Topa


Mai Hương Xuân

 

Thành phố Mỹ Tho vào những ngày cuối năm thời tiết vẫn không được mát mẻ như Hải nghĩ khi anh từ Sàigòn đến đây. Bệnh viện Mỹ Tho hôm nay người đến khám bệnh đông đúc ra vô tấp nập như bệnh viện Từ Dũ ở Sàigòn mà mấy ngày trước Hải đã nhìn thấy khi anh đi ngang qua đó. Hải đếm nhẩm số người đang ngồi ở hai hàng ghế dài để chờ đến phiên được khám bệnh. Hải cảm thấy không thể kiên nhẫn để chờ được nữa. “Có lẽ phải đi thôi”, Hải nghĩ vậy và dự định đi ra khỏi bệnh viện. Hải có mặt trong bệnh viện này không phải để được khám bệnh. Anh cần một thứ thuốc mà anh nghĩ chỉ có các bác sĩ trong bệnh viện mới có thể giúp được cho anh.

Trước khi rời bệnh viện, Hải nhìn quanh khắp bệnh viện và nhìn đám người đứng ngồi đông đúc mà trong lòng càng thêm ngao ngán cho đất nước ngày hôm nay. Anh chép miệng lẩm bẩm “Tết sắp đến nơi rồi nhưng người bệnh thì vẫn đông quá mà người chết thì... không ngừng.” Hải nhìn về phía phòng cấp cứu, anh thấy đôi vợ chồng già ngồi trước cửa phòng đang khóc thút thít, anh nghĩ: “Có lẽ lại có một người không còn thở.”

Chị thư ký phụ trách ghi tên tuổi bệnh nhân đến khám bệnh thấy Hải nhìn mãi về phía vợ chồng già đang khóc, chị rướn người về phía Hải để nói nhỏ cho vừa đủ anh nghe:

“Tội nghiệp lắm anh. Ông ấy là nhà văn nổi tiếng thời… trước, nhưng bây giờ đang bị bệnh nặng mà lại không có tiền để chữa trị… Tội nghiệp lắm anh ơi”.

Nói xong, chị thư ký toan đi lại cái tủ đựng hồ sơ của bệnh nhân thì Hải vội hỏi theo:

“Này chị, chị vừa nói ông ấy là nhà văn nổi tiếng thời trước, vậy ông ấy tên gì và bị bệnh gì mà sao lại khóc vậy chị?”

“Ông ấy tên là Hà Phương Lâm nổi tiếng với những tác phẩm viết về tình yêu trong lứa tuổi sinh viên. Truyện của ông viết rất tình cảm và rất lãng mạn. Ai đã từng ngồi dưới các giảng đường đại học của miền Nam vào cái thời... của chúng ta thì hầu như đều có đọc các tác phẩm của ông. Ông ấy đang  bị bệnh tim cần phải mổ gấp mà gia đình thì lại không có tiền. Có lẽ số của ông ấy đến đây...”

Chị thư ký mím môi bỏ ngang câu nói và đi đến bên cái tủ đựng hồ sơ bệnh nhân. Nhìn chị thư ký rồi nhìn về phía ông nhà văn, Hải không thể ngờ tác giả Hà Phương Lâm mà anh hằng mến mộ và mong ước được gặp gỡ lại đang ngồi cách xa anh không bao nhiêu bước chân. Hải quay mặt nhìn chị thư ký đang tìm hồ sơ trong các hộc tủ. Hải đoán tuổi của chị cũng xấp xỉ tuổi của anh nên chị mới nói “thời của chúng ta”. Chắc chắn chị đã từng đọc sách của ông nhà văn đó và chị cũng đã từng có những kỷ niệm tình yêu thời thanh xuân nên chị có vẻ xúc động khi nói về tác giả Hà Phương Lâm.

Không một chút đắn đo, Hải bước đến bên vợ chồng nhà văn Hà Phương Lâm. Anh quỳ một chân xuống ngay bên dưới chân ông nhà văn làm cho đôi vợ chồng già ngạc nhiên phải nhướng mắt lên nhìn Hải. Hải nói:

“Thưa ông, tôi vừa được chị thư ký của bệnh viện cho biết ông đang bị bệnh nặng cần cứu chữa gấp nhưng gia đình thì lại thiếu hụt tài chánh. Xin ông bà đừng quá buồn. Tôi xin mời ông bà cùng ra quán nước ngoài kia để nói chuyện, biết đâu tôi có thể giúp ông bà gở rối chuyện đang làm cho ông bà phải đau buồn”.

Nhà văn Hà Phương Lâm vội lấy tay áo lau đôi giòng lệ và hỏi:

“Ông... ông là bác sĩ…?”

“Không, tôi không phải là bác sĩ. Nhưng...”

“Ông... ông biết gì chuyện của tôi và ông sẽ giúp gì?”

“Tôi biết ông là nhà văn Hà Phương Lâm rất nổi tiếng mà tôi từng đọc qua và từng say mê những tác phẩm của ông. Không ngờ tôi có cơ duyên nên mới được hội ngộ cùng ông tuy trong hoàn cảnh không lấy gì làm thích thú cho lắm. Bây giờ chúng ta nên đi khỏi cái chỗ buồn thảm này rồi tôi sẽ tìm cách giúp ông.”

Nói xong Hải đứng lên chờ đợi nhưng vợ chồng nhà văn Hà Phương Lâm vẫn còn ngồi vì cả hai như không tin những gì Hải nói nên chưa muốn đứng lên. Thấy vợ chồng nhà văn chưa đáp ứng lời mời của mình nên Hải phải đưa tay dìu ông nhà văn đứng lên. Ông nhà văn miễn cưỡng cùng vợ đứng lên theo Hải ra khỏi bệnh viện.

Sau khi nước uống được đem ra cho cả ba người, Hải nói:

“Tôi xin tự giới thiệu với ông và bà, tên tôi là Hải. Tuổi tôi nhỏ hơn ông bà cũng khoảng từ mười lăm đến hai mươi tuổi nên xin ông bà cho phép tôi gọi ông bà là cô chú và xưng cháu cho được thân mật và phải phép. Bây giờ xin... chú nói rõ mọi việc xem cháu có thể giúp gì chú được không.”

Từ nãy giờ vợ chồng nhà văn Hà Phương Lâm cứ hết nhìn Hải rồi lại nhìn nhau và cũng chưa biết phải nói gì vì hai người chưa lường được chuyện gì sẽ xảy ra.

Một người đàn ông ăn mặc thật sang trọng và với gương mặt thật trí thức như Hải và lại có phong cách quá lịch sự trong một xã hội mà từ vài chục năm qua con người luôn đối xử với nhau bằng những sự giả dối và sẵn sàng hãm hại lẫn nhau, nên vợ chồng ông không khỏi không lo ngại. Trong phút chốc ông nhà văn Hà Phương Lâm cũng quên được nỗi muộn phiền đã làm cho hai vợ chồng phải rơi lệ. Nhà văn Hà Phương Lâm nhìn Hải như cố tìm câu trả lời về những khúc mắc đang chất chứa trong đầu ông, nhưng ông đành lắc đầu:

“Ông... ông nói như vậy thì chúng tôi... nghe vậy. Thật ra thì chuyện của tôi nó trầm trọng lắm chứ không phải đơn giản đâu ông ạ. Tôi bị bệnh tim đến thời kỳ cần phải mổ gấp nhưng... nhưng...”

“Cháu đã nghe chị thư ký bệnh viện nói sơ qua cái khó khăn về tài chánh của chú rồi, nhưng chưa rõ lắm. Chú cứ tự nhiên nói xem cháu có thể giúp gì chú được không.”

“Tôi... Tôi với... cháu không quen không biết gì mà... cháu nói như vậy làm tôi thật khó nghĩ.”

“Chuyện đó thì để sau này rồi có dịp cháu sẽ cho cô chú biết. Hiện tại thì cái khó khăn cho cô chú là sao?”

“Nói thật với... cháu là gia đình tôi chỉ có được khoảng hai triệu đồng thôi, đó là tính luôn việc bán các món đồ dùng trong nhà. Bệnh viện đòi tôi phải đóng đến... hai trăm triệu đồng để được mổ tim. Với số tiền lớn lao đó thì làm sao chúng tôi có được. Tôi nghĩ có lẽ số của tôi đến đây là chấm dứt nên vợ chồng tôi buồn lắm và vì vậy chúng tôi không thể không khóc được.”

“Số tiền đó quả thật là lớn... trong lúc này. Phải chi cháu gặp cô chú khoảng vài tháng trước đây thì chuyện đó không có gì phải bận tâm cả. Nhưng... nhưng… cũng chưa phải là tuyệt vọng lắm đâu cô chú ạ.”

Hải nhìn ông nhà văn mà anh mến mộ từ khi vừa bước chân lên đại học. Ngày đó anh cũng say mê đọc những tác phẩm do ông viết về những chuyện tình thật lãng mạn và tuyệt đẹp của những cô cậu đang miệt mài dưới những mái trường và chưa hề biết đến nỗi khổ đau của cuộc sống thực tế. Hải cố suy nghĩ tìm phương cách giúp giải quyết chuyện khó khăn cho người mà anh hằng mong ước được gặp gỡ. Một lúc sau Hải nói:

“Hiện tại cháu có ở đây một trăm hai mươi triệu ba trăm mười bảy ngàn. Lát nữa chúng ta vào đóng trước một trăm triệu cho bệnh viện. Số một trăm triệu còn lại cháu sẽ cố chạy cho đủ. Điều cần trước tiên là phải đóng trước số tiền để bệnh viện chọn ngày mổ sớm cho chú.”

Nói xong Hải cúi đầu nhìn xuống ly nước trước mặt . Có lẽ nhà văn Hà Phương Lâm vẫn chưa tin những gì mà ông vừa được nghe nên ông cứ há hốc cái miệng ra mà không thốt ra được một lời nào. Ngồi một lúc, Hải đứng lên trả tiền nước  cho người phục vụ đang đứng trước mặt anh rồi nắm tay ông nhà văn đi trở vô bệnh viện.

Vị bác sĩ phụ trách mổ tim đang nói chuyện với người thủ quỹ bệnh viện rồi người thủ quỹ đi lại chỗ Hải ngồi và mời anh đến đóng tiền làm thủ tục. Chị thủ quỹ nói:

“Bệnh của thân nhân anh rất nguy hiểm nên bác sĩ quyết định ba tuần nữa sẽ mổ. Nghĩa là ngày mổ sẽ là ngày hai mươi bảy Tết. Bây giờ xin anh đóng trước phân nửa số tiền như anh và bác sĩ phụ trách đã có nói chuyện. Số tiền còn lại xin anh thanh toán trước ngày mổ bốn ngày, tức là vào ngày hai mươi ba Tết; là ngày đưa ông Táo về trời. Nếu đóng tiền không đúng thời hạn thì chúng tôi sẽ đôn bệnh nhân khác lên và như vậy người nhà của anh sẽ phải chờ đợi mà thời gian mau hay lâu thì tôi không biết được. Nếu từ nay đến ngày mổ mà người nhà của anh chẳng may qua đời thì chúng tôi sẽ hoàn trả lại đầy đủ số tiền đã đóng hôm nay. Trước ngày mổ một tuần mà anh thông báo xin ngưng mổ thì bị mất năm phần trăm. Đây là bản điều lệ, anh đọc và nếu đồng ý thì ký tên bên dưới.”

Chị thủ quỹ lấy cuốn biên nhận ra ghi chép. Hải không muốn xem bản điều lệ viết gì và cũng không thắc mắc gì về lời nói của chị thủ quỹ. Hải ra dấu mời phu nhân nhà văn Hà Phương Lâm đến ký tên.

Đứng trước cửa bệnh viện chờ đón xe về nhà, Hải nói với vợ chồng nhà văn Hà Phương Lâm:

“Xong, coi như bước một đã xong. Bây giờ đến bước thứ hai là chạy số tiền còn lại. Cô chú cứ yên tâm, cháu sẽ lo được số tiền đó không khó lắm. Tết này coi như chú sẽ ăn Tết trong bệnh viện nhưng sau đó thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn với chú.”

Hải cố gắng nói cách quả quyết nhưng trong đầu anh đang ngổn ngang nhiều nỗi lo vì chính anh cũng chưa biết làm cách nào để có số tiền lớn đó trong vòng nửa tháng. Cho đến lúc này nhà văn Hà Phương Lâm vẫn không biết phải nói với Hải như thế nào. Có lẽ sự việc xảy ra quá bất ngờ nên làm ông nhà văn bối rối nhiều. Chiều cùng ngày, Hải từ giã vợ chồng nhà văn để trở về Sàigòn và hẹn sẽ cùng gặp lại nhau đúng ngày đóng tiền lần thứ hai cho bệnh viện.

***

“Anh Hà Phương Lâm. Anh xúc động và khóc như vậy chỉ làm tổn hại cho trái tim của anh. Xin anh bình tĩnh.”

“Xin lỗi anh, mỗi lần nhắc lại chuyện này thì không bao giờ tôi không khỏi bị xúc động mạnh. Câu chuyện này chúng tôi đã giữ trong lòng hơn một năm nay và ngày nào, giờ nào, vợ chồng chúng tôi cũng mong ngóng vị ân nhân trở lại, hoặc mong nhận được tin. Anh là người trong Hội Nhà Văn Hải ngoại nên tôi tâm sự với anh và xin anh cố giúp chúng tôi tìm ra vị ân nhân đó.”

“Lần cuối cùng anh gặp vị ân nhân đó là lúc nào và có hình ảnh hay đặc điểm gì để chúng tôi khả dĩ có thể đưa lên báo không?”

“Không có hình ảnh gì cả anh ạ. Sau khi vị ân nhân trở về lại Sàigòn cùng buổi chiều hôm đó. Chúng tôi luôn chờ đợi vị ân nhân trở lại đồng thời luôn cầu xin cho vị ân nhân được mọi sự bình an. Nếu vì lý do gì đó mà vị ân nhân không quay lại thì tôi hoàn toàn không có gì buồn cả vì vị ân nhân đó đã thật tâm và hết lòng muốn giúp đỡ chúng tôi. Ngay đêm trước ngày hẹn để đóng tiền đợt hai… Khi chúng tôi chuẩn bị đi ngủ thì vị ân nhân đó xuất hiện trước cửa. Việc đầu tiên là vị ân nhân đó nhờ bà xã tôi mua một tô phở thật lớn rồi nói:  “Cháu đã kiếm đủ số tiền rồi cô chú ạ. Ngày mai chúng ta đến bệnh viện đóng tiền. Cầu xin ơn trên phù hộ cho chú mọi sự được an lành”. Tôi quan sát kỹ vị ân nhân trong lúc ăn phở thì thấy ở nơi chú ấy có một sự thay đổi, đó là chiếc nhẫn hột xoàn nơi tay chú ấy đã biến mất. Sợi dây chuyền to bản nơi cổ chú ấy cũng biến mất. Hình hài chú ấy cũng mất đi ít ra là hai ba ký lô. Hình như vị ân nhân cũng đoán được cái nhận xét của tôi nên chú ấy làm như hốt hoảng và nói là đã để quên chiếc nhẫn và sợi dây chuyền ở khách sạn. Ngày hôm sau, sau khi đóng đủ số tiền đợt hai thì vị ân nhân xin trở về lại Sàigòn ngay để tìm chiếc nhẫn và sợi dây chuyền.”

Nhà văn Hà Phương Lâm bị xúc động nên một lúc lâu sau ông nói tiếp:

“Chúng ta là nhà văn nên… dù tôi có óc tưởng tượng đến thế nào đi chăng nữa thì câu chuyện của vị ân nhân mà tôi đang kể cho anh nghe, tôi sẽ không bao giờ tưởng tượng nổi là nó có thật anh ạ.”

Sau khi uống hớp nước mát. Nhà văn nói tiếp:

“Sau ngày mổ tim một ngày. Lúc này tôi vẫn còn mê và sau này bà xã tôi kể lại là hôm đó vị ân nhân đã đến bên giường bệnh thăm tôi và có nói chuyện nhiều với vị bác sĩ giải phẫu. Sau đó vị ân nhân đưa cho bà xã tôi một bao thư và dặn là, khi nào tôi hoàn toàn bình phục thì mới trao cho tôi. Từ hôm đó đến nay vị ân nhân đó đã không còn quay trở lại nữa. Khi tôi đã hoàn toàn bình phục, tôi mở thư ra đọc thì... Đây, cái thư đó đây anh hãy đọc rồi sẽ rõ.”

Nhà văn Hà Phương Lâm lấy ra một cái thư và đưa cho người bạn trong Hội Nhà Văn Hải Ngoại đọc.

Sàigòn, Thủ Đô yêu thương muôn thuở, 28 Tết năm 20..

“Chú Hà Phương Lâm thương mến.

Lời đầu tiên của cháu là kính chúc gia đình cô chú luôn được nhiều Vui - Đẹp và Hạnh Phúc mà Thượng Đế đã ban cho. Vinh hạnh nhất trên đời. Mặc dầu mỗi chúng ta đều có một định mệnh riêng biệt. Lúc chú đọc thư này thì chú đã hoàn toàn qua khỏi sự nguy hiểm của bệnh tim và rồi sẽ từ từ mạnh khỏe lại như xưa. Bác sĩ phụ trách giải phẫu đã quả quyết nói với cháu như vậy. Xin chúc mừng chú và cô!

Bây giờ cháu xin được tâm sự với chú về những chuyện đã xảy ra giữa ba người chúng ta trong thời gian vừa qua. Cháu thật không thể nào ngờ trong đời cháu lại chứng kiến một chuyện cứ tưởng như chỉ có trong những truyện tưởng tượng của các nhà văn mà thôi. Có lẽ đúng như vậy chú Hà Phương Lâm ạ. Một người không quen biết với chú mà chỉ trong một lần gặp gỡ ngắn ngủi lại sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để giúp chú mà không đòi hỏi một điều kiện gì... Trong cái đất nước quá khốn nạn này, thành phần có dư tiền dư của là thành phần đang thao túng xứ sở quê hương mình. Nhưng, bọn người đó thì không bao giờ có lòng từ tâm cả. Có lẽ vì cũng nghĩ như vậy nên chú cứ như người luôn trong thế thủ chờ đợi đối phương là cháu ra đòn. Thật ra thì nguyên nhân được khởi nguồn cũng từ một truyện ngắn của chú viết vào thập niên sáu mươi cho lứa tuổi đang là sinh viên và sẽ ra giúp đời. Truyện ngắn mà cháu đang đề cập đến có cái tựa là, “Mai Hương Xuân”. Chú còn nhớ chú đã viết truyện đó như thế nào không? Chú đã viết về một người con gái xứ Huế, về những mùa xuân thanh bình dưới bầu trời miền Nam thân yêu của chúng ta thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Bối cảnh là vùng có con sông Hương nước trong xanh và thật thơ mộng cùng núi non hùng vĩ… mà tiền nhân của chúng ta đã bỏ biết bao công sức cùng xương máu để dựng lên một kinh đô hùng tráng và từ đó đã tiến dần về phương Nam mở mang đất nước rộng lớn như ngày nay. Trong truyện ngắn đó có hai nhân vật, một nam một nữ và đang là sinh viên. Hai người đó đã yêu nhau và rồi cuối cùng được chung sống bên nhau sau khi đã vượt qua được những trắc trở do không đáp ứng được sự đòi hỏi của ‘môn đăng hộ đối'. Người nữ sinh trong truyện của chú thuộc dòng dõi vua chúa nên có cái tên vừa dài và vừa thật quý phái là: Công Tằng Tôn Nữ Mai Hương Xuân. Chú đã lấy tên của người con gái quý phái đó để viết cái tựa cho tập truyện ngắn của chú. Người nam sinh bạn của Mai Hương Xuân là anh chàng nhà nghèo nhưng rất có bản lãnh và học rất giỏi. Anh chàng sinh viên đó có tên là Trần Thanh Hải.

Chú Hà Phương Lâm thân mến ơi!

Chú có biết rằng tên của hai nhân vật trong truyện ngắn của chú cũng trùng tên với cháu và tên của cô bạn học cùng phân khoa với cháu không. Cô bạn gái của cháu cũng thuộc dòng dõi quan lại thời xa xưa và nhà cô ấy giàu có tiếng ở vùng cao nguyên đất đỏ. Ba của cô ấy là vị sĩ quan cao cấp đang phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn Hai. Vùng đất đỏ cao nguyên quanh năm mù sương đó cũng là nơi mà cô Mai Hương Xuân và cháu đã được sinh ra rồi lớn lên và rồi yêu nhau. Gia đình cháu, bản thân cháu cũng nghèo hèn như nhân vật trong truyện Mai Hương Xuân của chú vậy. Chỉ có khác một chút là cháu học không giỏi nhưng rất có bản lãnh. Cả hai nhân vật nam và nữ bằng xương bằng thịt cũng yêu nhau và rồi cũng được hai bên gia đình chấp nhận cho sống bên nhau sau khi cũng trải qua bao sóng gió bởi sự phân cách rất lạc hậu vào thời đó. Tại sao lại có một sự trùng hợp lạ lùng đến như vậy được hả chú Hà Phương Lâm. Cháu còn nhớ khi cháu cùng anh bạn thân đọc xong truyện ngắn Mai Hương Xuân của chú thì cháu đã nói một câu mà có lẽ chỉ khi nào cháu không còn hiện diện trên cõi đời này nữa thì cháu mới quên được. Cháu nói với anh bạn thân: “Ông nhà văn Hà Phương Lâm viết hay quá. Ông ấy viết truyện mà cứ như ổng là người nhà của tôi không bằng. Chuyện ông ấy tưởng tượng lại không khác với hiện thực của hai đứa tụi tôi là mấy, nếu không muốn nói là nó đúng đến chín mươi chín phần trăm. Tôi bái phục ông nhà văn này quá. Nếu sau này tôi được gặp ông Hà Phương Lâm dù là trong bất cứ hoàn cảnh nào thì tôi cũng sẽ quỳ xuống lạy ông ấy ba lạy và gọi là thầy để xin được thọ giáo.”

Hai nhân vật trong truyện ngắn của chú đã được chú cho yêu nhau rồi lấy nhau cũng vào một mùa xuân thật đẹp trên quê hương ngày cũ. Rồi chú đã cho kết thúc mối tình thơ mộng đó cũng vào một mùa xuân.

Ba ngày Tết đã trôi qua êm đềm trên quê hương và nơi vùng đất Thần Kinh cổ kính. Nàng Mai Hương Xuân đã bao ngày khắc khoải chờ đợi trong niềm hy vọng sẽ có một cái Tết sum họp cùng chồng nhưng rồi niềm hy vọng đó đã tan theo với mây cùng với gió. Sáng ngày mồng bốn Tết, nàng Mai Hương Xuân nhận được tin chồng đã ra đi vĩnh viễn trong một trận chiến tự vệ do kẻ thù từ phương Bắc gây ra ngay trong đêm giao thừa. Mối tình đẹp - Thật đẹp và thật lãng mạn quá chú hả, nhưng, lại kết thúc quá đau buồn. Những ngày còn lại trong cuộc sống của nàng Mai Hương Xuân nơi xứ Thần Kinh cũng giống như bao trăm ngàn người goá phụ đang sống trong cái đất nước đầy đau thương và tủi hờn do chiến tranh xâm lăng từ phương Bắc khởi xướng mà bọn chúng từng hãnh diện tuyên bố: “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và cho Trung Quốc”.

Hai nhân vật có thật bằng xương bằng thịt, có cùng tên và cùng cảnh ngộ như trong truyện của chú cũng được yêu nhau trong dịp đầu Xuân. Một mùa xuân mà mãi mãi người Việt Nam sẽ không bao giờ quên được bởi vì đó là một mùa xuân đầy máu và kinh hoàng do một đám khỉ từ trong những khu rừng kéo ra và được đám người ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản man rợ nằm vùng tiếp tay để giết hại thật dã man những đồng bào vô tội không một tấc sắt trong tay. Xuân Mậu Thân 1968 sẽ ngàn đời  không bao giờ bị phai mờ trong trí nhớ của người Việt Nam bởi lịch sử đã ghi lại trung thật những hành động man rợ của bọn khỉ rừng xanh đã gây ra nơi quê hương của hai nhân vật trong truyện ngắn Mai Hương Xuân của chú và, trên toàn lãnh thổ miền Nam thân yêu của chúng ta.

Bảy năm sau cái mùa xuân đau thương đó – lại cũng là mùa xuân – người con gái đài các bằng xương bằng thịt có cái tên Công Tằng Tôn Nữ Mai Hương Xuân và anh chàng thư sinh nghèo hèn Trần Thanh Hải cùng theo đoàn người bỏ chạy khỏi nơi chôn nhau cắt rún và nhiều kỷ niệm của thời thơ ấu. Người cha thân yêu của Mai Hương Xuân đã bị bắt trên đường rút lui và sau này được biết  ông đã bị những con quỷ đội lốt người hành hạ đến bỏ thây nơi rừng hoang nước độc. Hai người trẻ yêu nhau đã dìu nhau chạy trối chết và đến được một vùng đầy băng giá và đầy ắp tình người của đất nước xa lạ rất nổi tiếng với hoa tulip và với cối xay gió. Mai Hương Xuân và cháu cố tạo dựng đời sống mới trên xứ người bằng đủ mọi công việc bằng tay chân. Sau bao năm chắt chiu dành dụm, cháu đem về quê hương một số vốn khá lớn với hoài bão làm một việc gì đó hữu ích giúp cho quê hương. “Quê hương mình dù có nghèo, dù có khổ nhưng đó vẫn là quê hương mình.” Cháu thật sự đã nghĩ vậy nhưng, cháu đã lầm chú ạ. Nơi mà chúng ta gọi là quê hương nay đã hoàn toàn không còn như những gì của ngày xưa nữa. Nàng Mai Hương Xuân của cháu đã can ngăn cháu nhiều lần nhưng cháu nhất quyết không nghe nên Mai Hương Xuân buồn giận và cô ấy đã nhờ luật sư làm thủ tục để hai đứa được chia tay. Mai Hương Xuân của cháu hành động hoàn toàn đúng! Tất cả mọi lỗi lầm đều do cháu tạo ra nên cháu phải nhận lãnh trách nhiệm.

Ngày gặp chú trong bệnh viện ở thành phố Mỹ Tho cháu đã đến bên chú nhưng không quỳ cả hai chân và lạy để gọi chú là thầy và mong được thọ giáo như lời ước nguyện năm xưa, nhưng, cháu có quỳ một chân. Chắc lúc đó chú không để ý bởi chú có quá nhiều chuyện phải lo. Cháu không muốn thọ giáo ở chú nữa bởi vì từ sau cái mùa xuân đau thưong năm 1975 đó, hơn mười năm sau cháu được anh bạn thân năm xưa gởi qua cho cháu quyển sách chú mới viết sau này có cái tựa rất kêu: “Những Thiên Thần Bé Nhỏ Trong Xã Hội Mới”. Nội dung quyển sách chú viết về lứa tuổi nhi đồng quàng khăn đỏ, nhưng chú đã không có cái can đảm và trung thật nơi người viết văn của miền Nam Việt Nam. Vào thời gian đó ‘những thiên thần bé nhỏ’ của chú đến trường với cái bụng không bao giờ được no bởi chúng nó chỉ được lót vài củ khoai lang hay khoai mì gì gì đó mà thôi. ‘Các thiên thần bé nhỏ’ của chú mỗi tuần hai ba lần phải thi đua làm kế hoạch nhỏ như đi lượm giấy, lượm rác, cũng như phải nói về những người trong gia đình và những điều mắt thấy tai nghe cho đám người được gọi là cán bộ. Đọc hết quyển sách đó, cháu vẫn bái phục chú ở chỗ chú đã không xu nịnh để phải dùng những từ ngữ xa lạ và rỗng tuếch mới được du nhập vô miền Nam của chúng ta như: hồ hởi thay vì vui vẻ, động cơ thay vì nguyên nhân. Chuẩn mực thay vì tiêu chuẩn, mẫu mực. Mặt bằng thay vì diện tích… vân vân và vân vân. Bẵng đi một thời gian, hỏi thăm thì bạn cháu cho biết có lẽ tác giả cũng cảm thấy ê chề với cuộc sống mới nên có thể cũng đã từ giã nghề viết văn rồi vì không thấy sách được in nữa.

Trong xã hội của chúng ta hôm nay, như chú cũng đã biết, học sinh bây giờ không như tụi chúng cháu ngày xưa. Học sinh bây giờ can đảm hơn xưa nhiều lắm, chúng nó dám chửi và, đôi khi đã đánh lại thầy cô. Tụi nó cũng đã khôn khéo biết gian lận, biết cóp pi bài vở của nhau trong các kỳ thi. Nhiều nữ sinh, sinh viên đã tiến bộ hơn, thích sử dụng điện thoại cầm tay nên luôn đem theo trong người để khi có ai cần “giải quyết” thì sẽ có mặt ngay mà ngôn từ trong nước gọi là “gái gọi”. Thầy cô bây giờ cũng biết kinh doanh trong học đường như đổi tình lấy điểm và ăn chận thức ăn của các ‘Thiên thần bé nhỏ trong xã hội mới'.

Chú Hà Phương Lâm thương mến.

Tài sản của cháu gom góp lại chỉ còn khoảng hơn mười ba ngàn đô la Mỹ. Cháu quyết định đi một vòng thăm vùng đất Hậu Giang cho biết quê hương mình trước khi từ giã cõi đời. Cháu có mặt trong bệnh viện của thành phố Mỹ Tho hôm gặp chú, đó là chặng dừng chân thứ hai sau khi đã ngủ một đêm ở chặng thứ nhất ở thị xã Long An. Hôm cháu có mặt trong bệnh viện là cháu đang tìm mua thuốc độc để sẽ quyên sinh nhưng người tài xế lại đưa cháu vô bệnh viện và cơ may cho cháu là trước khi thực hành ý nguyện thì đã được gặp chú. Cháu quyết định từ giã cõi đời chú ạ. Cháu phải tự hủy hoại thân mình khi hai bàn tay đã hoàn toàn trắng sạch và cũng vì thất vọng nhiều về những gì cháu đã chứng kiến trong xã hội hôm nay. Hơn bốn mươi năm qua rồi mà quê hương mình vẫn chìm trong sự nghi kỵ và chia rẽ. Nếu cháu quyết định ở lại quê hương thì cháu không còn phương tiện để sinh sống vả lại cháu càng thêm tức tối và đau buồn hơn khi thấy một lũ người ngu xuẩn chỉ nghĩ đến bè phái để áp bức người dân và không muốn trao trả cho người dân cái quyền tự do. Nếu cháu có trở về lại nơi đã cưu mang cháu trong vài chục năm qua thì cũng không còn nhà để mà về. Cuộc tình và cuộc sống thật của Công Tằng Tôn Nữ Mai Hương Xuân và Trần Thanh Hải được kết thúc cũng đau thương không kém gì như hai nhân vật trong truyện ngắn Mai Hương Xuân của chú viết hơn nửa thế kỷ trước trước, có phải vậy không chú? Từ nay, cứ mỗi dịp xuân về trên quê hương, cháu sẽ gởi đến cô chú một cái thiệp chúc xuân và cháu sẽ kể về cuộc sống của cháu hiện tại. Nếu vào dịp xuân về mà cô chú không nhận được thiệp của cháu thì: Một là cháu đã qua đời. Hai là cháu đang bị tù tội. Nếu cháu bị tù tội thì chắc chắn sẽ không phải là tù thường phạm!

Kính chúc cô chú luôn Vui - Khỏe và Hanh Phúc!!!

Cháu Trần Thanh Hải.

Người bạn trong Hội Nhà Văn Hải ngoại hỏi:

“Bao lâu rồi anh Lâm chưa nhận được thiệp chúc Tết của Hải?”

“Tết này là cái Tết đầu tiên anh ạ.”.

.

Topa (Hòa Lan)


Cái Đình - 2019