Nguyên Ngôn


Hòa âm Vũ Trụ

(Hứng khởi để viết truyện nầy phát xuất từ truyện ngắn Trương Chi trong cuốn Thần Tháp Rùa của đại sư Vũ Khắc Khoan)

.

Thôi thúc mãnh liệt trong lòng Trương Chi: thoát trần.

Mấy hôm nay, hắn bị dính cứng vào ý nghĩ, như một định mạng, làm thế nào vượt thoát cõi trần gian nầy. Muốn vượt thoát cõi thế gian, phải thoát khỏi kiếp người. Rồi hắn lây quây tìm cách tháo gỡ thân phận làm kiếp người. Tháo gỡ kiếp người xong, thì hắn còn lại gì? Không biết. Tháo gỡ kiếp người xong, hắn trở thành cái gì? Không biết. Lúc đó, hắn còn là hắn không? Không biết. Nhưng nhứt định phải thoát kiếp.

Tự tử? Không, hắn không phải là thằng hèn. Hắn không đầu hàng. Hắn không muốn trốn chạy. Hắn không muốn bỏ cuộc. Hắn chỉ muốn vượt thoát, nhưng hắn thoát không đươc. Hắn như con chuột bị cột vào đuôi một tấm giẻ tẩm dầu đốt cháy. Sức nóng bỏng của sự thôi thúc càng lúc càng mãnh liệt hơn. Hắn sục sạo tất cả các ngõ ngách tâm linh truy tìm lối thoát. Không có lối thoát.

Chiều xuống rồi. Mặt trời lặn xuống làn nước đầu sông nơi thượng lưu. Hắn nghe tiếng gió lướt nhẹ trên làn sóng lăn tăn như lời thì thầm của đôi tình nhân. Vài cánh buồm mờ nhạt, mơ hồ sương khói, trong ráng chiều màu cam sậm, tận bên kia bờ sông, đang lững lờ lướt về hướng Tây. Những cánh buồm đang mở rộng đón xuân tình trong gió, run rẩy, cong cớn rên lên nhè nhẹ mỗi khi cơn gió lùa tới. Mặt trời đã lặn từ lâu, nhưng ngày còn lưu luyến cõi hồng trần nên mặt sông vẫn chưa bị bóng tối chiếm đoạt. Nhìn theo những cánh buồm tuôn về hướng thượng lưu sông, Trương Chi nghĩ đến nguồn sông. Nguồn? Cái gì? Nguồn? Phải rồi, là Nguồn. Nguồn là nơi phát sinh mọi sự. Trong mọi sự nầy, có những thứ trái ngược nhau. Mọi sự trái ngược nhau cùng phát sinh từ Nguồn, nhưng Nguồn vẫn không bị nổ tung. Một nghi vấn xuất hiện trong đầu Trương Chi. Nguồn gốc của mọi sự kiện trong vũ trụ, có những thứ tương phản nhau, trái nghịch nhau lại không xung khắc, tiêu diệt nhau trong dòng thời gian miên viễn. Vậy thì không phải tương khắc, tương diệt, mà đích thị là tương khắc, tương sinh. Không phải diệt nhau để sống còn, mà chỉ là khắc chế nhau để vươn lên, để tồn tại.

Một đóa hoa mù u vừa rời cành, rít lên đau đớn trong gió như một lời than của mỹ nữ vừa đánh mất thứ tôn quí, thân thương nhứt đời mình, phía sau lưng Trương Chi, thoang thoảng mùi thơm nhẹ, lại thoáng chút tanh tanh. Hắn nhíu mày vì tiếng than êm ả của hoa mù u bị cắt ngang bởi tiếng xé gió hỗn hào, thô bạo của chiếc lá mù u vừa đáp xuống bằng cạnh lá, va chạm vào phiến đá bên đường. Lại một đóa hoa mù u rời cành. Cái gì? Rời cành. Rời cành? Rời? Phải rồi, RỜI.

Phải rời bỏ mới tìm thấy.

Trương Chi nhìn về ngọn núi cao ngút trời ở hướng đông. Đỉnh núi trốn chạy triền phượt cõi trần trong mây. Qua khỏi từng mây, đĩnh núi còn vươn lên bao nhiêu từng cao nữa, không ai biết. Hắn say sưa, bằng tâm tưởng, khám phá đỉnh núi phía trên từng mây. Lối thoát đây rồi. Ta sẽ tìm Nguồn từ đây.

* * *

Trương Chi tỉnh lại, lắng nghe một dòng nhạc thầm lặng vô âm, tràn đầy từ ái. Làn không khí nguyên thủy, thuần khiết đưa vào người hắn một nguồn sinh lực triền miên. Hắn cảm thấy mọi chuyện dễ dàng thông thoáng, thoải mái. Hắn mơ hồ cảm nhận bản lai diện mục của mình, hình như chứng đắc, hình như hư vô.

– Ngươi tỉnh rồi! Đã quyết định rồi phải không? Một lão ông lên tiếng. Ông lão râu tóc bạc phơ, mảnh khảnh, nhưng toát ra một sức sống hùng dũng, oai nghiêm.

– Thưa lão trượng, đây là đâu vậy? Lão trượng là người đã cứu con phải không? Lão trượng là ai vậy?Trương Chi hỏi.

Ông lão cất tiếng, lời lẽ êm nhẹ, nhưng nghiêm trang:

– Đây là cõi mà ngươi muốn tìm đến. Ta không có cứu ngươi. Duyên nghiệp của ngươi đã cứu ngươi. Ta là ta và không phải là ta.

Trương Chi tối sầm mặt mũi, nghe qua câu trả lời rành rọt của lão trượng không trả lời vào điểm nào hết. Hắn tự nhủ, ta sẽ tự ngộ ra câu trả lời.

Ông lão tiếp:

– Một thứ hòa âm của thiên nhiên đã được ngươi tiếp nhận như một liệu pháp. Nhờ đó mà ngươi đươc hồi phục nhanh chóng như vậy. Hiện tại, trong cõi triền phược nầy, ta e rằng, không có người thứ hai tiếp nhận được thứ hòa âm liệu pháp nầy.

Câu nói của lão trượng làm cho Trương Chi bừng tỉnh, ngộ ra một sự thực. Hắn vẫn mẫn cảm đặc biệt với âm thanh. Hắn nghe ra các âm thanh rất vi diệu mà người khác không biết đến. Hắn hiểu rõ chỗ khác biệt tinh tế giữa các âm thanh mà người khác không thể nào phân biệt ra.

Ông lão nghiêm trang:

– Duyên nghiệp của ngươi sẽ dẫn ngươi đến một quả báo. Chính ngươi là người có thể làm thay đổi nghiệp quả nầy, không ai khác. Ngươi phải thở cho sự sống của ngươi, không ai khác có thể thở thế cho ngươi.

Đầu của Trương Chi to ra, mọi thứ trái nghịch nhau kéo về lùng bùng tràn ngập. Hắn muốn ngộp thở.

Ông lão lại tiếp:

– Hôm nay như thế là đủ rồi. Ngày mai ta sẽ trở lại. Ta đã để sẵn thức ăn trên bàn, ngươi cứ tự nhiên mà dùng.

Ông lão bước ra cửa đi mất. Trương Chi bước lại bàn, nhìn dĩa trái cây: đào, táo, mận, lê, hồng…, tất cả đều là các thứ trái cây của xứ lạnh. Hắn tự hỏi, ta đang ở xứ khác rồi sao?

Sáng sớm hôm sau, vừa thức giấc, Trương Chi gặp ngay ông lão. Lão nghiêm nghị mở lời:

– Hôm nay là ngày bắt đầu hành trì của ngươi.

– Hành trì của con? Về đâu? Trương Chi hỏi lại.

Ông lão đường bệ ngồi xuống, phán:

– Vậy chớ tại sao ngươi hiện diện nơi đây. Tiến trính đã bắt đầu, ngươi hãy tiến bước. Ngươi hãy đem tọa cụ ra tĩnh tọa bên thác nước.

– Tại sao phải ngồi bên thác nước?

– Im lặng. Đây là hành trì của ngươi, không phải của ai khác. Ngươi hãy nghe cho ra tất cả các âm thanh khác nhau gồm chung trong tiếng thác đổ. Hãy nghe cho rõ âm vực, âm trình và cường độ từng âm thanh. Sau đó xác định âm quãng giữa các âm thanh. Và sau cùng là âm ba của cái tổng hợp các âm thanh đó, tức là tiếng thác đổ. Nói tóm lại, mọi khía cạnh của âm thanh trong tiếng thác đổ. Thành hay bại là do ngươi quyết định. Thành tựu đến cấp độ nào là do ngươi tự định đoạt.

Trương Chi chưa kịp hiểu ra, ông lão đã đi mất. Hắn ngồi suy gẫm lại mọi chuyện, từ lúc bắt đầu. Hắn cố gắng nối kết lại các điểm mấu chốt, hy vọng sẽ luồn được một sợi dây hợp lý qua các điểm trọng yếu. Tất cả các điểm cốt yếu trong chuỗi sự việc nầy không nằm trong phạm trù lý tính. Hắn không hiểu gì hết.

Hắn đem tọa cụ ra ngồi tĩnh tâm tọa thiền bên bờ thác. Hắn bắt đầu bằng việc loại tạp niệm ra khỏi đầu óc. Bước thứ hai, hắn chú ý lắng nghe tiếng thác đổ. Tiếng thác đổ âm ầm mãnh liệt. Tiếng thác đổ gầm thét hung hãn như cơn thịnh nộ từ trời cao đổ xuống. Tiếng thác đổ vang dội cuồng loạn trong đầu óc hắn càng lúc càng kinh khủng hơn. Đêm về, lắng động trong sự tĩnh mịch, tiếng thác đổ trong đầu hắn càng dữ dội hơn. Hắn chịu hết nổi. Hắn sắp nổi điên lên rồi. Tiếng thác đổ không còn đơn thuần tiếng động nữa, mà là một sự khủng bố, là nỗi ám ảnh kinh khiếp cho hắn. Trương Chi thét lên một tiếng thảm não, hãi hùng.

Cùng lúc với tiếng thét vang lên, Trương Chi chợt tỉnh ngộ. Tiếng thác đổ là sự kiện bên ngoài, tại sao ta phải động tâm. Hắn trầm tĩnh lắng nghe tiếng thác đổ. Phải rồi, chính tâm, thành ý, rồi mới cách vật, trí tri. Hắn bắt đầu tách biệt các âm thanh khác nhau trong tiếng thác đổ. Niềm khoan khoái tràn ngập trong lòng hắn. Trương Chi theo dõi từng âm thanh riêng biệt, xác định đặc tính, cường độ, phạm vi của từng âm thanh biệt lập và trong sự hòa hợp cộng hưởng. Tốc độ của âm thanh, khoảng cách giữa các âm thanh ảnh hưởng mãnh liệt đến tiết tấu của hợp âm.

Một tuần trăng đã qua, Trương Chi bắt đầu thể nhập vào thế giới của âm thanh. Dần dần Trương Chi ngộ ra rằng tất cả các cái khác biệt, đều có liên kết và ảnh hưởng với nhau, làm nên một thể thống nhất để làm cuộc sống tươi đẹp hơn. Âm cao và âm thấp, âm to và âm nhỏ, âm dài và âm ngắn, âm chói chát và âm êm dịu, âm vui tươi và âm buồn bã, sướng và khổ, yêu thương và hận thù, sống và chết đều là một, đều xuất phát từ Nguồn, từ Đạo, từ Cái Trống Không và đều làm cho cuộc sống phong phú muôn màu muôn sắc và thi vị hơn. Khi việc hội nhập hoàn tất, từ trong sâu thẳm của sự im vắng giữa tiếng ồn ào của thác đổ, Trương Chi nghe ra một hòa âm trầm hùng thoáng nhẹ như tơ, trầm trọng như núi: Hòa Âm Vũ Trụ.

Không cưỡng lại được sức lôi cuốn mãnh liệt của hòa âm vũ trụ, Trương Chi cất tiếng hòa vào. Tiếng hát Trương Chi không còn ở phạm vị âm thanh nữa, hòa âm nầy biến thành những làn sóng xung động, truyền ra khắp không gian. Muôn thú bừng tỉnh hân hoan, cây đâm chồi, nụ nở hoa. Cả một không gian tưng bừng khai hội.

Ông lão bước đến:

– Ngươi đã bước vào thế giới âm thanh rồi.

Trương Chi quì xuống lạy tạ:

– Xin đa tạ lão tiền bối đã dạy bảo con mới chứng đắc được cảnh giới nầy.

– Ta không có công đức gì hết trong sự kiện nầy. Mọi sự là do duyên nghiệp của ngươi. Cái tư chất đặc biệt của ngươi, cộng với cái cấu trúc tâm lý của ngươi đưa dẫn ngươi tới sự chọn lựa và hành động. Đây là kết quả của sự chọn lựa và hành động của ngươi. Ta chỉ là cài cơ duyên phụ của ngươi mà thôi.

Ngày, ngày Trương Chi cất tiếng hát hòa cùng cỏ, cây, mây nước và muôn thú, thành lập một cõi trời đất riêng biệt, sinh động, hài hòa. Chính yếu tố hài hòa đã biến nơi đây thành một cõi sống an bình, lương thiện. Ngày lại, ngày qua, Trương Chi phiêu bồng trôi giạt trong thế giớ kỳ ảo của âm thanh.

Nhưng rồi, Trương Chi lại nhớ đến căn nhà rách nát ven sông của mình. Hắn nhớ đến tiếng sóng vỗ vào con đò trên bến sông. Hắn nhớ đến âm thanh của mùi hương hoa mù u lướt ngang trong gió. Hắn nhớ đến ngọn núi ngút ngàn đâm lên mây. Hắn nhớ đến ngọn núi, trong khi hắn đang ngồi trên đó. Vậy thì hắn nhớ cái gì? Thật ra hắn nhớ đến cái cảm giác về ngọn núi đã hình thành trong tâm tư hắn, không phải là ngọn núi trên thực tế. Hắn nhớ đến các âm thanh trên sông trong hoàng hôn.

Trương Chi tìm đến lão trượng. Ông lão nhìn Trương Chi hơi nhíu mày:

– Ngươi đã quyết định rồi sao!

– Bạch lão trượng, con muốn trở về.

Ông lão ngồi lặng thinh. Lát sau ông hỏi:

– Trước khi sinh ra con ở đâu?

Trương Chi ngồi ngớ ra. Trước khi sinh ra, vốn chưa có ta. Vậy thì làm gì có chuyện ở đâu. Hắn trả lời:

– Thưa lão trượng, không ở đâu hết.

– Ngươi vốn dĩ không có căn gốc ở đâu hết. Vậy thì ngươi về đâu?

– Thưa lão trượng, con muốn trở về nơi con đã từ đó đi đến đây.

Ông Lão lẩm bẩm “đành vậy”, rồi tiếp:

– Con ạ! Con đã không còn thuộc về thế giới đó nữa rồi. Trong tâm thức con, con không muốn, nhưng thực tế con đã đoạn lìa thế giới đó rồi. Tâm của con dính cứng vào nơi con đã đoạn lìa nó. Con không còn có thể thích nghi với thế giới đó nữa. Con quá tinh khiết, tinh khiết đến mức thuần khiết. Chỉ một hạt bụi nhỏ, cũng có thể gây xung động mãnh liệt trong con. Con quá thánh thiện không thể tồn tai trong một thế giới đầy triền phược. Đó cũng chính là lý do mà con đã bỏ nó ra đi.

– Con nhớ nhà. Con nhớ những nỗi đau khổ, con nhớ những nhiễu nhương của cõi đời.

 * * * 

Trương Chi về đến nhà chìm trong cơn mê thiếp. Hắn không còn đủ sức tỉnh dậy. Cơ thể tinh khiết của hắn, không thích ứng kịp với cõi đời đầy ô uế này.

Hắn đau nhức khắp châu thân. Hắn bị cơn đau từ các khớp xương hành hạ. Khi hít thở, hắn đau đớn đưa hai tay ôm lồng ngực. Hắn kiệt sức. Mọi chuyện đều mơ hồ. Để cho bớt đau đớn, hắn nằm yên, không cử động. Thế giới âm thanh quen thuộc bên ngoài đang hòa tấu một tấu khúc hoàng hôn. Tiếng xé gió trầm trầm của những trái mù u rơi rụng. Tiếng cánh con chim mèo cào rách không gian nghe sắc nhọn, chói tai. Tiếng những con sóc trên đọt dừa đang đục khoét trái. Tiếng ống bộng ở đập nước con mương bên hông nhà tuôn nước ra bờ sông, Tiếng gió mơn trớn lá mù u. Cơn đau đớn ngập trời đẩy hắn vào hôn mê. Tất cả các bắp thịt của hắn bị vặn vẹo. Các khớp xương bị kéo lệch vị trí.

Trương Chi tỉnh lại sau cơn hôn mê. Hắn bị biến dạng thành một thanh niên méo mó lệch lạc thảm thương. Những đòi hỏi thực tế của cỏi đời ô trọc lại hối thúc hắn, dằn vật hắn. Hắn vào trong mở nắp khạp gạo, gạo mốc. Hắn xuống bếp coi lại chùm khô cá nhái, khô mục như gỗ nát. Bao nhiêu mơ mộng đi vào thế giới âm thanh, ngự trị thế giới âm thanh làm đẹp cõi thế gian nầy, xây dựng cõi thế gian thành nơi tin yêu gắn kết cuộc sống, đều bị buông trôi. Hắn ngỡ ngàng bỗng thấy mình đánh mất tất cả. Những vàng son thân thương của cả đời bỗng trôi theo mây gió. Tất cả đã hết rồi. Đã hết rồi, không còn gì cả. Bỗng nhiên hắn ý thức ra cuộc đời mình bị gãy làm hai đoạn. Hai đoạn đời xa lạ nhau, chỉ còn được nối kết một chút qua tâm thức hắn. Ôi! Mình đã đánh mất một đoạn đời thật sao? Ai đã ăn cắp một đoạn đời của hắn. Mất gì, người ta đều có thể tìm lại, đòi lại, tạo lại. Nhưng cái mà hắn đánh mất, lại là một đoạn đời, thì còn đòi ai, kiếm đâu ra, làm sao phục hoạt lại. Bỗổng dưng thua trắng tay. Không còn gì cả. Không còn gì cả. Hắn vướng vào một tình cảnh thật là phàm tục, phải bươn chải vì cơm áo để sống còn trong cái thân xác méo mó, lệch lạc, đầy u nần.

Trương Chi đi chèo đò để kiếm cơm sống qua ngày.

Hắn chèo thuyền dọc theo dòng sông trước nhà hắn. Xúc động trước tình cảnh cô độc, bi thương của mình, hắn cất tiếng hát. Âm ba tiếng hát phả lên mặt sông, lan tỏa ra vùng trời mênh mông hai bên bờ. Tiếng hát đi thẳng vào lòng người, réo gọi nỗi bi ai trong đó. Nỗi cô độc bi thương của cư dân hai bên bờ sông bỗng trào dâng trong lòng.

Mỵ Nương bàng hoàng xúc động, hai hàng nước mắt rơi xuống thấm ướt khung thêu:

– Ôi! Sao lại cô độc đến bước nầy. Sao lại bi thảm đến thế nầy.

Con đò đã đi qua, nhưng nỗi sầu bi cô độc vẫn còn tràn ngập trên mặt nước sông đầy. Mỵ Nương ngồi yên, bất động, ngẩn ngơ, thất thần, cứ để cho hai dòng lệ lan dài theo má, lại rơi trên khung thêu. Lâu lắm rồi, Mỵ Nương vẫn còn ngồi yên hóa đá, bỏ luôn bữa cơm chiều. Mẹ Mỵ Nương bồn chồn bất an đến thăm con, không hỏi được gì.

Chiều hôm sau, bất kể đến thân phận khuê nữ, Mỵ Nương đến cửa sổ nhìn xuôi theo bờ sông, ngồi trong màn chờ tiếng hát của anh lái đò. Tiếng hát chuyển tải nỗi cô độc sầu bi, thê thảm rót vào hồn Mỵ Nương. Chiếc đò vừa qua một doi đất nhô ra bờ sông. Phía bên kia doi đất một trang lầu cát tráng lệ nằm sát bến nước. Tấm màn cửa sổ vừa vén sang bên. Một đôi mắt sáng long lanh trao gởi cả niềm tin, hy vọng cho đối tượng. Trương Chi tiếp nhận ánh mắt rực lửa, khao khát, thiêu đốt cả tâm can mình. Hắn bàng hoàng say khướt, lỏng buông tay chèo, nhưng tiếng hát rót mật bi thương vào lòng Mỵ Nương vẫn vang lên trên sóng nước tràn vào bờ. Mỵ Nương mơ màng, đờ đẫn hớp từng giọt đắng bi thương trong tiếng hát nuốt trọn vào lòng. Trương Chi vẫn còn say bí tỉ ánh mắt Mỵ Nương, quên luôn bản thân mình, quên luôn cuộc đời mình. Tiếng hát bây giờ chuyên chở nỗi hoang mang, xao xuyến, tiếc nuối, băn khoăn, e dè, cô đơn xen lẫn sầu bi.

Con đò đã đi xa. Mỵ Nương không buồn lau nước mắt, hơi thở thật nhẹ nhàng. Cô lo sợ, nếu thở mạnh, âm thanh hỗn hào của tiếng thở sẽ đẩy tiếng hát Trương Chi rời khỏi phòng. Mỵ Nương lại bỏ bữa cơm chiều. Người mẹ buồn phiền, hoang mang, lo lắng đến ở phòng con gái để chăm sóc cho nàng.

Chiều ngày thứ ba, sắp tới lúc con đò đi ngang, Mỵ Nương bồn chồn thấp thỏm, bất an vì sự có mặt của người mẹ. Thần thái của Mỵ Nương không dấu được người mẹ. Bà âm thầm cam chịu, chờ đợi. Bà vẫn chưa biết mình chờ đợi cái gì. Rồi việc phải đến đã đến. Tiếng hát ngọt ngào, bi thương nhẹ nhàng rót vào tai mọi người.  Gương mặt thất thần, tái xanh của Mỵ Nương bỗng dưng đổi màu, khi trắng khi đỏ hồng. Khi con đò mang tiếng hát lướt ngang qua khuê phòng, Mỵ Nương không thể cầm lòng, vụt khóc òa lên. Người mẹ đến ôm con, hiểu ra mọi sự.

Mỵ Nương trải qua ba buổi chiều thấp thỏm chờ mong, con đò vẫn chưa chở tiếng hát đến cho cô. Cô không còn đi đứng hay thêu thùa nữa. Cô nằm suốt ngày. Người mẹ càng bối rối hơn. Ngoài vẻ buồn phiền, lo âu, trên nét mặt của bà còn xuất hiện vẻ hốt hoảng. Cuối cùng, người mẹ dằn lòng, cam chịu hỏi con:

– Con có muốn gặp anh chèo đò không?

Mỵ Nương e thẹn, hốt hoảng nhìn mẹ. Cô muốn biết dụng tâm của mẹ. Bà mẹ nhân từ nhìn con gái nhỏ nhẹ:

– Nếu con muốn, mẹ sẽ cho người gọi hắn đến. Hắn tên Trương Chi ở cách nhà ta vài dậm đường.

Mỵ Nương băn khoăn nhìn mẹ, hai hàng nước mắt dâng lên ướt mi, rơi xuống nền gạch đỏ. Nàng không dám dạ, cũng chẳng nỡ nói không. Căn phòng im vắng lạ thường. Từng chập, người ta nghe tiếng tức tửi nhẹ nhàng của Mỵ Nương.

Hôm sau, người tớ gái của Mỵ Nương hướng dẫn con đò cập vào cửa sau trên sông. Trương Chi được dẫn thẳng đến phòng Mỵ Nương với sự có mặt của mẹ nàng. Truong Chi dở chiếc nón lá ra khỏi đầu. Chiếc nón lá xùm xụp che gần hết khuôn mặt Trương Chi vừa được dở ra. Một khuôn mặt méo mó, sai lệch, không ra hình người vừa hiện ra:

– Trời! Mỵ Nương té xuông cùng tiếng thét.

Trương Chi rơi thẳng xuống chiếc đôn. Hắn đã tự hủy hoại hình tượng của mình trong lòng Mỵ Nương. Mỵ Nương uất hận hắn đã xúc phạm hình ảnh ngọt ngào, thân thương của anh chèo đò, kêu lớn:

– Anh đi đi. Anh không phải là hắn.

Trương Chi tự vẽ ra trong lòng mình, không biết bao nhiêu lần, hình ảnh của người có ánh mắt thần thánh đã nói lên tất cả niềm tin yêu trao gởi. Giờ đây, vừa gặp mặt, Trương Chi đã nhận ngay sự phủ nhận, sự chối từ độc địa, thô bạo nhứt: "Đúng, ta không thuộc về cỏi trần gian nầy." Trương Chi cầm nón đứng dậy, bước ra khỏi phòng.

Trong tình cảnh ngỡ ngàng đầy bi thương nầy, vẫn có một nét mặt hài lòng. Người mẹ tin rằng bà đã tháo gỡở đươc hình ảnh anh chèo đò ra khỏi lòng Mỵ Nương. Bà không biết rằng mình đã đẩy con mình vào điểm cùng cực của tuyệt vọng. Mỵ Nương vẫn ngày đêm nặng lòng tương tư anh chèo đò trong lòng cô, không phải anh chàng Trương Chi trong cõi đời thực tế. Mỵ Nương vượt qua thực tế để đến với một Trương Chi…ảo. Người mẹ bỏ qua những cảm xúc thực của con gái mình để hy vọng vào một giải pháp… ảo.

Những ngày dài âm thầm trôi qua. Những buổi chiều âm u không tiếng hát nặng nề trôi qua. Mỵ Nương chỉ còn là một cái xác không hồn, nằm bẹp dính trên giường. Cha Mỵ Nương nổi trận lôi đình, quát tháo ầm ĩ sai đầy tớ đi bắt Trương Chi.

Xế chiều, người tớ trung niên về thông báo:

– Thưa lão gia. Trương Chi đã không còn nữa. Người ta nói hắn ra bờ sông tọa thiền, rồi nhập định, rồi đi luôn. Khi hàng xóm phát giác ra, thì xác Trương Chi đã cứng, vẫn trong tư thế ngồi kiết già.

Mỵ Nương nghe xong liền kêu lên:

– Trương Chi, chờ em với.

Mỵ Nương ngừng thở.

Cả nhà vang lên tiếng khóc than bi thảm.

Trương Chi có trở lại được thế giới âm thanh hay không, không ai nói tới. Người ta chỉ nói đến tình sử của hắn.

Người trong làng nghe ra đoạn tình sử nầy, ai cũng sụt sùi rơi nước mắt. Thật là thảm thương cho những người yêu thương nhau, không được hiến dâng trọn vẹn cho nhau.

.

Nguyên Ngôn
Amersfoort, 14-04-2020


Cái Đình - 2020