó nói dùng đá để làm goal cũng được, nhưng khi có xô-xát, đá biến thành vũ-khí rất nguy-hiểm, nhất là khi cả hai đội đều muốn đánh trọng-tài, tức là muốn đánh nó.

Thật nhìn ở đâu cũng thấy tinh-thần thể-thao.

Áo quần

Về áo thì nếu đội này mặc áo thì đội kia phải ở trần, để cho trọng-tài và khán-giả dễ phân-biệt xem ai là người có mặc áo, và ai là người có áo mà mặc-cảm không chịu mặc.

Còn quần thì không cần phải bàn-thảo: đội nào cũng phải mặc quần. Chỉ cởi ra khi nào bị trọng-tài xử ép, muốn phản-đối trọng-tài mà không dám chửi thề vì sợ trọng-tài nghe.

Tôi luôn luôn thích được vào cái đội nào ở trần, không mặc áo, vì tôi đã bị rách hai cái áo khi dằng co dành banh.

Mẹ tôi, một hôm vừa vá áo cho tôi, vừa hỏi Ba tôi,"Thiệt không biết mấy trái banh này nó có ngon lành béo bổ gì không mà sao mấy tụi nhỏ cứ dành giựt hoài để khi thì trật tay trật chân, khi thì rách áo rách quần?"  

Ba tôi đưa mắt nhìn tôi – chẳng lẽ lại đưa trán nhìn tôi, "Con trả lời Mẹ con đi". Tôi chạy đến thỏ-thẻ vào tai Ba tôi, không cho Mẹ tôi nghe, sợ bà thất-vọng, có khi sinh bệnh, "Con cũng không biết mấy trái banh này nó có ngon lành béo bổ gì không, vì đã có bao giờ con dành được banh đâu!"

Bởi vậy mà càng ngày tôi càng mê đá banh hơn.

Trở lại việc quần áo, riêng trọng-tài là sướng nhất. Thằng này đăc-biệt có quyền muốn mặc gì thì mặc, miễn là "Không được mặc áo vì như vậy sẽ lộn với cầu-thủ của đội không ở trần, và không được ở trần vì như vậy sẽ lộn với cầu-thủ của đội không mặc áo."

Dress code do chúng tôi soạn ra chỉ có giản-dị như thế, vậy mà cái thằng trọng-tài to con và to đầu này, do chúng tôi vừa mới bầu lên, đã định nộp đơn lên FIFA xin từ-chức vì rối trí, không biết phải ăn mặc như thế nào!

Ông cai trường đang đứng gần, nghe biết chuyện trục-trặc, cười thầm – mà ai cũng nghe, gọi nó vào nhà của ông, nằm ngay sát trường.

(Warning: Những dòng kế-tiếp có hơi mặn, xin vui lòng skip, nếu thích.)

Mười phút sau, thằng này người đỏ rừ từ đầu đến chân, ngượng nghịu long tong chạy ra, trên người chỉ có độc một cái quần xà-lỏn của ông cai, màu đen, rộng thùng thình, mặc cao tới ngực, áo không ra áo, quần không ra quần, nhìn thật không giống ai.

Khi mà chúng tôi nhìn thấy thằng này không giống ai, không còn lộn được với cầu-thủ của hai đội, coi như việc ăn mặc của trọng-tài được giải-quyết xong.

Cái quần xà-lỏn màu đen vừa dài vừa rộng do ông cai trường tặng cho chúng tôi từ đó được chính-thức xem như là đồng-phục của trọng-tài đá banh thuộc trường chúng tôi.

Trong đời tôi, thật chưa bao giờ tôi thấy được một ông cai trường nào mà vừa to, vừa cao, lại vừa thông-minh như ông này. Lại rộng rãi nữa chứ, nếu quí vị biết rằng ông ta chỉ có độc một cái quần xà-lỏn màu đen. Mấy cái kia toàn màu tím hoa sim.

Cho tới nay ông vẫn còn độc-thân. Chỉ có thằng trọng-tài của chúng tôi biết rõ lý-do vì sao. Chúng tôi và các bác thì chỉ biết đoán. Mà đoán rất đúng.

(Ngưng mặn.)

Huấn-luyện-viên

Ông Thầy dạy thể-dục duy-nhất trong trường của chúng tôi là người rất ghiền đánh ping-pong!

Tại vì hồi nhỏ ông cứ trốn học đi đánh ping-pong nên lớn lên ông mới thành Huấn-luyện-viên thể-dục thể-thao, chứ nếu hồi nhỏ ông cứ trốn học đi hát Karaoke thì nay ông đã thành giáo-sư âm-nhạc rồi.

Các bác còn muốn tôi viết gì nữa đây bây giờ?

Coi như chúng tôi hoàn-toàn coachless, đá giỏi hay đá dở gì thì tùy vào thiên-khiếu của từng đứa.

Vào thời đó, thằng nào cũng tự cho mình là Pelé, vua bóng đá người Brazil. Chỉ trừ có mình tôi cho mình là Phạm Huỳnh Tam Lang, ông cầu-thủ rất nổi tiếng của đội Tổng Tham Mưu thuộc Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hoà.

Sở-dĩ tôi chọn ông Phạm Huỳnh Tam Lang vì tôi là người Việt-Nam.

Tôi thích đá giống ông Tam Lang, không thích đá giống ông Pelé như những thằng bạn kia.

Ông Tam Lang thì lại rất thích đá giống ông Pelé.

Còn cái ông Pelé này thì không biết ăn cái gì mà lại rất thích đá giống tôi!?

Thế mới biết trên đời này, không có ai bằng lòng với chính mình, cứ đứng núi này trông núi nọ!  

Trông chán, nhìn chán rồi thì tổ-chức đi hiking. Lần nào cũng lạc tùm-lum.

Xin trở lại chuyện thích đá banh giống ai.

Phải nói là có một điều rất may là không có đứa nào trong đám chúng tôi dám tự cho mình là Cù Hoè, cũng thuộc đội Tổng Tham Mưu, ông vua chuyên đá 'ngả bàn đèn', một lối đá cực kỳ nguy-hiểm, gây bất-ngờ rất nhiều cho thủ-môn của phe địch. Với lối đá này, người đá gần như quay lưng lại goal, ngã người gần như trồng chuối, xong đá ngược trái banh đang lơ lững trên cao trước mặt mình vào goal của phe địch ở sau lưng. Đá như ông này không cẩn-thận là gãy cổ như chơi. Banh chưa chạm lưới địch mà đầu mình đã chạm đất, nghe kêu một cái rắc, thế là xong.

Trong lịch-sử bóng đá, chưa thấy cầu-thủ nào giộng đầu xuống đất, cần cổ nghe kêu một cái rắc, mà chưa xong.

Vai trò và khả-năng

Sau này khi đã trưởng-thành, nhất là sau khi đọc những bài phân-tích về bóng đá của anh TNT, tôi mới khám-phá ra là trước đây, khi đá banh với bạn bè, tôi không ở trong hàng tiền-đạo, không ở trong hàng trung-phong, mà cũng không ở trong hàng hậu-vệ luôn.

Tôi đá độc-lập.

Tôi chạy tứ-tung.

Tôi chạy bao sân.

Nhìn chung, chỗ nào có banh là không có tôi!

Trong suốt cuộc đời đá banh của tôi – sorry, xin nói lại cho rõ, trong suốt cuộc đời chạy theo banh của tôi, tôi chỉ mơ-ước có một điều: "Chỗ nào có banh, chỗ đó nên có tôi." Vậy mà chạy theo banh mãi, banh chạy trước, tôi chạy theo sau, đến lúc gần được banh, rõ ràng thấy chân sắp được chạm vào banh, thì y như rằng, trăm lần như một , có một thằng tiểu-yêu nào đó đã chờ sẵn ở đó, chận trái banh mà tôi đã miệt mài theo đuổi gần cả một tam-cá-nguyệt, lừa qua, rồi lại lừa lại, vờn tới, vờn lui, nhử cho tôi vừa đến gần được banh thì cái thằng tiểu-yêu này, cũng chính nó chứ không ai khác, lại đá trái banh chạy đi chỗ khác, không cho phép cái điều mà tôi hằng mơ-ước là "banh ở đâu tôi nên ở đó" được biến thành sự thật.

Tôi nhận thấy thường thì người đối-xử không đẹp với người, dập tắt những ước mơ của nhau, chứ giữa banh và người thì không có vấn-đề gì.

Tôi còn nhớ có một hôm, trái banh dường như biết là tôi đang theo đuổi nó, nó lựa chỗ không có ai, chạy chậm dần dần rồi ngừng lại chờ tôi. Chính quả banh vô-tri vô-giác kia mà cũng còn muốn giúp cho cái ước mơ của tôi, giấc mơ của một thằng bé con mười tuổi được thành sự thật. Tôi vừa hớn-hở chạy đến, vừa cảm-động, vừa rất sung sướng định vờn banh thì cái thằng to con mặc cái quần xà-lỏn màu đen cao tới ngực dị-hợm kia thổi còi kết-thúc trận đấu!

Tinh-thần thể-thao 

Nói chung, banh có thể bỏ tôi, chứ tôi thì không bao giờ bỏ banh. Banh chạy về hướng nào, tôi chạy theo hướng đó. Tinh-thần thể-thao và lương-tâm của một người yêu thích bóng tròn chân-chính như tôi không cho phép tôi bỏ banh chạy một mình.

Trừ khi nào banh chạy ra con đường cái nằm sát với sân trường thì tôi phải bỏ nó. Nếu không muốn bỏ mạng.

Xe cộ chạy qua lại trên con đường này tuy không nhiều lắm, nhưng không phải là không nguy-hiểm.

Bên vệ đường có nhiều cây to có bóng mát nên có nhiều bác xích-lô hay ngừng xe nghỉ mệt, ngồi xem mấy thằng tiểu-yêu kia đá banh và xem tôi chạy theo banh.

Trong suốt cuộc đời đá banh của tôi, không kể những lúc tập-dượt, tôi chỉ đá trúng banh được có bốn lần. Cả bốn lần đó, lần nào tôi cũng đều vụng về để mất banh, hầu như giao hẳn banh cho phe địch. Phải nói không có đứa nào trong phe địch mà không thích tôi, không quí tôi, không kính-phục tôi. Nhưng nếu thầy huấn-luyện-viên định xếp tôi vào phe của tụi nó thì cả bọn tụi nó nhất-định không chịu nhận. Thằng thủ-quân của tụi nó còn thẳng-thắn tuyên-bố với Thầy huấn-luyện-viên là Thầy phải bước qua xác chết của nó nếu muốn xếp tôi vào đội của nó.

Nghe tụi nó cương-quyết không nhận tôi vào phe của tụi nó, tôi không vui, mà cũng không buồn. Riêng đội của tôi thì buồn đến tái tê.

Đá thì kém, còn thì tôi toàn chạy theo banh là chính.

Chạy theo banh như vậy rất mệt, mệt lắm.

Mệt một phần vì chạy, chín phần vì không được banh. Mồ-hôi thì vã ra như tắm, hơi thở thì dồn-dập, mắt thì hoa lên, tai thì lùng-bùng.

(Warning: Những dòng kế-tiếp có hơi mặn, xin vui lòng skip, nếu thích.)

Ngoài ra, vì bấy lâu nay chạy nhiều quá cho nên cái eo của tôi còn có chút xíu, dây lưng quần nó lỏng ra, quần của tôi cứ thường-xuyên tuột xuống, mặc dù tôi không có điều gì muốn phản-đối trọng-tài cả. (Ngưng mặn.)

Mấy thằng tiểu-yêu kia thì lo đá banh, quần của tôi bị tuột mà tụi nó cũng không nhìn thấy để nhắc-nhở. Tình đồng-đội thiêng-liêng –nói chung, và mắt của chúng mày –nói riêng, để ở đâu, hỡi những thằng tiểu-yêu vô-tình kia?

Nhiều lúc mệt quá, tôi ngồi nghỉ mệt, nhìn thấy tụi nó lừa banh, vờn banh, dẫn banh, sút banh mà tôi thèm chảy nước miếng, mặc dù lúc đó thật-sự trong miệng không còn một chút nước miếng nào để chảy cả, vì bao nhiêu nước trong người của tôi đều đã theo tuyến mồ-hôi ra ngoài hết sạch.

Cả trường tôi ai cũng cho là tôi đá banh quá dở. Các trường khác cũng vậy. Được. Tôi có quyền xin một 'second opinion' không?

Thì đây, mấy bác xích-lô, mặc dù không thích tôi vì nhìn tôi chạy thấy chóng mặt quá, mặc dù không ưa tôi, một thằng bé con mới có mười tuổi mà đã có được một cặp đùi to gần bằng đùi của các bác vì tôi chạy dữ quá, cũng đồng-ý với cả trường là tôi đá banh quá dở.

NHƯNG!

Các bác có biết không, trên cõi đời này không ai học được chữ ngờ – Trừ những người học được mà dấu không cho người khác biết.

Cũng chính trong ngôi trường mà tôi đang theo học đó, cũng chính trong cái thành-phố mà tôi đang sinh sống đó, cũng chính trên cái quả địa-cầu mà tôi là một sinh-vật đó, vẫn có một người không biết là tôi đá banh quá dở, vẫn xem tôi là thần-tượng của họ.

Ai vậy?

Các bác đoán quá đúng!

Đúng, người đó chính là tôi, là người đang ngồi viết những dòng hài-ký này để giúp vui cho người đọc là phụ, mà giúp vui cho người viết là chính.

Phải cần một cú sút

Tôi không cho mình là người đá banh dở, chỉ nghĩ là mình kém may mắn, luôn bị người khác không cho có dịp được chạm chân vào banh mà thôi.

Có phải chính ông Pelé, vua bóng tròn nổi tiếng cả thế-giới, đã nói câu này để ám-chỉ tôi,"Không có cầu- thủ dở. Chỉ có cầu-thủ chưa hay!" Không biết ông ta có nói câu này hay không, nhưng nếu ông ta không có nói thì tôi sẽ nói, xong sẽ phổ nhạc câu này, dùng Google dịch ra tiếng Brazil, và cố-gắng vận-động để câu nhạc này sẽ thành nhạc-hiệu chính-thức cho World Cup được tổ-chức khắp nơi trên thế-giới.  

Câu này đúng vào trường-hợp của tôi một trăm phần trăm. Tôi mới có mười tuổi thôi mà. Tôi chỉ chưa hay thôi, chứ không phải dở.

Câu nói này đã an-ủi tôi rất nhiều. Kiên-nhẫn sẽ đưa đến thành-công. Trong kiên-nhẫn đã thấy có bóng dáng lờ-mờ của sự thành-công rồi. Tôi phải kiên-nhẫn. Đừng bao giờ chán-nản, đừng bao giờ sợ thất-bại.

Cổ-nhân ta có một câu châm-ngôn thật nổi tiếng nói về sự thành-công và thất-bại mà trong chúng ta, tôi chắc không ai không biết.

Phần tôi, tôi thuộc lòng từng chữ một , xin được ghi lại ngay dưới đây kẻo quên:

"Thất-bại là sự thành-công của mẹ".

GOOOOAAAAL!

Thế rồi việc gì phải đến đã đến. Đến thật đẹp. Đến như mơ.

Lịch-sử đã sắp xếp, con tạo đã xoay vần như thế nào đó để cho tôi đã thực-sự nhận ra được tôi là một người đá banh như thế nào.

Tôi nghĩ là có lẽ ông Tổ của môn bóng tròn –không biết có phải là ông cố nội của thằng thủ-quân của chúng tôi hay không, đã đãi ngộ tôi, chứ không thì làm sao mà vào một ngày đẹp trời nọ, vào lúc nhà trường tổ-chức một trận đấu quan-trọng để quyết-định xem đội nào của Trường sẽ dành được chức vô-địch và cúp danh-dự của Thầy Hiệu-trưởng, vào phút thứ tám mươi tám, khi hai đội vẫn còn đang huề nhau, và tôi thì đã mệt bở hơi tai, tôi lại bất ngờ có được một trái banh nằm ngay giữa tôi và thằng goal như lúc bấy giờ. Đây là thực hay mơ?

Tôi nghe tim hay phổi gì đó của mình đập thình-thịch.

Tôi thấy bốn cái đầu gối của mình run lẩy bẩy. Không dám tin vào tai của mình, không dám tin vào mắt của mình, tôi nhéo thằng cầu-thủ đứng cạnh bên một cái rõ mạnh, nghe nó đau quá hả họng kêu rú lên, tôi mới tin đây chính là cõi thực, không phải là trong mơ.

Khi không tin vào tai mình, không tin vào mắt mình, chúng ta có thói quen xấu là tin vào miệng của người khác. Và vì vậy mà trên thế-gian này mới có bộ môn Gossip, mới có nhiều người bị nói xấu, mới có nhiều kẻ bị lừa.

Thời-gian như ngừng lại, nhưng không-gian thì không.

Không-gian mà ngưng lại nữa thì làm sao mà tôi có thể sút trái banh này. Thằng goal và tôi chỉ cách nhau có khoảng năm thước, một khoảng cách lý-tưởng để sút. Cái mệt của tôi đã tiêu tan vào lúc nào tôi không biết. Giữa th ằ ng goal và tôi không thấy có một chướng-ngại-vật hay một chướng-ngại-người nào, thật là một điều-kiện lý-tưởng để sút.

Lúc bấy giờ trông thằng này có vẻ kinh-ngạc, nhưng không kinh-sợ.

Kinh-ngạc là đúng. Đây là lần đầu tiên trong một trận đấu mà nó thấy tôi và banh nằm cạnh nhau, banh nằm ngay dưới chân tôi.

Nhưng kinh sợ thì không.

(Warning: Những dòng kế-tiếp có hơi mặn, xin vui lòng skip, nếu thích.)

Lâu nay khi tập-dợt để đá banh vào goal trong giờ ra chơi hay sau khi tan trường, mấy thằng goal đều biết tôi thường là người đá lọt banh ra ngoài, một phần vì tôi bị đám con gái đứng coi chi-phối nhiều quá, và một phần vì tôi bị đám con gái ngồi coi chi-phối nhiều hơn. (Ngưng mặn.)

Cả cầu-trường lúc bấy giờ im phăng-phắc. Tôi nghe văng vẳng đâu đây có tiếng sáo diều vi-vu, tiếng mục-đồng gọi nhau dục trâu bò về chuồng. Phải. Giờ này mà không lo dắt trâu bò về chuồng thì đến lúc nào trâu bò mới vào được chuồng?

Tôi nhìn thằng goal. Luôn tiện tôi nhìn luôn cái goal.

Lúc này cái goal còn rộng có một thước tám mươi sáu phân rưỡi thôi. Thằng này giỏi. Dời goal rộng từ ba thước xuống được còn nhỏ lại như vậy mà không bị ai phát-hiện được, vậy là giỏi lắm. Chắc chắn là nó cũng biết là goal của nó chỉ còn có một thước tám mươi sáu phân rưỡi cho nên trông nó không có vẻ nao-núng gì cả. Thêm nữa, có lẽ vì nó biết tôi từ trước đến nay hiếm khi sút banh lọt vô được một cái goal rộng ba thước, nay goal hẹp lại chỉ còn không tới hai thước thì làm sao mà tôi có thể đá vô cho được.

Vì vậy trông thằng này rất tự-tin. Và trong cái tự-tin của nó, rõ-ràng có hàm chứa một cái gì đó có vẻ coi thường tôi.

Một thủ-môn rất nổi tiếng của Việt Nam, ông Phạm-văn-Rạng, đã từng dạy học-trò,"Là một thủ-môn giỏi, chúng ta không bao giờ được dại dột tỏ vẻ khinh thường địch-thủ. Làm như vậy là ta đã chạm vào tự-ái của họ, do đó, họ sẽ quyết-tử, sẽ cố-gắng đá hay hơn, đá bạo hơn, và kẻ chịu trận chính là chúng ta." Thật đúng là một lời dạy thật quí báu của một thủ-môn dày dạn, đầy kinh-nghiệm chiến-trường.

Tôi chưa bao giờ thấy câu nói nào lại đúng vào trường-hợp của tôi và thằng goal đang khinh thường tôi như lúc bấy giờ. Nó có một vẻ mặt khinh-khỉnh trông thật đáng ghét, coi như tôi không có trên cõi đời này.

Mày không nao núng?

Mày khinh thường ông?

Mày coi ông như không có mặt trên cõi đời này?

Được! Ông sẽ quyết-tử. Ông sẽ đá hay hơn. Ông sẽ đá bạo hơn. Như ông Rạng đã nói.

Biết người biết ta, tôi cẩn-thận dẫn banh đến gần goal hơn thêm một thước nữa cho chắc ăn. Thằng goal đứng khoanh tay, thách-thức.

Tôi hít hơi, nín thở, lấy hết sức bình-sinh vung chân sút quả banh Wilson vào ngay trung-tâm của goal, mạnh như trời giáng.

Thú thật không biết trời giáng thì mạnh như thế nào, vì từ nhỏ cho đến nay tôi chưa hề nếm qua cái kinh-nghiệm nghe quá khủng-khiếp này, nhưng phải nói là trái banh mà tôi đã đá vừa rồi mạnh như... trời giáng thật.

Thằng goal bó tay, chịu chết, không bắt được trái banh tennis Wilson đã mòn hết lông, nhẵn thín. Ngay cả nếu banh còn lông thì thằng này cũng khó mà bắt được, vì banh nhỏ quá.

Lớn cỡ như banh Adidas thì may ra nó chụp được, nhưng nếu lớn như banh Adidas thì à há, tôi lại có cách đá khác.

Mày mà đã khinh-thường ông thì ông sẽ đá hay hơn, sẽ sáng-tạo nhiều lối đá khác nhau –khác như thế nào mày không cần biết vì chính ông cũng chưa biết, nhưng mục-đích là ông phải bằng mọi cách dạy cho mày một bài học, phải đưa banh vào goal cho mày sợ, thế thôi. Kích-thước của banh lớn hay nhỏ đối với ông không thành vấn-đề. Ăn thua nhau một trái đối với ông không thành vấn-đề.

Ông chỉ cần đưa banh vào goal cho mày sợ mà từ nay phải bỏ cái tật khinh-thường người khác.

Từ nãy đến giờ quí vị nghe tôi kể lể thì lâu, chứ thật sự ra thì từ lúc tôi có banh đến lúc banh lọt vào goal, từ đầu đến cuối chỉ mất có năm giây. Cổ-nhân có câu "Ăn được, nói được." Mình đã ăn nó được thì tội gì mình không kể lể giông dài, biết đâu nhờ đó mà hài-ký ngắn này sẽ trở thành trường-thiên tiểu-thuyết.

Tôi nghe tiếng thằng goal chửi thề. Tốt! Cho mày bỏ cái tính ngạo-mạn của mày đi. Mày thua thì mày có quyền chửi thề. Cho mày chửi đến sáng, ông cũng nghe được. Mày càng chửi ông, ông càng thích! Chỉ sợ mày không có sức chửi.

Cả cầu-trường đang im phăng-phắc vào lúc cách đây năm giây khi tôi vừa có banh, đang từ trạng-thái nghi-ngờ tài-năng của tôi, nay chuyển sang trạng-thái sững sờ vì tài-nghệ thật sự của tôi khi tôi sút banh, bắt đầu vang lên những tiếng cười rú ngưỡng mộ cuồng-nhiệt mà theo tôi, ngay cả Pelé, trong suốt cuộc đời đá banh của ông, cũng không chắc gì đã có được một sự ngưỡng mộ đặc-biệt như vậy.

Từ nay mọi người đã biết là tôi không phải là người không những chỉ biết miệt-mài chạy theo banh, mà còn là người biết lúc nào phải sút banh vào goal, sút đẹp, thật đẹp.

Cám ơn các Thầy Cô và bạn bè đã rú lên để bày tỏ sự khâm-phục tôi.

Cám ơn người.

Cám ơn đời.

Eo ơi!

Tôi định chạy một vòng chung quanh sân để cám ơn khán-giả thì có mấy thằng cùng phe tôi chận tôi lại, chỉ chỏ và chửi thề thật tục-tĩu. Chúng nó chửi tục lắm.

Diễn-dịch ra ngôn-ngữ của người có học thì đại-loại chúng nó muốn biết là tôi đã ăn cứt của con gì mà ngu dữ vậy?

Đây không phải là lúc nói chuyện ăn uống. Tôi từ-chối không cho tụi nó biết là tôi đã ăn cái gì, nhưng vẫn lịch-sự nhìn theo sự chỉ chỏ của tụi nó.

Tôi nhìn cái goal mà tôi vừa đá trái banh vào.

Xong tôi nhìn cái goal của phe địch nằm xa tít đầu đằng kia của sân.

Xong tôi muốn độn-thổ ngay.

Nhưng phải nói là đất dưới chân cứng quá, giỏi lắm tôi cũng chỉ độn được đến rốn là cùng, và như vậy lại càng chết dở.

Ai mà không có lúc lỗi lầm. Nhưng trong lúc cấp-bách với hiện-trường nóng hổi như thế này, làm sao mà chúng tôi có thể tránh được cái cảnh huynh-đệ tương-tàn, khi mà tất cả cầu-thủ của hàng tiền-đạo, hàng trung-phong và hàng hậu-vệ của chúng tôi, chín ông Pelé con đó, được dẫn đầu không phải bởi ông thủ-quân – mà bởi ông thủ-môn của phe tôi, cái ông không chụp được trái banh do tôi sút lộn vào goal mình, đang bao vây 'chất-vấn' tôi, một cầu-thủ có khuynh-hướng đá độc-lập.

Tôi xin các bác đừng bắt tôi phải tả chân những sự việc xảy ra sau đó, khi đội banh của tôi đang quyết-định làm thịt tôi. Xin đừng ép tôi phải tả chân. Violence là không có tôi.

Thay vào đó, qui vị có thể tự mình ngồi tưởng-tượng và hình-dung ra khuôn măt xưng xỉa và tức giận của thằng goal kém may mắn của phe tôi, cái thằng bị tôi nghi oan là ngạo mạn, là khinh người.

Chính tôi bây giờ cũng phải ngồi tưởng-tượng và hình-dung xem cái mặt của nó xưng xỉa và tức giận như thế nào, vì ngay hôm đó tôi không có cơ-hội được nhìn thấy rõ mặt của nó sau khi quả banh lọt vào goal.

"Làm sao mà ta có thể nhìn rõ được mặt của một người khi người đó đang cố-tình ngồi đè trên mặt của ta." LXC

Phải nói đây là một thằng goal quá nóng tính, hôm đó mà có FIFA thì thằng này coi như suốt đời đừng hòng được tiếp-tục đá banh.

Công-nhận là thằng này có hai cánh tay khỏe thật. Vừa thằng trọng-tài to con, vừa cả đội banh địch, cái đội đã được tôi tặng không cho một trái ngon ơ và đoạt được cúp danh-dự của trường (người Tàu gọi đó là 'Bất-chiến tự-nhiên thành', người Việt của đội banh chúng tôi gọi đó là 'Đâm sau lưng chiến-sĩ') cả bọn xúm vô vật nó, thọc cù lét nó, mới lôi tôi ra được khỏi vòng tay học-trò của nó.

Kể lể thì nghe lâu, chứ từ lúc banh lọt vào goal cho đến lúc xe xich-lô đưa tôi đến được bệnh-viện ở ngay gần trường, thời-gian chỉ mất có hơn ba... tiếng đồng-hồ, vì ông xích-lô chuyên lo chở khách trong những trường-hợp cấp-cứu, cứ thấy máu là chạy lạc đường.

Ông thầy thuốc già, có lẽ rành về bóng đá hơn về thuốc, an-ủi tôi là tuy bị bầm mắt và gãy một cái răng, tôi vẫn còn may mắn lắm. Ông nói trận này không có cá độ, chứ nếu có thì tôi có thể mất mạng như chơi, vì các anh chị em thua cá độ có thể nghi là tôi đã bán độ, đã đập bể nồi cơm của họ.

Cái trống vắng của các bạn ghiền bóng đá sau khi WC2019 kết-thúc là một cái trống vắng thuộc về tâm-hồn, chúng ta chỉ có thể cảm thấy, chứ không thể nhìn thấy được.

Muốn nhìn thấy được một cái trống vắng cụ-thể hơn, xem nó như thế nào, quí vị có thể nhìn vào cái khoảng trống ngay miệng tôi khi tôi cười, nơi tôi bị gãy mất một cái răng cửa vì cái bàn tay rất thô-bạo của một thằng chuyên dùng tay để dời giày dép trong goal của mình, chứ chẳng có một chút kinh-nghiệm gì trong việc dùng ngón tay để dời răng cỏ trong miệng của người khác.

Banh xa tôi

Tuổi trung-bình để về hưu của cầu-thủ bóng tròn quốc-tế là 33.

Tôi đã phải giải-nghệ vào năm 11 tuổi, vì Ba Mẹ của tôi dọa là nếu tôi cứ tiếp-tục chạy theo banh như vậy, tụi Bắc Hàn sẽ bắt cóc tôi đem về đá cho đội-tuyển quốc-gia của chúng nó.  

.

Lê Xuân Cảnh

_____

PS: Đội-tuyển Bắc-Hàn, vì kém may mắn, thua 7-0 trong trận đấu với Portugal trong WC2010, nên được chúng ta đem ra làm chất-liệu để đùa cho vui. Thật ra, theo chúng tôi, một đội đã lọt vào được World Cup và cầm-cự được với đội tuyển Brazil với tỉ-số 2-1, có lẽ không phải là một đội banh dở. Có thể họ chưa hay lắm thôi. Cho nên sự lo sợ của Ba Mẹ tôi không phải là không có lý.


Cái Đình - 2019