Từ Thức


Hội An

Hội An

.

Cuối bữa ăn, ông Chu hỏi: thế cậu Vy kỳ này xuống chơi tính ở lại bao lâu? Tôi nói ngày mai cháu về lại Paris, đang tính xin phép hai bác trước, sáng mai cháu lấy chuyến tầu sớm, chắc cả nhà còn ngủ.

Bà Chu ngừng gọt trái táo, ngước mắt nhìn tôi qua cắp kính lão trễ trên sống mũi. Gì mà gấp gáp thế, mới xuống đã về ngay, không ở lại ít bữa; ngày mai thằng Triều nó về, không thấy cậu, nó lại cằn nhằn.

Cháu xuống dưới này kiếm một người, nhưng không gặp, đành phải về . Suýt buột miệng: cũng có gặp người ta, nhưng gặp cũng như không. Vừa hài lòng đã không lỡ lời – một lời buông ra, bốn ngựa đuổi không kịp – vừa tiếc đã không nói huỵch tẹt ra xem phản ứng của Hội An ra sao.

Hội An lẳng lặng xếp dọn chén dĩa trên bàn, khuôn mặt lãnh đạm như câu chuyện không liên hệ, dính líu gì đến mình.

Tôi chờ cô nàng nói một câu gì đó, một lời trách móc, hờn dỗi (Ở dưới này buồn khỉ ho cò gáy, vui sao bằng Paris mà mợ giữ anh ấy ở lại). Nhưng cô nàng không nói gì, chăm chú dọn dẹp. Làm như mấy cái đĩa dơ là trung tâm vũ trụ. Tôi muốn liệng cha nó mấy cái đĩa vào sọt rác.

Cô nàng không nghe tôi nói gì, không nhìn thấy tôi lù lù một đống trước mặt. Tôi trở thành người vô hình. L’homme Invisible.

Căn phòng im lặng như một cuốn phim câm.

Bà Chu cúi xuống, tiếp tục gọt trái táo. Hội An lau lau cái mặt bàn. Ông Chu nhìn lơ đãng qua cửa sổ với đôi mắt vô thần của người chết, mơ tưởng đến Hội An, cái thành phố lúc nào cũng lỏn vởn trong đầu, vừa gần, vừa xa vời vợi.

Ông Chu ngồi đó, nhưng sống trong một thế giới khác.Thế giới, đời sống, với ông Chu, là Hội An, một thành phố cổ xa 10 ngàn cây số, nhưng sờ mó được, ngửi được mùi, hít thở được không khí . Nhìn qua cửa sổ, ông Chu thấy Hội An. Ngoài đường, ông Chu đi giữa phố xá Hội An. Ông so sánh cái nắng, cái mưa với cái mưa, cái nắng Hội An. Trái cây ở đây nó nhạt thếch, không như trái cây Hội An. Hạt muối ở đây nó không đậm đà như hạt muối Hội An. Con cái diễu bố: “bố nói gì cũng bắt đầu bằng câu: cái hồi ở Hội An…”. Mỗi lần thấy ông già ngồi buồn tênh, con gạ truyện: “Bố ơi, thế cái hồi ở Hội An...”, ông già sáng mắt, sôi nổi thuyết trình không ai chen nổi một câu.

Với tôi, cũng vậy, thế giới là Hội An. Mỗi người sống với Hội An của mình. Hội An của tôi là một khuôn mặt đàn bà, trước kia niềm nở, bây giờ lạnh lùng.

Công tố viện chỉ mặt tôi, xin tòa tuyên một bản án tối đa.

Ông ta đưa tấm hình Hội An trước mặt từng người trong bồi thẩm đoàn:

– Hãy nhìn khuôn mặt thiên thần này. ”N’Guyen Thi Hoi An” chưa tới ba mươi tuổi, đã bị hạ sát một cách thảm khốc, vô cớ. Không có gì biện minh cho hành động sát nhân của bị can. Anh ta không giết người trong một cơn nóng giận, điên rồ. Y đã suy nghĩ, âm mưu, tính toán, đã bỏ cả một buổi sáng đi lùng khắp tỉnh, tìm mua một khẩu súng, lẻn vào nhà, lạnh lùng bắn hết một băng đạn vào ngực nạn nhân.

Khuôn mặt thiên thần. Mỗi lần Tây nói đến đàn bà Á đông, họ hay dùng cái hình ảnh đó. Visage d’ange. Ông Tây hàng xóm của tôi có bà vợ Việt, hở ra là khoe cái visage d’ange của bà xã. Một người đàn bà nhỏ xíu như cái kẹo, đét như con mực khô, mặt mũi ngẩn ngơ: visage d’ange có cái nhan sắc rất khả nghi, ông chồng cưng như ngọc, nâng niu như hoa.

Với Hội An, cái chữ khuôn mặt thiên thần đúng không chạy đâu được. Hội An có cái gì đó vừa yếu ớt, vừa tồi tội. Có cái gì u uẩn trong cái nhìn, trong đôi mắt một con nai bị thương, vừa ngạc nhiên vừa nhẹ nhàng oán trách.

Án mạng có dự mưu. Ở đời có những thằng cha quả quyết những điều họ không hay biết một cách khơi khơi, ngon lành, như đinh đóng cột.

Án mạng có dự mưu!

Buổi sáng hôm án mạng, tôi rời nhà ông Chu khi cả cái tỉnh lẻ còn ngủ vùi. Đi lang thang không chủ định, đầu trống rỗng như một trái bí nạo ruột, trái bí rỗng, phơi khô, ở quê ta người ta dùng để đựng nước, đựng gạo. Muốn gào thét cho vỡ ngực, cho nổ tung trái đất.

Ngồi trên xe lửa, ba phút trước khi tàu rục rịch chuyển bánh, đùng một cái, tôi mở cửa, nhẩy xuống sân ga, không kịp mang cái xách tay đựng hai bộ quần áo và mấy thứ nhật dụng lẩm cẩm: dao cạo râu, bàn chải đánh răng, một hai cuốn sách cũ.

Đi một vòng cái tinh lẻ nhỏ bằng cái khăn mù soa, đầu rỗng như trái bí nạo ruột. Ngừng trước một tiệm bánh mì, ngắm mấy cái bánh ngọt bày trong tủ kính. Lân la trước một tiệm đồ chơi, một tiệm bán hoa. Và cuối cùng một tiệm bán võ khí. Lơ đãng nhìn mấy khẩu súng, mấy bao đạn treo lủng lẳng.

Sau mấy phút đứng nhìn vớ vẩn, tôi đẩy cửa, vào. Tiếng chuông kêu leng keng. Gã chủ tiệm, chắc mới đi nghỉ hè về (Tây người ta đi nghỉ hè quanh năm. Những lúc không đi nghỉ hè, họ bàn hay chuẩn bị việc nghỉ hè), hay vừa tu vài chai rượu đỏ; hay cả hai, cái đầu hói đỏ hỏn như đầu gà chọi, xun xoe, vồn vã một cách quá lố.

Tôi đòi xem hết khẩu súng này đến bao đạn kia. Gã đầu gà chọi cắt nghĩa, thuyết phục một cách say sưa. Nếu nghe y, chắc phải mua cả cửa tiệm. Nếu y biết trong túi tôi chi còn vừa đủ tiền uống một ly cà phê, có lẽ y bớt hăng say hơn một chút.

Sau khi đắn đo như đàn bà lựa đồ trang sức, tôi chọn một khẩu 22 long rifle, báng súng chạm trổ như một tác phẩm điêu khắc..

Ông Tây gà chọi nói:

– Khẩu này phải có giấy phép.

Tôi nói tôi có giấy phép mua cả xe tăng, đại bác; tôi là con rể ông préfet.

Gã chủ tiệm cười nịnh, ra vẻ thưởng thức câu khôi hài ý nhị của khách: ça alors (vậy thì khỏi nói). Y đặt một băng đạn cạnh khấu súng:

– Tôi còn một băng. Nếu ông muốn thêm, tôi xuống lấy dưới kho.

Tôi nói cần ba băng đạn. Y nói ông chờ tôi vài phút, quay lưng đi vào trong. Tôi nói theo, đại lượng: cứ thong thả, cháy nhà đâu mà vội.

Tôi cầm khẩu súng, đút băng đạn vào túi, ra khỏi tiệm. Chuông kêu leng keng khi cửa mở. Nhưng không thấy gã chủ tiệm thò đầu ra. Y vẫn lúi húi dưới kho tìm mấy băng đạn cho con rể ông préfet.

Bên ngoài năng mới lên, buôi sáng mùa xuân âm áp, mơn mởn như một cô gái dậy thì.

Tại sao tôi vào một tiệm súng? Nếu vào một tiệm hoa hay một tiệm bánh mì, chắc tôi sẽ đi ra với một một bó hồng hay một gói bánh ngọt.

Gã luật sư người ta chỉ định cho tôi còn trẻ, búng ra sữa, vừa chân ướt chân ráo ra trường, như hầu hết những luật sư chỉ định. Maĩtre Gibert hay Guibert gì đó, đại khái như vậy. Y vung tay, nói bị can giết người vì không chịu nổi cái dửng dưng của người bạn gái, một người y thương yêu hơn mọi sự trên đời.

Đối với bị can, sự dửng dưng nó còn khó chịu, nhức nhối hơn cả cái phụ bạc. Y nhấn mạnh từng vần: “in-dif-fé-ren-ce”, làm như cái chữ ấy có đủ ma lực để cứu bị can.

Maître Guibert mở một tờ báo, tờ Liberation mới ra buổi sáng, đọc một bản tin nói về một gã thanh niên người Ý, Giovanni G.

Một buổi chiều thứ bẩy, Giovanni trèo lên chiếc xe Uno cũ của bố, dạo vòng vòng thành phố. Chắc là đầu rỗng như một trái bí nạo ruột.

Trên đường, Giovanni gặp hai gã thanh niên cưỡi mô tô song song bên nhau. Giovanni lái xe vượt qua, bất thình lình ép vào lề. Hai gã cưỡi mô tô té nhào, lồm cồm bò dậy, xông tới, tính nện cho gã tài xế Uno một trận. Giovanni vồ cây súng để sẵn bên cạnh, mở cửa xe bước xuống, gào lên:

– Thằng nào muốn chết trước?

Không thằng nào muốn chết trước, đứng khựng lại. Giovanni nổ một phát chát chúa trên đầu họ. Hai gã mô tô hết hồn, lập cập trèo lên xe, chuồn thẳng. Giovanni gào theo:

– Đi báo với bọn cớm. Bảo chúng có giỏi thì vác xác lại đây!

Rồi lái xe đi, thảnh thơi, chưa bao giờ thấy thỏa mãn, khoái trá như vậy.

Mười lăm phút sau, xe cảnh sát hụ còi đuổi sau lưng. Giovanni ngừng lại, xách súng xuống xe. Hai viên cảnh sát núp sau xe của họ, ra lệnh cho gã con trai bỏ súng xuống. Giovanni nổ một phát, bể tan cửa kính phía trước xe cảnh sát. Hai viên cảnh sát bắn trả đũa cùng một lúc. Giovanni loạng choạng, khẩu súng rơi khỏi tay, ôm ngực, ngã vật xuống đường.

Khi xe cứu thương đến nơi, Giovanni đã tắt thở. Trong chiếc xe Uno cũ, trên ghế cạnh tài xế, người ta tìm thấy cuốn nhật ký của Giovanni G. Cuốn nhật ký mở sẵn, trên trang cuối, Giovanni viết trước khi xách xe của bố chạy vòng vòng thành phố: “Cả nước Ỷ sẽ biết Giovanni G. là ai. Cả nước Ỷ sẽ biết Giovanni G. chết như thế nào.”

Maĩtre Hubert (Vuiỉbert?) chỉ tôi, nói với bồi thấm đoàn: bị can cũng như Giovanni G. Bị can không chịu nổi sự lãnh đạm của người khác. Còn bi đát hơn cả Giovanni, bị can sống ly hương, một mình nơi xứ lạ. Không gia đình. Không thân thích. Không bạn bè. Trong nước y, bị can có một chỗ đứng nào đó trong xã hội. Sống lưu vong, bị can có cảm tưởng bị gạt ra ngoài lề. Cái liên hệ duy nhất giữa bi can và xã hội là Hội An. Hội An là lẽ sống. Nếu người đàn bà ấy cũng quay lưng đi, đời sống của anh ta hoàn toàn sụp đổ. Anh ta đã liều mạng, vượt biến, bất chấp hiểm nguy, bất chấp cái chết trước mặt để đi theo người yêu. Trở thành một người vô danh, vô hình trong con mắt của người yêu là một điều không thể chịu đựng nổi

Maître Vuilbert (Vulmaire?) ngưng một giây, rút khăn lau trán, nhìn bồi thẩm đoàn: trong chúng ta, có bao nhiêu người còn có cái lãng mạn ấy, cái tình yêu ấy? Chúng ta thích nhau, ăn ngủ với nhau, lấy nhau vài tháng, vài năm, khi không hợp nhau nữa, khi người này không còn là nguồn vui cho ngưòi kia, khi câu pha trò của người này hết làm người kia cười, khi sự hiện diện của người kia chi còn là những bực bội, chúng ta chia tay, ly dị. Mỗi người một nửa gia tài, một nửa bàn ghế, một nửa thức ăn còn lại trong tủ lạnh.

Coi vậy mà cha này cũng có óc khôi hài.

Maĩtre Vulmaire (Gibert?) vung tay nói, bọt sùi hai bên mép. Làm luật sư mà bị cái tật sùi bọt mép kể cũng phiền. Tôi tự nhiên thấy tội nghiệp ông luật sư trẻ. Tôi nhìn ông ta vung tay cãi, nhưng không nghe ông ta nói gì.

Tôi nghĩ đến Hội An, đến cái dáng tồi tội, đến đôi mắt u uẩn trách móc. Nghĩ đến một buổi chiều giáp tết năm nào. Tôi tìm mua chợ đen được mấy thước vải lụa màu mỡ gà, cái mầu ưa thích của Hội An, trong một xã hội cái gì cũng khan hiếm (người Cộng Sản có biệt tài, như một cây đũa thần, trong khoảnh khắc làm biến mất những vật dụng trước kia ê hề), lội bộ nửa ngày đến nhà nàng, thấy cửa đóng im ỉm.

Đứng chờ cả giờ vẫn không thấy động tĩnh, đi vòng ra sau vườn, trèo lên một cây cổ thụ trong vườn.

Ớ giữa thân cây có một chỗ cây nứt ra một lỗ trống. Tôi thò tay vào tìm cái hộp trà tàu dấu kín trong đó. Đó là cái hộp thư của chúng tôi. Một cái hộp trà tàu cũ, nước mưa làm rỉ loang lổ. Chinese tea. Hight Quality.

Trong hộp trà, một mẩu giấy nguệch ngoạc, chữ nghiêng nghiêng tồi tội như dáng đi của Hội An. “Cả nhà vượt biến tối nay. Không báo cho anh biết được, vì ông cụ giấu, sợị lộ, chỉ cho biết vào phút chót. Nếu có bề gì, vẫn nghĩ đến anh mãi mãi.”

Trong khi Maître Gilbert (Libert) sùi bọt mép cãi, tôi mỉm cười, nghĩ đến anh cu Giovanni.

Anh ta yên trí sẽ ra khỏi đám đông vô danh, sẽ nổi tiếng khắp nước Ý nhờ cái chết ngoạn mục của mình, quên rằng ở các nước Âu Châu, để bảo vệ những người chưa đến tuổi trưởng thành, luật lệ cấm báo chí, média, đăng hình, nêu tên gia đình của những vị thành niên phạm pháp. Phải viết tắt: Giovanni G. Nước Ý có hàng trăm ngàn người tên là Giovanni, với tên gia đình viết tắt là G. Và cả nước Ý vẫn không biết Giovanni G. là ai, mặt mũi ngang dọc thế nào, sau cái chết lãng nhách của gã thanh niên muốn ra khỏi sự dửng dưng của thiên hạ.

Maître Libert (Livaire?) ghé tai tôi, bảo đừng cười ngớ ngẩn trước bồi thẩm đoàn. Những ngày trước phiên tòa, ông ta dặn đi dặn lại là trước tòa, phải giữ nét mặt của một người rât buồn bã, rât ăn năn.

Tôi muốn kể cho ông tòa nghe vài câu chuyện vê Hội An. Chẳng hạn cái bữa hai đứa đi chơi, tôi nổi hứng chui vào ruộng mía, bẻ trộm một cây, vì biết Hội An thích mía còn tươi, bị ông chủ vườn chộp được, xách cố áo lôi xềnh xệch trên bờ ruộng. Hội An chạy theo gào khóc, rồi, nổi khùng, lượm một khúc củi to gần bằng cô gái mười tuổi là Hội An lúc đó, xông vào quật túi bụi vào lưng gã chủ ruộng mía, khiến ông ta, đau quá, phải buông tôi ra để đỡ đòn. Hai chúng tôi cắm đầu chạy.

Trong một thoáng, cái con nhỏ hiền lành, nhát như thỏ ngày, thoát xác trở thành một con gà mái xù lông, quyết tử bào vệ đàn con. Đàn bà Việt, họ như vậy cả. Tôi khám phá ra một Hội An bất ngờ.

Ngày tuyên án, ông tòa hỏi: bị can có muốn nói gì không?

Nếu không có áo choàng đỏ trong cái nghiêm trọng của một phiên tòa đại hình, ông chánh án, với hai má phinh phính và hàng râu mép lún phún, có vẻ phúc hậu như một ông giáo tỉnh lẻ.

Maître Livraire (Libert?) đưa mắt, ra hiệu nhắc tôi nói những câu ông ta đã soạn trước, phải học thuộc lòng, nhưng phải nói một cách tự nhiên, chân thành như phát xuất từ trái tim của một bị can rất ăn năn, hối hận. .

– Thưa, tôi không muốn nói gì

Tôi nhìn Triều cúi đầu lặng lẽ, bà Chu còng lưng buồn bã, ông Chu mất hút trong một thành phố cổ. Đời ông có hai Hội An, ngày nay cả hai… Muốn nói một lời tạ tội, nhưng nghẹn cổ, cứng lưỡi.

Tòa tuyên án 15 năm tù. Hay 20 năm. Hay 25 năm gì đó, đại khái như vậy. Maître Libert vỗ vai tôi, an ủi: “On s’en sort pas mal” (cũng không đến nỗi nào). Tôi nghĩ “toi, tu t’en sors pas mal.” (ông, ông không đến nỗi nào), nhưng tôi không nói gì, không tỏ một thái độ gì. Tôi bày tỏ một thái độ không thái độ.

Trong đầu tôi, một chiều mưa năm nào, trước cổng trường tiểu học, đôi chân bụ bẫm của Hội An đạp nước bắn tung tóe. Nhìn con nhỏ cười khanh khách, tôi quyết định Hội An sẽ thuộc về tôi mãi mãi. Cái cười khanh khách của con nhỏ bụ bẫm sẽ vang bên tai tôi trọn đời.

Maître Livert, hay Limaire, nói sẽ bàn xem có nên kháng cáo hay không. Tôi nói:

– Thôi, maître, đừng kháng khiếc gì.

Tôi đưa hai tay cho người cảnh sát còng. Chất sắt lạnh buốt. Không hiểu tại sao tôi nghĩ đến một câu thơ của Bùi Giáng.” Xin chào nhau giữa con đường / mùa xuân phía trước, miên trường phía sau.”

Tôi muốn đưa mùa xuân ra phía sau, miên trường phía trước, nhưng loay hoay, không biết xếp đặt câu thơ thế nào cho ổn. Trong đầu tôi, trong đời tôi, có rất nhiều cái lộn xộn, không biết xếp đặt thế nào cho ổn.

.

Từ Thức


Cái Đình - 2018