Topa


Hai pho tượng bằng thạch cao.

 

Tôi quyết định đi bộ vô trung tâm thành phố thay vì ngồi xe ôm. Tôi phải tiết kiệm tối đa trước khi kiếm được việc làm.

Đường từ Saigon đến Dalat dài chỉ khoảng ba trăm cây số thôi nhưng tôi phải mất bốn tiếng đồng hồ ngồi trong xe, cộng một tiếng ngừng ở Bảo Lộc cho khách ăn uống và nghỉ ngơi; vậy mà đến giờ tôi vẫn chưa dám ăn hoặc uống mặc dù đang rất đói và rất khát.

Từ bến xe mới đi vô thành phố cũng không xa gì cho lắm. Năm mười cây số cuốc bộ là chuyện tôi vẫn làm thường xuyên, vừa tiết kiệm được tiền vừa khỏe đôi chân.

Bây giờ là bốn giờ ba mươi phút chiều và thời tiết có lẽ cũng lạnh nên tôi thấy những người đi trên đường ai nấy đều mặc áo ấm, chỉ có tôi là vẫn với cái áo sơ mi mong manh cố hữu nhưng tôi không thấy lạnh. Có lẽ vì cái nóng của Saigon vẫn còn lưu lại trong người tôi chăng.

Đi đến trước một cửa tiệm làm tượng rộng lớn trong trung tâm thành phố, tôi lấy tờ giấy ghi địa chỉ ra xem lại cho chắc chắn. Đây là tiệm làm tượng bằng thạch cao mà một người quen đã giới thiệu cho tôi. Theo lời của người quen này, nơi đây đang cần một người đàn ông giúp công việc nặng với điều kiện là, có hạnh kiểm tốt và còn sống độc thân. Chủ bao ăn và ở luôn tại chỗ làm. Tôi hội đủ hoàn toàn những điều kiện đòi hỏi nên tôi mạnh dạn đẩy cửa bước hẳn vô bên trong.

Một người đàn ông cao, ốm, đang loay hoay dời chỗ một pho tượng bằng thạch cao lớn, quay đầu ra cửa khi thấy tôi bước vô.

“Thưa ông, tôi được một người quen giới thiệu đến đây…”.

Người đàn ông nhìn tôi quan sát từ đầu xuống đến chân. Tôi đoán chắc ông là chủ nhân.

“Anh từ xa đến à?”

“Dạ, tôi ở Saigon và vừa ra đến đây. Tôi được một người quen giới thiệu và đây là giấy giới thiệu”.

Tôi vừa nói vừa lấy tờ giấy giới thiệu ra và đưa cho ông xem, nhưng ông không quan tâm đến mà nói:

“Tốt lắm, tốt lắm. Tôi đang cần một người giúp việc ở lại đêm”.

Ông chỉ tay vô các pho tượng bằng thạch cao rồi nói tiếp:

“Những pho tượng này thì bọn trộm chẳng thèm lấy làm gì đâu, nhưng bọn chúng muốn phá hoặc muốn thay đổi vị trí khi không tìm thấy được gì đáng giá ở đây. Công việc của anh sẽ là phụ giúp tôi làm tượng và mỗi ngày anh thay đổi vị trí của cái tượng khoác áo đầm màu đỏ một lần vào buổi tối khi đã đóng cửa. Phải thay đổi vị trí mỗi ngày để mỗi sáng ngày hôm sau tạo được sự chú ý của khách qua đường. Mỗi sáng anh phải nhớ để ý xem cái tượng khoác áo màu đỏ còn ở đúng vị trí như anh đã thay đổi hay không. Tôi có một phòng phía sau, gần ngay nơi làm việc, cũng tạm đầy đủ tiện nghi. Lát nữa tôi sẽ báo cho tiệm cơm biết và bắt đầu ngày mai người ta sẽ đem cơm đến đây cho anh mỗi ngày hai lần. Bây giờ anh đi nghỉ và tắm cho khỏe rồi mình cùng đi ăn cơm.

Tôi nhìn cái tượng khoác áo đầm màu đỏ nhưng không thắc mắc vì sao chỉ thay đổi mỗi cái tượng đó, trong khi tiệm có đến năm cái.

***

Tôi chờ ông chủ thay bộ đồ làm việc xong rồi tôi mới chỉ cho ông thấy cái tượng người phụ nữ khoác áo đầm màu đỏ, cái tượng mà ngày đầu đến nhận việc tôi đã thấy ông loay hoay dời đổi. Cái tượng này từ hai ngày qua tôi đã đổi vị trí nhưng cả hai lần cái tượng lại trở về chỗ cũ như có người đã dời đổi nó.

Ông chủ với vẻ mặt đăm chiêu và cử chỉ thì như bối rối khi tôi thuật lại cho ông nghe về chuyện cái tượng bị xê dịch. Ông vừa nói vừa đi lại bên thùng đựng thạch cao:

“Anh kiểm soát kỹ lại mọi thứ xem mình có bị mất thứ gì không?”

Tôi làm theo lời ông cho ông vừa lòng chứ tôi biết chắc là không thể có tên trộm nào vô được đây. Tất cả các cửa vẫn khóa chắc và chính tay tôi mở ra khi ông đến. Khi tôi đi ngang qua chỗ ông đang làm tượng, ông nói:

“Tôi đã nói khi anh đến đây mấy ngày trước là bọn trộm sẽ phá mình khi không lấy được gì đáng giá”.

Tôi định nói cho ông biết là không có một dấu vết nào chứng tỏ là có bọn trộm đã vô được đây. Nhưng, tôi lại thôi không nói và đi làm công việc mà tôi phải làm. Hôm nay tôi sẽ phụ ông làm một cái tượng phụ nữ mới theo như tấm hình mà ông để trên bàn.

***

Thành phố bắt đầu có mưa.

Mưa rơi mỗi lúc mỗi lớn hơn.

Mưa rơi trắng xóa mịt mù.

Mưa làm cho con đường mà tôi đang đi bỗng chốc trở nên vắng tanh không một người bộ hành nào trên đường nữa.

Tôi chạy thật nhanh đến đứng dưới mái hiên của căn nhà bên đường tránh mưa. Trước mặt tôi, dãy nhà phía bên kia đường tôi thấy một người phụ nữ cũng đứng tránh mưa. Người phụ nữ mặc áo đầm màu đỏ ngắn tay có hình những cành thông xanh làm nổi bật màu đỏ của cái áo. Tay cô cầm cái bóp màu trắng… Nhìn cô thật xinh và thật khêu gợi. Người phụ nữ có khuôn mặt đẹp như pho tượng được trang điểm môi son cũng đỏ tươi và hai cái má hồng, gợi cho tôi một hình ảnh quen thuộc mà hình như tôi đã gặp ở đâu rồi.

Có lẽ dòng nước đang chảy hai bên đường và chảy xuống dưới khu rạp hát Ngọc Hiệp xưa làm cho cô gái thích thú lắm hay sao mà cô cứ nhìn chằm chằm vô dòng nước mà không một chút ngẩng mặt lên. Cũng có thể cô ta biết tôi đang nhìn nên làm dáng chăng? Tôi nghĩ vậy rồi tự mỉm cười.

Mưa mỗi lúc mỗi mạnh hơn và sấm sét liên hồi. Tôi quay người để tìm cách đứng sát vô cánh cửa sắt đang đóng chặt cho khỏi ướt. Và, khi tôi quay lại nhìn qua bên đường thì, cô gái đã bỏ đi tự lúc nào rồi. Cô gái bỏ đi khi trời đang mưa tầm tã. Cô đi đâu nhanh vậy khi mà dãy nhà bên chỗ cô đứng tất cả đều đóng kín cửa. Suốt cả dãy nhà hơn trăm thước cũng không có một con hẻm nào dù nhỏ. Nếu cô có bước chân dài... bảy dặm thì cô cũng không thể đi nhanh đến nỗi tôi chỉ quay người qua rồi quay lại ngay mà thời gian không đến năm giây đồng hồ; thế mà không thấy cô đâu nữa. Thắc mắc nhưng tôi cũng chẳng để trong đầu làm gì.

Mưa có lẽ còn lâu mới dứt nên tôi đi lần theo các mái hiên nhà. Tôi phải về vì ông chủ tôi đang đợi tôi mang đồ về để hoàn thành sớm cái tượng phụ nữ mà ông và tôi mới bắt tay làm từ ngày hôm qua.

Tôi đứng sững nhìn chằm chằm vô cái tượng. Cái tượng phụ nữ khoác áo đầm màu đỏ từng bị đổi vị trí mấy lần qua. Tôi cứ đứng nhìn pho tượng đến nỗi không hay biết là ông chủ của tôi đã đến đứng bên cạnh tự bao giờ. Tôi nhìn sững cái tượng đến không thể thốt lên được một lời nào làm như cái miệng của tôi có một lớp keo làm cho hai cái môi dính chặt vô với nhau đến không thể mở ra được. Ông chủ của tôi lấy cái túi xách từ tay tôi tự lúc nào mà tôi cũng không hề hay biết. Tôi cứ đứng nhìn cái tượng và tự hỏi: Làm sao lại có thể có một sự trùng hợp đến kỳ lạ như vậy được?

“Anh bị sao vậy?”

Tiếng nói có hơi lớn của ông chủ làm tôi trở về với thực tại. Tôi kể cho ông nghe điều không thể nào tin được và đã xảy ra:

“Thưa ông tôi... tôi nói ra điều này có thể ông sẽ không tin nhưng thật sự thì... thì tôi mới vừa gặp một người phụ nữ đứng tránh mưa ngoài phố. Cô gái ấy và cái tượng này giống nhau như đúc. Giống từ khuôn mặt và màu son đỏ, giống luôn từ dáng người và... giống luôn bộ đầm màu đỏ và cái túi xách tay màu trắng”.

Ông chủ nghe tôi nói thì ông trợn tròn hai con mắt lên như có vẻ sợ. Tôi thấy hai cánh tay của ông run run như người bị lạnh. Nhưng, chỉ một vài giây sau là ông liền lên tiếng với thái độ cố tỏ ra bình tĩnh bằng cách đút cả hai tay vào trong túi quần:

“Tượng của mình làm đẹp nên sẽ có nhiều người bắt chước... cách trang điểm và cả trang phục. Tôi đã nói với anh là phải thay đổi vị trí của cái tượng để tạo sự chú ý của người qua đường… là vì vậy đó. Nếu lần sau anh có gặp lại... Mà thôi, mỗi người đều có lý do để biện luận cho những việc làm mà nhiều khi chúng ta cho là kỳ lạ, nhưng đối với họ thì lại không”.

Thay vì phải tiếp tục công việc, ông chủ của tôi liền đi thay quần áo rồi bước ra khỏi tiệm và cũng không có một lời nói nào thêm với tôi.

Tôi đi lại chỗ làm và tiếp tục công việc. Thái độ của ông chủ càng làm cho tôi chú ý đến cái tượng thường xuyên hơn.

***

“Quái lạ! Cái tượng lại bị thay đổi vị trí nữa”.

Tôi bực tức nói lớn vì tối hôm qua tôi đã định lấy sợi dây xích để xích vào chân tượng cô gái với những tượng khác. Nhưng, tôi nghĩ làm như vậy hóa ra tôi cũng tin là cái tượng tự nó có thể chuyển đổi vị trí được sao. Tôi không tin - dứt khoát không bao giờ tin có chuyện hoang đường ở cái tượng - chắc chắn phải có người nào đó làm chuyện này chứ không thể tự nhiên mà như vậy được. Một điều mà tôi biết chắc là ông chủ của tôi không làm việc đó như là muốn nhát tôi hay muốn thử xem tôi có sợ ma hay không. Vậy thì ai vô đây? Tôi sẽ hỏi ông ấy xem ngoài ông và tôi ra, còn ai giữ chìa khoá cửa ở đây nữa.

Bây giờ đã là ba giờ mười lăm phút sáng rồi. Hai cái mí mắt của tôi như có hai khối đá nặng treo lên đó làm cho nó chỉ muốn sụp xuống, tuy tôi đã uống đến bốn ly cà-phê-đen-đậm-đặc-không-đường. Đêm nay tôi cố thức để canh cái tượng xem ai lại muốn thay đổi vị trí như là để nhát tôi, vì ông chủ của tôi đã xác nhận là chỉ có ông và tôi là có chìa khóa cửa mà thôi. Nhưng,  đến giờ này thì vẫn chưa có chuyện gì lạ xảy ra cả.

Tôi vừa đi đến cửa phòng ngủ thì tôi có cảm giác là cái tượng cô gái đang nhìn tôi trừng trừng như muốn tôi đừng đi vô phòng. Chưa kịp quay người lại nhìn thì thình lình tiếng nói được phát ra từ cái miệng của cái tượng cô gái:

“Tôi bị lạnh quá anh ơi. Lúc nào tôi cũng bị lạnh không những vì khí hậu lạnh mà vì dòng nước như lúc nào cũng chảy trên mình tôi, nên tôi... nên tôi… nên tôi muốn đứng sát vô những người này cho ấm. Anh đừng bao giờ có ý nghĩ xích chân tôi lại vì như vậy nó vừa nặng lại vừa đau nữa mà tôi thì không thể nào di chuyển để tìm được hơi ấm bên những người này”.

Không hiểu sao tự nhiên tôi lại trả lời như thể là tôi đang nói chuyện với con người mà tôi thì không hề ý thức được.

“Không, tôi sẽ không bao giờ làm chuyện đó đâu. Cô nói cô bị lạnh à? Vậy tôi phải làm gì cho cô được ấm đây?”

“Anh cho phép tôi được đứng cạnh bên những người này thì tức khắc hơi ấm của họ sẽ tỏa sang tôi và tôi sẽ hết lạnh ngay”.

Tôi nhìn qua “những người” mà cô gái ám chỉ, nhưng đó chỉ là những pho tượng bằng thạch cao vô hồn nên tôi nói:

“Tôi cho phép đó. Vậy cô cứ đi lại đứng gần mấy người đó đi”.

“Anh phải giúp tôi chứ. Anh ẵm tôi đi vì tôi đang bị lạnh quá... Lẹ lên đi anh, lẹ đi anh...”

Nghe cô gái hối thúc nên tôi vội vàng bước nhanh đến bên cô rồi đưa cả hai tay ra ôm bổng người cô lên.

“Bây giờ thì anh hết chối cãi rồi nhé. Chính anh đã làm chuyện này thế mà anh lại cứ cho là chuyện tự nhiên như là có ma quỷ vô đây làm chuyện đó”.

Tôi đứng sững nhìn ông chủ mà không hiểu chuyện gì vừa xảy ra với tôi. Nhưng, rõ ràng là tôi đang ôm cái tượng cô gái khoác áo đầm màu đỏ và di chuyển cái tượng đến đứng sát bên những cái tượng kia. Tôi nhìn ông chủ và cố giải thích cho ông hiểu là tôi vừa trải qua một cơn mơ mà như thật:

“Thưa ông...”

“Anh có nghĩ là anh bị... bị bệnh tâm thần không?”

“Thưa ông...”

“Có lẽ lát nữa khi trời sáng tỏ anh nên đi khám bệnh đi. Tôi thấy anh như vậy là nặng rồi đấy”.

“Thưa ông...”

“Tôi cứ suy nghĩ về sự chuyển đổi của cái tượng nên suốt cả đêm tôi không thể nào nhắm mắt được, vì vậy tôi đến đây vào giờ này để xem ra sao. Bây giờ thì tôi đã biết, tôi đã chứng kiến là chính anh làm chuyện đó”.

“Thưa ông...”

“Tôi cho phép anh nghỉ làm buổi sáng nay để đi khám bệnh”.

“Thưa ông...”

“Phải chữa trị ngay từ bây giờ chứ không thì rồi đây anh lại dám... làm bậy bạ với cái tượng đó lắm đấy”.

“Thưa ông...”

“Bây giờ mới năm giờ, tôi đến quán cà phê Tùng xem có thể vô đó uống cà phê được không rồi khi tôi quay lại thì anh phải đi khám bệnh ngay mới được”.

“Thưa ông...”

Ông chủ của tôi không muốn nghe tôi trình bày. Ông bỏ đi không ngoảnh mặt nhìn lại tôi. Tôi nhìn cái tượng cô gái bằng thạch cao rồi bỗng nhiên tôi phá lên cười như tôi đang lên cơn điên vậy. Tôi mệt mỏi quay người định đi về phòng thì, ngay lập tức tôi lại nghe rõ ràng tiếng người con gái nói với tôi:

“Sao anh không đem tôi đứng cạnh bên mấy người kia mà lại để tôi đứng đây. Tôi lạnh lắm rồi anh có biết không”.

Tự nhiên tôi nổi nóng và nói lớn tiếng:

“Cũng tại cô đó cô có biết không. Rồi đây ông chủ của tôi sẽ không bao giờ còn tin những gì tôi nói nữa. Cô có bị lạnh thì cô... làm sao cho hết lạnh thì làm đi chứ tại sao lại bắt tôi phải làm cho cô chứ”.

“Nhưng anh phải giúp tôi vì tôi đang bị lạnh quá nên không tự di chuyển được”.

“Này, cô đừng làm tôi nổi nóng nhé. Ông chủ của tôi mà quay lại ngay lúc này thì tôi sẽ ăn nói, sẽ giải thích làm sao với ông ấy đây”.

“Anh đừng lo, tôi sẽ nói thay cho anh vì ông chủ của anh chính là ba của tôi mà”.

Tôi cười lên sằng sặc khi nghe cô gái nói cô là con của ông chủ của tôi.

“Cô dám dựng ra một câu chuyện tồi tệ đến như thế với ông chủ của tôi à. Ông chủ của tôi không có gia đình. Còn tôi thì cũng chưa bao giờ có một hành động vũ phu nào với phụ nữ cả. Nhưng, tôi phải bịt miệng cô lại để cô đừng lảm nhảm những chuyện vô lý với tôi nữa”.

“Đừng! Anh đừng làm như vậy với tôi. Anh cứ nói với ông chủ của anh điều mà tôi vừa nói. Nếu anh không giúp tôi thì rồi tôi sẽ chết vì lạnh đấy”.

Tôi giật mình đến gần đứng tim khi từ phía sau lưng tôi bỗng có một bàn tay đặt lên vai  tôi. Quá sợ, tôi ngã quỵ xuống tại chỗ và lịm đi.

***

Có lẽ trên thế gian này sẽ không bao giờ có quốc gia nào, không có gia đình nào lại có một cái đám tang giống như cái đám tang tại nhà ông chủ của tôi hôm nay. Đám tang cũng có cái hòm như bình thường, cũng có nhang, cũng có đèn, cũng có giấy tiền vàng bạc, cũng có mâm cơm... cùng đủ mọi thứ… linh tinh như những đám tang bình thường khác. Nhưng, trong cái hòm thì thay vì là xác người thật thì lại là pho tượng cô gái bằng thạch cao với bộ đầm màu đỏ.

Khi ông chủ của tôi từ quán cà phê Tùng quay trở lại vì quán chưa mở cửa và ông nhìn thấy tôi đang chuẩn bị bịt miệng cái tượng cô gái như thể tôi đang hành động với người đang còn sống, thì ông đã đến bên tôi rồi đặt nhẹ bàn tay lên vai tôi cho tôi tỉnh lại nhưng, tôi đã bị ngất đi vì quá sợ.

Tôi phải giúp ông chủ của tôi. Tôi phải cộng tác tận tình với ông để làm việc này mà không để lộ ra cho bất cứ một người nào biết chỉ vì ông là ông chủ tốt - rất tốt!

Tôi ngồi im lặng nhìn cái hòm mà không biết nên có thái độ ra sao. Nhưng, quả thật đến bây giờ tôi vẫn còn sợ quá. Tôi không thể làm vẻ mặt buồn rầu hay khóc lóc như ông chủ của tôi đang khóc. Tôi không thể lạy cái tượng như ông chủ tôi đã và vẫn đang thỉnh thoảng lạy. Nhưng, tôi luôn thầm thì trong miệng những lời van xin cô đừng hiện về cho tôi thấy nữa. Tôi đã quyết định là sau khi đốt cái áo quan có pho tượng phụ nữ bên trong là tôi cũng sẽ từ giã nơi đây để về lại Saigon, mặc dù ông chủ đã hết lời mời tôi ở lại.

Ông chủ của tôi kể lại là, một ngày kia ông và cô con gái của ông đi xem một miếng đất ở trong  khu rừng thuộc thị trấn Đơn Dương. Cô con gái của ông vì mãi vui chơi với dòng suối mát lạnh và rồi chẳng may cô bị trợt chân té xuống thác nước và bị nước cuốn trôi đến không bao giờ còn tìm thấy xác. Quá đau buồn và nhớ thương cô con gái bạc phước nên ông đã tạc tượng cô để vừa trưng bày trong tiệm vừa để làm kỷ niệm. Pho tượng đã có nhiều lần tự thay đổi vị trí mà ông thì đinh ninh đó là do bọn trộm đã cố tình làm như vậy vì không kiếm được gì quý giá. Ông đang tìm một người làm còn độc thân để ở đêm lại tiệm thì tôi đến. Khi tôi kể cho ông nghe về chuyện tôi đã gặp người phụ nữ giống như cái tượng của ông thì ông biết ngay đó là cô con gái của ông hiện về, nhưng vì không muốn cho tôi sợ nên ông cứ cố nói tránh đi là tôi bị bệnh cho đến khi ông nhìn thấy tôi ôm cái tượng và sau đó là định bịt miệng cái tượng thì ông biết là ông phải hỏa thiêu pho tượng để cho cô con gái yêu quý của ông được siêu thoát.

“Tôi muốn anh ở lại làm việc với tôi”.

“Thưa ông, tôi rất muốn làm việc với ông vì tôi cũng đang cần việc làm nhưng...”

“Anh sợ à”?

“Thưa ông, tôi rất sợ khi nhìn những pho tượng ở đây vì cô con gái của ông nói những pho tượng này đã sưởi cho cô được ấm. Ngoài ra thì...”

“Thì sao?”

“Ngày hôm qua tôi thấy cái tượng người phụ nữ mặc áo đầm màu trắng có gương mặt giống hệt như cô con gái của ông mà ông và tôi vừa làm xong...”

Ông chủ với vẻ mặt nhợt nhạt vội vàng đưa cả hai bàn tay chụp vô vai tôi và hỏi:

“Cái tượng đó... đã làm gì anh vậy?”

“Đêm hôm qua tôi nhìn thấy cặp mắt của cái tượng đó nhìn tôi trừng trừng như muốn tôi phải đi khỏi nơi này nếu không thì...”

Ông chủ tôi ôm mặt rên lên đau khổ:

“Nếu vậy thì có lẽ đã đến lúc tôi cũng phải bỏ nghề làm tượng rồi. Tôi làm cái tượng đó là cũng vì tôi nhớ đến vợ của tôi bị chết tan xác khi chiếc xe chở bà rớt xuống đèo Bảo Lộc và bốc cháy”.

Ông chủ ngưng nói và nhìn ra nhà trước, nơi có cái tượng người đàn bà khoác áo đầm màu trắng.

“Không lẽ... mẹ con nó chết cùng vào giờ linh thiêng cả hay sao mà lại hiện về nhát anh như vậy chứ”.

Ông nắm chặt cả hai bàn tay tôi và khẩn khoản nói:

“Tôi thông cảm cho anh nên tôi sẽ không giữ anh ở lại đây thêm nữa. Tôi trả thêm cho anh ba tháng lương để anh có chút phương tiện xoay xở trong khi chờ kiếm công việc mới với một điều kiện là: Đừng bao giờ anh kể chuyện này ra cho bất cứ người nào nghe, anh nhé”.

“Dạ, tôi xin hứa với ông”.

“Vậy anh hãy đi thu xếp đồ đạc để kịp chuyến xe chiều nay về lại Saigon”.

Khi tiễn tôi, ông ân cần dặn thêm:

“Công việc sau này ra sao thì thỉnh thoảng anh hãy ghé lại đây cho tôi biết tin, anh nhé”.

“Dạ. Tôi cám ơn ông đã giúp đỡ tôi. Tôi hứa sẽ quay lại thăm ông”.

***

Tám tháng sau.

Bây giờ tôi là tài xế xe hàng chạy đường Saigon - Huế. Trong một lần chở hàng lên cao nguyên tôi đã ghé thăm ông nhưng nhà đóng cửa. Những người xung quanh cho tôi biết là, khoảng hai tháng trước từ trong nhà ông xông ra mùi hôi nồng nặc nên công an đã phá cửa để vô trong thì nhìn thấy ông nằm chết trần truồng đã chục ngày rồi. Khi đó ông đang nằm đè lên một cái tượng phụ nữ bằng thạch cao cũng khỏa thân.

Cho đến hôm nay, mười mấy năm đã trôi qua rồi nhưng căn nhà của ông chủ tôi vẫn còn bỏ hoang vì người ta nói căn nhà có ma. Người ta đồn rằng: “Ban đêm không một người nào dám đi qua trước nhà ông. Người nào đi qua cũng nhìn thấy hai vợ chồng và cô con gái suốt đêm ngồi làm tượng trước cửa nhà.

.

Topa (Hòa Lan)


Cái Đình - 2019