ToPa


Giận Anh

.

Chị đứng nhìn dãy núi phía xa thật xa và nghĩ thầm: “Trong núi đang có nắng mà ngoài này thì cũng bị nắng nóng quá. Giờ này mà những người trong núi đó phải bị làm công việc khổ sai thì quả là khổ thật.” Nắng nóng đến độ mấy con chó nơi căn nhà mà Chị đang đứng tránh nắng phải thè lưỡi và thở hồng hộc như không còn muốn làm nhiệm vụ canh giữ nhà. Mấy con chó bị khí nóng bủa vây nên đã không lên tiếng sủa khi mấy người lạ đến đứng dưới mái hiên nhà. Bóng của căn nhà hơi nghiêng theo kim đồng hồ. Mùa này gió nóng từ Hạ Lào thổi đến làm cho Chị và những người đàn bà bị mồ hôi tuôn ra làm ướt hết cả lưng.

Bà chủ căn nhà đang đi gọi cho Chị và những người đồng hành những chiếc xe do trâu kéo. Chỉ những con trâu mới có sức đưa đoàn người đi vô trong núi vì không có đường cho xe chạy. Chị mong sao ngày hôm nay Chị được vô trong núi vì, đã ba ngày rồi Chị mới đi được đến đây. Quãng đường dài hơn ngàn cây số từ Saigon ra Hà Nội, rồi Từ Hội đến đây nữa vị chi cũng cả ngàn rưỡi ngàn sáu trăm cây số. Hai cái túi Chị luôn mang bên mình thì chứa đầy thức ăn khô và ướt, nhưng, dù đói lắm mà Chị cũng không muốn làm cho nó vơi đi. Chị sợ thời gian dài ngày quá cộng với khí hậu nóng sẽ làm cho các món ăn bị hư.

Hai chiếc xe do hai con trâu kéo sẽ đưa Chị và mười một người đàn bà miền Nam vô trong núi. Hai con trâu theo Chị thì ốm quá, ốm hơn những con trâu mà Chị từng nhìn thấy mỗi khi về thăm nhà nơi vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hai con trâu ốm nhom ốm nhách giống như hai thằng bé đánh xe trâu nhưng hai đứa lại ăn nói vô cùng mất dạy. Hễ hai đứa mở miệng ra thì câu đầu tiên luôn là hai chữ địt mẹ. Chị không ngờ có ngày Chị lại có mặt ở nơi này. Bên cạnh Chị, những người đàn bà đồng hành và cùng đồng cảnh ngộ cũng không ai dám mở miệng nói câu nào. Mọi người chỉ biết nhìn nhau như để thông cảm với nhau thôi. Họ sợ hai thằng bé đánh xe trâu sẽ báo cáo với cán bộ trại giam thì xem như cuộc hội ngộ với người thân sẽ không được diễn ra.

Xe trâu đi ngang qua cái đồi thấp có đầy cỏ tranh. Chị nhìn thấy trên đồi có sáu ngôi mộ nhưng không có bia, mới chỉ có bảng cây lộn xộn. Chị cố gắng đọc những hàng chữ, tên tuổi của những người xấu số lạ hoắc. Chị nhìn quanh nhưng không thấy xóm nhà nào cả nên Chị cũng không biết những người nằm kia ở vùng nào. Bất ngờ thằng bé đánh xe trâu lên tiếng như muốn giải đáp thắc mắc của Chị và những người đàn bà miền Nam khốn khổ. Nhưng, vì giọng nói của thằng bé khó nghe quá nên mãi lúc sau Chị mới hiểu: “Địt mẹ… đấy nà mộ của những thằng nính Ngụy đấy. Trại giam cũng gần đây thôi.” Khi hiểu được thằng bé nói gì, Chị lại cố đọc những tên tuổi trên các tấm bảng nhỏ. Những dòng chữ viết nguệch ngoạc nhưng Chị không thấy tên Anh. Trái tim của Chị từ nãy giờ cứ đập mạnh liên hồi. Chị cầu mong Anh được an lành thì rồi cũng sẽ có ngày trở về với Chị. Chị bỗng nhớ lại buổi tối ngày 3 tháng 5 năm 1975. Khi đó Chị đã chuẩn bị lập bàn thờ vì Chị tin chắc Anh sẽ không còn trở về nữa. Thế mà Anh đã trở về. Anh kể: “Sau trận đánh buổi sáng sớm ngày 30 tháng tư thì trung đội anh chết hai phần ba và bị địch bao vây. Trước lịnh đầu hàng của Dương Văn Minh thì anh bị bắt. Sáng hôm nay anh được thả và họ nói, hòa bình rồi nên chúng tôi cho anh về.”

Bóng chiều đang dần trôi vào không gian thì hai cái xe trâu cũng vừa đến cổng trại. “Thật may mắn quá.” Chị sợ nếu không đến trại kịp mà còn ở trong rừng thì… Chị không dám nghĩ tiếp.

Bà cán bộ dẫn mấy người thanh niên trẻ đến. Sau này Chị biết đó là những người tù hình sự được giam chung với tù chính trị. Những người tù hình sự giúp hướng dẫn những người đàn bà miền Nam đi thăm chồng đến hai cái nhà tranh. Bà cán bộ nói: “Các chị ở đây qua đêm, sáng ngày mai sẽ có cán bộ đến hướng dẫn làm thủ tục thăm gặp người thân.”

***

Hai chiếc xe trâu, hai chiếc xe ọc ạch và đầy bụi bặm đang chở mấy người đàn bà miền Nam về lại nơi xuất phát. Chị nhìn theo hai chiếc xe. Chị lo sợ… biết làm sao đây. Viên cán bộ trại giam được Chị cho tiền và nhiều thức ăn cùng Chị đi lên đồi cỏ tranh, nơi có sáu ngôi mộ mà Chị đã nhìn thấy ngày hôm qua. Viên cán bộ có lẽ có chức vụ cao đã nói với Chị: “Tôi che mắt cho Chị làm chứ quy định thì cấm. Chị nhớ làm cho mau nhé.” Chị đi đến cái mộ thứ năm và, khi nhìn thấy tấm bảng cây viết tên Nguyễn Ngọc Thanh, Chị liền quỵ xuống làm cho viên cán bộ phải hoảng hốt đỡ Chị lên. Cuối cùng Chị cũng đem được từng khúc xương lên… Chị ngẩn người khi nhìn thấy cái sọ của Anh. Thời gian mòn mỏi từ ba năm qua đã vắt cạn nước mắt Chị. Lấy nhau được đúng hai ngày, Anh phải trở về đơn vị khi tỉnh Long Khánh báo động chuẩn bị đón đại quân địch đang trên đường đi tới. Mặt trận Xuân Lộc đã kéo Anh ra khỏi Chị và đưa Anh trở về với đồng đội. Cuộc chiến ngừng thì Anh lại bị đưa đến một nơi chưa từng có dấu chân người đến trước đó.

Chị chỉ mới biết thân thể Anh và mùi mồ hôi của Anh. Chị chưa kịp biết rõ hết tính tình của Anh, nhưng, chị biết chắc Anh rất ngang tàng và dũng cảm với kẻ thù, nhưng lại rất hiền với phụ nữ. Anh chưa kịp để lại cho Chị sự buồn phiền nào, nhưng vết thương lòng thì lại quá nhiều. Chị còn rất trẻ và tương lai thì còn dài nhưng đầy chông gai phía trước.

***

Khi tôi đến nơi thì trời đã chập choạng. Những con đường trong thành phố trước kia vào giờ này đầy ánh sáng, nhưng nay thì con đường nhỏ này đang nhờ nhợ tối vì không có một thứ ánh sáng nào chiếu xuống. Nhà cửa hai bên đường tối thui vì quận này đêm nay không có điện. Căn nhà tôi đến là căn nhà nhỏ nhưng rất xinh xắn vì có bờ dậu trước hiên nhà. Chủ nhân căn nhà là người phụ nữ mà tôi gọi là Chị. Chị kiếm sống bằng công việc buôn bán quần áo cũ ngoài chợ trời Saigon. Kiếm được bao nhiêu tiền Chị đều đưa cho tôi để tổ chức cho chuyến vượt biển. Công việc tổ chức đã theo đúng như kế hoạch và, chuyến vượt biển dự định sẽ khởi hành vào tuần tới. Chị đón tôi rất niềm nở. “Rất mừng và rất hân hạnh được tiếp anh tại nhà.” Tôi nhìn quanh căn nhà đang được chiếu sáng bởi hai cái đèn dầu. Ngôi nhà nhỏ mỗi bề chỉ vài mét nhưng rất ấm cúng đã gợi một bầu không khí nhẹ nhàng và dễ chịu. Đây là lần đầu tôi đến đây.

Ngôi nhà của Anh Thanh hôm cưới Chị rất đẹp và khá lớn. Nhưng, vì Anh và Chị chưa kịp làm hôn thú nên khi Anh bị tập trung thì ngôi nhà đã được nhà cầm quyền “mượn” làm cửa hàng phân phối thực phẩm nên Chị phải đến sống trong con hẻm này. Lần đầu tiếp xúc với Chị, trực giác của tôi đã cho biết Chị là người mạnh mẽ và đáng mến. Hôm đám cưới của Anh Chị, khách khá đông so với diện tích căn nhà của Anh. Ba phần tư khách đến chung vui là lính chiến. Tôi thuộc thành phần một phần tư. Nếu cuộc chiến vẫn tiếp diễn thì cuối năm đó tôi cũng sẽ là lính. “Anh làm gì mà đứng thừ người ra vậy?” Tôi trở về với hiện tại khi Chị đem ra cho tôi lon bia kèm theo câu hỏi. Chị nói tiếp: “Tôi giận Anh Thanh hoài. Nếu ảnh nghe tôi thì… đâu đến nỗi phải bỏ xác trên đồi tranh hoang lạnh đó.”- “Chuyện qua lâu rồi mà Chị vẫn còn giận anh Thanh hoài vậy sao?” - “Đàn bà nói giận tức là vẫn còn thương đó anh ơi. Hôm ảnh được thả về để chờ ngày đi trình diện, tôi nói ảnh hãy mau mau tìm đường rồi vợ chồng cùng đi. Nếu có chết thì mình cũng được chết cùng nhau. Ảnh nói người ta tha mình về theo chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc. Nay mình bỏ đi tức là mình vẫn muốn chống lại họ. Em nghe anh, mình không đi đâu hết. Học tập đôi ba tuần rồi về chứ có lâu lắc gì đâu mà phải bỏ trốn chứ. Sau này có lẽ ảnh hối hận quá nên cùng mấy người bạn trốn tù và… bị xử tử hình.”

***

Xem như tôi là bạn rất lâu năm của Chị. Chị và tôi nay không còn trẻ nữa. Bốn mươi ba năm trôi qua kể từ ngày đen tối và đau thương của đồng bào miền Nam nhưng, sự nghi kỵ hận thù và chia ly thì vẫn như ngày hôm qua. Công việc của tôi quá bận rộn nên những ngày sinh nhật của Chị tôi không về thăm Chị được mà chỉ gời quà và những lời chúc mừng Chị qua đường bưu điện. Khi mới qua đây tôi vẫn thường mong Chị tìm được hạnh phúc vì Chị còn quá trẻ. Có lần qua điện thoại Chị nói với tôi: “Làm sao có hạnh phúc khác được khi lúc nào trong lòng tôi cũng giận Anh Thanh đến không nguôi. Tôi cũng cố gắng tìm cho mình cái hạnh phúc gia đình nhưng tôi chỉ thấy cái bóng cũ của ngày xưa thôi. Tôi chỉ thật sự hạnh phúc và tìm thấy sự bình yên của tâm hồn khi ngồi trước tấm hình ngày tôi bước chân lên xe hoa. Phải chăng đó là thứ hạnh phúc hư ảo, hạnh phúc cô đơn.” Tôi hiểu Chị khó quên được Anh. Làm sao quên cho được khi Chị vừa đến tuổi yêu đương đã gặp được người đàn ông từng trải, lịch sự và rộng lượng. Quen nhau hơn năm trời nhưng không tuần nào Anh không có thư và quà cho Chị.

Bây giờ thì tôi đang đứng trước căn nhà lớn và đẹp của người đàn bà mà tôi hằng kính trọng và thương yêu. Hôm nay tôi phải có mặt ở đây để mừng sinh nhật năm thứ sáu mươi lăm của Chị. Khách mời cũng đông như ngày Chị từ giã đời sống độc thân để về với Anh. Rượu nhiều mà thức ăn cũng rất nhiều. Trong khi mọi người đang ăn uống chuyện trò với nhau thì Chị đứng và nói: “Tôi xin đọc một bài mà tôi mới biết để quý vị hiểu thêm vì sao tôi, đến giờ phút này vẫn thần tượng một người đàn ông, mặc dù người đàn ông đó thật sự sống với tôi không được nhiều ngày. Nhưng, quen biết nhau thì đúng bốn trăm mười tám ngày.” Cả phòng im lặng và mọi con mắt đều nhìn về phía Chị khi Chị cất tiếng ngâm:

Em mãi nhớ về
Một thuở xa xăm
Nhớ những con đường
Mình đã đi qua
Nhặt lá ngô đồng, hát khúc tình ca
Nghe chuông vọng âm vang lời Phật dạy
Tay trong tay
Mắt trong mắt
dấu ái long lanh tiếng gọi thì thầm…
Nghĩ mà “giận anh”
Hạnh phúc đơn sơ anh đành lỗi hẹn?!
Để em chữ thẹn với cỏ cây
Một bước em đi, một lần cúi mặt
Tủi tủi hơn hờn
Có có không không
Nghe hiu quạnh níu từng hơi thở nhẹ…

Bây giờ
Anh đang ở đâu
Đang ở đâu?
Tháng bảy mưa ngâu
Bờ dậu trước nhà ngậm ngùi nuốt lệ
Em chờ anh dâu bể trùng trùng…

(Kim Thành - Giận Anh)

Dường như tôi thấy Chị đang khóc. Những giọt nước mắt màu ngọc bích… Hay là những giọt nước mắt của tôi đang rơi vào ly rượu cầm trong tay?

.

ToPa (Hòa Lan)


Cái Đình - 2018